Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.712 tác phẩm
2.755 tác giả
522
122.045.846
 
Ngô Quang Bửu và giấc mơ thời thơ ấu
Trương Văn Dân

         

 

 Tôi không thích đưa hình ảnh người thân trong bệnh viện. Thậm chí khi thấy bạn bè đưa hình người quen nằm co quắp hoặc thở oxy với máy… tôi còn phản đối, nhắn tin yêu cầu gỡ.

 Lý do là tôi muốn lưu giữ những hình ảnh về họ như những người sống “bình thường” và không cần các phương tiện hay thuốc men hổ trợ.

Nhưng lần này thì không! Tôi lại muốn đưa lên để nói về sức mạnh tinh thần và nụ cười lạc quan của bạn khi tôi đến thăm ở bệnh viện. Bửu hơi gầy nhưng đôi mắt  tinh anh, vui mừng và thân thiện khi thấy chúng tôi bước vào. Elena gần như nắm tay bạn  suốt  thời gian thăm viếng. Thương bạn lắm! Một người  bạn chân tình.

 

Chúng tôi nhắc lại vài kỷ niệm, về các chuyến đi. Bửu nói: Hết bệnh tao đi chơi tiếp. Biết Bửu bị bệnh đã lâu nhưng chưa khi nào tôi thấy anh lo lắng hay buồn phiền. Anh biết đón nhận, sống chung và đối phó.

Tôi luôn nhớ về Bửu như một người có sức mạnh tinh thần đáng nể.  Lúc nào cũng thấy anh như kiểm soát được cảm xúc và bình thản, không cáu gắt. Trước sự việc  anh luôn bình tĩnh ứng phó và tôi nghĩ không phải ai cũng làm được.

Mới hai năm trước anh đã có 1 chuyến đi dài ngày qua Mỹ. Có lẽ đó là 1 chuyến đi để đời, anh  được  đi  thăm bạn bè và người thân ở khắp mọi nơi, từ miền Đông sang Tây,  vào Nam ra Bắc.  

Sau đó, nghỉ ngơi đâu chừng 1 năm, anh còn nhắn tin hỏi ý kiến tôi về một chuyến đi Âu Châu. Anh gửi chương trình 20 ngày, từ  Việt Nam  qua Paris, Versailles, Lyon rồi đi thăm các thành phố Monaco, Monte Carlo, Rome, Venice rồi bay qua Berlin, Postdam, về lại Berlin rồi mới về Việt Nam.

          “Bạn ơi tour dày và phong phú… nhưng sẽ rất mệt vì di chuyển nhiều..”  Bửu nói không sao,  mình đi  theo chương trình cùng mọi người... nhưng về sau có lẽ sức khỏe không cho phép nên chuyến đi phải đình lại.

 

                                                             &

 Mấy tháng trước tôi nhận được tin nhắn của Nguyễn Hà nhắc đi thăm Bửu. Lúc đó tôi cũng vừa hay tin là Bửu vừa được chuyển vào Bệnh viện. Tất nhiên, nếu Nguyễn Hà không nhắc tôi cũng sẽ thăm. Nhưng tin nhắn của Hà làm tôi vội đi ngay. Không chần chừ, lần lửa hẹn: “Đến sớm, không sẽ muộn!”

 Tôi và Nguyễn Hà biết nhau đã lâu, anh ở Mỹ nhưng mỗi lần về Việt Nam là chúng tôi gặp nhau, có khi chỉ vợ chồng tôi, có khi thêm Bửu hay các người  bạn khác. Nguyễn Hà quảng giao nên có nhiều bạn làm đủ các ngành nghề ở khắp mọi nơi.

 Tuy không thân lắm, nhưng mỗi lần gặp  nhau chúng tôi đều rất vui, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Anh cũng là độc giả của tôi, mỗi lần in sách anh đều mua 5,10 quyển để giới thiệu và tặng bạn bè.

