Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.369
 
Thử tìm lại cội nguồn NGƯỜI VIỆT
Hà văn Thùy

Lời giới thiệu: Với những thành tựu mới  về nhân loại học và văn hóa cổ Đông Á, nhà văn Hà Văn Thùy viết và cho xuất bản chuyên khảo Thử tìm lại cội nguồn người Việt.

Nhiều điều trong cuốn sách còn cần được trao đổi ,thẩm định và tranh luận. Nhưng SCL hy vọng đó là những ý kiến làm chúng ta có cách nhìn và phải nhìn về tiền sử không chỉ của Việt Nam mà cả Đông Á. 

  Vannghesongcuulong trân trọng giới thiệu một số phần của cuốn sách.              

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Con người sinh ra, lớn lên, kiếm ăn, yêu đương, sinh con đẻ cái, chiến tranh giành giật... Đến một lúc nào đó dừng giữa chừng công việc, anh ta tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Chính lúc này, con người sinh học đã trở thành con người triết học.

   Hàng vạn năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người triết nhân - những chàng hoàng tử Hamlet của mọi thời, khi bộ hành trên đường, lại hỏi mình câu hỏi muôn thuở ấy! Có lẽ đã có nhiều lời giải ngay từ tiền sử nhưng chúng không đến được với ta vì thời đó chưa có ký hiệu ghi chép và cũng có thể ký hiệu bị thời gian xóa nhòa. Vì vậy, câu hỏi về cội nguồn luôn là điều mới mẻ.

    Với người Việt, do số phận đặc biệt của dân tộc, vấn đề cội nguồn lại càng nhức nhối hơn. Sự nhức nhối hiện thành câu tục ngữ  Chim có tổ, người có tông, một trong những phương ngôn giầu ý nghĩa nhất của văn hóa Việt.

    Với người Việt, có lẽ ý thức tìm về nguồn cội trở nên đòi hỏi cấp thiết nhất vào thế kỷ thứ X khi lần đầu tiên sau 1000 năm nô lệ, chủ quyền được giành lại. Hậu thế biết ơn Trần Thế Pháp với cuốn Lĩnh Nam trích quái của ông. Chọn những câu chuyện quê mùa lầm lụi trong bùn đất, lượm lặt từ những trang sách nước ngoài, ông ghi lại cho đời sau biết về Kinh Dương vương, Lạc Long quân, Au Cơ cùng một bọc trăm trứng. Biết ơn Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên hai vị sử gia dám cả gan ghi những điều hoang đường diệu vợi vào chính sử. Những dòng chữ đó như đám bèo mà nhiều thế hệ Việt bám lấy để quẫy đạp lội ngược dòng lũ thời gian tìm về nguồn cội.

   Nhưng nhiều điều cha ông nâng niu trân trọng thì con cháu không tin. Không thể trách họ. Sự đời là thế, con cháu đã thành con người triết học mà đặc trưng là nghi ngờ tất cả! “Bốn nghìn năm văn hiến ư? Các cụ nhà mình khí đậm máu sô-vanh! Lấy đâu ra, ngay cả thời đại các vua Hùng cũng mù mờ lắm: làm sao 18 đời vua lại kéo dài những 2000 năm?” Chính ngay Đại Việt sử ký toàn thư, pho sử lớn và uy tín nhất nước cũng viết: “Tích Quang người quận Hán Trung, khi ở Giao Chỉ lấy lễ nghĩa dạy dân. Lại lấy Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân... Tục người Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá, đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cấy trồng, trăm họ no đủ... Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy.”(1)  Còn văn hóa Việt ư? “Chính sử chả ghi Sĩ vương là Nam Giao học tổ sao? Té ra thì tới nhà Hán chúng ta mới có việc học! Vậy thì văn hiến cái nỗi gì?”

  Những suy nghĩ trên đã dẫn đến ý tưởng cực đoan vong bản như thế này: “Về văn hóa, ta đã bắt chước người Tàu một cách mê mải và vô điều kiện. Nếu văn hóa của ta còn khác văn hóa Tàu thì cũng chỉ vì ta bắt chước chưa xong mà thôi. Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn ở bản chất!”(2)

 

    Xin nói thực lòng, kẻ viết những dòng này cũng thuộc giống con người tư duy nên biết bao năm băn khoăn khốn khổ chỉ vì một câu ca:

        Công cha như núi thái sơn

        Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!

 Thái sơn là gì? Hòn núi lớn. Như vậy công cha to như hòn núi lớn! Còn nước trong nguồn thì dễ rồi: nước đầu nguồn, dạt dào mà trong trẻo! Yên chí! Đến khi nghe mò mẫm biết được Thái Sơn, ngọn Nguồn là hòn núi dòng sông bên Tàu thì lòng bất nhẫn: Sao cha ông ta vong bản đến vậy? Chúng cướp nước ta chưa đủ sao mà còn thương còn nhớ còn ơn ngọn núi dòng sông bên Tàu?! Quá nửa đời buốt đau vì mặc cảm đó!

   Ngày nay trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, trước nguy cơ bị xâm lăng văn hóa, thấy trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và cả những chỉ thị nghị quyết nói nhiều đến cụm từ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng không hiểu sao có cảm tưởng là, người ta càng nói nhiều thì sự việc càng rối tung rối mù lên, đến nỗi chẳng ai hiểu văn hóa dân tộc là gì! Từ đó mà biết bao việc làm tùy tiện lộn xộn, cái đáng bỏ thì giữ, cái đáng giữ lại bỏ, cái gì có lợi trước mắt thì đề cao rồi bảo đó là truyền thống, là bản sắc! Ruột bỏ ra da ôm lấy... cười ra nước mắt!

   Thiết tưởng sở dĩ có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy chính bởi vì chưa có được sự thống nhất trong hai nhận thức cơ bản: 1/Dân tộc Việt Nam là ai?  2/ Văn hóa Việt Nam là gì?

 Cho đến nay thật đáng buồn là người Việt chưa hiểu được dân tộc chúng ta là ai, từ đâu tới. Chính vì vậy càng mù mờ hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc. Giải đáp hai câu hỏi trên là vấn đề đặc biệt quan trọng và bức xúc hiện nay.

    Không phải là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng là nhà văn quan tâm tới văn hóa dân tộc, chúng tôi tạm dừng cuốn tiểu thuyết đang viết về Triệu Vũ đế, xin thử bàn về hai vấn đề trọng đại này. Rất mong quý vị cao minh chỉ giáo.

