Anh Năm bắt đầu đam mê với thú chơi chim cu từ hai năm nay. Anh bỏ công vót tre, chuốt nan, đan lồng tỉ mẩn cứ như trong sự kì công ấy có ma lực gì cuốn hút lắm. Rồi anh rước chim về, nào lo nước chim uống, lo bắt châu chấu, cào cào, rình đập thạch sùng cho chim ăn… bận rộn hơn cả chăm con nít. Anh đi gặp người này hỏi người kia kinh nghiệm nuôi chim, luyện chim gáy. Nghe đâu có chim hay là anh tìm đến để xem, học, rồi mời bạn đến nhà cùng bàn luận về con chim của người này người kia, có khi còn bàn tới con chim đã mất do sự bất cẩn của ai đó, hoặc những con chim hay đã được đổi, coi những con chim cu như là… Tóm lại, như bọn trẻ chúng tôi nhận định, anh Năm say chim rồi, mê chim rồi, còn hơn cả say… người. Không chừng chị Năm ghen à.
Tôi lớn lên ở thành phố, nay về công tác ở thị xã nên mỗi khi nghe anh Năm kể chuyện đi săn, đi bắn trong rừng, bắt cá trên sông, câu cá trong ao đìa, tôi vẫn phục anh lắm.
Ngay gần cơ quan tôi có mấy cái ao. Cũng có vài người hay tới câu cá lóc. Những khi "thư giãn", tôi hay thơ thẩn ra hóng gió bên ao. Những buổi chiều sau giờ làm việc, tôi vẫn thường nán lại xem anh Năm câu cá. Không chỉ tôi, những người bạn câu cũng rất nể anh. Người ta câu hai ba ngày trời không được, anh xách cần tới, ngồi chơi, tán dóc, móc thuốc ra hút, nghênh ngó trò chuyện bâng quơ rồi vung ra mươi đường câu, cũng chỗ đó, thế nào cũng kéo lên con cá lóc. Cũng mồi nhái, cũng cần câu, cũng dây nhợ như nhau, nhưng cứ như là cá của anh, để sẵn đó, muốn bắt lúc nào thì vung cần câu bắt vậy.
Nay lại thấy anh chuyên chú vào chim cu, tôi thấy cũng thu thú, hay hay… Phải thấy anh chúm môi huýt gió, búng tay, nhịp nhịp cho con cu trong lồng gáy cúc… cù cu…, nét mặt hân hoan rạng rỡ, hoăc thấy anh vừa về tới nhà, tắt máy, dựng xe xong là bước vội tới chỗ mấy lồng cu, ngó nghiêng, huýt gió, búng tay bắt nhịp cho mấy con cu gáy đều một lượt đâu đó rồi mới bước vào nhà trong, mới hỏi tới việc này việc kia… thì đủ biết anh cưng những con chim cu thế nào. Mỗi lần chúng tôi hỏi chuyện, anh say sưa kể về cái thú nuôi chim thế nào, đi gác cu quên cả đói, cả khát ra sao, có những chuyện tức cười, ai biết được thì mắc cỡ muốn chết. Vậy nhưng vẫn ham. Chủ nhật nào mấy cha trong hội cu cũng rủ nhau đi, vợ con nói cách gì cũng không được. Nuôi mấy con chim thì có gì mà lại có những người ham đến thế nhỉ?
*
* *
Thấy tôi ngạc nhiên, anh Năm cười độ lượng không chấp làm chi mớ kiến thức lồi lõm của dân đường nhựa như tôi, thiếu hụt rất nhiều sự phong phú của dân đường đất như anh.
