Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
915
123.136.546
 
Thi ảnh và tư duy thơ Trần Chấn Uy
Nguyễn Chính

                

 

Trong sự đón đợi của bạn bè và người yêu thơ, năm 2022 NXB Văn học ấn hành tập thơ “Người về từ nẻo cỏ may” của Nhà thơ Trần Chấn Uy – HV Hội NV Việt Nam(TCU). Đây là tập thơ thứ 10 của ông với gần 1.000 bài thơ trong đó hầu hết là thơ trữ tình và thơ về tình yêu đôi lứa  đã cho thấy  một bút lực dồi dào đầy sinh khí của một người thơ đa cảm, đa tình, đa luyến ái . Nếu như  thơ chính luận, thế sự của Trần Mạnh Hảo, một nhà thơ lớn còn mãi với thời gian , thì thơ trữ tình, đặc biệt là thơ tình Trần Chấn Uy cũng sống mãi với đời , đưa ông vào hàng các thi nhân tài hoa, vào địa vị của một “ông Hoàng” thơ tình thời @.  Đã có nhiều Nhà phê bình viết về thơ TCU, người viết bài này chỉ  mạnh dạn xin được có đôi điều cảm nhận về thi ảnh và tư duy thơ Trần Chấn Uy.

            Từng có một nhà thẩm thơ rất sành điệu đưa ra nhận dịnh : “ Một thi phẩm không nhất thiết phải có nhiều thi ảnh. Và nhiều thi ảnh chưa chắc đã tạo thành một thi phẩm danh tiếng. Bởi vậy, nhà thơ cần tổ chức và tìm kiếm những thi ảnh đắc địa, độc sáng đủ sức ghim lại trong trí nhớ người đọc…”.

Ai cũng biết, với đặc tính riêng có, mà nhiếp ảnh  đã  ghi được những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống. Tuy nhiên ảnh nghệ thuật thì khác, rất khác với những tác phẩm “chụp hình” thông thường. Chính vì thế mà theo Becton Bailơ, nhà lý luận nhiếp ảnh nổi tiếng người Đức mới chỉ ra rằng "Bản chất của nghệ thuật là việc thơ hóa cuộc sống một cách có thẩm mỹ, là sự bổ sung thêm một nội dung có trí tuệ...". Cho nên với người yêu thơ, yêu ảnh nghệ thuật thì “ thơ là họa  cảm thấy và họa lại là thơ cảm thấy”. Đó là “cảnh giới” mang lại giá trị trường tồn cho tác phẩm thơ và tác phẩm họa/ ảnh. Thi ảnh trong thơ Trần Chấn Uy phong phú đa dạng nhưng được chọn lựa bằng cảm nhận tinh tường  với  một tư duy logic mang tính nghệ thuật của nhiếp ảnh, nghệ thuật của ngôn từ, vượt thoát khỏi sự mô tả nhàm chán dễ dãi. Người ở thôn quê  xa xứ  sẽ thức dậy miền ký ức  khắc họa từ những thi ảnh vô cùng sống dộng :

          ….  “Làng ngái ngủ, con chích chòe dậy sớm

          Mặt ao chuôm lũ gọng vó chèo thuyền

          Chuyến tàu sớm, tiếng còi chọc tiết lợn

          Mặt trời tung chăn, ửng đỏ phía hừng đông.

 

 

“Đồng sắp chín, lúa giương liềm đòi gặt

Mặt bùn khô vỏ ốc trắng ruộng chiêm

Thiêm thiếp cồn hoang đám cỏ gà ngáp vặt

Đợi trẻ chăn trâu, cựa xếp lim dim

Gò mả hoang mấy chùm hoa mua dại

Cây mưng già cúi mặt xuống bờ mương

Chim bói cá mặc áo xanh cánh trả

Nhổ nước bọt làm mồi câu lũ cá mương.

                 …

        “Làng tôi đó trong đằm sâu ký ức

Bàn chân vẹt gót đợi ngày về.

Đêm phương Nam lòng tôi thao thức

Phía hừng đông thấp thoáng hồn quê”.

 

    Hồn quê

 

Bức tranh quê giàu cảm xúc, gợi cảm, sinh động không phải ngẫu nhiên,mà phải được  manh nha từ  tư duy của nhà thơ trong tâm cảnh :

      “ Đêm phương Nam lòng tôi thao thức

        Phía hừng đông thấp thoáng hồn quê”.

