Nhân đang vác củi bỗng nghe “huỵch” ở sau lưng. Anh ngoảnh lại. Một cô bé vác bao than bị vấp, ngã dụi xuống, bao than đổ kềnh. Anh quăng bó củi chạy lại, cầm tay cô.
- Sao thế cô bé?
Bỗng anh ngượng ngùng, lúng túng. Thì ra đó là một cô gái khoảng ngoài đôi mươi, dáng nhỏ nhắn, mặt nhọ nhem bụi than, đôi mắt buồn trắc ẩn.
- Xin lỗi, tôi cứ ngỡ một cô bé. Cô có bị sao không?
- Dạ không sao.
- Bao than này quá tải đối với cô đấy.
- Em quen rồi. Hôm nay chằng may bị ngã
- Cô đem than đi đâu?
- Xuống dưới dốc, có người đón mua.
- Ngày nào cũng đi bán than à?
- Vâng, còn anh. Làm gì mà ngày nào cũng đi kiếm củi?
- Sao cô biết?
- Em thấy.
- Tôi lấy củi về đốt cho những ngôi mộ mới ở nghĩa trang kia kìa. Đó là công việc thường ngày của tôi. Nhà cô ở đâu?
- Dưới chân núi. Còn nhà anh?
- Cạnh khu nghĩa trang. Cô ở với ai?
- Một mình.
- Cha mẹ cô đâu?
Cô gái im lặng.
- Xin lỗi - anh nói
- Giờ em phải đem than xuống dốc.
- Để tôi vác giùm cô.
- Thôi, em vác được.
- Ngày mai gặp nhau nhé?
- Vâng.
- Cô tên gì?
- Em là Thảo.
- Còn tôi là Nhân. Chào cô.
Hai người rẽ về hai ngả. Kỳ lạ, Nhân đã sống ở đây mấy năm rồi mà bây giờ mới gặp cô gái. Trông cô vất vả, lam lũ, nhưng rất tự tin.
Về đến nhà anh gọi: “Vàng ơi!”. Con chó Vàng đang quì trên nấm mộ đơn độc, cạnh túp lều nát tươm rên lên ý ẳng, chạy đến, lượn một vòng quanh chân anh rồi phóng thẳng ra nghĩa trang. Nhân hì hụi vác củi theo sau.
Đã mười năm con Vàng không nguôi nỗi đau cái chết bà cụ Nghĩa, mẹ Nhân. Những lúc anh không sai bảo việc gì, Vàng lại quì trên mộ bà cụ, mắt đăm đắm nhìn về phương xa đầy hoài niệm. Lòng trung thành của nó đối với
người chết không mảy may phai lạt với mưa nắng thời gian.
Ở mé đồi cách túp lều của Nhân một quãng đường là nghĩa trang thành phố. Hàng ngày Nhân đến đó dãy cỏ, thắp nhang, đốt lửa cho những ngôi mộ mới theo yêu cầu của thân nhân người chết. Cũng có khi do anh tự nguyện, vì thương những nấm mồ vô chủ, hương khói lạnh tanh.
Việc mọn ấy là sinh kế của anh kể từ khi anh xuất ngũ, rời chiến trường miền Nam trở về. Thực ra anh làm việc ấy không hoàn toàn vì sinh kế. Nhân cho rằng anh đang thi hành phận sự của mình bởi một đấng linh thiêng giao phó và anh thành tâm săn sóc người chết, không một chút vụ lợi.
Hiểu lòng chủ, con Vàng tỏ ra tận tuỵ trong vai trò “vệ sĩ”. Nó chạy khắp nghĩa địa, xộc vào từng ngôi mộ, ngửi hít, thám thính, rồi đến bên chủ. Cái lưỡi hồng có một đốm đen ở giữa thè ra rung rung. Đôi mắt hiền lành uống từng cử chỉ của Nhân.
Đêm, sầm sậm đổ xuống.