 

                         Tp. Hồ Chí Minh, Xuân At Dậu

                                       Hà Văn Thùy

 

 

CHƯƠNG III

VỀ CỘI NGUỒN NGƯỜI VIỆT

 

  Từ những dữ kiện nêu trên, có thể nhận định về cội nguồn người Việt như sau:

   Sau khi từ Đông Phi thiên di tới Trung Đông, người Homo Sapiens rời Trung Đông vượt qua Pakistan, An Độ rồi theo bờ biển Nam Á đặt chân đến miền Trung và miền Bắc Việt Nam khoảng 60 đến 70.000 năm trước. Trong khoảng 10.000 năm dừng chân tại đây, hai đại chủng người tiền sử là Mongoloid và Australoid đã hòa huyết tạo thành hai nhóm loại hình Indonesien và Melanesien cùng một số loại hình chuyển tiếp giữa chúng đồng thời mở rộng địa bàn cư trú ra khắp lục địa Đông Nam Á .

   50.000 năm trước, một số nhóm người di chuyển xuống châu Đại Dương thành thổ dân Úc hiện nay.

   40.000 năm trước, một số nhóm di cư đến New Guinea.

  Khoảng 30.000 năm trước người từ lục địa đã tới khắp các đảo lớn ngoài khơi Đông Nam Á.

  Khoảng 40.000 năm trước,  khi băng hà tan, một nhóm người Mongoloid sống biệt lập tại phía Tây Bắc Đông Nam Á, không có sự hòa huyết với người Australoid, di cư lên phía Bắc theo con đường qua đất Ba đất Thục lên sống ở miền Tây Bắc Trung Quốc thành chủng Mongoloid phương Bắc.

   Cùng thời gian đó, nhiều nhóm người Inđonesien, Melanesien di chuyển lên phía Bắc theo con đường duyên hải. Dần dần họ lan tỏa ra khắp lục địa Trung Hoa và một bộ phận lên tới Siberia rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ. Cuộc Bắc tiến diễn ra mạnh mẽ nhất vào khoảng 8000 năm TCN khi nước biển dâng cao.

   Có thể hình dung kịch bản sau: Người Đông Nam Á di cư lên phía bắc làm nhiều đợt trong suốt thời gian dài. Những người đi sau thường tìm đến với những người đi trước thuộc dòng tộc gần gũi với mình qua tiếng nói. Họ được người tới trước giúp nơi ăn chốn ở lúc ban đầu cùng những kinh nghiệm sống nơi đất mới. Người mới đến cũng chia sẻ với đồng bào của mình những tiến bộ kỹ thuật mà họ mang theo, như công cụ, các giống cây trồng, vật nuôi từ trung tâm nông nghiệp Hòa Bình... Có một mối liên hệ chặt chẽ như vậy vẫn nối giữa hai vùng.

  Tại lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử, người di cư chuyển dần từ săn bắt hái lượm lúc đầu sang trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc. Những nhóm người gốc Đông Nam Á này tạo thành một cộng đồng mà sử sách gọi là Bách Việt. Trong hàng vạn năm sống ở đây, người Bách Việt sáng tạo nên nền nông nghiệp lúa nước, chế tác công cụ đá, đồ gốm rồi đồ đồng, sắt. Người Lạc Việt, nhóm chủ đạo trong dòng Bách Việt lấy vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Đông làm trung tâm. Người Bách Việt bắt đầu hình thành quốc gia lỏng lẻo và tôn Thần Nông là ông vua dạy họ trồng ngũ cốc. Tiếp đó con cháu Thần Nông như Đế Minh, Đế Nghi dẫn dắt họ tổ chức cuộc sống, lập nước Xich Quỷ chuẩn bị đối đầu với dân du mục phương Bắc.

    Cũng thời gian này, những người ở lại Đông Nam Á sáng tạo tại quê hương mình nền nông nghiệp lúa nước phát triển, kỹ thuật chế tác gốm và đồ đá sau đó là đồ đồng, sắt.

  Vào khoảng năm 2800 TCN, người Hán vượt sông Hoàng Hà xâm chiếm lãnh thổ của người Bách Việt. Trong trận quyết chiến Trác Lộc trên sông Hà, lãnh tụ người Bách Việt Đế Lai hy sinh. Một bộ phận người Việt chạy về Nam, tới nương náu tại nước Xích Quỷ phía nam Trường Giang, quanh dải Ngũ Lĩnh. Đây là thời kỳ thứ hai trong lịch sử người Việt sống trên lục địa Trung Hoa: quần tụ tại lưu vực sông Dương Tử. Trong thời gian hàng ngàn năm tiếp xúc, người Bách Việt Indonesien, Melanesien có sự hòa huyết với người Hán Mông cổ tạo ra người Bách Việt mới mà khoa học gọi là nhóm loại hình Đông Nam Á hay Mông Cổ phương nam.

  Khoảng cuối thiên niên kỷ thứ II TCN, do sự truy đuổi dữ dội của người Hán, một bộ phận lớn người Bách Việt Mông Cổ phương nam di cư ồ ạt trở lại lục địa cũng như vùng hải đảo Đông Nam Á. Người H’mông-Dao, người Thái-Tày, người Tạng- Mianma... đã trở về như vậy. Người Lạc Việt cũng không ngoài số phận này. Do mối liên hệ sẵn có, nhất là qua tiếng nói mà con cháu của những người di cư hàng vạn năm trước lại tìm về đúng nơi tổ tiên họ đã ra đi. Người Thái tìm về đất Thái gặp lại bà con xa xưa của mình. Người Việt trở về đất Việt với dòng tộc... Những người Mông Cổ phương Nam trở về tạo nên cuộc hòa huyết làm loại hình Indonesien, Melanesien bản địa chuyển nhanh sang loại hình Đông Nam Á. Sư chuyển hóa đó diễn ra tập trung trên toàn bộ Đông Nam Á. Chính điều này là nguyên nhân chủ yếu tạo nên bản đồ nhân chủng Đông Nam Á hiện đại. Các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm ra nhiều địa điểm chứng tỏ có sự cộng cư như vậy mà tiêu biểu là di chỉ mộ táng Mán Bạc Ninh Bình vừa phát hiện đầu năm 2005. Tiến sĩ Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Uc, người tham gia khai quật di chỉ ghi nhận: “Người Việt từ trước thời Đá mới đã có biểu hiện của giống người Uc châu (Nam Đảo) hay Đa đảo Melanesian, nhưng người Việt từ thời Đồng thau đã có biểu hiện đặc trưng của giống người Đông Nam Á. Sự hiện diện của cả hai nhóm sắc tộc này sát cánh nhau trong khu mộ táng cho thấy đã có sự hỗn hòa giữa hai chủng ở mức độ đáng kể, có thể là đánh dấu những nguồn gốc sớm nhất về dân cư Việt Nam hiện thời, vốn đã từng ổn định khoảng 2000 năm TCN.”(3)

 

    Tới đây, tự nhiên nảy sinh câu hỏi: Vì sao suốt trong hàng vạn năm trước đó, số dân Bách Việt tăng nhanh, phạm vi phân bố mở rộng ra mênh mông, trong khi người Mông Cổ số dân tăng không đáng kể và chỉ loanh quanh mạn Bắc sông Hoàng Hà?

