Trước hết là cụm từ: Tốt Đẹp, Vui Vẻ, Hạnh Phúc.
Sau mỗi câu nói của ông khi nào cũng có cụm từ: Tốt đẹp, Vui vẻ, hạnh phúc. Đó là điều ai cũng mong muốn, và cũng là điều ông mong cầu đến với tất cả mọi người.
Bất kỳ một tôn giáo chân chính nào cũng hướng đến chân thiện mỹ. Phật Giáo là giác ngộ là giải thoát là từ bi, hỉ xả. Thiên chúa giáo lòng lành cũng từ bi bác ái,… giúp con người hướng thiện, là chỗ dựa tinh thần, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Những người sáng lập ra các tôn giáo lớn là những vĩ nhân, nhà triết học Đức Karl jaspers gọi bốn nhân vật cổ đại tiêu biểu nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại là những triết gia vĩ đại gồm: Socrate, Thích Ca, Khổng Tử, Jesus. Tư tưởng của họ có tầm ảnh hưởng bất chấp không gian và thời gian. Trong đó đặc biệt phải kể đến các tôn giáo có tín đồ đông có lẽ là Phật Giáo và Thiên chúa giáo, …
-
Giêsu Kitô (Jesus Christ) là một nhân vật lịch sử người Do Thái, là nhà giảng thuyết, người sáng lập ra Kitô giáo vào thế kỉ thứ 1. (Người Do Thái là dân tộc có tiếng là thông minh. Họ có truyền thống coi kiến thức, trí tuệ là thứ quý giá nhất của con người).
-
Người sáng lập ra Phật Giáo- một tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng lớn vượt thời gian là ngài Thích Ca. Mặc dù xung quanh cuộc đời Thái tử Tất-đạt-đa có nhiều huyền thoại, nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học đều công nhận ông là một nhân vật lịch sử có thật và là người đã thành lập ra Phật giáo. Ngài giảng pháp: giác ngộ và giải thoát, Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Vô ngã, Vô thường, Luân hồi, Duyên khởi, quy luật Nhân quả (Nghiệp) và nhiều bài pháp khác mở rộng phù hợp với căn cơ của nhiều người. Ngài tìm ra phương cách chấm dứt phiền não và vô minh, đạt đến giác ngộ, thoát vòng Sinh Tử Luân Hồi. Ông nhận thấy đâu là khổ, nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc vĩnh cửu và làm sao để đạt được. Ông đã tìm ra Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo).
Tu sĩ Minh Tuệ thực hành pháp tu hạnh đầu đà là pháp khó nhất. Pháp tu là một trong những phương pháp tu khổ hạnh của Phật giáo để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần, chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại. Chứng tỏ ông là người tu thật, một bậc chân tu đáng kính. Như vậy, tu sĩ Minh Tuệ là một học trò xuất sắc của đức Phật. Dù muốn hay không ông cũng đã là nhân vật Phật giáo quốc tế. Nhắc đến ông, gợi người ta nhớ đến ngài Ca diếp – một đại đệ tử của đức Phật. Dù “nổi tiếng” bất đắc dĩ ông cũng đã được Wikipedia vinh danh. Và tầm ảnh hưởng của ông không thể phủ nhận ở mặt tác động vào tư tưởng, lòng từ bi, phong trào thiện nguyện (vốn đã có nay càng được phát huy mạnh mẽ), kéo theo hội họa, điêu khắc, thời trang, may mặc, các sàn thương mại điện tử trong nước và trên thế giới,…
Phải nói bản thân sư Minh Tuệ có năng lượng phi phàm. Không người thường nào (trong thời đại ngày nay) có thể đi bộ, ăn uống ngủ nghỉ kham khổ như ông (6 năm qua) mà vẫn sống, vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn được như vậy. Mỗi người là một tiểu vũ trụ, cho đến bây giờ kể cả lĩnh vực khoa học cũng chưa khám phá, lý giải hết về con người và tâm linh.
