Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.891 tác phẩm
2.761 tác giả
430
123.377.774
 
Tản mạn sáng mùa Thu
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Mới hôm qua lúc tôi đi qua khu chợ gần nhà, trên đường lác đác lá khô bay theo cơn gió nhẹ, mớ lá còn lại dồn đống nằm trên mặt đường, khi tôi dẫm lên chúng kêu lạo xạo dưới gót giày. Chỉ sau một đêm mưa, tất cả lá vàng nằm la liệt trên đường đều bị ướt, mặc tình cho tôi dẫm lên mà không còn nghe chúng kêu lạo xạo và cũng không còn nhúc nhích như ngày hôm qua. Tuần này trường nghỉ thu, đám trẻ không đi học và trời còn sớm ít người đi đạp lên lá nên màu sắc những chiếc lá vàng vẫn còn nguyên chưa thay đổi. Sau cơn mưa không gian trong sạch, loáng thoáng sương pha, cây cỏ sạch sẽ quá làm lòng ái náy, tôi bước chậm hơn và nhìn kỹ xuống từng bước chưn để tránh đạp lên những chiếc lá vàng ướt và sạch.

 

Hồi gia đình tôi mới dọn về đây, lúc đó hai con gái vừa mới lớn, cũng trên con đường này tôi thường dẫn hai đứa tới trường. Mới đó mà tôi đã già rồi, các con cũng đã lớn, cảnh vật có nhiều thay đổi, nhưng ngôi trường nằm bên kia chiếc cầu bắt ngang kinh, cạnh bên là trạm y tế và phòng thể thao. Phía bên phải, cách đường đi bộ và đường xe đạp có hai siêu thị bán thực phẩm, một nhà hàng nhỏ và quán bán khoai tây chiên cạnh bên tiệm bán bách hoá phẩm. Tất cả phát triển rộng lớn, chợ xôn xao hơn, nhứt là những ngày thường, tiếng nói tiếng cười rộn rã của đám học trò trong giờ ra chơi làm sống động sân trường. Cảnh vật có thay đổi nhưng mùi thơm, âm thanh và những màu sắc quen thuộc của các loại bông hoa đẹp đẽ nơi này thay đổi theo thời gian tôi đều thấy rõ. Đúng rồi, hàng cây hai bên đường! Tôi biết nó lúc con đường này mới làm, người ta trồng nó hồi còn non và đọt cao ngang ngực, bây giờ nó đã lớn và cao nhìn rớt nón luôn. Tuy nhiên nó là hai hàng cây mà tôi rất thích, lớp vỏ bao thân cây màu xám điểm vết trăng trắng, đen đen trông vững chãi và ra dáng phong trần. Mỗi khi đi ngang tôi thường vịn vào một gốc cây và nhìn hai hàng cây hai bên đường dài, từ gốc lên tới ngọn, giữa hai tàn lá hiện ra một khung trời lạ mắt; mây trắng, mây đen tạo ra những nét ngộ nghĩnh trên nền trời xanh.

 

Sáng sớm có sương mỏng, đi trên đường lòng lâng lâng niềm nhớ. Không biết mùa thu với lá vàng ướt trầm buồn hay là vì tin tôi vừa nhận được hồi hừng đông mà trong lòng có hơi xao động. Đứa cháu nhắn:

– Ba con mất rồi, giờ còn chú, chú nghỉ hưu dìa với tụi con, tụi con sẽ lo cho chú.

Nghe cháu nói cũng động lòng, không biết có phải vì chuyện cháu nói khiến tôi buồn bã hay là cảnh vật mùa thu làm lòng tôi chùng xuống. Hơn hai tháng trước đây, lúc anh Bảy còn sống tôi có hứa với ảnh, sau chuyến qua Úc thăm chị Sáu, khi trở về Hoà Lan tôi sẽ kiểm tra sức khoẻ, nếu tất cả ổn hết tôi sẽ về Việt Nam ăn Tết và ở chơi với ảnh vài tháng.