      Có thể lý giải điều này bằng 3 nguyên nhân: khí hậu-thổ nhưỡng, phương thức sống và di truyền:

    1/ Khí hậu lạnh không tạo thuận lợi cho sinh sản. Dân số tăng chậm không đòi hỏi mở rộng vùng phân bố.

    2/  Phương thức sống du mục nên người Mongoloid phương bắc sống bám vào đồng cỏ cao nguyên, không có khả năng chinh phục miền đất ẩm thấp mạn Nam sông Hoàng.

   3/  Người Mông phương Bắc mang gen từ tổ tiên Mongoloid thiên di lên theo con đường biệt lập không hòa huyết với chủng người khác, trong bộ gene tương đối thuần của họ mang khả năng sinh sản thấp. Điều này còn thấy trong sắc dân Mongoloid phương Bắc hiện đại.

     Từ đó có thể rút ra kết luận: việc xuống phía Nam hòa huyết với người Bách Việt mang dòng máu Indonesien, Melanesien và trồng lúa nước mở ra vận hội lớn đối với người Hán Mongoloid phương Bắc, chẳng những đã cứu họ thoát khỏi tình trạng sinh sản thấp như người Mông Cổ đồng chủng mà còn cho họ hưởng nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ. Chính hai nhân tố này tạo nên dân số đông  đúc cùng văn hóa ưu tú của dân tộc Trung Hoa hiện đại. 

 

… Trên đây là bức tranh khái quát tiền sử Đông Nam Á diễn ra với hai giai đoạn.

  Giai đoạn đầu là cuộc Bắc tiến mang theo rìu đá, giống lúa, khoai sọ, giống gà, giống chó đi mở mang khai thác lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử. Giai đoạn này bị chìm trong bụi thời gian, không được sử sách biết đến, chỉ còn lại ít nhiều dư âm trong truyền thuyết và huyền sử.

  Giai đoạn hai, mà sách sử gọi lầm là cuộc Nam tiến, thì thực chất là những dòng người Đông Nam Á sau hàng vạn năm khai khẩn mở mang vùng đất mới, bị kẻ xâm lấn xua đuổi, trở về mái nhà xưa, trở lại quê gốc của mình.

  Tuy là cuộc thua chạy nhưng lớp người Đông Nam Á mới đã đem về vốn genes làm chuyển hóa nòi giống cùng với những kinh nghiệm và tri thức mới để xây dựng quê hương.

 

 

 

CHƯƠNG V

VĂN HÓA VIỆT TRÊN LƯU VỰC

HOÀNG HÀ DƯƠNG TỬ

 

  Ban đầu Viêm tộc theo sông Dương Tử vào khai thác vùng Trường Giang là các tỉnh:  Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây,  Giang Tô,  An Huy, Chiết Giang rồi lần theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng sáu tỉnh của Hoàng Hà: Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Phía Nam thì tới Việt Giang ngũ tỉnh:  Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến. Theo Chu Cốc Thành trong “Trung Quốc dân tộc sử” và một số sử gia khác thì “Bách Việt đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các dòng tộc khác tràn vào.”(4)    

      Những dòng trên là bức tranh quen thuộc mà các sử gia mô tả con đường người Việt vào mở mang vùng đất ngày nay có tên là Trung Quốc. Con đường đó do sử gia E. Aymonier vạch ra vào những năm đầu của thế kỷ trước. Và rất nhanh chóng, trở thành kinh điển trong các sách sử không những của ta mà của cả những sử gia Trung Quốc và các đại học danh tiếng ở Mỹ chép theo. Nhưng thời gian cho thấy sự thật lịch sử đã không diễn ra như vậy bởi lẽ người Bách Việt không phải từ ngọn nguồn sông Dương Tử đi xuống mà ngược lại, từ Đông Nam Á đi lên.

   Con đường người Bách Việt lên phương Bắc có lẽ diễn ra như sau:

   Đặt chân trước tiên lên miền Trung và miền Bắc Việt Nam 60.000-70.000 năm trước, hai đại chủng Mongoloid và Australoid dừng lại kiếm ăn rồi chung đụng hòa huyết với nhau sinh ra những chủng người là tổ tiên các sắc dân Đông Nam Á sau này. Khi nhân số tăng lên, những đoàn người chia tay nhau xuống phía Nam tới châu Uc và những hòn đảo ngoài khơi. Có đoàn sang phía Tây tới vùng đất của người Thái người Mianma ngày nay. Những người lên phía Bắc vượt qua địa giới Đông Nam Á, tới Nam Trung Quốc. Không thể đi xa hơn vì trước mặt họ là bức thành băng hà đóng chặt. Một thời gian đợi chờ đằng đẵng. Phải tới 40.000 năm trước, khi băng tan, khí hậu mùa xuân trở lại, những đoàn người chờ đợi từ lâu đồng hành tiến lên. Từ phía bắc Đông Nam Á, người tiền sử cùng một lúc theo khả năng của mình tiến vào lưu vực sông Dương Tử. Có lẽ do địa hình khá bằng phẳng và môi trường sống thuận lợi nên số người đi theo phía duyên hải đông hơn và tỏa ra miền Việt Giang ngũ tỉnh:  Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến. Trong khi đó những đoàn khác từ phía Tây Bắc lần ngược lên ngọn nguồn tới Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang. Một bộ phận nhanh chân hơn thì lên tiếp miền lục tỉnh Hoàng Hà : Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Phần đông dừng lại trên lục địa mênh mông này. Nhưng một số người không bằng lòng như vậy. Theo bản năng kiếm tìm điều mới mẻ, bản năng khám phá thiên nhiên và cũng có thể một cái gì đó như sứ mạng sai khiến, có những lớp người đi tiếp lên phía Bắc, vượt qua Siberia, qua eo biển Bering lúc này là đất liền để khám phá cho nhân loại một châu lục mới. Với thời gian, họ trở thành người da đỏ Indien, người Maya... Khác ta về màu da nhưng từ khi chưa được công nghệ genes soi tỏ, ta cũng nhận ra họ gần gũi mình qua những trang sách của Lévi Strauss : “Những quan sát xã hội học ở sắc dân Caduveo sống tại Tây Bắc Canada cho thấy ở họ có nhiều yếu tố giống người Trung Hoa cổ đại như vai trò quan trọng của phụ nữ hay là việc chú ý đến sự quân bình giữa các nguyên lý khác nhau... Cũng như dân mạn Nam Trung Quốc lại có những nét giống kỳ lạ với một vài sắc dân bên Mỹ (5). Người Trung Hoa cổ đại, dân mạn Nam Trung Quốc là ai nếu không phải người Bách Việt? Như vậy, người Bách Việt đã mang theo văn minh văn hóa Việt đến châu Mỹ!

