Đó là thực tế khi tôi tiếp cận trường ca thời sự Quần-đảo-tráo-tên, từ thời điểm đọc từng phần cho đến lần đọc liền mạch trọn vẹn. Cần nói rằng, không chỉ một lần mà còn phải đọc chậm, nhất là có thể phải đọc nhiều lần.
Với tôi may mắn là ấn tượng thi hứng, thi pháp gợi mở từ lần xem đầu tiên vẫn được duy trì, càng lộ diện đầy đặn, sâu sắc thêm cho tới lần coi kỹ cuối cùng. Điều đó khiến trường ca này trở nên độc lạ, đồ sộ. Thú thật, vẫn đầy hào sảng và nguyên vẹn âm hưởng ngang tàng khiến tôi “thở phào” khi vừa mới đọc xong toàn bộ để rồi coi rải rác từng kỳ trên Văn Chương Việt.
Ngay lúc đọc lần đầu cũng đã cảm thấy trường ca thời sự này được chăm chút mượt mà với nhiều lớp lang phủ lên nhau mềm mại. Tác giả Đỗ Quyên đã lọ mọ lục lọi cả đống quá khứ để tạo ra chiều sâu cả về chuyện biển đảo lẫn phong cách thơ ca.
*
Câu chuyện của Quần-đảo-tráo-tên thực chất là gắn liền với lịch sử: lịch sử chủ quyền, lịch sử bảo vệ chủ quyền, lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam trước tham vọng độc chiếm biển Đông của quốc gia láng giềng liền núi liền sông liền biển - Trung Quốc.
Và vì thế nó không chỉ tựa lên chứng cứ lịch sử, sự kiện thực địa, mà còn nương vào hiện thực văn hóa, ca dao, đồng dao, thành ngữ Việt; và đặt trên “quần đảo trường ca” (bao gồm thơ, ca từ) gắn vận mệnh cương vực biển đảo Tổ quốc với những người Việt cầm bút trong nước và ngoài nước - những người Việt có thể có 1-2 quốc tịch. Tức là với đề tài giang san thì “văn chương không quốc tịch”.
Đặc sắc đầu tiên là ở chỗ tác giả dường như muốn thông qua sự xâu chuỗi, nghiền ngẫm “liên văn bản” trường ca, thơ ca viết và văn chương truyền miệng để thấu hiểu, thừa hưởng và tìm ra khoảng trống hầu mong tiếp tục liên kết, lấp cho đầy trọng trách của người cầm bút với sứ mệnh góp phần bảo vệ, giữ lấy quần-đảo-đang-còn và đòi lại quần-đảo-đã-bị-tráo-tên, bị cướp mất.
*
Quả thực, người đọc, kể cả người lần đầu tiên, nhờ cũng “lọ mọ” giống tác giả mà coi cả chú thích, xem lại những áng thơ văn nguyên tác, sẽ nhận ra những câu thơ sống mãi với Trường Sa - Hoàng Sa, với người Việt.
Nhiều lắm và đều khiến rơi nước mắt. Gió Hoàng Sa của Hoàng Vũ Thuật và Mộ gió của Trịnh Công Lộc là những số đó.
“64 kiểu gió/64 cuộc đời/mộ gió đây/đất thành xương cốt/cứ gọi lên là rõ hình hài/mộ gió đây/cát vun thành da thịt/mịn màng đi dìu dặt bên trời.../mộ gió đây/những phút giây biển lặng/gió là tay ôm ấp bến bờ xa/chạm vào gió như chạm vào da thịt/chạm vào nhói buốt Vàng Sa/mộ gió đấy/”. (Hồi 4 chương 1 / 4.1)
Với bạn đọc chưa quen kiểu “liên văn bản” khác lạ vậy, có thể chưa dễ hình dung tác giả trích nguyên văn hay chỉ trích ý hoặc vài câu/từ. Xin phép được nêu câu hỏi cho giới nghiên cứu - lý luận: phải chăng “lần đầu tiên” trong thi ca Việt, cụ thể trong trường ca, cái thủ pháp nghệ thuật này được dùng nhất quán trong cả một tác phẩm thơ dài hơi?
