Nhà văn Vũ Bằng (1913 – 1984)
1-Làm báo,viết văn
Nhà báo,nhà văn Vũ Bằng,tên thật Vũ Đăng Bằng(1913 – 1984)- sinh trưởng tại Hà Nội trong một gia đình Nho học, quê gốc làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông theo học Trường Albert Sarraut,tốt nghiệp Tú Tài Pháp,bước chân vào nghề làm báo rất sớm. Năm16 tuổi(1929),ông đã có bài đăng trên tờ An Nam tạp chí và chính thức đeo đuổi nghề cầm bút .
Giai đoạn khởi nghiệp ở Hà Nội(1929 - 1954),ông cộng tác với nhiều báo: Hữu Thanh,An Nam tạp chí,Đông Tây,Rạng Đông,Nhật Tân,Trung Bắc tân văn,Công dân,Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san,Truyền bá,Tương lai,Vịt đực,Trung Bắc chủ nhật,Trung Việt tân văn...
Theo nhà văn Võ Phiến: “Vũ Bằng có lúc tay nầy một tờ báo của Vũ Đình Long, tay kia một tờ khác của Nguyễn Doãn Vượng; có lúc một mình trông nom cả ba tờ báo ở Sài Gòn là Đồng Nai, Sài Gòn Mai và Tiếng Dân; lại có lúc vừa viết cho Dân Chúng, làm tổng thư ký báo Tin Điện, lại vừa hợp tác với người thứ ba làm báo Vịt vịt...”
Trong lãnh vực trước tác văn chương, ông sở trường thể loại ký .Trên Văn học tạp chí số 4 năm 1935, Lê Tràng Kiều (1912-1977)- nhà phê bình văn học hàng đầu khi ấy,đã viết về ba gương mặt văn chương đặc sắc đương thời – (Tam Lang Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu Vũ Bằng và Thiên Hư Vũ Trọng Phụng): “Vũ Bằng là một trong ba nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta. Bấy giờ,Vũ Bằng đi sâu vào thể ký, nhưng viết với chiều sâu của văn chương phong tục. Cuối năm 1956, ông cho xuất bản tác phẩm Ăn tết thủy tiên, khiến giới quan tâm ghi nhận một phong thái mới trong đời sống văn chương Sài Gòn. Năm 1960, xuất bản tập ký Miếng ngon Hà Nội, văn phong tinh tế và thật giàu xúc cảm. Sau này, thêm sự kiện tác phẩm Thương nhớ mười hai, xuất bản năm 1972, thì công chúng văn học đã ghi nhận nhà văn Vũ Bằng đã tạo nên thể loại hồi ký trữ tình độc đáo cho văn học Việt Nam. Tập bút ký Miếng lạ miền Nam (1969), và cuốn hút hơn là tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo (1969) càng khẳng định tài năng viết ký của ông. Không chỉ viết ký, Vũ Băng còn viết nhiều thể tài khác, từ biên khảo, truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, và liên tiếp cho xuất bản: Khảo cứu về tiểu thuyết (biên khảo, 1969), Mê chữ (tập truyện, 1970), Nhà văn lắm chuyện (1971), Những cây cười tiền chiến (1971), Người làm ma vợ (tập truyện ký, 1973), Bóng ma nhà mẹ Hoát (tiểu thuyết, 1973)…”
Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971,chủ biên tạp chí Phổ Thông) khen ngợi:“Anh có lối tả chân thật đặc biệt và trào phúng chuyên môn, có khi rất nhẹ nhàng khả ái như Alphonse Daudet, có khi cầu kỳ lí thú như Courteline. Tôi không nói Vũ Bằng là một văn hào, nhưng chắc chắn anh là một nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân trào phúng, trước kia và bây giờ”
Họa sĩ Tạ Tỵ (1922-2004) gọi ông là người trở về từ cõi đam mê,nhận xét : “Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Nghệ thuật làm báo cũng như viết văn. Về làm báo, Vũ Bằng đã tự vẽ chân dung mình, chân dung thế hệ, trong cuốn “40 năm nói láo” do cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai ấn hành cuối năm 1969. Trong tác phẩm đó,Vũ Bằng đã thành thực chẳng những với lòng mình mà còn với người đọc. Những điều mà Vũ Bằng viết ra tôi tin rằng chẳng có ích bao nhiêu đối với những người chưa hoặc không nghĩ tới chuyện làm báo, nhưng nó rất cần thiết cho lịch sử báo chí và những ai muốn sống đời ký giả. Bán cả một cuộc đời để được trả bằng mấy trăm trang sách kể là quá đắt. Cuốn hồi ký 40 năm nói láo đã nói lên tất cả mọi khía cạnh đặc thù – trong đó – Vũ Bằng đã ký thác tâm sự mình, ký thác “nghiệp chướng” mình một cách quá đầy đủ về mặt báo chí” .
