(Tại miền Bắc sau cuộc nổi loạn của Xuân, con thứ Trịnh Tùng; Mạc Kính Khoan mang quân về vùng Gia Lâm, sát nách kinh đô. Chúa nối chức là Trịnh Tráng đích thân đem quân tiến phát, đuổi quân Mạc sang đến châu Qui Thuận Quảng Tây, khiến nhà Minh phải báo động. Tại miền Nam, Đào Duy Từ dâng kế đắp lũy Trường Dục tại Quảng Bình, cũng cố việc phòng thủ, ra mặt đối đầu với miền Bắc.)
Vua Lê Thần Tông, tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Vua Kính Tông; mẹ là Đoan Từ Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của An bình vương Trịnh Tùng. Vua sinh vào ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi năm Hoằng Định thứ 9 [25/12/1608], ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi thì mất, chôn ở lăng Quần Ngọc.
Mùa xuân năm Vĩnh Tộ thứ 2 [1620], (Minh Vạn Lịch năm thứ 48); tại Thuận Hóa, các Chưởng cơ là Hiệp và Trạch, con thứ 7 thứ 8 của Thái úy Nguyễn Hoàng mưu cướp quyền; gửi mật thư xin họ Trịnh phát binh, tự mình làm nội ứng. Trịnh Tráng khiến Đô đốc Nguyễn Khải đem 5.000 quân đóng ở Nhật Lệ [Quảng Bình] để đợi. Tuy nhiên Hiệp và Trạch sợ chưởng cơ Tôn Thất Tuyên, nên chưa dám hành động. Khi cùng Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên bàn việc chống Trịnh; Hiệp và Trạch giả tiến mưu rằng : “Tuyên trí dũng hơn người, nếu sai cầm binh, hẳn phá được giặc!” Tuyên biết mưu, nên nói riêng với Thái bảo rằng: “Nếu thần dời bỏ dinh thì sợ có nội biến”. Thái bảo bèn sai Chưởng dinh Tôn Thất Vệ đem quân chống Khải. Hiệp và Trạch thấy mưu không xong, bèn đem quân chiếm giữ kho Ái Tử [huyện Triệu Phong, Quảng Trị], đắp lũy Cồn Cát để làm phản. Thái bảo sai người đến dỗ, nhưng không chịu nghe; bèn dùng Tuyên làm tiên phong, tự đem đại binh đi đánh. Hiệp và Trạch thua chạy, Tuyên đuổi bắt được đem dâng. Thái bảo trông thấy, chảy nước mắt nói : “Hai em sao nỡ trái bỏ luân thường?”. Hiệp và Trạch cúi đầu chịu tội. Thái bảo muốn tha, nhưng các tướng đều cho là pháp luật không tha được; bèn sai giam vào ngục. Hiệp và Trạch xấu hổ sinh bệnh chết. Nguyễn Khải nghe tin dẫn quân trở về. Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên thấy phía Trịnh vô cớ nổi binh, từ đấy không nộp thuế cống nữa.
Năm này Vua Thần tông nhà Minh băng, thái tử Quang Tông lên ngôi, được 6 tháng thì băng. Hy tông lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Khải. Vua Lê sai hai sứ bộ gồm chánh sứ Nguyễn Thế Tiêu và Nguyễn Cung, phó sứ là bọn Bùi Văn Bưu, Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Khuê, Nguyễn Tuấn sang tuế cống nhà Minh.
Đến tháng 11 năm sau, sứ bộ đến Yên Kinh, được ban thưởng và yến tiệc; tháng chạp trở về nước, nhà Minh cho Thông sự đưa tiễn đến trấn Nam Quan:
“Ngày 10 tháng 11 năm Thiên Khải thứ nhất [22/12/1621].Mệnh Tả Thị lang bộ Lễ Chu Đạo Đăng đãi Bồi thần An Nam yến tiệc.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 261.