   Khi đã nhìn nhận hành trình như vậy của người Bách Việt hay người Đông Nam Á cổ, một câu hỏi sẽ đến: Người Bách Việt đã làm được những gì trong thời gian đằng đẵng sống ở phương Bắc?

Kinh Thi:

 

Kinh Thi là tuyển tập những bài dân ca và ca dao đẹp nhất, hay nhất xuất hiện trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VI TCN trở về trước trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Theo Tư Mã Thiên viết trong Sử ký thì ban đầu có tới 3000 bài, Khổng tử san định đã bỏ đi 9 phần 10, chỉ giữ lại có 311 bài. Đấy là tác phẩm văn học cổ điển có ảnh hưởng sâu rộng đến tâm hồn và trí tuệ phương Đông, quan trọng đến mức Khổng tử nói bất học thi vô dĩ ngôn! (Không học kinh Thi biết gì mà nói). Thời nhà Tần nó cũng bị đốt nhưng sau đó được khôi phục và xếp vào Ngũ kinh.

 Hàng nghìn năm nay, kinh Thi mặc nhiên được coi như sản phẩm đặc hữu của Hán tộc, không có ai nghi ngờ hay bàn cãi. Vì vậy, ba chục năm trước, khi học giả Kim Định cho rằng Kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc (VLTN tr. 125) đã gây nên sự phản ứng của không ít người. Dễ hiểu thôi, thay đổi một thói quen từng hằn vào cân não người ta hàng nghìn năm đâu phải là việc một sớm một chiều!   

  Ba nghìn bài thơ, rút lại còn 300, tồn tại ngót 3000 năm, qua lửa thiêu và qua nhuận sắc chú sớ của bao lớp Hán nho, Tống nho... cái còn lại đến với chúng ta hẳn đã thay đổi không ít.

    Điều dễ nhận ra là kinh Thi đã bị đánh tráo: những sáng tác dân gian sinh ra nơi ruộng lúa nương dâu bị biến thành sản phẩm cung đình, một thứ văn chương xu phụ chuyên ca tụng ông vua này ông vua khác cùng bà hậu phi nào đó! Chính ở đây, tầng lớp Hán nho đã ăn cắp tác quyền của dân gian trao cho vương triều. Điều này dễ thấy. Còn cách đánh tráo, ăn cắp tác quyền khác tinh vi hơn thì khó nhận ra. Khó về học thuật và càng khó hơn trong tâm lý: đứng trước nền văn hóa khổng lồ của người láng giềng phương bắc, chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé đi, đến mức chỉ còn là cậu học trò ngu ngơ trước ông thầy vĩ đại! Tâm lý ấy khiến chúng ta hèn đi, không dám nghĩ đến cái điều bị coi là hoang tưởng thậm chí phạm thượng: kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc.

  Để tìm hiểu điều này, ta phải xét từ cội nguồn: kinh Thi được hình thành như thế nào? Có lẽ là từ thời vua Vũ nhà Hạ (2205-1783 TCN), các nước chư hầu dâng cống vật cho thiên tử thì trong phương vật, có cả những câu ca của dân quê nơi thôn dã. Thiên tử xem những câu ca ấy để hiểu thuần phong mỹ tục trong thiên hạ, để đánh giá sự cai trị của vua chư hầu. Cái lễ cống tồn tại dài dài mãi sau này nhưng việc cống những câu ca nơi thôn cùng xóm vắng chỉ tồn tại đến thời nhà Chu (1134-247 TCN). Nhưng thử hỏi thiên hạ Trung Hoa thời đó là ai? Lịch sử cho thấy, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Trung Hoa thời đó là lê dân, là dân đen tức những người Tam Miêu. Một đặc điểm nổi bật của dân Miêu Việt là sống hồn nhiên vui vẻ, ưa ca múa, khá thoải mái trong chuyện luyến ái gái trai. Kinh Thư ghi nhận, khi vì bất bình mà người Miêu Việt nổi dậy, dẹp không được, vua Thuấn phải sai ông Quỳ dùng ca múa phủ dụ mới yên. Từ kinh nghiệm trên, các ông vua hiền thời cổ ở Trung Quốc đã phần nào dựa vào những lời ca cất lên nơi thôn cùng xóm vắng mà biết nguyện vọng của dân để kịp thời điều chỉnh chính sách của mình. Chính những lời ca dân dã ấy được thu thập lưu giữ trong tàng thư của nhà vua. Và từ những thư tịch trong cung vua nhà Chu, Khổng tử (551- 479 TCN) đã đem ra san định thành kinh Thi.

   Không phải bỗng dưng mà ta thấy tinh thần nông nghiệp Việt tộc bàng bạc trong kinh Thi ngay từ bài đầu tiên và quan trọng nhất: Quan thư.

            Quan quan thư cưu

            Tại hà tri châu

             Yểu điệu thục nữ

             Quân tử hảo cầu.

Bài ca là hình ảnh một bãi nổi trên sông với những loài chim nước cặp đôi cùng người trai người gái tình tự phản ánh cuộc sống hồn nhiên của dân cư nông nghiệp miền sông nước. Hảo cầu là từ đa nghĩa. Tản Đà dịch là tốt đôi vợ chồng nhưng theo Kim Định, một bản Latinh lại dịch là giao cấu (copulary). Dịch như vậy mới phản ánh đúng cái thần câu ca: quan hệ tính giao tự nhiên như vậy chỉ có ở văn hóa phồn thực của Viêm Việt nông nghiệp. Dịch như Tản Đà là dịch theo quan điểm thanh giáo mà Hán nho rồi Tống nho áp đặt để xuyên tạc kinh Thi.

     Một bài khác cũng mang cái phong vị trữ tình như vậy, bài Hán Quảng :

         Trên bờ sông Hán ai ơi,

          Có cô con gái khó ai mơ màng

          Mênh mông sông Hán sông Giang

           Lặn sang chẳng được, bè sang khó lòng.

Sông Hán là chi lưu của sông Dương Tử, miền đất châu Kinh, châu Dương, châu Hoài... địa bàn cư trú lâu đời của người Bách Việt, một bằng chứng cho thấy người Việt là chủ nhân những câu ca trên. Một bài khác Thảo trùng: người con gái lên núi hái rau, nhìn thấy châu chấu theo nhau bay nhảy liền mong tưởng đến chồng trở về : Diệc ký kiến chỉ, diệc ký cấu chỉ, ngã tâm đắc di.

 Tản Đà dịch: bao giờ cho thấy mặt chàng,

                      Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng.

 Dịch vậy là quá khéo, bởi chữ cấu có nghĩa là giao hoan. Nở nang tấm lòng vừa có nghĩa vui mừng lại có nghĩa thai nghén sinh nở!