Nhân đặt bó củi dưới chân một nấm mộ mới, đất tươi màu gỗ mun. Anh lấy cái bật lửa trong túi áo bộ đội bạc thếch, nhóm lửa. Nhận lời của thân nhân người chết, anh thức suốt đêm nay để giữ cho ngọn lửa cháy mãi dưới chân mộ cho đến khi trời sáng. Người mới nhập cõi âm chưa quen lạnh lẽo, nên rất cần ngọn lửa dương thế sưởi ấm trong vài ngày đầu.
Mấy năm rồi, anh là người duy nhất ở đây chăm được ngọn lửa cháy không nguôi, từ đầu hôm cho đến khi mặt trời mọc. Những đêm mưa bão, giữ được sự sống của ngọn lửa là một cuộc vật lộn gian khổ, âm thầm. Những đêm trăng, khu nghĩa trang tắm mình trong ánh sáng bàng bạc, lòng anh thật yên ổn. Trăng sao đã cùng anh vỗ về giấc ngủ muôn đời của người dưới mộ.
Ngọn lửa nhóm lên, xiêu đổ trước một cơn gió mạnh. Dòng chữ trên bia mộ chập chờn trong ánh vàng loạng choạng. Người vừa nằm xuống hôm nay là một cô gái vừa tròn mười tám tuổi. Tại sao cô chết giữa tuổi thanh tân? Câu hỏi đè nặng trong lồng ngực anh.
- Cô gái ơi, cô còn quá trẻ, sao không chống lại cái chết? – Anh thầm thì.
- Tôi tìm đến với nó đấy chứ - hồn ma cô gái trả lời
- Tại sao?
- Khi sự sống không còn ý nghĩa.
- Cô đã đau khổ đến mức bế tắc?
- Còn hơn thế nữa.
- Chẳng lẽ không có cách giải quyết tốt hơn?
- Đó là cách tốt nhất. Tôi biết, ở trần thế lúc này có người đang khóc lóc, thương hại tôi. Có kẻ cười nhạo tôi ngu ngốc. Nhưng nếu tôi cố bấu víu sự sống thì họ lại không dung nạp tôi. Cõi trần chỉ là một nấm mồ chôn sự sống.
- Đáng tiếc, tôi không thể chia sẻ với cô nỗi đau khổ. Nhưng tôi nghĩ, tuổi mười tám, tất cả chỉ mới bắt đầu. Cứ thử đi đến tận cùng số phận, biết đâu sẽ tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
- Anh là ai mà giọng lưỡi hệt như những kẻ may mắn ở cõi trần. Tôi đã chán ngấy những lời dạy dỗ lạc quan ấy rồi.
- Tôi là người đốt lên ngọn lửa dương thế. Nhưng không phải là một trong số những kẻ may mắn mà cô từng gặp.
- Thì cứ việc đốt lửa. Trên ấy lạnh lẽo lắm.
Hồn ma cô gái hờn dỗi, không trò chuyện với anh nữa.
Anh nghĩ không nên quấy quả linh hồn cô gái. Tất cả những người chết đều tốt. Dù đó là một cụ già hưởng thọ một trăm mùa xuân, hay một trẻ vô danh vừa chào đời đã vội vã lìa trần. Người chết có quyền đem sang thế giới bên kia những bí mật của đời mình.
Con Vàng thỉnh thoảng lại quẩng lên, thám thính. Nó sủa một hồi dài giòn giã vào đêm, làm vỡ toang cái cô tịch của trời đất, rồi lặng lẽ trở về vị trí “vệ sĩ”. Nhìn đôi mắt huyền bí của vàng, Nhân cảm nhận phía trong cái hình thể súc vật ấy là một tâm hồn con người. Và anh cảm thấy mình không hề đơn côi.
Hôm sau Nhân gặp cô gái bán than. Anh ngạc nhiên vì cô đẹp hơn anh tưởng. Gương mặt sáng trưng, không một vết bụi. Má lúm đồng tiền. Đôi mắt buồn trắc ẩn và thách thức số phận. Một bông hoa đẹp bị bỏ quên giữa núi đồi. Hơn ba chục tuổi đời, trái tim chưa một lần xao xuyến với tình yêu của Nhân bỗng nhói lên.
- Anh cứ lo em không đến. – Nhân nói.
