Những người ít đến Sa Pa bây giờ quay lại chắc hẳn không khỏi ngỡ ngàng vì sự phát triển, thay đổi đến chóng mặt của phố núi. Từ một thị trấn nhỏ bé, hoang sơ ngày nào nay đã trở thành một thị xã sầm uất, nhộn nhịp cả đêm ngày. Tuy chỉ là một thị xã ở vùng núi cao nhưng quy mô, tốc độ phát triển và tính chất hiện đại của phố thị Sa Pa hẳn phải làm cho thành phố của không ít tỉnh phải thẹn thùng. Ngắm nhìn Sa Pa trong những bức ảnh khi người Pháp mới đến khai phá hay của hồi cuối thế kỷ XX và hiện tại bây giờ người ta thấy vùng đất nơi gặp gỡ đất trời này không còn là nàng công chúa ngủ quên trong rừng nữa mà đã trở thành một nàng công chúa đã thức dậy giữa bình minh nơi đất trời phố thị phồn hoa. Nhưng có điều người ta cảm giác, dường như đó đang là một sự phồn hoa “mất kiểm soát”. Bởi nhẽ, đứng giữa trung tâm phố núi, ngắm nhìn phố phường cùng những tòa cao ốc của nhà nghỉ, khách sạn người ta không khỏi ngơ ngác tưởng như đang ở giữa Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Dường như tốc độ đô thị hóa của Sa Pa đang tỉ lệ nghịch với sinh thái và các sắc màu văn hóa của người bản địa, nhất là những dáng nét quyến rũ hoang sơ của núi rừng biên viễn vùng Tây Bắc.
Nhớ lại lần đầu tiên được đặt chân đến Sa Pa. Đó là vào khoảng mùa hè năm cuối của thập niên chín mươi ở thế kỷ trước. Khi ấy Sa Pa vẫn đang là nàng công chúa ngủ quên trong sương mây của những dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cổ trấn bấy giờ mộc mạc, hiện lên với ngôi nhà thờ cổ kính sừng sững được làm bằng đá ở giữa trung tâm phố huyện và lồng lộng gió ngàn giữa nơi cổng trời bồng bềnh mây trắng trên núi Hàm Rồng. Đường xá, phố phường nhà cửa thoáng đãng. Xung quanh thị trấn, đi bộ khoảng hai chục phút, những bản làng người H’Mông, đi xa hơn chút nữa, bản làng của người Dao hiện lên với những mái nhà rêu phong trên các ván gỗ pơmu; thấp thoáng bên sườn núi, mé đồi; trên các thửa ruộng bậc thang biêng biếc lúa, ngô. Khi đó, phố núi Sa Pa tĩnh lặng bên những hàng sa mộc giữa bốn bề đại ngàn nghi ngút khói sương trông vừa trầm mặc và lãng mạn vừa huyền ảo và quyến rũ. Chiều hè ngắm nhìn đất trời Sa Pa trập trùng núi xanh mờ ảo trong mây cùng những bóng áo chàm sắc đen, sắc đỏ của những cô gái người H’Mông, người Dao với chiếc quẩy tấu trên vai lặng lẽ đi về bên núi trong dáng hoàng hôn làm người ta cứ ngỡ mình như đang mơ màng giữa khung trời cổ tích của xứ ôn đới nào đó bên tận trời Âu. Giờ đây cái nét đẹp nhung nhớ của một thời đã qua chỉ còn trong ký ức xa xôi, trong những câu chuyện kể. Hình ảnh Sa Pa của những ngày xưa ấy giờ chỉ còn trong những bức ảnh treo trong các nhà hàng và bày bán ở các quầy lưu niệm.
