Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
632
123.134.170
 
Con mèo lạc
An Bình

 

------------------------------------------

Ai đã từng là một con mèo lạc?

Những ai từng nuôi mèo đều biết, những con mèo, đến một độ nó sẽ bỏ nhà đi biền biệt. Mặc cho người chủ sốt vó đi kiếm, con mèo ấy chẳng bao giờ trở về như ý muốn. Nhưng đến một hôm nào đó, một buổi tối chẳng hạn, người ta thấy nó đi qua đi lại ngoài hành lang, dùng cái móng vuốt cào cào lên cánh cửa đòi vào nhà. Con mèo đi hoang một hôm trở về, kêu đói meo meo xin chút cơm thừa canh cặn. Những con mèo đực thường trở về với vài vết sẹo còn những con mèo cái thì mang theo cái bụng bầu, ít lâu sau nó sanh ra mấy con mèo con. Nhưng, có vài con mèo đi rồi không bao giờ trở lại nữa, đó là những con mèo bất hạnh.

Lần cuối cùng mà tôi gặp Pha là ở khoa Lao Phổi của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Sau một cơn mưa giữa trưa, mọi thứ ở đất Sài Gòn dịu lại, không khí mát mẻ hẳn lên. Tôi gửi xe máy rồi đi xuyên qua khu khám bệnh đông đúc với những gương mặt lo âu, hồi hộp. Ra đến phía sau dãy nhà đầu tiên, đó là khu dành cho bệnh nhân lưu trú.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có cái khuôn viên rất rộng nằm ở giữa bốn dãy nhà xây thành hình vuông. Xung quanh khuôn viên đó, những cây cổ thụ cao bằng 2, 3 tầng lầu được trồng thành từng dãy, phủ mát các lối đi. Dọc theo đó, người ta đặt rất nhiều ghế đá. Quanh khuôn viên là những trảng cỏ xanh rì, trong đó là những cây cau kiểng và những cụm bông trang được trồng thành các hình vuông vuông, tròn tròn mà tôi nhìn mãi không biết là hình gì.

Đó là lần đầu tiên tôi đến bệnh viện này mà hình như cũng là lần duy nhất. Sau cơn mưa, những cái ghế đá còn ướt nhẹp nằm chơ vơ. Tôi đi một vòng tìm chỗ ngồi để đợi Pha nhắn số phòng mà không có, rốt cuộc đành ngồi tạm ở cái bậc tam cấp của một dãy nhà, nhìn ra cái khuôn viên vắng hoe, chỉ lác đác vài người mặc đồ bệnh nhân đang đi bộ chậm rãi, trái ngược với cảnh hỗn loạn ở khu khám bệnh trong dãy nhà phía trước.

 

Nhìn vào cách họ thong thả đi dạo, tôi đoán họ đã ở đây một thời gian khá lâu. Khung cảnh đó làm cho tôi có cảm giác nơi này là một viện dưỡng lão hơn là một cái nhà thương. Suy nghĩ đó làm tôi bất giác bật cười vì chẳng lẽ thằng Pha bạn tôi, 24 tuổi đã vào viện dưỡng lão.

Tiếng ting ting của điện thoại kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ lung tung ấy. Tin nhắn đến, Pha nhắn, “khu bệnh Lao, lầu 2, phòng 206. Khu này bệnh nặng, vô nhớ mang 2 lớp khẩu trang, thủ sẵn thêm vài cái để lúc ra khỏi là thay ngay cho an toàn.”