Thi ảnh trong thơ Trần Chấn Uy luôn  khai mở trí tưởng tượng của người đọc thông qua những khái niệm hàm chứa trong ngôn từ. Có thể nói thơ của ông như một bức tranh không có hình vẽ. Trong bài Đêm ở làng ông  viết :  

… “ Vạc nhón chân đêm dầm sương lạnh

      Cá đớp trăng non rụng ao bèo

      Chim nhát bất ngờ đêm vỗ cánh

      Vạc bỗng giật mình ghé mắt theo.

….

              Đồng xa lúa chửa, đòng ngậm sữa

      Hứa hẹn chân chiêm ruộng giát vàng

      Bãi vắng, ma trơi vừa nhóm lửa

      Cua đồng cởi yếm lả lơi trăng.

             Sóng thở, sông trôi, thuyền ngái ngủ

     Gió đồng man mác, mõ cầm canh…

Trí tưởng tượng phong phú ấy đâu phải vô cớ mà được bắt nguồn  từ  sự rung động khi tác giả cảm nhận được hương bưởi trong đêm nơi làng quê  của mình  :

             “Ai mang nhung nhớ về xóm cũ

     Phảng phất hương đêm bưởi trổ cành”

Với gia tài khoảng gần một ngàn  bài thơ, thì cũng chừng ấy bức tranh được Trần Chấn Uy  “vẽ” nên bằng thứ ngôn ngữ thơ sinh động làm giàu thêm trí tưởng tượng phong phú nơi người dọc. Viết về chợ quê ngày áp tết, người ta nhớ ngay đến bài thơ nổi tiếng  “Ông đồ già” của cố thi sỹ Vũ Đình Liên rất ấn tượng và gợi cảm, trong cái tấp nập kẻ bán, người mua còn ẩn chứa  tâm sự luyến tiếc về hình ảnh một ông đồ già của những phiên chợ xưa, giờ theo tác giả chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”. Cũng motip ấy, trong bài  “chợ tết” sự luyến tiếc của Trần Chấn Uy lại ở cung bậc khác dành cho dối tượng khác. Giữa  cảnh nhộn nhịp phiên chợ tết lẫn vào thi ảnh “ Chợ quê đầy ắp mua bán, nói cười” và hoa…kia, là tình cảm của tác giả nhớ về cố nhân :

"Chợ huyện họp phiên cận tết

Người về cuồn cuộn như sông trôi

Tôi từ miền Nam kịp về đón rét

Chợ quê đầy ắp mua bán, nói cười.

 

Hoa cải nở vàng chân cồn, gò bãi

Tháp chuông sương khói se lòng

Xóm đạo người đi không trở lại

Chỉ con thuyền ngày ấy vẫn sang ngang.

 

Sáng xuân này tôi về đi chợ tết

Con đê làng cúc dại ngẩn ngơ hoa

Cầm tay gió, mua cầu may ánh mắt

Nhớ nụ cười trong vắt đã đi xa.

Hoa xuân nở tưng bừng góc chợ

Người bán hoa khuyến mãi nụ đồng tiền

Tôi giật mình trước hàng hoa rực rỡ

Như gặp lại người năm ấy giữa chợ phiên”.

Các nhà lý luận, phê bình cổ, kim xưa nay đều nhất trí với nhau rằng, bài thơ phải ngắn, phải rút gọn như toán học và phải là một “thứ rượu nhiều lần rượu”.  Nghĩa là, bài thơ phải chứa đựng một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn từ nhỏ nhất. Nghĩa là, nhà thơ phải  điêu luyện trong  “phép tu từ” sao cho ngôn ngữ thơ mang đầy đủ tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu cảm. v.v… đòi hỏi tác giả phải có một “tư duy thơ” khoa học, sáng tạo, dùng chữ đúng, đặt chữ  “đắc địa”. Lao động nghệ thuật của nhà thơ nặng nhọc lắm, nặng nhọc hơn cả lao động cơ bắp  của  thợ mỏ… Chính vì vậy Maiacôpxki mới nói (đại ý) “nhà thơ phải mua  chữ với với giá cắt cổ”.