Những đoạn này khiến tôi bàng hoàng. Chúng thật tuyệt.
“Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm/ta ôm xích đạo gẩy vòng cung/môi hôn biển cả thơm hải đảo/sóng gió chiều ta bớt trập trùng/bơi qua biển lửa ta về lại/gọi ngũ đại dương đến đạo đàn/những cung xưa cũ lời ai hát/còn cháy lòng ta quần đảo vàng” (“Liên văn bản” thơ Thu Bồn; hồi 1.1)
và
“Ra biển không đến đảo/tôi mê man cái bị-tráo-tên của nó/và hiểu thấu nỗi hèn đau” (“Liên văn bản” thơ Nguyễn Anh Tuấn / Nghệ An; hồi 7.14)
rồi từ những câu khá quen thuộc của Hạt gạo làng ta khi trở thành chiến sĩ hải quân Trường Sa nữa chứ:
“… đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/Tổ quốc ơi tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/mắt chúng tôi trùm khắp đảo-bị-tráo-tên…” (“Liên văn bản” thơ Trần Đăng Khoa; hồi 4.3)
*
Hữu trách với thân phận lãnh hải Tổ quốc, dòng những trường ca, thơ ca không ngừng tiếp nối, không ngừng bồi đắp tình yêu thương, nỗi uất nghẹn khi quần đảo Hoàng Sa đã từng rồi tới một phần quần đảo Trường Sa bị cướp tàn khốc bằng súng đạn. Còn đó những đảo chìm đảo nổi thuộc chủ quyền Việt Nam hiện vẫn đang bị uy hiếp hàng ngày. Trường ca Quần-đảo-tráo-tên quả thực có công khi thiết lập “Danh sách thi phẩm về biển đảo/thi ca giăng hàng thẳng lối gióng theo chủ quyền cương vực Tổ quốc ngoài khơi” (Chương 2). Trường ca này còn có thành tích hơn nữa khi tiếp tục bồi đắp vào Danh sách những vần thơ tim não của riêng mình xứng tầm, thăng hoa cùng tinh túy của dòng chảy chung.
Phải thừa nhận rằng, với lối viết Hậu hiện đại thoải mái như thế, tất có không ít những câu thơ “khó nuốt” nếu đọc theo cách truyền thống quen thuộc. (Đó là một trong vài điểm yếu mà cá nhân tôi nhận ra ở sáng tác đầy khó khăn này).
Cũng dễ dàng đồng cảm cùng tác phẩm Quần-đảo-tráo-tên qua việc xác định đầy đủ mốc giới - dù có tính tượng trưng - theo kinh tuyến, vĩ tuyến… dựa trên “liên văn bản” tư liệu lịch sử, thông tin thực địa, sáng tác văn học nghệ thuật (trường ca, thơ ca, ca từ, tục ngữ, danh ngôn…) về quá trình bảo vệ thực địa, quyền chủ quyền lãnh hải của các chính thể “nước Nam ta”; cùng với sự bóp méo về quyền lịch sử hòng xóa nhòa bởi bên thắng trong hai lần cướp đảo trắng trợn bằng quân sự. Dường như tác giả tham vọng liệt kê tỉ mỉ, đầy đủ mọi phương diện thực tế có liên quan đến quần đảo bị tráo tên này? Âu cũng là để giễu cợt cái đường lưỡi bò bơ vơ không mốc giới, xét từ nguồn gốc phát hiện đảo xa xưa cho tới căn cứ luật định về biển đã được ban hành của quốc tế…
Chừng nào quần-đảo-tráo-bị-tráo-tên còn chưa đòi lại được dựa trên sự tôn trọng luật lệ quốc tế, chừng đó nó luôn là thời sự không chỉ của Việt Nam, của những quốc gia liên quan trong vùng biển phía đông nam địa cầu, mà còn của cả nhiều quốc gia khác đang dính mắc trong cái vòng kim cô biển đảo. Cùng với sự vĩ mô đó, bản trường ca được dẫn dắt bởi sự kiện thời sự “như là có thực” của một cuộc dấn thân đòi đảo bởi tác giả trong chuyến thăm đảo không kém phần tráng ca với đoàn “năm chục chàng nàng… sĩ sĩ” (Hồi 6.1). Nó chi li, chi tiết từ sự thai nghén đề tài sáng tác, cẩn trọng xin quẻ lăng Ông, háo hức hành trình, đến hình ảnh “tướng quân cả cười trong gió” bỗng chốc hóa “hài đồng” bởi đau đáu ngày được trao tấm huy hiệu mang tên “quần đảo xa nhà” đang hiện hữu trên ngực áo trái của “nhỏ trường-ca-ca” ngày thăm đảo.