       Bài Dã hữu tử huân (con nai chết trên đồng) có câu:

       Có cô con gái xuân tình,

       Cậu giai tốt đẹp dỗ dành muốn ve

cũng là bằng chứng của lối sống phồn thực Viêm Việt. Cuộc sống phồn thực luyến ái tự nhiên là đăc điểm của văn hóa Việt tộc. Ta thấy điều này trong sinh hoạt hội mùa xuân: đến hội xuân, tất cả trai gái làng này đến hát đối với trai gái làng bên cạnh (là hai bộ lạc). Trai chưa vợ gái chưa chồng xem mặt nhau rồi chọn lựa trong lúc hát hò. Tan đám hát, họ chia nhau từng đôi, tặng nhau kỷ vật rồi dẫn nhau vào những lùm cây bãi cỏ giao hoan, gọi là dã hợp. Không ai chê bai ngăn cản việc này. Những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn phối tự nhiên ấy là điềm may. Chỉ khi các thánh hiền phương Bắc xuất hiện mới coi là xướng ca vô loại , chê dâm bôn, ra sức cấm đoán rồi vỗ ngực ca ngợi công việc ấy của mình là cải hóa phong tục của man di! Nếu trong cuộc đời thực, Hán nho, Tống nho tiếp tay cho vương triều phong kiến xóa bỏ văn hóa Việt tộc thì trên phương diện chữ nghĩa, họ cũng một mặt ăn cắp tác quyền những dân ca và ca dao Việt trao cho vua chúa, mặt khác chú giải Thi theo hướng có lợi cho vương triều, cổ xúy chủ nghĩa thanh giáo. Kim Định phát hiện ra mưu đồ này nhưng có lẽ ông đã lầm khi khi nói : “Có thể xẩy ra những cuộc tráo trộn do chính Viêm tộc làm ra: nó ở tại đem vào những bài ca của dân gian một ít lời để lái một bài thơ phương Nam ra vẻ của phương Bắc, hoặc để nguyên cả một bài hay một chuỗi bài như Châu Nam, Thiệu Nam mà đặt vào vùng núi Kỳ ở Thiểm Tây để cho người phương Bắc dễ chấp nhận.” (VLTN 135) Có lẽ không phải vậy. Người dân quê hồn hậu không nghĩ rằng những câu ca nơi đồng nội của mình sẽ thành kinh điển nên phải tự sửa mình đi cho vừa khẩu vị kẻ xâm chiếm thống trị. Họ chỉ tự nhiên nhi nhiên hát lên lời hát của lòng mình mà vì nó hay nên vương triều không thể bỏ phải lượm lặt đem về. Nhưng rồi việc biên tập, nhuận sắc, chú giải diễn ra, nội dung nhiều bài thay đổi đồng thời tác quyền bị chuyển cho người khác. Việc làm này của Hán nho là có ý thức. Tuy nhiên, cái việc vụng trộm ấy cũng không hoàn toàn vô tang mà đã để lại dấu vết. Không những không thể xóa hết tinh thần Viêm Việt bàng bạc trong khắp tập kinh mà ở nhiều bài còn lộ rõ dấu vết trong cách đặt câu, trong cú pháp. Ta biết, so với tiếng Việt, cú pháp chữ Hán nói ngược: Việt nói trong lòng là trung tâm thì Hán nói tâm trung. Nhưng trong kinh Thi, có hiện tượng rất lạ là nhiều câu vẫn giữ cấu trúc ngữ pháp Việt:

          Túc túc thỏ ta, thi vu trung lâm

         (Thỏ ta: Lưới thỏ mà căng giữa rừng.)

Đúng ra giữa rừng viết theo cú pháp chữ Hán phải là lâm trung mà ở đây lại là trung lâm. Hay

        Hước lãng tiếu ngạo, trung tâm thị niệu

      (Chung phong: Cũng là bỡn cợt mà thôi,

        chỉ thêm đau ruột cho người xót thương).

 Có thể kể ra nhiều nữa:

  - Hồ vi hồ trung lộ (Thức vi: trong sương)

  - Trung tâm rạng rạng (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy )

  - Trung tâm hữu vi (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)

  - Di vu trung cốc (Cát đàm: trong hang)

  - Trung tâm dao dao (thử ly: trong lòng nao nao)

  - Tại bỉ trung hà (Bách châu: giữa dòng sông)

  - Trung cấu chi ngôn (Tường hữu từ: lời nói trong buồng kín )

     Những “hòn sạn” chữ nghĩa kia nói lên điều gì? Phải chăng là sự vô tình? Phải chăng là những người biên tập, san định, chú giải vì “dốt” nên không thấy cái “sai” ấy? Mấy nghìn năm nay chưa ai giải thích điều này. Trong bài Dẫn nhập in ở đầu cuốn kinh Thi, ông Trần Văn Chánh nhận xét: “Trong kinh Thi, chữ “trung” (ở trong, ở giữa) thường đặt sau danh từ, thay vì ngược lại, so với văn ngôn các đời Hán, Đường... về sau.”(6) Và ông cho rằng đó là một trong những nguyên tắc, những mô hình cấu trúc cần nhận biết khi đọc Thi. Điều này đã hẳn nhưng nó cũng gợi lên thắc mắc: vì sao lại có hiện tượng khác thường đó? Và vì sao qua hàng nghìn năm phấn đấu xa đồng quỹ, thư đồng văn, qua biết bao lần nhuận sắc, chú giải, những đại nho của muôn đời không sửa chữa, không lượm đi những “hạt sạn”? Đúng là chữ nghĩa thời kinh Thi chưa ổn định và có khác thời Hán thời Đường. Nhưng thử hỏi, nguyên nhân của sự không ổn định ấy là gì? Theo thiển ý, ở chính trong lịch sử hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Ngôn ngữ thời kinh Thi nằm trên đường chuyển hóa từ cách nói của người Việt sang cách nói của người Hán. Cách nói của người Hán cuối cùng đã thắng nhưng trong ca dao, dân ca vẫn tồn tại cách nói Việt phản ánh tư duy Việt. Khi ca dao dân ca của người Việt được đưa vào kinh điển, người san định tuy đã nhuận sắc sửa đổi nhưng không thể sửa chữa tất cả vì buộc phải tôn trọng vần điệu của thơ. Trong 2700 bài thơ bị loại bỏ, ai biết có bao nhiêu bài của Việt tộc? Những bài còn lại là những bài không thể bỏ. Những cấu trúc ngữ pháp không bình thường trong các bài đó cũng là không thể sửa đổi! Cái không thể sửa đổi đã trở thành những “hòn sạn” trong ngôn ngữ của Thi. Nhưng chính những “hòn sạn” tưởng như ngẫu nhiên này lại là những hóa thạch ngôn ngữ chứng minh về sự đóng góp của tiếng Việt vào kinh Thi, vào ngôn ngữ Trung Hoa! Không chỉ trong Thi, cách nói Việt này cũng để lại dấu ấn trong một số tên gọi: Nữ Oa, Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Chí rồi Đế Minh, Đế Lai... Cách nói đó không thể phủ nhận được là cách nói Việt. Có lẽ cũng do những nguyên nhân lịch sử bất khả kháng mà người ta không thể sửa thành Nông Thần, Nghiêu đế... theo cách nói của người Hán!