Phải nói rằng, khi con đường cao tốc nối Hà Nội với Lào Cai thông tuyến (năm 2014) và đặc biệt khi Sun World Fansipan Legend hoàn thành việc đưa tuyến cáp treo từ Sa Pa lên đỉnh Phanxipăng (năm 2016) thì Sa Pa đã hoàn toàn “lột xác”. Sa Pa không còn mộc mạc và bình yên nữa. Một Sa Pa đã dậy thì thành công theo ngành công nghiệp không khói, thậm chí được truyền thông quốc tê xướng danh thuộc điểm đến vào hàng top đầu trong khu vực và lọt vào danh sách năm mươi thị trấn đẹp nhất thế giới. Giữa một Sa Pa thay sắc tôi không khỏi bâng khuâng nhớ về cái lần đầu được đặt chân lên đỉnh trời Tây Bắc. Bấy giờ, lên Sa Pa, nếu hành trình theo tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ lên ga Lào Cai rồi bắt ô tô đến thị trấn Sa Pa thì đỡ vất vả hơn. Không đi tàu hỏa, lên Sa Pa bằng ô tô, hành trình phải mất gần một ngày đường. Con đường đến Sa Pa thời ấy vòng vèo và rất khó đi. Từ Hà Nội, khởi đầu theo quốc lộ 2 qua vùng đất Tổ Phong Châu đến Yên Bái rẽ đường đi phố Ràng rồi lên Lào Cai và vào quốc lộ 4 D để đến Sa Pa. Đi ô tô ngày ấy tuy có vất vả nhưng bù lại người ta lại được ngắm nhìn và đắm chín vào trong cảnh sắc huyền diệu của mỗi miền đất mà xe đi qua. Bây giờ mỗi lần lên Sa Pa tôi vẫn chưa quên cái háo hức lần đầu được đi qua phố Ràng (thị trấn huyện lị huyện Bảo Yên). Tôi háo hức bởi cái địa danh này đã ăn sâu vào trong trí nhớ qua những vần thơ của Tố Hữu: “Ai về ai có nhớ không?/ Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng/ Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng/ Nhớ từ Cao - Lạng nhớ sang Nhị Hà...”, đặc biệt là không thể nào quên được cái trận đánh hồi hộp, căng thẳng đến ngạt thở của quân ta được tái hiện trong thiên ký sự để đời mang tên “Trận phố Ràng” của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng. Thế đấy, những ấn tượng lần đầu đâu có dễ phôi pha.
Sa Pa giờ đây không còn thưa thớt người. Ngược lại, người lên Sa Pa chơi và người lên Sa Pa đầu tư kinh doanh đông như trẩy hội. Thậm chí những kỳ nghỉ lễ, những khi tuyết rơi, người ở khắp mọi nơi thi nhau tìm đến Sa Pa; làm cho cái thị xã với khoảng gần sáu trăm nhà nghỉ, khách sạn, homestay nhưng vẫn bị truyền thông gào lên là “thất thủ”. Cũng bởi nổi tiếng như thế mà giá đất Sa Pa đắt ngang những con phố nổi tiếng sầm uất ở giữa Hà Nội. Và một điều tất yếu với thị xã du lịch là nhà hàng, cao ốc mọc lên như nấm sau mưa. Sa Pa trước kia thênh thang đường rộng dọc dài bởi đâu có nhiều ô tô thì bây giờ xe to bị cấm không cho vào thị xã. Vào ngày cuối tuần, trên sân vận động, xe du lịch xếp hàng, chen chúc, nối dài chạy quanh sân. Con phố Cầu Mây và Mường Hoa dường như lúc nào cũng bị tắc ứ. Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ chẳng bao lâu nữa trung tâm thị xã cũng có thứ “đặc sản” có tên là “tắc đường” như thể ở Thủ đô. Theo đó Sa Pa cũng chẳng thiếu thứ hàng hóa gì cả; có đủ thức ăn đồ uống, từ đặc sản của người bản địa cho đến các món ẩm thực nổi tiếng Á, Âu. Sa Pa bây giờ không còn bập bùng củi lửa mà rực rỡ, lấp lánh ánh điện. Sa Pa không còn réo rắt vang lên tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn khi trầm khi bổng với những âm điệu du dương để cho người nghe được đắm mình vào trong cái thế giới âm thanh kỳ ảo và lung linh sắc màu của những chàng trai H’Mông trong những đêm thanh vắng. Sa Pa nhộn nhịp tiếng người trên phố, hòa trong xập sình tiếng nhạc tây ta đang phát ra ầm ĩ từ những chiếc loa đài của các nhà hàng dọc hai bên đường phố xen lẫn tiếng máy nổ, còi kêu của dòng xe tấp nập qua lại tạo thành một thứ lẩu âm thanh hỗn độn khiến cho phố núi một thời bình yên nay không còn tĩnh lặng. Cứ thế ngắm nhìn một Sa Pa như thế trong mình không khỏi bâng khuâng, chẳng biết là nên vui hay buồn!