Ông, một nhân vật truyền cảm hứng là có thật. Nhìn lực hút qua các video dõi theo hành trình ông đi từ các kênh mà youtuber đã quay thì biết. Họ cũng là những người làm truyền thông tự phát, tất nhiên có những người làm youtube chuyên nghiệp có thu nhập, cũng có người do yêu mến ngưỡng mộ ngài mà ghi lại làm kỷ niệm và chia sẻ với mọi người. Tôi hàng ngày xem TV chỉ mỗi youtube, dõi theo bước chân ngài. Tôi gọi ông là: tu sĩ Minh Tuệ hay gọi ông Minh Tuệ là ngài, theo hành trạng của ông cũng như thể hiện lòng tôn kính trước đức hạnh của ngài.
Nhiều linh mục của đạo Thiên chúa giáo cũng cảm phục mà tán thán (ca ngợi) sư Minh Tuệ . Như vậy từ ngài mà kết nối được tính đoàn kết giữa con người với con người xích lại gần nhau hơn. Không chỉ đồng đạo, khác đạo và kể cả những người không theo tôn giáo nào. (Trừ nhưng người không thích ông vì những lý do riêng của họ). Ông “ẩn tu” hàng ngày không còn có các video hành trình dõi theo bước chân ông làm cho nhiều người ngậm ngùi, tiếc và buồn như mất đi cái gì quý giá. Bởi những gì ông mang đến là giá trị tinh thần: Lòng thiện lương, tính giản dị, buông xả,…
Mỗi nơi ông đi qua là có cơ hội để quảng bá (không công) du lịch. Giới thiệu cảnh sắc đất nước và con người Việt Nam thân thiện cho du lịch không chỉ trong nước và thế giới mà biết đâu còn có thể kêu gọi đầu tư.
Có người lại bảo ai cũng đi như ông thì ai sản xuất lúa gạo, ai canh giữ biển đảo. Nhớ cho rằng nghĩa vụ quân sự ông đã hoàn thành trước khi xuất gia.
Xã hội phân công tự nhiên, người làm việc này người làm việc khác. Người nông dân sản xuất lúa gạo, bác sĩ chữa bệnh cứu người, thầy cô giáo đem con chữ cho học trò,…giá trị vật chất thì thấy rất rõ như mỗi ngày đúc được bao nhiêu viên gạch nhưng giá trị tinh thần thì không dễ nhận ra, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là nếu còn Vô Minh.
Tu sĩ Minh Tuệ xưng con với tất cả mọi người, thể hiện sự khiêm khung và tôn trọng đại chúng. Ngài cũng nói rõ là con chỉ là một công dân Việt Nam đang trên đường tu học, không phải sư, không phải thầy ai cả, không có chùa, không thuộc nhân sự của chùa nào cả” ai muốn đến, đi đều tùy duyên. Ổng đã nói vậy rồi mà ai cứ nói lui nói tới là ông Lê Anh Tú không phải tu sĩ. Điều này ông nói trước rồi mà! Nhắc lại là thừa thải.
Nhưng mỗi lời nói khiêm cung, mỗi bước chân khổ hạnh của ông đều là bài học tinh thần, cảm hóa chúng sinh rất hữu hiệu.
Có ai đó cho rằng: Ngài không đọc nhiều giáo lý.
Tôi thì nghĩ rằng: “Không đọc sao biết mà thực hành?”
Chỉ là ông không giảng pháp mà thôi. Ông bảo ông làm theo những lời Phật dạy, vì những gì cần học thì đã có Phật pháp dạy rồi. Như vậy, những bài học đơn giản chính là hành động của ngài, chẳng cần rao giảng lý thuyết chi cho nhiều. Xưa nay, những bậc cao minh, càng trí tuệ thì càng nói lời đơn giản dễ hiểu. Hành trạng của ngài là minh chứng, không cần nói nhiều, vì giờ nói nhiều không dễ tin. Thực hành mới tin. Hơn nữa khi đức Phật viên tịch ngài không để lại trang viết nào. Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật và lời dạy của ngài được các thế hệ đệ tử ghi nhớ và tổng hợp thành các bản kinh sau khi ông nhập niết bàn. Như vậy Kinh phật là do các đồ đệ của ngài viết lại. Đúng sai, đúng bao nhiêu phần trăm chưa ai kiểm chứng, lại còn qua dịch thuật nữa thì tam sao thất bổn là chuyện khó tránh.