“Ngày 16 tháng 12 năm Thiên Khải thứ nhất [27/1/1622]. Đô thống sứ An Nam Lê Duy Tân mất, con dòng đích Lê Duy Kỳ [Lê Thần Tông] sai bọn Bồi thần Nguyễn Thế Tiêu 42 người đến tiến cống bù cho 2 kỳ: năm Vạn Lịch thứ 39 [1611-1612] và năm Vạn lịch thứ 42 [1614-1615] Được ban thưởng theo lệ. Lệnh Thông sự bạn tống đến trấn Nam Quan, Quảng Tây để xuất cảnh.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 261.
Tháng 4 năm Vĩnh Tộ thứ 3 [21/5-19/6/1621], (Minh Hy Tông Thiên Khải năm thứ 1); tại Thuận Hóa bọn thổ mục Lục Hoàn [Lạc Hòn, Savannakhet] thuộc Ai Lao đem quân qua sông Hiếu, sang cướp bóc dân biên thùy. Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên sai Quận công Tôn Thất Hòa đi đánh. Hòa chia quân phục ở các đường trọng yếu, cho những lái buôn mua bán để nhử. Quả nhiên bọn người Lào đến cướp, kéo vào cửa động, phục binh nổi dậy, bắt được hết đem về. Thái bảo muốn lấy ân tín vỗ về người đất xa, sai cởi hết trói ra và cấp cho quần áo lương thực, răn dạy rồi thả về; quân Lào cảm phục, từ đấy không quấy phá nữa.
Tháng 8 năm Vĩnh Tộ thứ 4 [5/9-4/10/1622], (Minh Thiên Khải năm thứ 2); tại kinh thành Thăng Long trời mưa to, thành nội lở đổ đến 6, 7 chỗ, cộng hơn 30 trượng.
Tại phía nam, Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng sông Hiếu xã Cam Lộ [huyện Hướng Hóa, Quảng Trị] giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp, đều có đường thông đến đấy. Bèn cho đặt dinh, mộ dân chia làm 6 toán quân để coi giữ, gọi là dinh Ai Lao.
Mùa xuân năm Vĩnh Tộ thứ 5 [1623], (Minh Thiên Khải năm thứ 3), thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ bọn Phạm Phi Kiến 7 người. Tháng 4 [29/4-26/5/1623] thi Đình; bấy giờ Nguyễn Trật người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hoá ngầm mượn người làm bài, việc phát giác. Vua không bằng lòng, cho nên khoa ấy không cho treo bảng vàng
Tháng 6 [28/6/26/7/1623], Bình an vương Trịnh Tùng mắc bệnh, họp các quan bàn chọn người lập làm thế tử, cho con trưởng là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền, Xuân giữ chức phó. Xuân ấm ức không hài lòng, mưu nổi loạn, bèn phóng lửa đốt phố xá trong kinh thành. Tùng hay tin có biến động, gượng bệnh lên xe ra khỏi kinh thành, đến làng Hoàng Mai huyện Thanh Trì [Hà Nội], vào nhà riêng Trịnh Đỗ, rồi sai người giả vờ bảo Xuân vào hầu sẽ trao cho giữ binh quyền. Bấy giờ Xuân, miệng cắn cỏ, phủ phục ở sân. Tùng kể tội lỗi của Xuân. Trịnh Đỗ sai chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm giết chết Xuân. Trịnh Tráng rước nhà vua đi Thanh Hóa. Vì cớ con là Xuân nổi loạn, Tùng phải chạy vạy ở bên ngoài, bệnh nặng, mất ở chùa Thanh Xuân, huyện Thanh Trì.
Bấy giờ Mạc Kính Khoan tiếm hiệu là Long Thái, chiếm cứ Cao Bằng đã lâu, nghe tin có biến, mới tập hợp đồ đảng, nhân lúc sơ hở tiến thẳng tới Gia Lâm [Bắc Ninh], đóng quân ở vùng Đông Dư, Thổ Khối. Bọn hùa theo hưởng ứng có đến hàng vạn, lòng người rối động, dân trong vùng không được yên ổn.