 

Tôi dừng lại ở những dòng tin nhắn đó một lúc lâu, đầu óc mơ hồ dường như Pha đang đối diện với một cái gì đó nghiêm trọng lắm. Tôi không rõ về tình trạng bệnh của bạn mình, chỉ biết cách đó chừng hơn tháng nó mệt, ho nhiều, cứ đến chiều là bị sốt, liên tục hai tuần liền. Nó đi khám, bác sĩ cho thuốc uống rồi dặn về giữ sức khỏe và tái khám theo hẹn. Thời điểm đó tôi và nó vẫn lê la cà phê sáng dù trông Pha có vẻ ốm đi nhiều. Mọi thứ bình thường cho đến hai hôm trước, lúc tôi đang ở quê thì Pha nhắn tin báo vừa nhập viện, lúc đầu ở Nhiệt Đới, rồi lại chuyển sang Phạm Ngọc Thạch, người ta chỉ định vào khoa Lao Phổi. Ở quê lên, tôi chạy thẳng vào bệnh viện thăm nó và nhận được dòng tin nhắn này.

Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi cũng chuẩn bị như Pha dặn để lên thăm nó. Bước vào phòng bệnh, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy Pha đang ngồi trên giường, hai chân thả xuống đong đưa, ánh mắt vẫn sáng dù nước da có hơi sạm đi. Phòng bệnh của Pha có hai giường. Giường bên kia bỏ trống nên lúc này chỉ có mình nó trong căn phòng bệnh nhỏ.

Tôi đoán người nằm ở giường bệnh phía bên kia vừa mới xuất viện bởi trên cái tủ kê phía đầu giường còn còn ngổn ngang vài vật dụng mà chưa ai dọn dẹp. Tôi hỏi nhưng Pha không nói mà chỉ cười gượng gạo sau lớp khẩu trang. Rồi ánh mắt lại thoáng vẻ tinh quái như mọi khi, nó nhanh chóng lảng sang chuyện khác còn tôi thì cứ nhìn nó vì chưa quen với dáng vẻ của thằng bạn mình trong bộ đồ bệnh nhân như mấy ông chú tôi gặp dưới sân. Tôi chọc nó sao vô viện dưỡng lão sớm vậy, Pha cười khúc khích. Nó bảo bác sĩ kêu nằm lại theo dõi để làm mấy xét nghiệm với chụp phim phổi, chắc nghi lao nên cho vô đây, hai ngày rồi mà vẫn chưa có kết quả.

Tôi trấn an Pha đừng lo lắng, chắc không có gì, chữa vài bữa là khỏi thôi. Pha vẫn cười hồn nhiên như lúc chưa bệnh, nó kể thấy cái khoảng sân ở dưới đẹp quá, xin bác sĩ cho mang đồ nghề vô, sáng xuống đó ngồi vẽ mà bác sĩ không cho, kêu nó lo dưỡng sức, vô đây còn vẽ vời gì. Nghe thế tôi cũng hùa thêm vài câu la nó không lo giữ sức khỏe để đến mức phải vô đây nằm. Pha cứ xuề xòa cho qua, nó kêu nằm vài bữa cho biết mùi bệnh viện. Tôi cũng đành cười, chịu hết nổi cái thằng.

 

Tôi hỏi nó ba má biết chuyện chưa, nó kêu rồi nhưng ông bà đi công tác. Khi biết chuyện ông bà đã huỷ lịch trình để về chăm thằng con trai độc nhất, chắc sáng mai mới tới. Hai hôm nay chị gái nó vào chăm, mới về nhà lấy ít đồ. Pha kể giọng nhẹ nhàng, đó là lần hiếm hoi tôi thấy nó kể về gia đình với một giọng điệu như vậy. Có lẽ những lúc như này người ta mới thấy gia đình là nơi quan trọng, là một chỗ dựa vững chãi. Nơi đó dù có lắm sóng gió nhưng khi bão về vẫn chừa ra một chỗ trú an toàn.

Sáu năm qua, Pha sống lang bạt giữa đất Sài Gòn dù nhà nó cũng ở thành phố này, cách nơi nó ở trọ chỉ tầm hơn chục cây số. Năm 18 tuổi nó đã quyết tâm lao ra khỏi nhà, tự đi làm, tự kiếm tiền học đại học, tự trang trải mọi thứ của cuộc sống và cũng tự ôm những vết thương gây nên bởi một cuộc sống gia đình bất hòa. Suốt nhiều năm, nó về nhà chẳng được bao nhiêu lần, còn ít hơn số lần tôi chạy xe hơn trăm cây số về quê. Năm thì mười họa mới về nhà nhưng được một hai bữa, nghe ông bà già cãi lộn là nó bỏ đi.

