NƠI SÔNG VÀO THÀNH PHỐ
[Sến thi!]
÷÷÷÷÷÷
Nơi sông vào thành phố
Tĩnh lặng thẳm sâu biếc xanh rợn người
Tạm ngừng chảy
Sau những dặm dài mải miết giữa trập trùng đá gầm réo thác ghềnh
Một chút nghỉ ngơi
Mệt mỏi thiêm thiếp ngủ
Đôi bờ chưa thành phố
Chưa nhà cao tầng
Chưa ồn ào
Chưa bụi bặm
Đôi bờ ru êm tiếng cỏ cây
Miên man hoa dại
Líu ríu tiếng chim
Ran ran tiếng dế
Mơ mộng cánh chuồn kim ngái ngủ
Nơi sông vào thành phố...
Khúc sông tuổi thơ
Nơi gửi những buồn vui cứ xa dần xa dần
Chập chờn hư thực
Thẳm sâu
Thẳm sâu
Chính ở khúc sông này
Tôi ném xuống
Kỉ niệm buồn
Mối tình thủa học trò
Nỗi thất vọng khi ngôn từ bất lực
Niềm đắng cay khi gặp những bội bạc, tráo trở
Nỗi buồn chán những tháng ngày ơ hờ nhàm tẻ...
Nơi sông vào thành phố
Tĩnh lặng
Biếc xanh
Thăm thẳm
Ô kìa!
Tím biếc.
HIU QUẠNH
Nghe và ghi lại
_____
Sân ga nhỏ những ai từng đưa tiễn
Những ai từng chờ đón người về
Những chuyến tàu xuôi Nam mải miết
Người đi
Một lần
Những mối tình dang dở
Những cuộc đời dang dở
Sân ga góa bụa
Sân ga côi cút
Sân ga lặng câm
Mùa đông năm ấy
Mãi mãi là mùa đông
Người thiếu nữ ngày nào
Thành người đàn bà đơn thân
Mắt gần như không nhìn thấy ánh sáng
Chiều đến
Vẫn ra đây
Ngóng đợi người về
Những chuyến tàu ngày càng thưa vắng
Sân ga không bóng người
Những chuyến tầu không đi
Không đến
Ngày buồn lặng
Người đàn bà không còn đủ sức
Bà nhờ người đưa đến đây
Lần cuối cùng chờ chuyến tầu lên muộn
Rồi lặng lẽ ra đi
Trên chuyến tàu
Của mình.
BÊN NGOÀI CỔ TỰ...
[Để nhớ một bữa cuộc vui bày...]
÷÷÷
Bọn ta không hành hương cổ tự
Quán bên đường tụ bạ. Sá gì
Thằng nào uống. Thì thằng ấy gọi
Hình hài tự tạc. Khúc sầu bi...
Khỏi cần tạc lên gỗ lên đá
Rồi đặt bày điểm nhãn nhập thần
Im lìm chết buồn thiu quạnh vắng
Chết ngạt cùng van vái khói hương.
Bọn ta quán ven đường tự tạc
Ta nhìn lòng dạ thấy thất kinh
Tà dương loang loáng! Buồn. Buồn nẫu
Chân dung là đây. Cõi bụi trần.
Thằng thứ nhất mặt sầu héo hắt
Nhìn y! Ê buốt cả ruột gan
Trầm ngâm! Và hình như câm bặt
Trời ơi! Thấy cả thế gian buồn.
Thằng thứ nhì dáng hình que củi
Vật vờ đời nhầu nhĩ te tua
Nghèo mạt rệp hiện hình quần áo
Thôi thì nhếch mép cứ cười đùa.
Thằng thứ ba một đời công chức
Chỉn chu dày giép mặt vô hồn
Cứ mở miệng là đúng khuôn phép
Nhìn mày! Buồn không thể buồn hơn.
Thằng thứ tư vung tay chém gió
Gào to "tiền nhiều để làm gì?!"
Ngu một đời! Lợi danh theo đuổi
Giờ một mình. Khóc. Khóc. Khóc đi.
Thằng thứ năm mặt như tiền lạnh
Tiền oan nghiệp chướng lãnh đủ rồi
Ngoại lục tuần đành thôi chấp nhận
Cuối đời, y quyết định dong chơi.
Ngồi bên ta là thằng thứ sáu
Cầm, kì, thi, tửu...lộc trời cho
Mà sao mặt buồn. Buồn nhức nhối
Cả một đời gỡ mãi không ra.
Thằng cuối cùng là ta. Thứ bảy
Nguyện một đời làm kẻ vô danh
Khóc người xưa? Ta không rỗi việc
Cũng chẳng đau theo lòng chúng sinh!
Ngồi đây! Bảy thằng. Hoàng hôn sẫm
Tự tạc chân dung. Vậy vậy thôi
Bằng xương bằng thịt bằng cười khóc
Giữa nhân gian một chốn lưu đày.
Tiếng chuông vọng từ ngôi cổ tự
Hiện sinh tiền kiếp não quá chừng!
Người người đi lễ chập chờn mặt
Ta vẫn thấy lòng ta dửng dưng.
BIẾT NÓI GÌ VỚI BẠN
Biết nói gì với bạn bây giờ?
Buồn. Thật buồn...