Tháng 8 [26/8-23/9/1623], Thanh quận công Trịnh Tráng đích thân đem các quân tiến phát. Ngày 26 [20/9/1623], đại binh tiến đến sông Nhị, quân thuỷ, quân bộ ứng tiếp nhau, phá tan quân Mạc Kính Khoan ở vùng Gia Lâm, chém giết rất nhiều. Kính Khoan chỉ chạy thoát được một mình trốn vào rừng núi. Từ đấy, nhân dân trong nước lại được yên ổn như cũ. Thanh quận công Trịnh Tráng thấy trong nước đã yên, mới sai Bồi tụng Hộ bộ tả thị lang Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng với bọn Chưởng giám Thái bảo Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm về Thanh Hóa đón rước Vua ra kinh thành. Các quan đều chầu mừng. Ngày 11 tháng 11 [1/1/1624], Vua sách phong Tiết chế Trịnh Tráng làm Nguyên soái thống quốc chính Thanh đô Vương.
Năm Vĩnh Tộ thứ 6 [1624] (Minh Thiên Khải năm thứ 4). Sau khi Thanh đô vương Trịnh Tráng mang quân đánh đuổi bọn Mạc Kinh Khoan ra khỏi Gia Lâm; bèn tổ chức cuộc hành quân lớn nhắm tiêu diệt tàn dư đảng Mạc. Với danh nghĩa Lê Duy Kỳ [Lê Thần Tông], Trịnh Tráng điều 3 đạo quân, lực lượng tiền phong tiến đến lãnh thổ Trung Quốc, như Qui Thuận (1), Quảng Nam (2):
“Ngày 29 tháng 2 năm Thiên Khải thứ 4 [16/4/1624]. Đô thống sứ An Nam Lê Duy Kỳ xâm lăng lãnh thổ của Mạc Kinh Khoan, chia quân làm 3 đạo: một đạo đánh Cao Bằng, một đạo đánh Quy Thuận, một đạo đánh Quảng Nam. Đạo Quy Thuận giết 2 tù trưởng, con cả của Kinh Khoan tự tử; thê thiếp cùng con nhỏ 3 tuổi bị bắt. Kinh Khoan và con thứ trốn vào rừng rồi trở lại Cao Bằng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 262.
Viên Tuần phủ Quảng Tây thấy quân An Nam lăm le xâm phạm, bèn xin triều đình gia hạn quân tăng phái, để có đủ lực lượng bảo vệ:
“Ngày 17 tháng 5 năm Thiên Khải thứ 4 [ 2/7/1624]. Tuần phủ Quảng tây Hà Sĩ Tấn tâu :
“ Tuy Lê Duy Kỳ làm Đô thống sứ An Nam, nhưng quyền lực nằm trong tay Ðầu mục. Trịnh Tùng chết, các con là Đỗ [Tráng] (3) , Xuân tranh quyền; gây sự giết chóc, người An Nam sinh loạn. Mạc Kinh Khoan tại Cao Bằng thừa cơ mang quân vào; Duy Kỳ phải chạy ra biển. Tráng đánh bại bọn Khoan, Duy Kỳ trở về nhưng quyền lực nằm trong tay Tráng. Tráng hận Cao Bằng, bèn phong Hà Đôn làm Phó Tổng binh Lạng Sơn đánh họ Mạc, muốn xâm phạm Tuyên Hóa [huyện Tuyên Hóa, phủ Nam Ninh]. Quảng Tây binh lương yếu, năm trước tăng 5000 tên, xin được lưu lại tỉnh nhà. Lương hướng hơn 6 0.000 ( lạng bạc? ) dùng để cung cấp cho tân binh đến năm Thiên Khải thứ 2 thì dừng, nay xin gia hạn thêm đến năm thứ 4.”
Tấu chương này được đưa xuống bộ Hộ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 262.
Hà Đôn là thổ quan trước kia từng hợp tác đánh Mạc, nhưng y nhiều lần đánh phá các châu biên giới. Tuần phủ Quảng Tây cực lực phản đối; nên nhà Lê Trịnh đành cho Tù trưởng Lộc Châu giết Đôn đem nạp và trả lại đất:
“Ngày 29 tháng 5 năm Thiên Khải thứ 4 [14/7/1624]. Tù trưởng Lộc Châu An Nam Vi Đức Thành giết Hà Đôn đem dâng. Trước đây Hà Đôn vào đánh phá Thượng Tư [Quảng Tây], Bằng Tường (4); cướp đốt rất thảm, gây mối họa hơn 20 năm. Nay viên Tuần phủ truyền hịch cho An Nam, nên nước này giết được; những thôn động bị xâm lấn được trả lại.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 262.