Có lần mồng một Tết, nó chịu không nổi mấy trận cãi nhau của ba má mà bỏ ra vòng xoay Lăng Cha Cả ngồi vẽ tranh. Vẽ xong nó chụp khoe tôi, kêu chỗ này thường ngày kẹt xe mà nay vắng hoe, chả có bóng người. Tôi chửi nó khùng quá, tết nhất thì ở nhà chứ ai đi vẽ tranh. Thế mà không biết nó trốn vào xó nào suốt mấy ngày tết, mãi đến khi hết mùng mới chịu về nhà.

 

Sau lần đó ba má nó cũng bớt cãi nhau đi nhiều, nhưng không biết trời xui đất khiến làm sao mà cứ mỗi lần nó về là hai người có chuyện để cãi. Chuyện oái ăm đó cứ lặp đi lặp lại làm Pha khủng hoảng. Mỗi lần như thế nó lại dằn vặt bản thân suốt cả tháng trời. Những lúc đó tôi cũng chỉ biết ngồi cạnh nó chứ không biết an ủi điều gì nữa, dường như cuộc đời luôn cố ghì bạn tôi xuống mỗi khi nó kịp ngoi lên.

Nhìn thằng bạn xanh xao trong bộ đồ bệnh viện, tôi bảo Pha ráng qua đợt này rồi dọn về nhà ở cho vui, bồi bổ vài tháng cho lại sức rồi muốn đi đâu thì đi. Pha nghe xong không nói gì, nó nhìn tôi rồi nhìn ra ngoài trời, tôi biết nó cũng mong được như vậy. Sống một mình là điều không đơn giản giữa cái thành phố nhộn nhịp này. Mọi thứ cứ lao đi như được lên giây cót, hết lượt này đến lượt khác, mỗi khoảng nghỉ chẳng được bao lâu, người ta ai cũng tranh thủ tìm về một nơi an trú để nương tựa, để bung xõa, rồi nạp đầy năng lượng để lại chạy tiếp cuộc hành trình. Những con người cô độc như Pha, đã một mình chiến đấu với cuộc sống áo cơm, lại một mình đi tìm niềm an ủi giữa phồn hoa đô hội, suốt một thời gian dài, nó để lại những khoảng trống vô hình không bao giờ có thể khỏa lấp được nữa. May mắn là Pha còn có hội họa làm nơi an trú cuối cùng, để tự vẽ nên những góc bình yên mà nó xứng đáng được ở trong đó.

 

Tôi nhớ lại lần đầu mà hai chúng tôi gặp nhau ở cái khoảng sân của thư viện tổng hợp thành phố, lúc đó Pha cũng đang vẽ tranh. Tôi nhớ đó là một buổi sáng thứ hai bởi đó là ngày thư viện đóng cửa trong tuần. Cái khoảng sân trước vắng tênh, chỉ có hai chúng tôi ở đó. Lúc tôi đến thì đã thấy Pha ngồi vẽ trên dãy tam cấp của thư viện, tôi ngồi ở một dãy ghế đá chăm chú nhìn nó. Một lúc sau vẽ xong, Pha vẫy tay gọi tôi lại, nó khoe với tôi bức tranh vừa vẽ.

 

Bức tranh vẽ một chiếc xe máy dựng bên lề đường, dưới một gốc me cổ thụ, chiếc xe chở một cái thúng ở phía sau, trên thành thúng treo mấy chùm me lủng lẳng và cái biển hình chữ nhật ghi hai chữ "Me dốt". Bên cạnh chiếc xe là một người phụ nữ đang đứng, đầu ngẩng lên nhìn ngọn cây, hai tay căng một tấm vải như đang hứng những chùm me trên cao rụng xuống.

 

Tôi nhìn bức tranh rồi phì cười hỏi “bà đó cứ đứng đợi mấy trái me rụng xuống rồi hứng bán vậy hả?”. Pha cũng cười, nó nói không phải vậy, rồi nó chỉ tay ra phía cổng trước của thư viện, bên ngoài là con đường Lý Tự Trọng chạy ngang, đối diện bên kia là Tòa Án thành phố. Nó chỉ vào một gốc me lớn nằm bên này đường, cách cái cổng chừng vài mét. Nó kể người phụ nữ trong tranh thường hay đứng bán me ở chỗ đó, không phải bán một mình mà cùng với chồng, hai người cũng hơi lớn tuổi. Buổi sáng, ông chồng tranh thủ trèo lên mấy cây me ven đường hái, bà vợ đứng dưới hứng rồi bỏ lên xe bán. Mỗi năm cứ tới mùa me dốt là hai vợ chồng lại ra đây, người trèo cây hái me, người đứng dưới hứng rồi đem bán. Năm nào cũng vậy, tới mùa là hai vợ chồng chở nhau, buổi sáng sớm đường vắng, hai vợ chồng chạy dọc các gốc me, chồng hái vợ nhặt một lượt rồi họ quay lại chỗ này đứng bán. Trông vầy mà nhìn họ hạnh phúc lắm, hai vợ chồng cứ giỡn với cười suốt. Kể rồi Pha nhìn ra cái góc nó vừa chỉ, nó bảo mấy hôm rồi nó ngồi vẽ mà không thấy hai người đó ra bán nữa, không biết đi bán chỗ khác rồi hay có làm sao không. Bữa giờ me chín rụng quá trời mà không ai hái.

 

Thấy Pha có vẻ mơ mộng và buồn buồn, tôi hỏi, “sao trong tranh ông không vẽ cảnh ông chồng leo cây hái me mà vẽ có mỗi bà vợ?”. Nghe tôi hỏi Pha phì cười, nó cầm bức tranh lên ngắm nghía rồi bảo, “khó quá, tui không vẽ được”. Suy nghĩ một lát, Pha lại nói thêm, “không biết hai vợ chồng họ có con không, nếu có tui sẽ vẽ thêm đứa con ngồi trước xe để cả nhà cùng đi bán me”. Nói rồi nó quay sang hỏi tôi, “sao ông ra đây, nay thư viện có mở cửa đâu?”. Tôi vỗ vỗ cái cặp, kể với nó chuyện là sáng nay mang mấy cuốn sách cũ đem bán, mà mấy chủ tiệm sách trả giá bèo quá nên đem về, sẵn ngang đây ghé vô đây ngồi chơi chút.

 

Nghe xong Pha nhìn tôi cười tinh quái, nó hỏi, “hết tiền ăn rồi hả?”. Tôi cười cười chữa cháy, “đâu có”. Rồi Pha bảo tôi đưa mấy cuốn sách cho nó xem. Nó cầm ngó nghiêng một hồi, chả biết là nó có đọc hết tựa đề sách không nữa, nhưng nó dõng dạc trả 5 cuốn hai trăm ngàn. Nghe nó nói tôi giật mình la lên. “Sộp vậy cha, nãy tiệm trả có sáu chục”. Pha lại cười bảo “thì người ta trả sáu chục ông không bán còn gì nữa”. Vừa nói Pha vừa lấy cái bóp trong cặp ra, xui rủi thay trong đó cũng chỉ còn đúng hai trăm ngàn. Cả hai chúng tôi cười ngất ngưởng, tôi chọc nó, “cũng dân nghèo như nhau mà chơi sộp quá”. Pha ngượng ngùng bảo nó quên đem theo tiền, rồi nó đề xuất mua 5 cuốn sách với giá một trăm ngàn kèm theo bức tranh vẽ cặp vợ chồng bán me.

 

“Chốt đơn”! Thế là chúng tôi trở thành bạn của nhau từ đó. Thoáng cái đã 5 năm, Pha vẫn là con người như thế, vẫn cười nói theo một lối rất hồn nhiên và vô tư, nhưng sâu thẳm trong nó là một tâm hồn đã nhiều lần bị dày nát.

Những lần tâm sự, Pha bảo là ba má nó không có lỗi gì cả, chỉ là nó không chấp nhận được cái hoàn cảnh đó nên nó tự dày vò tâm hồn mình. Pha nói rằng chỉ có nỗi đau mới che đậy được nỗi đau, giống như những mảng màu tối đã quệt lên khung vẽ, chỉ có thể che nó đi bằng những mảng màu tối hơn mà thôi. Tôi biết suy nghĩ thế là tiêu cực nhưng cũng không biết dùng lý lẽ nào để nói lại cho nó hiểu. Suốt hơn hai mươi năm của cuộc đời, nếu cứ lấy nỗi đau này để lấp đi nỗi đau khác, chắc hẳn trong tâm hồn Pha đã là một tập hợp với chồng chất sự bi thương mà chẳng có ngôn từ nào có thể phá tan được. Có chăng cũng chỉ là những cơn gió thoảng qua làm dịu đi đôi chút, giống như cái cách ngày bé chúng ta vẫn hay thổi vào những vết thương hở miệng để cảm thấy đỡ đau rát hơn mà thôi.

 

Thấy tôi đăm chiêu, Pha hỏi tôi đang nghĩ gì. Tôi nói tôi nhớ bức tranh hai vợ chồng bán me mà lần đầu gặp Pha đã tặng tôi. Nó cười hỏi, “vẫn còn giữ luôn hả”. Tôi gật đầu. Cũng ngộ, tôi với nó chơi với nhau suốt 5 năm, không ít lần tôi ngồi nhìn nó vẽ tranh. Vậy mà sau bức tranh đó tôi chẳng còn giữ bức tranh nào khác do nó vẽ. Hình như Pha cũng vừa nhận ra điều đó, nó kêu khi nào nó ra viện sẽ vẽ tặng tôi bức tranh tôi ngồi dưới sân bệnh viện nhìn ra cái khuôn viên. Thì ra cái thằng lắm trò, lúc tôi ngồi dưới đợi thì nó đứng ở ban công thấy rồi lấy điện thoại chụp lại. Nó hỏi tôi lúc đọc tin nhắn của nó xong làm gì nghĩ ngợi lâu thế. Tôi ngập ngừng, “không có gì, chỉ là tao sợ mày không ổn”. Pha cười rồi vỗ vai tôi, nó nói nó không sao rồi kêu tôi về đi.

 

Tôi ra về, chạy xe trên đường mà đầu cứ bâng quơ nghĩ mấy chuyện linh tinh về Pha, rồi tôi cố nghĩ xem tại sao bệnh tình nó lại trở nặng đến mức phải nhập viện như thế. Chẳng giải thích nổi, chắc có lẽ chỉ mình Pha hiểu căn bệnh của nó và cũng hiểu vì sao nó bị bệnh. Chỉ có điều lần này, tôi thấy nó chấp nhận những điều bất hạnh đến với cuộc đời nó một cách bình thản hơn. Pha không còn thu mình lại rồi tự dày nát tâm hồn để che đi những bất hạnh của đời nó nữa. Có lẽ nó đã thông suốt, hoặc là nó hết sức để tự dày vò mình.

 

Đêm hôm đó, trước khi đi ngủ Pha gửi cho tôi tin nhắn, “tao sợ quá, những người trong khu này bệnh nặng lắm, chắc ngày mai tao xin về nhà”. Tôi nhắn lại trấn an nó rằng “không sao đâu, chắc mai bác sĩ sẽ cho về thôi, tao thấy mày khỏe mà”. Pha đáp lại gọn lỏn “OK”.

Thực ra tin nhắn đó của Pha đã khiến tôi không thể ngủ được suốt đêm. Một dự cảm nào đó không rõ ràng, nó cứ lảng vảng trong đầu tôi kể từ sau cái dòng tin nhắn đó. Chưa bao giờ tôi thấy bạn tôi vô cùng bình tĩnh rồi lại hoảng sợ như hôm ấy. Dường như có một cái gì sắp đến và Pha đang dần cảm nhận được. Nỗi sợ đó liệu có phải đã lớn dần lên trong đêm tối cùng với sự cô đơn của Pha. Tôi không rõ đêm ấy có những ai ở cùng với bạn tôi, nhưng tôi hiểu rõ những đêm ở bệnh viện chiến đấu cùng bệnh tật là những ngày kinh khủng và cô đơn nhất trong đời. Những nỗi đau âm ỉ bên trong cơ thể, một đêm lạnh lẽo nó bùng phát một cách dữ dội và những người bệnh gồng mình chống chọi. Không ai có thể hiểu hết nỗi đau đớn ấy ngoài những giọt nước mắt nóng hổi của người thân đang rơi trên tiếng rên đau của người bệnh. Sau tiếng OK, Pha đã trải qua những gì trong đêm ấy? Đó có phải là một đêm tối lạnh lẽo với một nỗi đau lớn sẽ khỏa lấp hết tất cả những nỗi đau Pha đã từng có trong đời. Một mảng màu cuối cùng cho bức tranh vốn đã thiếu đi những phần tươi sáng từ khi đặt những nét vẽ đầu tiên.

 

Tôi trằn trọc suốt đêm cho đến gần 5h sáng hôm sau, khi một mẫu tin trên facebook làm tôi đột ngột khựng lại. Đó là tin từ trang cá nhân của Pha với cái avatar đã chuyển sang màu đen. Một mẫu cáo phó ngắn gọn do người nào đó trong gia đình viết cho biết Pha mất lúc 2h sáng sau khi đột ngột trở bệnh nặng. 2h sáng, tức là chỉ khoảng 5 tiếng sau cái tin nhắn OK mà Pha gửi cho tôi. Tôi lặng người, cái mảng màu tối nhất của bức tranh cuộc đời Pha được tô lên một cách nhanh chóng quá. Chỉ chiều hôm qua thôi, cái bức tranh đó còn lóe lên vài điểm sáng, vậy mà chỉ sau một đêm mọi thứ đã đóng lại, như cách người ta phủ một tấm vải đen lên bức tranh trước khi đem nó cất vào trong nhà kho.

Tôi ngồi thẫn thờ, không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi dự định chạy đến bệnh viện để tiễn Pha, nhưng nghĩ giờ này người ta đã đưa nó về nhà. Định chạy sang nhà nó nhưng chợt nhận ra là tôi chưa từng biết nhà của Pha, chỉ mơ hồ rằng nó nằm ở một vùng xa trung tâm Sài Gòn, hướng về khu Quận 6 hay Quận 8 gì đó. Rồi tôi chợt nhớ đến cái phòng trọ nhỏ của bạn tôi, nơi tôi thường đến ngồi xem nó vẽ tranh. Cuộc sống của bạn tôi những năm qua đã được gói lại trong cái căn trọ nhỏ ấy, trong những đêm trắng cô đơn, bạn đã quẹt những nét cọ để tô lên những mảng màu buồn và đẹp của cuộc đời mình.

 

 

An Bình
Số lần đọc: 96
Ngày đăng: 16.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con trai của Thủy Thần - Nguyễn Minh Nữu
Truyện ngắn hớt tóc - Thanh Phương
Hai tâm hồn cô quạnh - Võ Công Liêm
Chiến công của Hồ Súng - Nguyễn Đại Duẫn
Hoa cau quê ngoại - Thanh Phương
Tiệc rượu dưới gốc mận hồng đào - Nguyễn Thỵ
Sự cứu rỗi - Võ Chí Nhất
Đám cưới bánh mì - Phạm Nga
Nhảy tàu - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyến đi cuối cùng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Con mèo lạc (truyện ngắn)