Trong lịch sử văn tự của mình, người Việt đã từng dùng bốn loại chữ viết khác nhau là “chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ quốc ngữ”. "Quốc ngữ" nghĩa là “chữ của tiếng nói nước nhà” trước kia cũng từng được được dùng để chỉ chữ Nôm và còn được gọi là “Quốc âm”. Nhưng sau khi thứ chữ viết dùng các chữ cái Roman để ghi âm tiếng Việt ra đời và được sử dụng, cách gọi Quốc Ngữ chỉ được dùng để chỉ loại chữ viết này và Quốc Ngữ trong cụm từ “chữ Quốc Ngữ” đã trở thành một danh từ riêng.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Gia Định báo năm 1867 đến nay, cụm từ chữ Quốc Ngữ (khi đó được viết là “chữ quốc ngữ”) đã chính thức được dùng trên văn bản viết ngót nghét một thế kỷ rưỡi. Thế nhưng, từ đó đến nay cách viết tên gọi của loại chữ viết này vẫn chưa có sự nhất quán trên các văn bản, giữa các người viết với ba hình thức khác nhau là: “quốc ngữ”, “Quốc ngữ” và “Quốc Ngữ”.
Thậm chí ngay cả với cùng một người viết, trong cùng một văn bản cũng có sự không thống nhất, chẳng hạn: “Việt Nam đã có chữ Nôm, nhưng hệ chữ Quốc Ngữ trong thời đại mới đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó; hệ quả tất yếu là chữ Hán và chữ Nôm rút khỏi vũ đài lịch sử, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ.” (https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Van-Minh/Chu-quoc-ngu-Co-hoi-ngau-nhien-hay-lua-chon-tat-yeu-i549758/).
Ngoài ba cách viết khác nhau đó, chữ viết này còn được gọi là “quốc văn”, như Tản Đà từng viết trong lời quảng cáo cho cuốn sách “Đại-học” dịch ra chữ Quốc Ngữ: “Trong sách này, về sự in, mặt trang có chia làm ba khoảng. 1. Khoảng dữa là phần rộng hơn, in chính văn, chương cú và tập chú đã theo văn thể mà dịch ra quốc-văn.”
Và cũng còn được gọi là “chữ phổ thông”, như trong Quyết định số 53-CP ngày 22-2-1980 về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số “…Tiếng và chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam (…). Để việc dạy và học chữ dân tộc và chữ phổ thông được dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện cho cả đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào người Kinh muốn học chữ dân tộc, cần xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết dân tộc theo bộ vần, gần gũi với bộ vần chữ phổ thông.” (Công báo, số 4, ngày 29-2-1980, tr.86)
Hay “quốc ngữ Latinh” như một số người đã dùng: “Sau khi người Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam và dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức, những khác biệt giữa chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây của Dòng Tên với chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự Latin của Dòng Sai đã được giải quyết một cách êm thấm mà dứt khoát, nên chữ Việt Nam hiện đang dùng có thể gọi là chữ quốc ngữ Latin.” (Cao Tự Thanh, https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Nghi-ve-viec-chuan-hoa-chinh-ta-tieng-Viet-hien-nay-27029/) để phân biệt với “Quốc ngữ nôm” theo cách gọi của Tạ Chí Đại Trường: “Chỉ đến khi loạn lạc tiếp theo làm giảm bớt áp lực kinh sách, đồng thời với đường tiến thân bằng khoa cử còn là lối duy nhất dẫn đến quyền tước, sang giàu, lúc đó chữ quốc ngữ nôm mới phát triển theo với đà tiến lên đông đúc của đám người ít học (nho)” (Tạ Chí Đại Trường, Chuyện phiếm sử học, Nhã Nam & NXB Tri Thức, 2016, tr.64)
-
Vậy nên viết “Quốc ngữ”, “quốc ngữ” hay “Quốc Ngữ” để chỉ chữ Quốc Ngữ?
Cho đến nay, chưa có một quy định viết hoa chính thức nào của nhà nước đề cập đến việc viết hoa cụm từ Quốc Ngữ trong chữ Quốc Ngữ. Song theo một số quy định viết hoa đã được ban hành, như “Viết hoa trong văn bản hành chính” (kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ), hay gần đây nhất là Quy định số 4148-QĐ/VPTW ngày 27/9/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, các tên riêng (tên người, tên địa lý, tên cơ quan, tổ chức, tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm, tên các loại văn bản, tên các tác phẩm sách báo, tạp chí, tên các năm âm lịch, ngày tết) đều viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết.