Thanh Đô Vương Trịnh Tráng sai Công bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì và nội giám Phạm Văn Tri đến Thuận Hóa đòi thuế đất. Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên bảo rằng : “Hai xứ Thuận Quảng liền mấy năm không được mùa, dân gian túng đói, vì thế không nỡ thu thuế. Khi khác được mùa sẽ chở nộp cũng chưa muộn”. Sứ Trịnh bèn từ biệt về.
Tháng 5 năm Vĩnh Tộ thứ 7 [5/6-3/7/1625], (Minh Thiên Khải năm thứ 5). Mạc Kính Cung xưng niên hiệu Kiền Thống, cùng với cháu là Kính Khoan chia nhau chiếm cứ Cao Bằng. Chúng quấy phá các tỉnh Thái Nguyên, Yên Quảng và Lạng Sơn hơn 30 năm, hễ quan quân tiến đánh thì chạy trốn, khi quân rút về, lại hô hào nhau tụ hợp như cũ. Đến nay, triều đình hạ lệnh cho Quận công Trịnh Kiều Thống lãnh các quân chia đường càn quét, bắt được Kính Cung và đồ đảng là bọn Sùng, Lễ, đóng cũi đưa về kinh sư giết đi, Kính Khoan thua chạy, sai người dâng tờ biểu đến kinh sư xin đầu hàng. Triều đình y cho, phong cho Kính Khoan chức thái úy Thông quốc công, bắt bỏ hết ngụy hiệu, lại cho hết đời này đến đời khác trấn giữ đất Cao Bằng.
Tháng 8 [2/9-30/9/1625], bắt đầu sai quan khảo xét các cống sĩ có đức vọng trong nước, lấy bọn Nguyễn Nghi 27 người bổ nhiệm các chức.
Mùa đông, Đào Duy Từ vào nam phò nhà Nguyễn. Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa, thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn thuật số. Trước đó có khoa thi hương ở Thanh Hóa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, tước bỏ không cho vào thi. Duy Từ buồn bực một mình vào Nam. Sau được Khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa cho là người có mưu trí, bèn gả con gái cho và tiến cử lên Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm Vĩnh Tộ thứ 8 [1626], (Minh Thiên Khải năm thứ 6). Nhà Lê sai chánh sứ là Nguyễn Tiến Dụng, Trần Vĩ, phó sứ là bọn Đỗ Khắc Kính, Nguyễn Tự Cường, Bùi Tất Thắng, Nguyễn Lại, chia thành hai sứ bộ sang cống nhà Minh. Các sứ bộ đến Bắc Kinh vào tháng 7:
“Ngày 23 tháng 7 năm Thiên Khải thứ 6 [ 13/9/1626]. Lê Duy Kỳ, con dòng đích của Đô thống sứ An Nam Lê Duy Tân, sai bọn Sứ thần Nguyễn Tiến Dụng đến cống bù các sản vật địa phương.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 263.
Bấy giờ tình hình tại miền bắc đối phó với họ Mạc tương đối tạm ỗn; họ Trịnh bắt đầu lăm le đe dọa đến họ Nguyễn tại phương nam. Vào tháng 8 [20/9-19/10/1626], Thanh đô Vương Trịnh Tráng sai Thái bảo Nguyễn Khải và Thiếu bảo Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân đóng đồn ở xã Hà Trung [thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh] lập kế xâm lấn miền Nam.
Tháng 10 [19/11-18/12/1626], Trịnh Tráng sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bản vâng sắc dụ vua Lê đến đòi số thuế từ năm Giáp Tý [1624] về sau và mời Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên đến Đông Đô. Thái bảo đem lời từ chối.