 

Rồi tôi sang Úc, hơn bốn mươi năm trước gia đình anh chị Sáu và đứa em Út của tôi vượt biển qua Úc định cư, gộp chung chưa được mười người, bây giờ cộng thêm cháu chắt lên hơn hai chục mạng, có mấy đứa kêu vợ chồng tôi là ông, bà. Thăm nhau một tháng, lúc tôi và Trúc Thanh sắp về thì nghe tin anh Bảy đã chết. Nghĩ chị Sáu lớn tuổi hơn thế nào cũng chết sớm nên tôi qua thăm trước, ai ngờ anh Bảy chết trước. Vậy là lời hứa về quê ăn Tết và ở với ảnh coi như mắc nợ rồi, chợt nghe mí mắt ươn ướt, tôi thọt tay vô túi áo định lấy giấy lau. Hôm qua Úc anh rể, chồng chị Sáu, mua tặng tôi chiếc áo tay cụt và có mười cái túi lớn nhỏ phía trước. Anh nói:

– Cậu mày lớn tuổi thường xuyên bịnh hoạn, bận áo nhiều túi đựng thuốc men và đồ dùng cá nhân rất tiện mỗi khi đi đâu đó.

Nghe cũng có lý và tin tưởng sự tiện ích của chiếc áo mười túi nên thuốc men và có gì nho nhỏ mà thấy cần những lúc đi đâu đó tôi đều bỏ vô mấy túi áo mang theo. Tôi thọt vô túi đụng ngay chùm chìa khóa, chùm chìa khoá mỗi khi cần tôi thường tìm nó, có khi mất cả buổi, giờ không cần thì đụng phải nó ngay. Lục qua túi khác đụng phải tiền cắc và cái bóp, thêm một túi nữa thì đụng mấy vỉ thuốc. Chậc! Bây giờ mới thấy cái áo có mười túi này rất phiền phức, ý là đồ đạc tôi bỏ chưa đầy hết mười túi. Lục lạo một hồi mới tìm thấy một gói khăn giấy còn nguyên mà Trúc Thanh đã nhét vô túi nhỏ trên ngực áo mỗi khi tôi ra đường. Moi được sắp khăn giấy, rút ra một tờ thì cơn xúc động đã qua rồi, những chuyện như vầy trước đây tôi chỉ đưa tay áo lên dụi dụi mắt, mũi mấy cái là xong. Nhưng cũng đưa khăn giấy lên lau mắt và nhẹ nhàng khịt mũi. Chợt nhớ câu: “người tính không bằng trời tính”. Thiệt ra hồi nào tới giờ tôi chưa từng nghĩ tới chuyện ngày về hưu tôi sẽ về Việt Nam để dưỡng già. Dù sao thì anh Bảy cũng đã chết rồi, chuyện về nước sẽ tính sau. Nhận thức được cuộc sống quá ngắn ngủi, bất thường, sống nay chết mai. Vì vậy hôm trước khi từ giã anh chị Sáu và các cháu bên Úc trở về Hoà Lan tôi có nói:

– Vài ba năm nữa biết ai còn ai mất nên em hổng dám hẹn trước ngày nào sẽ qua thăm anh chị và các cháu.

Chỉ có các cháu còn trẻ nhao nhao cho rằng tôi sẽ sống lâu trăm tuổi. Nhưng anh chị Sáu cũng nhận biết điều bất thường của kiếp con người nên không nhắn nhủ, hẹn hò chuyện sau này thăm viếng. Giọng chị nghẹn ngào nói một câu:

– Ờ, cậu dìa bên bển giữ gìn sức khoẻ.

Thiệt ra tôi rất hài lòng với cuộc sống ở đây, và cảm thấy ánh nắng ban mai âm ấm chiếu lên mặt rất tuyệt vời. Tôi định đi qua cầu rồi tà tà trên con đường dành cho người đi bộ và thẳng tới đầu đường quẹo qua con đường nhỏ bọc ra phía sau cuối khu chợ, vô siêu thị mua vài món đồ mà sáng nay trước khi đi làm Trúc Thanh đã dặn, sợ tôi quên, khi tới hãng Thanh còn gởi tin qua WhatsApp, cô ghi rõ ràng đầy đủ những món cần để nấu súp mùa thu. Tôi đi chưa tới đầu cầu, chợt thấy một chiếc xe đạp rà thắng tắp vô lề, một người đàn bà bước xuống gạt chưn chống xe, xong bà đi tới trước mặt tôi:

– À, bà Emma!

Vừa vui mừng vừa lúng túng chưa kịp nói thêm gì thì bà cất tiếng:

– Chào buổi sáng, ông khoẻ không?

– Dạ, tôi vẫn khoẻ, bà và ông nhà cũng khoẻ phải không?

– Khoẻ, khoẻ hết.

Đoạn bà nói tiếp:

– Hôm thứ Bảy tuần rồi tôi gặp Thanh làm Voedsel Bank (một hội từ thiện dự trữ thực phẩm để dành phát cho dân nghèo trong thị xã) trong siêu thị ở Biddinghuizen.

