Nhịp điệu Việt - The Rhythm of Vietnam là tập thơ song Ngữ Việt - Anh do nhà thơ, nhà giáo Võ Thị Như Mai hiện đang định cư ở Tây Úc được ra mắt độc giả.
Với hơn 700 bài thơ của hơn 300 tác giả sinh sống trong và ngoài nước, The Rhythm of Vietnam là một cuốn sách được đánh giá là rất dày công và tâm huyết của nhà thơ Võ Thị Như Mai. Chị đã sưu tầm, biên soạn và dịch thuật trong thời gian ba năm để hôm nay The Rhythm of Vietnam được đón nhận trong niềm vui hân hoan của bạn bè.
Nếu nói riêng về dịch thuật, với hai ngôn ngữ Anh - Việt, để tìm những từ ngữ sát nghĩa đã là một công việc rất khó khăn. Dịch thơ lại càng không dễ, bởi ngoài việc giữ trọn vẹn những câu thơ nguyên bản, dịch giả còn phải hiểu, yêu bài thơ đó mới chuyển thể sang ngôn ngữ thứ hai mà ý, tứ, cảm xúc của mỗi câu chữ vẫn không dịch chuyển. Khó là khó ở chỗ đó.
Trong tuyển thơ này, với hơn 300 tác giả thì công bằng mà nói đây không hẳn là một tuyển thơ quy tụ toàn những cây bút tên tuổi. Ngoài những nhà thơ đã được định danh như Trần Mạnh Hảo, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Quang Thiều, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nho Khiêm, Lê Minh Quốc… còn có những tác giả mới, những người yêu thơ tham gia tác phẩm trong tuyển tập này.
Nhà thơ Lê Minh Quốc đã phát biểu trong buổi giới thiệu The Rhythm of Vietnam với đại ý: "Nếu nói về khía cạnh chính trị thì đây là một tinh thần kết nối!". Đúng vậy, không giới hạn địa lý, vùng miền, không phân biệt tài năng cao thấp, The Rhythm of Vietnam chỉ đơn giản là sự kết nối giữa những con người yêu thơ, đến với thơ một cách thuần tuý. Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên khi giữa những cây bút tên tuổi còn có những cái tên nhiều khi chúng ta chưa nghe ở đâu đó, nay đã cùng nhau hội tụ trong cuốn sách nặng trên 1kg này.
Một người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn xinh xinh, nhanh nhẹn, cởi mở, thoạt nhìn không ai có thể nghĩ rằng đây là dịch giả Võ Thị Như Mai với một núi công việc luôn chất chồng. Là giảng viên khoa Ngôn ngữ học tại Tây Úc, cô không chỉ là một cô giáo giỏi trong giảng dạy, cô còn là một nhà thơ với sức viết tràn trề. Thơ Võ Thị Như Mai mang sắc thái trẻ trung nhưng sâu sắc, tinh nghịch nhưng nữ tính, hồn nhiên nhưng tính chất hàn lâm cao. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn trong tà áo dài dân tộc, ngồi trò chuyện cùng các tác giả, bạn bè của mình trong buổi gặp mặt, giới thiệu tuyển tập thơ song ngữ này tại Sài Gòn hôm 14.1. 2024 tôi đã thầm quý mến: "Đúng là một con người của văn học, thi ca!". Nhà văn Dạ Ngân cũng đã có những dòng khái quát về người nữ tâm huyết, tài hoa này trong bài viết “Cuộc chơi của Võ Thị Như Mai”: “Thực tình tôi chưa thấy ai dùng năng lượng như bạn ấy: từ Đà Lạt đi dạy học ở Úc – ngành giảng dạy tiểu học; rồi xin được việc và ở lại; vừa dạy học vừa học tín chỉ dạy tiếng Anh cho người nước ngoài; rồi thấy vui nên tiếp tục học thạc sĩ Văn chương (lấy bằng 2010, vậy là vèo cái 10 năm đầu thả ga hết sức ở xứ người); mười năm nay bạn ấy rực rỡ biên chế nhà nước với mức lương chót vót ở một ngôi trường khác của thành phố Perth – Tây Úc (nhờ thâm niên 20 năm tiểu học và có bằng cao học). Tự hào, yêu nghề, thong dong yêu thơ, vậy thì chơi thôi, chơi thơ bằng cách kết nối để dịch 305 tác giả thảy đều còn sống”.
Không chỉ vậy, cô còn có một tấm lòng luôn bao la rộng mở, chân tình hòa ái với tất cả mọi người. Vậy nên cũng dễ hiểu khi hôm diễn ra cuộc giới thiệu sách từ khắp nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Gia Nghĩa... bạn bè vì yêu quý đã đến chung vui cùng chị tại Sài Gòn dễ đến cả trăm người từ nhiều miền trên cả nước. Bên cạnh những nhà thơ đã cho ra nhiều tác phẩm, có những người lần đầu thấy bài thơ của mình được chuyển ngữ sang tiếng Anh, được in lên giấy trong một tập sách dày dặn, sang trọng ai cũng đều tỏ ra phấn khởi, cảm động.
Nhìn họ nâng niu rồi chỉ cho nhau những bài thơ của mình tôi hiểu niềm vui đang tràn ngập trong mắt họ. Một niềm vui chỉ những người trân trọng thơ mới mang lại cho nhau, trong đó phải nhắc đến chủ biên Võ Thị Như Mai, người kết nối những bài thơ thành những nốt vui lấp lánh.