Tháng giêng năm Vĩnh Tộ thứ 9 [16/2-16/3/1627], (Minh Thiên Khải năm thứ 7). Thanh đô vương Trịnh Tráng muốn mang quân xâm lấn miền Nam, nhưng sợ không có cớ, bèn sai Lê Đại Nhậm phụng sắc vua Lê sang dụ phía Nguyễn cho con vào chầu và đòi nộp 30 thớt voi đực, 30 chiếc thuyền đi biển, để dùng vào lệ cống triều Minh. Thái bảo Nguyễn Phúc Nguyên phản đối bảo rằng lệ nước ta sang cống triều Minh chỉ có vàng và kỳ nam thôi. Họ Trịnh tức giận bèn phát quân. Kể từ đây trong nước ta có hai tập đoàn Trịnh, Nguyễn ra mặt tranh dành nhau; để tiện xưng hô, gọi kẻ đứng đầu là Chúa Trịnh, hoặc Chúa Nguyễn; riêng Vua Lê trở thành bù nhìn, bị Chúa Trịnh sai khiến.
Tháng 3 [16/4-14/5/1627], Chúa Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi kèm, mượn tiếng xem xét địa phương, cho quân thủy bộ đều tiến. Tướng Trịnh là Nguyễn Khải bày dinh ở bắc sông Nhật Lệ [Đồng Hới, Quảng Bình].
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Tôn Thất Vệ làm tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến, lĩnh quân bộ ra chống cự; lại sai con thứ tư là Trung chỉ huy quân thủy để tiếp ứng. Quân hai bên đối lũy nhau. Tiên phong của Trịnh là Lê Khuê đem kỵ quân ra cướp trận. Quân Nguyễn bắn đại bác, quân Trịnh sợ lui. Đêm ấy quân thủy lại thừa cơ nước triều lên, bắn vào dinh Nguyễn Khải, khiến quân Trịnh rối loạn. Trịnh Tráng tiến đến, thế binh rất mạnh, quân Nguyễn thua, quân Trịnh thừa thắng tranh cướp của cải. Quân Nguyễn đem tượng binh đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh chết nhiều. Hữu Dật lại bàn mưu với Trương Phước Da sai gián điệp phao đồn rằng anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Chúa Trịnh nghe tin lấy làm ngờ, bèn rút quân về.
Khám lý Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận, từ Hoài Nhân đến mừng và tiến cử Đào Duy Từ. Duy Từ nhân dịp trình bày chiến lược, quân cơ. Chúa Nguyễn rất vui long, tức thì trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân trong ngoài và tham lý quốc chính.
Tháng 8 [9/9-8/10/1627], nhà Lê cho thi Hương sĩ nhân các xứ. Vua Hy Tông nhà Minh mất, người em là Chu Do Kiệm lên ngôi, tức Vua Tư Tông, đổi niên hiệu là Sùng Trinh.
Tháng 2 năm Vĩnh Tộ thứ 10 [6/3-3/4/1628], (Minh Sùng Trinh năm thứ 1); Vua cho thi Hội, Lấy đỗ bọn Giang Văn Minh 18 người. Tháng 4 [4/5-1/6/1628] thi Đình. Vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi việc thiên hạ và chính sách của triều đình. Cho Giang Văn Minh đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, bọn Dương Cảo 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Phi Hiển 14 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 4 năm Vĩnh Tộ thứ 11 [23/4-22/5/1629], (Từ tháng 4 trở đi đổi là Đức Long năm thứ nhất; Minh Sùng Trinh năm thứ 2); trời hạn hán, dân đói to. Vua đổi niên hiệu là Đức Long năm thứ 1.
Vào tháng 4 nhuần, bè đảng Mạc Kính Khoan đánh phá Lôi Châu, rồi rút. Đến tháng 6, Mạc Kính Mão lại mang quân cướp phá châu Khâm:
“Ngày 21 tháng 4 nhuần năm Sùng Trinh thứ 2 [ 12/6/1629]. Mạc Kinh Khoan nước An Nam đánh Lôi Châu [Quảng Đông] rồi rút lui trốn.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 265.
