Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.891 tác phẩm
2.761 tác giả
417
123.377.533
 
Thầy trò thời 2.0
Đỗ Nhựt Thư

 

            Hà với tôi là tri âm, thường rượu trà, bạn nhau từ đệ thất (lớp 6), lên Sư phạm, nay cùng xóm. Hà kể tôi nghe nhiều chuyện, trong dó đó câu chuỵện về một người thầy hay tự vấn mình khiến tôi lưu tâm.   

Ngọc với Hà trước đây là láng giềng nơi Hà ở trước. Ngọc vốn là giáo viên THPT, hợp nhau từ tính văn nên thành bạn bè, thường nhâm nhi vài chung rượu mà trải lòng những ray rứt trong cuộc đời đa đoan.

     Ngọc thường trăn trở về Hoàng – một cậu học trò cũ của Ngọc đã làm gã ân hận một đời và cứ hay lan man kể, thương bạn cứ nghe và đã biết được nỗi đau của một giáo viên thời kinh tế thị trường mong tôi viết. Ừ! Thì viết thành truyện, hư cấu thêm chút để tải chút đạo cũng là một trách nhiệm của kẻ thất phu.

 

*

Tháng 1 năm 1998

Họp phụ huynh học kỳ 1 lớp 11 xong mà Ngọc còn tức run người. Người cha của Hoàng – một học sinh trung bình khá đã dám lớn tiếng phê phán giáo viên và nhà trường, chuyện chưa từng xảy ra trong đời làm giáo viên chủ nhiệm của Ngọc. Gã ấy chỉ xưng tôi và anh – nghe thật khó chịu, ông Phó chủ tịch thị xã về hưu kia còn khúm núm một hai thưa thầy.

     Gã hạch tại sao học sinh THCS đạt loại giỏi đến 70% mà lên cấp phổ thông lại học lực ngày càng kém. Con gã thi vào lớp 10 đậu khá cao mà về nhà kiểm tra không biết x mũ 0 bằng mấy? Tại sao vào lớp cứ kiểm tra 15 phút khiến những cháu nhà nghèo như con gã toàn điểm dưới 5? Tại sao môn Văn cũng cứ kêu gọi học thêm? Còn lớp học rộng cao thế này mà chỉ có 2 bóng điện, ánh sáng mờ mờ như thì học sinh sao không cận? Ui chao! Toàn những lời nghịch nhĩ, Ngọc cả điếng người.

     Ngọc ân hận kể: sau đó từ bực tức với người cha mà Ngọc ghét lây cả Hoàng, dù cậu học sinh con nhà nghèo ấy thông minh, dễ thương, ham học. Có lẽ việc hà khắc của Ngọc và các thầy cô đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý nên cậu học yếu hẳn và buồn bã ra mặt. Cuối năm cậu đạt loại trung bình. Việc ấy có làm Ngọc áy náy một tí nhưng nỗi tức bực của một ‘trí thức’ bị một người bình dân phê phán khiến Ngọc không thể tha thứ.

     Qua tìm hiểu Ngọc biết cha Hoàng là dân cầu đường đi xây dựng những công khắp tỉnh, nhà khó khăn nên Hoàng phải phụ mẹ buôn bán từ nhỏ nhưng đạt học sinh khá cả 2 cấp dưới. Buổi chiều thi tốt nghiệp cấp 1 cậu còn bận cả bộ đồ dính đầy bột gạo do tất tả guồng xe chở về cho mẹ làm bánh bán đêm, thế mà cậu tốt nghiệp điểm cao thứ 3 toàn khối. Cấp 2 cũng là học sinh khá dù không học thêm.

     Ngọc biết thêm là hiện nay Hoàng chỉ được gia đình cho học thêm môn toán, lý. Môn văn của Ngọc thì không. Giáo viên chủ nhiệm lớp mà họ coi thường như thế thì không bực sao được? Bạn bè có cuộc sống ngày càng khá lên, được ban lãnh đạo nhà trường coi trọng, được nhẹ nhàng đạt giáo viên giỏi, được lên lương,  toàn nhờ tiền dạy thêm để biết điều mà ra, còn Ngọc thì cứ lẹt đẹt, bị phê bình cũng vì tiền nong eo hẹp. Học sinh ai cũng như Hoàng thì có nước xin hưu sớm.

