Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.539 tác phẩm
2.749 tác giả
77
119.978.043
 
Trần Hoài Anh với Lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại
Cao Thị Hồng

 

    

      Trong thời gian qua, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống văn học nước nhà, trong đó có lý luận, phê bình đã phát triển phong phú, đa dạng, tạo nên diện mạo mới cả về số lượng và chất lượng. Việc các nhà nghiên cứu – phê bình văn học chủ động, mạnh dạn, tiếp nhận nhiều trường phái lý thuyết hiện đại của thế giới mà trước thời kỳ đổi mới vì nhiều lý do chúng ta không/chưa “quan tâm” như: Thi pháp học, Phân tâm học, Tự sự học, Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa hình thức Nga, Mỹ học tiếp nhận, Phê bình sinh thái, Phê bình văn học nhìn từ văn hóa … đã làm cho cho lý luận, phê bình văn học Việt Nam ngày càng tiệm cận với xu hướng hiện đại của lý luận, phê bình văn học thế giới. Trần Hoài Anh là một trong số không nhiều những cây bút đã nỗ lực đổi mới tư duy nghiên cứu lý luận - phê bình, từ đó phát hiện, khẳng định nhiều giá trị nhân văn của văn học dân tộc. Những công trình như: Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 (Nxb. Hội Nhà văn, 2009); Thơ –quan niệm và cảm nhận (Nxb. Thanh niên, 2010; Văn học nhìn từ văn hóa (Nxb.Thanh niên, 2012); Văn hóa – Văn chương & hành trình sáng tạo (Nxb. Thanh niên, 2014); Đi tìm ẩn ngữ văn chương (Nxb. Hội Nhà văn, 2017); Đi tìm mỹ cảm văn chương (Nxb. Hội Nhà văn 2020), Đi tìm thanh âm đồng vọng (Nxb. Hội Nhà văn 2023)... đã cho chúng ta thấy với việc tiếp nhận và ứng dụng linh hoạt lý thuyết văn học hiện đại, Trần Hoài Anh đã “đọc” ra những thông điệp sâu sắc đầy mỹ cảm ẩn sau các diễn ngôn của nhà văn trong tác phẩm văn chương, từ đó góp tiếng nói giải quyết nhiều vấn đề quan thiết đặt ra trong đời sống văn học đương đại. Nội dung trên cũng là mục tiêu hướng đến của chúng tôi trong tham luận với nhan đề Trần Hoài Anh với lý luận – phê bình trong đời sống văn học đương đại.

 

  1. MỞ ĐẦU

      Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, thời gian qua đời sống văn học nước nhà, trong đó có lý luận, phê bình đã phát triển phong phú, đa dạng, tạo nên diện mạo mới cả về số lượng và chất lượng. Trần Hoài Anh là một trong số không nhiều những cây bút đã nỗ lực đổi mới tư duy nghiên cứu lý luận - phê bình, từ đó phát hiện, khẳng định nhiều giá trị nhân văn của văn học dân tộc. Không phải ngẫu nhiên, khi chia sẻ với bạn đọc về văn chương và “duyên nghiệp” của mình với nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, Trần Hoài Anh đã bộc bạch:

      Một nền văn chương đích thực là một nền văn chương hướng đến con người và vì con người với những giá trị nhân bản sâu sắc nhất (...) Đi tìm ẩn ngữ văn chương với tôi cũng là hành trình đi tìm những giá trị nhân bản vốn là những yếu tính không thể thiếu của mọi nền văn học hôm nay và mai sau (Anh, 2017, tr.6).

 

       Những chia sẻ trên cho thấy rõ quan niệm về văn chương của Trần Hoài Anh đồng thời cũng xác quyết tuyên ngôn cầm bút của nhà văn trong vai trò một nhà nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học. Phải chăng đây cũng là cơ sở để lý giải vì sao xuyên suốt những công trình: Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 (Nxb. Hội Nhà văn, 2009); Thơ –quan niệm và cảm nhận (Nxb. Thanh niên, 2010; Văn học nhìn từ văn hóa (Nxb.Thanh niên, 2012); Văn hóa – Văn chương & hành trình sáng tạo (Nxb. Thanh niên, 2014); Đi tìm ẩn ngữ văn chương (Nxb. Hội Nhà văn, 2017); Đi tìm mỹ cảm văn chương (Nxb. Hội Nhà văn 2020), Đi tìm thanh âm đồng vọng (Nxb. Hội Nhà văn 2023), Trần Hoài Anh luôn nhất quán tinh thần coi hồn cốt làm nên tác phẩm văn chương đích thực không gì khác ngoài giá trị nhân bản và người làm nghiên cứu, lý luận- phê bình phải khám phá, phát hiện những thông điệp đầy mỹ cảm ẩn sau các diễn ngôn của nhà văn trong tác phẩm văn chương.    

 

    Tập trung nghiên cứu Trần Hoài Anh với lý luận – phê bình trong đời sống văn học đương đại chúng tôi hướng đến hai nội dung: a/ Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn chương” từ di sản văn học miền Nam 1954-1975;b/ Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn chương” trong văn học thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở đó, góp phần thấy rõ: lấy nền tảng tinh hoa tri thức văn hóa, triết học, mỹ học của nhân loại làm cơ sở luận giải, Trần Hoài Anh đã có “chìa khóa đa năng” để khám phá, “mở” những “cánh cửa” văn chương nhiều ẩn số nên các vấn đề phức tạp của văn học dân tộc, từ sáng tác đến nghiên cứu, lý luận, phê bình, dưới ngòi bút của Trần Hoài Anh đã thêm tường minh, bổ sung những giá trị mới. Hành trình của Trần Hoài Anh “đi tìm ẩn ngữ văn chương”, “đi tìm mỹ cảm văn chương” để nhận chân “những thanh âm đồng vọng”, với khát vọng kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối những tiếng lòng tri âm trong dòng chảy văn chương dân tộc cũng mang nhiều “ẩn ngữ”, thiết nghĩ cũng rất cần kiến giải để  khẳng định những đóng góp của Nhà văn đối với lĩnh vực nghiên cứu lý luận – phê bình văn học nói riêng và sự phát triển của đời sống văn học đương đại Việt Nam nói chung.    

   

  2. NỘI DUNG

    2.1. Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn chương” từ di sản văn học miền Nam 1954-1975.

 

    Trong tâm thức của mình, Trần Hoài Anh luôn tâm niệm: Văn học miền Nam là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc, là một di sản văn chương cần phải được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống văn học không chỉ hôm nay và cho cả mai sau, xét trên bình diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. (Anh, 2021, https://tienphong.vn/van-hoc-mien-nam-la-mot-di-san-post1331697.tpo).

         Song, để làm rõ thành tựu của văn học miền Nam (1954-1975), lọc ra chất “vàng ròng” của nó để xác quyết “văn học miền Nam là di sản văn chương dân tộc” là hành trình không dễ dàng, đòi hỏi người cầm bút phải thật sự “dấn thân” lao động vì chân lý khoa học, chân lý nghệ thuật.