- Em cũng mong gặp anh mà
- Em ở với ai? Cha mẹ em đâu?
- Từ lúc sinh ra, em không có cha mẹ. Em ở trong một xóm nghèo, ai sai bảo việc gì em làm nấy kiếm ăn qua ngày. Lớn lên em đã biết làm thuê làm mướn tự lo cho mính. Hai năm trước, có người mách trên núi có nghề đốt củi, bán than nên em đã lên đây. Chuyện em chỉ thế, chả có gì vui.
Thảo nói giọng tỉnh khô nhưng thành thật, ánh mắt buồn hoang lạnh.
- Hoàn cảnh của em thật đáng thương – Nhân ái ngại
- Thế hoàn cảnh của anh thì sao? - Thảo cười lộ má lúm đồng tiền khiến gương mặt cô bừng sáng.
- Chuyện của anh hơi dài dòng đấy. Anh vốn là lính trinh sát trong chiến tranh chống Mỹ. Nhiệm vụ của anh là cùng tiểu đội trinh sát dò tìm căn cứ địch, phát hiện mục tiêu, mở đường cho những trận đánh. Trong chiến đấu, lính trinh sát bọn anh đóng góp phần quan trọng, quyết định thắng lợi.
Một lần tiểu đội anh rơi vào ổ phục kích của địch. Không kịp rút, tiểu đội gần như xoá sổ. Anh bị thương phần mềm, chờ đêm xuống lết ra khỏi vòng vây, sống sót. Điều trị ở Trạm quân y một thời gian, anh trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng thì xuất ngũ.
Quê anh ở tận miền Bắc, chỗ dải đất hẹp, thắt lại trên bản đồ Tổ quốc ấy. Nghèo lắm. Toàn cát trắng. Mọi sinh vật cỗi cằn, thoi thóp vì bị thiêu trong cái bỏng rát của gió Lào. Năm ấy đói quá, chính quyền xã lùa dân lên núi trồng cây công nghiệp xuất khẩu, đổi lấy lương thực. Ngay sau đó, người ta đã nhận ra sai lầm của chủ trương này. Cây công nghiệp chậm thu hoạch, mà hàng ngày con người cần lúa gạo để ăn ngay mới sống nổi. Thế là người dân lần lượt bỏ xứ, phiêu bạt đến vùng Cao nguyên Trung bộ làm ăn sinh sống.
Mẹ anh lúc ấy đã trên sáu mươi, cũng theo đoàn người đi kinh tế mới. Từ chiến trường trở về, anh không gặp mẹ. Bố anh mất lâu rồi, chỉ còn mẹ. Anh vội vã ra ga mua vé tàu vào Nam tìm mẹ.
Đến đèo Hải Vân, tàu chui vào lòng núi, kẻ cắp rạch ba lô con cóc của anh lấy đi toàn bộ tiền bạc, giấy tờ, hồ sơ xuất ngũ. Anh rơi vào tình trạng vô thừa nhận. Vừa qua khỏi đèo, nhân viên của tàu kiểm soát vé. Anh trình bày hoàn cảnh của mình: “Báo cáo đồng chí, tôi là bộ đội xuất ngũ, chẳng may bị kẻ gian lấy cắp”. Anh giơ chiếc ba lô bị rạch một đường bén ngọt trước mặt anh ta.
Anh ta cười nhạt: “Ông đóng kịch. Không phải cứ mặc áo lính là có quyền leo lên tàu trốn về nhá. Bọn trộm cắp, kẻ sát nhân cũng mặc áo lính nhá”.
Anh bảo: “Tôi xin lấy danh dự…”
Gã nhân viên gạt đi: “Thôi, thề bồi gì. Không vé thì nộp tiền phạt”.
Anh không còn tiền. Gã đẩy anh xuống một ga xép. Anh đi bộ, tìm cách nhảy tàu, lại bị đuổi xuống. Ròng rã hàng tháng trời. Đói quá phải xin ăn. Trong lúc gõ cửa lòng thương hại của người đời, anh chấp nhận để họ coi anh là hạng ăn mày. Không phân bua. Không viện danh hiệu người lính. Vì không muốn cái điều thiêng liêng ấy bị phỉ báng thêm một lần nữa.
