Cùng những đứa trẻ vui đùa, tắm mát bên suối
Trên những nèo đồng quê ngạt ngào hương lúa
Tôi muốn mượn biểu tượng “bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu để nói về “nơi tôi sinh”. Trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu “bến quê” của nhân vật Nhĩ là một hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp. Một cái đẹp ở ngay bên mình, không phải tìm kiếm nơi chân trời góc bể đâu xa. Nó rất dễ tìm, rất dễ thấy nhưng không phải ai cũng đến và nhận ra ngay được, bởi “con người ta trên đường đời thật khó tránh được cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”. Chính cái khó tránh khỏi ấy đã khiến cho Nhĩ, một người “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” nhưng cũng không thể nhận ra và đến ngay được. Cho đến khi Nhĩ phát hiện và nhận ra được cái đẹp đích thực của “bến quê” thì lại không còn đủ sức, không còn đủ thời gian để đến với nó. Đúng là một ngịch lý thật trớ trêu. Cũng bởi thấu hiểu được bài học cuộc đời của nhân vật Nhĩ mà mỗi khi có thời gian rảnh rỗi tôi liền về ngay với cái “bến quê” của mình. Về “bến quê” để được sống lại với những năm tháng tuổi thơ trên những cánh đồng ngạt ngào hương lúa. Về “bến quê” để được thả hồn vào những hồ nước mênh mông xanh biếc như tiên cảnh. Về “bến quê” để được hòa mình cùng với dòng suối trong veo mát ngọt. Về “bến quê” để được lang thang vui thú với chốn sơn lâm thanh vắng nguyên sơ. Và, nói như ngôn ngữ đang “hot” là về quê để được “chữa lành” cho thân tâm, về quê để thanh lọc tâm hồn, cho thân tâm của mình được an lạc trước bao bộn bề âu lo của cuộc sống; tránh xa những bụi bặm, ồn ào của phố phường.
Tôi nói về quê “chữa lành” như thế là để cho vui thôi, nói theo kiểu “đu trend” cho có thời thượng tí chút. Bởi thấy chưa bao giờ cụm từ “chữa lành” được xuất hiện nhiều như bây giờ, nhất là trong giới trẻ. Người ta rủ nhau bỏ phố về quê, lên rừng làm nông phu để “chữa lành”, kéo nhau đi du lịch trải nghiệm để “chữa lành” hoặc cũng có khi gọi nhau cùng đi xem một bộ phim, nghe một buổi nhạc, uống một ly cafe hay tìm một góc thật “chill” để sống ảo và đăng ảnh lên facebook, zalo rồi tự huyễn với nhau rằng: đi “chữa lành”. Thế đấy, giờ đây trào lưu “chữa lành” như vậy không phải chỉ có ở thế hệ gen Z nữa đâu mà còn rầm rộ sang cả các thế hệ gen X, gen Y. Họ thích “chữa lành” với nhau cả những khi mình chưa kịp tổn thương. Cứ như thế mà thiên hạ đua nhau đi “chữa lành”, một thuật ngữ của tâm lý học vốn dùng để chỉ một phương thức điều trị, phục hồi nhằm tái tạo sự cân bằng, hài hòa trong tâm hồn và cơ thể của con người nay được chuyển thành một câu nói cửa miệng, thậm chí phát triển thành một trào lưu, “hot trend” trong xã hội. Người ta khoe nhau “chữa lành” và thích thú “chữa lành” với nhau cả những khi thể xác và tinh thần còn đang rất ... khỏe mạnh.
Nói rằng “chữa lành” ở “bến quê” nhưng thực ra thân tâm có bị sao đâu mà phải chạy chữa cho lành. Chẳng là tôi thích về quê để được đoàn viên bên những người thân sau những tháng ngày tha phương mưu sinh vất vả; để được bình yên ngắm nhìn cảnh sắc của quê hương sau những năm tháng bôn ba xuôi ngược quê người. Chốn quê xa xôi ấy của tôi cũng giống như “cái bãi bồi sông Hồng, ngay bờ bên kia” của Nhĩ. Có điều quê tôi nằm cách xa sông, cái “bến quê” của tôi khép mình sau những rặng núi xanh thăm thẳm với những nếp nhà lẩn khuất, ẩn hiện dưới những bóng cây xanh mướt lá non, lấp lánh ánh mặt trời óng ánh hay nằm bên con suối hiền hòa với một thời trong veo, nước tuôn róc rách, quanh co uốn lượn qua những chân núi, triền đồi. Giống như cái “cái bãi bồi sông Hồng” của Nhĩ, “bến quê” của tôi cũng có đủ cả “sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp”. Giữa miền non xanh, “bến quê” nhà tôi có tất cả sự giàu có và đẹp đẽ của thế gian. Cái sự giàu có và đẹp đẽ ấy có lúc hiện lên rực rỡ, tráng lệ trong những hương sắc của cảnh vật bốn mùa nhưng cũng có khi âm thầm, lặng lẽ trong cái dáng vẻ tiêu sơ của hoa lá cỏ cây núi rừng miền sơn cước. Nếu như những núi cả, hồ trong, thác reo, suối chảy của đại ngàn hùng vĩ hiện lên xung quanh cái “bến quê” của tôi với dáng nét hoang dã, dữ dội, bí hiểm nhưng cũng rất duyên dáng, yểu điệu, kiêu kỳ khiến người qua không thể hờ hững thì một khóm lau phất phơ với những cành hoa li ti, trắng muốt, mềm mại, uyển chuyển, rung rinh bên suối hay trên triền đồi trong tiết heo may cũng lại không khỏi níu bước chân người, làm cho bao kẻ phải bâng khuâng, loạn nhịp mà rạo rực, xao xuyến.