Thi ảnh của một tác phẩm thơ không chỉ được lưu lại theo thời gian, mà còn là  tấm danh thiếp - card visit  của nhà thơ kết nối  với nhiều thế hệ bạn đọc. Xin nhấn mạnh, “thi ảnh” nói ở đây phải có giá trị nghệ thuật cao hàm chứa tâm trạng, tình cảm của tác giả và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ta thường nghe nói “tức cảnh sinh tình”, tuy nhiên “cảnh ấy” không thể bị “ép” trở thành “thi ảnh” của thi phẩm một cách sống sít, mà phải được tác giả  nghệ thuật hóa , thậm chí “liêu trai” hóa. Khi Đại thi hào Nguyễn Du viết “Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”, thì vầng trăng ở đây không còn là một vệ tinh giữa vũ trụ bao la nữa, mà trong tác phẩm bất hủ “truyện Kiều” đã thành một “thị giác nghệ thuật”. Thi ảnh trong thơ Trần Chấn Uy cũng rất mộng ảo và “liêu trai” , trong bài “Vầng trăng trong đáy chén” , ông viết :

"Bình rượu đọng ánh trăng

Hồn thu vàng đáy chén

Ngọn heo may se lạnh

Thổi về từ cố hương.

              …

Vầng trăng in đáy chén

Cùng ta nhắm heo may.

Bao cuộc tình lỡ hẹn

Tan trong chén rượu này”.

Thi ảnh trong thơ Trần Chấn Uy được ngôn từ chuyển tải không chỉ vừa dủ dể người dọc cảm nhận, “nhìn thấy” bằng trí tưởng tượng theo “gu” thẩm thơ của mỗi người , mà còn khơi gợi, mở hướng cho hành trình cảm xúc của tác giả nhằm làm rõ chủ đề tác phẩm. Bài  “người về từ nẻo cỏ may” là một ví dụ  :“ Người về từ nẻo cỏ may

Con chuồn ớt bỗng làm cay mắt chiều

Gần tàn một kiếp rong rêu

Buôn mưa, bán gió, bao nhiêu lỡ làng.

Con đò ghếch mũi sang ngang

Cô đơn lèn chặt một khoang nắng đầy.

Cuộc về của người quê xa xứ chỉ gói gọn trong sáu câu thơ. Nhân vật trong  bài có thể là chính tác giả, sau bao tháng ngày phiêu bạt mưu sinh trên khắp nẻo đời cát bụi, gió sương , nay về lại cố hương . Quê xưa đây rồi, mắt cay nhòe lệ.“Nẻo cỏ may;“Con chuồn ớt” chỉ làm cho câu thơ thêm phần “thi vị”. Trong tâm cảnh ấy, nếu nhà thơ Lê Huy Mậu thể hiện tình cảm của mình bằng câu  “Ta lại về úp mặt vào sông quê”, thì Trần Chấn Uy gặp lại cố hương lúc chiều buông, mắt cay nhòa lệ, sau bao nhiêu chìm nổi, lỡ làng buôn mưa, bán gió , khi một kiếp rong rêu đã gần tàn. Phải đến lúc “con đò ghếch mũi  sang ngang” xuất hiện, thì chủ đề của bài thơ mới rõ. Bến quê đây rồi, cảnh xưa còn đó mà bóng người mù xa. Buồn và cô đơn. Sự cô đơn đến xa xót “Cô đơn lèn chặt một khoang nắng đầy”.

 

Có người nói, những thi ảnh luôn được thoát thai từ hiện thực đời thường. Không sai! Nhưng đòi hỏi nhà thơ phải có con mắt tinh đời, một tâm hồn nhạy cảm mới có thể “môdyphê” hiện thực thi ảnh đời thường ấy để nó mang tính nghệ thuật. Thật sinh động biết bao khi dọc câu thơ “đường xoài hoa trắng nắng đung đưa” - Tố Hữu. Những thi phẩm trong các tập thơ đã xuất bản của Trần Chấn Uy cho thấy ông rất nhậy cảm, tinh tường trong quan sát, vì thế thi ảnh trong thơ ông cũng  rất sinh động và giàu sự liên tưởng. Trải dài trong tất cả các tập thơ là những thi ảnh mà bài viết này không thể trích dẫn hết, tỷ như  :

“Trâu lững thững như một nhà hiền triết

Vểnh tai nghe tiếng trống tan trường

 

Trẻ mục đồng dắt chiều về xóm núi

Tiếng sáo bay xao xuyến dọc đường làng

Hoa xuyến chi trắng tinh bờ cỏ dại

Con bã trầu kẻ chỉ đỏ giữa vòm xanh”….

     Bóng làng

“Đò xuôi bến chở đầy khoang mây trắng

Bán vu vơ mua trọn giấc chiêm bao

Đã nghe bước chân ai đi vào xa vắng

 Ngõ xanh rêu cay đắng đợi người về”….

    Giao mùa

“Bao nhung nhớ đã nhuốm xanh màu cỏ

Hóa rong rêu những được, mất ở đời

Bờ mạn hảo, nhói một chùm ớt đỏ

Mắt bỗng cay, giọt giọt mặn đầu môi.

