Tự do để chết và tự do trong cõi chết là có thể thốt lên tiếng “không” thiêng liêng khi không còn chấp nhận nữa (Nietzsche, Zarathoustra đã nói như thế)
Tác giả: Elena Pucillo Truong
(NXB Tổng Hợp tp HCM - Tháng 3-2018)
Tác giả: Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong
(NXB Tổng Hợp tp HCM - Tháng 7-20 24)
Tôi thảng thốt khi đọc những giòng cuối của truyện ngắn sáu trang giấy của Elena Pucillo Truong trong tập truyện VÀNG TRÊN BIỂN ĐÁ ĐEN, có một tên thật mỹ miều “Con chim nhỏ trong lồng”. Một cái tên không hứa hẹn một câu chuyện quá bi thương:
“Chỉ vài giây thôi!Tôi nhoài người, bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác”
@
“…Được yêu thương… cho tới lúc chồng còn sống… Còn sau đó… thì tôi sống mà như đã chết… sống như kẻ lạ mặt trong nhà của mình vì đứa con dâu mới thật là bà chủ” (Con chim nhỏ trong lồng). Mọi quyền lực, mọi yêu thương dần xa và chốn kỷ niệm xưa cuối cùng đã xóa không luyến lưu trong mắt vợ chồng người con trai một thời yêu dấu. Trong mắt họ bà chỉ là một vật cản cần phải cưu mang. Họ sẽ đưa bà theo về một căn phòng tầng mười lăm trên chung cư mới.
Một chiếc va li nhỏ đang mở sẵn. Những thước phim cũ đang nhòa nhạt theo cơn đau thắt. Tất cả đều là những dấu kỷ niệm một thời vàng. Chọn lựa gì để vừa đủ chất chứa trong hành trang nhỏ bé này. Cuối cùng, bà chỉ lấy một khung ảnh kỷ niệm đã theo bà từ ngày cưới và thờ thẩn lên đường trong cơn đau giấu kín và cõi lòng rỗng không. Thế giới nhỏ không có đủ chỗ cho bà. Một người cô đơn trong cuộc sống và cả trong sự đồng cảm yêu thương.
Trong bốn bức tường trong lồng cao, không có chốn riêng cho bà mà chỉ còn là chiếc giường. Giang sơn của bà là một chiếc giường cũng lặng câm như bà, nơi đó, hàng ngày bà lặng lẽ ngồi bất động trầm tư. Bà đã chán cái nhìn từ xa dõi theo thế giới động đậy hàng ngày từ khung cửa sổ, “nhìn những con người và đồ vật liên tục chuyển động giống đàn kiến hấp tấp, vội vã trước cơn mưa chiều” (Con chim nhỏ trong lồng).
Một tháng căng mắt nhìn suốt đêm dài, ôm khung ảnh như chút hơi ấm cuối cùng còn vương lại để sưởi nỗi đời. Một ngày, người con trai không còn chịu nổi thốt lên: “ Đủ rồi, con không thể nào sống như thế này được! Con còn phải đi làm và cần phải ngủ. Má phải bỏ cái tật đi lung tung khắp nhà như một mụ điên!” (Con chim nhỏ trong lồng). Bà đổ sụp xuống ghế và “hiểu-là-mình-vẫn-còn-có-thể-làm-thêm-điều-nữa-cho-nó và có-lẽ-cũng-là-làm-cho-chính-mình” (Con chim nhỏ trong lồng).
Bà bỗng nở nụ cười từ lâu không còn trên môi, bỏ khung hình nhỏ vào túi áo nhìn vầng trăng tuyệt đẹp trên bầu trời, “nhoài người, bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác” (Con chim nhỏ trong lồng).
@
Sự cô độc chính là sự thiếu tương tác và vắng đi sự cảm thông. Tiếc thay vẫn là nhược điểm của nền văn minh cơ giới hiện nay. Người già vốn chỉ tự nói với mình những chịu đựng trống vắng, còn người trẻ thì trở nên nông nổi tuôn ra những lời cay cú để trút bực dọc sau cuộc mưu sinh. Paul Auster trong quyển Khởi sinh của cô độc đã viết: Trong bóng tối của nỗi cô độc là cái chết, chiếc lưỡi cuối cùng cũng nới lỏng ra, và vào khỏanh khắc nó bắt đầu lên tiếng nói, đã có một câu trả lời ( Paul Auster, Khởi sinh của cô độc) Ông nói ra sự cô độc như một sự kế thừa, bởi người già thì không nói đến sự cô đơn, họ lặng lẽ quan sát và chịu đựng, và người trẻ thì thiếu kinh nghiệm tuổi già. Rồi đến lượt người con bước vào tuổi thu tàn. Họ câm lặng thu mình gói nỗi niềm và thấm thía chuyện người cha người mẹ năm xưa. Đó là bi kịch đời.
Elena Pucillo Truong là một người quảng giao, có cái nhìn sắc bén về những mệnh đời quanh mình. Tất cả những người Elena gặp đều là bạn, dù cho họ có một số phận nghiệt ngã trong cuộc sống. Và Elena có cách sống hết mình cho từng trường hợp. Khi cần nghiêm trang, Elena như một nhà thuyết giáo. Trong đời thường Elena thoải mái đùa vui.
Trong văn chương, Elena nghiêm chỉnh quan sát từng mảnh đời, không tô hồng sự việc. Nếu cần, có thể nghiệt ngã với nhân vật mình để đánh động xã hội. Cách giải quyết cho người mẹ trong truyện này như một giọt nước cuối cùng để tỉnh thức cho những người con có lời lẽ cay nghiệt không cân nhắc nghĩ suy.
Vốn là Tiến sĩ Văn Học và Ngôn ngữ Nước Ngoài của Đại Học Milan cộng thêm sở trường về tâm lý nhân vật, Elena viết những câu chuyện về đời thường, nhưng luôn đọng lại trong người đọc một tình người, một tính nhân văn sau mỗi câu chuyện, nhất là về gia đình.
@
Tất cả những truyện của Elena đều là những mảnh đời có thật đâu đó trên cõi sống này, nhưng tôi chọn truyện này để nhấn thêm sự xao động. Để cảnh báo mọi người một điều có thật, một bi kịch có thật. Và có thể xảy đến cho bất cứ gia đình nào. “Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa”. Tôi đã xôn xao biết bao khi đọc chữ cuối cùng và mường tượng cái cười mang theo của người mẹ rơi rụng giữa từng không. Tầng thứ mười lăm không phải tầng mười địa ngục. Tiếc thay nỗi đời.
04-04-2018