2-Vũ Bằng “nói có sách”
Người cầm bút nghiêm túc thường rất thận trọng trong công việc bếp núc chữ nghĩa. Học giả Nguyễn Hiến Lê(1912-1984),chia sẻ kinh nghiêm :“Tôi rất chú trọng đến chánh tả và sự dùng chữ cho đúng.Chỗ ngồi viết,sau lưng tôi kê một cái tủ mà hai ngăn chứa toàn tự điển non hai chục bộ,lớn nhỏ :Việt,Pháp,Anh,Hán tự điển,văn liệu,điển tích,đồng âm,đồng nghĩa…;tôi chỉ cần quay lại vói tay là lấy được liền.”(tr.400-Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,NXB Văn Học -1993).
Với “Nói có sách”(NXB Nguyễn Đình Vượng Saigon – 1971),Vũ Bằng đã thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của người cầm bút trước con chữ.Ông bỏ công nhặt nhạnh sưu tập,tra cứu một số từ ngữ thường dùng trong vùng kháng chiến không chỉ để bản thân học hỏi,tích vốn mà còn mong muốn giúp ích cho bạn đọc.Trong Mấy lời nói đầu,ông bày tỏ :“Soạn cuốn sách này(NCS),chúng tôi không dám có ý tưởng sửa sai hay bắt bẻ bất cứ ai.Đây là những điều chúng tôi học hỏi được,sưu tập lại để trình chánh bạn đọc,trước là để giúp ích cho những người chưa có dịp học hỏi,mà sau là để cho các bậc cao minh nhuận chính hầu giúp ích cho những người đến sau muốn sử dụng những danh từ mới một cách chân xác và đứng đắn.”(tr. 21)
Sau 1975 thời cuộc xoay 180 độ ,nhiều cái cũ không còn hợp thời(tự rút lui hoặc tự phân hủy hay tự tìm một không gian khác để tồn tại !?),cái mới lan tỏa chiếm lĩnh trận địa.Ngôn ngữ là sản phẩm của con người,mang tính xã hội - cũng đột biến thay đổi theo hướng vừa thụ động dung nạp,vừa bị “nuốt” bởi cái mới. Một khối lượng từ ngữ mới chuyển vùng - từ “A”(miền Bắc) vào,từ”R”(vùng GP ra )- Thời gian đầu giao tiếp,quần chúng tại chỗ khá bở ngỡ,đến nay(2014) gần bốn chục năm trời dùng theo-nói theo riết thành quen !
Thời điểm đó còn lưu giữ tác phẩm “Nói có sách”, rảnh rỗi tôi thường lôi ra đọc tiêu khiển,nhân đó biết thêm một số từ ngữ mới,hiểu thêm vài câu ngạn ngữ lạ tai - (ví dụ: “dùi đục(hay bồ dục)chấm mắm cáy”).Loại sách nghiên cứu thường “khô”phải đọc chậm để ghi nhớ ngữ nghĩa và cách dùng trong văn cảnh. Đọc đi đọc lại nhiều lần,tôi bị lôi cuốn bởi kiến văn,bút lực biên khảo già giặn chuẩn mực của tác giả. Dạo ấy ghi chép,biên soạn bài dạy,còn ngờ ngợ những khái niệm từ ngữ mới thuộc lãnh vực chính trị - cách mạng,chẳng biết bấu vào đâu,tôi thường “cầu cứu” thầy Vũ Bằng – Sau này có thêm tài liệu Sổ tay từ ngữ thường dùng(Chính trị-Kinh tế-Văn hóa) của Nguyễn Văn Ái,Võ Huỳnh Mai (NXB TP.HCM ,1980 ) và rất nhiều chủng loại từ điển thuật ngữ khoa học chuyên dùng.