Chiều đã xuống chia hoàng hôn một nửa

Xám mặt mây, thấm lạnh giọt tàn thu

Vườn mẹ, tôi về cùng ngọn gió

Thoáng heo may, ngõ nhỏ trắng sương mù”...

 Vườn Mẹ                      

Vân vân và vân vân ……..

Thi ảnh của một tác phẩm thơ phải đảm bảo nguyên tắc tính thẩm mỹ gắn liền với tính nghệ thuật, mặt khác thi ảnh ấy phải biểu thị được cảm xúc của tác giả. Muốn vậy, nhà thơ phải “tổ chức” thi ảnh trong một bố cục/cấu trúc hợp lý, thuyết phục được người đọc cùng có rung động xúc cảm như mình. Ở mức dộ nào dó, Trần Chấn Uy tỏ ra khá “cao tay” trong việc “tổ chức” thi ảnh cho những tác phẩm của mình. Hình ảnh cánh đồng đêm, nếu được tả bằng văn xuôi sao cho sinh động không phải dễ, nhưng trong bài “Cánh dồng dêm”, Trần Chấn Uy đã “tổ chức” thi ảnh thế này :

“ Hoàng hôn mệt mỏi

Gục xuống ngôi cổ mộ không tên.

Những tia ngày cuối cùng gắng gỏi

Hắt lên màu tím le lói ánh đêm

 

Đom đóm bắt đầu đốt đèn

Dẫn hồn ma đi chập chờn gò bãi

Dế tấu lên khúc đồng ca nhễ nhại

Bản giao hưởng cánh đồng đêm đen

 

Vạc nhón chân ăn vụng ruộng cò

Những con cua bò ngang vào tục ngữ

Ếch gọi bạn tình lộ liễu

Chết oan khi chưa kịp yêu đương.

 

Cá rô đớp sao, làm thủng lá sen già

Ma trơi lướt trên đầu ngọn lúa.

Eo óc vài tiếng chó sủa

Ngôi làng chìm vào mộng mị đẫm sương.

 

Cánh đồng đêm

Một màu đen trải về vô tận

Trăng hạ huyền yếu ớt

Chiếc lưỡi liềm le lói màu ma”.

Bài thơ bắt đầu lộ trình bằng “hoàng hôn” rồi kết thúc khi cánh đồng chìm  vào giấc ngủ sâu “một màu đen trải về vô tận”, rồi “Trăng hạ huyền yếu ớt – chiếc lưỡi liềm le lói màu ma”. Trong suốt “lộ trình”  là những hình  ảnh : Vạc; ếch; đom đóm; dế; cá rô…lần lượt xuất hiện không theo trình tự tùy tiện mà theo một logic “tổ chức” thi ảnh của tác giả. Trần Chấn Uy còn sử dụng thi ảnh mang nhiều ẩn dụ vừa “làm mới” thi ảnh , vừa để gây ấn tượng mạnh hơn : “Gửi người áo gió khăn mưa - Nẻo xa bạc tóc vẫn chưa tìm về”…Và dưới dây xin trích dẫn một số câu trong các tập thơ :                                                              

“Sông lặng lẽ đợi người xưa trở lại  

Giấu nỗi niềm buốt lạnh giữa dòng trôi”

 

“Bóng làng bỗng nhòa trong mắt đắng

Giọt thương đau mặn chát ở đầu môi”…

      Bóng làng

“Lối xưa giờ xanh cỏ

Trời đất cứ lặng thinh

Dắt mây về ngõ gió

Nắng đợi mưa ngoại tình”…

“Hồn thu nghìn năm trước

Thấp thoáng nghìn năm sau

Ta với người một kiếp

Như vó ngựa qua cầu”.

   Hồn thu

“Bao nhung nhớ đã nhuốm xanh màu cỏ

Hóa rong rêu những được, mất ở đời

Bờ mạn hảo, nhói một chùm ớt đỏ

Mắt bỗng cay, giọt giọt mặn đầu môi.

Chiều đã xuống chia hoàng hôn một nửa

Xám mặt mây, thấm lạnh giọt tàn thu.

Vườn mẹ, tôi về cùng ngọn gió

Thoáng heo may, ngõ nhỏ trắng sương mù”.

    Vườn mẹ

“Hiên nhà biết mấy nắng mưa

Dấu chân đã vắng, lối xưa rêu dày.

Còn kia mấy vạt cỏ may

Khâu sao lành nổi lòng này, cỏ ơi”...