– Ờ, mỗi tháng Thanh làm vài giờ khi siêu thị này, lúc siêu thị kia.

– Tốt rất tốt. Dạo này thấy nó tỉnh táo và khoẻ ra.

Hồi Trúc Thanh bệnh, những chuyến tôi hải hành, vợ chồng bà đem Thanh về nhà săn sóc, nhà bà ở một xã gần đây, đạp xe chừng mười phút, vậy mà rất lâu tôi không tới thăm gia đình bà. Tôi vẫn nhớ ông, bà nhưng không hiểu sao tôi chỉ nhắc nhở Thanh mua quà tặng mỗi Giáng Sinh hay ngày sinh nhựt của ông bà, chớ lâu lắm rồi chưa lần tới thăm. Tôi nhìn bà Emma và cảm thấy áy náy trong lòng, tôi nói:

– Nhờ bà giúp đỡ nên Thanh mới được khoẻ.

Nói ra mới thấy câu nói mình vô duyên, tôi đưa tay lên gãi gãi cái đầu trọc. Bà Emma phớt lờ câu nói và cử chỉ khó coi của tôi. Bà cười vui vẻ hỏi:

– Nghe Thanh nói ông đã nghỉ hưu ?

– Ờ, tôi nghỉ được nửa năm rồi.

– Tốt, tốt cho Thanh, có ông ở nhà nó hết buồn.

– Dạ, tôi cũng nghĩ vậy, vì hai đứa con gái của tôi đã ở riêng hết rồi, nên mỗi khi đi xa trong lòng tôi hổng yên chút nào hết, sợ Thanh ở nhà mình ên bị trầm cảm trở lại, nhứt là những tháng lạnh mùa thu và mùa đông. Vì vậy khi công ty đề nghị cho nghỉ hưu sớm tôi chấp nhận liền.

– Ông làm việc lâu rồi mà.

– Cũng hơn bốn mươi năm.

– Oh, lâu quá.

Nói xong Emma từ giã tôi để ra chợ, trước khi đạp xe đi bà còn dặn:

– Nói với Thanh hôm nào tới nhà chơi.

– Chắc rồi, chúng tôi sẽ tới.

Nhìn theo tới khi bà Emma đạp một khoảng xa tôi mới ngước mặt lên hít một hơi thiệt sâu và thở ra nhè nhẹ. Hơi thở của mùa thu! Tôi tiếp tục bước, đối với tôi thời gian thả tà tà, hít thở cái không khí trong lành, nó cho tôi không gian rộng rãi và thời gian đủ để sắp xếp những xáo trộn trong đầu. Hơn vậy nữa, đi bộ cũng là dịp cho tôi ngẫm nghĩ coi có chuyện gì đó để ghi chép lại.

Một cơn gió thoáng qua, nghe ớn lạnh, tôi rùng mình một cái rồi đưa tay kéo cổ áo khoác cao hơn và quấn chiếc khăn quàng quanh cổ cho kín thêm chút nữa. Tôi nhận ra rằng đứng giữa những hàng cây, nơi mặt trời không thể chiếu qua những ngọn cây khi chúng còn xum xuê lá là một nơi khá mát mẻ vào mùa hè, thời gian đó tôi với Trúc Thanh có thể đi bộ vào trong bóng mát của những rừng cây ở quanh vùng hoặc đạp xe qua bất cứ nơi đâu trong đất nước Hoà Lan nhỏ bé mà xinh đẹp này.

Khi đi tới đầu cầu chợt nghe tiếng động dưới kinh, tôi đi chậm lại, tay vịn lan can cầu, đưa mắt ngó xuống dòng nước thấy một bầy vịt bơi qua. Mấy tháng trước đây, hai con vịt này là một cặp vợ chồng cùng với những con vịt con kêu chíp chíp, chúng bơi trong lau sậy bên bờ kinh tìm mồi. Bây giờ con cái của vợ chồng vịt đã lớn, chúng sẽ sanh sản và tự làm cha mẹ sau vài tháng nữa. Có rất nhiều thứ đã thay đổi từ mùa xuân sang mùa thu, những bông hoa tươi nở vào mùa xuân bây giờ không còn, lá trên hàng cây xanh đã biến thành vàng, đỏ và nâu. Mấy ngày qua lá cây đã rụng nhiều, bằng chứng là chúng nằm la liệt mặt đất, cứ đà này chẳng bao lâu trên cây sẽ không còn lá nữa.