      Đọc Trần Hoài Anh, bạn đọc có thể nhận thấy rõ tác giả dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu Văn học miền Nam (1954-1975). Từ chuyên luận Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (2009) là công trình đầu tay thoát thai từ luận án Tiến sĩ của anh được đánh giá là “công trình đầu tiên đề cập đến vấn đề lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam một cách hệ thống với tinh thần đổi mới, tiến bộ, cởi mở, cầu thị” (Anh, 2009, tr.313) đến những cuốn (tiểu luận - phê bình) tiếp nối ra mắt bạn đọc như: Thơ – Quan niệm và cảm nhận (2010), Văn học nhìn từ văn hóa (2012), Văn hóa – Văn chương & hành trình sáng tạo (2014); Đi tìm ẩn ngữ văn chương (2017); Đi tìm mỹ cảm văn chương (2020); Đi tìm thanh âm đồng vọng (2023) và đặc biệt chuyên khảo Lý luận phê bình văn học Miền Nam tiếp nhận và ứng dụng (2023)...đều dành dung lượng không nhỏ tập trung tái hiện đời sống phong phú, sinh động của văn học miền Nam, trong đó có lĩnh vực lý luận – phê bình văn học. Với nguồn tư liệu phong phú sau nhiều năm tích lũy về kiến thức về triết học, mỹ học, lý luận, phê bình, khảo luận văn học được giới thiệu trên các báo, tạp chí xuất bản ở miền Nam như: Văn, Bách Khoa, Tư tưởng, Trình bày, Sáng tạo, Đại học, Văn học, Nghiên cứu văn học, Hiện đại, Khởi hành, Thời tập, Tin văn, Ý thức, Mai, Văn nghệ...,Trần Hoài Anh đã đi sâu luận giải hàng loạt vấn đề phức tạp, gai góc của văn học miền Nam trước 1975 từ khái quát đến cụ thể như: Quan hệ giữa sáng tác với lý luận – phê bình văn học; Nhà văn, người đọc, tác phẩm văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn trong quan niệm của lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975; Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975; Đặc điểm và những khuynh hướng chủ yếu của lý luận – phê bình văn nghệ ở miền Nam trước 1975, Về khuynh hướng phê bình hiện sinh, khuynh hướng phê bình giáo khoa, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo ở đô thị miền Nam 1954 -1975, Văn nghệ và vấn đề phản ánh hiện thực trong lý luận – phê bình ở miền Nam trước 1975...;  Lần đầu tiên, sự phát triển của Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trước 1975 được phân tích, đánh giá một cách hệ thống, kỹ lưỡng đặt trong bối cảnh chính trị xã hội, văn hóa nhiều biến động mà theo Trần Hoài Anh:

 

           Những biến động này cùng với ảnh hưởng của lý luận - phê bình văn nghệ nước ngoài, chủ yếu là lý luận - phê bình văn nghệ phương Tây, tạo cho lý luận - phê bình văn nghệ ở miền Nam những đặc điểm riêng (Anh, 2017, tr.11)

          Thể hiện ở ba nội dung: Thứ nhất, đội ngũ các nhà lý luận - phê bình văn nghệ đa dạng với nhiều thành phần, nhiều văn nhóm khác nhau; Thứ hai: Một nền lý luận - phê bình văn nghệ phát triển nhanh, phân hóa thành nhiều khuynh hướng (khuynh hướng lý luận - phê bình giáo khoa; khuynh hướng lý luận - phê bình phân tâm học; Thứ ba, đây là:

         Một nền lý luận - phê bình với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú đa dạng (như: Điểm sách, phim ảnh; Nhận định, đánh giá tình hình văn nghệ; Tổ chức tranh luận, thảo luận về các vấn đề văn nghệ) (Anh, 2017, tr.18).

     Qua những phân tích, luận giải của Trần Hoài Anh, bạn đọc có thể nhận thấy đặc điểm bao trùm Lý luận - phê bình văn nghệ miền Nam 1954-1975 là tính đa phức sự phân hóa thể hiện ở các cuộc tranh luận học thuật, tạo không khí sôi động cho đời sống lý luận - phê bình và tác động đến quá trình tiếp nhận của công chúng; Hình thức sinh hoạt lý luận - phê bình phong phú, chấp nhận nhiều quan điểm khác biệt nhau trong đánh giá các hiện tượng văn học đã có tác dụng thiết thực thúc đẩy sự vận động và phát triển của văn nghệ. Những đặc điểm trên của lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 thiết nghĩ cũng là bài học hữu ích cho việc phát triển nâng cao chất lượng nền lý luận – phê bình văn học nước nhà, nhất là khi đất nước đổi mới, hội nhập theo xu hương toàn cầu hóa hiện nay.

     Đề cập đến những khuynh hướng chủ yếu của lý luận - phê bình văn nghệ ở miền Nam 1954 – 1975, Trần Hoài Anh đặc biệt chú ý đến sự tiếp thu, ảnh hưởng của các trường phái lý luận – phê bình văn học ở phương Tây và khẳng định:

          Việc mạnh dạn tiếp nhận các khuynh hướng lý thuyết văn học phương Tây đã cho thấy sự năng động, cởi mở của tư duy lý luận – phê bình văn học, tránh được cái nhìn đơn giản, một chiều, khép kín trong việc đánh giá các hiện tượng văn học. (Anh, 2009, tr.258).

        Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập, để nâng cao chất lượng học thuật, phát triển nền lý luận – phê bình văn học dân tộc tiệm cận với xu hướng của thế giới, thì khẳng định trên càng có ý nghĩa trong việc góp phần tìm ra một hướng đi phù hợp cho lý luận – phê bình văn học đương đại. Đây cũng là bài học quý báu có thể rút ra từ sự vận động và phát triển của lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975.

     Một trong những nội dung ấn tượng nhất trong nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975 của Trần Hoài Anh là tác giả đã góp phần “chiêu tuyết” cho vấn đề tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam trên cả bình diện triết học, mỹ học và ảnh hưởng của nó trong đời sống văn học miền Nam thời kỳ “mở cửa”, “hội nhập” với thế giới, mà rõ nhất là giao lưu với nền văn hóa phương Tây:

        Chủ nghĩa hiện sinh trở thành một hệ tư tưởng chi phối sâu sắc đời sống chính trị xã hội trong đó có văn học (…) sự hiện hữu của khuynh hướng phê bình hiện sinh là một thực thể sinh động trong đời sống lý luận-phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975. (Anh, 2009, tr.200;204)

     Trong tinh thần đổi mới tư duy lý luận, phát triển phê bình văn học dân tộc, nhận thức sâu sắc “thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, cho nên bên cạnh việc kết hợp vận dụng nhiều lý thuyết văn hóa, văn học khác để nghiên cứu, phê bình văn học, Trần Hoài Anh đã dùng lý thuyết hiện sinh như một “công cụ” để luận giải về sáng tác và lý luận, phê bình văn học miền Nam trước 1975 mà theo Trần Hoài Anh:

         Nếu sáng tác của các nhà văn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh cả trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện thì trong phê bình văn học các nhà lý luận - phê bình cũng lấy triết học hiện sinh làm cơ sở mỹ học để phê bình các hiện tượng văn học. (Anh, 2012, tr.114).

