Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.008
123.137.439
 
Thủy thủ ăn chơi
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Tháng trước lúc tàu trên đường qua Valencia có hẹn với Frans và Musli khi tàu ghé bến sẽ lên bờ chơi. Nhưng chiều hôm đó tàu vừa ghé chưa kịp tắt máy thì cần cẩu đã thả xuống, câu lên liền mấy chục cái containers và thả xuống mấy chục cái, chưa đầy bốn tiếng đồng hồ tàu lại hải hành. Cũng từ đó tàu chạy liên tục qua lại giữa Ma Rốc và Tây Ban Nha, mỗi cảng đậu lại nhiều lắm là một ngày, chừng đó thời gian thì đâu có đủ cho thủy thủ lên bờ.

Tôi xuống tàu tháng cuối mùa hè, bây giờ đã vào mùa thu, mới đó đã hơn hai tháng lênh đênh trong vùng Địa Trung Hải. Hôm nay tàu ghé cảng Vigo, đậu lại được ba ngày, nhờ vậy mới có thời gian cho thủy thủ đổ bộ xả hơi. Vigo là một đô thị trong tỉnh Pontevedra thuộc khu tự trị Galicia, nằm về phía tây bắc của bán đảo Iberia, trên bờ phía nam trong vịnh  Ria de Vigo của Tây Ban Nha. Gió Đại Tây Dương thổi về làm dịu mát buổi xế chiều, tôi bận chiếc áo lót bên trong áo sơ mi, bên ngoài khoác chiếc áo khoác hai lớp cho hợp với khí hậu mùa thu. Ngồi xuống băng ghế mang giày và cột dây giày xong, tôi đứng dậy, mang lô lên vai, đi ra sau lái thấy Frans và Musli, cũng ba lô trên vai, áo quần bảnh bao, đứng trên đầu cầu thang lóng ngóng có vẻ nóng ruột. Tôi vừa cười vừa nói:

– Y chang khách du lịch.

Musli ngước mặt hinh hỉnh nói:

– Dĩ nhiên.

Frans đi tới chìa passport của tôi ra trước mặt tôi, nói:

– Của chú nè.

Trên tàu passport của thủy thủ đoàn được giữ trong phòng thuyền trưởng, Frans lên lấy passport tiện tay nó lấy cho tôi luôn. Đúng ra ở vùng này tôi không cần passport, vì tôi có quốc tịch Hoà Lan và được phép đi qua nhiều nước Âu châu với thẻ căn cước, nhưng thế giới bây giờ đương hỗn loạn, sự tự do trên những quốc gia tự do cũng hạn chế, con người ta luôn nghi ngờ và rình rập nhau. Nhiều khi lên bờ trình giấy cho nhân viên gát cổng, thấy tôi không phải là người da trắng mà hổng có paspoort, họ bắt phải trở xuống tàu lấy. Cầm paspoort nhét vô túi ba lô, tôi ngước lên khoát tay nói với hai đứa:

– Ok, chúng ta đi.

Trước đây tôi có thói quen, hễ mỗi lần tới một thành phố đẹp, có thời gian rảnh tôi dành hết cho ngoài đường. Đối với tôi thời gian lang thang ngoài trời là bác sĩ chữa lành mọi bịnh tật, hơn nữa đi bộ giữa thế giới tự do và không gian mở rộng cũng làm cho tinh thần thoải mái, nó cho ta có thời gian để suy ngẫm và sắp xếp nội tâm cho hoà hợp với sự hào phóng của thiên nhiên, nhưng đó là chuyện hơn chục năm trước, bây giờ tuổi đời cũng khá bộn, đi bộ nhiều bị mỏi chưn. Quen lâu rồi, Frans biết tánh tôi nên nhìn tôi cười cười và nói:

– Tắc xi sắp tới rồi chú.

Phần đông người trẻ ngày nay đi thì như chạy và ngại con đường, đoạn đường đi bộ chừng mười lăm hai mươi phút đối với chúng đã là xa lắm rồi. Có lần mấy đứa ngồi trong tắc xi, thấy tôi đi bộ bên đường, chúng kêu tài xế dừng lại rồi hai đứa nhào xuống xốc nách rinh tôi nhét vô xe, muốn cho tôi đi tắc xi mà làm như cảnh sát bắt tội phạm vậy.