Trong kinh điển Pali, Phật Thích Ca lưu ý với các đệ tử rằng: “Đối với chân lý, Như Lai chưa từng nói lời nào. Ý nghĩa câu này là: giáo pháp của Phật là một phương tiện để người tu hành đạt tới giác ngộ chân lý, chứ chính nó không thể mô tả hoàn toàn chân lý. Chân lý rất vi diệu, không thể dùng lời nói để diễn tả đầy đủ mà phải tự mình chứng đắc, những lời dạy của Phật chỉ là phương tiện để giúp người tu hành tự mình đạt tới chân lý mà thôi. Phật xem những bài thuyết pháp của ông cũng như ngón tay chỉ tới mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Người ta phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng, còn nếu chỉ cố chấp vào ngón tay, chỉ tập trung nhìn ngón tay thì sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng. Như Lai dạy cho người khác con đường giác ngộ chân lý, nhưng mỗi người phải tự bước trên con đường giác ngộ chân lý cho mình”. (theo Wikipedia)
Có người nói là có mấy ngàn hành pháp để tu ai thích hợp môn nào thì chọn tu môn đó. Phật ở trong tâm chúng ta, Phật cũng nói rằng: Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Tu sĩ Minh Tuệ chọn pháp tu khổ hạnh, khất thực, (hạnh đầu đà).
Có thể ngồi một chỗ tụng kinh gõ mõ, cũng tu vậy, tu trong tâm, không làm việc xấu, không làm hại ai.
Vì sao phải đi hành khất, ngủ ngồi, mặc áo vá, ngủ gốc cây, nghĩa địa nhà hoang, ven đường và di chuyển bộ hành như vậy. Thực hành pháp đầu đà là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục. Ngài nói khiêm tốn là đi để rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng mọi hoàn cảnh. Bao gồm cả tiếp cận, trải nghiệm, đối nhân xử thế của người đời và chịu đựng thi phi nữa. Còn người yêu mến ngưởng mộ ngài thì nghĩ rằng đi để gieo duyên, để lan tỏa đức hạnh, cảm hóa chúng sinh. Đó là sứ mệnh của ngài.
Cuộc sống tối giản của ngài là một bài học. Từ đó để giảm tham sân hận. Ai rồi cũng già đi và chết đó là sự thật, nên không chạy theo vật chất và lòng tham để làm khổ nhau.
Biết đủ và sống giản dị dễ sống. Học tính giản dị, lòng thiện lương. Tránh được tranh dành cướp bóc tiền tài lẫn danh vị chức quyền. Tính thiện trong con người thì ai cũng có, thể hiện ít hay nhiều do nền tảng giáo dục, truyền thống gia đình và môi trường xã hội.
Từ hiện tượng Thích Minh Tuệ, tôi tin bản tính thiện lương trong mỗi người sẽ được thức dậy, bớt tham sân si, bớt khẩu nghiệp, thói đố kỵ ganh ghét,…bớt tạo nghiệp.
Dĩ nhiên, mỗi người lựa chọn cách sống hài hòa, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Và đặc biệt không mê tín dị đoan. Không phải cứ cúng dường nhiều, lạy Phật trăm lạy, ngàn lạy rồi xin gì được nấy. Không!
Bây giờ lười học, mà đi xin Phật cho thi đỗ, hay là không chịu làm mà cầu mong giàu có là điều không thể xảy ra.
Tuy nhiên tôi vẫn tin là có thế giới người âm, có các đấng vô hình quanh ta, đặc biệt là ông bà tổ tiên của mỗi người sẽ phù hộ độ trì cho con cháu họ. Bản thân tôi từng vài lần suýt chết trong gang tấc, may mắn đến với tôi trong đời. Có những lần may mắn đến với tôi thật tình cờ, nhưng có cảm giác như mọi thứ được sắp xếp sẵn cho tôi vượt qua thử thách. Và tôi nghĩ là có bàn tay nâng đỡ của ông bà tổ tiên phò trì giúp đỡ.