Nói về Bửu, nhưng ở đây tôi muốn nhắc đến “Lão Hà” để kể lại một chi tiết cảm động:

Vào tháng 12- 2019 Tôi và Elena về Milano để tham dự buổi ra mắt tập truyện “Một Phút Tự Do”[1] của Elena vừa được nxb Calibano in lại bằng nguyên tác tiếng Ý là “Un Istante di libertà.”

Sau hơn 6 tuần, cuối tháng 1- 2020  tôi bay về Việt Nam trước vì Elena muốn ở thêm một tuần nữa với gia đình. Không ngờ là đầu tháng 2-2020 đại dịch Covid.19 bùng phát ở Bergamo và Milano nên thành phố bị phong tỏa. Nhiều nước trên thế giới lo sợ và hạn chế người đến/về từ Ý. Thế là từ Việt Nam tôi phải bay ngược về Ý trong tâm dịch vì không thể để vợ đối phó một mình tại Milano.

             Chuyến đi  sinh tử này các báo  ở Việt Nam đều nói nhiều và tôi cũng có kể lại trong quyển sách Cùng Bay về tâm dịch.[2]

             Lúc này  những hình ảnh chết chóc, những đoàn convoy nối đuôi chở quan tài xuất hiện trên truyền thông làm mọi người khắp thế giới kinh hoàng Một buổi tối ở Ý tôi bất ngờ nhận được một cuộc gọi của Nguyễn Hà. Anh muốn nhờ tôi chuyển 5000 USD cho 1 cơ quan từ thiện ở Ý. Tôi còn bất ngờ hơn khi anh muốn gửi tặng tôi 2000USD  để trang trải sinh hoạt và bù các vé máy bay mua rồi bị hủy trong chuyến bay về Ý. Tôi xúc động cảm ơn anh, nhưng từ chối. Tôi nói  ở Ý các hội đoàn đang làm việc rất tốt, anh nên dành số tiền đó để tặng cho các tổ chức từ thiện ở Việt Nam hay giúp các văn nghệ sĩ đang gặp khó khăn.

            Tuy không nhận nhưng tôi như “mắc nợ” anh,  món nợ ân tình.

            Năm sau, khi  Sài Gòn  bùng nổ Covid.19, tôi  biết anh tích cực vận động bạn bè quyên góp gạo, thức ăn và gửi về  rất nhiều tiền để cứu trợ.

                                                               &

 

Chừng 10 hôm sau khi thăm, tôi nhắn tin hỏi thăm, Bửu cho biết đã về nhà rồi. Sức khỏe cũng tàm tạm, nhưng đi đứng còn khó khăn vì hai chân bị phù. Những ngay sau tôi gọi lại, Bửu cho biết là  nằm rẹp một chỗ vì không đi được.  

   

              TVD Và Ngô Quang Bửu     

              

 Chín mười tuổi là cái tuổi quá bé để nhớ lại những chuyện sáu mươi năm trước nhưng ký ức về thời gian ấy như hằn sau trong tâm thức của tôi. 

Ngày đầu đi học, tôi không thể nào quên hình ảnh của ba tôi trong ngày ấy. Ông nắm chặt bàn tay nhỏ của tôi, thận trọng đặt tôi lên ngồi ở yên sau trên xe đạp và đưa tôi đến trường trong một buổi sáng mùa thu, tuy “không đầy sương thu và gió lạnh”.

 

           Nhưng hình như hôm ấy trời rất xanh, mây rất trắng và tôi mặc chiếc quần short màu xanh, áo sơ mi trắng ôm chặt bụng ba tôi. Con đường đất đến trường tôi đã quen nhưng sáng đó tự nhiên tôi thấy cảnh vật chung quanh như rất khác. Trong lòng tôi rối bời vì lo âu và sợ hãi, không biết  đến trường sẽ ra sao? Ba tôi cứ thong thả đạp xe rồi một lúc tôi nghe ông căn dặn: “Con sắp thành học sinh rồi, hãy mạnh mẽ và ngoan ngoãn vâng lời thầy dạy!”.Tôi vâng dạ nhưng khi xuống xe trước cổng trường tôi đã đứng im, dựa lưng vào gốc me già ngước nhìn ông và rơm rớm nước mắt. Có lẽ  ba tôi hơi bất ngờ  nhưng ông chỉ lúng túng một vài giây rồi sau đó ông ôn tồn an ủi. “Con cứ yên tâm vào trường, ba chưa về nhà đâu, ba sẽ đứng ngoài cổng nhìn xem lễ khai giảng. Con vào đi, nay mai con sẽ quen nhiều bạn mới và sẽ thích đến trường.”