        Cỏ ơi

         Trong thế hệ các nhà thơ Việt Nam xưa nay, có không nhiều nhà thơ bằng các thủ pháp khác nhau đã tạo nên một thi giới, tức thế giới nghệ thuật của  riêng mình như : Thế Lữ; Hàn Mặc Tử; Tố Hữu; Trần Đăng Khoa…. . Bằng những gì đã có của một đời lao dộng nghệ thuật sáng tạo, Trần Chấn Uy cũng thuộc số ít các nhà thơ đó. Thi ảnh trong thơ ông cũng đã định danh cho một : thi  giới Trần Chấn Uy.

            Cao Bá Quát, một bậc đại tiền bối từng đại ngôn rằng, thiên hạ chỉ có ba “bồ chữ”, thì riêng ông đã giữ một “bồ”.  Còn theo Hữu Thỉnh, một “cây đa, cây đề” của dòng thơ cách mạng thì, người cầm bút  – nhà văn, nhà thơ  nào cũng có một “bồ chữ”, nhưng trong “bồ chữ” ấy chỉ cần một chữ . Đó là chữ “hay”. Vào những thập niên thứ 3 của thế kỷ trước 1932- 1935….. rộ lên phong trào : Thơ mới với sự góp mặt hưởng ứng của nhiều  thi sỹ tên tuổi lớn: Tản Đà; Xuân Diệu; Huy Cận; Thế Lữ v.v… Riêng Nguyễn Bính, ở chặng cuối phát triển của phong trào Thơ mới lại tìm về với nghệ thuật văn hóa dân gian, ca dao, tục ngữ, tiếng nói đời thường và ông đã thành công. Nhiều thế hệ người đọc suốt gần thế kỷ qua vẫn nhớ Nguyễn Bính, thuộc thơ ông, như dòng nhạc Trịnh Công Sơn bất tử. Vào khoảng dầu thế kỷ 21, khi thơ tân hình thức, khởi động ở nước ngoài rồi du nhập vào nước ta đã được nhiều người làm thơ hào hứng tung hô và hồ hởi nhập cuộc. Nhưng khác với phong trào “thơ mới” trước dây, thơ tân hình thức có phần hơi ảm đạm do sự thờ ơ của người đọc , thậm chí một nhà thơ kiêm nhà phê bình uy tín có nhiều bạn đọc đã không ngại đặt cho dòng thơ này là, “tân con cóc” !  Nhà thơ Trúc Thông , là một trong những “vận động viên” tích cực nhất của dòng thơ này. Tuy nhiên, cố nhà thơ Trúc thông lại lưu danh cho đời một thi phẩm đỉnh cao ở thể thơ lục bát truyền thống sẽ còn lay động, thổn thức nhiều thế hệ người yêu thơ Việt Nam : “Bờ sông vẫn gió”. Nhà thơ Trần Chấn Uy bằng thi pháp riêng, không “tân hình thức” , kiên trì với thể thơ truyền thống, nhưng ông lại “mới” mới ở thi ảnh, mới ở tư duy thơ, mới ở câu chữ, ngôn từ.  

Tư duy thơ chính là quá trình lao động sáng tạo của nhà thơ trên cơ sở nhận thức hiện thực chính trị - xã hội cụ thể, tại một thời điểm nhất dịnh và đắm mình trong không gian sử thi của dân tộc, của nhân loại.

Trần Chấn Uy thuộc thế hệ các nhà thơ thành danh sau 1975, là thế hệ trung gian, chuyển tiếp giữa thế hệ nhà thơ thời chiến tranh với thế hệ các nhà thơ trẻ. Đề tài  trong thơ Trần Chấn Uy rất phong phú. Song, các thi phẩm của ông không dừng lại ở cấp độ “cảm xúc” mà giá trị thẩm mỹ được nâng cao qua tư duy nghệ thuật.

“ Làng tôi đó trong đằm sâu ký ức

Bàn chân vẹt gót đợi ngày về.

Đêm phương Nam lòng tôi thao thức

Phía hừng đông thấp thoáng hồn quê.”

      Hồn quê

“Nước tôi nghèo. Quê hương nghèo nhất nước

Con người lớn lên cằn cỗi gió Lào

Cua cá, bùn đất, đồng khô, cỏ khát

Giọng nói cũng thô mộc, nặng đá đeo.

 

Không ai chọn cho mình quê hương, tổ quốc

Tôi sinh ra trên dải đất miền Trung

Chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước

Bước về đâu cũng nặng nhọc phận mình.”