Chúng tôi ngồi tắc xi vô phố, chú tài xế dừng lại khuôn viên rộng, cạnh một bến nước. Sau khi trả tiền tắc xi chúng tôi xuống xe rồi đi dọc theo bờ nước, ngoài kia hổng biết sông hay là vịnh mà giữa dòng có vài chiếc tàu buồm vô ra ? Bên kia bờ là núi đồi thâm thấp, ẩn trong rừng cây lúp thúp những mái nhà, dưới chưn đồi là một dãy phố sừng sững hướng ra bến nước, nơi lố nhố nhiều cột buồm của những tàu du lịch từ bốn phương tới đậu. Frans đứng lại, nó đưa điện thoại cho tôi và nói:

– Chú chụp dùm tụi con.

Tôi đón lấy điện thoại, hai đứa đi tới đứng choàng tay qua vai nhau làm dáng trước hàng cây cổ thụ có tàn lá xanh um và cạnh dưới những gốc cây có vài bồn hoa với nhiều màu sắc. Chụp xong cho hai đứa, Musli kéo tôi lại đứng với nó và đưa máy qua Frans nhờ chụp, chụp xong thấy tôi dợm bước ra Frans liền nói:

– Chú chờ chút.

Frans moi trong ba lô ra cái chưn gắn máy ảnh bằng nhựa, nó kéo chưn ra rồi kêu tôi đưa điện thoại của nó cho nó kẹp vô chưn, xong nó đặt chưn lên mặt đường rồi kêu tôi và Musli đứng ngay cho nó nhắm, Frans để năm giây tự động, bấm máy và liền đi nhanh tới đứng cạnh bên để chụp chung ba đứa. Chụp xong tôi hỏi:

– Tụi con muốn chụp chỗ nào nữa không?

Frans vừa tháo điện thoại, xếp chưn nhét vô ba lô và nói:

– Cảnh ở đây đẹp quá, để con tự chụp.

Tôi chỉ chiếc băng đá bên đường, cạnh những bồn hoa, nói:

– Chú qua đó ngồi chờ, tụi con tự nhiên, chụp hình xong rồi mình đi tiếp:

Musli hỏi:

– Chú không chụp nữa sao?  

– Chụp chung được rồi, chú đã già chụp mình ên hổng đẹp đâu.

Musli vỗ vai tôi:

– Chú đâu có già.

Câu này tôi nghe nhàm quá nên không đính chánh làm gì. Tôi đi qua chiếc băng đá, tháo ba lô để lên mặt chiếc băng rồi ngồi cạnh ba lô hít thở, định thần và đưa mắt ngắm cảnh. Khách du lịch cũng đông nhưng khuôn viên quá rộng nên không chen chúc ồn ào và sự yên ắng đến nghe rõ tiếng chim kêu trong nhữn tàn lá trên hàng cây.

Tôi thích thành phố Vigo có những con đường thoai thoải dốc và cạnh bên những ngọn đồi thấp, làm tôi nhớ tới núi rừng Tây Nguyên-Việt Nam, nơi đó mùa này hoa dã quỳ nở vàng khắp núi rừng. Chợt nghĩ lan man về những năm đầu lang bạt, tôi chỉ có cái radio bằng bàn tay, mang tiếng loại radio bắt được các đài trên thế giới nhưng thiệt ra là tùy vùng, tùy lúc, nếu đi bên vùng châu Á, thì nghe được vài giờ của mấy đài nước ngoài phát tiếng Việt và đài Hà Nội. Qua Phi châu hay Nam Mỹ, những lúc tàu ra khơi thì không nghe được, có khi cả năm hổng nghe tiếng Việt và chẳng biết tin tức quê nhà. Có lẽ dạo đó tôi chưa biết nhiều về thế giới bên ngoài, nên mới thấy không nước nào trên trái đất này đẹp hơn nước Việt Nam, vì vậy trong lòng luôn canh cánh nhớ về quê hương sông nước, biển đảo, đồng bằng cho tới Đại Ngàn của miền Cao Nguyên nước Việt. Những năm sau này nhờ internet mà tôi biết khá đầy đủ những chuyện xảy ra trong nước Việt Nam mình và luôn cả thế giới, tất cả đều nằm gọn trong lòng bàn tay, muốn biết bất cứ thứ gì, chỉ cần mở điện thoại thông minh ra bấm bấm, quẹt quẹt vài cái thì nghe và đọc được hết những chuyện đã xảy ra từ phố thị cho tới Hóc-Bò-Tó trên quê hương, có lẽ vì vậy mà niềm nhớ thương quê hương chỉ thoáng qua, chớ không còn thiết tha như ngày trước nữa.

