Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.891 tác phẩm
2.761 tác giả
371
123.391.083
 
Sông nước miền Tây
Thanh Phương

 

 

Đội Thông tin chúng tôi đóng quân tại xã Phong Hòa, huyện Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, mọi người tự liên hệ nhà dân ở chung quanh. Tôi và Yên ở bên kia rạch có chiếc cầu khỉ bắt qua, mỗi lần ăn cơm, sinh hoạt nhà tập đoàn, chúng tôi đều qua chiếc cầu này, mới đầu bước đi xập xình rung rinh, chưa quen dễ trợt té, ngộ lắm. Buổi chiều trời mưa lâm râm, tiếng ếch nhái kêu “ộp oạp” nhớ nhà, bỗng anh hai Gương tới rủ tôi và Yên đi soi ếch, có thằng út Lương nữa, thích quá, buồn ngủ gặp chiếu manh. Anh hai Gương là con trai đầu, nhà sát bên, thằng Lương thứ út, nhà chúng tôi đang ở. Ra sau vườn tiến tới cánh đồng phía trước soi ếch, anh hai Gương chia làm hai nhóm: ảnh với Yên, tôi với Út, đi hai hướng khác nhau. Bắt đầu Út đeo đèn rọi trên trán đi trước, tôi cầm giỏ đi sau, hễ Út xòe tay chụp xuống ruộng cái "bụp" nghĩa là dính rồi, nhái hay ếch chi đây, tôi đưa giỏ tới đựng, cứ vậy suốt đêm. Bầu trời tối đen, cánh đồng sáng rực vì đèn pha người soi ếch chiếu lên không trung nhấp nháy, mờ ảo như thành phố về đêm, có vài đóm lửa lập lòe di động, thì ra người soi đang hút thuốc, mưa lắc rắc, cánh đồng trở nên ma lực. Bỗng Út ra hiệu tôi dừng lại nghe ngóng, tiếng "ọp ọp" phát ra chỗ đàng kia, Út tiến về phía đó, một lát tôi nghe tiếng “bụp” vang rền, chú ếch nằm gọn bàn tay Út rồi, bự lắm, tôi chạy tới đưa giỏ đựng, nước bùn văng lên từ đầu đến cổ, ướt nhẹp hết trơn ! Sau này tôi mới biết tiếng ếch kêu thì ngắt quãng và ngắn, còn tiếng nhái kêu nhanh và dài, Út nói thế. Đi soi một hồi giỏ quẩy nặng, chúng tôi quay về, nghe nói ở nhà Nương bắt sẳn nồi cháo trắng trên bếp. Thử hình dung coi: về nhà trút ếch nhái ra giỏ, làm sạch sẻ thả vào nồi cháo trắng khói bay nghi ngút, nem hành tiêu cay nồng, hấp dẫn đến chừng nào. Nương là em gái của anh hai Gương, chị của út Lương, nhà chúng tôi đang ở.

1.

Một hôm chúng tôi đi coi hát đình, dĩ nhiên út Lương dẫn đi, xa lắm, ước chừng cả chục chiếc cầu khỉ mới tới nơi, trên đường đi nghe tiếng hát cải lương vọng tới bên tai (máy hát) làm nhớ hồi nhỏ cùng má coi cải lương rạp Sơn Chà quá chừng, hồi đó đi khoảng vài cây số tới rạp chớ mấy, còn bây giờ phải qua biết bao nhiêu là kênh rạch, cầu khỉ, chẳng biết khi nào tới đây, cứ nhìn bước chân thằng Út phía trước đi thôi. Mãi rồi cũng tới đình làng, mọi người ngồi chật kín sân đình, điện sáng rực rỡ, bụi bặm lan tỏa khắp nơi, mấy khi thôn quê có ngày hội như vầy, người dân ai cũng háo hức. Nói thêm, ở đây người dân đi coi hát tự do không phải mua vé, trước đó ông trưởng thôn tới từng nhà, mỗi nhà sẽ đóng góp bao nhiêu tiền tùy hỉ, sau đó họ hợp đồng gánh hát về biểu diễn. Chúng tôi đứng hàng sau cùng các thanh niên trai gái, tiếng chọc ghẹo tán tỉnh thật là vui tươi, không ngờ út Lương hôm nay sổng chuồng, y tán gái dẻo đeo như vầy:

  • Nhà bên đó có ở gần gạch (kênh rạch) bà Liêm không hén?
  • Lần đầu hội ngộ chắc là tương phùng rồi hén, cho tui biết bạn thứ mấy để tiện xưng hô hén.
  • Tui thứ Út, tên Lương, cha là ông bảy Thới, gần cầu Phong Hòa, chạy xuồng máy đuôi tôm một hồi là tới liền.
  • Con trai phải giữ lời đó nghen. Người nữ nói. Thề hén !

Tới khuya hết tuồng ra về, vừa tới nhà tôi phủi chân lên phản nằm cái bịch, không biết trời trăng chi hết. Nhà dưới Nương thấy về, nàng lên vặn đèn lu trên bàn đi xuống.

2.

Nhớ hồi mới tới, anh hai Gương mời tôi và Yên ra sau vườn uống rượu làm quen (dân miền Tây phát âm là gựu), thêm hai người hàng xóm uống nữa. Sau khi giới thiệu anh hai Gương trân trọng mời tôi ly rượu kêu là tiên khách hậu chủ, tôi uống trước, xong tới phần hai Gương, ảnh tự rót ly rượu đưa trước mặt mọi người, ý báo cáo, sau đó uống cái “bụp” liền, khà hơi dài. Tưởng giáp biền là xong, không ngờ người khác cũng vậy, họ mời tôi ly rượu tiếp theo gọi là làm quen nữa, người miền Tây cho rằng uống rượu là lễ nghĩa, do vậy tôi không thể chối từ. Ngồi đâu chừng nửa mạc tôi thấy đất trời lăn quay, mắt đớm hoa râm, có các vì sao trên đầu chớp lóe, tôi nghẽo tại chỗ liền, anh hai Gương liền dìu tôi vô nhà nằm nghỉ, sai Nương xức dầu trên trán, trên cổ, hai bên tai đề phòng trúng gió, dặn xong ảnh ra vườn uống tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu đế miền Tây.

3.

Đến ngày gặt lúa, chúng tôi ra đồng ăn cơm cùng gia đình cho vui, đồng ở xa. Bác Bảy (chủ nhà), cô Tư (Nương), cô Năm (em Nương), con dâu, con rể v.v… Mọi người đều vác lúa xếp từng bó để ngay ngắn gần con kênh, lát sau bỏ lên xuồng ba lá chở về nhà. Lúc này anh hai Gương gôm một mớ chuột đồng bắt ngoài ruộng đem tới chỗ út Lương nhúm lửa nướng chuột, mọi người đều ăn cơm trưa chỗ này. Lửa cháy hừng hực, mỡ chuột chảy xèo xèo nhỏ xuống bếp than đỏ rực bay vô mũi thơm phức, anh hai Gương đem sẳn chai rượu đế gọi là tráng miệng cho cánh đàn ông ăn cơm lai rai. Ôi, kỷ niệm thôn quê đẹp thiệt sự, khó quên !

4.

Lần nào cũng vậy, tới giờ ngủ (cở 8 giờ tối) Nương lên nhà trên vặn đèn lu xuống đặt giữa bàn (nhà ưu tiên tôi và Yên ngủ phản nhà trên), sau đó nàng xuống nhà dưới ngủ nghỉ. Vậy mà tối đó nàng ngồi bàn đọc sách đến khuya, còn ghi chép gì nữa. Tôn trọng, tôi và Yên xoay vào vách tường nằm im re, lát hồi Yên ngáy khò khò, Yên dễ ngủ còn tôi khó ngủ nên hé mắt dòm thử. Đó là quyển Sấm Tụng của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, dân miền Tây ai cũng thờ, kế bên chắc là quyển vở ghi chép thơ tụng gì của nàng, tôi đoán thế. Bỗng tôi nghe bước chân nàng đi tới chỗ tôi nhẹ nhàng như sương khói (tôi nằm ngoài Yên nằm trong), nàng đặt tờ giấy trên ngực tôi cái “xào” như lá mùa thu, sau đó tôi nghe bước chân nàng “lịch kịch” tuốt nhà dưới. Cảm thấy ở xa, tôi chồm dậy cầm tờ giấy đọc thử xem viết gì. Đêm nay thời gian kéo dài như vô tận, đầu óc tôi cứ suy nghĩ mông lung, tờ giấy nàng gửi tôi chỉ vỏn vẹn hai câu thơ cổ, với tôi là cả phương trời xao xuyến:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