“Nói có sách” dày 277 trang, nhiều khái niệm từ ngữ phổ biến trong vùng giải phóng được tác giả chú giải khá rành mạch .Xin nêu một ít thí dụ :
- Cách mạng: là một cuộc vận đông thay đổi lớn và có tính chất đột biến,cho nên cách mạng khác với cải lương .Cải lương,cải tiến,chỉ là sự thay đổi dần dần…(tr.72)
- Quá độ : Nhiều người dùng lầm chữ quá độ và cho rằng danh từ này chỉ cái gì không bình thường,đi quá cái mức của nó(như ăn quá độ,chơi quá độ).Sự thực,quá độ có một nghĩa khác hẳn: dùng để nói thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ…(tr.75)
- Cương lĩnh : là chương trình hoạt động của một chính đảng hay một mặt trận trong một thời kỳ,để đưa đường chỉ lối …(tr.89)
- Kiểm thảo : nguyên là một chức quan trong hàn lâm viện thời phong kiến,hàm tùng nhất phẩm –(Hàn lâm kiểm thảo).Sở dĩ người ta nhắc đến chữ kiểm thảo nhiều là vì kháng chiến hay dùng chữ kiểm thảo,tức là kiểm soát và thảo luận xem có đúng hay không,để tìm nguồn gốc những khuyết điểm hay ưu điểm…(tr.99)
- Hạ tầng công tác : kỷ luật đưa một hay nhiều người phạm lỗi ra khỏi cương vị chỉ huy - hay ra khỏi hẳn cơ quan.(tr.111)
- Ba đảm đang : Nguyên chữ đảm có nghĩa là giỏi,tháo vác,đảm đang.Người đàn bà quán xuyến gia đình,nuôi con dạy cái nên người,lo cho chồng chu tất là người đàn bà đảm đang.Trong kháng chiến danh từ “ba đảm đang” chỉ phong trào phụ nữ Việt Nam đánh Pháp cứu nước – và có ý tuyên truyền phụ nữ phải tự nhận lấy ba nhiệm vụ: gánh vác gia đình,sản xuất,chiến đấu thay người đàn ông – mới xứng đáng là phụ nữ đảm đang(tr.146)
- Xuẩn động và manh động :Xuẩn động là hành động rồ dại,ngu ngốc…- Manh động cũng tương tự nhưng nhẹ hơn một chút.Đó là hành động phiêu lưu của các nhà cách mạng chủ trương phát động khởi nghĩa khi chưa đủ yếu tố chủ quan và khách quan đề chiến thắng.(tr.160)
- Chủ nghĩa cơ hội (CNCH) có khác chủ nghĩa hoạt đầu (CNHĐ)? – Cơ hội chủ nghĩa là chủ nghĩa của những kẻ “gió chiều nào,che chiều ấy”.Cứu cánh của những người theo chủ nghĩa này là quyền lợi cá nhân.Họ không cần lý tưởng,mà chỉ cần cơ hội.Cơ hội tới,có danh có lợi là làm.
“Đầu cơ” là bà con ruột thịt với “cơ hội”.Giống như đầu cơ kinh tế,những người đầu cơ chính trị là những người không chịu bỏ lỡ dịp tốt để làm tiền hay tiến thân.Có khác chăng là khác ở chỗ bản thân họ không có một chút giá trị,nên hễ gặp cơ hội là họ xông tới,chớ thường không dám làm cao giữ giá để chờ một cơ hội khác.