Phố núi Sa Pa bây giờ nhà cao tầng với những khối bê tông khổng lồ chen chúc mọc lên như thể thi nhau vươn cao cùng với núi. Ở trung tâm Sa Pa những thân sa mộc sừng sững giữa trời tuyết phủ một thời hình như đang ngày càng nhường chỗ cho những tòa ngang dãy dọc. Cùng chung số phận với những thân sa mộc cổ thụ kiêu sa còn có những biệt thự tưởng như những chứng nhân trăm năm của thị xã cũng đang biến dần trở thành những phế tích của thời gian trong sự vô cảm của người đời. Giờ đây đi giữa phố phường của trung tâm thị xã Sa Pa dù chẳng cần sương mù hay mây mờ che phủ, có không ít chỗ, người ta chẳng còn trông thấy núi mà chỉ thấy hun hút con đường với hai bên lề phố là những cửa hàng và nhà nghỉ ken nhau san sát. Lơ ngơ giữa những con phố dưới chân núi Hoàng Liên Sơn mà ta cứ ngỡ như đang đi lạc trong phố Tây của thành phố Hồ Chí Minh hay thủ đô Hà Nội. Ngắm nhìn phố núi Hoàng Liên Sơn rồi bất thân ta mới chợt ngộ ra rằng: thực sự không còn một Sa Pa an nhiên, tĩnh tại giữa đại ngàn nghi ngút sương mây; phố núi Sa Pa đúng là không còn “lặng lẽ”!
Giờ đây nàng công chúa không còn ngủ trong rừng nữa, rất nhiều cảnh đẹp hoang sơ bên những sườn núi và những đồi thông đang bị băm nát. Những hàng sa mộc cổ kính, trầm mặc; những nếp nhà bản địa rêu phong cứ lặng lẽ một đi không trở lại và thay vào đó là những tòa nhà rất đẹp nhưng chẳng có duyên với núi rừng. Những tháng hạ nắng nồng, ở Sa Pa tiết trời một ngày vẫn còn đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng sương rơi mỗi buổi sớm mai trên những con phố nhà cửa đông đặc như nêm với người đi chen chúc, ồn ào trên những con đường chật hẹp thì đâu còn thơ với mộng. Chưa kể, dọc theo quốc lộ 4 D, bất kỳ nơi nào có chỗ chụp hình đẹp (view chill) là ở đó lại được các nhà đầu tư khai thác triệt để bằng cách lên đời cho Sa Pa với đủ các tiểu cảnh để phục vụ các thượng đế sống ảo. Nào là tượng cô gái Moana Sa pa, nào là cổng trời Bali, nào là hồ vô cực, nào là xích đu tử thần, nào là bàn tay khổng lồ … Cũng bởi những đổi thay ấy mà lên Sa Pa hẳn không ít người ngơ ngác tưởng như mình đang đi du lịch ở một nơi nào đó trên thế giới chứ chẳng phải là đang ở Sa Pa. Không còn khung cảnh yên tĩnh dưới những hàng thông nơi phố thị nhưng Sa Pa vẫn còn may, phía bên kia triền núi, nằm sâu trong các bản làng, khách viễn vẫn còn trông thấy được những vẻ đẹp tráng lệ của núi rừng Tây Bắc bồng bềnh trong những biển mây. Những ngôi nhà mộc mạc, xinh xắn nằm nép mình trên những sườn núi hay bên những thửa ruộng bậc thang quanh co uốn lượn. Những con đường nho nhỏ với vài ba đứa trẻ tung tăng nô đùa trong khói lam chiều tỏa lên vươn vít. Chẳng cần tòa cao tháp lớn, chỉ thế thôi nhưng Sa Pa cũng đủ để gây thương nhớ và níu chân người qua.