Cuối cùng anh đã đến được cái xóm nhỏ, lèo tèo vài túp lều tranh của mấy gia đình đến đây lập nghiệp. Nhưng mẹ anh đã mất vì bệnh tật, cô đơn. Chỉ còn con chó Vàng quì trên mộ mẹ, khóc. Anh sống với con Vàng từ bấy đến nay.
Anh không có hộ khẩu. Nhiều lần anh đến Uỷ ban xã trình bày tất cả sự việc trên. Lần nào các vị chức sắc cũng nói: “Anh không có giấy tờ tuỳ thân, làm sao nhập hộ khẩu được. Nếu đúng anh là bộ đội xuất ngũ thì trở lại đơn vị xin giấy xác nhận. Địa phương chúng tôi có nhiều thành phần phức tạp lắm. Đĩ điếm, ma cô, những kẻ sa cơ, lỡ vận tận đẩu tận đâu, tấp về đây đốn củi, đốt than, làm rẫy, trộm cắp. Chúng tôi không cách gì quản lý được”.
Tay trắng, anh làm sao tìm được đơn vị. Thời gian đầu anh sống khá vất vả. Làm rẫy thì phải chờ vài tháng mới có ăn. Chặt củi, đốt than thì không biết chỗ tiêu thụ. Anh đành kiếm sống ở nghĩa trang vậy, làm riết cũng quen, rồi thành gắn bó với công việc.
- Nghề ấy có đủ sống không anh? – Cô gái hỏi sau một hồi lâu im lặng.
- Cũng cực nhọc, cay đắng lắm. Kiếm sống trên nấm mộ người chết, có đủ mọi hạng người: Trẻ mồ côi, thanh niên bụi đời, những người thất nghiệp, với đủ mọi mánh lới, trò gian lận. Họ đem theo cuốc, xẻng, hộp sơn, lân la, nài nỉ thân nhân cho họ sửa sang mộ, sơn lại bia. Họ làm ra vẻ nhiệt tình. Làm xong họ đòi tiền rất nhiều. Nếu chủ nhân không đưa hoặc trả ít, họ sẽ doạ dẫm, gây sự. Có kẻ chuyên chầu chực ăn đồ cúng. Người nhà thắp nhang khấn vái xong, vừa quay đi, chúng nhào vô tranh giành bánh chuối, xôi, thịt, chửi nhau, đánh nhau đổ máu. Có bọn rình đợi thân nhân cúng mở cửa mả, chụp bắt gà trống tơ. Có người nhận xây mộ, lấy tiền trước nhưng không làm đúng như sự thoả thuận, xây ít xi măng, mới được vài ngày ngôi mộ đã nứt nẻ, sụt lở. Lại có người nhận đốt lửa cho người chết, nhưng tắc trách. Buổi chiều, họ chất một đống củi nhỏ dưới chân ngôi mộ châm lửa, rồi về, thản nhiên với giấc ngủ, bỏ mặc ngọn lửa mong manh chống chỏi với gió mưa và tắt ngấm trong chốc lát. Người ta nỡ lừa dối cả người sống lẫn người chết.
Trong cái đám hỗn độn, xô bồ ấy, kiếm được miếng ăn lương thiện quả là chật vật. Nhiều khi anh cũng bị người ta từ chối thẳng thừng hoặc phải hứng chịu cái nhìn khinh thị của kẻ giàu có.
Cô gái nhìn anh cảm động. Tự lúc nào hai người đã ngồi sát bên nhau trên quả đồi, giữa cao nguyên lộng gió. Thảo nói
- Em ước có cách gì giúp anh.
Sau đó, chính Thảo đã nói với mọi người rằng anh Nhân từng là người lính dũng cảm, rằng hoàn cảnh anh thật oan uổng. Chẳng biết người ta có tin Thảo không, nhưng nhiệt tình của Thảo đối với anh không bao giờ nguội tắt.
