CHU VĂN AN
Dâng sớ đòi chém bảy lộng/gian thần
Bị bác
Chu Văn An cởi bỏ mũ áo
Từ bỏ triều đình
Về quê...
Chu choa
Dân ngoảnh mặt quay lưng
Một người làm quan cả họ không được nhờ
Một người làm quan dân làng chẳng được múi cũng chẳng được xơ
Ngoảnh mặt
Quay lưng
Ném đá
Ném cứt
Ném mắm tôm cho bõ hờn bõ tức
Về với dân!
Mơ hão hỡi Phu tử họ Chu
Đành lòng vào núi ẩn cư
Noi gương Bá Di, Thúc Tề
Chuyện hão
Dưới gầm trời đất nào cũng là đất của vua
Ẩn cư ẩn cư chuyện cũ mốc meo
Mở trường dạy học
Ừ mở trường mở lớp
Kiếm bát cơm mớ rau con tôm con tép
Sống qua ngày
Chắc Chu Văn An cũng biết
Câu truyền ngôn đắng cay
Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông...
Quân tử ơi bị gậy
Từ quan cáo quan
Chu Văn An
Làm thầy và lại dạy
Quân sư phụ
Chính danh
Trung quân
Thiên mệnh
Bần nhi lạc
Sáng nghe đạo chiều chết cũng đành
Mơ giấc mơ Nghiêu Thuấn
Thịnh trị thì ra
Loạn lạc lại trở về
Bài học quẩn quanh
Sáng suốt?
U mê?
Thầy thất bại gửi niềm tin vào trò
Trò cung kính chắp tay
Quyết theo thầy gương sáng
Ôi Chu Văn An
Quanh quẩn quẩn quanh
Ngài ngồi đó
Oai linh
Mấy trăm năm
Người đời van vái
Sao mà kinh
Sao mà hãi!
Bao thế hệ đã rập đầu
Trước
Người
Thất bại
Và
Hủ bại?
NGUYỄN DU
1.
Ba trăm năm sau, ai là người thấu hiểu nỗi niềm ta hôm nay
Ai là người xót thương ta mà khóc
Ồ! Sao Cụ Nguyễn Tiên điền lại nghĩ những điều vớ vẩn
Ai khóc, ai thương, ai gét, ai căm, ai hận...thì mặc ai
Băn khoăn làm gì?
Thập loại chúng sinh có phải đâu tất cả cần cứu vớt
Hiếm gì người khoái được sống trong Địa Ngục
Xin Cụ đừng nghi ngờ
Và xin Cụ đừng nghĩ Khuất Nguyên không nên sống lại
Khuất Nguyên cũng như chúng ta thôi
Cũng muốn sống để mà mơ
Để mà tin
Rằng có ngày Nghiêu tháng Thuấn
Và làm văn nhân ngự dụng
Trong triều
Ba trăm sau, ồ chưa đến ba trăm năm
Hậu thế đã biến Nguyễn Du thành đủ thứ trong cuộc tranh chiếm thị phần chân lí
Chúng sinh nhào vô thịt nát xương tan
Ba trăm năm, ồ chưa đến ba trăm năm
Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, gì cháu nhà họ Bạc tái sinh gấp triệu lần
Những công ti, những tập đoàn xuyên quốc gia buôn người phát đạt
Và đương nhiên Kiều cũng tái sinh
Kim Trọng không còn, Từ Hải tuyệt diệt và Thúc Sinh giờ chỉ biết chơi gái
Ba trăm năm sau
Thậm chí
Chả ai còn biết có Truyện Kiều.
2.
Cụ từng cảnh báo Khuất Nguyên chớ trở về
Hậu thế ngày mỗi ngày thêm đáng sợ
Mặt đất mịch la hóa cao độ
Người người thú vật hóa kinh người
Trở lại làm gì cho thêm một lần phải chết giữa trần ai
Ồ thế sao cụ phải lo ba trăm năm sau
Liệu có ai còn cảm thương chia sẻ
Liệu có ai còn khóc cụ như cụ khóc Tiểu Thanh...