 

Những chuyện trước kia như bóng mây bay qua bầu trời. Tôi đưa mắt nhìn ra bờ sông, người ta ăn bận kín đáo hơn những ngày hè, đàn bà bận áo đầm, vai mang túi xách trông sang trọng làm sao, đàn ông nai nịt bảnh bao và mang máy chụp hình, thỉnh thoảng đưa máy lên chụp mấy bà hoặc chụp chung một nhóm. Ai cũng có cặp có đôi chỉ có Frans và Musli, hai thằng đực rựa loay hoay trên bến tàu, lúc đứng, lúc khom, lúc ngồi và day qua, day lại,  tay cầm điện thoại đưa lên mắt nhắm chụp cảnh. Chụp đã rồi hai đứa mới chịu đi lên, tới bên tôi Musli hỏi:

– Mình đi đâu chú?

Tôi chưa kịp nói gì thì Frans kề miệng gần tai tôi nhưng không nói nhỏ, nó cố ý nói cho Muisli nghe luôn:

– Musli muốn đi kiếm gái.

Tôi nhìn qua Musli, nó cười cười không nói gì. Thiệt ra những thủy thủ trẻ đổ bộ, ngoài chuyện gái gộc, nhậu nhẹt ra thì đâu còn gì nữa. Nhớ lại những ngày tôi mới tập tễnh hải hành, con người ta dễ gần nhau lắm, lên hội quán thì đàn bà, con gái lúc nào cũng sẵn sàng và mỗi khi tàu ghé bến, vừa hạ cầu thang thì các cô leo lên tàu ở chơi với thủy thủ cho tới khi tàu khởi hành các cô mới chịu chia tay, thủy thủ ra khơi tên nào cũng phờ phạc và tiền bạc trong túi cũng sạch trơn. Từ khi có HIV thì các cô, các bà không xuống tàu nữa và lên hội quán thì ngoài vài cô bán hàng ra, còn lại toàn là đực rựa, thủy thủ có muốn xả-súp-páp thì chịu khó lên bờ vô những khu đèn đỏ, nhưng dù sao đi nữa thời gian này cũng còn có những khu đèn đỏ để cho thủy thủ giải quyết vấn đề. Đến khi dịch cô-vít tràn lan khắp thế giới thì những khu đèn đỏ đóng cửa luôn, chuyện liên hệ người và người không còn nữa, thủy thủ đành phải chịu, tên nào hổng chịu nổi thì tự sướng cho qua cơn.

Nếu tương lai thủy thủ không còn  liên hệ với người trên đất liền nữa thì những tháng hải hành buồn bã biết bao. Tưởng chừng như bế tắc, nhưng dịch cô vít chỉ qua một thời gian, con người cũng có phần cởi mở hơn. Lâu lắm rồi tôi không vô những khu ăn chơi nữa nên hổng biết mấy khu đèn đỏ và những nhà chứa có sinh hoạt lại bình thường không? Tuy nhiên trong phố của những quốc gia nằm trong vùng Địa Trung Hải, thỉnh thoảng cũng thấy vài cô đứng đường chào hỏi và vô mấy hộp đêm cũng có các cô tới rạ rẫm xin ngồi chung, thường là các cô tị nạn từ châu Phi qua. Đi chơi với mấy đứa nhỏ tôi biết vậy thôi, chớ thiệt ra chuyện gái gú lâu rồi tôi không còn thiết tha nữa nên không biết được nhiều. Tôi đứng lên và khom xuống lấy ba lô mang lên lưng rồi day qua để tay lên vai Musli cười thông cảm:

– Con khỏi lo, ăn thì để chú lo, chơi thì để Frans dẫn đường, bây giờ mình cứ đi, hể thấy chỗ nào vui thì tắp vô.

