Mùa Xuân năm 2025 này là tròn 50 năm thống nhất nước nhà, non sông liền một dải. Những thế hệ sinh ra, lớn lên trong bom đạn chiến tranh, rồi trực tiếp đi vào chiến trận như nhà văn Châu La Việt (Lê Khánh Hoài) nay cũng đã bước qua tuổi thất thập của đời người. Hòa bình vãn hồi trên quê hương đất nước nửa thế kỷ rồi, những vết thương chiến tranh nay đã liền da, nhưng ký ức về nơi sinh ra trong cánh rừng kháng chiến; lớn lên, trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh; kỷ niệm về lần đầu được gặp người cha sau bốn mươi năm cách xa chân trời góc bể… như vẫn còn đây trong trái tim người lính - nhà báo, nhà văn Châu La Việt. Lần giở từng trang viết, nghe từng câu chuyện kể của anh, tôi mới thấy rằng, có một thời khi đất nước còn chia đôi, có những con người mà số phận như có một con sông Bến Hải chảy qua…
Còn nhớ ngày ra sân bay Tân Sơn Nhất đón cha vào năm 1993, Lê Khánh Hoài thấy tâm trạng bồn chồn. Chỉ còn giây lát nữa thôi, anh sẽ được gặp cha - người cha mà từ khi sinh ra trên cõi đời này anh chưa một lần biết mặt. Người cha mà trong tiếng hát của mẹ anh có cả tình yêu xen lẫn nỗi đớn đau. Người cha mà anh đã âm thầm hướng về từ những bước chân đơn côi bởi gió lạnh từ những cung đường Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ. Những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, người lính trẻ là anh cứ chạy hun hút giữa những con hẻm nhỏ giăng mắc tìm cha.
Bốn mươi năm khổ đau và chờ đợi.
Khi nhân viên thông báo tin tức hàng không thông báo máy bay đã hạ cánh, trái tim Hoài như bóp nghẹt. Một tay anh phải vịn vào lan can để có thể đứng vững.
Bốn mươi năm chờ đợi, từ cái thuở anh còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ nơi cánh rừng, khi ba mẹ anh đều là những nghệ sĩ kháng chiến. Rồi ba anh bỗng nhiên đột ngột ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả. Từ cái thuở dòng Bến Hải bị cắt chia đôi miền, ngay giữa quê của ba mẹ anh, và bàn chân mồ côi của anh chập chững những bước đi đầu tiên. Cũng đôi chân ấy một ngày băng băng trên những triền núi Trường Sơn khi anh là một chiến sĩ, và ba anh thuộc về chiến tuyến bên kia.
Bốn mươi năm, bao “can qua gió thổi”, nhưng rồi cũng có lúc này đây, hệt như lời bài hát ru con mà mẹ anh thường hát: “Đến mùa xuân, trong cơn nắng ấm/ Cha con về, cha con về…/ Con nắm tay cha/ Hỡi chàng là chàng ơi, hỡi người là người ơi”.
Đoàn hành khách từ sân bay bắt đầu bước ra. Mắt Hoài như dán vào cửa ra vào. Rồi ba anh - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất hiện. Dẫu chưa một lần gặp nhưng anh biết ngay đấy là ba mình, cái người đàn ông đang sững sờ nhìn xung quanh và lao đến bên Hoài, ôm choàng lấy anh. Hoài cũng ôm choàng lấy ba, nghe trên vai, trên tóc những dòng nước mắt nóng bỏng. Anh không thể phân biệt đâu là nước mắt của ba, của anh, hay của bà con họ Hoàng đang vây kín xung quanh và ai cũng khóc khi chứng kiến cuộc gặp gỡ hai cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Những người có mặt tại sân bay hôm đó cũng ứa lệ trước cảnh trùng phùng của cha và con, ông và cháu, anh em họ hàng. Chiến tranh, ly loạn, chia cắt, rất nhiều nơi trên dải đất chữ S này đã từng xảy ra bao cuộc chia ly rồi đoàn tụ sau cả mấy chục năm trời kể từ ngày đất nước thống nhất.
Hôm ấy, thời khắc ấy không một lời nói, không một âm thanh, chỉ có nóng hổi những dòng nước mắt ngày đoàn tụ. Trong Hoài thổn thức những xúc cảm khó tả: “Bốn mươi năm, ba ơi! Đây là lần đầu tiên trong đời con có một người đàn ông để con gục đầu vào ngực. Đây là lúc dòng sông Bến Hải không còn chảy qua giấc ngủ mồ côi của con nữa. Đây là lúc không còn chiến tuyến bên này hay chiến tuyến bên kia của một thời dĩ vãng. Chỉ còn là cha con mình, ba nhỉ”.