Trời đất
Nguyễn Du từng khoe kinh Kim Cương đọc mấy mươi lần
Sao lại lo chuyện hão huyền đến thế
Viết Đoạn trường...là để mua vu
Người ta sinh ra cũng chỉ là gã hề
Mua vui mua vui
Thế thôi
Bận tâm làm gì chuyện hậu thế khóc cười
Bận tâm làm gì cho thêm nhọc lòng thưa cụ
Bận tâm làm gì mắc mệt
Đã mắc mệt lắm rồi...
Ba trăm năm sau
Hai trăm năm sau
Một trăm năm sau
Một nghìn năm sau...
Truyện Kiều ... tan tác
Diễn giải mỗi người một phách
Truyện Kiều vẫn oan nghiệt làm sao
Có người vì Truyện Kiều mà thân bại danh liệt
Có người nhờ Truyện Kiều mà nên giá nên danh
Truyện Kiều là cớ để người đời rũa vuốt nhe nanh
Tàn hại lẫn nhau Mịch La cuồn cuồn sóng
Thượng Quan vênh vang rồi bầm dập
Ai khóc ai cười ai thoắt khóc thoắt cười?
Ôi Nguyễn Du
Oan nghiệt!
Mãi không thôi!
ĐỖ PHỦ
--------------
1.
Người Trung Hoa gọi Ông là Thi thánh, gọi thơ ông là "thi sử", người Việt giản dị hơn gọi ông là nhà thơ của dân đen.
Mình đọc thơ Đỗ Phủ từ năm 1979! Thỉnh thoảng có dịp nhớ lại là thấy những thanh âm rền rĩ - tiếng mưa gió, âm u như từ địa ngục vọng về. Thơ ông là thơ của thời loạn...
Sao không có nhà thơ Việt xuất hiện thời nay như Đỗ Phủ?
Suốt đời ông mong có một minh quân,
Suốt đời ông đọc sách mong mỗi khi lên tiếng;
Bút mực có thần.
Học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan...
Thờ vua và giúp dân đời yên bình ngày Nghiêu tháng Thuấn,
Lối đi ấy thênh thang hay đường cùng ngõ cụt?
Nào ai có hay!
Thời trai trẻ cũng có khi phải khom lưng và uốn cong ngòi bút,
Viết những lời giả trá mong nhận được ân huệ từ bề trên,
Hàng chục bài thơ, nhiều trăm bài thơ rập rờn sáo ngữ,
Đàn bướm ngôn từ sặc sỡ,
Đàn bướm ngôn từ chết khô,
Đàn bướm ngôn từ vô dụng.
Cuộc thế vần xoay loạn lạc nổ bùng,
Trường An mùa xuân hoa đầm đìa nước mắt,
Cỏ mọc đầy che kín mặt thành,
Ngõ Ô Y vắng tanh vắng ngắt,
Cú bay, quạ bay mắt xanh lè xám ngắt,
Khắp Trung Nguyên xương trắng phơi đầy,
Biên thùy máu thành biển đỏ.
Giấc mộng Thuấn – Nghiêu thành mây khói,
Quan hạt vừng Đỗ Phủ hóa dân đen.
Loạn lạc, chia lìa hất ông về nơi cùng khổ
Thơ ông đẫm lệ nỗi oan khiên thập loại chúng sinh.
Ông viết thơ cho mình,
Ông viết thơ vì mình,
Tận cùng nỗi đau, tận cùng nước mắt, tận cùng máu,
Sống trên quê nhà mà nơm nớp âu lo,
Người sống hệt như búi cỏ,
Bị hất tung lên khô héo phận hèn.
Người chết hóa thành ma, thành quỷ,
Rền rĩ khóc, đêm buồn,
Người sống sót trở về sau loạn như ma hiện giữa ban ngày,
Sức dân tàn kiệt
Giấc mơ Nghiêu Thuấn không thành
Tha hương vời vợi ngàn trùng xa cách
Một chiếc thuyền rách
Một dòng sông mùa đông trắng tuyết
Đỗ Thiếu Lăng ôm hận ra đi
Chỉ có bầy quạ ủ ê buồn đậu trên cây trụi lá…
2.