     Quê nghèo

Với ý thức công dân, nặng lòng thế sự, trước hậu quả chiến tranh và thảm họa mà quê hương phải gánh chịu, ông viết :

“Bạn tôi ngã xuống

Giãy lên, giãy lên trên thảm lá khô rừng khộp

Đất đai thay bàn tay mẹ ôm bạn vào lòng.

Thế là yên giấc nghìn thu

Thế là không còn đói nữa

Không còn bom rơi, pháo chụp, đạn nổ

Bạn về với hương khói quê nhà.

Xin các vị tướng đừng giành nhau công trạng

Trên lá quốc kỳ thấm đỏ máu cha anh

Xin bớt đi những khúc ca hùng tráng.

Dành nén hương thơm hướng về phía những cánh rừng”.

Thế là hết niềm mong, nỗi đợi

Những giấc mơ chẳng thật bao giờ

Ta trả giá bởi những điều giả dối

Bỗng giật mình, tàn một kiếp ngu ngơ.

Chất liệu dân gian trong kho tàng cổ tích, sử thi, ca dao, tục ngữ, thành ngữ v.v…từ xưa từng được các nhà thơ khai thác, đưa vào tác phẩm của mình thành công đã tạo hiệu ứng cảm xúc ám ảnh, sâu lắng nơi người đọc. Chất liệu dân gian trong thơ Trần Chấn Uy tuy hàm lượng không nhiều, không đậm nét như thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy… nhưng cũng giàu sức liên tưởng, tạo được ấn tượng cho người yêu thơ ông.  Bài viết đã dài, xin hẹn bạn đọc trong một bài viết khác về chất liệu dân gian trong thơ Trần Chấn Uy.

Từ xa xưa, trong đời sống thường ngày, cũng như trong văn học nghệ thuật, sex luôn là vấn đề nhậy cảm, thậm chí là cấm kỵ. Tuy nhiên ,Sex lại là bản năng, là thứ mà tạo hóa ban tặng cho muôn loài. Cỏ cây còn biết “nổi tình” giăng gió, huống gì con người ta ? theo Sigmund Freud một nhà phân tâm học thì  Libido (năng lực tình dục)có ở muôn loài, trong đó có con người, không chỉ có một “nhiệm vụ” duy nhất là duy trì nòi giống. Khi đạt đến một “đẳng cấp” nghệ thuật trong văn chương thì Sexy hoàn toàn không phải là gợi dục, hay khiêu dâm mà rất tự nhiên, rất người, nên cũng rất nhân văn, thử thách bản lĩnh, tài năng của người cầm bút. Cụ Nguyễn Du khi tả Kiều khỏa thân : “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” và viết về sự mất trinh tiết của Kiều “ tiếc thay một đóa trà my – con ong đã tỏ đường đi lối về…” , thì Cụ đã đặt một dấu “ son” trong văn học trung đại, cổ điển rồi. Sau này, khi bà “chúa thơ nôm” xuất hiện, thơ ca của bà với rất nhiều thi ảnh đậm đặc màu sắc dục tính khiến người đọc đỏ mặt liên tưởng đến sex. Với bà, hình ảnh sự vật chỉ là cái cớ từ bánh trôi nước, con ốc, quả mít hay cái quạt…

Như trên đã nói,khi đạt đến một “đẳng cấp” nghệ thuật trong văn chương thì Sex hoàn toàn không phải là gợi dục, hay khiêu dâm mà rất tự nhiên, rất người, nên cũng rất nhân văn, thử thách bản lĩnh, tài năng của người cầm bút. Khó như thế đấy, viết sao cho “có sex” mà không thô thiển, dung dục gây phản cảm nơi người đọc mới là thơ, mới là có “đẳng cấp” . Là nhà thơ tình thứ thiệt, Trần Chấn Uy có đến khoảng dăm trăm bài thơ tình đủ các cung bậc tình cảm lứa đôi. Ông  tỏ ra khá sành điệu, tinh tế và trí tuệ khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Cảnh ái ân nam, nữ được ông tả thật bóng bẩy :

 

Mưa bỗng nắng dập dìu lửa hạ

Lá sũng mềm gọi gió, vít cành đêm.

Chìm đáy thẳm, mắt run mờ nhũ đá

Đỉnh phập phồng, eo núi ngựa hoang.

Vàng ánh lửa, quầng soi nham thạch

Mạch ngầm tuôn róc rách phôi thai.

Dài chân sóng, vòng ôm bờ đất

Ngất ngư then lỏng động rêu cài.

Mài đầy nghiên, thảo tình thư tuyệt bút

Thuyền đẩy gió, ưỡn sóng, rướn mưa đêm.