Anh giảng giải: "Nói thế này chú mày dễ hiểu: mỗi nhà là có mỗi chủ, nếu có kẻ nào đến chiếm nhà mình thì phải tính sao? Phải đánh, phải đuổi để giữ lấy nhà cửa, tổ ấm, dễ gì cho kẻ khác chiếm của mình, chí ít thì cũng phải tự vệ. Con chim cu cũng vậy. Mỗi khu vườn chỉ có một cặp chim sống thôi, có chủ quyền, phân định rõ ràng. Tiếng chim gáy là thể hiện chủ quyền đó. Nếu chú mày đem con chim mồi tới, cho nó gáy nghĩa là chiếm vùng của cặp chim kia rồi. Vậy thì dù đang kiếm ăn ở đâu thì con chim đực, có khi cả cặp chim cũng bắt buộc phải bay về. Bình thường thì con chủ gáy, gáy liên hồi để khẳng định chủ quyền. Có những con chim bổi, tức là chim ở vườn, nó gáy liên tục, dồn dập, khô cổ bay đi tìm nước uống rồi lại về gáy tiếp… Những lúc ấy, ngồi núp trong lùm, nghe chúng nó gáy mà sướng. Ờ, gáy đi con. Là giống đực thì phải gáy lên để bảo vệ khu vực chủ quyền của mình, bảo vệ con mái của mình. Những con chim đực như thế, nếu bắt được hoặc bẫy được, sẽ hứa hẹn là những con mồi chiến.
Con chim mồi cũng gáy. Nó gáy để tranh chủ quyền, để dụ con mái, để khiêu khích con đực. Con chim đực không chịu được, tức khí nhảy vào đá. Thế là sập bẫy.
Con mồi hay, biết gáy, biết khiêu khích con đực nhảy xuống đá thì quý đã đành. Còn những con bổi chịu gáy, chịu đá như vậy, nếu nuôi được, huấn luyện nó trở thành chim mồi thì cũng công phu lắm, rồi nó sẽ là những con chim hay cho mà xem. Nghe tiếng gù của nó, người chủ sẽ tự hào, hãnh diện lắm."
Tôi hỏi anh đã có con mồi nào hay chưa. Anh than, những con này mới nuôi được hai năm nay thôi, chưa thể so với các con mồi chiến khác được, phải nuôi chừng năm năm, bảy năm mới hy vọng có thể… Tôi nói đùa, lúc đó anh đã nghỉ hưu rồi, liệu còn nuôi nổi mấy con chim này không.
Nghe tôi hỏi vậy, tự nhiên giọng anh trầm hẳn lại, chậm rãi: "Thì tớ chuẩn bị cho nghỉ hưu đấy chớ. Cậu biết không, chỉ một hai năm nữa thôi, khi tớ được hưởng chính sách nghỉ hưu sớm thì tớ sẽ có mấy con chim cu này, nghe nó gáy suốt ngày, sướng lắm chớ. Tại cậu không ở quê như tớ, cậu không hiểu. Từ nhỏ tớ đã thích nuôi chim rồi, mê lắm. Nhưng ở vùng tớ không thể ở yên mà nuôi chim được đâu. Mới 13 tuổi tớ đã tham gia du kích, 15 tuổi tớ đã lên R rồi. Cứ thế liên miên, công tác, công tác… Hòa bình rồi vẫn công tác, rồi đi học, đi công tác K. rồi lại công tác hội họp, rồi con cái, công việc liên miên. Tiếng là lãnh đạo, nhưng tớ có được học hành là mấy. Được đi học, nghe thầy giảng bài hôm trước thì nhớ, hôm sau về thăm vợ con, sáng ra là quên gần hết rồi, lên lớp gặp thầy thì mười chữ trả thầy cả chín rưỡi rồi, còn gì nữa đâu. Cuối khóa học, cầm chứng chỉ trong tay, miệng thì cười khoe người này người kia nhưng trong bụng thì biết nhau rồi. May mà mấy chú mày trẻ trung, có học hành, có bằng cấp mà lại biết thông cảm cho mấy anh già chúng tớ nên công việc vẫn chạy đều. Bây giờ thì cũng sắp được nghỉ hưu sớm rồi, cánh già chúng tớ sắp được thảnh thơi rồi. Tớ nuôi chim cu là vậy. Được nghỉ rồi, nhưng vẫn còn khỏe, tự nhiên tớ lại nhớ thời nhóc của mình. Tớ lại thèm chơi chim, lại thèm nghe tiếng cu gáy. Mà phải là cu của mình nuôi, cu của mình gáy. Nghe tiếng cu gáy nó thảnh thơi mà lại hãnh diện lắm cậu ơi… Không tin, cậu cứ thử chơi đi thì biết".