    Như vậy, có lẽ sẽ công bằng hơn khi nói rằng, kinh Thi là đứa con lai giữa hai nền văn hóa Hán và Việt mà trong đó phần hồn phần cốt là văn hóa của Bách Việt nông nghiệp.

 

 

Kinh Dịch

 

Kinh Dịch là cuốn sách đầu tiên, cổ nhất của văn hóa phương Đông. Trải hàng nghìn năm tìm cách ghi chép tư tưởng của mình, có lẽ sau lối thắt nút dây làm ký hiệu, cùng chữ hình ngọn lửa, chữ hình nòng nọc, con người đã tìm ra cách dùng những vạch đứt và vạch liền để ghi lại nhận thức của mình về nhân sinh và vũ trụ. Có lẽ đó là cuốn sách đơn giản nhất trong lịch sử loài người vì toàn bộ cuốn sách chỉ gồm hai ký hiệu nên là cuốn sách dễ nhất: chữ dịch cũng có nghĩa là dị (dễ dàng). Nhưng rồi hậu thế nhận ra, đó cũng là một trong những cuốn sách khó đọc nhất của nhân loại, được viết bằng hệ ký hiệu nhị phân, theo tư tưởng toán học hiện đại nhất...

    Về nguồn gốc của kinh Dịch, Hệ từ truyện viết: “Đồ xuất hiện ở sông Hà, Thư xuất hiện ở sông Lạc, đấng thánh nhân bắt chước theo.” (Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi.) Hà đồ, Lạc thư chính là nền tảng của vũ trụ quan phương Đông. Từ Đồ, Thư các bậc thánh nhân làm ra Tiên thiên, Hậu thiên Bát quái rồi làm ra Dịch.

   Sách sử cũng cho biết, Phục Hy làm dịch là nhờ ở óc quan sát, từ những hiện tượng trong tự nhiên của trời đất của chim muông... đã phát minh ra tám quẻ rồi chồng lên thành 64 quả kép. Ngoài công việc góp phần vào văn minh cho Đông Á, Bát quái cùng các Trùng quái còn bước sang nhiều lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội... Hệ từ truyện ghi: “Ngài thắt dây lại mà làm ra cái vó cái lưới để đi săn, đánh cá, đó là ngài đã lấy tượng ở quẻ Ly” Rồi “Họ Bào Hy mất. Họ Thần Nông lên thay, đẽo gỗ làm lưỡi cày, đem cái lợi về sự cày bừa dạy cho thiên hạ; đó là ngài lấy tượng của quẻ Ích.” Họ Thần Nông lại còn dạy dân họp chợ, giao thương: “Mặt trời đứng bóng thì họp chợ, đưa dân trong thiên hạ đến, tụ góp hàng hóa của thiên hạ lại, giao dịch xong rồi trở về, ai cũng được như ý; đó là ngài lấy tượng ở quẻ Phệ hạp.”

    Hai nghìn năm trăm năm nay người ta vẫn tin thế nhưng chúng tôi xin được phép nghi ngờ!

   Phải chăng chính Phục Hy là người suy ngẫm từ tượng quẻ Ly rồi làm ra tấm lưới đầu tiên? Hoàn toàn không phải vậy! Làm ra tấm lưới đầu tiên phải là người đánh cá. Tát cá ở ao đầm, dùng gậy đập chết cá ở chỗ cạn hay dùng mồi câu... là công việc từ rất xưa của người tiền sử. Tới một lúc, người đánh cá tình cờ nhìn thấy con cá bị dắt lại trong đám rễ cây. Theo bản năng, người đó vui mừng tóm lấy tặng vật trời cho. Nhưng rồi khi tĩnh trí lại, anh ta tự hỏi tại sao con cá lại bị dắt ở chỗ đó mà không ở chỗ khác? Tới một lúc, ánh sáng trí tuệ bừng lên trong đầu: nếu mình dùng những sợi dây như rễ cây kia kết lại với nhau tạo thành một màng “rễ cây” đem chắn ngang dòng nước? Đúng là thế: văn hóa kết thừng xuất hiện, lưới đánh cá đã được phát minh như vậy, và hẳn là có trước Bát quái nhiều! Cũng có thể là thế này: thoạt kỳ thủy con người kiếm ăn bằng săn bắt hái lượm. Một hôm kia trong rừng, anh ta gặp con thú bị dắt lại trong đám bùng những dây leo gai góc. Cố nhiên anh ta bắt lấy con thú nhưng rồi từ đó anh ta tìm được cách kết những sợi dây lại thành tấm lưới. Lưới săn thú được chuyển xuống nước... Tấm lưới được làm ra như thế, hẳn trước Phục Hy nhiều! Và chắc rằng chiếc cày cũng xuất hiện như vậy: người trồng lúa nước nhận ra, nếu đất được xới lên rồi cấy trồng thì mùa sau lúa sẽ tốt hơn. Bắt đầu đất được xới bằng những que gỗ. Que gỗ chóng mòn và không thể xới được ở những nơi đất cứng. Từ đấy mà làm ra những chiếc cuốc bằng đá. Rồi một hôm họ xúm nhau kéo một vật cứng và nhọn trên đất. Vô tình, trên con đường vật đó đi qua  một luống đất được cày lên. Tia sáng bừng lên trong những mái đầu thông thái: nếu làm cho vệt kéo đó sát liền nhau thì cả thửa ruộng được xới lên, nhanh hơn từng nhát cuốc nhiều! Và con người nghĩ ra cái dụng cụ dùng người kéo để xới đất... Chiếc cày ra đời ! Có thể Phục Hy hay Thần Nông vốn là người đánh cá hay cuốc đất đã làm ra tấm lưới, chiếc cày. Nhưng có điều chắc là các vị không phải người đầu tiên làm ra chiếc cày tấm lưới:  hàng vạn năm trước đó, tấm lưới đã xuất hiện trên con đường thiên di kiếm sống của những đoàn người hái lượm săn bắt lang thang trong rừng già châu Phi rồi Đông Nam Á. Và ít nhất 5000 năm trước thời Phục Hy, con người đã thuần hóa được cây lúa và làm ra chiếc cày... Có một thời, các học trò của cụ Cao Xuân Huy trong lớp Hán học chuyền tay nhau đọc cuốn sách hiếm của Sử Thiếu Vi trong đó nói: Thần Nông ăn lá cây, một ngày chết đi sống lại đến năm lần rồi tìm ra thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ. Hiên Viên do “Kiến chuyển bồng nhi chế thừa xa” có nghĩa là nhìn cỏ bồng xoay theo gió mà chế ra xe. Toại Nhân thì dùi cây tìm ra lửa. Đấy là cách nhìn khoa học, khách quan về quá trình sáng tạo vật dụng của người xưa. Rõ ràng là, không thể chỉ từ suy ngẫm về tượng quẻ Ly quẻ Ích mà làm ra lưới ra cày! Ngược lại, phải từ thực tế quan sát việc kết lưới đẽo cày và hàng trăm công việc khác, người tiền sử mới đúc kết ra Đồ, Thư, Bát quái! Marx nói chí lý: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng rồi từ tư duy trừu tượng đạt đến trực quan sinh động ở mức cao hơn! Nói từ quẻ Ly quẻ Ích mà nghĩ ra tấm lưới chiếc cày là Khổng tử theo lối tư duy lộn ngược, đã làm cái việc mà người ta gọi là đặt cái cày trước con trâu! Trên thực tế đã diễn ra tiến trình ngược lại: từ quan sát thiên nhiên và con người với việc cấy cày, đánh cá, trí tuệ tập thể của dân gian làm ra Đồ, Thư. Thánh nhân tiếp thu trí tuệ dân gian khái quát hóa thành Bát quái, Trùng quái để đưa tư duy lên mức cao hơn: khám phá vũ trụ và con người. Dịch không thể giúp làm cày làm lưới mà giúp con người biết thiên, địa, nhân để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

