Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.525 tác phẩm
2.749 tác giả
339
119.920.517
 
Sương nắng phôi pha
Nguyễn Thỵ

 

 

1.

Người thành núi biếc

 

Năm đó cô nàng ghi danh vào ĐH Văn Khoa ban Việt văn. Vẫn mấy chiếc áo dài trắng cũ của năm lớp 12, tóc đã dài hơn, nàng cao hơn và cũng gầy hơn. Nàng hay đi cùng một cô bạn xinh xắn mang kính cận có biệt danh là Babilac (một hiệu sữa cho trẻ em nổi tiếng thời bấy giờ). Nghe vậy cũng đủ hiểu vóc dáng cô bạn như thế nào rồi, tính tình thì vô cùng ngọt ngào, dễ thương, mềm mại, dịu dàng. Mặc dù vóc dáng có hơi trái ngược nhưng hai tâm hồn rất đồng điệu, đó là người đã được nàng đề tặng bài thơ "Tình Văn Khoa" sau này.

 

Bài thơ đó có đoạn trong ngoặc kép:

 

"Nếu phải chờ nhau mà hóa đá

Cũng xin chờ thử một lần xem

Chỉ sợ khi ta thành núi biếc

Ngàn đời không thấy dấu chân em"

 

Bốn câu thơ này ai đó đã khắc lên bức tường của giảng đường và hai cô bạn đã tình cờ đọc được trong một buổi chiều lang thang trong khuôn viên Văn Khoa. Rồi cứ lẩm nhẩm suốt, cứ lởn vởn mãi trong đầu những câu thơ ấy, bởi chờ đợi đang là trạng thái thường trực trong nàng lúc đó và cả cô bạn kia nữa! Chờ đợi điều gì ư? Người ta có thể chờ đợi điều gì với tuổi mười chín, đôi mươi trong chiến tranh? Có rất nhiều thứ mãi mãi không bao giờ đến, không bao giờ trở về, cho dù đã chờ đợi cả cuộc đời.

 

Những câu thơ trên đã như sợi tơ vương vấn suốt một thời thiếu nữ, vừa như một lời hứa vừa như một lời trách, để nhớ về một người, nhớ về một thời....

 

Đã hàng thập kỷ trôi qua bên những nợ đời phải trả, trong bôn ba cơm áo gạo tiền, nàng hầu như đã lãng quên những kỷ niệm của ngày tháng thanh xuân đầy mơ mộng. Lâu lâu chỉ còn một chút sầu mây lãng đãng đủ để thương nhớ bâng khuâng, thẫn thờ thoáng chốc rồi thôi, lại trở về với thực tại đa đoan.

 

Nhưng rồi một ngày kia trái tim nàng bỗng loạn nhịp- như gặp lại cả một thời xưa cũ- khi cũng lại tình cờ đọc được một bài thơ trên cõi mạng (hy vọng đúng y nguyên tác vì đa số những trang thông tin có liên quan không thể kết nối để đối chiếu, xin phép được trích dẫn):

 

Tháng mười ở đâu?

 

Nếu thật chờ nhau mà hóa đá

thì xin thử đợi một lần xem

Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc

ngàn năm không thấy dấu chân em…

 

Em mặc áo dài hoa đỏ chín

tưởng gió vườn rung khóm mẫu đơn

Mỗi bông nở hướng về một phía

riêng phía tôi ngồi vẫn trống trơn.

 

Sợ nhất lúc buông nhau mùa gió

bao nhiêu chăn phủ chẳng ấm đời

Giường gỗ mộc run lên tiếng lạnh

nhớ hơi người đến chết mất thôi.

 

Lũ bàn ghế đứng im một góc

nghe buồn tênh thớ gỗ mọt kêu

Sắp đứt mong manh từng sợi nhỏ

những tơ trời nhện dở dang treo.

 

Cho thơ bắt kịp làn hương với

nghìn nụ cười em nhớ nở hoa

Tôi biết, chủ nhà chưa đi vắng,

hiên yếm vàng phơi, lúc ngó xa.

