Đọc “10 truyện ngắn hay năm 2019” Báo Văn nghệ Hội Nhà Văn, phụ bản số tết canh tý năm 2020, thấy có truyện hay, có truyện thường, nhưng theo tôi, xuất sắc nhất là truyện ngắn “Hạnh phúc không ở thiên đường” của Trần Thái Hưng, một tác giả trẻ, sinh năm 1990, quê Hải Phòng, nghề nghiệp Kỹ sư.
Với phong cách nghệ thuật hậu hiện đại, Trần Thái Hưng kể chuyện một cách tự nhiên, không tự sự chủ quan, không bày tỏ cảm xúc, thái độ về sự vật, hiện tượng, không xây dựng cốt truyện, không phân tuyến nhân vật. Truyện bao gồm những lát cắt của đời sống và những mảnh đời riêng lẻ, rời rạc của 5 nhân vật: bố, mẹ, anh trai, em gái, đặt trong không gian hẹp của một căn hộ gia đình.
“Thiên đường” là danh từ chỉ nhà vệ sinh ở tầng một trong góc cuối cùng của căn nhà, nó rất sạch sẽ vì được bố lau dọn suốt ngày. Nó trở thành nơi thân thiết nhất của các thành viên trong gia đình, đặc biệt từ khi nhà vệ sinh tầng 2 bị tắc, lềnh phềnh chất thải, nhưng gọi mãi mà đội hút bể phốt vẫn chưa đến giải quyết nên cả gia đình dùng chung cái thiên đường ấy, và nó trở thành hình ảnh trung tâm của truyện ngắn này. Các nhân vật sử dụng cái thiên đường ấy không chỉ để tống khứ các chất cặn bã trong cơ thể của quy trình dị hóa của bản năng sinh tồn thì họ còn tận dụng nó như một nơi an toàn nhất để sống những giây phút tự do cá nhân tuyệt đối.
Bố có bằng tiến sĩ, từng là nhà khoa học hàng đầu. từng nghiên cứu phân tử X có thể tạo ra những xung năng lượng tương ứng với bộ não của con người. Ông khẳng định đề tài khoa học của ông là có căn cứ, nhưng lại bị đồng nghiệp cho là viển vông, tâm thần và bị đình chỉ. Bố trở về nhà đọc sách, viết hồi ký và tưởng tượng ở trong nhà vệ sinh, thiên đường của riêng ông, chẳng cần quái gì cái Viện nghiên cứu chậm tiến bộ và bảo thủ ấy nữa. Đáng buồn là Mẹ và cả nhà đều tin là bố bị tâm thần, chỉ duy nhất một người hiểu bố, tôn trọng bố đó là bà giúp việc. Bố đọc hết bảy cuốn sách về thiền định, đạt đến cảnh giới ngủ ngồi chứ không ngủ nằm, có khi ngồi thiền trên bồn cầu và bố vẫn còn nhiều tạp niệm… Bố buồn vì những giấc mơ không thành. Bố hận thằng Viện phó không chấp nhận công trình phân tử X. Bố khóc vì cô đơn, khóc ở thiên đường và nhiều khi nghĩ đến cái chết. Bố từng viết thư tuyệt mệnh, viết hồi ký, từng suy nghĩ về những phương cách tự tử như nhảy cầu, lao vào ô tô, uống thuốc ngủ…
Mẹ rất giỏi, biết 3 thứ tiếng, làm trợ lý giám đốc, lương tháng vài nghìn đô, nuôi cả nhà. Mẹ nói gì cũng coi như là chân lý. Mẹ không quan tâm đến bố làm gì, nghĩ gì. Mẹ bảo, bố: “Làm gì không quan trọng, quan trọng là bị tâm thần”. Mẹ tóc quấn lọn, son môi đỏ thắm, áo trễ ngực, sực nức nước hoa và hay đi công tác với sếp. Mẹ thường về nhà rất khuya, say mèm, rũ rượi nôn mửa ra thiên đường, cào cấu da thịt bố, mê dại gọi tên người tình. Mẹ là người quyền lực nhất trong nhà. Đến cái bồn cầu tầng 2 bị tắc cả tuần lễ, mọi người gọi đội hút bể phốt mãi không được lại phải cậy đến mẹ. Mẹ nói “cái gì tắc thì thông”…
Anh trai tốt nghiệp đại học loại trung bình, tương lai vẫn rộng mở vì có mẹ soi đường chỉ lối. Mẹ bảo chờ tay trưởng phòng tài chính nghỉ hưu, tay phó phòng sẽ lên thay, tay này hứa sẽ giúp con trai mẹ vào chức phó phòng… Anh trai không phải lo nghĩ gì, giành nhiều thời gian rảnh rỗi chơi game và xem phim đen, say sưa ngắm hình ảnh đôi thanh niên nam nữ ngoại quốc quằn quại quấn riết nhau để lấy cảm hứng và thủ dâm nhiều lần tại thiên đường.