Thềm lạnh men trăng, ngôi sao hoang chợt tắt

Ghì dây cương, eo núi chặt vòng em.

      (mưa dêm)

Những “nhũ dá”,”nham thạch”, “ngựa hoang” ghì dây cương”…. rõ ràng nói chuyện ái ân mà kín đáo, mà giàu sức liên tưởng.

Cách “tả chân” cận cảnh sex trong thơ Trần Chấn Uy cũng rất “bạo” mà không dung tục :

Trăng hoang dại trên bãi bờ biển cát

Gió nghiêng xô áo mỏng, lỏng khuy cài

Men trăng lạnh, làn môi mềm khô khát

Hồn thu sương ướt át bờ vai.

Đêm liêu trai, khe ngực trần gai gạo

Nhấp nhổm đồi non, đôi ngọn khẳm tay đầy

Gió run rẩy từng hơi thở gấp

Trăng rùng mình quay mặt lẩn vào mây.

 

Biển ngất ngây ôm bờ hổn hển

Sóng cuộn mình ào ạt vỗ từng cơn.

Một vì sao cuối trời chợt hiện

Trong thẳm đêm, thánh thót giọt sinh tồn.

           (Sinh tồn)

Tôi có người bạn vong niên quen biết nhau đã mấy chục năm,lại ở xa. Ông hơn tôi gần 10 tuổi và là một nhà thơ chuyên nghiệp. Nhiều bài thơ “thế sự” của ông gây bao sóng gió trên văn đàn. Bác cũng thử sức viết thơ tình, nhưng  vì thiếu thực tế quá, bác viết chủ yếu bằng cảm xúc và kỹ thuật” nên theo cảm nhận của riêng tôi thì không “đứng” được bài thơ tình nao.Ông bảo tôi  : “ tao già rồi thì làm gì có thực tế…” . Tôi bảo : “ không phải là bác già mà trong sâu thẳm bác có quá ít Libido”.

Thi ảnh Sex trong thơ tình Trần Chấn Uy là thi ảnh của “trải nghiệm” và “chinh phục”:

…… “ Anh đón nhận chín tầng địa ngục

Cam phận cháy, nát nhừ da thịt

Chết một lần để sống mãi trăm năm”….

         (Trích bài em)

Khác với các bậc tiền bối : Nguyễn Du; Hồ Xuân Hương; Xuân Diệu; Nguyễn Bính…được các nhà nghiên cứu lớp hậu sinh nói đến sự “ẩn ức” dục tình khi viết về sex. Với Trần Chấn Uy thì không hề có sự ẩn ức nào cả. Ông có lợi thế trời cho là cao ráo, điển trai làm “say” phái nữ ngay lần đầu khi gặp. Đặc biệt là Libido trong ông rất dồi dào , vì thế sex trong thơ tình của Trần Chấn Uy rất thật, rất tự nhiên không màu mè , hư cấu mà vẫn rất “thơ” :

Em bật nóng chiếc giường anh luôn lạnh

Ánh mắt ma thắp lửa diêm vương

Chưa xuống địa ngục, anh chợt thiên đường

Nương bóng hàng mi, anh đốt….

.

Neo ký ức vào bộ ngực trăng rằm

Hăm hở vạc những vỉa đời trinh bạch

Anh vô thức tiêu sạch đời mình.

Rồi một ngày không em, anh tự đốt

Ngọn lửa ma bùng lên không hơi ấm

Anh chợt hiểu khi trao nhau trái cấm

Vườn địa đàng hóa địa ngục cả hai ta.

Trần Chấn Uy viết  về thơ tình, về người tình như một sự chinh phục, khám phá, ông không ngần ngại “tuyên chiến” luôn với thói đạo đức giả của người đời và cả những  thói “giáo huấn” cũ mèm. Hơn nữa còn như một “tuyên ngôn”. Trong bài”ngai vàng mùa  đông”, ông viết :      

…Thức trọn đêm trên ngai vàng em.

Mềm và cong

Những cơn bão xoáy vào nhau

Xuyên thủng tấm chăn đêm

Xé toạc những giáo huấn cũ mèm

Làm đổ nát những hàng rào vô cảm

Được dựng lên bởi những kẻ tâm thần.

 

Đời ban cho những cơn khát

Hãy uống đến tận cùng giọt yêu.

Đêm nay ngai vàng em rực cháy

Ngày mai hắn sẽ thoái vị, giã từ vương triều…..