Bây giờ trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, có lẽ số phận của Sa Pa cũng sẽ như Đà Lạt hay Tam Đảo mà thôi. Sa Pa không thể đứng im để dậm chân tại chỗ. Nếu bắt Sa Pa đứng im “thủ thế” thì chẳng mấy chốc mà lại bị bỏ lại phía sau. Như vậy thì sao đành. Không nên biến Sa Pa thành một bảo tàng chết mà phải biến kho tàng di sản trở thành một tài sản để phát triển sinh lời. Nhưng dù phát triển bằng cách nào hay như thế nào thì cũng phải giữ được cái “hồn” riêng của Sa Pa: những vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng cùng bản sắc văn hóa của người bản địa. Sa Pa mất đi cái “hồn” thiêng ấy thì nơi đây vô hình chung đã trở thành một nơi trung tâm ăn uống, giải trí khổng lồ của Tây Bắc. Nếu vậy, những trải nghiệm văn hóa độc đáo, những thưởng thức vẻ đẹp của sương mây và tiết trời ôn đới ở xứ sở nhiệt đới đâu còn? Cứ như vậy liệu Sa Pa có còn níu chân được du khách. Bởi vậy, với Sa Pa cần lắm cái việc phải giữ được “hồn” riêng trong những nét chung. Việc đông người đến Sa Pa là quý nhưng việc giữ được đông người đến trong bao lâu thì mới là điều quan trọng. Sa Pa không thể sống cho một mình ngày hôm nay. Sa Pa còn phải nghĩ đến ngày mai cho cả những đứa trẻ chân trần đang lững thững trên những dải non cao. Sa Pa ơi hãy là Sa Pa. Sa Pa hãy mở thêm đường. Sa Pa hãy giãn mật độ nhà cửa ra các vùng lân cận. Sa Pa phải giữ bằng được sự nguyên vẹn hoang sơ của các bản làng và những dải rừng vàng. Những tòa nhà ở Sa Pa đừng tỏ ra là mình đang “đói” chiều cao. Khách sạn, nhà hàng xây dựng phải nương theo cảnh quan, không được phá vỡ cảnh quan của núi rừng. Tôi đã từng lên Vọng Hải Đài trên ngọn Thủy Sơn ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) để căng mắt nhìn biển mà mãi chẳng thấy biển đâu vì đã bị tòa khách sạn to cao chọc trời mọc lên trước mặt Vọng Hải Đài che toàn bộ tầm nhìn ra biển. Khi ấy tôi lại chợt nghĩ đến Sa Pa, trước đây những buổi chiều ngồi ở chân nhà thờ đá, người ta có thể nhìn thấy rõ những áng mây bồng bềnh nhẹ nhàng thong dong đi lên đi xuống trên những đỉnh đồi, trên những triền núi mờ xa. Bây giờ muốn ngắm được những cảnh thần tiên phiêu lãng ấy, có lẽ chỉ còn cách tìm lên những nóc nhà cao nhất của phố núi. Việt ấy sao khó quá. Một chút tâm tình gửi về với phố núi. Hy vọng với Sa Pa vẫn còn là chưa muộn.