“Ngày 20 tháng 6 năm Sùng Trinh thứ 2 [ 8/8/1629]. Mạc Kinh Mão nước An Nam cướp phá châu Khâm (5). Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 265.
Tháng 10 [15/11-14/12/1629], Vua Lê tiến phong Thanh đô vương Trịnh Tráng là Đại nguyên soái thống quốc chính sư phụ Thanh vương. Lại theo lời Tráng, sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc tiến phong chúa Nguyễn làm Tiết chế Thuận Hóa Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó quốc công. Chúa triệu các quan họp bàn. Có người nói : Sắc mệnh của vua Lê không thể không nhận. Có người nói : Nhà nước ta có riêng bờ cõi, đời đời truyền nối, há còn đợi ai phong nữa. Đào Duy Từ thưa rằng :
“Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên đã gây thì không phải là phước cho sinh dân. Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sĩ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ không ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa”.
Chúa khen phải, rồi hậu đãi sứ Trịnh và nhận sắc.
Bấy giờ Văn Phong trấn thủ đất Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phước Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên. (Khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên).
Tháng 5 năm Đức Long thứ 2 [11/6-9/7/1630], (Minh Sùng Trinh năm thứ 3); Vua lấy con gái của Thanh vương Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc, rồi lập làm Hoàng hậu. Trước đây, Ngọc Trúc đã lấy bác họ Vua là Cường quận công Lê Trụ sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục; Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Triều thần là bọn Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can, nhưng Vua không nghe.
Tháng 8 [7/9-5/10/1630], mở khoa thi Hương cho sĩ nhân các xứ.
Tháng 10 [4/11-3/12/1630], nhà Minh sai hai sứ bộ sang đòi lễ cống. Ban yến cho sứ thần ở bến Đông Hà. Vương thân đến lầu Giảng Võ, trưng bầy các đồ cống hiến cho sứ thần nhà Minh xem, nhân thể dàn bày nhiều thuyền ghe, voi ngựa ở bờ sông để khoe binh uy, tỏ ra là cường thịnh.
Tháng 11 [4/12/1630-1/1/1631], sai chánh sứ là Trần Hữu Lễ và Dương Trí Trạch, phó sứ là bọn Nguyễn Kinh Tế, Bùi Bỉnh Quân, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ chia làm hai sứ bộ, sang tuế cống nhà Minh.
Hơn một năm sau sứ bộ đến Yên Kinh, được ban yến tiệc:
“Ngày 1 tháng 2 năm Sùng Trinh thứ 5 [21/3/1632]. Ban cho Sứ thần nước An Nam yến. Mệnh Thượng thư bộ Lễ Hoàng Nhữ Lương làm chủ tiệc.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 266.
Tại phía nam, Đào Duy Từ dâng kế đắp lũy Trường Dục tại huyện Phong Lộc, Quảng Bình [Đồng Hới]; lũy dài, trên từ chân núi Trường Dục, xuống dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất đặt chỗ hiểm để vững biên phòng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên theo kế ấy, vào tháng 3 [13/4-11/5/1630] huy động đông quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong.
Chúa lại hỏi Duy Từ về kế trả lại sắc. Duy Từ thưa rằng : “Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc vào trong, ngoài sắm đủ vàng bạc lễ vật, lấy tướng thần lại là Văn Khuông làm sứ đi tạ ơn.”
Khi đến thành Đông Đô, Văn Khuông bưng mâm đồng đầy vàng bạc dâng; Chúa Trịnh Tráng nhận. Văn Khuông ngay hôm ấy lẻn ra cửa đô thành, vượt biển trở về. Người phía Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy lấy làm lạ, tách ra xem thì ở trong thấy một đạo sắc và một tờ thiếp viết : “Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích. ái lạc tâm trường, lực lai tương địch” đem trình lên. Tráng hỏi bầy tôi, đều không ai hiểu được. Thiếu úy Phùng Khắc Khoan nói rằng : “Đó là ẩn ngữ “Dư bất thụ sắc” tức “Ta chẳng nhận sắc”(6). Tráng giận lắm, sai người đuổi bắt Văn Khuông, nhưng không kịp.