Đêm gặp gỡ ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong đời hai cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được ở bên nhau. Sau khi khép cửa phòng, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ quay lại nhìn thẳng vào mắt Hoài, giọng đầy nghiêm trang và xúc động:
- Bốn mươi năm qua ba đã đẻ ra con mà không nuôi con. Con hãy nói thật với ba, giờ đây con mong muốn gì nhất ở ba?
Giọt nước mắt lăn dài trên má anh. Suốt từ tấm bé đến nay cũng đã nửa đời người, đã có mấy ai hỏi anh trìu mến như thế. Thấy anh ngồi im lặng vì đang cắn môi cho nước mắt khỏi trào ra, nhạc sĩ lại giục giã:
- Con hãy nói đi. Bây giờ con muốn nhất điều gì ở ba? Ba có thể chăm lo gì cho con? Ba đã chuẩn bị suốt bốn mươi năm nay rồi…
Lời của nhạc sĩ chân thành, cháy bỏng. Hoài nghĩ, để đáp lại tình cha, anh cũng phải hết sức chân thành:
- Con chỉ muốn một điều thôi ba ạ. Và ba phải hết sức cảm thông con mới dám nói…
- Con hãy nói đi, ba bao giờ cũng yêu thương con, cảm thông với con.
Hoài cầm lấy tay ba anh:
- Ba ơi, dù trước đây hay bây giờ, chính kiến ba ra sao, hoàn cảnh ba thế nào, con cũng chỉ xin ba một điều, là hãy luôn đứng về phía Nhân dân ba nhé!
- Hả! - Nhạc sĩ giật mình. Hình như ông không tin là những lời nói ấy là của Hoài, không tin Hoài sẽ nói như vậy, không tin một cuộc đời đã quá nhiều thiếu thốn, bất hạnh, quá nhiều long đong của con trai lại chỉ đòi hỏi và mong muốn ở ông chỉ một điều như thế.
- Đúng thế ba ạ. Con chỉ muốn duy nhất một điều đó thôi!
Bấy giờ thì có lẽ nhạc sĩ đã tin là thật. Khuôn mặt ông nhăn lại, đôi bàn tay ông xòe rộng:
- Con hãy hiểu rằng, ngày trước đây và bây giờ, những nhạc phẩm do ba sáng tác chỉ nhằm để ca ngợi quê hương, ca ngợi đất nước, chỉ nhằm để ca ngợi dân ta thôi con à.
- Con tin ba - Hoài thành thật nói, vì anh cũng đã nghe nhiều bài hát của ông - Nhưng dẫu sao con cũng muốn tâm sự với ba như thế. Bởi đúng như lời ba nói, 40 năm qua ba đã sinh con ra mà không được nuôi con. Con lớn lên được như hôm nay là nhờ ở ông bà, ở bố mẹ con, nhưng trước hết là nhờ Nhân dân và bạn bè con bạ ạ.
Nói đến đây, Hoài thấy sống mũi cay cay. Anh phải ghìm giọng lại đôi chút mới có thể nói tiếp:
- Ngay để có ngày con được gặp ba thế này, có những bạn lính của con đã chết thay cho con…
Nghe con nói thế, nhạc sĩ thêm một lần bàng hoàng, và ông giục Hoài kể lại cho ông nghe. Rồi ngay trong đêm ấy, anh đã kể cho ba anh nghe chuyện người bạn ấy.
Bạn của Hoài tên là Hữu Chính, cùng là học sinh phổ thông, cùng nhập ngũ với Hoài một ngày và cùng lên đường vào mặt trận. Đơn vị trấn giữ trên một trọng điểm mang tên “Cánh chim bay” - tiếng Lào là Phunokcok. Nói là điểm cánh chim bay nhưng họ chưa lần nào thấy một cánh chim bay nào vì ngày đêm bom đạn của đối phương đánh phá tơi bời, chẳng có chim muông, cây cỏ nào có thể sống nổi.
Có một đêm Hoài trực chiến, lẽ ra đến phiên Chính được nghỉ, nhưng Chính cứ nằng nặc đòi lên mặt đường thay Hoài. Hoài từ chối thế nào cũng không được, cuối cùng nể quá nên phải đồng ý.