Một hôm có hai anh nhà báo, đeo máy ảnh lang thang trên đồi. Họ rất ngạc nhiên khi thấy con chó quì trên nấm mộ, khoé mắt lem nhem hai vệt nước mắt. Nhân kể cho hai anh nhà báo nghe về lòng trung thành của con chó. Họ cảm động lắm, bấm máy lia lịa, chụp ảnh con Vàng nhiều góc độ khác nhau. Khi anh nói về tình cảnh không hộ khẩu của mình, hai vị nhà báo tỏ ra bất bình với các nhà chức trách và hứa sẽ viết báo, chống tiêu cực để lãnh đạo sửa sai. Anh khoe với Thảo. Cô mừng gửi người mua giùm báo thường xuyên cho anh, nhưng mãi chẳng thấy cái bài chống tiêu cực kia đâu.
Bẵng đi một thời gian, đột nhiên anh thấy ảnh con Vàng trên báo. Dưới bức ảnh ghi: “Biểu tượng của lòng trung thành”. Ảnh đạt giải thưởng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế.
Vẫn không có bài báo chống tiêu cực.
Tội nghiệp con Vàng của anh. Nó không biết được rằng chính nó đã đem lại vinh quang cho người người chụp ảnh.
Sau sự kiện con Vàng lên báo ít lâu, anh bỗng gặp người quen. Lúc anh đang lúi húi chuyển đất đắp lên một ngôi một sụt lở, thì một chiếc xe hơi màu bạc thiếc đỗ bên lề đường. Một người đàn ông đã có tuổi, mang kính mát gọng vàng, tay xách cặp da đen, bụng phệ, bệ vệ bước vào nghĩa trang viếng mộ. Trông quen quá, nhưng anh chưa nhớ đã gặp ở đâu. Chờ cho ông ta viếng mộ xong, anh làm như tình cờ đi lại phía chiếc xe. Người đàn ông gỡ kính, lấy khăn lau mặt. Đúng rồi, Nhân kêu lên.
- Anh Tâm!
Người đàn ông ngơ ngác một lúc rồi bước lại gần hơn.
- Anh là… Ơ hình như… Nhân hả?
- Vâng. Nhân tiểu đội trinh sát xê hai. Anh là đại đội trưởng của em mà. Anh có nhớ trận đánh ở Buôn Mê Thuột không?
Nhân định nhắc lại rằng: Trong trận ấy Tâm bị thương ở đùi, anh đã cõng Tâm vượt qua một cánh rừng. Nhưng thôi…
- Ờ… ờ… nhớ rồi. Nhưng sao cậu lại ở đây? Hình như…
Tâm nhìn bộ quân phục bạc thếch của Nhân ngờ vực.
- Chuyện dài lắm. Đại khái là sau khi xuất ngũ em về sống ở đây, chăm sóc những ngôi mộ.
- Cậu là công nhân Công ty mai táng à?
- Không, em là dân tự do.
- Sao phải làm việc ấy?
- Kiếm sống. Thân nhân người chết thuê gì làm nấy.
- Sao không xin việc ở cơ quan nào đó mà làm?
Nhân im lặng. Anh không muốn nói rằng anh đang là một kẻ sống ngoài
pháp luật, không hộ khẩu, không giấy tờ tuỳ thân.
- Còn anh? – Nhân hỏi.
- Sau giải phóng tớ ra Bắc ở quân đội thêm vài năm, được phong trung tá. Sau đó chuyển ngành. Hiện làm giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài.
- Chị và cháu thế nào?
- Khoẻ cả. Bà xã tớ cũng làm ở công ty. Hai cháu học phổ thông. Nhà tớ ở thành phố. Hôm nay đi viếng mộ ông bạn.
- Mừng anh may mắn.
- Cậu lấy vợ chưa?
Nhân lắc đầu.
- Thôi thế này - Tâm vỗ vai Nhân - Để tớ về, xem có việc gì hợp khả năng, thu nhập ổn định tớ sẽ sắp xếp cho cậu. Về thành phố mà lấy vợ chứ, chả lẽ ở với ma suốt đời à. Tớ sẽ quay lại đây. Yên trí đi – Ông giám đốc bóp mạnh vai Nhân rồi bệ vệ bước lên chiếc xe hơi màu bạc thiếc.
