Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền.
Thầy Hai có đến chín người con nhưng không hiểu sao người làng chỉ nhắc đến bốn người sau cùng mà ít khi nói về mấy người con lớn, có lẽ bốn người sau có nhiều cá tánh hơn chăng? Cô Sáu Bụng có ngón nghề làm tương chao ngon bá cháy, tiếng đồn khắp nơi. Tương cô sáu ngon, rền, béo, thơm, đậm đà hương vị… Người làng gần xa và các tổng khác đều ghiền, không chỉ người ăn chay mà người ăn mặn cũng thích, bữa cơm mà thiếu chén tương là mất ngon. Người kế là cậu Bảy Tiệm, cậu có tài kinh doanh, mùa mía mua đường, mùa lúa trữ thóc… Đường cậu bảy bán ra tận Hải Phòng, vô Sài Gòn, lên Nam Vang… vì thế mà cậu Bảy giàu có nhất vùng, là tài chủ của địa phương. Cậu tám Tòng thì lại học ngón nghề bốc thuốc xem mạch của ông Hương Cả. Người làng Ngọc Thạnh, Thanh Huy, Đại Hội… gần xa đều rước cậu Tám đi xem mạch. Người con gái út là cô Mười, Thầy Hai cưng cô Mười lắm, muốn gì cũng chìu, dành hết tình thương cho cô Mười. Mà kể cũng lạ, cô Mười hổng giống mấy anh chị mình. Cậu Bảy, cậu Tám cao dong dỏng, da trắng, thanh tú… trong khi ấy cô Mười lại da ngăm ngăm, tướng đậm thấp và chắc nụi. Tuy là con gái út nhưng cô Mười rất cứng rắn, tháo vát chứ hổng có úy mị, nũng nịu, yểu điệu như những cô con gái út khác. Cô Mười không thích học chữ Nho hay chữ quốc ngữ, ông Hương Cả cố ép nhưng cổ chỉ học qua loa lấy lệ, Cô Mười thích học võ, đi quyền… suốt ngày chạy nhảy rong chơi với bọn con trai nhà ông Ba Tá, Bốn Sự. Thằng Hân lớn nhất trong đám, nó còn dạy cô Mười tập chạy xe thổ mộ, có lần Cô Mười quất roi mạnh quá, lại giật dây cương sai nhịp khiến con ngựa kéo cả cái xe chạy xuống ruộng lúa đầu đình Ngọc Thạnh luôn, bữa đó anh Hân bị ông Ba Tá oánh một trận và còn bị cấm leo lên xe thổ mộ. Cô Mười cũng bị thầy Hai rầy một trận nhưng rồi đâu cũng vào đó, chuyện cũng êm xuôi như bao chuyện khác đã xảy ra. Thầy Hai nói:
- Con gái con đứa gì mà cứ nhồng nhỗng như con trai, ai dám rước về làm dâu?
Cô Mười cười hô hố:
- Con hổng làm dâu ai hết, ở nhà với tía thôi!
Thầy Hai nhìn cô Mười cười và lắc đầu:
- Con gái hổng gả để làm mắn hả?
- Con hổng thèm làm dâu ai hết, mai kia tía già con lo cho tía!
- Thôi khỏi, con lo cho con trước đi nha! Ý tứ, thùy mị một chút để rồi tía kiếm mối cho con! Con gái có một thời, bông búp hổng bán bông tàn bán ai mua? Mà tía thấy thằng Hân con nhà Ba Tá cũng được lắm.
Cô mười cười nghặt nghẽo, anh Hân là bạn ruột của cô Mười, tự dưng tía nhắc tới làm cho cô Mười vui hẳn lên.
Anh Hân tướng người cũng rắc chắc, đậm thấp và rất tháo vát, tánh tình thì rất ăn rơ với cô Mười, hồi nào giờ cứ kêu ông với bà chứ chẳng chịu xưng anh em gì hết ráo, mặc dù anh Hân lớn hơn cô Mười cả mươi tuổi. Hai Hân và cô Mười có nghe loáng thoáng là thầy Hai và ông Ba Tá có hứa làm sui, nhiều người cũng đồn vậy và cặp đôi, tuy nhiên anh Hân và cô Mười vẫn cứ tỉnh như ruồi, chẳng coi chuyện đó có gờ ram nào hết. Bữa kia cô Mười kêu anh hai Hân lại:
- Ông có biết gì không? Tía tui muốn làm sui với tía ông đó!