Đêm đó là một đêm bom đạn chưa từng thấy, bắt đầu bằng một chiếc OV10 đến bắn pháo khói, rồi hàng đàn phản lực lao đến thả bom đến kinh thiên động địa. Nằm trong hầm dưới chân đèo mà lòng Hoài cứ rối bời như lửa. Cho đến lúc hàng loạt đạn cấp cứu của đơn vị bắn lên, Hoài linh cảm có chuyện nên lao nhanh lên mặt đường. Vừa đến nơi đã thấy Chính nằm đó, máu me đầy người, đôi mắt nhắm nghiền. Hoài lao tới ôm chầm lấy Chính và khốc rống lên. Như đã nhận ra Hoài, đôi mắt Chính hé mở, giọng nói thì thào: “Tao đi đây. Mày gắng sống để gặp ba mày… Tao biết đêm nay ác liệt lắm. Thằng nào lên mặt đường cũng chỉ có chết mà thôi… Mà tao suốt từ nhỏ đã được sống với cha tao rồi”.
Mỗi lời nói của Chính lúc ấy như một nhát dao đâm vào trái tim Hoài. Vốn là một người lính dạn dày và cực kỳ thông minh, thấy cái mùi lẳng lặng suốt từ chiều đến hoàng hôn, Chính linh cảm đấy là sự im lặng trước một cơn bão giông, đêm nay chúng nó sẽ đánh rất ác liệt, cho nên vì thân với Hoài, vì hiểu Hoài từng thiếu thốn tình cảm gia đình thế nào, khao khát được gặp gỡ người cha chưa một lần biết mặt ra sao, Chính đã tình nguyện lên mặt đường thay Hoài. Nếu còn sống thì còn tiếp tục chiến đấu, mà nếu có chết cũng là chết thay cho Hoài, để Hoài có thể có một ngày được gặp cha mình, dù Chính biết cha anh đang ở phía bên kia. Nhưng tình bạn và lòng nhân ái của một người lính đã làm Chính vượt lên tất cả, là cái điều mà Hoài không thể ngờ tới này. Như bao nhiêu người dân bình thường khác đã luôn sẵn lòng cưu mang, chăm sóc Hoài bao năm qua cho anh lớn lên, dù ai cũng biết cha anh đang ở chiến tuyến bên kia…
Lúc Hoài dứt câu chuyện, anh thấy ba anh lặng đi, như một bức tượng. Gió bên ngoài thổi vào rất mạnh mà ông cũng không hay. Đôi tay ông cứ ôm lấy mặt. Có lẽ ông quá xúc động, mà cũng có thể câu chuyện này đối với ông quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của một nhạc sĩ chuyên viết những bản tình ca.
*
Hôm sau, khi nhạc sĩ hỏi con trai những công việc cần làm của hai cha con bây giờ là gì, Hoài bày tỏ:
- Thưa ba! Con xin bày tỏ hai nguyện vọng. Một là, lúc này bà ngoại của con đang nằm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ngày xưa bà ngoại từng yêu quý ba lắm, nếu được sáng mai xin ba hãy vào thăm bà, cũng là để bày tỏ ân tình với mẹ của con. Và điều thứ hai, con lớn lên được như hôm nay là nhờ ở đất nước, nhân dân và bè bạn đã nuôi dưỡng, khi ba đẻ con ra nhưng không có điều kiện nuôi con vì ba đã ra đi khi mẹ còn mang thai giữa một cánh rừng kháng chiến. Nay con muốn nhân dịp này, ba tổ chức một bữa liên hoan với tất cả bạn bè của con để ba nói những lời từ trái tim mình những lời cảm ơn.
Hôm ấy nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng con trai Lê Khánh Hoài và cháu Hưng Việt vào bệnh viện Nguyễn Trãi thăm bà ngoại của Hoài, lúc này bà đang ở những giây phút cuối của cuộc đời. Cũng chính ở đây, người nhạc sĩ năm xưa đã xúc động gặp lại cố nhân - ca sĩ Tân Nhân sau bốn mươi năm xa cách. Trước đó ca sĩ Tân Nhân từ Thủ đô Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh được một thời gian để chăm sóc mẹ già.