    Như vậy, không phải Phục Hy là người trực tiếp làm ra Dịch, đúng như Khổng tử viết: “Đồ xuất hiện ở sông Hà, Thư xuất hiện ở sông Lạc, đấng thánh nhân bắt chước theo.” Đúng là thánh nhân bắt chước theo. Nhưng bắt chước cái gì đây? Như ta thấy, hoàn toàn không phải bức Đồ trời cho trên mình long mã, Thư trên mai rùa thần mà là bắt chước những Đồ, Thư từng tồn tại trong dân gian bên bờ sông Hoàng Hà và Lạc Thủy. Có thể hàng ngàn năm trước, những tư tưởng về âm dương, ngũ hành đã xuất hiện trong cộng đồng Bách Việt nông nghiệp rồi dân gian đúc kết thành Đồ, Thư... Tài năng và công lao của Phục Hy là việc ông phát hiện ra Đồ, Thư của dân gian rồi chuyển hóa nâng cao thành Bát quái, Trùng quái... chúng tôi chắc rằng sự thật đã diễn ra như vậy!

    Tới đây một câu hỏi nảy sinh: Vì sao Khổng tử lại tước bỏ đóng góp của dân gian rồi quy công cho Phục Hy? Điều này không lạ vì chính người cũng từng quy cho Hoàng đế những công lao mà đến thánh thần cũng không làm nổi! Đấy chẳng những là thói quen công quy vu trưởng của người xưa nói chung mà trong trường hợp này còn có lý do riêng. Nếu công bằng ghi công cho dân gian thì cũng có nghĩa là ghi công cho Viêm Việt, cũng tức là loại Hán tộc khỏi vũ đài văn hóa! Bởi lẽ thời Phục Hy dân bên sông Hà sông Lạc là người Bách Việt còn người Hán thì vẫn chăn cừu đuổi dê nơi đồng cỏ phía Bắc. Dù có là thánh nhân nhưng Khổng tử cũng không chấp nhận cái công lớn ấy lại thuộc về lê dân về Di, Địch! Một lối thoát danh dự: quy công cho Phục Hy vì lúc này ông vua Viêm Việt đã biến thành vua của Hán tộc! Điều đó không phải không có lý: 2000 năm sau trận Trác Lộc, con cháu của Hoàng đế đã hòa huyết tới mức hòa đồng với chắt chít của Phục Hy nên chẳng còn phân biệt đâu là Hán đâu là Việt mà tất cả cùng là hậu duệ của cụ viễn tổ  Phục Hy. Khổng tử nhận kế thừa di sản của họ Bào Hy cũng là hợp pháp!

 

   Người đầu tiên đặt vấn đề kinh Dịch là của người Việt một cách hệ thống và công khai là giáo sư Lương Kim Định trong bộ Triết lý An vi của ông xuất bản những năm 70 thế kỷ trước. Tiếp đó là nhiều học giả khác như  Gs Lê Văn Sửu với “Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương” và “Học thuyết âm dương ngũ hành”, Gs Bùi Văn Nguyên “Kinh Dịch Phục Hy” rồi Nguyễn Tiến Lãng “Kinh Dịch-sản phẩm sáng tạo của người Việt”   Thực tế lịch sử này từ lâu bị khuất lấp.

 

CHƯƠNG VII

MỘT CÁCH ỨNG XỬ VĂN HÓA MỚI

 

   Sau hàng ngàn năm lội ngược thời gian tìm cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa dân tộc, có lẽ hôm nay nhờ thành tựu mới của khoa học nhân loại, chúng ta đã có lời đáp rõ ràng, thuyết phục. Với nhận thức mới về nguồn cội thiết tưởng chúng ta cần có lối ứng xử văn hóa mới :

 

   1/ Chúng ta có quyền tự hào chính đáng về tổ tiên đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ trên đất Việt. Tổ tiên ta cũng là chủ nhân ông thứ nhất khai phá đất nước Trung Hoa và sáng tạo nên văn minh Việt tộc trên vùng đất mênh mông này. Người Việt có chủ quyền chính đáng với nền văn minh gốc Việt ấy.

 

   2/ Về mặt huyết thống, từ bản đồ gene con người, chúng ta thấy mình cùng nguồn genes, cùng một gốc gác với các tộc người thiểu số anh em. Không chỉ cùng gốc gác với người Kinh mà các tộc người anh em lại là hậu duệ của ngành bám trụ lâu dài trên đất nước và sáng tạo những nền văn hóa mà hôm nay chúng ta tự hào. Đối với các tộc người thiểu số anh em, chúng ta cần một thái độ biết ơn và trân trọng. Đối với người Hán trên lục địa Trung Hoa, ta thấy họ cũng là bà con của ta vì trong mỗi người ít nhiều đều có một phần dòng máu của tổ tiên ta từ thuở xa xưa.

 

3/ Hàng ngàn năm nay người Việt giữ cái nhìn kỳ thị dị chủng dị văn với những nước láng giềng như Lào, Miên, Thái Lan và nhất là những nước hải đảo Đông Nam Á. Đấy là sai lầm mang tính lịch sử vì chúng ta chưa nhận ra được cội nguồn gốc gác của mình. Nay, với những phát hiện mới của khoa học, chúng ta nhận lại các dân tộc Đông Nam Á là anh em bà con cùng nguồn cội với mình. Việc Việt Nam gia nhập gia đình Đông Nam Á là bước đi đúng hướng để sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Từ nay chúng ta có thêm nhận thức mới: Đông Nam Á với chúng ta không chỉ là khối liên minh chính trị kinh tế mà còn là cộng đồng có chung nguồn cội sâu xa về di truyền và văn hóa. Việt Nam sẽ phát triển và ổn định trong mối quan hệ bền vững với các nước anh em trong khu vực. Không những thế, người Việt ta cũng đồng bào với người New Guinea, thổ dân châu Uc cùng các tộc người bản địa châu Mỹ. Phải chăng câu tứ hải giai huynh đe từ xa xưa đã bao hàm nội dung nhân bản này?