*
Đôi nét đặc sắc nữa không kém cạnh.
Đó là tất cả những liên văn bản trùng điệp như thế được thể hiện trên niềm kiêu hãnh “thi pháp đại dương”, nhân vật trường-ca-ca bất ngờ ngộ được nhờ phật độ tổ hộ trong thời khắc theo bụi chân bụt thiền niệm tụng trì.
Đó là cách mà sáng tác Quần-đảo-tráo-tên lộ diện dần thi pháp của mình: khi thì tự do tuyên ngôn, phản biện, dẫn chứng, nghị luận; lúc lại “chơi” thơ 5 chữ 7 chữ kiểu nhạc ráp như câu nói, đối thoại, phỏng vấn; rồi tới văn tế, mõ rao, liệt kê thống kê; lại bất chợt mượt mà lục bát ca dao với âm hưởng tự hùng, trào lộng, dạy răn, bao dung, lắng đọng...
Phải đọc qua vài chương tôi mới phát hiện ra càng đọc chậm càng thấy thích và dễ chịu. Và thật thích cái kiểu câu chữ nôm na quanh quẩn…
Với món văn hóa nôm na mách qué “con kiến mà leo cành đa”/“làm chi cũng chẳng làm chi” tưởng như luẩn quẩn mà khép kín đáo để. Lại cả phương ngữ, thành ngữ như “mất gì của bọ”.
Thú vị sao khi “Phản biện vui với Nhà Bà Nữ” - bộ phim ăn khách của MC hạng “oách” Trấn Thành: “thất bại cũng là quyền con người/vậy cưng giữ quyền mang bầu lạ ngoài ý muốn với kẻ lạ/còn anh giành quyền mất đảo à nha”; hoặc “Cho người khác cơ hội là cho mình cơ hội”/“Lỡm nào con đượi nói càn/cho láng giềng khủng một phần giang san biển đảo phên dậu là cho dân tộc mình thêm một đại họa truyền kiếp nghe rõ chửa”. (Hồi 7.6)
Hoặc như trên đất khách quê người, nội tướng nhà sóc đang cùng chồng “phóng thả dõi binh tình hải đảo cố hương nhà bác” theo thói quen nhưng cũng tắp lự chát chúa “tụi này đâu có ở không/bá ngọ cái nhà bác nhé” khi tự tôn yêu đảo với tự tôn sinh kế đều bị tổn thương. Ngay cả cái nếp ưa “bà tám” của đàn bà con gái cũng được lôi kéo vào trường ca, để mách lẻo đích danh “hai hòn đảo” phá hoại tình mẫu tử chính là “dâu ranh/rể quái”. Đoạn bàn về huynh đệ chi binh cũng đáng điểm son: “huynh đệ chi binh là gì đó anh sam/lúc mất quần đảo đếch có nhau là huynh đệ hổng chi binh/lúc di tản còn có nhau là huynh đệ cực kỳ chi binh”. (Hồi 7.5)
Thì ra mọi điều đều có thể thể tiếp cận kiểu Hồ Xuân Hương, Tú Mỡ - tùy cấp độ tài hoa - nhưng vẫn đạt được chân giá trị.
Cùng với các nghệ thuật đó là sở trường lôi hết những từ đồng âm, đồng nghĩa để minh chứng cho ý tứ thâm sâu nào đấy.
Chẳng hạn loạt các hồi điệp khúc xen rải khắp 12 chương “Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần… xâm lược/cướp nước/cưỡng chiếm/cướp biển/cướp cạn/cướp đảo”; “Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần… yêu nước/giữ biển/giữ nước/đánh giặc/giữ đất/giữ đảo” khi liên văn bản với trường ca nổi tiếng Bài hát chính tôi của thi hào Mỹ Whitman vốn quen thuộc với nhiều bạn đọc Việt Nam.