Mấy ngày hôm sau, tại nhà hàng Thanh Niên, một bữa tiệc do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tổ chức. Bạn bè Hoài đến rất nhiều, dù còn thiếu biết bao người hoặc ở xa, hoặc là những đồng đội của anh đã nằm xuống dọc đường chiến trận. Nhạc sĩ đã nghẹn ngào xúc động đứng lên nói lời cảm ơn tất cả bè bạn của Hoài nhiều năm tháng qua đã đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ cho con trai mình nên người. Giọng ông chùng xuống: “Khi tôi là cha mà sinh con ra đã không nuôi được con”…
Những ly rượu nâng lên, có cả nụ cười và cũng có rất nhiều nước mắt. Trong khi đó, cũng tại nhà hàng Thanh Niên hôm ấy, không hiểu sao vòng trong, vòng ngoài rất đông người kéo đến. Thì ra nhiều người từng biết nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trước đây ở Sài Gòn vô tình nhìn thấy nhạc sĩ vào nhà hàng, với họ như một sự kiện lớn. Nhiều người từng ngưỡng mộ nhạc sĩ họ Hoàng reo lên: “Hoàng Thi Thơ đã về nước, đã về Sài Gòn”. Cứ thế người nọ thông báo người kia cùng kéo đến nhà hàng để tận mắt nhìn thấy nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Và họ vô tình được chứng kiến những tâm sự của nhạc sĩ, những dòng nước mắt của ông, nhiều người có mặt hôm ấy cũng không ngăn được dòng nước mắt.
Bấy giờ nhiều người mới hiểu thêm thiên diễm tình của người nhạc sĩ họ Hoàng “Thi ơi Thi ơi Thi Thi biết biết không Thi”, hiểu thêm sự éo le, bi kịch trong cuộc đời ông, và cũng hiểu thêm tấm lòng nhân ái cùng tình thương con thăm thẳm của ông. Và họ cũng hiểu rằng, cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sau 40 năm xa cách, người Bắc kẻ Nam, người khoác áo chiến trận, người mải miết với những bản tình ca trên đồng lúa vàng có lẽ là cuộc trùng phùng lạ kỳ, ân tình nhất của đất nước sau hàng chục năm cách chia, mà mỗi số phận đứng một bên chiến tuyến, mỗi số phận đều có một con sông Bến Hải chảy qua.
*
Đã nhiều đêm trước và sau khi gặp lại cha, Hoài không ngủ được. Bao yêu thương, nhớ nhung cứ ập về. Cho đến năm 1987 - nghĩa là mười hai năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, anh mới nhận được lá thư đầu tiên của người cha - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ Mỹ gửi về. Ông gọi tên anh bằng tên khai sinh: Hoài - Lê Khánh Hoài. Lê Khánh là họ nghĩa phụ của anh - nhà báo, nhà văn Lê Khánh Căn, còn Châu La Việt là bút danh của anh khi viết văn. Anh lấy bút danh ấy để nhớ về nơi sinh ra ở Phong Châu, bên dòng sông La - Hà Tĩnh và Cửa Việt - Quảng Trị, quê mẹ của anh - ca sĩ Tân Nhân (Trương Tân Nhân). Vì yêu mến mẹ, anh còn có tên theo họ mẹ - Trương Nguyên Việt, hay bút danh Triệu Phong - quê cha. Đây là những bút danh anh hay dùng trong các tác phẩm văn chương, báo chí.
Lá thư nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gửi cho đứa con trai yêu dấu xa cách mấy chục năm trời thật là tha thiết:
“Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba!
“Chối bỏ” - Từ ngữ ấy không hề có trong từ điển đời ba. Hoặc có chăng đi nữa, thì ba chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt ba lăm năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim của ba, trong tâm hồn của ba…
Năm 1956, ba đã từ Sài Gòn ra Đà Nẵng thăm ngoại con khi ba nghe tin mẹ con “đi thêm bước nữa”. Thăm ngoại thì ít, nhưng cốt để hỏi thăm con thì nhiều. Năm 1958, ba đẻ em Thi Thi. Chính lúc đó, ba nghĩ tới con nhiều nhất. Ba đã dùng cái tên Thi để đặt tên cho em con, cái tên đầy kỷ niệm mà ngày xưa ba và mẹ con đã rất yêu và đã hứa với nhau sẽ dùng để đặt cho đứa con đầu lòng của ba và mẹ con, là con. Và từ ngày đó, mỗi lần gọi tên em Thi của con là riêng ba, ba nhớ tới con. Nhớ cho tới khi nào ba không còn trên trần gian này nữa để gọi tên Thi.