Từ hôm đó, Nhân đợi chờ, hy vọng. Thảo cũng đợi chờ, hy vọng như anh. Ngày nào cô cũng hỏi:
- Có tin gì của anh Tâm chưa?
Suốt mùa mưa, chẳng mấy ai thuê mướn việc gì. Nhân và con Vàng bị đói. Anh thì thầm vào tai nó, an ủi:
- Đừng buồn, vài hôm nữa tớ với cậu sẽ được về thành phố, ở nhà xây… thắp đèn điện, ăn uống xả láng, sướng lắm.
Con Vàng mủi lòng, ứa ra hai giọt nước mắt lem nhem.
Mặc dù hy vọng thế, nhưng thâm tâm Nhân hiểu rằng cả anh và con Vàng không dễ gì xa được nấm mồ mẹ anh và cái nghĩa trang thân thuộc này.
Một lần Nhân nói với Thảo:
- Nếu em không chê anh nghèo thì về sống với anh, no đói có nhau.
Thảo cười lộ núm đồng tiền rạng rỡ.
- Chờ anh Tâm xem sao đã. Không phải em mong gì cuộc sống ở thành phố đâu. Cái chính là anh Tâm có thể giúp được anh phục hồi danh dự. Còn nếu anh Tâm không làm được việc ấy, thì đây - Thảo lấy từ cái túi vải một xấp tiền – Em dành dụm được chừng này, anh cầm lấy mà đi tìm đơn vị cũ.
Nhân nhìn Thảo rưng rưng. Anh cười như mếu.
Thời gian qua đi, chiếc xe hơi màu bạc thiếc không trở lại. Nhân vẫn lặng lẽ đốt lên ngọn lửa dương thế, sưởi ấm cho người dưới mộ.
Giữa lúc anh đã yên tâm với thân phận mình, yên tâm có người bạn để sẻ chia những buồn vui là cô gái côi cút, hiền thảo kia, thì một buổi sáng có một đám tang đi vào nghĩa trang. Dân chúng xì xào: “Đám tang to quá, chắc ông lớn nào đây”. Hơn hai chục chiếc xe con, xe ca nối nhau trên con đường đất nhỏ. Mọi người từ trên xe ùa xuống, theo sau linh cữu tiến về phía nhà tang lễ. Nhân hoà vào dòng người lúc nào không hay. Khi tấm ảnh người quá cố được đặt lên cái bệ xi măng phía đầu quan tài, Nhân sững sờ kêu lên “Anh Tâm!” rồi ôm mặt khóc rưng rức. Thân nhân người xấu số đang đắm chìm trong nước mắt khóc than cũng ngẩng nhìn Nhân ngỡ ngàng giây lát, nhưng họ chẳng còn lòng nào
mà để ý đến anh.
Nhân lặng lẽ lùi ra phía sau. Anh muốn tĩnh tâm suy nghĩ về tất cả những gì đang xảy ra. Trong lúc đầu óc quay cuồng Nhân nghe ai đó nói rằng Tâm bị ung thư máu, mấy tháng trời chống chọi với bệnh tật nhưng không qua được. Đột nhiên Nhân trở nên tỉnh táo lạ lùng. Anh nhớ đến những cánh rừng Trường Sơn khô cháy, quằn quại vì chất độc hoá học của Mỹ.
Đêm ấy Nhân và Thảo thức bên nhau, chăm sóc ngọn lửa dưới chân ngôi mộ của Tâm. Chưa bao giờ hai con người khổ sở ấy thấy lòng thanh thản đến thế. Nhân nói với Thảo:
- Em nhìn xem, ngọn lửa bốc mới mạnh làm sao.
Trại viết Quân khu 5
Tháng 7 – 1992
Đã đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tháng 9 năm 1992
Và Tập truyện ngắn “Nết” của Lê Khánh Mai – NXB Đà Nẵng 2005
Đã được chuyển thể thành kịch bản truyền thanh, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
(Đã chỉnh sửa vài chi tiết so với bản công bố lần đầu, tháng 7 - 1992)