   4/ Hàng ngàn năm bên cạnh một cường quốc khổng lồ với nền văn hóa vĩ đại, cha ông ta luôn mang mặc cảm một quốc gia nhược tiểu, một dân tộc không có văn hóa gốc. Với nhận thức mới về nguồn cội, chúng ta tự giải phóng khỏi sự cầm tù của mặc cảm truyền kiếp đó, lấy lại niềm tự hào chính đáng: Dân tộc Lạc Việt là người duy nhất trong hệ Bách Việt còn tồn tại và kế tục sự nghiệp của một cha ông vĩ đại. Chính cha ông ta là người chủ đạo khơi nguồn nền văn hóa rực rỡ mang tên văn minh Trung Hoa. Với nhận thức mới về cội nguồn, chúng ta mạnh dạn nhận lại văn minh cội nguồn Trung Hoa là của mình. Đấy là của chung mà cha ông ta ít nhất có phần hùn 51%. Việc sử dụng văn minh Trung Hoa trước đây vẫn bị coi là vọng ngoại là vay mượn thì từ nay ta sử dụng với tư cách chủ nhân có tác quyền hợp pháp.

 

 5/ Từ nhận thức về cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa, chúng ta xác định bản sắc văn hóa Việt nam: Nhân chủ, thái hòa, tâm linh. Đó là truyền thống sống hòa đồng với thiên nhiên, tương thân tương ái với đồng loại, là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Có nghĩa là những yếu tố tốt đẹp nhất của Nho giáo – phần tinh hoa của văn hóa Việt tộc được đúc kết trong những kinh điển Nho giáo thời kỳ đầu. Học giả Kim Định gọi phần văn hóa Việt tộc này là Việt nho. Chúng tôi cho rằng đó là tên gọi xác đáng cần được tiếp thu. Việt nho là văn hóa Việt khi chưa bị tầng lớp thống trị Hán tộc làm cho tha hóa trở thành Hán nho Tống nho – công cụ đàn áp nhân dân, thủ tiêu dân chủ. Trong khi Nho giáo Trung Hoa bị suy đồi thì những yếu tố Việt nho vẫn tồn tại trong cộng đồng người Việt Nam như một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đáng tiếc là do nhận thức chưa đúng về nguồn cội nên chúng ta ngộ nhận cho tất cả đều là của Tàu nên chối bỏ, thậm chí dùng Hán nho, Tống nho làm chính thống đàn áp văn hóa gốc của mình. Cần khẳng định đó là văn hóa đặc hữu của người Việt và lấy làm tiêu chí để gạn bỏ yếu tố Hán và Tống nho bị xảm vào văn hóa Việt do chủ trương đồng hóa của kẻ xâm lược phương Bắc.

 

   6/ Cho dù hôm nay đang đối mặt với những khó khăn chồng chất nhưng từ cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa chúng ta có lý do để tin tưởng rằng dân tộc ta sẽ có một tương lai sáng lạn. Dự báo về thế kỷ XXI người ta nhắc tới lời sấm Trạng Trình Nhân đào đáo hoàn, xã tắc an lạc. Do đất nước đổi mới, dân chủ hơn nên nhiều kiều bào trở về, hoặc thăm quê, hoặc đầu tư xây dựng đất nước. Về là để đất nước an lạc chứ không phải gây loạn lạc! Và cũng tháng năm này, nhờ thành tựu khoa học thế giới, ta tìm lại cội nguồn tổ tiên và văn hóa dân tộc. Đó phải chăng là những điềm triệu báo tin về cuộc phục hưng? Việc của chúng ta là mỗi người trong khả năng của mình ngay từ bây giờ góp sức cho cuộc phục hưng đó!

        Chúng tôi hình dung ra, có thể cái tương lai phía trước chúng ta chính là thời Nghiêu Thuấn: con người thân thiện với thiên nhiên, sống với nhau hòa đồng thân ái, dân chủ, trên cơ sở nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Phải chăng chính đó là lý tưởng phương Đông mà phương Tây đương tìm đến?

  

 

   Lời cảm ơn: Người viết chân thành cảm ơn các tác giả có sách tham khảo trong chuyên luận này. Đặc biệt cảm ơn những tác giả người Việt ở nước ngoài: Bs Nguyễn Thị Thanh, luật sư Cung Đình Thanh, GsTs Nguyễn Văn Tuấn, các ông Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Quang Trọng. Ong Hoài Thanh báo Đại chúng cung cấp những tài liệu quý. Cảm ơn bạn tôi, Đỗ Thái Nguyên và Gs Ranjan Deka Đại học Cicinnati Hoa Kỳ gửi cho những thông tin mới nhất. Chính trí tuệ và thịnh tình của các vị đã soi sáng và động viên chúng tôi hoàn thành cuốn sách. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn.

  

Chú thích: 1/ Sách dầy 250 trang. NXB Thanh niên in trong quý I năm 2006

2. Đại Việt sử ký toàn thư Nxb KHXH. Tr 20 (bản điện tử Lê Bắc).

3. Nguyễn Gia Kiểng, Tổ quốc ăn năn, Paris 2000

4. The Canberra Times, 10 Feb. 2005, by Rosslyn Beeby Research, Conservation and Science Reporter:
http://www.iol.co.za/index.php?set_id=1&click_id=588&art_id=qw1108019521878B213

5. Kim Định. Việt lý tố nguyên tr.53

6. Lévi Strauss –Tristes tropicques tr. 196 và 267. Dẫn theo Kim Định - Cơ cấu Việt Nho SG 1972 tr. 22.

7. Kinh Thi. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1992.

Xin xem thêm: Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa trên vannghesongcuulong.

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 7224
Ngày đăng: 17.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ sự hủy diệt của văn minh ÓC EO nhìn về ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Hà văn Thùy
Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa ( Bài hai và hết,) - Hà văn Thùy
Quan điểm NHÂN HỌC - Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda
Nhân học văn hóa,một và nhiều - Nicolas Journet
Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc - Phan Ngọc Chiến
Những khía cạnh học thuật trong vấn đề xác định thành phần dân tộc tại Việt Nam - Phan Ngọc Chiến
Nghề ăn ong trong rừng U Minh - Nguyễn Trọng Tín
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam - Hồ Liên
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Bàn thiên Nam bộ - Nguyễn Văn Hoa
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)