Năm 1964, trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, ba đã bỏ nước trốn sang Nam Vang. Những ngày lén lút đó, biết rằng mẹ con đến đó trình diễn, ba đã bất chấp hiểm nguy để liên lạc với mẹ con, với mục đích duy nhất là biết đươc chút tin tức về con và mẹ con. Và ba còn nhớ rõ, nếu lúc ấy mẹ con không quá dè dặt và không quá cứng rắn, ba đã trở lại nơi ba phải giã từ mẹ con…Và có cơ hội sống bên con từ 1964!
Năm 1970, khi ba soạn phim “Người cô đơn”, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật bé bỏng, nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp, một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm quý đẹp nhất của một người nghệ sĩ họ Hoàng và một người nghệ sĩ họ Trương…Con chớ giật mình, con nhé, con chớ ngạc nhiên, con nhé! Ba xác nhận một lần nữa, người cô đơn chính là con, chính là Hoài, chính là người con đã tưởng rằng cha mình đã chối bỏ mình.
Suốt ba lăm năm trời, ba hằng tự hào về một điểm: Đời ba, trong đó có con và mẹ con, sao giống như một pho tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết nào mà lại không có nhiều tình tiết éo le, phải không con? Thôi chúng ta, ba+mẹ+con, dù gặp những éo le, gập ghềnh, buồn sầu thì cũng cho đó là số phận của những người có cuộc đời giống như tiểu thuyết…
Hoài con, nếu theo con, “con đã mất ba nửa cuộc đời rồi” thì chắc chắn nửa cuộc đời còn lại, con sẽ có ba hàng ngày, hàng tháng, hàng năm…Còn đối với ba đã ba lăm năm nay, dù chưa một lần được gặp, ba chưa bao giờ mất con và mẹ con một ngày, một tháng, một năm nào. Vì không một ngày, một tháng, một năm nào, ba không có con và mẹ con trong lòng ba, trong tâm hồn ba.
Nhắc đến mối tình đầu của mẹ con mà con viết: Tưởng hết sức đẹp đẽ, ba hãnh diện xác nhận với con một lần là cho đến bây giờ mối tình đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó là mối tình đẹp nhất trần gian. Ba không đại ngôn, không phóng đại khi ba nói như vậy. Ba và mẹ con sẽ tìm thấy dần để hiểu thấu dần. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời, Tân Nhân là tuyệt vời.
Năm 1956, thời gian ba soạn cuốn “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”, trang đầu của cuốn sách ba in dòng chữ “Thân yêu tặng Tân Nhân”. Mặc dù ba biết mẹ con đã đi thêm bước nữa. Ba yêu mẹ con là thế, từ những năm 49-50-51 đến 56 đến cả bây giờ 87, thì không có lý nào ba lại không yêu con và yêu ít hơn? Điều này chắc con không biết nhưng điều này ba tin mẹ con biết. Có lẽ vì một hoàn cảnh bắt buộc nào đó, vì gia đình, vì chính trị, mẹ con biết nhưng chẳng hề nói ra cho con hay…
Thôi, dù biết hay chưa biết, với thời gian, với những tác phẩm của ba mà rồi đây con và mẹ con sẽ dần dà tìm thấy, mẹ con và con có ngày sẽ hiểu được lòng ba và tình ba. Sự muộn màng nào, hiểu nhau muộn cũng đau thương nhưng sự muộn màng nào cũng đẹp. Đó là sự muộn màng trong tiểu thuyết, sự muộn màng trong cuộc đời tiểu thuyết của chúng ta”.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã nói như vậy về mối tình của ông với ca sĩ Tân Nhân, nhưng Hoài nghĩ rằng ba anh không biết rằng, đó chính cũng là mối tình khổ đau nhất của mẹ anh, người đã trao cho cha anh tất cả tuổi thanh xuân của mình. Sau này khi lên 15 tuổi, khi còn là học sinh phổ thông ở Hà Nội, không biết vì một nỗi tủi thân nào đấy, Hoài đã viết bài thơ tâm sự và định gửi tặng mẹ. Nhưng rồi Hoài đã không dám gửi, mà chỉ để trong nhật ký.