 

Trông mắt em cười tôi cảm thấy

lòng dửng dưng trước các vì sao

Phải chi em đến thường như gió

đẩy cửa mang theo ánh trăng vào.

 

Nếu thật chờ nhau mà hóa đá

thì xin thử đợi một lần xem

Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc

ngàn năm không thấy dấu chân em…

 

Nguyễn Hữu Nhật 

 

Ngày xưa nàng từng rất muốn biết tác giả của những câu thơ đó là ai, ai đã khắc lên tường vôi, họ đã trải qua tâm trạng và cảm xúc như thế nào, bây giờ họ ra sao... giờ đây một phần đã hé lộ.

 

So với nguyên tác, khổ thơ đã khác một số từ, không biết do bản khắc trên tường hay do nàng nhớ không chính xác vì thời gian trôi qua đã lâu. Nàng lặng người bởi mối duyên muộn màng với bài thơ, cũng như rất nhiều những trễ muộn đã đến trong cuộc đời mình.

 

Kính thưa nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, xin lượng thứ cho kẻ hậu bối vì đã không thể trích cho đúng và chú thích đầy đủ về đoạn thơ trên trong suốt một thời gian dài. 

 

Theo thông tin trên internet: nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật (còn có bút hiệu là Động Đình Hồ) sinh ngày 22 tháng 6 năm 1942 tại La Khê, Hà Đông, di cư vào Nam năm 1955. Từ năm 1967 đến năm 1975 ông phục vụ trong quân lực VNCH. Ông từng có thời gian dạy lý thuyết hội họa tại Hội Việt Mỹ- Sài Gòn, cùng với họa sĩ Nguyễn Lâm.

Sau 1975 ông đi tù cải tạo hai lần: lần thứ nhất từ năm 1975 đến năm 1982, lần thứ hai từ năm 1984 đến 1988. Năm 1989 ông được định cư tị nạn tại Na Uy, sống cùng gia đình tại Oslo cho đến khi qua đời ngày 11 tháng 12 năm 2014, hưởng thọ 72 tuổi.

 

Tất nhiên những thông tin trên không thể coi là đầy đủ về một con người tài hoa với tất cả những gì mà nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đã để lại cho đời, từ văn chương thi phú cho đến hội họa...

 

Tìm đến với thi ca Nguyễn Hữu Nhật hôm nay lòng bỗng nghe vô cùng ấm áp và biết ơn vì tất cả những gì đẹp đẽ, quý giá nhất mà nhà thơ đã trao tặng cho cuộc đời, sẽ mãi còn nguyên vẹn với thời gian.

...

 

Rồi mái đổ tường xiêu, phù vân luân lạc. Người tri kỷ đã thành cố nhân, phương trời diệu vợi. Những cô nàng áo trắng ngày xưa tóc dài hình chiếc lá, guốc mộc thong dong, mùa thu khai trường tay ngà thơm sách vở... giờ tìm đâu thấy nữa.

Bao năm qua rồi vẫn còn mơ những chiều tan học nắng vàng cũng vội tan theo, bâng khuâng đứng bên ngoài cửa lớp để "cả triều tình cảm dâng theo bóng người đi".

 

Chiếc bóng đổ dài trên lối nhỏ sân trường một chiều phai, về đâu rồi chẳng biết.

 

 

2.

Một mình trong sương mù

 

Tuyết Đông vui mừng khi mẹ cô- bảy mươi tuổi- đã dễ dàng vượt qua ba bài kiểm tra của Giáo sư Bruno Dubois- Giám đốc của Viện trí nhớ và bệnh Alzheimer (IMMA) tại Pitié-Salpétrière- Paris được đăng trên mục Y khoa của một tờ báo. Điều đó chứng tỏ não bộ của bà đang ở trong tình trạng khá hoàn hảo và không có mối quan hệ nào với căn bệnh Alzheimer.