Chúng tôi rời công viên băng qua con đường hướng về trung tâm. Đi ngang một con đường thấy những quán ăn treo bảng hiệu khắc trên tấm bảng gỗ giống như furanchos, có mái che bằng những tấm kiếng và có rất nhiều người ngồi ăn uống bên những chiếc bàn đặt cạnh nhau trước hiên. Tò mò tôi men vô xem thì thấy hai bên trước nhà hàng bàn ghế xếp ngay ngắn. Ở Tây Ban Nha có những chỗ ăn uống gọi là furanchos, nơi đây bán thức ăn truyền thống của gia đình tự chế biến và rượu nho cũng tự ủ để gia đình dùng, khi nào uống không hết mới đem ra bán lại, nối tiếp nhau đời này qua đời khác cả mấy trăm năm, sau này được nhà nước bảo tồn và đưa lên thành tập quán, lâu ngày nó nổi tiếng và phổ biến cho khách du lịch nước ngoài đến đây và được công nhận là văn hoá ẩm thực đặc thù của Tây Ban Nha. Furanchos mở cửa tối đa ba tháng trong năm, thực đơn chỉ có năm sáu món và thực khách ngồi ăn trước sân có tàn cây bóng mát hay dưới một giàn nho hoặc trong mái hiên nhà, nhưng ở đây xô bồ xô bộn không giống như furanchos mà tôi biết.

 

Tôi đi trước, Frans và Musli đi theo sau vô con đường hai bên nhà hàng bàn ghế sắp ngay ngắn và thực khách cũng khá đông, nghe họ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh, tôi ngờ rằng những thực khách ngồi trong đây, họ đến từ những chiếc tàu buồm đậu dưới bến kia. Có một khoảng dành cho những người bán hàu,  gian bán hàu trông riêng lẻ nhưng nó có liên hệ với các nhà hàng, khách mua một dĩa hàu có thể ngồi vào bàn của một trong những nhà hàng nào cũng được, cứ gọi nhân viên hoặc người bán hàu bưng tới. Những con hàu tươi sống được các bà cạo, rửa sạch sẽ và tách ra trưng bày trên dĩa để ngay ngắn trên chiếc bàn trông hấp dẫn vô cùng, giá tiền mỗi dĩa tám con, con nhỏ giá mười tám euro, con lớn hai mươi lăm euro. Tuy Vigo nổi tiếng hàu tươi được quảng cáo là ngon nhứt, không biết nó có “nhứt” như quảng cáo không? Nhưng nhìn dĩa hàu tươi, sống được tách ra sạch sẽ, ruột mập, trắng sắp ngay ngắn trên dĩa lót nước đá và kèm theo nửa trái chanh để cạnh bên trông rất hấp dẫn, nhìn là muốn ăn ngay.

Tôi đứng lại trước những chiếc bàn trống của một nhà hàng, day qua hỏi hai đứa:

– Tụi con thích ăn đồ biển không?

Frans lưỡng lự nhưng Musli liền nói:

– Được đó chú.

Frans cũng gật đầu theo:

– Ô kê.

Chúng tôi bước vô vừa tới cửa quán,  anh phục vụ ôm mấy quyển thực đơn bước ra vui vẻ chào và mời chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn trống ở dưới hiên nhà, trên bàn đã sắp sẵn giấy xếp, ly, dao, nĩa. Chúng tôi vừa ngồi xuống thì anh ta đưa chúng tôi mỗi đứa một quyển thực đơn và hỏi:

– Các anh uống gì?

Tôi day qua nói với hai đứa:

– Đồ biển hợp với rượu vang trắng hoặc bia, đứa nào thích uống gì thì cứ kêu.

Hai đứa đồng ý uống rượu vang trắng. Tôi ngước lên nói với anh phục vụ.

– Cho chai vang trắng.

