Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.545 tác phẩm
2.749 tác giả
416
120.009.251
 
Nhìn ảnh Văn Cao / Nhân dân im lặng, khi nào ? / Kí ức chợt lóe lên / Thầy tôi
Đặng Tiến (Thái Nguyên)

 

NHÌN ẢNH VĂN CAO

 

Một khoảnh khắc hiện hình

Thu vào ống kính

Máy ảnh không định kiến như mắt người

Nhìn bằng thiện tâm, tà tâm, ác tâm, nhân tâm, quỷ sứ tâm, tà ma tâm...

Khen và chê

Khinh bỉ và tôn sùng

Xót thương và dửng dưng...

Ống kính trung thực HƯ TÂM...

Ảnh không còn là ông

Ông Văn Cao bằng xương bằng thịt

Ông Văn Cao đã về với cát bụi

Để cho đời một cái tên

Những tấm ảnh

Người đời mặc sức diễn giải...

Một gương mặt già nua

Một gương mặt nhàu nát

Một gương mặt tàn kiệt

Một gương mặt thẫn thờ

Đầy nghi hoặc

Đầy lo âu và sợ hãi

Run rẩy bơ vơ

Như thừa...

Ôi những khúc hát

Bảng lảng khói sương

Thần tiên cổ tích

Bến xuân thấp thoáng bóng ai

Đàn chim bay chấp chới trong mây

Tiếng hát Trương Chi buồn bi thiết

Chàng hoàng tử long lanh mắt biếc

Hào hoa đã xa vời

Từ mùa thu lá rụng

Từ mùa thu người rụng

Những trận cuồng phong tơi bời....

 

 

NHÂN DÂN IM LẶNG, KHI NÀO?

(Để nhớ A.X.Pushkin)

----

Bạo chúa lên ngôi, bầy tôi hoan hỉ

Hô vang vạn tuế vạn vạn tuế

Những tiếng hô đều tăm tắp vô hồn

Những tiếng hô đượm mùi thớ lợ

Những tiếng hô sặc sụa mùi tiền

Những tiếng hô rền vang như sấm

Những tiếng hô sực nức mùi thối khắm

Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!

Trăm năm nghìn năm vẫn hô như thế

Vô cảm vô hồn!

Bạo chúa trên ngai vàng

Mặt lạnh mắt gườm

Nhìn bề tôi thấy chúng nhạt toẹt

Nhìn bề tôi thấy chúng giống như lũ vật

Lừa ngựa chó ngao rắn độc

Lũ bề tôi mắt ti hí cũng gườm gườm

Lũ bề tôi nhặng xị

Lũ bề tôi miệng hô vạn tuế từ cuống họng trở lên

Bạo chúa nghe và hiểu

Bạo chúa nhìn

Dưới kia trần gian chúng dân lặng yên

Chúng dân lặng yên

Chúng dân lặng yên

Bạo chúa hoảng hồn

Bạo chúa kinh hoàng

Chúng dân lặng yên như biển sâu hun hút

Trước trận bão giông

Chúng dân lặng yên như trời u uất

Trước trận cuồng phong

Chúng dân lặng yên lòng dân uất nghẹn

Nước mắt không còn để khóc

Lời khẩn cầu trở thành vô nghĩa

Cúi đầu, quỳ gối, van xin

Đã đủ rồi

Chúng dân lặng yên

Nhìn

Nhìn

Nhìn

Tấn trò hề tấn phong

Tấn trò hề hiển thánh

Tấn trò hề xưng tụng

Tấn trò hề lên ngôi

Tấn trò hề tang ma

Tấn trò hề thăng thưởng

Những gã hề bụng bự dụt cổ dụt đầu ngực xệ dái teo

Những gã hề huân chương đeo đầy ngực

Những gã hề diễn tấn kịch

Những tấn kịch hề triền miên không dứt

Trò hề đại hội đại hè đại lễ

Trò hề trên quảng trường ầm ầm ngựa xe

Trò hề tang ma sụt sụt khóc lóc

Trò hề nguyền rủa trò hề ngợi ca...

Nhân dân lặng yên

Bạo chúa lảm nhảm những gì?