Có người đi chùa chỉ là hình thức, lạy Phật đó, cúng dường đó nhưng về nhà ác với chúng sinh, với muôn loài yếu thế. Ví dụ vừa mới lên chùa cúng rằm về mà tâm không thiện, gặp gà mẹ dẫn đàn gà con chạy sang sân mình.Thế là ném đá tả tơi, làm cho gà con mới nở hoảng hốt chạy tán loạn, có con đã bị trúng gãy giò, mẹ gà la toang toác sợ hãi, kêu van,…Như vậy tâm không thiện thì lạy Phật cũng vô ích.
Lại có người tiểu thương buôn gian bán lận, chặt đẹp khách hàng, đem lên chùa cúng nhiều nhưng lại không cho cha mẹ ăn. Chuyện này có thực tế. Có anh bạn (cũng công chức ở quận 5) tâm sự rằng. Anh có hai đứa em gái buôn bán chợ Tỉnh ở miền Trung, tiền đem lên cúng chùa mà không cho ba mẹ anh ăn, nên chỉ mình anh gửi tiền về nuôi cha mẹ thôi! Chỉ nêu vài ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Tuy nhiên, Phật giáo không phải các thầy chùa đều là không tốt, trong chùa cũng có những bậc chân tu như sư Minh Đạo và nhiều sư khác nữa, cũng giảng điều thiện lành, cũng thông qua bá tánh tìm nguồn tài trợ để nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già neo đơn. Như vậy chỉ cần mình đừng u mê, tin vào lời phỉng phờ, hăm dọa kiếp này kiếp khác mà đem tiền bạc cúng không đúng nơi.
Tìm chân tu, tìm minh sư là điều cần thiết để cho cuộc sống tinh thần có điểm tựa mà vượt qua phong trần dâu bể.
Đáng tiếc là có một số (không phải là tất cả) lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mê hoặc lòng người nếu không muốn nói là lừa đảo để chiếm đoạt tiền của của tín đồ. Lấy của người làm lợi cho mình. Sống giàu có trên mồ hôi nước mắt của tín đồ. Vì vậy cần nhìn rõ đâu là đâu là chân tu, tôn giáo chân chính, đâu là lừa đảo.
Tôi tính tình cũng thẳng thắn. Thấy sai không thể không nói, đôi khi cũng nhẫn nhịn theo hoàn cảnh cho qua nhưng trong lòng ray rứt. Tâm hồn khá nhạy cảm và dễ tổn thương. Ngẫm lại mình viết truyện ngắn, đôi khi ở những đoạn tâm lý nhân vật đẩy lên cao trào cũng bức xúc, còn nhảy bổ vào cãi lộn với nhân vật trong truyện nữa cơ mà. Tôi sẽ tiết chế lại, để dõi theo nhân vật một cách tự nhiên, tùy bạn đọc phán xét, phần đánh giá nhường lại cho độc giả.
Khi bức xúc thì không thể không nhìn thẳng vào sự việc để đối thoại muốn dùng ngòi bút có hơi hướng Võ Trọng Phụng để đả kích, nay tôi sẽ giảm bớt chua cay mà đi vào chiều sâu, nhẹ nhàng hơn. Tùy mỗi thời mỗi khác. Kế thừa những tinh hoa của của tiền nhân, tùy mỗi hoàn cảnh sống để áp dụng.
Từ ngày biết tu sĩ Minh Tuệ tôi cũng bớt sân si. Những lời nói giản dị đầy tâm từ bi của ông giúp tôi và có lẽ rất nhiều người sẽ tiết chế lại, điềm tĩnh, nhẹ nhàng và sống giản dị hơn!
Giờ đây bước chân sư có tạm thời dừng lại thì cũng xem như sứ mệnh sư đã hoàn thành, mọi người yêu mến ông, tốt lên từ ông, lan tỏa lòng từ bi đến với những hoàn cảnh khó khăn quanh ta. Cuối cũng mong cầu sư Minh Tuệ bình an để tiếp tục hành trì cho trọn đường tu, lan tỏa đạo hạnh, tính giản dị đức khiêm cung, lòng thiện lương đến với mọi người.
Saigon, ngày 7/6/2024