 Sắc bất ba đạo dị nịch nhân”.

Tôi thao thức mãi tới chừng đâu 4 giờ sáng, tiếng gà gáy ò ó o vang xa.

5.

Sáng ra đi làm, tâm hồn tôi ngơ ngác mông lung, khoảng đâu nửa tháng nữa đơn vị tôi sẽ chuyển quân tới chỗ khác, tạm biệt Phong Hòa, Lấp Vò với nhiều gắn bó yêu thương, do vậy đi làm tuyến xa nhưng tôi tranh thủ viết thư đáp từ hồi hôm, bài thơ như sau:

“Dẫu đến dẫu đi chỉ một lần

Sao lòng nặng trĩu với bước chân

Vũ vô kìm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Người ơi có biết đời muôn hướng

Sao lấy ân tình buột gót chân

Có lúc mùa xuân còn tan nát

Huống nữa hồn tôi ngập sóng thần”.

(ký tên)

6.

Đang ngồi chơi sau vườn, bỗng đứa bạn chạy tới báo tin tôi “Ê mi, vợ chồng bác Bảy đi xuồng (miền Tây gọi là ráng) tới tìm mi kia kìa, họ chờ mi ở mé sông đàng kia đó nghe”. Tới nơi tôi thấy vợ chồng bác Bảy chuẩn bị bước lên bờ. Bác trai cầm bao xoài nặng trịch đưa tôi, bác nói “Xoài tượng hái trong vườn nhà mình đó, ngọt lắm nghen, ăn thử cho vui vậy mà”. Sắp chia tay, bác gái cầm phong bì nhét túi tôi “Để lúc cần cháu mua sắm hay ăn uống chi đó, giữ gìn sức khỏe đó nghen”. Bác cuối xuống, những giọt nước mắt bác chảy ra ràn rụa, bác nói: “Rủ miết mà con Nương hỏng chịu đi, chắc nó giận hờn chi đó, mấy bữa nay nó nằm nhà khóc miết à, hai mắt nó sưng vù hết trơn !”.

7.

Chia tay ra về, hai bác bước xuống sông lên xuồng ba lá, bác trai cầm lái và giựt máy nổ kêu bịch bịch giòn tan, phía sau xuồng, nước sông xoáy tròn phun lên mặt nước, bác gái ngồi quay mặt lên bờ nhìn tôi đang đứng ngó, chiếc máy đuôi tôm nổ lịch bịch, lịch bịch đưa xuồng đi xa dần dần. Con nước bắt đầu gợn sóng lan tới đám cây bần, cây ô rô mọc hai bên bờ sông, con nước lao xao thành những vòng tròn lan rộng rồi tan vỡ. Chiếc xuồng ba lá khuất dần sau đám cây bần, cây ô rô mọc theo bờ sông./.

 

 

 

 

Thanh Phương
Số lần đọc: 20
Ngày đăng: 04.12.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nàng H’Ly trên dòng Sê San - Giang Hiền Sơn
Tu hú cá Chuồn - Thanh Phương
Khu Nancy ở Saigon - Nguyễn Minh Nữu
“Truyền thuyết” Qua Đi - Nguyễn Hàng Tình
Một thoáng ở Hòn Đất - Phan Anh
Seoul - mùa hoa ngân hạnh - Minh Tứ
Chuyện ‘Sư phụ” của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành - Đặng Xuân Xuyến
Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Minh Tứ
Đồng Phú ơi - Hoàng Xuân
Nguyễn Văn Thành, độc giả tâm đắc của Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trương Văn Dân