Hoặc như “lẽ tất nhiên thôi/thời đại 4.0 với Ai sắp chuyển qua 4.5 với siêu Ai/loài người đâu còn những siêu nhân khổng lồ túi càn khôn ẵm gọn/tỷ như vị danh họa chủ nhân ông của một lô xích xông các sĩ sư gia/oh là là họa sĩ điêu khắc gia kiến trúc sư nhạc sĩ bác sĩ kỹ sư giải phẫu gia toán học gia hoá học gia vật lý gia thiên văn gia văn sĩ thi sĩ nhạc công ca sĩ phát minh sáng chế gia triết học gia/chỉ còn thêm Quần Đảo gia là trọn vẹn thiên tài toàn năng nhất lịch sử chúng sanh” (Chương 10). Trường đoạn rặt phong cách hậu hiện đại “khó nhai” này chắc là muốn nói lên sự nhiêu khê đa phương của việc sáng tạo thời nay khiến nhiều tác giả mới có thể hoàn thành một công trình, không còn như thuở của Leonardo da Vinci!
Âm hưởng đó giúp tác giả dẫn giải, lý giải, tự biện, khẳng định và lôi cuốn người đọc vào từng chương hồi có những sự kiện, vấn đề khô khốc trong khoa học tự nhiên như bổ đề, định nghĩa, “Định luật Quần Đảo”, cái đẹp vật lý và trong vấn đề thời cuộc nhạy cảm khó nuốt (Đó là các hồi “Công dân hạnh đầu đà”, “Họ hàng giang sơn”, “Người ranh giới”...) Quyết liệt một cách dễ thương, đến nỗi độc giả cùng bị kéo thốc vào nỗi uất hận của bên “thua cả hai lần giữ đảo” nhưng vẫn loay hoay lọ mọ tìm cách giành lại đến cùng. Bằng… trường ca!
“…ai là ai thời thế hại anh hùng” (Hồi 1.1)
“…phen này dù chết ta cam chết/thề vững vuông tròn đảo giang san” (Hồi 3.7)
Tức là cái nhân vật trường-ca-ca luôn bảo thủ, kiên trì tìm mọi cách thăng hoa đòi “thắng trận” trong thi pháp, đến mức… “tiên sư anh thi pháp”!
“Đảo ơi đảo lọt lưỡi bò/ bò liếm bò chiếm chứ bò không buông” (Hồi 4.8)
“nhớ em xưa/trên 30 đảo san hô cồn cát ám tiêu rạn san hô trong đó có nhiều ám tiêu san hô vòng hay còn gọi là rạn vòng và ngầm bãi/than ôi một phút sa cơ đảo ra thiên cổ/khốn khổ thân em/đíu mẹ cha nó!” (Hồi 4.2)
Thậm chí tác giả còn có công làm mới, “dám” bổ sung, nâng cấp cả đồng dao, ca dao, tục ngữ.
Một bức họa tứ bình hỏi ai suy ngẫm chuyện biển đảo đất nước mà không nao lòng? Và cũng cậy nhờ ngọn bút “liên văn bản” vẽ nên “Bộ tứ bảo vật tiền nhân truyền hậu thế”:
“Gìn vàng giữ ngọc” với “Gìn biển giữ đảo”; “Canh suông khéo nấu thì ngon/Mẹ già khéo tán thì con đắt chồng” thành “Đảo xa khéo giữ thì bền/nước nghèo khéo quản thì dân ấm đời”; “Trai khôn đem của về nhà/gái dại vác cả cột nhà theo trai” là “trai khôn vác đảo về nhà, gái dại vác cả đảo nhà theo trai”; “Đẻ con chẳng dạy chẳng răn/thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng” hóa “Có đảo chẳng giữ chẳng gìn/lợn không nuôi nổi lấy lòng đâu ăn”. (Hồi 3.5)
Hoặc kế tiếp là Hồi 3.6: “Bể Đông có lúc vơi đầy/lòng đau mất đảo có ngày nào nguôi/ bể Đông có lúc đầy vơi/đau lòng mất đảo có nguôi ngày nào”.