Tháng 9 [6/10-3/11/1630], bắt đầu lấy châu Nam Bố Chính [vùng sông Gianh, Quảng Bình], lập làm dinh Bố Chính, biên dân làm binh, đặt 24 đội thuyền, sai Trương Phước Phấn trấn giữ.
Tháng 11, ngày Giáp Thân [12/12/1630], vợ cả Chúa Nguyễn là Nguyễn Thị Băng mất; thọ 53 tuổi, tặng hiệu là Doanh Cơ; an táng ở xã Chiêm Sơn, thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Thị Băng là con gái cả Mạc Kính Điển, trước kia Kính Điển bại vong, theo chú là Cảnh Huống ẩn ở chùa Lam Sơn, rồi được tiến làm vợ.
Tháng giêng năm Đức Long thứ 3 [1631] (Minh Sùng Trinh năm thứ 4); Hiến sát phó sứ Thuận Hoá là Vũ Chân trở về triều đình. Chân người xã Bình Lãng Thượng, huyện Thiên Lộc [Hà Tĩnh]. Trước đây bị Nguyễn Hoàng ngăn trở, trải 18 năm, đến nay mưu với Mậu Lương hầu Bùi Văn Tuấn đi đường tắt về triều. Chúa Trịnh hỏi việc phiên trấn xa, ban thưởng rất hậu, rồi cho Chân làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên, ban cho mũ, đai, triều phục; cho Văn Tuấn tước Mậu quận công.
Tháng 3 [2/4-30/4/1631], thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Minh Triết 6 người. Vào thi Đình, vua đích thân ra đầu đề văn sách; cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ cập đệ tam danh, bọn Lê Biện 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Danh Thọ 3 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân. Chính phi của Chúa Trịnh là Nguyễn Thị Ngọc Tú chết, Phi là con gái Nguyễn Hoàng.
Tháng 11 [23/11-22/12/1631], sai Bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc phó tướng Tây quận công Trịnh Tạc thống lĩnh tướng sĩ bản bộ trấn giữ xứ Nghệ An.
Tại miền Nam vào tháng 8 [27/8-25/9/1631], lũy Nhật Lệ đắp xong. Lũy cao 1 trượng 5 thước [1 trượng=4 mét, 1 thước =0.4 mét], ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc. Lại đặt xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ và Minh Linh [Nhật Lệ là cửa Đồng Hới, Minh Linh là cửa Tùng, Quảng Trị].
Đặt ty Nội pháo tượng (7) và hai đội Tả Hữu pháo tượng. Lấy dân hai xã Phan Xá, Hoàng Giang thuộc huyện Phong Lộc [huyện Quảng Ninh, Quảng Bình] lành nghề đúc súng sung bổ vào. Việc đúc đại bác, mỗi khẩu dùng 12 khối sắt, 10 cân gang, tiền than 3 quan 5 tiền. Đúc súng tay thì cứ 10 cây dùng 30 khối sắt, 30 cân gang, 10 quan tiền than.
Tháng giêng năm Đức Long thứ 4 [20/2-20/3/16321632], (Minh Sùng Trinh năm thứ 5); truy tôn Vua cha Giản Huy Đế làm Kính Tông Huệ Hoàng Đế, rước thần chủ vào Thái miếu để thờ. Trước kia, Giản Huy đế mưu giết Trịnh Tùng, bị Tùng giết chết và truất đi không được phụ thờ ở thái miếu; đến nay truy tôn là Hiển nhân dụ khánh tuy phúc Huệ hoàng đế, miếu hiệu Kính Tông, phụ thờ ở thái miếu.
Ngày 16 tháng 3 vào giờ Dậu [17-19 giờ ngày 4/5/1632], có nguyệt thực. Google xác nhận sự kiện, chép “Nguyệt thực từng phần xãy ra vào ngày thứ Ba 4/5/1632, tối đa lúc 12:13” (A partial eclipse of the Moon occurred on Tuesday 4 May, 1632 UT [Universal Time ], with maximum eclipse at 12:13 UT).