             Quả đúng như thế! Chỉ vài hôm là tôi đã quen các bạn ở các làng lân cận, nhưng có lẽ thân nhất là Bửu,  bạn đến với tôi như 1 kẻ tri âm thời tuổi nhỏ.

            Tôi và  Bửu  rất thân nên mỗi buổi sáng tôi đều đứng trước nhà chờ bạn. Nhà Bửu cách nhà tôi chừng 3-400 mét  và phải  đi ngang nhà tôi để đến trường. Mỗi ngày chúng tôi đều đi và về cùng nhau. Nhưng tình bạn không kéo dài lâu.

             Ba của Bửu lúc đó là trưởng chi Kiểm Lâm ở Bình Khê. Sau vài năm  công tác ông bị điều chuyển về một địa phương khác. Bửu phải theo gia đình nên hai chúng tôi đành bịn rịn chia tay.

            Thời gian trôi đi, những thay đổi trong cuộc sống, học lớp mới, những bạn mới..  rồi tôi không còn nhớ hay nghĩ đến Bửu nữa.

            Thế nhưng 10 năm sau, lúc này tôi đã chuyển xuống học ở Quy Nhơn, trong một đêm tự nhiên tôi nằm mơ thấy Bửu. Giấc mơ nào cũng mang theo nhiều ý nghĩa và điềm báo khác nhau. Có gì đã xảy ra cho người bạn cũ? Sáng dậy, người tôi vẫn con bần thần và tôi cầu mong bạn khỏe mạnh và bình an ở một phương trời nào đó.

 

Vài hôm sau tôi cũng quên đi, nhưng một đêm tôi lại mơ thấy Bửu một lần nữa! Quái, 10 năm không gặp, không nhớ… tự nhiên trong  giấc mơ bạn xuất hiện hai lần!  Tôi không biết giải thích ra sao, nhưng chiều hôm đó,  trời Quy Nhơn rất nóng nên khi tan trường tôi cùng 1 người bạn rủ nhau đi tắm biển. Khi  rẽ qua đường Trần Cao Vân tôi bất ngờ khựng lại. Trước mắt tôi là Bửu mặc quần đùi áo mayo đang bắt chiếc ghế ngồi trước sân nhà. Chúng tôi nhận ra nhau cùng lúc, gọi tên  và ôm chầm lấy nhau. Như thế là Bửu vẫn nhớ đến tôi. Còn tôi nhận ra bạn là nhờ gặp trong giấc mơ hôm trước.  Lý giải sao về những việc này? Thần giao cách cảm hay gì gì khác?

 

Gặp lại nhau nhưng lúc đó là mùa thi, cả hai đều cắm cúi học, rồi sau khi thi đậu Tú Tài tôi lại lên đương du học. Thế là bặt tin nhau. 

Mãi 30 năm sau, khi việc mưu sinh tạm ổn, tuy là chuyên gia hóa dược nhưng tôi cũng bắt đầu viết lách rồi về Việt Nam in tập truyện ngắn đầu tay “Hành trang ngày trở lại (nxb Trẻ-2007)”. Theo lời khuyên của nhà văn Huỳnh Kim Bửu, tôi tham gia trang web  văn chương xunau.org và quen biết người phụ trách Ngô Quang Hiển. Khi gặp Hiển và người anh đồng hương là nhà văn Nam Thi, nói chuyện một lúc mới biết Hiển là em trai của Bửu.  Một cú điện thoại là chúng tôi cùng gặp lại nhau.