Anh Hai Hân cười cười:
- Vậy bà dzìa làm dzợ tui.
Cô Mười xí một cái dài cả cây số:
- Xí, ai àm thèm làm dzợ ông, mà tui cũng hổng muốn làm dzợ ai hết.
- Vậy bà muốn ở giá sao?
- Tui hổng biết nhưng giờ tui chưa tính.
- Bà tính được gì? Tía bà tính cho bà.
- Bộ ông hổng sợ người ta cười: “chuột sa hũ nếp” hả?
- Bà nghĩ chỉ có nhà thầy Hai giàu? đừng quên nhà ông Ba Tá cũng là cự phú trong làng này à nha!
- Ông thương thầm tui hả? Sao coi bộ khoái cái chuyện hứa làm sui của hai khứa lão vậy?
- Thương gì bà? Tía nói lấy ai thì lấy đại vậy thôi!
Tuy nói vậy nhưng ánh mắt và cử chỉ của Hai Hân thì khác, người tinh ý sẽ thấy Hai Hân có tình ý thương thầm cô Mười. Đi chơi đâu cũng phải có cô Mười, chuyện gì cũng cho cô Mười là nhứt, chỉ cô Mười đánh võ đi quyền, luôn bảo vệ cô Mười, khen cô Mười này nọ. Có lần cô Mười cũng nghi ngờ Hai Hân nên cảnh cáo:
- Tui với ông là bạn trong làng, hổng có thương gì hết ráo à nha!
Hai Hân cười cầu tài:
- Cô Mười muốn sao cũng được.
Hai người vẫn cứ ông bà như hồi nào vậy, cứ nhông nhổng trong làng như còn con nít chứ chưa đủ tuổi lớn. Tuy vậy người làng Ngọc Thạnh vẫn cứ đồn rân cả lên chuyện hứa hôn, người thì nói hai đứa đó hợp rơ ăn ý lấy nhau sẽ thuận vợ thuận chồng, cũng có người lại nói dèm: “cô Mười tánh đàn ông, chắc gì sống hạnh phúc?”…
**
Tháng chạp năm giáp dần, cả làng Ngọc Thạnh râm ran bàn tán chuyện thầy Hai gả cô Mười cho anh Hai Hân con nhà ông Ba Tá. Hổng biết thầy Hai có ép uổng gì không hay chỉ thuyết phục giỏi mà không thấy cô Mười cự lại. Cô Mười vẫn như mọi ngày, chẳng có vẻ gì là sắp về làm dâu nhà ông Ba Tá. Ngày cưới, thầy Hai mặc áo dài xanh đậm chữ thọ, khăn đóng, giày Gia Định… đưa cô Mười sang nhà Ba Tá để làm dâu. Cô Mười mặc áo dài hồng, đội khăn vành vàng có mạng lưới trắng phủ xuống mặt, cũng má phấn môi son nên trông khác hẳn mọi ngày. Bà con trong làng chạy theo coi quá trời, người này chỉ chỏ, người kia chen lấn nhìn cô Mười làm cô dâu. Ai đó nói oang oang:
- Cô Mười mặc áo cô dâu cũng đẹp quá nha!
Tuị con nít bu quanh cứ rần rật chờ pháo nhà ông Ba Tá nổ. Hai Hân đi bên cạnh cô Mười vừa mắc cỡ vừa sung sướng cứ cười cười tủm tỉm, vẻ mặt rất là hãnh diện với mọi người. Tiệc cưới linh đình, kéo dài từ trưa cho tới tận mười giờ đêm, nhạc xập xình rộn cả đầu trên xóm dưới. Hai Hân tì tì nốc cạn rượu mời, rượu phạt, rượu mừng, rượu mớn. Hai Hân tửu lượng có cao nhưng uống cỡ đó thì cũng lè nhè say. Khách khứa chẳng cần biết đêm nay Hai Hân có động phòng nổi hay không, cứ mời lên ly liên tục.
Ba ngày sau Hai Hân lại đưa cô Mười hồi dâu đặng chào và cảm ơn ông Hương Cả, giờ là tía vợ rồi! Cô Mười sau cưới vẫn vậy, gỡ hết áo xống phấn son xuống thì cô dâu lại hiện nguyên là cô Mười, chẳng có chút gì thay đổi, vẫn cứ ông ông bà bà mà chẳng chịu xưng em như người ta. Hai Hân thì giờ cũng có lúc biết kêu cô Mười là em nhưng phần nhiều vẫn là bà, ấy vậy mà chữ bà của Hai Hân nó ngọt lắm nha, nó tình sao ấy. Bà Tư Lượm phàn nàn:
- Con gái con đứa gì mà ăn nói thô quá, hai vợ chồng bay y hệt nhau, sao hổng kêu anh em cho nó tình mà cứ ông ông bà bà như hồi chưa cưới!
