Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.533 tác phẩm
2.749 tác giả
340
119.950.033
 
Beijing lá phong vàng (7)
Nguyễn Linh Khiếu

 

Vạn lý trường thành

 

Điểm thăm quan thứ hai là Vạn lý trường thành (Wanli Changcheng). Từ Di hòa viên ngược lên phía Bắc đến Vạn lý trường thành khoảng 50km. Mùa đông đường vắng vẻ hai bên đường là đồi núi hoang vu hầu như rất ít khi thấy làng xóm dân cư.

Ở phía Bắc Trung Quốc đất rộng người thưa. Thỉnh thoảng thấy một ngôi làng thì nhà cửa lúp xúp xây bằng gạch quây quần san sát thành một khu khép kín trông rất lạ mắt.

Đến điểm du lịch thấy Vạn lý trường thành sừng sững vắt vẻo trên những đỉnh núi chon von vô cùng kỳ vĩ. Trường thành xây bằng gạch vuông to bản. Hai bên tường bao xây bằng đá xanh. Tường bao phía Bắc với các khoảng cách đều đặn có các ô để chĩa vũ khí ra. Mỗi đoạn lại có một chòi dùng làm điếm trú quân.

Nghiên cứu mới nhất khẳng định: Vạn lý trường thành dài 21.196 km. Độ cao trung bình là 7m so với mặt đất. Bề mặt tường thành rộng trung bình 5-6 m.

Vạn lý trường thành uốn lượn theo dáng hình của các ngọn núi cao nối tiếp nhau tưởng chừng bất tận. Chẳng rõ bắt đầu từ đâu kết thúc ở đâu nhưng mới trèo được vài trăm mét ngược dốc đã bở hơi tai.

Khách du lịch thăm Trường thành rất đông nhưng toàn đầu đen. Hình như đa số là người Trung Quốc. Nếu có người nước ngoài thì cũng là dân Châu Á da vàng mũi tẹt.

Vạn lý trường thành là một kỳ quan bất hủ của nhân loại.

Thời cổ nghĩ ra việc xây được Vạn lý trường thành quả là đầu óc điên khùng. Không điên khùng thì làm sao có kỳ quan. Mọi kỳ quan đều do những bộ óc điên khùng mà có.

Thời cổ xây Vạn lý trường thành chắc xương máu nhân dân phải chất thành núi chảy thành sông.

 

Kỳ quan thế giới

 

Sự hùng vĩ trường tồn độc nhất vô nhị của Vạn lý trường thành đích thực là một kỳ quan thế giới.

Ngắm Vạn lý trường thành không người nào có thể nghĩ đó là bức tường thành cổ đại do con người với hai bàn tay với những công cụ thô sơ dựng lên.

Mỗi milimét trường thành chính là một milimét máu xương của người dân Trung Hoa.

Chỉ có máu xương người mới làm lên kỳ quan của nhân loại.

Không hiểu tại sao cứ nói đến các kỳ quan bao giờ người ta cũng than thở thương xót xương máu của nhân dân xây lên các kỳ quan đó.

Cách suy nghĩ dân túy thô lậu ấy rất tầm thường. Máu xương nhân dân hàng ngàn năm qua thường tình thì đều mục nát thành cát bụi hòa vào sông suối như cốt nhục cỏ cây muông thú cả. Máu xương có trường tồn đâu.

Nếu máu xương của nhân dân chất chồng thành kỳ quan thì lại trường tồn. Kỳ quan thực chất là máu xương. Là máu xương nên kỳ quan bao giờ cũng vĩ đại. Là máu xương nên kỳ quan ở đâu cũng thiêng liêng. Kỳ quan vinh danh máu xương. Chiêm ngưỡng kỳ quan chính là chiêm ngưỡng máu xương.

Một thời đại không có kỳ quan nào thì máu xương thời đại đó chỉ là cát bụi nước lã. Chỉ là cát bụi và nước lã thì máu xương buồn lắm.

 

Kỳ quan của kỳ quan

 

Trước khi qua cổng thành người ta khắc bản công nhận Vạn lý trường thành là kỳ quan thế giới của UNESCO năm 1987.

Vạn lý trường thành đầu tiên được xây dựng bởi Tần Thủy Hoàng từ năm 220 trước công nguyên. Đó là một công trình vĩ đại của nhân loại thời cổ đại. 

Thế mà trong 7 kỳ quan cổ đại của thế giới không có Vạn lý trường thành. Đúng thôi bởi thực chất phương Tây chỉ chọn các kỳ quan của mình và xếp hạng 7 kỳ quan của họ. Họ có xếp hạng các kỳ quan của toàn thế giới đâu.

Cái sự xếp loại kỳ quan ấy chứng tỏ sự hiểu biết nông cạn và phiến diện của người Âu. Thực chất đến lúc ấy họ mới chỉ biết được những gì quanh nơi sinh sống của họ.

Hình như không phải chỉ phương Tây lấy sự hiểu biết của họ làm tiêu chuẩn cho nhân loại. Mà nhân loại sau này lấy sự hiểu biết của phương Tây làm tiêu chuẩn cho sự hiểu biết của cả nhân loại.

Cái chính là các nền văn minh ngoài châu Âu không đủ tầm tư duy để định giá xếp loại các thành tựu của nhân loại mà lại vay mượn tư duy của phương Tây nên mới thế.

Hình như phương Tây không áp đặt cho các nền văn mình khác mà các nền văn mình khác tự nô dịch cho phương Tây.

Vạn lý trường thành thực chất là kỳ quan của kỳ quan.

 

 

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 189
Ngày đăng: 30.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày lễ mẹ - Tiểu Lục Thần Phong
Thượng lũng xanh - Phan Anh
Máu trong tôi, máu của bao người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (6) - Nguyễn Linh Khiếu
Hoa xuyến chi - Bùi Thanh Xuân
Chuyện đời dâu bể ở bệnh viện - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện phiếm về một bài ca dao Việt Nam được chuyển sang Hán ngữ - La Thụy
Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ - Minh Lê
Nhớ hoa đào - Nguyễn Linh Khiếu
Bóng hình năm cũ - Nguyễn Vĩnh Long
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)