 

Đọc thơ tình Trần Chấn Uy thấy sex trong thơ ông rất đời thường và dân giã, người “đọc hiểu” sẽ cảm nhận, liên tưởng được ngay. Sex, tính dục trong thơ Trần Chấn Uy không phải là phương tiện mà là sự “trải nghiệm”, không phải người viết nào cũng có được. Ông diễn đạt tâm sự sâu kín , phổ thông của người đọc bằng ngôn ngữ thơ mới mẻ mà sinh động :

“Giữa những bậc thang lên chùa

Ta chông chênh say ánh mắt

Trời trong veo và em trong vắt

Ta đục ngầu ý nghĩ đàn ông”

    (Trích bài EM Sư)

Hiện thực ở đây là “  trời  trong veo”, mà em thì “trong vắt”. Em Sư ấy trong vắt trong sự vô tư, hồn nhiên. Nhưng đối nghịch với cái trong veo, trong vắt đó là sự “đục ngầu” của nhà thơ trong ý nghĩ thầm kín “thích” “muốn” mà không dễ gì nói ra được. Mà đã dám nói ra, phải nói sao cho khéo, “Đục ngầu ý nghĩ đàn ông”  không phải là “khẩu ngữ” thông thường mà chính là phép tu từ rất dụng công “ảo diệu”.Cô đơn và chia ly là trạng thái tinh thần vốn có của luyến ái lứa đôi. Cũng có lúc Trần Chấn Uy phải đối mặt với sự chia ly , cách trở. Nhưng ông ứng xử với tình cảnh này theo cách rất Trần Chấn Uy :

….Em như dòng sông xanh

Trào lên bao khát vọng

Anh ngồi trên bến mộng

Mơ về đâu, về đâu….  

      (Tình ca hát một mình)

Chất “liêu trai” trong thơ tình có yếu tố sex trong thơ tình Trần Chấn Uy nhiều khi  khiến cả người đọc cũng “Bối rối” trong cảm nhận :

   …..”Biển ngất ngây ôm bờ hổn hển

Sóng cuộn mình ào ạt vỗ từng cơn.

Một vì sao cuối trời chợt hiện

Trong thẳm đêm, thánh thót giọt sinh tồn…”

            (sinh tồn)

Không “bối rối” làm sao được khi nghe thấy “Trong thẳm đêm, thánh thót giọt sinh tồn…” ? Một lần nữa ta lại thấy phép tu từ của Trần Chấn Uy thật đắc dụng.

Đã đành, văn học nghệ thuật chính là cuộc sống diễn ra theo những cung bậc cụ thể khác nhau tùy thuộc vào yếu tố tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Đời thường có biết bao sự thật trần trụi thời ta đang sống. Trần Chấn Uy, bằng tài năng của mình không quá lạm dụng yếu tố sex một cách “trần trụi”, thô thiển để gây chú ý nơi người đọc. Vì thế , sex trong thơ của ông mang tính thẩm mỹ cao, lành mạnh, tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng của bất cứ Linglei(trào lưu) nào. Là người xa xứ, quê gốc ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, không gian văn hóa làng đã nuôi dưỡng hồn thơ, tiếng thơ Trần Chấn Uy không lẫn vào “thiên hạ”, không lẫn vào thị trường thơ thuộc mọi thứ, bậc, đẳng cấp có phần hơi bát nháo hiện nay. Trong một chuyến công tác từ Nha Trang vào Sài Gòn cùng nhà báo Trần Mỹ, người nổi tiếng cả nước về các phóng sự điều tra gai góc, tôi đã nghe ông đọc thơ tình Trần Chấn Uy hết bài này đến bài khác suốt chặng đường mấy trăm cây số. Có bạn đọc yêu thơ mình, thuộc thơ mình có lẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc không dễ gì có được của một đời cầm bút./.

                                                                                        

 

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 451
Ngày đăng: 29.08.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn mãi cung điện người tình thủy chung - Trần Trung Sáng
Lời cuối về “Đất rừng Phương Nam” - Hoàng Thị Bích Hà
Nghĩ gì sau khi xem bộ phim Đất Rừng Phương Nam - Hoàng Thị Bích Hà
“Đau đến lơ ngơ” cùng Nguyễn Đức Hạnh - Đặng Xuân Xuyến
Hoàng Đăng Khoa – Cô đơn nở hết mình quỳnh nở - Bùi Thị Diệu
Đắng ngọt đàn bà - Từ Sâm
Mùi của bếp - Từ Sâm
Cúc xưa - Yến Nhi
Vũ Bằng “Nói có sách” - Phan Văn Thạnh
Nhà thơ nói về thơ - Yến Nhi