 

Nhưng rồi chỉ mấy hôm sau, cô đã không khỏi băn khoăn và bắt đầu thất vọng trước những biểu hiện khác lạ của bà ngày càng rõ nét. Chẳng hạn khi cho bà thử lại bài test nói trên thì bà như chưa từng làm, vẫn hào hứng như mới thực hiện lần đầu và vẫn không có bất kỳ một nhầm lẫn nào. Hay có lúc bà chợt nhìn cô đăm đăm, miệng lẩm bẩm điều gì đó, tay xé nát mẫu bánh mì đang ăn dở. Một ly sữa bỏ mặc đến nguội lạnh, một bữa ăn tiếp liền ngay sau bữa ăn trước chỉ chưa đầy mười lăm phút, vào nhầm phòng ngủ, đi lạc không nhớ đường về nhà... Tất cả những điều đó làm dâng lên trong lòng Tuyết Đông nỗi lo sợ- rồi không còn mơ hồ gì nữa mà chắc chắn rằng- bà đã bị suy giảm năng lực nhận thức và ngày càng trở nên trầm trọng.

 

Tuyết Đông nhiều lần đưa mẹ đi khám ở nhiều bác sĩ chuyên khoa, kết quả chẩn đoán y như nhau, mẹ cô đã thật sự mắc phải hội chứng Alzheimer.

Phác đồ điều trị vẫn được duy trì nhưng căn bệnh đã tiến triển rất nhanh. Bà đã bị mất dần những  khả năng cơ bản- thậm chí đến cảm giác khát, đói cũng không còn nữa. 

Cho đến hiện giờ mẹ cô gần như hoàn toàn mất khả năng phản ứng với môi trường xung quanh, tất cả mọi sinh hoạt đều cần đến sự hỗ trợ.

 

Nhiều lần Tuyết Đông lén nhìn ngắm mẹ trong trạng thái tĩnh lặng, đầu cúi thấp, ngồi trước bức tranh hoa cúc đại đóa vàng rực mà bà rất yêu thích trước đây. Cô đau đớn tự hỏi, người phụ nữ hiền thục, xinh tươi, luôn mỉm cười trong mọi hoàn cảnh cho dù nước mắt đang rơi- người phụ nữ mạnh mẽ nhất mà cô biết- đã biến mất đâu rồi?

 

Người phụ nữ đó sau khi có Tuyết Đông đã suốt đời ở vậy với nhan sắc của hoa đào và tâm hồn cổ mộc- thân cây đã khô chết trăm năm nhưng mang trên thân mình mầm xanh của yêu thương, của hiến dâng và hi sinh tận tụy.

 

Người đó đã bước vào miền sương tỏa và đi mãi trên con đường không ký ức, không hiện tại, không tương lai. 

 

Cõi tồn sinh cô độc đó không phải một vùng phủ vây mờ ảo để còn nhìn thấy lờ mờ bóng dáng mà là cõi sương mù dày đặc, bốn bề trắng xóa, tưởng chừng đã chạm vào vô tận vĩnh hằng.

 

Tuyết Đông hình dung lại lần đã rơi vào một chốn, một góc, một điểm dương gian như vậy trên một ngả đường, trong một thị trấn, cao nguyên, mùa đông, rét mướt. Cô đã hoảng hốt tột cùng khi nhìn thấy ánh đèn xe yếu ớt xuyên qua khoảng cách không thể ước lượng- khoảng cách bông gòn trắng đục- âm thanh cũng không thể thẩm thấu hay tiếng còi không cần vang lên vì ai đó cũng không nhìn thấy cô đang chơi vơi giữa đường sương.

Cái cảm giác đơn độc một mình, trọn vẹn, tuyệt đối, không thể xoay chuyển giữa một không gian bỡ ngỡ lạ kỳ- ôm trọn, phủ kín, đông đặc và chôn vùi. Và vượt trên tất cả lúc đó là nỗi sợ đến nghẹt thở- không biết rằng trong khoảnh khắc nữa thôi mình sẽ phải đối mặt với điều gì. Cô bước đi trong hoang mang, không biết đang đi về hướng nào, đang đi về đâu. Sẽ bị xuyên qua, rơi xuống hố thẳm, vực sâu hay vấp ngã, đâm sầm vào một bức tường đâu đó chung quanh...