“Con sinh ra là một giọt lệ đau/ Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ/ Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé/ Con nào đã hiểu hết nỗi cuộc đời.../ Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi/ Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/ Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/ Vì có con mẹ chẳng thể quên cha…/ Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả/ Con là con sông có dòng đục dòng trong/ Và mẹ ơi, con những phút yếu lòng/ Mẹ đừng hỏi nước mắt từ đâu thế/ Ngày tan nát giọt lệ đau của mẹ/ Nay chảy thành nước mắt đời con".
*
Năm 1976, một năm sau khi Sài Gòn được giải phóng, đất nước đã thống nhất. Lúc này Hoài đã hoàn thành sứ mệnh người lính, về học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Mùa hè tới, mẹ cho Hoài chiếc nhẫn một chỉ vàng, nói: “Mẹ đã dành dụm bao năm, giờ cho Hoài để Hoài vào Sài Gòn tìm cha. Bố Lê Khánh Căn cũng nói với mẹ rằng yêu và thương Hoài lắm, nhưng lá cũng phải biết rụng về cội, bảo cứ nói con đi tìm cha ruột của mình”. Hoài bàng hoàng, sửng sốt. Nhưng ngước nhìn thấy ánh mắt thăm thẳm của mẹ, Hoài nghĩ không nên nói gì thêm mà hãy đi như lời bố mẹ dặn...
Giữa Sài Gòn, có một người lính mang quân phục bạc phếch chạy qua những con đường, dãy phố, con hẻm để tìm cha của mình. Chỉ tới lúc gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, một cách rất tình cờ giữa con phố Nguyễn Kiệm, hai anh em ôm choàng lấy nhau khóc. Anh Thao gọi cha Hoài - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là chú ruột, cùng với anh Hoàng Kiều được ba Hoài coi như con đẻ.
Anh Thao cho Hoài hay cha anh đã đi rồi, từ trước giải phóng, dẫn đầu một đoàn nghệ thuật sang Nhật Bản biểu diễn và mắc kẹt ở đó. Ít ngày sau anh Thao đến tìm Hoài, đưa cho Hoài hai bộ quần áo của ba để lại: “Đây kể như là kỷ vật của ba, em mặc vào cho ấm và giữ làm kỷ niệm. Anh đã về nhà cũ của ba để lục tìm trao cho em”. Mười hai năm sau nữa, Hoài mới nhận được lá thư đầu tiên của cha anh từ Mỹ gửi về. Và bốn mươi năm sau khi có mặt ở cuộc đời này, anh mới lần đầu được gặp cha, lần đầu tiên có một người đàn ông ôm ghì anh vào ngực và khóc.
*
Gặp lại cha, Lê Khánh Hoài không quên nhớ người mẹ - ca sĩ Tân Nhân với trái tim nhân hậu, nuôi anh lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngặt nghèo của cuộc kháng chiến. Năm ấy cha của anh - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đột ngột về thăm quê nhà ở Triệu Phong, Quảng Trị và kẹt lại ở vùng tạm chiếm, để lại mẹ anh một thân, một mình nơi đất khách quê người, bụng mang dạ chửa, không nhà cửa, không mẹ cha, không người thân thích.
Thấy tình cảnh mẹ anh, nhiều bạn học diễu cợt, khinh khi nhưng cũng có nhiều người thương cảm. Một người bạn học đã đưa mẹ anh về nhà mình ở Lộc Hà nhờ gia đình làm phúc. Dù thương bạn của con lắm nhưng gia đình vì tập tục làng quê cũng chỉ cho phép mẹ anh dựng một cái lều ngoài vườn mà sinh nở. “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Thật hết sức xót xa.
Từ lúc Hoài được sinh ra, nhiều đêm Tân Nhân cạn sữa nằm nghe con khóc đòi bú ngặt nghẽo, bụng thì đói cồn cào, lại nghe gió rừng âm u bốn bề thổi quanh, cùng cực quá chị định bế con ra dòng sông La trẫm mình. Có một đêm khi Hoài ngủ say, mẹ anh đã quyết bế con đi. Nhưng không hiểu sao, ra đến bờ sông, có lẽ gió thổi lạnh quá hay có một tiếng gọi định mệnh nào đó làm Hoài tỉnh thức, khóc ré lên thảm thiết, như nức nở, như ai oán, khiến mẹ sững lại. Thế là mẹ ôm con đứng bên bờ sông khóc, trời cũng nỗi giông tố, như giông bão trong lòng nữ sinh Đồng Khánh một thời. Và thế là Tân Nhân lại quay mặt bế con về mái lều, vạch vú ra cho con nhằn núm vú đã khô kiệt.