Tháng 3 năm Đức Long thứ 5 [8/4-7/5/1633], (Minh Sùng Trinh năm thứ 6); sai bọn Trần Vỹ, Nguyễn Tiến Dụng, Nguyễn Thọ Xuân, Thân Khuê lên trấn Nam Quan đón tiếp sứ thần về nước, và sai Thái bảo Quảng quận công Trịnh Hàng thống lĩnh voi ngựa quân lính, đi hộ vệ. Sứ bộ 2 năm trước sang cống triều Minh; ngày 20 [27/4/1633], bọn Bồi thần Trần Hữu Lê, Dương Trí Trạch, Nguyễn Kinh Tế, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ về đến Kinh sư vào lạy chào; riêng Phó sứ Bùi Bỉnh Quân chết tại Trung Quốc.
Bấy giờ con thứ ba của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Anh trấn giữ Quảng Nam , ngầm mang lòng bội phản; viết mật thư hẹn Chúa Trịnh Tráng đem quân vào xâm lấn, hễ nghe tiếng súng nổ, Anh tức khắc ứng viện ở bên trong.
Tháng 12 [31/12/1633-28/1/1634], Chúa Trịnh dẫn vua Lê đi, tự thống lĩnh đại quân thủy bộ thẳng tới cửa biển Nhật Lệ. Chúa Nguyễn sai đại tướng Nguyễn Mỹ Thắng và đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đem quân chống cự. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều xin đóng cọc gỗ để chặn của biển. Nguyễn Hữu Dật xin đắp lũy Trường Sa để bảo vệ lũy chính; Chúa đều theo cả. Quân Trịnh bắn súng làm hiệu. Không thấy Anh đến tiếp ứng. Tráng ngờ, lui quân xa lũy để chờ. Hơn một tuần, quân Trịnh chán nản, quân Nguyễn xông ra đánh mạnh. Quân Trịnh vỡ chạy, chết quá nửa. Chúa Trịnh bèn sai Nguyễn Khắc Liệt giữ châu Bắc Bố chính, rồi rút quân về.
Ngày rằm tháng 2 năm Đức Long thứ 6 [14/3/1634], (Minh Sùng Trinh năm thứ 7); có nguyệt thực. Google xác nhận sự kiện, chép như sau “Nguyệt thực từng phần xãy ra vào ngày 14/3/1634; tối đa lúc 20:51” (A partial eclipse of the Moon occurred on Tuesday 14 March, 1634 UT, with maximum eclipse at 20:51 UT).
Tháng 3 [29/3-26/4/1634], thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ bọn Nguyễn Nhân Trứ 5 người. Đến kỳ thi Đình, Vua thân ra đầu đề văn sách, cho Vũ Bạt Tuỵ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Nhân Trứ 4 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Chú thích:
1.Qui Thuận: tức Tĩnh Tây, phía bắc biên giới tỉnh Cao Bằng.
2.Quảng Nam: hiện nay còn huyện Quảng Nam, thuộc Văn Sơn Tráng tộc, Miêu tộc Tự Trị Khu, thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam.
3. Theo Toàn Thư, Trịnh Tráng và Trịnh Xuân tranh quyền, cuối cùng Trịnh Tráng được nối nghiệp cha là Trịnh Tùng. Vậy tên Đỗ chép trong văn bản này tức Trịnh Tráng.
4.Bằng Tường: nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.
5. Châu Khâm vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.
6. “Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích. ái lạc tâm trường, lực lai tương địch”; giải thích như sau:
Mâu nhi vô dịch, do chữ mâu矛không có nách, là chữ dư 予; là (ta)
Mịch phi kiến tích, chữ mịch覓 không có chữ kiến, là chữ bất 不; là (chẳng)
Ai lạc tâm trường, chữ ái 愛 rơi mất chữ tâm thành chữ thụ 受;là (nhận)
Lực lai tương địch: Chữ lực 力 và chữ lai ghép lại, thành chữ sắc敕.
Góp lại thành câu “ta chẳng nhận sắc”
7.Nội pháo tượng : thợ đúc súng ở trong nội phủ.