Hương sắc quê tôi vậy đó. Đại ngàn cao cả, hùng vĩ mà cũng rất đỗi bình dị, nên thơ. Mỗi lần về quê tôi rất thích thú với việc lang thang trên khắp các bản làng, ngõ xóm, đồng bãi, đồi nương để được ngắm nhìn những tàu cọ xèo ô đu đưa trong gió, ngó xem một nếp nhà mái cọ thâm nâu hoặc lặng lẽ dõi theo ánh hoàng hôn gác núi trong buổi chiều buông với tiếng mõ trâu lốc cốc đủng đỉnh về chuồng. Cũng có trưa lại háo hức chạy ùa ra khúc suối gập ghềnh thác đá với làn nước trong veo, óng ánh sỏi cuội hiện ra dưới đáy sâu, để được đằm mình ôm dòng nước mát ngọt vào lòng và cùng đàn trẻ thơ tung tăng bơi lội. Cứ như thế, mỗi lần dạo bước trên cái “bến quê” mà tháng năm của tuổi thơ được sống lại với biết bao nỗi niềm trong ký ức của những ngày xưa cho dù cảnh vật của một thời đã qua từng thăng trầm theo những biến thiên của cuộc sống. Quả đồi này ngày xưa đỏ rực hoa chuối. Sườn núi ấy trước kia từng vác củi. Góc rừng đó ngày ấy đã bao lần đào măng. Đám ruộng này của bà từng khai khẩn. Chỗ nọ gieo lạc chỗ kia trồng ngô … Tất cả những kỷ niệm buồn vui, ngọt ngào của tuổi thơ man mác hiện lên theo dòng chảy của ký ức với đủ các cung bậc của cảm xúc khiến cho cảm thấy có gì như đang rưng rưng trên khóe mắt. Cứ vậy mà nhớ lắm, thương lắm, yêu lắm … cái “bến quê” của tuổi thơ tôi.
Cái “bến quê” của tôi vẫn còn đó những ngõ nhỏ xanh màu dương xỉ, rậm rịt hai bên mép của con đường uốn cong duyên dáng với những bờ tre tỏa bóng râm mát trong những trưa hè hay những hàng xoan thẳng đứng tím biếc trong mỗi mùa hoa để dẫn lối đi ra con suối hay vào sâu chân núi. Những lối nhỏ bình yên ấy là cả một không gian vô cùng thoáng đãng, trong lành, mát mẻ và cũng là cái nơi chất chứa biết bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Đó là con đường hôm sớm đưa tôi đến trường, chạy sang nhà bạn. Cái ngõ nhỏ và con đường thân yêu ấy dường như trong tôi vẫn còn in dáng hình ông nội và có cả bóng mẹ tan trường cùng những đêm trăng đom đóm lập lòe trong các trò chơi tuổi thơ của cái thời chưa có điện. Mỗi lần về làng đi trên những ngõ quê, tôi lại như chạm vào ký ức để rồi không khỏi bâng khuâng, thương nhớ. Theo nhịp thăng trầm của thời gian cái ngõ quê của tôi không còn những con đường đất mát mềm, mịn chân mà là những con đường đổ bê tông của cái thời làm nông thôn mới. Nó hiện đại hơn, sạch sẽ hơn, dễ đi hơn, nhất là trong những mùa mưa nhưng thú thực ký ức trong tôi chưa thể nào quên được cái con đường đất giản dị, mộc mạc. Có không ít lần bước đi trên con đường đổ bê tông mới mà lòng tôi không khỏi nao nao, thương nhớ cái con đường đất sỏi thô mộc ngày xưa. Có lẽ kỷ niệm tuổi thơ khó quên khiến lòng ta cứ hoài vương vấn mãi, chẳng muốn đổi thay. Thế đấy, lối nhỏ ta về. Phải thả hồn vào đất quê, phải lắng nghe thanh âm của núi rừng, phải đắm chìm trong hương sắc mộc mạc thân thương của lũy tre, ta mới thấy yêu lắm, thương nhiều cái “bến quê” một thủa!