Anh nhân viên vô trong lấy rượu, chúng tôi mở menu ra xem, phải nói là ở Tây Ban Nha đồ biển rất phong phú. Nhứt là ở Vigo hải sản tươi sống nhờ vùng nước Đại Tây Dương chưa bị ô nhiễn, còn giàu chất dinh dưỡng cho các loại cá và nhiều loại động vật có vỏ. Những nhà hàng hải sản Tây Ban Nha đầu bếp chế biến đồ biển rất ngon và trang trí dĩa thức ăn trông bắt mắt. Tôi gấp quyển menu lại để lên bàn, Frans và Musli đang đọc menu, thấy tôi không đọc menu nữa nên ngước lên hỏi:

– Chú thích món gì vậy?

Tôi trả lời:  

– Vô nhà hàng hải sản thì phải ăn cá, tôm.

Frans nói:

– Con thấy món nào cũng mắc.

Tôi cười dí dỏm nói:

– Cứ kêu ăn cho đã, ăn xong không tiền trả thì chú vô phụ bếp, còn hai đứa rửa chén trừ tiền.

Chúng tôi cười ha hả. Musli gấp quyển thực đơn lại để lên bàn, nói:

–  Vậy chú gọi đi, tiệc này con trả.

Tôi khều nhẹ lên vai Frans cười và nói:

– Nghe chưa, yên tâm ăn, uống cho đã, phần sau cùng có Musli lo.

Frans cũng để quyển thực đơn lên bàn và nói:

– Đâu phải con ngại trả tiền, nhưng hồi biết chú tới giờ, đi với chú vô mấy quán bình dân không à.

– Hơn cả tháng nay không đổ bộ, tiền dư ra, ăn sang một bữa cũng đâu sao.

Lúc đó anh bồi bàn cầm chai rượu đi ra rót cho mỗi người một ly, xong anh để chai rượu lên bàn, day qua hỏi chúng tôi chọn thức ăn chưa. Tôi liền nói:

– Một dĩa mariscada cho ba người.

Anh bồi hỏi:

– Thêm gì nữa không?  

– Không.

Anh bồi bàn đi rồi tôi mới day qua giải thích với hai đứa:

– Nếu muốn biết vùng biển đó có loại hải sản gì thì vô nhà hàng nơi đó gọi một dĩa mariscada thì sẽ biết.

Frans ồ lên nói:

– Món này có nghe chú nói nhưng con chỉ biết nó qua hình ảnh thôi.

Tôi cười và nói:

– Thiệtra thì cũng các món hải sản thôi, nhưng người có tâm hồn ăn uống thì nhìn dĩa mariscada tha hồ mà hình dung ra các động vật dưới đáy biển.

Frans co cánh tay phải và gồng lên, tay trái đập mạnh qua bắp tay phải một cái bụp. Nó cao giọng nói:

– Ăn đồ biển rất khoẻ!

Musli đưa ngón tay cái ra gặt gặt và hoạ theo:

– Nhứt là ăn hàu.

Tôi cười nói:

– Hai đứa còn trẻ, còn khoẻ, không ăn gì thì cũng mạnh như dê, cứng như cây, còn chú có uống cả bụm Viagra chưa chắc gì thằng nhỏ ngóc đầu lên nổi, nói chi ba cái đồ biển này thì nhằm nhò gì.

Chúng tôi cười ha hả và đưa ly rượu vang lên cụng. Lúc đó bồi bàn vụ bưng mâm ra, anh lấy ba cái dĩa hấp nóng để trước mặt cho mỗi đứa một cái, anh dọn ra bàn dĩa mariscada kèm theo rổ nhỏ đựng bánh mì và mấy hộp sốt, xong anh ta chúc chúng tôi ăn ngon rồi day lưng đi trở vô. Trong dĩa mariscada có ghẹ, chem chép, tôm thẻ, tôm tích, sò, mực ống và có bốn con hàu, con nào cũng mập và trắng tươi, tôi lấy bỏ qua dĩa mỗi đứa hai con hàu, nói:

– Ăn hàu để nạp thêm năng lượng.

Hai đứa ngạc nhiên nhìn qua tôi:

– Chú không ăn hàu hả.

Tôi lấy nĩa vừa ghim con tôm thẻ bỏ vô dĩa mình vừa nói:

– Hai đứa tự nhiên ăn đi, khỏi phải lo cho chú.