Em gái học lớp 12, thường ngồi trên bồn cầu nhắn tin cho bạn trai cùng trường, tên facbook là Long Trai Đẹp, với những nội dung yêu đương tuổi học trò, vừa xé giấy vệ sinh vừa tủm tỉm cười. Tại thiên đường, em gái hàng ngày nhắn tin, gọi video cho Long Trai đẹp, tự do sống với cảm xúc vui buồn riêng tư, khi thì cười khúc khích, khi thì khóc lóc…
Có thể nói mỗi nhân vật trong gia đình là một tiểu hành tinh riêng lẻ, vận hành theo một quỹ đạo riêng, không có sự liên kết với nhau. Nếu lúc nào đó họ ngồi bên nhau, trong bữa cơm thường nhật, thì mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng và những câu chuyện rời rạc không thể kết nối họ với nhau.
Cuối cùng thì mỗi nhân vật phải chấp nhận sự thật của mình:
- Sự thật về bố: Bố chết tại thiên đường (bồn cầu). Thiên đường của bố không còn là thiên đường nữa, nhưng có một sự thật mở ra, là, có những thiên đường khác đã và đang bắt đầu.
- Sự thật về mẹ: Người mẹ giỏi giang đã bị đuổi việc. Công an kinh tế đến tận nhà để điều tra vì mẹ liên quan đến vụ biển thủ công ty của tay Phó phòng tài chính.
- Sự thật về anh trai: Anh trai phải đi cấp cứu trong một lần thủ dâm ở thiên đường… Bác sĩ bảo chưa chết được, nhưng phải nằm viện một thời gian để điều trị bệnh suy thận cấp. Để lâu là hỏng, là toi.
- Sự thật về em gái: Em gái đã chặn facebook của Long Trai đẹp và suốt ngày than thở trên facebook của mình về những yêu thương vụn vỡ, dối trá của đàn
ông và nỗi cô đơn tuyệt vọng.
- Cuối cùng là sự thật về cái bồn cầu bị tắc: Đội hút bể phốt chuyên nghiệp đã chứng minh nguyên nhân là do cái que thử thai của em gái.
Trần Thái Hưng viết truyện ngắn “Hạnh phúc không ở thiên đường” bằng một giọng văn hết sức tỉnh táo, một cái nhìn chân thực, không biểu tượng và sắc lạnh đến đau đớn. Khi tư tưởng tự do cá nhân lên ngôi thống trị đời sống, con người trượt dài trong những đam mê mù quáng sẽ không tránh khỏi những bi kịch số phận. Đó cũng là lời cảnh báo đối với sự suy yếu, tan rã những giường mối cấu trúc của hình mẫu gia đình truyền thống làm lung lay nền tảng xã hội.
Đúng như tự bạch của Trần Thái Hưng: “Tôi viết không phải để bi lụy hay khiến độc giả cực đoan thêm, tôi viết với hy vọng sự thay đổi, hy vọng một thế giới sống chậm lại, công bằng và tốt đẹp hơn”.