*
* *
Thử chơi thì tôi chưa có can đảm thử, vì tôi thấy đeo đẳng như anh thì cực lắm, nhưng tôi chú ý xem anh nuôi chim, nghe bạn bè anh bàn bạc về chim.
Hóa ra nhóm bạn chơi cu này cũng hay hay. Có mấy tay còn ít tuổi hơn tôi, mà rất sành. Hóa ra ông nội, ông ngoại, rồi ông già cũng là dân sành chơi, truyền nghề lại cho con cháu. Có lần tôi thấy mấy cha ngồi uống trà, trầm trồ thán phục một chiếc lồng cu đã hơn 70 năm, nghĩa là được giữ gìn, bảo vệ và vượt qua lửa đạn của mấy cuộc chiến tranh rồi. Ai mà tính tuổi của lồng chim nhỉ. Của này mà đấu giá, chắc là gây tranh cãi không ít đâu.
Xung quanh việc nuôi chim, tập cho chim bo, chim gáy tôi cũng được nghe nhiều chuyện thú vị. Trong số bạn già của hội nuôi cu, có ông Chín, nay đã 70 tuổi. Ông có thể dạy và luyện cho cu gáy nhiều giọng, ở xứ Gò Công này ít ai bằng được. Nghe tiếng chim gáy có thể nhận ra con này của ông Chín, hoặc đã qua sự rèn luyện của ông. Thực là vinh dự, nhưng cũng là rắc rối cho ông.
Ông kể, đầu năm 1970, ông bị địch bắt. Lúc ấy cơ sở bể nhiều lắm, mà ông thì hoạt động hợp pháp. Tuy không bắt được vũ khí, tài liệu, nhưng chiêu hồi chỉ điểm, nên ông bị giải lên quận, lên tỉnh rồi đưa đi Cần Thơ.
Ở nhà lo chạy tiền, bán mấy con trâu, gom góp hơn một triệu đồng mới lo cho ông khỏi đày Côn Đảo, chỉ bị giam hơn một năm rồi được tha. Về nhà, tài sản thất tán, cửa nhà xơ xác, nhưng thấy còn cặp chim mồi ở nhà là ông khoái rồi. Vợ con biết ông quý cặp chim nên ai gạ trả bao nhiêu cũng không bán. Ngày ông về nhà, cặp chim cu mừng rỡ, gáy liên tục. Ông cũng mừng rơi nước mắt, vì gặp lại vợ con, gặp lại đôi cu mồi quý. Nhưng ngặt là nghe tiếng cu gáy thì ai cũng biết là ông ở nhà. Anh em đồng chí biết thì mừng, nhưng trưởng ấp, cảnh sát cũng biết thì rối. Nó đến hỏi ông, bắt ông trình diện, rồi o ép làm tiền, dọa ông đủ chuyện. Kẹt quá, ông phải bỏ nhà, đi nơi khác làm ăn, lúc Long Khánh, Bình Dương, khi chỗ này chỗ khác, vừa nuôi thân vừa gởi tiền về cho con, vừa đóng góp tài chính cho cách mạng. Các đồng chí biết ông, gợi ý ông về gây cơ sở. Ông về, vợ con thì biết giữ bí mật, nhưng cặp chim mồi đâu có giữ bí mật cho ông. Nó gáy liên hồi mừng rỡ, chào đón chủ. Thế là ông lại phải đi. Ở xa vừa nhớ vợ con, nhà cửa và nhớ cả cặp chim mồi. Ông vừa bực, vừa hãnh diện vì cặp mồi quý, vì tiếng gáy không trộn lẫn của nó.
Đầu năm 1975, chị Năm, Bí thư thị xã ủy yêu cầu ông về hẳn địa phương, gây cơ sở. Ông phải bàn bạc với vợ con và chú Mười, em ông, làm hầm bí mật. Ông ở bên chú Mười là chính, thỉnh thoảng về nhà. Phải bí mật cả với cặp chim mồi. Nhưng cũng có lúc ông và nó gặp nhau, nó gáy cho ông nghe đã thèm, rồi ông lại đi.