Tôi chỉ tay qua phía mấy người bán hàu nói:

– Nếu ăn không đủ thì gọi thêm vài dĩa.

Musli và Frans đớp mấy cái hết hai con hàu, Musli ngó ra chỗ bán hàu rồi dợm đứng lên nói:

– Để ra mua thêm dĩa hàu.

Tôi đưa tay lên ra dấu kêu nó ngồi xuống và nói:

– Ngồi đó ăn đi.

Tôi lấy chai rượu rót phần còn lại chia ra ba ly rồi nhìn qua thấy anh bồi bàn đứng trong góc bèn đưa tay ngoắc ngoắc, anh bồi bàn đi tới, tôi kêu thêm chai rượu, một dĩa hàu con lớn. Anh ta đi vô trong, tôi ngồi xuống bưng ly lên mời hai đứa. Nhấp ly rượu rồi để xuống, cầm nĩa ghim con tôm cắn một cái và nhìn hai đứa đang cắm cúi ăn mực ống ngon lành. Tôi cười thầm trong bụng, đúng là ăn để nạp thêm năng lượng! Người In Đô có ý nghĩ giống như người Việt, họ nghĩ đồ biển, nhứt là hàu là một loại thực phẩm kích thích và nó chứa các hợp chất để nâng cao vấn đề tình dục, theo tôi biết thì khoa học chưa chứng minh được điều này. Tôi vừa nhâm nhi rượu vừa nhìn người ta ăn uống mà nghĩ ngợi mông lung, những khách đến từ bốn phương họ ăn uống no nê để hưởng thụ chuyến đi du lịch, không biết họ nghĩ gì khi thức ăn và rượu trên bàn của họ đã gần hết? Nhìn Musli và Frans chú tâm ăn, uống ngon lành, có lẽ hai đứa vừa ăn vừa nghĩ tới lát nữa đây sẽ gặp mấy cô gái đang chờ trong các hộp đêm. Anh phục vụ bưng dĩa hàu để lên bàn và nói lời chúc ăn ngon. Lúc này Musli mới ngước lên ngó qua tôi hỏi:

– Chú không ăn hàu?

Tôi xoa tay lên bụng nói:

– Bụng chú không tốt, tụi con ăn đi.

Tôi day qua Frans nói:

– Ăn xong con dẫn Musli đi chơi đi.

Frans hỏi:

– Chú hổng đi với tụi con sao?

– Không, tụi con đi đi.

Musli ngạc nhiên day ngang hỏi:

– Sao vậy, sao chú hông đi?

– Tụi con đi chơi tới sáng mai cũng không sao, còn chú thức sau mười hai giờ thì coi như thức luôn tới sáng.

Có lẽ Frans quen với tôi lâu và hay nói chuyện với nhau nên nó hiểu ý tôi, nó chen vô:

– Ô kê.

Nó day qua nói với Musli bằng tiếng In Đô. Musli ừ hử rồi hai đứa lấy hàu bỏ lên dĩa, nặn chanh và rắc thêm tiêu, trước khi ăn hai đứa bưng ly lên cụng. Ba người ăn gần hết dĩa mariscada, thiệt ra tôi chỉ ăn mấy con tôm với bánh mì và nhâm nhi rượu, còn lại hai đứa cắm cúi ăn nhiều hơn. Frans và Musli ăn hết chục hàu, mười hai con và uống hết rượu trong ly. Hai đứa có vẻ hả hê, lấy khăn giấy lau miệng, chùi tay, xong Frans day qua tôi hỏi:

– Vậy chú chờ tụi con ở đâu?

Tôi khoát tay, vui vẻ nói:

– Khỏi chờ, xong chỗ này, chú đi dạo phố, lát tối chú tự xuống tàu, tụi con thong thả chơi đi, chơi đến khi cạn tiền, hết năng lượng thì về.

Ba người cười ha hả... Xong Musli ngoắt tay kêu anh bồi bàn lại, thấy nó ra dấu cho anh ta tính tiền. Tôi chỉ tay vô bàn ăn nói:

– Tụi con đi chơi đi, chỗ này để chú.

Frans nói:

 – Đâu được, hôm nay chú để tụi con.

Lúc đó anh phục vụ đi tới để dĩa hoá đơn lên bàn, Musli xem thực đơn xong, nó lẹ làng móc ra một sắp đô la Mỹ với vẻ tự nhiên và bình thản đưa cho anh phục vụ, phần đông thủy thủ người In Đô có vẻ nghèo nàn và tính toán từng đồng, nhưng Musli rất hào phóng, chơi xả láng không tính toán với anh em, quả là phong cách của dân anh chị. Có lẽ trước khi giã từ nghề đòi nợ mướn nó tóm được mối xộp nào đó và được người ta trả công bằng đô la cho nó mang theo để làm lại cuộc đời, tôi mỉm cười và hài lòng với sự suy đoán khôi hài của mình. Nhưng anh bồi bàn xua tay cho biết là nhà hàng không nhận đô la. Tôi liền móc bóp ra nói:

– Vậy để chú trả.

Frans đưa tay chặn tay tôi và nói:

– Đâu được chú.

Frans liền móc bóp, mở ra rút tiền euro đưa cho người phục vụ. Trả tiền xong hai đứa đứng lên đi vô toilet, lát sau hai đứa trở ra, tóc tai gọn gàng, mặc mày sáng sủa. Tới bên tôi Frans lên tiếng:

– Hổng ấy chú đi với tụi con vô ba uống vài ly rồi đi đâu thì đi.

Tôi chỉ tay xuống dĩa thức ăn còn dư và chai rượu còn hơn phân nửa vui vẻ nói:

– Chú ăn và uống hết chỗ này đủ rồi

Frans hiểu ý tôi nó ừ hử mỉm cười. Musli tỏ vẻ ái náy, ngập ngừng nói:

– Nhưng chú...

Tôi cười vui vẻ và đưa tay ra đẩy nhẹ lên vai Musli:

– Đừng lo cho chú, hai đứa tự nhiên chơi vui vẻ.

Hai đứa đi rồi tôi mới thấy người nhẹ nhõm, té ra cỡ tuổi tôi bây giờ ở mình ên lúc nào cũng thấy thoải mái, không như hồi trẻ sôi nổi, đi đâu cũng muốn có bạn, có bè cặp kè cho vui. Nhìn dĩa mariscada còn lại hai con tôm tích, một con mực, một con ghẹ đã tách ra sẵn, mu ghẹ đầy gạch vàng vàng, và vài ba con chem chém, hai đứa chú ý ăn hàu nên không đụng tới ghẹ. Tôi lấy phần mu ghẹ bỏ vô dĩa và lấy chai rượu rót vô ly. Vừa nhấm nháp rượu và thưởng thưởng thức hương vị béo béo, mặn mặn của gạch ghẹ,  làm tôi nghĩ tới các loài thủy tộc như tôm thẻ, tôm hùm, mực, bạch tuộc, các loài cá nhiều màu sắc đang bơi lội và những loài có vỏ như chem chép, nghêu, sò, ốc, hến trầm mình dưới đất, cát của lòng biển sâu, nơi đó có cả một thế giới rực rỡ đầy màu sắc sắc... Nghĩ tới đây chợt nhiên cổ họng tôi ơn ớn, muốn ọi ra, tôi bèn đưa ly rượu vang lên miệng hớp một cái để dằn cơn buồn nôn. Để ly rượu xuống bàn rồi đưa tay ngoắt anh bồi bàn lại, nói:

– Nhờ anh dọn hết dĩa dơ và đĩa thức ăn thừa đem vô, chừa lại cho tôi chai rượu vang được rồi !

 

Bắc Đại Tây Dương 29 11 2023

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 356
Ngày đăng: 31.08.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tuất khùng múa lân - Thanh Phương
Lời thề đêm thất tịch - Hoàng Thị Bích Hà
Phiêu diêu giữa đất trời - Nguyễn Thỵ
- Tiểu Lục Thần Phong
Những con thiêu thân - Lê Khánh Mai
Ngọn lửa dương thế - Lê Khánh Mai
Hợp đồng tự nguyện chết - Tiểu Lục Thần Phong
Kẻ quay thuê viết mướn và chuyện quả báo - Nguyễn Anh Tuấn
Hà Nội thứ tư - Nguyễn Minh Nữu
Bông cúc xanh - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)