     3 năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp ấy, cuối năm 12 Hoàng chỉ đạt loại trung bình. Cái ải vào Đại học rất hẹp lúc ấy càng hẹp hơn với cậu và quả nhiên cậu thi rớt.

     Ngọc vẫn ưu tư nên để tâm theo dõi cuộc đời câu học trò đáng thương đó, nghe là cha cậu lúc này đã là thủ trưởng, kinh tế khá lên nên cho con ra Đà Nẵng học Anh văn, Tin học làm cơ bản và luyện thi để mong vào giảng đường đại học vào năm sau, sau này cậu phải vừa học vừa làm chuyên ngành nên giỏi nghề.

     Và Ngọc biết thêm năm ấy cậu bị mẹ người yêu ngăn cấm con mình cũng vì cậu nghèo và thi rớt Đại học. ‘Ôi chao! Hành trang cho một thanh niên vào đời sao mà buồn, nỗi bi quan dễ buông tay, tương lai mù mịt đến thế.’ Ngọc ân hận tự thán.

 

*

Tháng 1 năm 2008

            Vợ chồng Ngọc bị tai nạn giao thông, không nghiêm trọng lắm nhưng cũng đau đớn thấu xương và chữa trị gần 1 tháng. Nỗi lo thắt ruột cộng công việc báo cáo học kỳ 1 của lớp còn ngổn ngang, lại gần đến Tết phố xá bắt đầu háo hức sắm mua. Ngọc thở dài buồn bã.

     Nhiều học sinh của lớp đến thăm, đã lớp 12 rồi mà các cháu vẫn còn ngây thơ lắm, chúng đến như một bổn phận bắt buộc, thiếu hẳn sự chân tình chia sẻ sự đớn đau của mệnh người. Âu cũng là do sự giáo dục làm người bị xem nhẹ, cha mẹ bận rộn kiếm tiền lo ngay ngáy cho cuộc sống gia đình, nhà trường thì chỉ dạy theo giáo án, lại lắm việc gây bận bịu, mệt mỏi, thầy cô hầu hết không còn tâm huyết dạy chúng thành Người, còn xã hội thì toàn lo danh lợi.

     Rất ít học trò cũ đến thăm Ngọc, gã đã thấy cái hậu quả của việc thiếu lương tâm trách nhiệm với mỗi cá nhân. Ngọc thêm buồn.

     Sau đó vào sáng Chủ nhật thì Hoàng đến thăm, tay xách một gói quà khá to gồm nhiều thứ đắt tiền. Thấy cậu Ngọc khá lấn cấn trong lòng, Hoàng vẫn trân trọng thăm hỏi ân cần, ánh mắt chân thành trong sáng không chút oán giận, dần dần thầy trò tâm sự trong cõi lòng ấm áp. Ngọc đã nghe cậu Trưởng ban liên lạc lớp cũ bảo là Hoàng khi mới 25 sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành xây dựng đã là một thủ trưởng có tiếng tăm của một Tổng công ty xây dựng cấp vùng, đã tự lái xe con riêng rong ruỗi, trên bảng công bố công trình Nâng cấp tuyến đường vào thị xã ghi tên cậu là Chỉ huy trưởng công trình từ năm trước, việc ấy đã làm rúng động cả lớp và các thầy cô. Ai cũng khen thầm mà lòng vương áy náy. 

            Hoàng chân tình thưa xin gửi chút tiền cho thầy bồi dưỡng, Ngọc kiên quyết chối từ. Lại chân thành thưa rằng nếu quá khó khăn thầy cứ điện cho em. Hoàng về, Ngọc rưng rưng vì ân hận. Hoá ra ta cứ nhìn người bằng hình thức hiện tại mà không biết nhìn căn cốt, tướng mệnh, tâm tính  của con người ấy về sau nên hiện tại cứ trọng kẻ giàu sang mà coi khinh kẻ nghèo khó. Mà ai có được học điều ấy để biết đâu. Ta thua cả các cụ đồ ngày xưa, các cụ nhìn ra tướng mệnh, sự thông minh của học trò mà biết tương lai và ra sức dạy dỗ, thậm chí tranh thủ nuôi dưỡng, gã con gái cho để đón vinh hoa phú quý.