Vốn là một người thầm lặng đọc, tôi “kinh ngạc” khi thấy Đỗ Quyên kết nối được mảng trường ca văn học với mảng trường ca đảo trong một “phong cách đại dương” như thế. Dường như tác giả muốn nghệ thuật ngôn từ của anh cũng phải bứt phá, vượt lên trên tất cả? Trừ ra Tổ quốc Hình Chữ S được tôn cao không biết bao nhiêu lần trong suốt trường ca!
*
Rõ ràng là trên đời này cái sự bị-tráo-tên không ít và luôn tiềm ẩn muôn nỗi nguy cơ khó lường: nó diễn ra ở mọi nơi chốn, mọi thời kỳ hoàn cảnh, bị ảnh hưởng không nhỏ từ lịch sử, quốc tế, khu vực, quốc gia, dòng tộc, gia đình, cá nhân, cho đến con đường, lăng miếu, khái niệm, biện luận… Riêng về câu chuyện Quần-đảo-tráo-tên, để làm rõ những điều này phải hết sức gian nan, không chỉ cần tới nỗ lực quên mình của chính dân tộc, quốc gia bị rơi vào tình cảnh có đảo-bị-tráo-tên; mà còn cần tới sự thượng tôn pháp luật quốc tế, văn minh hướng thiện của quốc gia đánh cắp đảo. May ra mới có thể hóa giải được cái “vòng kim cô biển đảo cong cong” miên man chiều hiện hữu.
Thực ra sự tráo-tên, nói theo triết học là đánh tráo khái niệm, vừa là đối tượng nghệ thuật của trường ca Đỗ Quyên; vừa là quan niệm ứng xử, là thái độ chính trị cần phá bỏ mà sáng tác này trông mong. Một cách trông mong đầy lý tưởng, nếu không nói là mộng tưởng?!
Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, như cô gái “học đi đôi với hành”: “Ngộ lấy tiền của người phương bắc để sang phương bắc học hành nhằm nói với người phương bắc bằng tiếng phương bắc rằng hai quần đảo này là lãnh thổ của nước nam nhà ngộ.” (Hồi 7.21) Ngày “Nếu tôi thực sự là một nhà thơ, tôi đã có thể ngăn cản cuộc chiến.” (Hồi 4.1) Ngày “bển” bên đó nhẹ lòng ngồi lại cùng “bên ni” dựa trên nghiên cứu khoa học lịch sử và thực tại hải dương để cùng thương thảo, thừa nhận thực tế khách quan! Ngày được duyên trời phật độ theo như thỉnh cầu của nhân vật trữ tình trường-ca-ca: quần-đảo-bị-tráo-tên được trả lại tên của mình!
Để từ ngày đó về sau người Việt mới yên lòng thơ thới. Hệt như trong muôn vàn góc cạnh bi tráng của trường ca thời sự hôm nay vẫn lung linh hai mối tình ấm áp “cô dâu họa sĩ xinh tài/chú rể nguyên chuẩn đô đốc/cả hai tân gái tân trai” cùng “nữ sĩ - thiếu úy thành thân” nhờ “tình yêu thời bao cấp chống mẽo”, “phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/điều chưa nói thì bàn tay đã nói” (Hồi 6.1)
Nhưng, hy vọng là chuyện ngày mai, chuyện hôm nay của con dân Việt vẫn còn nguyên vẹn đau thương. Trông kìa, “các anh chết làm gì có mộ/làm gì có đất cho máu tụ thành hồn/máu tan loãng thân thể chìm mất dạng/chỉ còn đảo trên nền đất nước giữa trùng dương/điều khốn nạn vẫn là cả khi máu đổ/đảo chưa gần chưa thật đảo của chúng ta/thêm nhiều lần Tổ quốc phải sinh ra/Ô hô ai tai/75 liệt sĩ anh hào/đảo xanh máu đỏ sóng gào đòi tên”!!! (Chương kết)
Hà Nội ngày 22.11.2024
—-----------------
*) Trường ca này, từ ngày 08.10.2024, đang được đăng tới kỳ 7 trên vanchuongviet.org