Đi ra giữa cầu hồi nào không hay, khi nghe đàn vịt kêu cạc cạc. Tôi tỉnh lại sau cơn suy nghĩ vu vơ, đưa mắt nhìn xuống thấy bầy vịt xôn xao dòng nước dưới dạ cầu. Tôi xoay người nhìn lại phía sau, thấy một phụ nữ ngồi trên chiếc xe điện dành cho người tàn tật, xe điện không gây tiếng động, rất êm và rất nhẹ nhàng, cô ta gần bên hồi nào tôi không hay. Tay cô cầm một túi bánh mì cũ và lấy ra xé từng miếng bánh sandwich trắng liệng chúng xuống mặt nước trước mặt. Tôi đứng nhìn những chú vịt ăn ngấu nghiến những miếng bánh mì ướt với thái độ biết ơn. Tôi nhìn kỹ người phụ nữ, cô ta bận chiếc áo khoác len màu nâu, tóc nhuộm màu nâu, cắt tỉa gọn gàng và chiếc váy trắng lộ ra từ bên dưới, sự trầm ấm của màu nâu được cân bằng nhờ sắc trắng tươi sáng rất sang trọng với đôi giày chắc chắn màu nâu sẫm, trông hài hoà với sắc thái mùa thu. Nhìn cách ăn mặt và nét mặt phúc hậu, đoán chừng cô ấy tuổi trên năm mươi, thích ăn diện, thích làm đẹp và biết sẻ chia. Không biết cô bị bệnh gì mà phải ngồi xe dành cho người tan tật? Tôi lại nghĩ về Trúc Thanh, người phụ nữ từ ngày về sống với tôi đã chịu cực chịu khổ từ thể xác đến tinh thần trong những ngày tháng tôi đi xa. Có lẽ Thanh cũng như người phụ nữ này, cũng thích ăn diện, thích làm đẹp và giương mặt hiền hậu thoáng chút u buồn. Năm mươi tuổi Thanh bị đột quỵ trong lúc tôi còn lênh đênh trên biển, nếu đêm đó hổng có con gái lớn ở nhà thì chắc chắn Thanh không sống được. Khi tôi trở về thì Thanh đã nằm nhà thương, bác sĩ phát hiện van tim Thanh có vấn đề và đề nghị phải phẩu thuật càng sớm càng tốt. Sau ngày phẩu thuật Thanh bị bệnh trầm cảm, nhứt là những tháng ngày cuối năm khi trời âm u trở lạnh, thu sang đông, trời càng lạnh càng âm u thì bệnh của Thanh càng trầm trọng. Tôi ngừng suy nghĩ khi thấy người đàn bà liệng mớ bánh mì cuối cùng và chờ đàn vịt ăn hết bánh rồi bà mới cho quay xe đi. Người phụ nữ ngồi điều khiển chiếc xe điện rất thành thạo, thong thả nhẹ êm chạy giữa hai hàng cây trên con đường la liệt lá vàng, trông quý phái làm sao. Khi người phụ nữ xa rồi, tôi nhìn lên hàng cây, những chiếc lá rất mỏng manh, màu vàng sắp rụng, cành cây trống trải, trông nhẹ nhàng như trút đi gánh nặng. Lại nghĩ về Trúc Thanh,  bề ngoài trông yếu đuối, nhưng sức mạnh tinh thần rất mạnh mẽ, cơn trầm cảm nặng đến đỗi mỗi lần nhìn thấy tôi là Thanh vô cớ sợ hãi, có lúc chúng tôi phải tạm cách ly để Trúc Thanh trị bệnh. Cơn bệnh kéo dài gần hai năm, tưởng như không còn trị được nữa, nhưng cuối cùng Thanh cũng  vượt qua. May mắn thay, nhờ ơn các bác sĩ và những người từ tâm trên đất nước nhân ái đầy tình người này đã giúp Thanh vượt qua những năm tháng tối tăm mà không bị ngồi xe điện dành cho người tàn tật như phụ nữ cho vịt ăn vừa rồi. Tôi đi qua khỏi cầu đến cuối đoạn đường và quẹo qua con đường cạnh bờ nước dẫn tới siêu thị. Chợt nhớ lời Trúc Thanh nói lúc ăn sáng:

– Trời đã vào thu rồi, mỗi ngày một lạnh thêm, cũng đến lúc chọn công thức nấu súp mùa thu.

– Quan trọng vậy sao?

– Ăn uống hổng quan trọng thì cái gì là quan trọng đâu?