Không thể khóc
Đành cười
Cười héo hắt...
Biết nói gì với bạn?
Còn hơn cả buồn
Tái tê và nghẹn đắng
Thôi đành lặng im
Cố giữ trong lòng
Khốc khô mắt
Lén quay nhìn chỗ khác
Lệ hoen nóng bỏng...
Biết nói gì với bạn?
Còn hơn cả nỗi tủi nhục
Thăm thẳm trời đêm không dám ngước mắt nhìn
Xấu hổ ngậm ngùi trước những ngôi sao xa xăm vời vợi sáng
Nơi chúng ta ngồi lạnh vắng
Nhói buốt
Ai sẻ chia cùng?
Ta đâu dám cao ngạo để hét to giữa đất trời
Lũ chúng ta lạc loài
Sinh nhầm thế kỉ! (•)
Ta đâu dám độc hành ca giữa thâm sơn cùng cốc bặt lối trở về?
Ta đâu dám ước một trận mưa năm mươi ngày năm mươi đêm thanh tẩy?
Cuốn sạch đi tất cả
Xóa
Xóa
Xóa
Mặt đất chỉ còn những bùn lầy
Dần khô
Màu xanh sẽ tái sinh...
Ta không dám nghĩ một ngày không xa một cơn bão khổng lồ một trận cuồng phong đen thổi bay và quét sạch...
Biết nói gì đây?!
÷÷÷÷
(•) Ý thơ Vũ Hoàng Chương.
LINH SƠN
[Đạp xe loăng quăng chợt nhớ Cao Hành Kiện]
÷÷÷
Linh Sơn! Linh Sơn! Linh Thứu Sơn!
Linh địa
Ác địa
Hung địa
Hiểm địa
Âm âm lam chướng
Mờ mịt lam chướng
Đêm dài chỉ thấy đêm dài
Cây vặn vẹo
Cỏ vặn vẹo
Suối vặn vẹo
Thú hoang vặn vẹo
Người vặn vẹo
Theo dáng hình hồn ma bóng quỷ
Linh Sơn quần tam tụ ngũ
Lục lâm thảo khấu
Uống máu ăn thề
Chém đầu tế cờ
Được mất thắng thua được mất vạn vạn xương khô cốt mục vùi chôn bùn đất
Linh Sơn tử địa linh sơn
U u hồn oan sằng sặc cười sằng sặc khóc...
Cuộc trở về dằng dặc
Hun hút gió gào
Sập sập mưa
Thăm thẳm vực cheo leo vực
Chập chờn bóng quỷ hồn ma
Ma đói ma khát ma không đầu ma mù mắt ma nhũn nhèo bấy nát
Thảm thiết đòi về cố hương vời vợi xa ngàn trùng xa
Vật vờ ma đói ma khát
Tàn rạc hè
Tàn rạc thu
Tàn rạc đông
Bừng bừng hoa máu mùa xuân
Ôi Linh Sơn Linh Sơn!
Nhan nhản linh sơn
Đại linh sơn tiểu linh sơn ở đâu ta cũng gặp
Linh sơn nơi ta ở
Linh sơn nơi ta qua
Linh sơn nơi ta đến
Linh sơn nơi ta đi
Hành hương làm chi...
VIẾT NHÂN NGÀY GIỖ BỐ
[Mai 13 tháng Ba lịch mặt trăng là ngày giỗ bố]
--------
Em ta bảo bố bầm mất lâu rồi
Anh em mình mỗi năm thêm một tuổi
Cái già lặng lẽ đến
Lặng lẽ vơi dần những niềm vui
Thiếu thời thêm xa thêm xa
Bố thức sớm lui cui nhóm bếp hâm nóng vài lưng cơm cho con lót dạ
Bầm xoay vần đôi quang gánh đầu chợ cuối chợ kiếm ăn
Anh chị em mình mặc lại quần áo cũ của nhau
Những cuốn sách cũ được dùng lại đến năm bảy năm dòng rã
Đôi dép rách chằng chịt mảnh vá
Xa đạp cà tàng chị lớn nhường em
Đồng ruộng xám ngắt xám ngơ mùa thất bát
Bắp ngô còi bông thóc lép
Chó mèo gà lợn cũng gầy nhom
Bố bầm nuôi chúng mình lớn lên
Từ tương cà từ rau dại từ con tép con tôm cuối chợ
Ôi cái ngày xưa dằng dặc những buồn
Anh chị em còn bầm còn bố
Ơi những câu hát cũ
Anh em như thể chân tay
Nước mắt chảy xuôi
Con có cha như nhà có nóc
Tháng Ba bao giờ thì đến
Sấm động vang trời gọi cây lúa mọc xanh...
Em ta bảo mỗi năm đôi lần ngày giỗ bố giỗ mẹ
Anh chị em con cháu quây quần
Nền đất cũ
Ngôi làng cũ
Khói hương bay
Di ảnh bố bầm theo tháng năm vẫn thế
Bình thản
Dịu dàng
Nghiêm nghị
Như ngày nao tại thế...
Anh chị em mỗi ngày thêm lặng lẽ
Tử sinh li biệt đời người
Thời gian bóng chớp
Chúng con thầm gọi "Bố bầm ơi!"