 

 KÍ ỨC CHỢT LÓE LÊN

[Tưởng nhớ Nhà văn Vi Hồng, thầy tôi]

----

Đêm hè nồng oi

Ông ngồi thao thức

Những xấp giấy đen mặt sần mặt bóng...

Bác sĩ khuyên ông không nên thức quá khuya

Đừng gõ bàn phím

Trái tim đã rệu rã lắm rồi

Ông có thể bỏ chè

Có thể bỏ thuốc

Rượu cũng có thể

Nhưng không thể bỏ bút

Có vô số điều không thể nói thành lời

Phải viết

Đêm

Một mình, bóng đèn vàng vọt

Ý nghĩ nóng bỏng trong đầu

Thỉnh thoảng đưa tay lên ngực

Ho khan

Cố nuốt đớn đau vào lòng

Con bé

Khẳng khiu

Người đàn bà của ông

Không phải nàng tiên bước ra từ cổ tích

Vai gầy nhiều khi như rũ xuống

Bàn tay khẳng khiu nổi gân xanh

Cậm cạch gõ bàn phím

Thỉnh thoảng cũng ho khan

Đêm vắng

Những trang sách

Ra đời từ những đêm dài nồng oi mùa hạ, lạnh ngắt mùa đông

Những trang sách được bọc trong những túi ni lông mỗi khi mùa mưa đến mái nhà giột nát

Những trang sách

Như còn vọng tiếng ho khan

Ông lặng sống

Lặng lẽ viết

Và lặng lẽ ra đi

Ai biết thì biết

Ai đọc thì đọc

Ai khen, ai chê

Mặc lòng

Ngôi nhà ngày ấy không còn

Không một tấm ảnh lưu lại

Xóm nhỏ ngày ấy

Đã hóa thành phố thị

Nương dâu bãi bể...

Tất cả lùi xa

Đôi lúc chợt lóe lên

Lóe lên rồi tắt.

 

 

 

 

THẦY TÔI

[Tưởng nhớ nhà giáo Phạm Luận, Thầy tôi]

---

1.

Những ngày xưa ấy

Tôi nhớ

Ông sống khiêm nhường

Thường xa những chỗ ồn ào

Những nơi người ta cứ phải gồng mình mà sống

Những ai cắc cớ

Ông chỉ cười

Nụ cười hồn nhiên không ẩn ý...

Ông diễn giải những điều cao siêu

Thành giản dị

Cổ văn vời xa

Hóa thật gần

Người văn chương

Như trúc

Hư tâm

Lòng rỗng không

Gió nhẹ thổi qua ngân thành tiếng sáo

Tiếng trúc nâng vầng trăng lên cao

Mây trắng ngẩn ngơ

Cánh chim chiều nghiêng trong hoàng hôn sẫm tím

Những đêm dài

Những đêm dài

Thầm lặng

Ngọn đèn, cây bút, thếp giấy, cổ thư

Từng chữ người xưa

Xôn xao hiện

Ông lắng nghe

Và chuyển lên trang viết

Chồng bản thảo cao dần

Những trang sách ông để lại không nhiều

Giấy cũng dễ hư nát thôi mà

Ông thường tâm sự thế

Trước tác đẳng thân

Rồi

Còn lại những gì?

Chiều thu muộn

Ông lặng lẽ ra đi...

 

2.

 

Mười năm thầy vắng bóng

Nhà cũ đã đổi thay

Lối về giờ tấp nập

Người xe đông như mây

 

Chiều nay những trò cũ

Cùng nhau trở về đây

Nén tâm hương thơm ngát

Lặng lẽ dâng. Nhớ Thầy...