 

 Vẫn nở nụ cười lạc quan và hiền hòa như ngày nào. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi lưu số điện thoại để liên lạc. Tuy nhiều năm xa cách, thăng trầm  và trải nghiệm khác nhau nhưng chúng tôi vẫn  rất quý nhau.

Chiều nay đọc tin trên FB của Hiển báo tin bạn đã qua đời, tôi bủn rủn tay chân và dù có chờ đợi nhưng tôi vẫn không muốn tin rằng đó là sự thật. Bạn không cao to nhưng khoẻ mạnh, lạc quan, yêu đời… các con yêu quý và trong lòng còn ấp ủ những dự định tương lai và những chuyến đi xa… Vậy mà tất cả chấm dứt rồi sao? 

Bửu ơi! trong lúc lên Facebook của bạn để tìm lại những tấm hình bỗng dưng tôi ứa nước mắt. Trang nhà của bạn giờ đây im lặng, không còn những dòng trạng thái tươi vui mà chỉ có những lời lẽ chia buồn. Bao nhiêu người thân, bạn bè còn ở lại trên cõi đời này đang thiếu vắng và hẫng hụt biết bao!

            Tự dưng tôi chẳng thiết làm gì nữa, bỏ ngang bài viết, buổi chiều chỉ ngồi trước màn hình rồi nhớ đến những kỷ niệm  rời rạc trong chừng ấy năm trời.  

Hình như lúc ấy những mùi vị, âm thanh và hình ảnh cũng tràn về trong tâm trí, len lỏi vào từng kẽ ký ức của ngôi trường tiểu học.

            Tôi chợt nhớ đến hôm cuối  cùng gặp bạn trong bệnh viện, có chuyển cho bạn bài nghiên cứu về Bột Nghệ, mà tôi  thường nghĩ là nếu 25 năm trước biết được tác dụng  ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của khối u thì biết đâu đã có thể kéo dài được cuộc sống của hai người thương yêu nhất!

                                                        &

            Đọc thông tin của Hiển… ngày lễ tang  của Bửu tôi không có mặt ở Sài Gòn nên chỉ viết vài hàng chia buồn rồi gọi điện cho Hiển. Hiển nói “không sao, anh chị đã đến thăm anh Bửu ở Bệnh viện đã là quý lắm rồi”.

Nhưng dù không được gặp  hay nắm tay bạn lần cuối, chưa kịp hỏi nhưng tôi vẫn tin rằng bạn đã ra đi thanh thản vì đã thấu suốt lẽ đời: “Đời người như bóng chớp, có rồi không”.

 Bửu ơi! từ hôm bạn mất.. tuy chưa có đêm nào mơ thấy bạn, nhưng tôi biết là bạn đã đến trước và hẹn ở một nơi chưa ai biết nhưng đều sẽ đến.

 

Sài Gòn tháng 5-2024

Ps: khi tôi viết những dòng này thì tuy vắng mặt mà Bửu cũng như đang hiện diện. Hình ảnh  bạn sống động hơn cả trong giấc mơ xưa.

( mất 22.4 .2024)



[1]  Nxb Văn Hóa Văn Nghệ VN (2014),

[2] https://www.art2all.net/tho/truongvandan/cungbayvetamdich/tvd_cungbayvetamdich_phan1.html

 

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 145
Ngày đăng: 02.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá - Chế Diễm Trâm
Tiễn biệt tác giả những bài tình ca về đất Cảng - Trần Trung Sáng
Trần Hoài Anh với Lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại - Cao Thị Hồng
Tưởng niệm Alice Munro (1931-2024) - Nguyễn Đức Tùng
Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh - Trương Văn Dân
Một chốc với “trong những thoáng chốc” - Tiểu Lục Thần Phong
Hình bóng Hemingway ở Paris qua hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 6) - Phan Tấn Uẩn
Hình bóng Hemingway ở Paris (Qua hồi ký A moveable Feast) (Kỳ 5) - Phan Tấn Uẩn
Nhà văn Phù Vân! Gió mang niềm nhớ …Và Mây đã bay đi - Trương Văn Dân
Nhà văn Châu La Việt: “Tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện” - Minh Tứ
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)