       Khảo sát, nghiên cứu một khối lượng không nhỏ tác phẩm của các tác giả vận dụng lý thuyết hiện sinh như một hệ quy chiếu để đánh giá, thẩm bình các hiện tượng văn học như: “Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do”của Nguyên Sa (Sáng tạo số 12/1957) ; “Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh” của Lê Tuyên (Đại học số 9/1959); Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (Lê Tuyên, Nxb Đại học Huế, 1961);  “Vài cảm nghĩ về tình cảnh phi lý của kẻ lưu đày ” của Nguyễn Văn Trung (Nhận định tập III, Nam Sơn xuất bản, 1963 ); Thi ca và thi nhân của Cao Thế Dung (Quần chúng xuất bản, 1969); Nhà văn hôm nay (tập1) của Nguyễn Đình Tuyến, (Nhà văn Việt Nam xuất bản,1969); “Đọc Mù khơi của Thanh Tâm Tuyền” của Trầm Tư (Ý thức số 6, ra ngày 15/12/1970); “Đêm và biện chứng vĩnh cửu trong thơ Nguyên Sa”, “Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không thời”của Trần Nhựt Tân (Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, 1971); các bài viết về "Thanh Tâm Tuyền", "Bướm Trắng", "Samuel Beckett", "J. P. Sartre" của Huỳnh Phan Anh trong Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp xuất bản,1972); Vũ trụ thơ của Đặng Tiến (Giao điểm xuất bản, 1972,); “Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà”của Nguyễn Thiên Thụ (Thời tập Xb, Số đặc biệt Giáng sinh, 1974); “Chiến tranh, tình yêu và hoài niệm truyện ngắn Võ Hồng” của Tuệ Sỹ (Văn số 3 ra ngày 1/3/1974)..., Trần Hoài Anh nhận thấy đặc điểm nổi bật của phê bình văn học giai đoạn này là:

          Dường như các phạm trù trong triết học hiện sinh như: hư vô, lo âu, buồn nôn, phi lý, tự do, tha nhân, nổi loạn, dấn thân…đều được các nhà phê bình xem như một hệ giá trị để ứng dụng vào phê bình văn học (Anh, 2012, tr.115).

         Tập trung luận giải sâu sắc cái nhìn mang tinh thần hiện sinh của các nhà nghiên cứu như Đặng Tiến (vận dụng các phạm trù sự phi lý, sự vong thân, tha hóa để giải mã Truyện Kiều). Nguyên Sa (với quan điểm về vấn đề “định mệnh” trong truyện Kiều)...và nhiều hiện tượng văn học cổ điển khác cũng được các tác nhà nghiên cứu, phê bình soi chiếu dưới nhãn quan triết học hiện sinh như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Chinh phụ ngâm…, Trần Hoài Anh phát hiện trong phê bình văn học ở đô thị miền Nam (1954-1975), các hiện tượng văn học thời kỳ trung đại:

      Được các nhà phê bình ứng dụng triết học hiện sinh, khám phá thêm nhiều ý nghĩa mới, hiện đại hóa nội dung tư tưởng của những hiện tượng văn học tưởng chừng như đã được khẳng định, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phê bình văn học (Anh, 2012, tr.124).

     Trần Hoài Anh trân trọng và đánh giá cao việc các nhà lý luận phê bình miền Nam trước 1975 ứng dụng triết học hiện sinh để phân tích các tác phẩm văn học hiện đại của các nhà văn như Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thụy Long, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Võ Hồng, Vũ Khắc Khoan, Lệ Hằng, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Mai Thảo, Trùng Dương, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Đinh Trầm Ca …, Nhà phê bình khẳng định:

        Hầu hết các phạm trù cơ bản của triết học hiện sinh đã ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác văn học ở đô thị miền Nam, và cũng được các nhà lý luận phê bình vận dụng vào việc tìm hiểu các hiện tượng văn học. Khuynh hướng phê bình hiện sinh đã làm một cuộc cách mạng trong việc đổi mới tư duy lý luận phê bình (...) dù có thể có những hạn chế, song với những gì đã hiện hữu, khuynh hướng phê bình hiện sinh đã đem đến cho sinh hoạt lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam những luồng sinh khí mới, làm cho đời sống lý luận phê bình thêm phong phú, sinh động (Anh, 2012, tr.125).

     Như vậy, với tinh thần tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh một cách đúng đắn, cởi mở, khoa học, Trần Hoài Anh đã “đọc” ra nhiều thông điệp từ các diễn ngôn phong phú thuộc khuynh hướng phê bình hiện sinh, từ đó khẳng định một cách khách quan, khoa học những thành tựu và giới hạn của phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Trên cơ sở này Trần Hoài Anh đã giúp bạn đọc hình dung một bức tranh sâu rộng về diện mạo văn học ở miền Nam, trong đó có đời sống lý luận phê bình mà khuynh hướng lý luận phê bình hiện sinh là một trong những gam màu chủ đạo, khuynh hướng phê bình hiện sinh thực sự đã làm một cách mạng có tính bước ngoặt thay đổi về chất lượng trong tư duy lý luận - phê bình văn học ở miền Nam (1954-1975). Những kết luận khoa học đáng tin cậy, những đánh giá xác đáng của Trần Hoài Anh không những đã góp phần khẳng định thành tựu phê bình hiện sinh - một trong những khuynh hướng phê bình phức tạp nhất hiện hữu trong của đời sống văn học miền Nam mà còn giúp bạn đọc nhận thấy: thành tựu tiếp nhận lý thuyết hiện sinh của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954-1975 như  một bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta có thể tiếp tục “thắp sáng hiện sinh” phát triển nền văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Đồng thời từ đây cũng gợi mở cho bạn đọc con đường tiếp tục khám phá những thông điệp nhân văn sâu sắc, phong phú còn tiềm ẩn sau con chữ của nhiều tác phẩm văn học miền Nam (1954-1975) mà đến nay vì nhiều lý do vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng, khách quan, công bằng.

 

   Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều bài viết của các nhà lý luận, phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghiên cứu về tác giả, tác phẩm văn học cụ thể cũng được Trần Hoài Anh nghiên cứu một cách hệ thống để đưa ra những nhận xét, đánh giá xác đáng về các vấn đề văn chương còn nhiều khoảng trống, chưa được giải quyết thấu đáo. Điều này cho thấy sự tỷ mỷ, cẩn trọng, cái nhìn toàn diện, đa chiều của Trần Hoài Anh khi tiến hành nghiên cứu văn học miền Nam (1954-1975) để “trả lại cho sự vật các kích thước của nó” (Anh, 2019, tr.8) như khát vọng của tác giả. Đó là các bài viết: Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tiếp nhận của phê bình văn học ở miền Nam trước 1975; Thơ mới trong tiếp nhận của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975; Vũ Hạnh và những tác phẩm lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975; Thơ Nguyễn Vỹ trong tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975; Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 197; Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975; Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận – phê bình văn học miền Nam (1954-1975); Nhà thơ Quang Dũng trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975; Nguyên Sa và quan niệm về quá trình sáng tạo của nhà văn; Cảm thức lịch sử trong văn học miền Nam 1954-1975; Quê hương, cuộc đời, thân phận Hồ Xuân Hương trong cảm thức của các nhà nghiên cứu văn học miền Nam 1954 -1975; Tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương trong lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975; Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu qua tiếp nhận trong sách giáo khoa Quốc văn bậc trung học ở miền Nam 1954 -1975; Tế Hanh nhìn từ di sản văn học miền Nam 1954 -1975; Tự lực văn đoàn trong cái nhìn của  lý luận - phê bình văn học  miền Nam 1954 – 1975; Nhất Linh trong đời sống văn học miền Nam 1954 -1975; Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975; Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975 ... Thâm nhập kỹ đối tượng nghiên cứu, trong quá trình kiến giải các vấn đề trên, Trần Hoài Anh không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo những thành tựu nghiên cứu khoa học của thế hệ trước mà còn khám phá những giá trị mới, thể hiện quan điểm khoa học của cá nhân mình. Bản lĩnh khoa học, sự trân trọng sâu sắc văn học miền Nam đã tiếp thêm nội lực giúp ngòi bút Trần Hoài Anh vừa sắc sảo vừa tinh tế trong kiến giải, dẫn dụ, lôi cuốn bạn đọc suy ngẫm, thưởng ngoạn “bức tranh lập thể” của văn học miền Nam trước 1975 với nhiều sắc màu sinh động, phong phú và tiềm tàng ẩn ngữ nhân văn với vẻ đẹp riêng đầy ám ảnh.