Chủ nghĩa cơ hội cũng là một thứ chủ nghĩa hoạt đầu,song trình độ nghề nghiệp của những người “hoạt đầu” có cao hơn nhiều.Trên sân khấu chính trị,những kẻ không những thấy cơ hội là “chộp” lấy mà có lúc thì uốn lưng quì gối,có lúc đánh bên tả,gạt bên hữu với những mục đích gian manh,thì những kẻ đó đích danh là những phần tử hoạt đầu vậy. Người có tư tưởng cơ hội có thể ít phạm phải những hành động phản bội,nhưng người có tư tưởng hoạt đầu nhất định sẽ đi vào con đường phản bội.(tr. 25)
- Phản ảnh hay phản ánh?:Phản ảnh và phản ánh đều có nghĩa là chiếu hắt trở lại(refléter), nhưng chữ phản ảnh bây giờ ít được dùng như phản ánh.Thí dụ: văn học dân gian phản ánh cuộc sống của quần chúng,biểu hiện thế giới quan của quần chúng,do đó có tính nhân văn sâu sắc. Từ ý nghĩa đó,chữ phản ánh được dùng với một ý nghĩa bóng bảy,rộng rãi hơn.Phản ánh có nghĩa là tỏ ra,biểu hiện ra.Thí dụ : lời văn của ông ta phản ánh một nội tâm thắc mắc.Ở ngoài kháng chiến,chữ phản ánh còn được dùng với một ý nghĩa rộng hơn nữa: phản ánh là kể lại sự việc đã xảy ra.Thí dụ : phản ánh tình hình chiến sự cho cấp lãnh đạo.(tr. 29)
- Phạm trù : một danh từ triết học - là khái niệm cơ bản những phương diện,thuộc tính,bản chất và quan hệ phổ biến nhất của những hiện tượng trong thiên nhiên và xã hội,như : vật chất,vận động,không gian,thời gian,nội dung,hình thức…Thí dụ:nguyên nhân/kết quả,bản chất/hiện tượng,nội dung/hình thức là những cặp phạm trù triết học.(tr.163)
- Phản tỉnh : là xét lại tư tưởng mình để tìm sai lầm mà sửa chữa…(tr.152)
- Du kích : là một lối đánh không có mặt trận rõ rệt,khi ẩn khi hiện thất thường.Nói một cách nôm na,du kích từa tựa như lối đánh lén,đánh rồi rút,chớ không công khai.Chữ du kích còn có nghĩa là những chiến sĩ đánh theo lối du kích chiến.(tr.228)
Rất nhiều thuật ngữ chính trị,văn - triết được cắt nghĩa ngắn gọn vừa đủ để hiểu như: (Thế nào là duy tâm,duy vật,duy sinh,duy linh? - Thế nào là một nền văn học nghệ thuật dân tộc khoa học và đại chúng? - CN hiện thực xã hội,CN dân tộc ..)
***
“Nói có sách”không phải là từ điển nên không xếp theo thứ tự A,B,C…,tác giả chỉ lựa những chữ hay dùng và xếp đặt tùy theo sự cần thiết hay tùy theo trường hợp.Và chỗ dựa tham khảo là những từ điển như:Hán Việt từ điển,Anh Việt từ điển,Larousse,Từ điển Trương Vĩnh Ký,Pháp Việt từ điển,Từ điển tiếng Việt …
Vũ Bằng quan niệm: “Tôi không tán thành những người cố chấp,không chịu học hỏi,chủ trương cái gì của địch thì không dùng mà chỉ có cái gì của ta mới hay,mới đẹp.Nói riêng trong phạm vi nước ta,Bắc hay Nam cũng chỉ có một văn hóa mà thôi,người Nam dùng chữ của Bắc hay người Bắc dùng chữ của Nam không phải là cái dở hay cái tội.
Điều cần thiết là không nên lạm dụng chữ ngoại quốc,nếu có thể dùng chữ của mình thì bao giờ cũng vẫn hơn.Nhưng nếu có những trường hợp tiếng ta không có hay chưa có danh từ để diễn tả một ý kiến,một cảm giác,một tư tưởng,ta có thể cứ dùng những danh từ nhập cảng của ngoại quốc hay những danh từ của đồng bào khác ý thức hệ với ta,nhưng điều quan trọng đã không dùng thì thôi,chớ đã dùng thì cũng nên dùng cho đúng nghĩa và đúng chỗ,kẻo hồn chữ lại phải tả oán nơi âm phủ.”(tr.20)
Đọc lại tác phẩm“Nói có sách”, chúng ta vô cùng trân quý ngòi bút Vũ Bằng – nhà báo,nhà văn có thực tài,say mê tâm huyết với nghiệp văn chương.Giới phê bình nghiên cứu văn học đã nhìn nhận: “Ngay từ những năm Ba mươi,Vũ Bằng là một trong những người có công lớn cách tân tiểu thuyết Việt Nam,hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam.”( Trích lời giới thiệu của Triệu Xuân trong Tuyển tập Vũ Bằng,Tập I-NXB Văn học, năm 2000) .
Mong sao nhiều tác phẩm của ông được tái bản và chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 12 điều chỉnh tới đây,tác gia Vũ Bằng sẽ được góp mặt như một thành viên làm nên bản sắc văn hóa Việt trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
(Saigon – viết 25/8/ 2014,chỉnh sửa 06/6/2024)