Suốt thời trai trẻ ông đọc sách
Thiên kinh vạn quyển thuộc nằm lòng
Chữ nghĩa bộn bề phun châu nhả ngọc
Ông ước mong China có minh quân
Xuất thân Nho gia
Đỗ Phủ tin sách thánh hiền
Tin sẽ có ngày Nghiêu tháng Thuấn
Tin trăm họ muôn dân được nhận ơn mưa móc
Tin thi sĩ văn nhân lòng dạ sáng trong
Đem tài chữ nghĩa vì dân
Đem tài chữ nghĩa an dân…
Suốt cả chục năm Đỗ Phủ lặn lội kiếm tìm
Một ai đó như Tín Lăng quân thời trước
Biết bao thơ ca réo rắt
Ngân nga những lời hoa mĩ
Ngợi ca triều đình
Ngợi ca lương thần
Ngợi ca vương hầu khanh tướng
Những mong có dịp tỏ bày lòng trung
Buồn thay
Đỗ Phủ bị ngoảnh mặt, quay lưng…
Những đấng bậc bề trên không thích
Những nô tài nhiều chữ nghĩa
Những nô tài hạ bút như có thần
Những nô tài yêu thương muôn dân trăm họ
Đỗ Phủ
Đấng bậc không cần
Những kì thi liên tiếp bị đánh trượt
Đỗ Phủ dần tỉnh ra
Cũng chưa là muộn…
Trường An hoa lệ
Trường Anh đầy chật người
Trường An ăm ắp giai nhân tài tử
Trường An quá nhiều ngự dụng văn nhân
Trường An không cần Đỗ Phủ…
Ôm nỗi buồn trong lòng
Rầu rĩ
Rối bời
Dân đen chết đói giữa ngày tuyết rơi trắng xóa
Chinh chiến miên man
Dân xiêu tán muôn nơi muôn ngả
Cửa son rượu thịt ê hề
Hoàng cung thâu đêm yến ẩm
Cả nước xưng tụng Dương Quý Phi…
Văn chương nghệ thuật sống quỳ
Văn nhân véo von giọng yến oanh sặc sỡ
Đỗ Phủ không có chỗ
Hóa lạc loài bơ vơ
Trường An mênh mông rộng
Không có chỗ dung thân./.
3.
Trường An lâm nạn can qua
Kinh thành đầy cỏ dại
Ngõ Ô Y giàu sang chim én đậu nóc nhà
Quan hóa thành tượng gỗ
Đèo Mã Ngôi, Dương Quý Phi làm vật tế thần
Trung Nguyên tan hoang
Xác người đầy đường
Thôn xóm không vương sợi khói
Đỗ Phủ trở lại dân đen
Đầu trần chân đất
Như bụi cỏ bật gốc...
Giấc mơ Nghiêu Thuấn tan bọt nước
Thời loạn mạng sống may còn
Ngày trở về giữa trưa nắng vàng
Thân quyến tưởng hồn ma hiển hiện
Phiêu bạt cánh bèo mặt nước
Lưu lạc cánh chim quê người
Gia tài một con thuyền rách
Cố hường thăm thẳm xa vời
Cố hương không ngày trở lại
Cố hương thương nhớ khôn nguôi...
Ôi giấc mơ Đường Ngu Nghiêu Thuấn
Cuối đời
Thu vào con thuyền rách
Cột chặt một nơi, bất động, tha hương thiếu vắng tình người
Người côi cút, côi cút cả cánh chim trời
Ngọn núi bơ vơ đá xám
Sông cuồn cuộn sóng
Mùa thu lạnh tê
Mùa đông tuyết trắng
Đỗ Phủ chết trong niềm cay đắng
Trầm uất triền miên phận người…
Nghìn năm đã qua nỗi buồn đau còn đó
Văn nhân
Văn nhân
Nào những ai toan tính kiếp nô tài?