 

      Những trang viết của Trần Hoài Anh mang lại cho bạn đọc những nhận thức mới mẻ và thú vị: nếu so sánh với văn học miền Bắc (giai đoạn 1954 – 1975) được phát triển khá thống nhất trong khuôn khổ “cảm hứng sử thi” và “phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa” thì văn học miền Nam trong cùng giai đoạn lại phát triển khá phong phú, đa phức, chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn tư tưởng khác nhau của nhân loại. Phải chăng vì lẽ đó, nên đây là bộ phận văn học tiềm tàng nhiều ẩn ngữ văn hóa, nhân văn cần phải tiếp tục tìm hiểu, khẳng định giá trị?! Và đây chính là phương diện thành công cần phải được ghi nhận trong nghiên cứu, lý luận, phê bình của Trần Hoài Anh. Với ý thức trách nhiệm của người cầm bút cùng sự công tâm của một nhà khoa học,Trần Hoài Anh đã bày tỏ rõ quan điểm:

       Chúng ta không thể coi tất cả những người cầm bút ở đô thị miền Nam là bồi bút, là phản động. Không thể coi tất cả tác phẩm của họ, đặc biệt là những công trình về lý luận – phê bình văn học là đồi trụy, nô dịch, là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới. (Anh, 2009, tr.6).

       Ý kiến của Trần Hoài Anh đã góp phần điều chỉnh nhãn quan của bạn đọc khi tiếp nhận văn học miền Nam; Và điều này trong một ý nghĩa nhất định, nó còn góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc sau một cuộc chiến nhiều tổn thương, mất mát mà đến nay dư âm của nó vẫn đôi khi vang lên nhức nhối đó đây...

      Thời kỳ trước đổi mới - hội nhập, khi tư duy về văn hóa - văn học còn nhiều giới hạn, thậm chí ấu trĩ, văn học miền Nam trước 1975 bị một số người nhìn nhận thiếu khách quan, công bằng, họ đã gán ghép là “văn học đồi trụy” “phản động”. Song, ở thời kỳ đổi mới và hội nhập, trên văn đàn nhiều tác phẩm văn học của các tác giả miền Nam viết trước 1975, liên tục được tái bản. Đó là các tác phẩm khảo luận, nghiên cứu về văn hóa, triết học, đạo đức, luân lý của Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung, Vũ Hạn… và tác phẩm của các nhà văn như: Dương Nghiễm Mậu với Cũng đành, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út (Nxb Văn nghệ tái bản năm 2007) và Tuổi nước độc, Sợi tóc tìm thấy (Nxb. Hội Nhà văn tái bản năm 2016); Đặc biệt là tác phẩm của các nữ nhà văn đã một thời gây “sóng gió” trên văn đàn miền Nam đã được liên tục tái bản, thu hút đông đảo bạn đọc và trở thành những hiện tượng “hot” trong đời sống văn học: Nguyễn Thị Thụy Vũ với Khung rêu, Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, Thú hoang…; Trần Thị NgH với Nhà có cửa khóa trái; Lạc đạn, Nhăn Rúm (Phương Nam Books và  Nxb. Hội Nhà văn), Ác tính (Domino Books và Nxb. Hội Nhà văn); Nguyễn Thị Hoàng với Một ngày rồi thôi; Cuộc tình trong ngục thất; Tuần trăng mật màu xanh; Tiếng chuông gọi người tình trở về, Vòng tay học trò (Nhã Nam và Nxb. Hội Nhà văn, 2021)...  Thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Hoài Khanh, Nhất Hạnh... đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Trong dạy - học văn học, nhiều đề tài luận văn, luận án về văn học miền Nam ở mọi phương diện đã và đang được sinh viên, học viên, các nhà nghiên cứu chuyên tâm thực hiện...Tất nhiên để có được điều này, không thể không kể đến sự tác động của giới nghiên cứu phê bình văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập trong đó có Trần Hoài Anh. Giúp bạn đọc thay đổi hệ hình tư duy tiếp nhận văn học để có một nhãn quan tiến bộ, cởi mở, dân chủ, sẵn sàng đón nhận và thừa nhận những cái mới, cái khác, hướng đến những giá trị Chân, Thiện, Mỹ... đó cũng là một trong những thành tựu không phải dễ dàng đạt được của những người làm nghiên cứu, lý luận, phê bình.    

 

       Rõ ràng, sự hồi sinh của văn học miền Nam trước 1975 trong đời sống văn học đương đại nước nhà là một điều tất yếu trong sự vận động và phát triển của việc thay đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, và là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có sự đổi mới của văn học. Nó cũng chứng tỏ sự lựa chọn hướng nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam để góp phần giữ gìn và phát triển “dòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc (chữ dùng của Lý Đại Nguyên) của Trần Hoài Anh là hoàn toàn có cơ sở khoa học, xuất phát từ quy luật và nhu cầu thực tiễn  đời sống văn học trong thời đại mới.

       Có thể khẳng định Trần Hoài Anh là một trong rất ít những cây bút nghiên cứu, lý luận, phê bình thời kỳ đổi mới, hội nhập đã tiên phong, ráo riết đổi mới tư tưởng trong tiếp nhận văn học miền Nam trước 1975. Chia sẻ về vấn đề Văn học miền Nam trước 1975, Trần Hoài Anh luôn đau đáu, trăn trở:

       Nước ta nói chung còn nghèo, văn học ta cũng còn nghèo so với nền văn học của nhiều nước trên thế giới, vì vậy chúng ta không nên lãng phí mà vội “bỏ đi” một bộ phận văn học rất phong phú đa dạng, rất nhiều giá trị ẩn tàng như văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Và việc nghiên cứu một cách thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần khoa học, khách quan, công bằng về những giá trị của văn học miền Nam là một việc làm rất cần thiết và cần sự chung tay, góp sức của mọi người (Anh, 2020, tr.424).

       Phải chăng bản lĩnh khoa học kiên định được “hợp hôn” cùng chữ Tâm sâu nặng với nền văn học dân tộc đã tạo động lực cho Trần Hoài Anh bền bỉ thầm lặng hành trình với nhiều công trình nghiên cứu về các giả, tác phẩm văn học miền Nam. Đọc những công trình nghiên cứu phê bình của Trần Hoài Anh, chúng ta chia sẻ sâu sắc cùng Nhà văn khát vọng hướng đến một ngày không xa, Văn học miền Nam trước 1975 - với những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc như vốn đã hiện hữu sẽ được ghi nhận là một thực thể trong di sản văn học dân tộc.