Rồi như một sự sắp đặt nào đó, giữa lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, may thay, bà cố và bà ngoại Hoài xuất hiện, như những bà tiên.
- Con ơi, răng mà con khổ như ri - bà cố Hoài thốt lên khi nhìn thấy tình cảnh mẹ con Hoài trong túp lều hoang dại, còn bà ngoại Hoài thì hối hả đổ gạo ra từ cái đẫy xách bên mình, rồi lại chạy ra giếng múc nước về nhen lửa nấu cơm, nấu cháo cho mẹ con Hoài ăn. Có lẽ đó là bữa đầu tiên Tân Nhân được no bụng sau khi sinh nở. Và cũng bởi được ăn no, nên đêm ấy từ bầu vú của Tân Nhân cho những dòng sữa tuôn chảy, ngập tràn miệng thằng bé. Sau này bà cố Hoài hay nhắc lại, đếm ấy không biết bởi Hoài được bú no, hay có niềm vui gì đấy mà cứ nằm hươ huơ đôi chân và cười khanh khách.
Bà mẹ quay sang con gái nói:
- Quê mình giặc giã ghê lắm con ạ. Súng nổ đì đùng ngày đêm... Cậu con nói mạ đưa mệ ra đây gần chiến khu với cậu và chăm sóc thằng cu này cho con. Thôi chuyện đã rồi con ạ, con cứ để cháu cho bà lo, mệ lo, con gắng mà theo anh em đơn vị. Con phải lo học hành, tiếp tục con đường kháng chiến, đó cũng là cách làm lại cuộc đời mình. Cậu con nói với mạ khuyên con như vậy.
Rồi bà quay sang nghịch nghịch với cháu, làm Hoài cười như nắc nẻ:
- Thằng ni nhìn giống mẹ như in...
Bà ngoại nói vậy chắc là để an ủi con gái nhưng lại chẳng thấy Tân Nhân cười mà mắt ươn ướt:
- Rồi đời nó lại khổ thôi mạ ạ - Tân Nhân thở dài.
- Con đặt tên nó là chi? - bà ngoại dịu dàng hỏi.
Tân Nhân gượng một nụ cười trên môi:
- Là Hoài mạ ạ...
Bà ngoại lắc đầu, liếc nhìn bà cố đang ngồi bên bếp lửa xa xa, rồi nói với con gái:
- Răng là Hoài? Con nhớ thương nó làm chi mà đặt tên con là Hoài hả con?
Bà ngoại Hoài bần thần một chút như để ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Thôi, nhà ở ven sông, cứ gọi nó là thằng Hà hay thằng Giang cho tiện.
Giọng bà trở nên xa vời:
- Mà cũng để trôi đi những khổ đau con à...
Tân Nhân chỉ “dạ” một cách yếu ớt, rồi bế con vào gian trong, ru con ngủ.
Sau này Châu La Việt biết rằng mẹ vẫn muốn anh tên Hoài, là nhớ, là thương, như nỗi lòng mẹ dường như càng khổ đau lại càng thương nhớ cha anh.
*
Mãi đến khi trưởng thành, vì làm thơ, viết báo nên Hoài có những bút danh, chỉ duy nhất một người bao giờ cũng chỉ gọi anh là Hoài, chứ không bao giờ gọi bằng bất cứ một cái tên nào khác, đó chính là mẹ anh. Mẹ gọi anh là Hoài từ buổi đầu khi mẹ sinh anh ra và cũng là lần cuối gọi tên con khi mẹ anh giã biệt cuộc đời này.
Hoài hiểu mẹ đặt tên cho anh là Hoài và suốt cuộc đời chỉ gọi anh là Hoài bởi trong tên của anh có tình yêu của mẹ với anh, hơn cả còn là nỗi nhớ thương của mẹ với cha anh ra đi ngày ấy. Rồi vì dòng sông Bến Hải chia cắt đôi miền, vì những biến động thời cuộc, cha anh đã ra đi không trở lại. Cũng có thể có lúc mẹ trách móc cha anh, trách mối tình ai, “hỡi chàng là chàng ơi, hỡi người là người ơi...” như khi hát khúc “Ru con”. Nhưng suốt cuộc đời này với cha anh, không bao giờ mẹ anh căm giận như thường tình, mà chỉ nhớ thương trông đợi, để rồi gửi vào câu hát và tạo nên một giọng hát “Xa khơi” bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...”.