Giữa tháng 3-1975, chị Năm nhắn về: "Trái sắp chín, chuẩn bị sẵn, tiếp thu gọn". Nghe tin tức qua báo chí, ông biết cũng sắp rồi đây. Lúc này bọn nó cũng lo thân, không còn hung hăng như trước. Những ngày tháng 4-1975, ông về luôn, ở hầm trong nhà. Ông chờ tin tức của chị Năm, ông tập trung số thanh niên trốn lính, bảo chúng nó sẵn sàng chờ lệnh ông. Khi vui, hứng chí, ông búng tay, bắt nhịp cho cu gáy nghe cho khoan khoái.
Ngày 30-4-1975, nghe tình hình Sài Gòn đầu hàng, Gò Công rục rịch chạy, ông quyết định ra thẳng trụ sở hội đồng xã.
Xã trưởng và hơn một trung đội nghĩa quân cứ nhong nhóng ở đó, như chờ đợi điều gì. Xã trưởng hỏi ông, về từ bao giờ vậy? Ông làm bộ lo lắng, tôi về từ mấy hôm rồi, nhưng Việt cộng về ngoài đó đông lắm, tôi sợ, chạy vô đây lánh nạn. Mấy thằng nghĩa quân hỏi nhỏ ông, ông cũng bảo nhỏ nó, bỏ súng đó, về nhà đi, xớ rớ là chết cả đám. Khi chỉ còn lại xã trưởng, ông nhắc, giờ này anh còn đeo rulô ở đây thì anh cũng gan thật. Xã trưởng lật đật tháo súng, bỏ xuống bàn, bước ra cổng. Chờ xã trưởng ra tới lộ, ông gọi lớn: "Anh Tư! Anh biết tôi rồi. Từ giờ này, tôi thay mặt cách mạng tiếp thu xã này. Anh hãy ở tại nhà vợ bé của anh, chờ đợi. Có gì chúng tôi sẽ thông báo cho anh sau nghe!". Nghe giọng ông dứt khoát, thấy tình hình cũng đã tới, ngó thái độ ông, xã trưởng riu ríu "Dạ! Dạ"
Lúc ấy đã là 2 giờ chiều ngày 30-4-1975.
Ông cho gọi anh em trốn lính tới, trang bị vũ khí, bảo vệ trụ sở xã, nay là trụ sở của cách mạng. Ông cho người đi các ấp kêu gọi dân vệ, nghĩa quân, trưởng ấp giao nộp vũ khí, tài liệu. Rồi tổ chức giữ gìn trật tự trong xã. Thu gom vũ khí lính vứt đầy ngoài đồng, dọc lộ. Hồi ấy ông nhớ, thu tới trên 300 súng các loại. Rồi bao nhiêu việc trong những ngày đầu chính quyền cách mạng. Hơn một tuần lễ ông không về nhà. Vợ con chỉ gặp mặt chút ít ở trụ sở xã, rồi ômg lại chạy đi lên quận Hòa Tân, lên Gò Công lo công tác.
Rồi bất chợt ông nghe tiếng cu gáy ở đâu đó. Phải rồi. Im tiếng súng đạn là nghe có tiếng cu gáy xa xa. Ông chợt nhớ cặp chim mồi của mình. Ông nhớ nôn nao, nhớ day dứt, nhớ đến nỗi không làm được việc gì nữa. Chiều hôm đó, ông giao việc cho anh em, chạy về nhà. Ông vừa đẩy cửa bước vào, cặp mồi quý của ông đã cúc cù cu, gật gật cái đầu chào ông. Rồi nó bo, nó gáy liên tục, mừng rỡ. Có lẽ cả đời ông chưa bao giờ tiếng cu gù đối với ông lại hay đến thế, sảng khoái đến thế…
… Ông Chín tấm tắc, gật gù và đắc ý, đã hơn hai chục năm rồi, ông vẫn nhớ như vừa mới nghe thôi, tiếng cặp chim mồi của ông, chưa bao giờ hay đến thế…
… Nghe ông Chín kể say sưa, nhìn ông Chín lim dim đôi mắt, tôi cứ mường tượng như mình cũng được sống trong cái ngày giải phóng năm 1975 ấy, giữa đất trời Gò Công thanh bình êm ả, có tiếng cu gù vang lên, như đưa hồn người lơ lửng, bồng bềnh… sâu lắng…