Chữ “Quốc Ngữ”, như trên đã nói, là tên gọi của một loại hình chữ viết dùng các chữ cái Roman (hay La Mã, gồm chữ viết các ngôn ngữ: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Romania) để ghi âm tiếng Việt. Vì vậy nó là một tên riêng gồm hai âm tiết, có giá trị khu biệt với những tên riêng chỉ các loại chữ viết khác, như: chữ Nôm, chữ Nho (Việt Nam), chữ Hán (Trung Quốc), chữ Hangul (Hàn Quốc), chữ Romaji (Nhật Bản)… Mặt khác, chữ Quốc Ngữ cũng có giá trị định danh như những tên riêng ghép khác, kiểu như: sông Hồng Hà, dãy Trường Sơn, Bắc Bộ… Vì thế chữ cái đầu của cả hai âm tiết “Quốc” và “Ngữ” trong chữ “Quốc Ngữ” đều cần phải được viết hoa.
Việc viết hoa hai chữ cái đầu của cả hai âm tiết “Quốc” và “Ngữ” khi viết về chữ Quốc Ngữ đã được nhà ngôn ngữ học Mỹ, John de Francis triệt để tuân thủ trong cuốn sách của ông “Colonialism and Language Policy in Vietnam” (Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam), do De Gruyter Mouton xuất bản năm 1977. Trong tác phẩm này cũng như trong một số bài viết khác sau đó, khi đề cập đến chữ Quốc Ngữ, ông đều dùng “Quoc Ngu”.
2. Chữ Quốc Ngữ là chữ viết Latinh/La Tinh hóa hay Roman/La Mã hóa?
Các công trình khảo cứu về sự ra đời và phát triển của chữ Quốc Ngữ từ trước đến nay đã chỉ rõ bảng chữ cái của chữ Quốc Ngữ không phải được xây dựng chỉ dựa trên bảng chữ cái của chữ viết La Tinh mà còn lấy từ một số chữ viết khác của các ngôn ngữ Roman hay La Mã và cả chữ viết tiếng Hy Lạp. Điều này đã được nhà ngôn ngữ – dân tộc học Pháp André-Georges Haudricourt nêu ra trong công trình ‘“L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien” (Nguồn gốc những điểm dị biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt) đăng trên tập san bằng tiếng Pháp, Dân Việt Nam, của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), năm 1949.
Theo Haudricourt, A.G. “Khi một ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết lần đầu tiên, hệ thống chữ viết dùng để ghi lại ngôn ngữ đó thường dựa trên hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ khác và hệ thống chữ viết mới kế thừa những đặc điểm dị biệt từ hệ thống chữ viết mà nó dựa vào. Như vậy, Do được xây dựng dựa trên hệ thống chính tả của một số ngôn ngữ Roman mà chữ Quốc Ngữ của tiếng Việt cũng thừa hưởng những điểm dị biệt có trong những ngôn ngữ này”. Haudricourt chỉ ra rằng trong chữ Quốc Ngữ các chữ cái Ă, PH, TH và KH được mượn từ chữ La Tinh (song có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp); các chữ Â, C, Ê, G, Ô, S, X và CH, NH được mượn từ chữ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha; QU và GU được mượn từ tiếng Italia và tiếng La Tinh, GI được mượn từ chữ Bồ Đào Nha và chữ Pháp; X được mượn từ chữ Bồ Đào Nha; 4 trong 5 dấu ghi thanh điệu (HUYỀN, SẮC, NGÃ, NẶNG) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp, chỉ có dấu HỎI bắt nguồn từ chữ La Tinh.
Mặc dù chữ viết La Tinh cũng thường được gọi là chữ Roman hay La Mã, song để tránh hiểu lầm và phân biệt với chữ viết của tiếng La Tinh (một ngôn ngữ cụ thể hiện chỉ được dùng trong một số lĩnh vực nhất định) khi nói về nguồn gốc của chữ Quốc, cần khẳng định rằng chữ Quốc Ngữ là chữ viết được xây dựng dựa trên các chữ cái của các chữ viết Roman hay các chữ viết La Mã. Cũng vì lẽ đó mà loại chữ viết được xây dựng từ chữ cái của các ngôn ngữ Roman được gọi là chữ Romaji ở Nhật Bản.
Hẳn là lưu ý đến điều này, từ năm 1940 trong tác phẩm “Việt Nam văn phạm”, học giả Trần Trọng Kim đã viết rằng “Chữ nôm là lối chữ mượn âm hay mượn ý của chữ nho mà đặt ra. Sau, các giáo-sĩ đạo Thiên-chúa sang truyền đạo, mới dùng những chữ cái của La-mã mà phiên lấy âm, đặt ra chữ quốc-ngữ, là một thứ chữ bây giờ dùng rất phổ-thông trong nước.”
Như vậy, thiết nghĩ “Quốc Ngữ” cần phải được viết hoa cả hai chữ cái đầu trong cụm từ “chữ Quốc Ngữ” để chỉ loại hình chữ viết của người việt viết bằng các chữ cái Roman để phân biệt với chữ Hán và chữ Nôm.