     Bên cạnh những giá trị trên, tiếp nhận các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình của Trần Hoài Anh, người làm công việc nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học còn nhận được từ tác giả một thông điệp quý giá:  “Trong phê bình văn học, mọi quan điểm phê bình đều có một giá trị riêng, và không có giá trị độc tôn cho bất kỳ một khuynh hướng phê bình nào”. (Anh, 2012, tr.124). Đúng như Lê Ngọc Trà đã nhận xét, đọc nghiên cứu, phê bình của Trần Hoài Anh bạn đọc thấy rất rõ:

       Tác giả đã khắc phục được cái nhìn cứng nhắc và cục bộ của nhiều nhà nghiên cứu trước đây về văn học đô thị miền Nam...Những nghiên cứu và khảo sát của tác giả có thể giúp rút ra những bài học về việc tiếp nhận tư tưởng lý luận văn học phương Tây cũng như việc hiện đại hóa công tác nghiên cứu văn học trong bối cảnh đất nước đang hội nhập (Anh, 2009, tr.300). 

 

  2.2. Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn chương” trong văn học thời kỳ đổi mới.

 

      Bên cạnh hành trình dấn thân, khám phá phát hiện và khẳng định nhiều giá trị văn học miền Nam trước 1975, một nội dung quan trọng không thể không quan tâm khi nói đến nghiên cứu, lý luận - phê bình của Trần Hoài Anh đó là tác giả còn uyển chuyển ứng dụng lý thuyết hiện sinh kết hợp với những lý thuyết hiện đại khác như thi pháp học, phân tâm học, tự sự học, mỹ học tiếp nhận, văn hóa học... để khám phá, “giải mã” nhiều hiện tượng văn học của mọi thời đại lịch sử, đặc biệt thời kỳ đổi mới, hội nhập. Trần Hoài Anh quan niệm:

       Là con người, ai cũng có khát vọng vươn tới cái đẹp, một phạm trù mỹ học mà văn chương luôn hướng đến. Nhà văn chân chính, vì thế, không chỉ là người khám phá cái đẹp mà còn sáng tạo cái đẹp như một diệu pháp thanh lọc tâm hồn (...) những kiệt tác văn chương, vượt không – thời gian, trở thành những giá trị bất tử trong tâm thức người đọc đều là những tác phẩm ẩn chứa trong đó sự diệu kỳ của cái đẹp (Anh, 2020, tr.5).

 

       Như vậy, nói một cách chính xác, hành trình đi tìm ẩn ngữ văn chương của Trần Hoài Anh chính là hành trình vượt qua nhiều giới hạn để kiếm tìm cái đẹp và sự diệu kỳ của văn chương. Xác định rõ mục tiêu như vậy nên với Trần Hoài Anh ở đâu có sự xuất hiện của cái đẹp là nhà phê bình say mê, nghiên cứu, ghi nhận với tất cả tấm lòng, tạm thời quên đi những “ưa ghét riêng tư” (từ dùng của G.Maupassant) để thẩm định những gì thuộc về chân giá trị của văn chương nghệ thuật. Đây cũng là một phẩm tính đáng trân quý của người làm phê bình văn học, bởi lẽ chỉ khi nào “lòng thông cảm của họ phải mở rộng đối với tất cả mọi văn phẩm (...) biết thưởng thức cái đẹp của mỗi loài hoa và đòi hỏi cây nào trổ hoa nấy với những mùi thơm và màu sắc đặc biệt của chúng với cả những “gai nhọn” của chúng nếu có. (Cần, 2021, tr.100) thì bút lực mới đạt được độ tài hoa mà nói như André Suarès là “khéo làm sao cho kẻ khác cũng hiểu được cái mà họ đã hiểu”.

      Nghiên cứu về văn học nói chung và văn học thời kỳ đổi mới, hội nhập nói riêng, Trần Hoài Anh quan tâm đến những “sinh thể” văn chương, đó là những hiện tượng Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình và cũng có thể là chính hành trình sáng tạo của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình đã/ đang hiện hữu trong đời sống văn học nước nhà thời kỳ hiện đại. 

 

    Ở mảng Lý luận phê bình, Trần Hoài Anh góp tiếng nói luận bàn các vấn đề mang tính “thời sự” trên văn đàn như: Lê Đạt với những đối thoại về Thơ; Thanh Thảo và Thơ; Suy nghĩ về sự cách tân của thơ và những người làm thơ trẻ; Văn hóa phương Tây với sự vận động và phát triển của lý luận – phê bình văn học dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa; Tiếp nhận lý thuyết phương Tây, thành tựu của lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới; Lòng yêu nước: một giá trị đạo đức, một hằng số văn hóa trong văn học dân tộc; Văn học và sứ mệnh giáo hóa con người nhìn từ các tác phẩm viết về sự tha hóa nhân cách trong văn học hôm nay; Thị trường văn học và Văn học thị trường, quy luật tất yếu của đời sống văn học; Thơ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 đến nay; Đội ngũ viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh – tiềm năng và triển vọng; Văn học trong quan hệ với văn hóa từ góc nhìn ứng dụng...

 

      Thời kỳ đổi mới và hội nhập, lý luận văn học Việt Nam vận động theo hướng ngày càng tiếp cận sâu rộng với lý luận văn học thế giới, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển phê bình văn học; Thế giới phẳng cũng chính là thế giới của sự giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa, sự vận động này cũng được thể hiện rõ ở các sáng tác văn học của thế hệ cầm bút đương đại, đặc biệt ở những cây bút trẻ... Những nghiên cứu của Trần Hoài Anh đã chia sẻ kịp thời nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mà bạn đọc quan tâm.

 

    Bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy cây bút Trần Hoài Anh có sở trường trong “phác họa chân dung” các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình. Với cách tiếp cận riêng, nhãn quan tinh tế, nhà phê bình luôn “bắt” đúng thần thái “nhân vật” mà ngay từ nhan đề các bài viết đã thể hiện rõ điều này: Tình quê trong thơ Bích Khê; Tâm thức “Trôi” trong thơ Văn cao; Phạm Thiên Thư – Người đi tìm “bụi đỏ”; Tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh; Nguyễn Khoa Điềm – “Bây giờ là lúc…”; Ly Hoàng Ly – Người gọi hồn cho Đêm; Nguyễn Trung Hiếu với những trang văn khát khao sự thật; Cao Thị Hồng - người cần mẫn, sáng tạo trên cánh đồng văn chương...; Nhật Chiêu: “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ; Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ; Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận, phê bình văn học thời kỳ đổi mới; Nguyễn Hoa và những câu thơ khắc khoải phận người; Tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê; Đông Trình – Người đi “giữa thực và mơ”; Trương Đăng Dung và cảm thức triết luận trong sáng tạo thơ ca; Người đàn bà kiêu hãnh và nỗi đau thân phận trong thơ Trầm Hương; Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long; Nguyên Minh với nỗi ám ảnh cô đơn và tâm thức lưu đày trong hành trình sống và viết; Việt Nam diễn nghĩa và cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên; Từ sông Po đến sông Côn và sự hợp lưu văn hóa Đông – Tây trong sáng tác của Elena Trương; Thơ Hoài Khanh với cảm thức về nỗi buồn và niềm cô đơn của thân phận lưu đày; Hoàng Phủ Ngọc Tường – Người hái nỗi buồn trong cõi phù vân; Tần Hoài Dạ Vũ và Hành trình đi tìm cái tôi bản thể; Khế Iêm với hành trình dấn thân, tận hiến, sáng tạo thơ; Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái -  Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ; Thơ Đỗ Trung Lai và những cảm thức về mùa thu; Gập ghềnh khúc đau và nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai; Thơ Lê Chí và những niềm khắc khoải nhân sinh; Từ Con còng gió, nghĩ về những suy cảm tình yêu trong thơ tình Nguyễn Quang Hà; Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố; Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy…Đây là những tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình mang đậm dấu ấn sáng tạo độc đáo của Trần Hoài Anh. Với lối viết chặt chẽ, súc tích của văn phong khoa học kết hợp lối tư duy linh hoạt, phóng khoáng, giàu cảm xúc, Trần Hoài Anh đã tái hiện sinh động “chân dung tinh thần” của mỗi nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình – tất cả đều hiện lên chân thực với phong cách, cá tính độc đáo, ấn tượng trong cả cuộc sống và sáng tác văn chương. Trần Hoài Anh đã rất chuyên nghiệp, linh hoạt khi xử lý những tình huống, đối tượng nghiên cứu khác nhau; chính vì luôn có ý thức truy nguyên nguồn gốc tư tưởng chi phối các tác giả, tìm hiểu sâu xa, kỹ lưỡng về đối tượng nghiên cứu, nên những luận điểm đánh giá, nhận xét của Trần Hoài Anh luôn sắc sảo, thuyết phục. Chẳng hạn, khi viết về Trương Đăng Dung – một “hiện tượng” trong đời sống văn học những năm gần đây, Trần Hoài Anh xác quyết:

 

         Là một thi sĩ, lại là một nhà lý luận - phê bình văn học am hiểu khá sâu sắc về các trường phái triết học trên thế giới, đặc biệt là triết học hiện sinh, nên thơ Trương Đăng Dung, vì thế là thơ của những ám ảnh hiện sinh với những suy tư, tra vấn về bản thể, về sự sống, cái chết, về hiện hữu, về sự buồn nôn trước những bi hài của đời sống và sự phi lý của kiếp người (…)  khiến ông luôn bị dày vò, không bao giờ được thanh thản, bình yên trong cuộc sống dù chỉ là một khoảnh khắc, một sát na hiện hữu. Thơ Trương Đăng Dung luôn trôi trong tâm thức hiện sinh của kiếp lưu đày mà mỗi ngày sống của thi nhân là mỗi ngày ông tự vác cây thập giá khổ nạn của đời mình bước đi trong bão giông cuộc đời, để khát khao đi tìm lời giải đáp từ một câu hỏi mà Albert Camus đã đặt ra trong Thần thoại Sisyphus (Le Mythe de sisyphe) Sống để làm gì? (Anh, 2020, tr.30).

 

       Đã có rất nhiều người viết về Trương Đăng Dung và thơ ông, song có lẽ phải đến Trần Hoài Anh thì Trương Đăng Dung và thơ ông mới được “tri âm” sâu sắc, gợi nhiều suy tư và xúc động như vậy!  Hoặc khi viết về Nhật Chiêu, Trần Hoài Anh thật dí dỏm với phát hiện thú vị:      

         Trong những nhà văn gốc Nam Bộ, Nhật Chiêu là dân Nam Bộ chính hiệu. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ “thuần chủng” không hề có sự pha tạp nào. Nhưng Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ khá lạ lùng. Lạ lùng ở chỗ, là người Nam Bộ nhưng văn chương của Nhật Chiêu không hề mang chút hơi hướm nào của văn chương Nam Bộ từ trong cốt cách, trong nội dung và hình thức biểu đạt của nó. Vì vậy, có thế nói, Nhật Chiêu là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ (...). Không như những nhà văn Nam Bộ khác, khi viết văn thường ít dụng công chăm chút cho tính mỹ cảm của văn chương mà viết văn cốt để trình bày tư tưởng, tình cảm chân mộc của mình vốn là bản sắc văn hóa của cư dân Nam Bộ, Nhật Chiêu là người đi đến tận cùng cái đẹp (Anh, 2014, tr.177).

     Những bài viết kiến tạo chân dung tác giả của Trần Hoài Anh ngoài giá trị khoa học còn là tấm lòng ấm áp, bày tỏ sẻ chia, kịp thời động viên, khích lệ nhiều thế hệ cầm bút trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy thử thách. Người viết bài này xin được mượn lời của chính Trần Hoài Anh trân trọng viết về Nhật Chiêu trong “Nhật Chiêu: “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ” để tri ân nhà phê bình và cũng đồng thời khẳng định: “Văn chương ấy không phải ai viết cũng được, nếu người cầm bút không có thiên lương và không có tình yêu đối với cái đẹp một cách thanh sạch” (Anh, 2014, tr.181).

    Thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ sau 1986 đến nay) xã hội Việt Nam biến đổi theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Như một tất yếu, mặt trái của nền văn minh kỹ trị là nguy cơ băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, thủ tiêu hơi ấm của con người, con người sống trong xã hội với muôn nỗi bất an, dễ bị rơi vào trạng thái hoang mang, cô đơn và do vậy con người buộc phải chủ động lựa chọn cách sống và chịu trách nhiệm trước những hành động của bản thân. Đây là tiền đề cơ bản để âm hưởng hiện sinh sau một thời gian vắng bóng lại vang lên ray rứt trong hàng loạt các sáng tác thuộc nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ).

     Nghiên cứu sáng tác văn học thời kỳ đổi mới Trần Hoài Anh nhận định:

        Sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo, đã xuất hiện nhiều tác phẩm thể hiện rõ dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh với những khát khao, trăn trở về thân phận, phản ánh đúng qui luật vận động của văn học và đời sống con người Việt Nam thời kỳ hiện đại trong quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa (Anh, 2017, tr.182).

         Những chủ đề cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh như cô đơn, phi lí, buồn nôn, vong thân, dấn thân… đều được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam từ sau 1986 đến nay. Trên cơ sở các phạm trù cơ bản của thuyết hiện sinh,Trần Hoài Anh đã soi chiếu, “giải mã” nhiều hiện tượng văn học mới, lạ, ra đời trong thời kỳ đổi mới. Có thể kể đến những bài viết: Từ “dấu chân trên cát” đến “tro bụi trần gian”; “Người đàn bà qua hai mùa tóc” và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng; “Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân”: Sự ám ảnh của tâm thức hiện sinh; Dấu ấn tâm thức hiện sinh trong văn xuôi thời kỳ đổi mớ;, Khuynh hướng hiện sinh trong thơ Nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới; Lâm Thị Mỹ Dạ và sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh; Mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật; Cõi nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo; Cảm thức về thân phận người phụ nữ trong“Đi biển một mình” của Kim Quyên; Từ cảm thức hiện sinh trong “Thế giới xô lệch” nghĩ về quan niệm sáng tác của Bích Ngân; Viết để chống lại sự lãng quên, Đọc “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương; Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng; Tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du ...