Tôi biết nấu những món ăn ngon và trình bày dĩa thức ăn cũng bắt mắt và cũng biết mùa thu bên Hoà Lan có những món ăn, món súp được chế biến bằng trái cây, rau, củ trong mùa. Mấy năm trước Thanh nấu bí rợ khi trời trở lạnh. Vào khoảng thời gian này, bí rợ có sẵn trong các chợ bán rau. Trúc Thanh làm việc trong một hảng chế biến thức ăn đóng hộp nhựa bán trong siêu thị và có học về dinh dưỡng. Thanh cũng thích nấu ăn nên hay nói về dinh dưỡng trong cách ăn uống.

– Mùa thu và mùa đông con người ta rất dễ xúc động, nếu không chú ý hệ thần kinh, hô hấp và tất cả các hoạt động trong cơ thể thì rất dễ mất cân bằng. Ăn uống hợp lý thì cơ thể và tâm trí được cân bằng làm cho người ta cảm thấy tràn đầy năng lượng, hạnh phúc, nhiệt tình và sáng tạo; Tâm trí bình tĩnh, nhận thức rõ ràng và sống động thì những chứng lạnh, khô, thô thiển sẽ biến mất.

Mặc dù Thanh nói không có gì sai, nhưng nói nhiều quá sợ bệnh trầm cảm tái phát, nhứt là những ngày trời trở lạnh. Định tìm cách ngăn lại nhưng khi nhìn ra cửa kiếng phía trước thấy sương lãng đãng bao hàng cây. Chợt nhớ tới lời người tư vấn nói trước đây: “người rối loạn lưỡng cực, còn được gọi là trầm cảm, dù được trị hết rồi, nhưng họ hay khó chịu với những lời tiêu cực hay bất đồng trực tiếp.” Và khuyên tôi nên nói chuyện nhẹ nhàng với Thanh. Hiểu được nguyên do, từ đó tới giờ tôi không dùng lời có tánh khiêu khích để nói với Thanh. Tôi bèn nói vuốt theo:

– Ừa, Papa thường bị môi khô, đôi lúc tay, chưn bị lạnh và khớp đầu gối đau nhiều hơn, nhứt là khi nhìn cảnh vật âm u lạnh ngắt, trong lòng bồn chồn khó tả.

– Bởi vậy người ta mới bày ra cách chuẩn bị thức ăn, nước uống cho phù hợp theo mùa.

Mùa thu năm nay Thanh đổi món mới. Theo Thanh thì năm nay thịnh hành món súp Âu châu kết hợp châu Á, bởi vì có xài nước cốt dừa. Đó là một món súp rau, đậu đơn giản rất thích hợp cho mùa thu. Thiệt ra thì những món súp đậu của Hoà Lan ăn một lần là ớn cả năm. Nhưng thấy Thanh nhiệt tình quá, với lại món súp này cũng khá hấp dẫn. Dù sao món ăn có nhiều rau, củ rất thích hợp cho mọi người, mọi lứa tuổi.

Trước khi vô siêu thị tôi bấm điện thoại xem lại nguyên liệu cơ bản của món súp Á, Âu mà Trúc Thanh đã ghi trước khi đi làm. Gồm có đậu ván đỏ (nhãn hiệu Bonduelle), cà chua, cà rốt, củ hành trắng, tỏi, ớt đỏ, ớt bột, thìa là, bột cà chua, nước cốt dừa... Những món này trong các siêu thị ở Hoà Lan đều có bán.

Chợt nhiên tôi phát hiện ra một điều: mấy chục năm làm đầu bếp trên tàu tôi gần như không khi nào phải lục coi cần thứ nào, chỉ đọc qua sách một lần là nhớ. Vậy mà giờ đây tôi rị mọ coi từ chữ trong điện thoại. Hổng chừng khi vô trong siêu thị rồi tôi cũng phải mở điện thoại rà soát lại một lần nữa cho chắc ăn.

 

Dronten 5 11 2024

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 21
Ngày đăng: 03.12.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ơn người ơn đời - Tiểu Lục Thần Phong
Tôi nhìn tôi buổi sáng, trước gương - Phan Trang Hy
Hồi dính Covid, cũng tháng 11… - Phạm Nga
Cà phê sáng và tôi - Phan Trang Hy
Những cuộc gặp cuối mùa thu - Vinh Anh
Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đối chiếu với Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch - Đào Như
Rực rỡ sắc màu thu - Tiểu Lục Thần Phong
Thay đổi - Lê Khánh Mai
Theo trend “chữa lành” ở “bến quê” - Giang Hiền Sơn
Giọng Bắc - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)