Nói thì nói vậy thôi chứ bà Tư Lượm biết cô Mười từ hồi còn con nít. Bà không bằng lòng việc ông Ba Tá hứa làm sui với thầy Hai, tuy nhiên mọi việc trong nhà đều nhất nhất do Ba Tá xếp đặt. Ông đã quyết thì bà Tư Lượm cũng phải chịu thôi. Người ta nói ai có tiền thì người ấy nắm quyền. Bà Tư Lượm về làm vợ Ba Tá cũng là do sự xếp đặt của chính ông. Vợ ông mất sớm, ông thấy nhà Sáu Lầu có cô con gái lớn khá xinh nhưng chưa thấy ai dạm hỏi. Ba Tá nhờ mai mối tới lui vài bận thì Sáu Lầu gả cô Tư Lượm cho Ba Tá. Cô Tư Lượm về làm vợ Ba Tá sướng quá trời, hổng phải làm lụng khổ sở như ở nhà mình. Ba Tá cũng thương Tư Lượm nhưng mọi việc trong nhà Ba Tá quản lý hết.
Bà Tư Lượm cũng không ghét gì cô Mười nhưng mẹ chồng nàng dâu đôi khi cũng có lời qua tiếng lại, Cô Mười thì tánh tình không được dịu dàng chi mấy, thậm chí còn rất ngang ngay sổ thẳng nên bà Tư Lượm cũng không vừa ý. Có lần bà Tư Lượm sai cô Mười đem rổ trứng gà ra chợ bà Bâu bán, cô Mười đi thẳng ra cống ông Bổn đổ hết cả rổ trứng gà xuống mương rồi về. Bà Tư Lượm hỏi tiền đâu thì cô Mười nói té mương nên trứng trôi hết rồi. Bà Tư Lượm tức tối la lối ầm ĩ khiến Hai Hân biết chuyện:
- Sao em đổ hết trứng gà của má?
- Má biểu đi bán nhưng cục tức chẹn ngang cổ, thở hổng nổi, tui đổ hết rổ trứng xuống cống ông Bổn vậy mà giờ tan cục tức, nhẹ gì đâu á!
Hai Hân cười như mếu:
- Vậy mà sao hồi đó tui thương bà được, thiệt là hổng hiểu nổi?
Cô Mười đáp:
- Hối hận phải hôn? Nếu hết thương thì tui dzìa nhà tía tui!
Hai hân không trả lời mà quay lưng bước đi một mạch.
**
Cuối năm Bính Thìn, Bảy Tiệm trúng mánh, đường bán giá cao lời khẳm luôn. Bảy Tiệm thương cô Mười, cho cô Mười món tiền lớn. Cô Mười ra chợ bà Bâu mua cho bà Tư Lượm xấp lãnh Mỹ A hảo hạng, ông Ba Tá cái mục kỉnh mới, hàng tây chính hiệu, Hai Hân bộ đồ tây vừa vặn đẹp hết sẩy. Mấy bà hàng xén chợ bà Bâu khen:
- Cô Mười thô tháo vậy chứ cũng tình nghĩa quá trời, coi người đừng có nhìn bề ngoài à nha!
Ăn ở nhau có mấy mặt con, Hai Hân đổi tánh, từ thô tháo tự dưng yêu đương lãng mạn, cặp bồ với cô Hai Sự, Hai Sự nhan sắc cũng chẳng hơn gì cô Mười nhưng được cái hiền lành và ngọt ngào. Hai Sự là gái quá lứa mà chưa có ai rước nên Hai Hân mới có cơ hội thậm thụt tới lui. Làng xóm cứ xì xào bàn tán, cô Mười cũng nghe phong phanh nhưng không nghĩ rằng Hai Hân có mèo. Thế rồi Hai Sự có bầu. Giờ thì người Làng Ngọc Thạnh, Thanh Huy, Mỹ Điền, Quy Hội, Quán Cẩm… cười nói bàn tán dữ lắm, ai cũng tưởng phen này cô Mười sẽ làm ầm ĩ lên, sẽ đánh ghen... vì tánh cô Mười xưa nay nổi tiếng nóng như lửa rơm. Nào ngờ cô Mười im lặng, chẳng đá động gì, không làm gì cả, ngay cả một lời chửi rủa cũng không. Người ta ngạc nhiên lắm, càng thêm tò mò, càng thêm pha mắn dặm muối vào câu chuyện. Bà Năm Ròm léo nhéo với mấy bà khác trong làng:
- Đến nước này thì ông Phật cũng giận chứ đừng nói chi người, ấy vậy mà sao con Mười nó im ru vậy ta?