 

*   

            Tháng 1 năm 2018

           Ngọc được Ban liên lạc lớp 12 năm 1999 trân trọng mời họp lớp nhân dịp cuối năm. Tháng chạp ta lòng người tràn đầy cảm xúc hân hoan, họ chộn rộn, tất tả bán buôn mua sắm lo cho một cái Tết đủ đầy. Ngọc đã về hưu, thu nhập chỉ đủ trang trải nên thấy lòng nằng nặng, buồn nhiều hơn vui.

     Trao đổi qua cậu Trưởng ban đem thiệp mời Ngọc biết Hoàng đã được lớp bầu làm Trưởng ban liên lạc nhưng Hoàng từ chối chỉ đứng sau hổ trợ. Phải thôi, Hoàng đã thành đạt, tiếng tăm vang dội lại sống rất dễ thương, tôn trọng, quan tâm đến mọi người.

     ‘Ta đánh giá con người đơn giản quá.’ Ngọc thầm trách mình và thấy hổ thẹn. Giáo viên cấp ba như mình hình như vẫn chưa là trí thức, trí thức là phải phát kiến, sáng tạo những việc chưa từng. A! Sự nhầm lẫn này nên ta coi thường thiên hạ, đến việc thường tình như chăm giò lan mà ta không làm nên hình, nó cứ héo hon dần trông thật hổ thẹn.

            Hoàng ra tận cổng nhà hàng đón Ngọc, ân cần trọng thị. Phần họp chỉ có nước suối nên rất chất lượng, Ngọc phát biểu mà run run cảm động, lại được tặng hoa và gói quà trĩu nặng, niềm hạnh phúc ngập lòng.

     Sau bữa tiệc hạng sang, chếnh choáng vì rượu, Ngọc được Hoàng đưa ra xe riêng cho tài xế chở về, liếc thấy một bàn chất đầy quà tết của lớp, lòng lại rưng rưng.

 

- Ngọc bây giờ ra sao ông? Tôi hỏi Hà.

- Lâu nay vì dịch nên không gặp, hắn thường đến thăm tôi dịp Tết, bảo là nay sống theo đạo ông bà.

- Hử? Tôi ngạc nhiên.

- Hà … Hắn bảo đó chính là văn hoá bản địa hoà trong Tam giáo. Kính tạ thiên địa theo truyền thống, xử thế theo Nho giáo, sinh lão bệnh tử theo Phật giáo. Hà trang trọng.

     Chúng tôi cùng im lặng mà suy ngẫm, rồi Hà tiếp: - Nhưng hắn bảo là giáo dục nên dạy học trò sống với tinh thần Tam đạt đức: Nhân – Trí – Dũng của Thánh Khổng dành cho bậc hảo hán, hắn bảo Ngũ thường: Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín là của Hán Nho, dành cho tầng lớp nho sĩ. Có Dũng xã hội mới tốt đẹp được, đó cũng là ‘chấn dân khí’ của cụ Phan Châu Trinh, sẽ bị người ghét nhưng lòng không hổ thẹn, xã hội sẽ tiến bộ. Nghe có lý.

-A! Tôi ngớ người.

 

             Trời mùa thu năm nay bão nhiều, mưa lắm, sinh buồn thêm. Quán cà phê của Hà chỉ có tôi, đại dịch Co-vid 19 nhúng chìm toàn thế giới, gây bao thảm cảnh đau lòng, kinh tế kiệt quệ khiến con người kinh sợ, đổi thay; cái thời vui vầy thoải mái đã là dĩ vãng đầy tiếc nuối.

 

                2021

 

 

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 63
Ngày đăng: 27.11.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lá vàng cuối thu - Trần Hạ Vi
Một số phận - Nguyễn Vĩnh Căn
Bần xanh - Nguyễn Thỵ
Chuyện về anh Hai Phước - Hoàng Thị Bích Hà
Những trang sách cũ - Elena Pucillo Truong
Ma mỹ - Tiểu Lục Thần Phong
Tiếng còi tàu - Thanh Phương
Nơi sông về với biển - Nguyễn Vĩnh Long
Mê cảm - Nguyễn Vĩnh Căn
Con mèo lạc - An Bình