 

      Luôn lấy văn bản tác phẩm làm cơ sở để nghiên cứu, phát huy ưu thế của thuyết hiện sinh trong nghiên cứu văn học, Trần Hoài Anh đã “đọc” ra nhiều tầng lớp ý nghĩa của tác phẩm. Đi sâu khai thác vấn đề “Tâm thức hiện sinh” thể hiện qua các tác phẩm ở các thể loại khác nhau tác giả cho thấy văn học đổi mới và hội nhập đã tái hiện sinh động trạng thái tâm lý con người Việt Nam thời hậu chiến. Trong nền kinh tế thị trường thật giả, vàng thau nhiều khi lẫn lộn, quá trình đô thị hóa làm băng hoại nhiều giá trị văn hóa khiến con người có lúc không thể không hoang mang thậm chí rơi vào tình cảnh bi kịch tinh thần. Chẳng hạn, tìm hiểu về Dấu ấn tâm thức hiện sinh trong văn xuôi thời kỳ đổi mới,Trần Hoài Anh đã chỉ ra những biểu hiện của dấu ấn tâm thức hiện sinh trong văn xuôi thời kỳ đổi mới bao gồm các bình diện cơ bản như: Dấu ấn của tâm thức đi tìm “cái tôi đã mất”- cái tôi bản thể;  Dấu ấn tâm thức về nỗi cô đơn và thân phận lưu đày;  Dấu ấn của sự ám ảnh về cái chết và sự hư ảo của phận người; Dấu ấn của những khát khao nhục cảm mang tính nhân bản.Trên cơ sở khảo sát tác phẩm của nhiều tác giả để đưa ra những nhận định thuyết phục: “Cái tôi tự nhận thức về bản ngã ở các nhà văn nữ cũng là biểu hiện khát vọng hiện sinh để khẳng định sự hiện hữu của mình nhằm thoát khỏi những ràng buộc vô lý trong thực tại!?”. (Anh, 2017, tr.185). Hoặc:

       Hành trình đi tìm cái tôi bản thể để được sống theo sự lựa chọn của chính mình, không bị ràng buộc bởi bất cứ hoàn cảnh nào, thế lực nào, kể cả quyền lực và bạo lực cũng là dấu ấn của tâm thức hiện sinh trong văn xuôi thời kỳ đổi mới. Đây cũng là điều hiếm thấy trong văn học thời kỳ tiền đổi mới. Và điều này đã cho thấy sự vận động và phát triển trong việc thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật của nhà văn trong vấn đề nhìn nhận và phản ánh hiện thực cuộc sống (Anh, 2017, tr.186).

 

      Với kiến văn chuyên sâu, phong phú, Trần Hoài Anh đã giúp bạn đọc đối sánh để thấy những khác biệt giữa văn học trước và sau đổi mới, nhận thấy dấu ấn tâm thức hiện sinh là một trong những nội dung nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới;  điều này cũng cho thấy sự chuyển hóa trong nhận thức của tư tưởng nhà văn thời kỳ đổi mới để phù hợp với cuộc sống con người sau chiến tranh, phải đối diện với những biến động khôn lường của cuộc sống đời thường; Vì vậy theo Trần Hoài Anh dấu ấn của tâm thức hiện sinh trong văn học Việt Nam:

       Là một thực tế không thể phủ nhận, chính nó đã góp phần làm phong phú và biến đổi hệ giá trị của nền văn học dân tộc và mở ra chân trời mới cho sáng tác và lý luận phê bình văn học trong hành trình khám phá và sáng tạo (Anh, 2017, tr.190).

      Đồng thuận ý kiến với một số các nhà nghiên cứu phê bình văn học đương đại khác, từ những nghiên cứu của mình Trần Hoài Anh cũng góp phần khẳng định từ tinh thần hiện sinh, các nhà văn đã kiến tạo những nhân vật tha hóa, cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời đầy bi kịch, bất trắc. Tuy nhiên, chính những con người đang từng ngày tha hóa này cũng là những con người luôn suy tư, âu lo, hoài nghi để minh định số phận của mình. Chú tâm “mổ xẻ” vấn đề Con người hiện sinh phi lí và cô đơn, Con người kiếm tìm và nổi loạn là bởi các tác giả hướng đến mục tiêu giúp bạn đọc thấy đó là hành động dấn thân giàu tính nhân văn bởi khát khao khẳng định nhân vị độc đáo, tự do, chống lại sự tha hóa, phi lí của đời sống, vươn đến hiện sinh đích thực. Phê bình của Trần Hoài Anh đã mang lại niềm tin và hướng độc giả đến tư duy tích cực. Tuy chuyển tải những quan niệm mang đậm màu sắc hiện sinh về đời sống song các nhà văn Việt Nam đương đại không cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, tự do cá nhân cực đoan... mà nhằm phơi bày các vấn đề về thân phận con người trong xã hội hiện đại để tìm kiếm bản ngã, cái đẹp và ý nghĩa đời sống.

 

     Đọc Trần Hoài Anh có thể thấy những trang luận giải vấn đề nỗi cô đơn và thân phận lưu đày của con người trong văn học thời kỳ đổi mới là những trang viết đầy lôi cuốn. Với tất cả tấm lòng cảm thông, chia sẻ với những kiếp người cùng khổ, sống cùng với bi kịch cô đơn của Nguyễn Vạn trong Bến không chồng (Dương Hướng), Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Sài trong Thời xa vắng (Lê Lựu), Hai Hùng, Ba Thanh, Tám Tính trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) và muôn vàn cuộc đời khốn cùng của nhiều nhân vật có tên và không tên khác, Trần Hoài Anh – nhà phê bình đã thật sự “đồng sáng tạo” cùng các tác giả văn học để xót xa, lên án, cảm thương với mọi tầng lớp, kiểu người trong xã hiện thực xã hội “hạ đẳng”, “phi lý tưởng” (từ dùng của M.Bakhtin)... Từ những minh chứng đầy ắp thông điệp Trần Hoài Anh xác quyết:

          Dấu ấn của sự cô đơn và thân phận lưu đày là mẫu số chung của các tác phẩm văn xuôi thời kỳ đổi mới, là sự cảnh báo về sự vong thân và tha hóa của con người trong xã hội nói chung và xã hội hiện đại nói riêng, khi mà mọi thứ văn minh luôn ẩn chứa trong đó sự dã man, tàn khốc (Anh, 2017, tr.191).

      Và cũng chính vì vậy nên:

         Văn học không thể không nói đến, không thể không quan tâm luận giải. Văn học chỉ có thể tồn sinh trong xã hội, khi văn học luôn quan tâm đến những vấn đề thuộc về con người với các mối quan hệ của nó. Văn học đổi mới đã phần nào chạm đến những vấn đề thiết yếu này trong đời sống con người Việt Nam thời hậu chiến và thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Anh, 2017, tr.191).

        Đây là những kết luận khoa học xác đáng bởi đã đánh giá và ghi nhận đúng giá trị của nhiều tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới mà sự cách tân nghệ thuật rốt ráo đã khiến nhiều bạn đọc không khỏi bỡ ngỡ, băn khoăn. Phê bình của Trần Hoài Anh đã giúp bạn đọc giải tỏa những hoài nghi về tư tưởng của nhà văn và giá trị nhân văn, nhân bản của các tác phẩm ra đời trong thời điểm nền văn học của nước nhà đang mạnh mẽ đổi mới tư duy, chuyển từ “cảm hứng sử thi” đơn giản sang “cảm hứng thế sự, đời tư” phức tạp, muôn màu.