Mấy bà bàn tán mổ xẻ câu chuyện, suy đoán lung tung nhưng chẳng ai cắt nghĩa được sao cô Mười im lặng trong khi bản tánh cô Mười rất nóng và thô tháo. Mấy ông sồn sồn trong làng khi uống vài ba xị đế cũng đem chuyện cô Mười ra cười cợt. Ông Bảy Thà nói:
- Tại cô Mười thô tháo nên thằng Hân mới đi tìm người nhẹ nhàng dịu hiền.
Ông Mười Thập ngửa cổ làm cái ót chung rượu, nêu thắc mắc:
- Người như cô Mười lẽ ra sẽ ghen lồng lộn, đánh ghen dữ lắm mới phải, sao đằng này lại im ru vậy cà?
Ông Chín Cửu gắp cái phao câu trầy trật bèn bỏ đũa lấy tay cầm cạp ngon lành, miệng còn dính mỡ nhầy nhụa nói:
- Ở đời nhiều khi thấy vậy nhưng không phải vậy, khi đụng chuyện mới biết bản chất thật con người. Cô Mười thô tháo tưởng tánh đàn ông nào ngờ có máu trượng phu.
Cả chiếu nhậu gật gù tán thưởng lời Chín Cửu, cả đám hò dô dô mấy lượt mừng lời nói hay.
**
Mấy tháng sau cô Mười về thưa chuyện với ông Bảy Tiệm, trong mấy anh em thì Bảy Tiệm thương cô Mười nhất. Bảy Thạnh bèn cắt cho cô Mười một mảnh đất vườn để cất nhà. Nhà cất xong, cô Mười và bốn đứa con về đấy ở. Cô Mười theo Bảy tiệm đi buôn đường khắp nơi, mấy năm sau có được món tiền kha khá cô Mười mua một căn nhà ở chợ bà Bâu và mở tiệm chạp phô, từ đó công việc làm ăn ngày càng phất lên.
Cô Mười ly thân ra riêng thì Hai Hân rước cô Hai Sự về sống chung luôn, hai người có thêm mấy mặt con nữa, tuy ly thân nhưng Hai Hân vẫn chạy tới chạy lui chứ không cắt đứt. Cô Mười cũng vui vẻ như thường chứ chẳng điều tiếng gì, nhà cửa khi cần gì cũng kêu Hai Hân về sửa, việc nhà khi cần có mặt đàn ông thì Hai Hân vẫn đứng ra cáng đáng. Cô Mười cũng không hề nặng nhẹ gì với Hai Sự, người trong làng cứ ngỡ có cuộc chiến nhưng chẳng bao giờ thấy, họ cứ nghi ngờ hổng biết cô Mười có toan tính gì trong đầu sao chẳng thấy lộ ra.
Ngày giỗ ông Ba Tá, cô Mười và cả Hai Sự cùng làm mâm cơm cúng, tuyệt nhiên không có lời qua tiếng lại, cũng chẳng ai thấy mặt nặng mày nhẹ bao giờ. Mấy đứa con cô Mười và con cô Hai Sự cũng nhìn nhận anh em và thân mật với nhau khiến người làng cứ mãi bàn tán gia đạo nhà cô Mười ăn ở vậy mà hay.
Người chợ bà Bâu đồn lung tung là Hai Hân lấy vàng của cô Mười đem cho cô Hai Sự. Mấy đứa con cô Mười nghe được nên sanh nghi, thằng Hùng con lớn của cô Mười hỏi cổ:
- Có Phải ba lấy vàng của má đem cho dì Hai Sự?
Cô Mười cười cười không xác nhận cũng chẳng bác bỏ:
- Thôi đi con, nước chỗ đầy chảy xuống chỗ cạn cũng là lẽ thường.
Ất Lăng thành, 0723