 

Bóng người xưa thấp thoáng

Nhẹ nhàng kìa Hạc bay

Gương mặt ai thanh thản

Giọng trầm ai đâu đây

 

Như hiện về tất cả

Vẹn nguyên. Vẫn vẹn nguyên

Dáng thầy vẻ tất tả

Cái thời đói triền miên

 

Chuyện áo cơm, không đùa

Biết bao người ngã gục

Lặng lẽ cùng đêm dài

Một mình Thầy thao thức

 

Cổ thư từng trang chữ

Lần mở dưới tay Thầy

Đói nghèo không chuyển lay

Quyền uy không chịu khuất

 

Những tháng năm xô bồ

Văn chương cùng trôi nổi

Hình như Thầy. Một Thầy

Gắng đứng Riêng một cõi

 

Những thứ như bọt bèo

Sau mưa, dày nấm mọc

Sặc sỡ, vội khoe mình

Sẽ tan trong phút chốc

 

Văn chương vốn vô mệnh

Phải là tuổi trăm năm (*)

Qua ngọn lửa thời gian

Vàng thau không thể lẫn

 

Thầy là nơi Lắng lại

Giữa bụi bặm ồn ào

Này Quốc âm thi tập

Này thi kệ thanh cao

 

"Cung oán ngâm" bi thiết

"Chinh phụ ngâm" não lòng

"Hoàng Lê..." tấn hài kịch

"Sơ kính..." bao nỗi niềm

 

Hồ Xuân Hương ngạo nghễ

Yên Đổ thơ đắng lòng

Tú Xương buồn nát ruột

Uy Viễn tình mênh mông

 

Nhớ Thầy...là ta nhớ

Thơ chữ Hán Nguyễn Du

Bức chân dung tự họa

Tên gọi là Tố Như

 

Nhớ Thầy là ta nhớ

Những bài giảng Truyện Kiều

Mênh mông và sâu thẳm

Chân trời tiếp chân trời

 

Truyện Kiều và Tiếng Việt

Truyện Kiều - tâm hồn ta

Qua tháng năm giông bão

Còn đây những cánh hoa

 

Ơn tấm lòng tri ngộ

Sống trong tình bao dung

Của Thầy ta ngày ấy

Dặm đường xa điệp trùng

 

Người xưa theo cánh hạc

Lưu luyến lại về đây

Kìa Thầy cười rạng rỡ

Khói trầm bay. Nhẹ bay. /.

 

3.

 

Mỗi lần qua đê Mỏ Bạch

Một lần lại lóe trong ta

Một mảnh kí ức vụt hiện

Hệt in ánh chớp xa xa

 

Một thời ngày xưa. Xa lắm

Ta là cậu bé nhà quê

Dấu vết chân bùn tay lấm

Hiện hình dáng đứng dáng đi

 

Cheo leo lưng đồi nhà nhỏ

Thầy ta "ẩn dật" dài dài!

Bài vở dụt dè ta đến

Trống ngực lại đập liên hồi

 

Thầy ta lần nào cũng thế

Liêu xiêu trong cả dáng ngồi

Mùa đông mùa đông tê lạnh

Ấm lòng một chén trà thôi

 

Phòng văn ăm ắp sách vở

Ta thấy nhỏ bé vô cùng

Thầy ta một pho sách sống

Khoan thai, tất bật, ung dung...

 

Năm tháng qua đi như chớp

Thầy ta về với tổ tiên

Ta cũng da mồi tóc bạc

Lãng quên bao chuyện lãng quên

 

Ngôi nhà bên đồi Yên Ngựa

Lối nhỏ mỗi khi mưa dòng

Mấp mô những viên quậy xám

Giờ đây đã hóa hư không...

----

(*) Nhà thầy tôi cheo leo đồi Yên Ngựa

Đồi đã được san bằng nhà san sát mọc lên

 

 

Đặng Tiến (Thái Nguyên)
Số lần đọc: 218
Ngày đăng: 18.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chưa về Huế - Huỳnh Liễu Ngạn
F.KAFKA - Đặng Tiến (Thái Nguyên)
Mai vào thiên thu / Một nụ hoàng hoa - Lê Minh Hiền
Mùa tuyết tan - Quảng Tánh Trần Cầm
Nhú lên tiếng hát / Những tuổi thất thập - Thy An
Dạy con khi khôn lớn - Thanh-Thanh
Rất cần anh trên phía những vần thơ / Tạm biệt Huế! / Nhớ Huế! - Hoàng Thị Bích Hà
Về Đồ Bàn - Đoàn Quân
Mùa Bồ đề thay lá - Nguyễn An Bình
Mơ / Đêm / Mây trắng vọng phu - Hoàng Xuân