Trải nghiệm đó lặp lại nhiều lần trong những giấc mơ về sau này, cảnh tượng và cảm xúc thật đến nỗi cô vẫn còn bàng hoàng khi tỉnh dậy.

 

Trong cõi mù sương đó, một người đã dần khuất vào sâu thẳm, một người còn lang thang khốn đốn giữa đường. Đó là sự khác biệt giữa quên lãng vô biên và ý thức tồn tại đầy cay đắng, giữa hạnh phúc thăng hoa và đau khổ trầm luân, giữa giải thoát và giam cầm.

 

Nhưng niềm hạnh phúc của lãng quên và giải thoát mà cô cho rằng đã hiện hữu bên trong mẹ- liệu có phải là một điều có thực? Có phải chính điều đó đã từ từ đưa bà ra xa, rời khỏi thế giới này, ra đi mãi mãi mà không hề hay biết? Hay đơn giản cũng chỉ là thoáng chốc lạc trong sương mù, nắng vàng sẽ làm cho những hạt nước tan đi, không gian sẽ lại trong ngần với nụ cười an nhiên của mẹ.

 

Ước gì cô biết được phải bám víu vào đâu để có niềm tin và chờ đợi sự trở lại của người- dù chỉ trong khoảnh khắc.

 

Cho tới một ngày, chính xác là một buổi chiều nghiêng về phía hoàng hôn, Tuyết Đông đổ sụp dưới chân mẹ mình cùng với nỗi tuyệt vọng không bến bờ. Bà ngồi ở mép giường nhìn cô với đôi mắt lạc thần, cái nhìn xuyên qua cô và trôi về nơi vô định, với giọng thì thầm yếu ớt bà hỏi:

 

Thấy con gái tôi đâu không?

 

Cô run rẩy ôm lấy đôi chân với hai đầu gối gầy xương của mẹ mà nghe toàn thân vỡ nát. Nỗi sợ hãi của lần lạc giữa sương mù trắng xóa lại phủ trùm lên cô, bây giờ thêm cả nỗi sợ lớn hơn- nỗi sợ mất mẹ nghìn thu.

Một cái gì đó vô cùng lớn lao đã sắp đi đến những ngày tháng, những giây phút sau cùng. Tối xám, héo khô, tàn rụi, sẽ chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông không thể lấp đầy.

 

Giờ đây khi sương mù vây kín- mẹ ơi, xin cho con được nương nhờ tình yêu thương của mẹ. Bất kể về đâu, xin cho con nâng lấy bàn tay để mẹ dắt con đi.

 

Tuyết Đông thầm nói với mẹ cô, biết rằng từ đây giữa hai người, ngôn ngữ chỉ còn là hư không. 

 

 

Nguyễn Thỵ
Số lần đọc: 213
Ngày đăng: 14.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nắng hạn, nước và phận người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (8) - Nguyễn Linh Khiếu
Beijing lá phong vàng (7) - Nguyễn Linh Khiếu
Ngày lễ mẹ - Tiểu Lục Thần Phong
Thượng lũng xanh - Phan Anh
Máu trong tôi, máu của bao người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (6) - Nguyễn Linh Khiếu
Hoa xuyến chi - Bùi Thanh Xuân
Chuyện đời dâu bể ở bệnh viện - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện phiếm về một bài ca dao Việt Nam được chuyển sang Hán ngữ - La Thụy
Cùng một tác giả
Thoát (thơ)
Tìm ta (thơ)
Áp thấp nhiệt đới (truyện ngắn)
Caffeine (truyện ngắn)
Mắt Phượng (truyện ngắn)
Quán rượu (truyện ngắn)
Soái hồ (truyện ngắn)
Cảnh giới mong manh (truyện ngắn)
Đêm Xuân màu tím (truyện ngắn)
Phin đen (truyện ngắn)
Người muôn năm cũ (truyện ngắn)
Mùi (tạp văn)
Hang người (truyện ngắn)
Ma-nơ-canh (truyện ngắn)
Ly hôn (thơ)
Mùa Xuân của đá (truyện ngắn)
Ba mươi Tết (truyện ngắn)
Cuông Trại (*) (truyện ngắn)
Khát (truyện ngắn)