      Tiếp nhận phê bình của Trần Hoài Anh, bạn đọc có thể nhận thấy dường như các nhà văn đương đại luôn hướng đến “truy đuổi” tâm trạng con người:  thay vì tìm cách thoát khỏi nỗi cô đơn, con người hôm nay chấp nhận sự cô đơn, xem cô đơn như mặc định của kiếp người. Thay vì bất mãn, bức xúc trước thế giới phi lí, con người hôm nay điềm tĩnh xem sự phi lí của thế giới như sự tất yếu của đời sống trong tiến trình vận động của nó để ứng xử phù hợp quy luật.

      Hơn bất cứ thời đại nào, tinh thần hiện sinh hôm nay đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, để truy tìm ráo riết lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở đặt ra với mỗi con người “tôi là ai?”, dồn con người vào “cuối đường hầm” để phải tìm ra ánh sáng, thức tỉnh, lựa chọn và quyết định.  Thắp sáng hiện sinh sẽ làm nên kinh nghiệm về tự do, khẳng định phẩm giá con người trước những thử thách của số phận, là kinh nghiệm về vô vàn những khả thể để tự kiến tạo cuộc đời mình theo phong cách riêng và cũng là kinh nghiệm thấm thía về sự cô đơn và cô độc. Tinh thần nhân văn của chủ nghĩa hiện sinh thúc đẩy con người tạo nên những giá trị mới mẻ và độc đáo, khám phá bản thể con người, từ đó con người hiểu nhau hơn và sống nhân ái hơn.

      3. KẾT LUẬN

     Trong hành trình đi tìm cái đẹp của văn chương, với tinh thần kiên định, bền bỉ, luôn nặng lòng với những giá trị của văn học dân tộc, Trần Hoài Anh là một trong số rất ít những nhà nghiên cứu – phê bình thời kỳ đổi mới đã tận tụy, tâm huyết, thậm chí “dấn thân” để làm sống dậy sinh động “sinh thể” văn học miền Nam (1954-1975) - một di sản văn chương dân tộc vốn hàm ẩn nhiều giá trị nhân bản nhưng do hoàn cảnh lịch sử biến động nên chưa được nhìn nhận công bằng. Từ đó, đã góp phần khẳng định văn học miền Nam là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc, là một di sản văn chương cần được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống văn học không chỉ hôm nay và cho cả mai sau, xét trên bình diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

    Khi bàn về vấn đề phê bình văn học nghệ thuật, Guy de Maupassant cho rằng:

        Nhà phê bình xứng đáng với danh từ cao đẹp của nó phải là người không thuộc về khuynh hướng nào cả, không có những ưa thích riêng tư nào cả, không thiên kiến gì cả, và như nhà chuyên môn xem tranh, họ chỉ nghiên cứu đánh giá các bức tranh theo giá trị nghệ thuật của mỗi thứ (Cần, 2021, tr.69).

         Đọc nghiên cứu, lý luận, phê bình của Trần Hoài Anh, có thể  khẳng định tác giả là một trong những nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học không bị “nô lệ theo một nguyên tắc nhất định tuyệt đối nào” (Cần, 2021, tr.68). Lấy nền tảng tri thức văn hóa, triết học, mỹ học của nhân loại làm cơ sở để luận giải các vấn đề văn học một cách khách quan, khoa học là nguyên tắc nhất quán chi phối phong cách nghiên cứu, lý luận, phê bình của Trần Hoài Anh. Trần Hoài Anh có khả năng “thấu thị” văn bản văn chương bằng sự nghiệm sinh sâu sắc của một trái tim mẫn cảm, để từ đó nhà phê bình phóng bút  “sáng tạo trên nền của sáng tạo”. Mỗi tác phẩm của Trần Hoài Anh đều cho thấy ở đó kết đọng những đam mê sáng tạo, tận tâm, trách nhiệm với ngòi bút, trân quý, tôn trọng đối tượng nghiên cứu – phê bình. Bên cạnh việc nghiên cứu mảng Văn học miền Nam (1954-1975) Trần Hoài Anh còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề văn chương của nước nhà qua mọi giai đoạn lịch sử, đặc biệt ở thời kỳ đổi mới hội nhập, với tinh thần “đồng sáng tạo” cùng các tác giả, những trang viết của Trần Hoài Anh đã luận giải nhiều vấn đề phức tạp, dẫn dụ bạn đọc đến với những chân trời tiếp cận nghệ thuật độc đáo, thú vị và phê bình học thuật của Trần Hoài Anh góp phần tiếp tục nối dài sự tồn sinh cho nhiều “sinh thể” văn chương mang giá trị đích thực...

     Trần Hoài Anh quan niệm: “Nhà phê bình không chỉ là người khám phá và sáng tạo cái đẹp mà còn giải mã cái đẹp văn chương để định hướng mỹ cảm cho người tiếp nhận” (Anh, 2020, tr.5). Người viết bài này xin mượn lại chính quan niệm trên để tri ân tác giả, bởi qua hành trình dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy mình kiếm tìm cái đẹp trong văn chương, Trần Hoài Anh đã không ngừng sáng tạo, kiếm tìm cái mới để tạo nên sự kết nối tri âm từ nhà văn đến người đọc qua những thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm. Nhà phê bình đã giúp bạn đọc hiểu và thấm thía hơn chân lý : Đến với văn chương là mỗi chúng ta tự nguyện tìm đến với thế giới của cái đẹp, tinh thần, tâm hồn chúng ta sẽ được thanh lọc, “cứu rỗi” (từ dùng của Dostoyevsky). Đừng bao giờ làm mất cơ hội được khám phá, thưởng thức cái đẹp kỳ diệu của văn chương, hãy trân quý nó bởi nếu thiếu nó văn chương và cả thế giới này sẽ bị hủy diệt. Và hành trình “đi tìm ẩn ngữ văn chương” trong lý luận phê bình văn học của Trần Hoài Anh cũng chính là hành trình giải mã ẩn ngữ của cái đẹp văn chương, một yếu tính của sáng tạo văn học trong sáng tác cũng như trong lý luận phê bình./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Anh,T.H. (2009). Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Anh,T.H. (2010). Thơ –quan niệm và cảm nhận. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội. 

Anh,T.H. (2012). Văn học nhìn từ văn hóa.  Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.

Anh,T.H. (2014). Văn hóa-Văn chương&hành trình sáng tạo.  Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.

Anh,T.H. (2017). Đi tìm ẩn ngữ văn chương. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Anh,T.H. (2020).  Đi tìm mỹ cảm văn chương. Nhà xuất bản  Hội Nhà văn, Hà Nội.

Anh,T.H. (2021). Văn học miền Nam là một di sản. https://tienphong.vn/van-hoc-mien-nam-la-mot-di-san-post1331697.tpo

Cần, N. D. (Tái bản 2021), Để trở thành nhà văn, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

Cao Thị Hồng
Số lần đọc: 195
Ngày đăng: 31.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tưởng niệm Alice Munro (1931-2024) - Nguyễn Đức Tùng
Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh - Trương Văn Dân
Một chốc với “trong những thoáng chốc” - Tiểu Lục Thần Phong
Hình bóng Hemingway ở Paris qua hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 6) - Phan Tấn Uẩn
Hình bóng Hemingway ở Paris (Qua hồi ký A moveable Feast) (Kỳ 5) - Phan Tấn Uẩn
Nhà văn Phù Vân! Gió mang niềm nhớ …Và Mây đã bay đi - Trương Văn Dân
Nhà văn Châu La Việt: “Tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện” - Minh Tứ
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 4) - Phan Tấn Uẩn
1947 – André Gide (Pháp, 1869 – 1951) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn