Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
450
123.131.142
 
Một số phận
Nguyễn Vĩnh Căn

 

Linh Chi còn nhớ rất rõ... Buổi chiều tiễn Gerald - chồng, ra phi trường, anh ấy căn dặn Chi đủ điều:

- Em hãy cố giữ gìn sức khoẻ, đừng thức khuya và đừng làm việc quá sức. Ít hôm hoặc nửa tháng anh sẽ về. Sang đến nơi anh sẽ gọi về cho em…

Còn thằng Michell thì nhõng nhẽo:

- Con hổng đi đâu, nếu mẹ không cùng đi với con sang Pháp.

Nhi phải mắng yêu con:

- Con không được hư, con phải về thăm ông bà nội, để lần khác mẹ sẽ về với con.

Lần đó, nếu không có những vướng mắc nghề nghiệp, Nhi đã cùng với chồng con về quê nội rồi, và có lẽ, sự việc đã chẳng tồi tệ như bây giờ.

Dẫu vậy, Nhi chưa bao giờ nghi ngờ về người chồng mình. Bởi đối với Chi, anh ấy còn hơn cả một người chồng, hay đúng hơn là một người cha, để luôn nâng đỡ, chỉ bảo cho Chi trong cuộc sống. Anh ấy sống chân thật, hiền hoà, và cởi mở như một người bạn thân thương. Những khi Chi làm điều gì sai phạm, chính anh ấy giúp Chi nhận ra khuyết điểm để sửa sai.

Có lẽ cuộc đời Chi sau đó được thành công, cũng nhờ sự dìu dắt của anh ấy; Nhất là Chi phải sống trong môi trường giao tiếp rộng rãi, phức tạp và tinh tế của nghề người mẫu, diễn viên, nhà tổ chức biểu diễn, thì anh ấy là điểm tựa vững vàng cho Chi. Và cũng chính nghề người mẫu này, Chi đã có dịp quen biết anh ấy trong một đêm diễn góp quỹ từ thiện.

Hôm đó, chính Gerald là khách mời, vì đã đóng góp vào việc xây dựng viện khuyết tật này. Sau đó, Chi lại được cử lên tặng hoa cho Gerald. Chi không ngờ, Gerald đã đợi cho đến cuối buổi trình diễn, để gặp và tặng lại bó hoa cho Chi. Anh ấy ngỏ ý đưa Chi về, nhưng Chi cảm thấy, điều đó quá đường đột nên từ chối, và hẹn lần sau.

Những tưởng rằng, cuộc gặp gỡ đó rồi cũng chỉ là gió thoảng mây trôi, nào ngờ lại đụng đầu anh ấy trong buổi tiệc liên hoan tất niên của công ty may mặc Mai Lan. Lúc đó, Chi không quan tâm để tự hỏi: vì mối quan hệ nào mà Gerald có mặt nơi đây? Chỉ biết rằng, sau khi Nhi trình diễn xong, vừa xuống bàn tiệc, Gerald đã cầm ly rượu đến chúc mừng Chi: “Congratulations!” Và hôm đó, Chi chẳng còn lý do  để từ chối Gerald đưa về nữa rồi!

Từ đó, anh ấy luôn quan tâm và đưa đón Chi. Ban đầu, Chi chẳng mấy để ý đến anh ấy, vì nghĩ anh ấy người nước ngoài, lối sống và cách suy nghĩ của Tây phương khó có thể phù hợp với người Á Đông mình. Hơn nữa, Chi mới bước vào nghề người mẫu với biết bao ước vọng dưới ánh đèn mầu linh ảo, cũng khiến cho “Người đẹp thành phố biển” trở nên kiêu kỳ, để tự  nhủ: cuộc đời đang trải thảm hồng cho mình, chẳng thiếu gì các đại gia người Việt theo đuổi, làm sao Gerald lại có vé đối với Chi!

Nhưng rồi qua những lần gặp gỡ và giao tiếp, Chi thấy nơi anh ấy, một con người: lịch thiệp, chân tình, cởi mở, sâu sắc nhưng cũng không kém phần thực dụng. Và anh ấy luôn quan tâm đến nghề nghiệp của Chi.

Một lần, sau buổi biểu diễn về, anh ấy hỏi Chi:

- Em muốn biết ý kiến của anh về màn trình diễn thời trang của em trên sàn Catwalk không?  Chi hớn hở để chắc mẩm là anh ấy sẽ khen mình:

- Coi được không hả anh?

- Quá tồi là đằng khác!

 Chi như quả bóng bị chích lủng. Mặt mày ỉu xìu.

Nhưng Gerald  chưa tha:

- Em có biết những bước đi yểu điệu lả lướt của em, trông giống như dáng điệu của mấy cô múa chèo cổ không? Trong khi sàn diễn Catwalk là sự phô diễn thân hình, vẻ đẹp dáng duyên của người phụ nữ trong từng bước đi uyển chuyển, nhưng lại dứt khoát chắc khoẻ, chứ không phải là sự ẻo lả yểu điệu như thế! Và vì thế, ngực phải lên nẩy ra phía trước, khuôn mặt  ngước lên, một chút lạnh lùng, để toát lên sự kiêu sa quí phái nơi người phụ nữ, nhưng bước chân lại uyển chuyển trong sự khép nép duyên dáng.

Nghe đến đây, sự dỗi hờn bỗng biến mất trên khuôn mặt Chi, để Chi thành khẩn:

- Thế hả anh! Bây giờ nghe anh nói, em mới có được chút khái niệm về người mẫu. Thực ra, người mẫu ở VN có được đào tạo bài bản đâu anh.

Anh cười đằm thắm và hiền hoà khiến cho Chi cảm thấy gần bên anh,  Chi luôn an tâm và tự tin hơn. Về sau, anh còn tư vấn rất nhiều cho Chi trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn thời trang, một lãnh vực khá mới mẻ với Chi, để Chi bớt đi những sự lúng túng và tránh được những sai phạm buổi đầu trong lĩnh vực đó.

Thực ra, anh ấy không muốn Chi làm người mẫu một chút nào! Bởi nghề người mẫu ở VN khá bấp bênh, phải tùy lụy rất nhiều đối tác để có đất diễn. Hơn nữa, cũng dễ sa ngã vào nhiều cạm bẫy cuộc đời. Rồi chuyện đi đêm về trầm rất dễ tai tiếng. Anh ấy còn khuyên Chi nên đi học các khóa về kỹ năng trình diễn thời trang cho có bài bản, để mở lớp dạy và tuyển chọn  người mẫu.

Thời gian đó, Gerald lại phải lên làm việc ở Đà Lạt, với công ty tư vấn về hoa cảnh. Trong khi Chi như con thiêu thân, lao vào nghề diễn viên đóng phim, nên đi đây đó liên tục, đến nỗi không còn thời giờ phôn cho anh ấy, khiến anh ấy phát gắt: “Em đi đâu, làm gì cũng phải phôn cho anh biết chứ!”.

Tưởng rồi cuộc tình sẽ chia tay, nếu như anh ấy không về kịp để khuyên ngăn Chi: “Em đừng có dại dột mà đam mê vào chuyện phim ảnh như thế! Nó cũng chỉ là một nghề trôi nổi, phù du và bạc bẽo lắm!”. Sau này, chính Chi cũng cảm nghiệm được điều đó: khi có vị thế tiếng tăm, và còn duyên dáng trẻ đẹp, họ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, và khi tàn tạ, họ chẳng thèm đếm xỉa tới mình nữa!

Gerald biết: Chi hãy còn trẻ, bồng bột và còn nhiều ảo vọng lắm! Vì thế mà anh phải luôn gần gũi và quan tâm đến Chi rất nhiều. Phần Chi, qua mấy năm trong nghề, cũng thấm thía nỗi truân chuyên, nhục nhằn và phũ phàng của nghề này. Những cuộc tình của những người Việt đối với Chi, cũng chỉ là sự ăn theo sự hào nhoáng và nổi tiếng của Chi mà thôi. Cuối cùng, Chi đã đi đến quyết định kết hôn với Gerald, là chỗ dựa đáng tin cậy nhất.

Một hôn lễ trang trọng, được cử hành tại nhà thờ Con Gà Đà lạt, với sự tham dự của rất đông bạn bè trong và ngoài nước từ Sài Gòn lên.

Những tháng ngày êm đềm như giấc mộng, với cỏ non Đồi cù xanh rờn chạy quanh bên hồ nước sóng sánh thuyền bơi giữa cõi sương mù lãng đãng của buổi mai thật thơ mộng. Và Thung lũng tình yêu, lứa đôi tay trong tay, dạo chơi trên đồi cao gió hát vi vu, để khi xuống triền dốc lũng sâu tự tình, bên những mái tranh ấm áp yêu thương trong cái giá lạnh buổi mai.

Nắng lên, long lanh những giọt sương mai, đẫm ướt trên đôi vai tình nhân, như những giọt tình ngây ngất hạnh phúc. Chiều về êm ả bên Trúc Lâm viện để thấy tâm hồn thư thái, đọng trên những phiến ngói nâu đỏ ấm áp của thiền viện. Mặt nước phẳng lặng như kéo chĩu trời mây xuống se duyên cùng đất nước. Trong phút linh thiêng đó, tiếng chuông chùa bỗng ngân vang trên mặt hồ gợn sóng biếc. Thinh không tĩnh lặng, bỗng rơi những thanh âm tĩnh lạc vô cùng.

Bây giờ nhớ lại, Chi cảm thấy tiếc nuối cho một thời huy hoàng cỏ xanh đã qua đi. Và Chi thầm nghĩ: tại sao khi có, mình đã không trân trọng và gìn giữ nó nhỉ! Để bây giờ tiếc nuối thì đã qua tay mất rồi!         

Sau đó, Chi về Sài gòn để tiếp tục những công việc còn dang dở. Nhưng Chi phải giã từ sàn diễn, khi biết mình có thai. Rồi Chi lại lao vào công việc tuyển chọn người mẫu, dạy biểu diễn thời trang và tổ chức biểu diễn. Cái nghề này, Chi học được nơi anh Gerald khá nhiều điều. Nhưng quả nghề này cũng rất vất vả truân chuyên, để ngược xuôi với các đối tác: công ty tài trợ, doanh nghiệp may mặc, xưởng dệt tơ tằm, nhà thiết kế thời trang, giấy phép trình diễn…Tất cả đã dồn lên đôi vai nhọc nhằn của Chi, một khối lượng công việc quá tải, để không còn giờ ăn ngủ nghỉ, khiến Chi suýt bị sẩy thai. May anh ấy về Sài gòn kịp thời giúp đỡ và gánh vác cho Chi bớt áp lực công việc.

Chi phải tạm nghỉ công việc một thời gian dài để dưỡng thai và sinh nở. Những ngày đó, nếu không có anh ấy bên cạnh, chắc Chi sẽ buồn chán biết bao!

Về sống thành phố đã lâu, mà Chi vẫn chưa đi đây đó được mấy! Nếu không có anh ấy, chắc Chi cũng chẳng biết đến Sở thú: với một không gian yên ắng, phủ bóng mát xuống những thảm cỏ xanh tươi cho tâm hồn lắng đọng, giữa cái không khí ồn ào và ngột ngạt của Tp. Rồi Đầm sen, với những trò giải trí đua thuyền, cầu quay, ván trượt…

Nhưng hoành tráng hơn cả vẫn là Suối tiên. Một khu vui chơi giải trí, đến người khó tính nhất cũng phải hài lòng: với những tòa lâu đài kiến trúc cổ kính, đẹp lộng lẫy như trong chuyện thần tiên cổ tích. 12 con giáp cũng được khắc họa một cách công phu, và hoành tráng cho mỗi sự độc đáo riêng. Những hang động Thuỷ cung vừa huyền bí, âm u rợn người. Những màn biểu diễn đấu kiếm, trai tài gái sắc bay lượn ngoạn mục như phim kiếm hiệp. Còn các trò chơi cho trẻ con thì phong phú đa dạng vô cùng. Nhưng những ngày dạo chơi phù du đó, cũng không làm Chi quên được những công việc đang dang dở.

Một năm sau khi sinh nở, con đã lớn để Chi có thể trở về với công việc của mình. Và dịp may đã đến với Chi khi công ty cử Chi đi học nghề biểu diễn thời trang, một bộ môn đang thời thượng ở VN khi đó.

Thực lòng, anh ấy chẳng muốn Chi đi một chút nào! Vì con hãy còn nhỏ. Những Chi lại nghĩ cơ may đến với mình, không đi thì uổng lắm! Gerald miễn cưỡng thu xếp hành lý và tiễn Chi ra phi trường để không quên dặn: “Em nhớ giữ gìn sức khoẻ và phôn về cho anh luôn nhé!”

Hình như Chi có khiếu với bộ môn này, nên việc học hành tiến triển một cách khả quan, chính Young Girls Club cũng yêu cầu Chi ở lại làm việc bên đó.

Những ngày ở bên đó, Chi như con thiêu thân lao vào ánh đèn mầu hư ảo với những lễ hội, phòng trà, ca nhạc, vũ trường, sàn diễn Catwalk…Nhưng ở bên này, họ tổ chức rất bài bản: mọi lĩnh vực đều tương quan hữu cơ với nhau, nhưng lại có lớp lang thứ tự, nên rất dễ làm việc, chứ không phải chồng chéo, vô tổ chức như ở bên mình. Với áp lực công việc của người làm nghề sáng tạo thời trang, hình như thuốc lá và rượu là hai thứ trợ giúp đắc lực và hiệu quả nhất để giải hoá Stress, đến nỗi Chi nghiện lúc nào không hay.

Ngày về nước, chính Gerald cũng phải ngạc nhiên để thấy Chi uống rượu như hũ chìm, và hút thuốc lá như xé giẻ. Rồi anh ấy giúp Chi cai nghiện, nhưng sức khoẻ của Chi ngày mỗi sút giảm, khiến anh lo lắng để đưa Chi đi xét nghiệm máu. Và kết quả dương tính, vì có chất ma tuý trong máu. Nhưng Chi vẫn khẳng định với Gerald: “Em chưa bao giờ biết đến ma tuý, coken, hay hồng phiến…”.

Sau cùng, Gerald cũng tìm ra được nguyên nhân gây nghiện: trong điếu thuốc Craven A còn sót lại trong đáy va li, có chất ma tuý. Thế là Gerald phải thuyết phục mãi, Chi mới chịu đi cai nghiện ở Đà Lạt; Bởi Chi vừa mới đi học về còn khao khát thể hiện năng lực của mình ở quê nhà, bảo sao Chi lại đi cho được.

Đến khi hai bố con ra về, để lại một mình Chi trong trại, Chi mới chợt thấy buồn cô quạnh để bật khóc. Cũng may không khí mát mẻ dễ chịu và cảnh đồi núi, sông nước nên thơ, cũng giúp cho Chi đỡ nhớ nhà. Dần dà, Chi quen với những người bạn mới cùng cảnh ngộ, nên cũng vui lây với một sinh hoạt kỷ luật hoàn toàn mới với Chi.

Trại cai nghiện được xây dựng trên một ngọn thoải đồi. Con đường đất đỏ xoay vòng lên dốc với những hàng thông đứng chênh vênh theo sườn dốc, gọi gió về vi vu suốt bốn mùa. Cách giữa hai ngọn đồi là dòng thác xả nước trắng xóa, mà đêm về nghe như “thấy ta là thác đổ”, gây cảm xúc về thân phận con người, cũng chỉ là một thoáng thác đổ. Ở giữa chốn đồi núi này, cảnh vật làm cho Chi cảm nhận về: tiền tài danh vọng cũng chỉ là bọt bèo phù du mà thôi.

Và ngày Tết, là ngày Chi mừng nhất, vì có đủ bố con, và bạn bè lên thăm. Nhưng anh ấy không muốn bạn bè Chi lên thăm chút nào, vì sợ Chi sẽ tái nghiện. Mà quả thật vậy, dù cho Ban trại có chặt chẽ kỷ luật cách mấy, trong này vẫn có ma tuý gửi vào, mà có khi là còn do trong đội ngũ Ban trại chuyển vào!? Vì vậy, nếu Chi không kiên quyết, thì có lẽ cũng rất khó để cai nghiện tốt về nhà.

Ngày Chi cai nghiện về, anh ấy đã chuẩn bị một cuộc du lịch dài ngày từ Nam ra Bắc, để Chi thoải mái trước khi bắt tay vào công việc.

Với chiếc xe Renault năm chỗ mầu kem, đưa cả gia đình Chi cùng rong ruổi một chuyến xuyên Việt đầy ngoạn mục và thú vị. Ra Đà Nẵng với Ngũ Hành sơn hang hầm quanh co vách đá cheo leo. Phố cổ Hội An nét kiến trúc cổ đẹp cổ kính. Ra Huế với cung điện Thái Hoà, lăng tẩm, thành quách, như sống lại thời thịnh trị các Vua triều Nguyễn với Nhã nhạc cung đình…Ra Quảng Trị để xem lại vết tích bom đạn của thành nội. Quảng Bình với động Phong Nha, Kẻ Bàng. Rồi Hà Nội với danh lam, thắng cảnh đẹp hữu tình: với Văn Miếu, Hồ Tây, Lăng Bác….Nhưng cảnh đẹp thiên nhiên và hoành tráng nhất vẫn là vịnh Hạ Long.

Chi không ngờ, đây là chuyến đi cuối cùng của Chi với bố con anh ấy! Bởi sau cuộc đi đó, anh ấy phải theo công ty sang Hà Lan để chuyển hàng. Thực ra, đến bây giờ Nhi cũng không biết rõ là anh ấy làm nghề gì? Chỉ nghe anh ấy nói loáng thoáng chuyển hàng chứ không biết chuyển hàng gì? Đó là một sự vô tâm, mà chính Chi tự trách mình quá hờ hững với công việc của anh ấy.

***

Vừa sang đến nơi, anh ấy đã gọi về: “Bố con đã về đến nhà nội. Ông bà nội gặp thằng Michell, mừng lắm! Cháu và ông bà cứ quấn quýt nhau không rời. Mẹ có hỏi thăm em: “Sao không về? Lần sau nhớ đưa cô dâu Việt về với nhé!”

Sau đó anh ấy cứ gọi về liên tục, nên Chi yên tâm để không phải lo lắng gì về bố con.

Những ngày này, Chi chưa phải vướng bận công việc nên nhàn nhã lắm! Vì nghĩ: khi nào anh ấy về, mình đi làm việc luôn thể. Nhưng rồi hai tuần sau, cuộc gọi cuối cùng mà bây giờ Chi vẫn nhớ như in:“Có lẽ anh và con chưa thể về được, vì còn vướng bận một ít việc phải ở lại giải quyết, em đừng chờ!”.

Chi cũng tưởng chỉ là ít bữa, hay nửa tháng là bố con về. Nhưng rồi hơn một tháng sau, không hề có tin tức anh ấy, khiến Chi hơi bị chột dạ để lo lắng tự hỏi: không biết sự việc gì xảy ra, mà không có tin tức gì về anh ấy?

Rồi thời gian cứ nặng nề trôi qua từng ngày, từng tháng, cho tới sáu tháng sau, Chi không còn hy vọng gì về bố con anh ấy về nữa rồi! Dường như niềm tuyệt vọng, đã kéo Chi xuống một lũng sâu hụt hẫng trong cuộc sống. Nhi chẳng thiết tha gì công việc, và đi chơi bời với bạn bè nữa. Nằm giam mình, vùi trên giường trong bốn bức tường bức bối, Chi chẳng thiết gì ăn uống.

Đây là cú sốc mãnh liệt trong của đời của Chi. Chi không thể ngờ, trong thoáng chốc, mình lại mất cả con lẫn chồng một cách vô lý như thế! Nhưng trong thâm tâm, Chi vẫn cứ hy vọng bố con anh ấy sẽ trở về với Chi. Chi cố gắng lục lọi tâm trí, để tìm ra lý lẽ giải thích cho sự bặt vô âm tín của anh ấy: chẳng lẽ anh ấy chán mình rồi? Không thể được, nhất là những tháng ngày vừa qua, anh ấy còn rất luyến ái với mình lắm!

Năm năm rồi mà ngỡ như buổi đầu vợ chồng mới cưới, đi đâu cũng không rời nhau. Hay bố mẹ anh ấy không thích cho anh ấy lấy người Việt. Theo Chi, điều đó rất khó ảnh hưởng đến Gerald để bỏ Chi. Vì người Tây phương không có lối áp đặt hôn nhân như Á Đông mình, hơn nữa tính anh ấy rất kiên định, Chi không thể tin được lý do đó! Vậy thì tại sao….? Câu trả lời vẫn còn phải bỏ ngõ đối với Chi!??

Quá buồn chán, Chi tìm đến rượu để giải sầu nỗi tuyệt vọng. Nhưng rồi cơn say đó cũng không làm nguôi ngoai nỗi nhớ chất ngất cứ khắc khoải trong đầu óc Chi, khiến con Loan phải phát gắt: Mày cứ u sầu mãi, rồi tiều tuỵ trong men rượu thì được cái nỗi gì? Dậy đi hát Karaoke với tao cho khuây khoả, chứ nằm chết dí mãi đổ bệnh thì nguy.

Karaoke cũng là món sở thích của Chi, nhưng là đi hát với bạn bè hay với chồng con, chứ bây giờ phải đi làm nghề mà hát mỏi tay thì chưa bao giờ Chi phải làm, nên buổi đầu cũng thật bỡ ngỡ, khi phải đối diện với khách hàng đã nhầy bia rượu để lè nhè hát thì ít mà mó máy thì nhiều.

Lần đầu tiên đó, Nhi bị nhột nhạt khó chịu lắm, khiến Chi phải cự tuyệt mấy lần phải ra về. Nhưng rồi những lần sau, bà chủ quán khuyên: “Thôi thì mất mát chi với cái nhúm lông da ấy mà tiếc nuối, chiều khách mà lấy tiền cho được việc đi”. Rồi những lần sau Chi cũng quen dần. 

Chán karaokê thì đến phòng trà nhảy nhót, quay cuồng khuây khỏa được đôi chút, rồi về nhà, Nhi lại rơi vào sự cô đơn buồn chán, mặc dù nhạc dập inh ỏi, nhưng Chi không sao nguôi ngoai được nỗi nhớ chồng con cứ day dứt mãi trong tâm hồn.

Thấy Chi quá thảm sầu, Loan bảo: “Làm một cự giải sầu là hết ngay thôi bà!”. Loan se điếu thuốc đưa cho Chi. Ban đầu hơi khói khen khét làm Chi khó chịu và buồn nôn. Nhưng chỉ một lát sau, Chi cảm thấy dễ chịu, đầu óc tâm trí cứ mênh mênh mang mang, như chờn vờn trên trời trăng mây gió. Chiêu một ngụm nước đá, thấy mát lạnh vào hồn, hòa quyện cùng khói thuốc như sương mờ lãng đãng làm tan biến mọi day dứt khổ đau, khiến Chi như siêu thoát ra khỏi thực tại.

Từ đó, rượu và heroin là hai thứ không thể thiếu được đối với Chi, để rồi suốt ngày Chi cứ chìm đắm trong men nồng và khói thuốc, khiến con người Chi trở nên bạc nhược, không còn màng chi đến công việc. Mãi đến khi, chủ nhà đến đòi nợ ba tháng tiền nhà thì, Chi mới chợt tỉnh về với thực tại, để nhận ra rằng: hơn một năm rưỡi nay, Chi chẳng thiết tha chi làm ăn, và chỉ có ăn xài thỏa thích, thì đến núi cũng phải sụp lở nữa là…Mà cơ ngơi của Chi cũng chẳng là bao. Ước mơ của hai vợ chồng là sẽ dành dụm mua một căn hộ tươm tất ở quận III sắp hiện thực thì …

Nghĩ đến đó Chi bỗng bật khóc, để tủi thân cho cái phận mình, phút chốc bỗng trở nên nông nỗi này.

Nhưng bây giờ, Chi tự biết: khóc lóc chẳng được cái nỗi gì?

Khi Chi tỉnh táo để trở lại với công việc thì đã quá muộn mất rồi! Thời gian đã đẩy xa những mối quan hệ ngày trước, để họ từ chối khéo với Chi: “Tôi sẽ quan tâm đến trường hợp của chị, còn bây giờ, tôi chưa thể hợp tác được với chị”. Chi cay đắng để nhận ra rằng: mình đang đi vào ngõ cụt của cuộc đời?

Những ngày đó, nếu không có Loan, chắc Chi cũng sẽ đến khốn đốn, để không có nơi ăn chốn ở. Nhưng thực ra, Loan cũng chỉ là gái vũ trường, chứ có khá khấm chi mà ăn nhờ ở đợ nó mãi được. Chi vẫn biết thế, để rồi đi đến quyết định…

Ngày đó, khi bước chân vào vũ trường, Chi đã nhục nhã đắng cay ê chề muôn vàn; Bởi trước đó, tiếng tăm danh giá ở bên người mẫu, rồi diễn viên và hơn hết là nhà tổ chức biểu diễn thời trang, quen biết với giới thượng lưu, mà giờ  đây, sa cơ lỡ vận để làm một gái vũ trường, còn nỗi nhục nào bằng!?

Chi cũng đắng cay để nhận ra rằng: gái vũ trường thực chất, cũng là gái bán dâm trá hình của các loại gái gọi, gái bao, bồ nhí mà thôi. Và vũ trường, phòng hát Karaoke chỉ là cái nơi môi giới hợp pháp cho các vụ việc bán dâm.

Cuộc đời của những cô gái như Chi, cũng chỉ là loài hạc ăn sương, mà  mỗi khi đêm xuống, hoá thân thành những con thiêu thân, để quay cuồng, cười nói lả lơi, dưới ánh đèn màu lung linh hư ảo, trong men say rượu nồng và khói thuốc phả mờ không gian.

Chi dần quen đêm vũ trường với những tay nhảy điệu nghệ như Dân, Phong, Thân trong điệu Pasodoble với những bước đi thoăn thoắt liền chân nhau của đôi tình nhân, chuyển theo vòng tròn theo tiếng kèn Trumpet vang dậy của điệu nhạc đấu bò tót Tây Ban Nha. Rồi bỗng chuyển qua tiếng Vĩ cầm réo rắt trong điệu Tango với những bước nhảy quý phái của hoàng tộc ngày xưa.

Sau đó tất cả nhường chỗ cho màn độc diễn của một đôi đào kép độc điệu nghệ, trong tiếng nhạc Accordion của điệu luân vũ Valse: Dòng sông xanh, cả hai như đôi Thiên Nga quay cuồng, quấn quýt nhau, lướt trên sàn nhảy, tưởng chừng những bước chân không bén sàn, cho đến khi đôi nhảy quay vòng chào, thì điệu Cha cha cha nổi lên với các đôi nhảy dập dìu lui tới trong tiếng nhạc của dàn kèn đồng rộn rã, đã kết thúc phần một của chương trình. Đây là những vũ điệu mang tính nghệ thuật khiêu vũ cao mà Chi thích. Và lần đầu tiên đó, đã làm Chi mệt bở hơi tai, với đôi chân rã rời.

Những vại bia sủi bọt côm cốp mời nhau. Những ly rượu ngoại sóng sánh màu hổ phách chan chát chúc cụng, đổ ực từng ngụm rượu thơm ngất men nồng cháy bỏng cổ. Tất cả đã tạo nên một cảnh ăn chơi rất đỗi điệu đàng.

Rồi bỗng ánh đèn đổi sang gam màu mờ ảo, trong tiếng nhạc dặt dìu, du dương của điệu: Boston lơi lã nhịp ¾. Điệu Bebop xoay vòng của từng cặp trai gái trong sự tình tứ, lẳng lơ, để rồi về bãi đáp của điệu Slow dặt dìu trong tiếng kèn Saxophone lả lơi. Từng đôi trai gái thắm thiết nhau tay trong tay, vai ấp má kề dặt dìu nhau đi như ru tình vào cõi mộng. Ở đó họ tỉ tê với nhau những thỏa thuận giá cả cho cuộc mây mưa sau khi vũ trường tan. Mới nhảy lần đầu mà Chi đã bén được vài mối, nhưng Chi vẫn còn ngần ngừ chưa nhận.

Bỗng tiếng nhạc dồn dập vang lên chát chúa trong ánh sáng chói lóa lung ảo sắc màu. Những bước chân nhảy dồn dập cuồng nhiệt, với đôi tay múa may loạn xạ, trong điệu nhạc quay cuồng inh ỏi của các điệu: Disco, Rock, Rap, Hip hop…để cho mông lắc đú đởn dưới bộ váy ngắn cũn cỡn, làm sàn nhảy nóng lên, bởi hiệu ứng của những viên thuốc lắc.

Chi cảm thấy đầu như búa bổ, tay chân rã rời, không còn sức để nhảy nhót nữa!

- Đưa tao về thôi mày Loan, tao thấm mệt rồi!

- Bộ mày chưa kiếm được mối nào tối nay sao?

- Có nhưng tao ngại lắm!

- Lần đầu đứa nào chả thế! Tới luôn đi, rồi sẽ quen.

- Chịu thôi! Tao về trước đây.

Phải đến mấy lần sau, Chi mới chịu đi khách làm gái gọi. Cũng nhờ mối quan hệ rộng rãi ngày trước với các đại gia, mà Chi có rất nhiều mối sộp. Và thời gian đầu Chi cũng kén canh chọn cá lắm! Bởi xét cho cùng ra thì dáng dấp và dung nhan của Chi vẫn còn làm đắm say bọn đại gia dư cơm rửng mỡ, tội gì mình không yêu sách.

Nhưng Chi cũng nhận ra rằng: có cao kỳ cách mấy, cũng chỉ là con điếm mà thôi; Có chăng là điếm sang, điếm cao cấp. Dần dần Chi bớt đến vũ trường, vì những mối gọi quá tải để đâu cần phải đến vũ trường tìm mối.

Lần đầu tiên đi khách, chính Chi cũng cảm thấy ngượng với bản thân mình: chẳng hề quen biết gì nhau mà trần truồng như nhộng, ôm ấp gối đầu, bao sao Chi không thẹn thùng, hơn nữa Chi đã có chồng đàng hoàng rồi!

Nghĩ đến đó Chi chảy nước mắt. Nhưng điều đó càng làm cho lão đại gia trán hói thêm phấn khích, vì nghĩ rằng: Chi hãy còn thơ ngây để khóc tiếc nuối! Rồi như con cọp đói, hắn vồ vập miếng mồi ngon trắng nõn nà thân thể Chi một cách cường bạo. Dồn dập như sóng vỗ. Đến khi đã nứa, lăn khì ra ngủ như đứa trẻ thơ vô tư, để lại nỗi cực nhục cho Chi.

Những lúc như thế, Chi ngồi thẫn thờ châm thuốc hút, như để đốt cháy đời mình tàn lụi theo đóm thuốc. Thả hồn vẩn vơ, Chi nghĩ cái vòng luẩn quẩn của đời người: làm ăn vất vả cả ngày, tối đến ăn nhậu phè phỡn, tìm gái chơi bời chê chán, rồi lăn ra giấc ngủ như chết. Để sớm mai về dối trá với vợ con: “Anh làm việc với đối tác khuya quá không về được, phải ngủ lại công sở…”. Sáng sớm lại đi làm…

Vòng đời cứ quanh quẩn mãi mà con người không biết nhàm chán. Và vừa lúc Chi buồn ngái ngủ, con cọp đói lại vùng dậy để dày vò người Chi, và những suất sau thì thật là dai dẳng, khiến cho Chi thật cực nhục khốn khổ, mệt lả người. Lấy được đồng tiền cũng hao sức tổn tướng, để bị hành suốt cả đêm trường.

Làm nghề gái gọi, hầu như phải túc trực cả ngày để ứng chiến. Bởi các đại gia cũng lắm mưu ma chước quỷ, để xếp lịch cho những cuộc ăn chơi khỏi lộ bài, hòng qua mặt mấy mụ vợ nhà. Chẳng lẽ đêm nào cũng bận rộn ở công sở mãi, bà vợ có ngu đần cách mấy cũng làm sao tin nổi.

Thế là sớm, trưa, chiều, có thể tranh thủ bất cứ khi nào phôn tới là Chi có khách tiếp. Và rồi nghề dạy nghề, để Chi khôn ranh hơn, nên thời gian hành xác được rút ngắn lại với những thủ thuật vuốt lưng, rên rỉ, cào cấu…nhằm kích thích cảm xúc tột đỉnh của đàn ông.

- Thôi, để bớt cực nhục, mày rán chài một lão già khuếch sù, như tao là chắc ăn nhất. Loan mở lời khuyên Chi.

Về sau, Chi cũng theo Loan, để tìm kiếm một đại gia khuếch xù, chuyển sang làm gái bao cho đỡ bị hành xác mỗi ngày đêm nhọc nhằn; bởi mấy lão già thì sức đếch đâu mà hành được nữa!

Gái bao có nhiều loại, tròn gói, trọn ngày, trọn tuần…. Nhưng sướng nhất là gái bao trọn gói, vì có nhà riêng, đầy đủ tiện nghi. “Ăn sướng mặc sang, ở nhà mát mẻ, cơm no bò cưỡi” là thuật ngữ của gái bao.

Suốt ngày đối với gái bao như  Chi,  chỉ có túm tụm bạn bè, bài bạc rượu chè ăn nhậu chán, rồi diện đồ đẹp đi shopping…

Những lúc sổ chuồng con mụ vợ, lão ta đến ngay với Chi để du hí đi ăn uống, đi mua sắm may mặc…Đối với Chi làm gái bao khá thú vị, giống như tình nhân hay bồ nhí của hắn. Bây giờ nghĩ lại, Nhi thấy mình vẫn có cảm xúc và tình cảm với lão Khánh. Thực ra, lão chỉ hơn Chi một giáp tuổi chứ  mấy!

Những tháng ngày đó, đối với Chi cũng thật thú vị của sự mong chờ trong tâm trạng hồi hộp lo âu; Bởi vô phúc bữa nào con mụ vợ phát hiện ra mà đến đánh ghen, rạch mặt hay tạt Acid thì cũng lúa đời. Mà chuyện đánh ghen này cũng là cơm bữa đối với gái bao. Một điều hết sức cấm kỵ đối với gái bao là không được đi khách hay léng phéng với ai, nếu biết thì coi như đứt hợp đồng ngay.

Thời gian thấm thoát cảnh vợ chồng hờ cũng gần 4 năm. Và tưởng chuyện tốt đẹp khi lão đi đến ly hôn với mụ vợ để lấy Chi thì, một sự cố xảy ra để Chi đành phải chia tay với lão.

Chỉ vì nể nả và ân tình với một khách gọi quen biết, để lão bắt gặp ở Bãi Sau Vũng Tàu và đành phải đôi ngã phân ly.

Và cuộc chia tay đó cũng làm Chi sầu khổ mất cả tháng trời. Phần vì mất chỗ tựa nhà ở ổn định, mà thật ra, chính Chi cũng có cảm tình đặc biệt với lão.

Thế rồi Chi lại trở về làm gái gọi một cách cực nhục hơn lúc trước, vì lúc này đây, người Chi cũng đã đẩy đà dáng dấp và sắc nước cũng đã theo tháng năm tàn tạ, cuộc gọi cũng vắng thưa dần.

Những mánh khoé của gái gọi cũng dần được nâng cấp tiếp thị một cách tinh tế hơn, để có thể phủ sóng rộng rãi đến khách hàng. Thế là những số Đtdđ của gái gọi được ngụy trang dưới danh nghĩa: gia sư, khoan cắt bê tông, sửa ống nước tại gia…được in đầy các bức tường nơi công cộng.

Và cũng có lắm chuyện buồn cười xảy ra, khi những người thật thà muốn gọi khoan cắt bê tông, đã ú ớ để không biết những mánh khóe quái quỷ của dân gái gọi. Một lần nọ:

- A lô! Dịch vụ khoan cắt bê tông phải không?

- Vâng, nhưng là nhà em có dịch vụ nhờ nhà bác khoan cho nhà em cơ! Nhà bác có sẵn sàng giúp không ạ!

- Cô nói cái gì tôi không hiểu?

- Dịch vụ nhà em là cứu độ chúng sinh, cho khách độ nhà. Khi nào nhà bác nhỡ nhàng, bị vợ hắt hủi đuổi đi, hãy đến chốn em nương tựa nha!    

Khách gọi như chợt hiểu ra:

- Đồ đĩ ngựa! Vô liêm sĩ.

Chi cười ngặt nghẽo.

Rồi những năm tháng trôi đi trong nỗi nhục nhằn của đời những cô gái bao như Chi, tiền vào là thế, mà hết mưa là hết nước. Những đồng tiền vào túi của gái gọi, gái bao đều không đáy để chui tọt đi đâu không biết, để rồi lúc nào cũng túng bấn. Mà cũng phải thôi, khi có tiền thì ăn xài phung phí vung tiền qua cửa sổ không tiếc nuối. Đã thế, lại còn chìm đắm trong nghiện ngập rượu, thuốc và ma tuý, chuyện túng bấn là chẳng có gì khó hiểu!

Và rồi sự trác táng truỵ lạc, đã làm rời rạc thân tàn ma dại của Chi, để việc đi khách càng khó khăn hơn bao giờ hết, khiến Chi từ gái gọi chuyển sang gái nhà chứa, nơi thường dành cho gái già, xấu xí, chỉ để cho những khách hàng say xỉn quáng mờ đến giải quyết với hàng khuyến mãi đại hạ giá. Đã thế, những cơn đói thuốc lại luôn hành hạ Chi khiến Chi luôn mụ mẫm người, có khi vật vã điên dại; Tất cả đã làm cái thân Chi vốn đã tàn tạ lại thêm tiều tuỵ dung nhan.

***

            Rồi Chi bị bắt vào trung tâm cai nghiện II. Đó là một nơi cưỡng chế áp đặt nhiều hơn là tự nguyện. Mà muốn cai nghiện tốt, chí ít cần phải hội đủ hai điều kiện: tự nguyện, và ý chí quyết tâm, là hai điều mà gái điếm đều không hội đủ. Ngay cả bản thân Chi cũng tự hỏi: cai nghiện tốt để làm gì? Khi mà trước mắt bọn gái điếm như Chi, chẳng còn chút nhân phẩm tối thiểu nào ở trong xã hội này nữa rồi! Họ cay đắng để nhận ra rằng: chính họ là thành phần cặn bã nhơ nhớp sống dưới đáy xã hội. Và khi xã hội không còn dành chỗ nhân phẩm và việc làm để thoát kiếp làm đĩ, thì tỉnh táo để làm gì?

Và vì thế mà Chi đã chạy trốn cuộc đời bằng cách tự ru ngủ mình trong ma tuý. Và ma tuý là liều thuốc giải stress hiệu quả nhất, để quên mọi sự đời, quên đi thân phận đáng nguyền rủa của một kiếp đớn hèn nhục nhã. Ý chí của Chi ư? Ngoài sự bạc nhược sẵn nơi con người Chi để không tự chủ mà vươn lên trên đôi bàn chân mình. Thật ra, Chi đâu còn có gì để mà mất. Danh dự ư? Nhân phẩm ư? Chẳng đáng bằng một bãi nước bót để còn ích lợi cho con ruồi nhặng bu, liệu có cần gì phải có ý chí để giữ gìn nữa chứ!?

            Thành ra, chọn cai nghiện để tỉnh táo nhận ra nỗi nhục nhã ê chề ư? Hay đắm chìm trong mụ mẫm ma tuý dễ hơn? Để còn sống được với đời, chứ nếu không họ sẽ đi đến tự tử. Chỉ có cái chết mới có thể cứu thoát họ ra khỏi cái vũng bùn ê chề, nhưng điều đó không đến với họ, vì họ quá nhát hèn để không dám tự giải thoát mình. Chi cũng nằm vào diện tiến thoái lưỡng nan đó. Nhưng rồi cơm no đái nát trại cũng tốn kém, mà không còn chỗ cho những người sau, trại cũng đành giải phóng cho những người vào đây lâu ngày như Chi.

            Chi lại được sự đón tiếp của bè bạn để nhập cuộc như ngày nào. Nhưng bây giờ con người Chi đã bị tàn tạ bởi tháng năm phai tàn hương sắc, và phần bởi sự trác táng trong trụy lạc, và sự  buông tuồng vô độ của rượu thuốc và Ken. Những nếp nhăn  đã in hằn trên khuôn mặt mệt mỏi  bơ thờ đến chán chường. Cuộc sống như trên đà xuống dốc trong sự vô định. 

Thậm chí nhiều hôm đói thuốc đói cơm, Chi phải đi đón khách một cách trâng tráo ở dọc đường mỗi đêm. Nhiều lúc nghĩ lại, chỉ mấy năm trước đây mình chồng con danh giá là thế, để đến bây giờ kiếp sống như một con chó hoang lang thang đầu đường xó chợ, nghĩ tủi thân phận đến bật khóc.

Những năm tháng này, khi tỉnh táo, Chi cố gắng tái tạo lại trong ký ức những khoảnh khắc kỷ niệm vàng son một thời, để quên đi thực tại nhục nhằn đắng cay.

            Rồi Chi lại bị bắt vào trại cai nghiện lần hai. Khi đó sức khoẻ của Chi đã cùng kiệt. Ngày tháng trôi đi trong sự quằn quại, đau đớn của sự thiếu thuốc khiến người Chi tiều tuỵ đến gầy rạc, để đến khi được thông báo xét nghiệm dương tính, Chi chỉ còn biết thẩn thờ để không còn một ý niệm sợ hãi gì nữa. Rồi bỗng Chi rú lên cười sặc sụa khiến cả phòng ngạc nhiên. Nhưng rồi sau đó phải đưa Chi lên cấp cứu.

            Và rồi Chi bỗng sống hồn nhiên vô tư trở lại, khiến mấy đứa bạn phải tự hỏi: con này có điên không chứ! Biết mình nhiễm HIV mà vẫn vô tư hồn nhiên như không có chuyện gì, kể cả chường mặt lên truyền hình VTV, trả lời phỏng vấn, vui vẻ. Sau này về trại tụi nó bảo:“Sao mầy gan thế?”. Chi bảo: “Tao muốn nhân cơ hội lên thông tin đại chúng một lần cuối để nhắn tin cho anh Gerald, may ra anh ấy biết mình đang khốn đốn thế này. Hy vọng cuối đời tao sẽ gặp lại bố con một lần rồi ra đi cũng đành”.

            Những ngày sau khi lên truyền hình, Chi được nhiều ân nhân đến trao tặng tiền, quà. Nhiều phóng viên báo chí đến chụp hình, phỏng vấn viết bài, những sinh viên khoa xã hội nhân văn cũng tìm đến làm luận đề tốt nghiệp. Đến nỗi mấy đứa bạn cũng ngầm ganh tỵ: biết vậy mình lên truyền hình thì hay rồi!

            Tháng ngày trôi qua, khi mà những vết đen đã in hằn trên người của Chi, sức khỏe của  Chi đã quá cùng kiệt. Chi chỉ còn nằm trên giường bệnh liệt lào nữa mà thôi.

***

            Rồi ngày nọ, một phái đoàn sinh viên người Pháp sang thăm trại. Họ được hướng dẫn tới thăm Nhi và họ muốn được nghe Chi kể lại cuộc đời của Chi, và những lý do nào đã đun đẩy Chi đến khúc quanh như thế này?

            Chi nhớ lại, ngày đó…         

            Bố Chi chết sớm, để hai mẹ con lại trong một mái nhà tranh rách nát, ở một miền quê kinh tế mới nghèo nàn. Mùa đông gió thổi rào rạt qua phên thưa giá lạnh biết bao hiu quạnh. Nhà không có cái ăn, khiến Chi phải nghĩ học để làm thuê mướn. Chi vẫn muốn vươn lên cho thoát cái cảnh nghèo nàn. Ước mơ xây lại căn nhà luôn được Chi hằng ấp ủ. Nhưng hoàn cảnh sau 75, kiếm đủ cái ăn cái mặc đã khó, việc xây lại căn nhà là quá hão huyền.

            Nhưng rồi đến năm 18 tuổi, nhân có một cuộc thi “Người đẹp thành phố biển”, may mắn đã mỉm cười với Chi khi Chi lọt vào vòng ba. Ngay từ vòng đầu, Chi đã được giới thiệu với công ty may mặc Thái Tuấn, và được tài trợ ăn ở khách sạn cũng như may mặc.

Và đêm chung kết, Chi đã rất sung sướng khi được đăng quang lên ngôi “Người đẹp Thành phố biển”. Nhưng chính đêm đó, lão giám đốc công ty đã bước vào phòng của Chi như là một ông chủ. Ban đầu Chi thân mật vui vẻ cười nói vô tư với lão lắm! Bởi vì dù sao lão cũng là ân nhân của Chi để Chi lên ngôi hoa khôi.

Nhưng rồi lão bỗng giở trò sàm sỡ, ôm ấp khiến Chi hoàn toàn ngạc nhiên để cự tuyệt lão. Lão nói thẳng với Chi: “Cô tưởng đang không cô được lên ngôi người đẹp thành phố biển dễ dàng thế sao? Không có đồng tiền tài trợ của tôi về nơi ăn chốn ở, may mặc, thì cô lấy đâu ra chi phí. Lại còn phải bỏ tiền đi đêm với ban giám khảo mới có được ngôi vị như thế chứ!”.

Chi nghĩ, bao nhiêu ước mơ đang trải ra trước mắt: nào nhà xây lại, nào xe, nào tiện nghi trong nhà và bao nhiêu vinh hoa đang trải ra trước mặt Chi một viễn cảnh thật hấp dẫn, khiến Chi đã gạt nước mắt để chịu trận.

            Những tháng ngày đi biểu diễn thời trang, Chi luôn được lão đón đưa. Và thu nhập của Chi ngày một cao, và những ước mơ của Chi dần biến thành hiện thực. Nhưng rồi, mụ vợ lão phát hiện ra lão có bồ nhí, thế là thuê người đánh ghen Chi một trận te tua. Từ đó, Chi thoát ra khỏi vòng cương tỏa của lão. Lúc bấy giờ Chi đã cứng cáp trên đôi chân của mình để tự đối phó với các đối tác.

Nhưng làm nghề người mẫu không phải ăn sang mặc đẹp như người ta tưởng. Phải tuỳ luỵ hết đối tác này, đối tác kia để có đất diễn và để có cát sê cao. Và cái cách dễ nhất của người con gái đẹp là đưa đồ, cái của quý trời cho, biếu không họ, mọi việc sẽ ổn thoả. Sau này khi sống trong thế giới thượng lưu, dường như, cát sê chẳng đủ vào đâu so với nhu cầu tiêu xài của người mẫu! Đành phải chấp nhận làm gái gọi loại sang cao cấp.

            Thế là Chi lại phải phiêu du trong thế giới thượng lưu giàu sang, và rồi như một con thiêu thân, đã vào đó thì không thể thoát ra khỏi. Cũng may, cuối cùng Chi đã được Gerald đưa ra khỏi con đường đó tưởng đã mừng: vì có chồng con hẳn hoi.

            Một sinh viên thảng thốt ngắt ngang lời:

- Vậy bà có phải là Hoàng Linh Chi không?

- Vâng tôi là Hoàng Linh Chi đây!

- Thế con của bà tên gì?

- Cháu nó là Michell Gerald.

Người sinh viên Pháp ấy bỗng ôm chầm lấy Chi, và oà khóc:

- Mẹ ơi! Con của mẹ đây mà!

Giọng nói lơ lớ tiếng Việt, khiến cho Chi hết sức ngạc nhiên, không biết có chuyện gì lầm lẫn với chàng trai này không?

- Con đây, Michell của mẹ đây mà!

Bây giờ Chi tưởng như mình đang nằm mơ, để oà khóc:

- Trời ơi! Michell con của mẹ đây ư! Bao nhiêu năm trời mẹ mong phút giây này đến mỏi mòn. Mẹ tưởng bố và con đã bỏ rơi mẹ để về Pháp luôn rồi chứ!

Chi sờ nắn mặt mũi con trong âu yếm, tưởng như một vật quý đã mất nay tìm thấy.

Michell nhìn mẹ gầy gò trong tiều tuỵ thì rất xót xa cho mẹ. Rồi Michell kể lại sự cố của lần xa cách đó…

***

Ngày đó, bố đang vận chuyển hàng từ Hà Lan về Pháp, bỗng bị cảnh sát InterPol chặn lại kiểm tra hàng và phát hiện ra có gói heroin gần 3 ký trong lô hàng. Bố hết sức ngỡ ngàng khi bị bắt nhốt chờ điều tra. Bố nghĩ rằng, bố vô tội. Có lẽ có sự lầm lẫn chi đây? Cùng lắm là mươi lăm ngày, bố sẽ được tha, nên bố không muốn báo cho mẹ biết, sợ mẹ lo lắng.

Sáu tháng sau, tòa xử bố 7 năm tù giam. Bố thất vọng vì bị tù oan, sau đó bố gọi về mẹ, nhưng người ta báo là mẹ không còn ở chỗ cũ nữa. Ba năm sau, người ta tìm được chứng cứ để minh oan cho bố: vì cạnh tranh làm ăn, đối tác đã dùng thủ đoạn lén bỏ ma túy trên xe bố và đồng thời báo cho cảnh sát, để bố bị bắt. Bố và con về VN tìm mẹ cả năm trời không thấy tung tích mẹ. Sau đó buồn quá, hai bố con về Pháp, con cũng nhập học bên đó, nhưng năm nào hè, bố và con cũng về VN để tìm mẹ. Nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín về mẹ.

Năm nay nhân chuyến đi thực tập, con vào trại mới gặp mặt mẹ.

Nghe xong câu chuyện Chi tự dằn vặt đấm ngực kêu than:

- Lỗi tại mẹ hết! Mẹ đã làm khổ bố và con. Con hãy tha thứ cho mẹ. Bây giờ mẹ còn mặt mũi nào mà gặp bố con nữa!

Michell vỗ về mẹ:

- Mẹ không có lỗi gì đâu, chẳng qua số phận đun đẩy mẹ vào cảnh nghiệt ngã, phải xa cách bố và con nên mới rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, để lâm vào bước đường cùng cực như thế!

Chi vẫn tự nói với lòng mình: mình biết anh ấy không bỏ mình đâu! Nhưng Chi cũng cay đắng nhận ra rằng: mình đã thiếu bản lĩnh để tự rơi vào một con đường sa ngã như thế! Bây giờ biết nói sao với anh ấy đây. Dù rằng Chi biết mình chẳng còn xứng đáng với Gerald, nhưng với bản năng của người phụ nữ, Chi vẫn muốn biết Gerald đã lập gia đình với ai chưa?

- Cuộc sống của bố con thế nào hả Michell?

- Bố vẫn ở vậy mẹ ạ! Bố linh cảm: một ngày nào đó sẽ gặp lại mẹ, và điều linh cảm đã đúng.

Những lời đó, làm Chi mát ngọt tận sâu thẳm tâm hồn. Chi thầm cảm phục Gerald với một tình yêu thuỷ chung. Niềm vui sum họp cơ hồ như  đại dương nước đổ vào tâm hồn Chi những dạt dào tình thương chan chứa vô bến bờ, nhưng cũng không hết làm Chi lo ngại: không biết anh ấy có thứ tha cho mình không nhỉ? Bây giờ mình quá tiêu điều như thế này, thật thảm hại để chẳng còn xứng đáng với anh ấy nữa!

Đêm ấy Chi mơ thấy anh ấy ôm mình vào lòng và khóc thương cho số kiếp của Chi phải lao đao trong mười lăm năm lưu lạc xa cách hai bố con! Anh ấy nhận lỗi về mình, vì anh ấy mà số kiếp của Chi lại truân chuyên tủi nhục đến thế! Chi không ngờ mình lại được anh ấy trân quý như vậy.

Hôm sau Michell đến để đưa mẹ về khách sạn thì, mẹ đã qua đời ...

 

Châu Sơn - Ngày 02/12/2008

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 3
Ngày đăng: 21.11.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bần xanh - Nguyễn Thỵ
Chuyện về anh Hai Phước - Hoàng Thị Bích Hà
Những trang sách cũ - Elena Pucillo Truong
Ma mỹ - Tiểu Lục Thần Phong
Tiếng còi tàu - Thanh Phương
Nơi sông về với biển - Nguyễn Vĩnh Long
Mê cảm - Nguyễn Vĩnh Căn
Con mèo lạc - An Bình
Con trai của Thủy Thần - Nguyễn Minh Nữu
Truyện ngắn hớt tóc - Thanh Phương
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)