Thế hệ này lớn lên, trưởng thành, thế hệ khác được sinh ra, ông lại làm nhiệm vụ của mình. Với tuổi này, ông không phải làm bất cứ việc gì cho con cháu. Nhưng tình yêu thương dành cho chúng nó, ông không thể thờ ơ.
Trưa, nhìn con bé đi học về, tung tăng chạy nhảy, leo trèo, mệt nằm ngủ thiếp trên tấm nệm ấm. Ông ngồi bên cạnh bé, lật album cũ thời thơ ấu của Ba nó xem lại. Một thời khốn khổ, lo âu, suốt hai mươi năm, chỉ có buồn, chẳng có được niềm vui. Con trai ông sinh hút, bại não.
Vài người thắc mắc, hỏi rằng, Ai có con khuyết tật, họ xấu hổ. Sao ông không giấu đi
Ông cười buồn. Họ chẳng hiểu gì cả.
Cũng không gian này, căn phòng khách này, hai mươi tám năm trước. Những mùa đông giá lạnh, ông đã có rất nhiều “đứa con”, cũng chạy nhảy, leo trèo phá phách. Bọn chúng là bạn học cùng lớp tiểu học với thằng Nguyên,con trai ông. Buổi trưa, ông đón chúng nó về nhà mình, cho chúng ăn rồi đưa đi học. Chiều ba mẹ chúng đón về.
Con trai ông là trẻ hòa nhập, được đến lớp học cùng các bạn, đã là một hạnh phúc lớn.
Thằng Việt, thằng Quang, thằng Trí, thằng Nam, thằng Nhật.. con Hồng, con Phương con Thanh, con.. Hơn hai mươi năm, ông chẳng còn nhớ hết tên chúng nó. Chỉ duy nhất con Kim Ngân mà ông yêu mến, chẳng thể nào quên. Mỗi đứa một hoàn cảnh, học chung một lớp. Gia đình chúng nó khó khăn. Hoặc vì lý do nào đó cha mẹ không thể đưa đón con vào buổi trưa được.
Riêng bé Kim Ngân, hoàn cảnh nhà nó có điều khó nói. Hai đứa cùng tuổi, thằng Nguyên, con trai ông mập mạp, cao lớn. Kim Ngân mảnh mai, ốm yếu, héo hắt như bẹ chuối khô. Hai đứa ngồi cùng bàn, cạnh nhau, hằm hè nhau như chó với mèo. Con Ngân giỏi toán, thằng Nguyên giỏi copy. Con Ngân từ từ. Thằng Nguyên nôn nóng. Chó mèo với nhau tròn năm năm. Cũng ngần ấy năm, con Ngân được ông đón đưa.
Nhà Kim Ngân không xa lắm, ba mẹ buôn bán gần trường, nhưng muốn gởi gắm nó cho gia đình ông chăm sóc, đưa đón nó đi học trường, học thêm.
Mặc dù khá bận rộn với công việc hằng ngày, quản lý một xưởng cơ khí, nhưng ông vẫn dành nhiêu thời gian cho bọn trẻ.
Kim Ngân ăn rất ít, một chén cơm vừa đủ, chẳng có tiền quà bánh, nên ngày càng khô quắt. Vợ chồng ông quan tâm nó nhiều hơn những đứa khác.
Căn phòng trống, chẳng trang trí thứ gì, không gian dành hết cho bọn trẻ, ông bàn với vợ như vậy. Buổi trưa trải nệm cho bọn trẻ nằm lăn trên sàn nhà, ông ngồi cạnh đọc sách, canh giờ đánh thức bọn trẻ dậy đi học.
Ngoài bọn trẻ con tiểu học, nhà ông còn có bốn, năm cậu sinh viên cho ở trọ. Đứa bách khoa, đứa kinh tế, sư phạm. Thường thì bọn chúng ở quê các tỉnh, gia đình nghèo. Mấy cậu này có nhiệm vụ giúp ông chở bọn trẻ đi học thêm. Vô tình hay duyên mà nhà ông trở thành trung tâm xã hội thu nhỏ.
Năm chúng học lớp Bốn, một buổi trưa mệt mỏi, ông ngủ mê man, giật mình tỉnh giấc, nhìn quanh, không thấy bé Ngân đâu. Hoảng hốt, ông chạy ra đường tìm. Mùa Đông rét buốt, mưa lất phất, con bé choàng tấm ni lông màu xanh, lom khom lê từng bước bên vỉa hè. Ông chạy đến bên cạnh con bé. Nó khóc, hai hàng nước mắt hòa với nước mưa. Đường đến nhà cô xa lắm, Nó định đi bộ.
Ông nhìn qua bên kia đường, người cha của bé Ngân đang ngồi nhậu với một người bạn, thản nhiên nhìn. Thương con bé, lại giận thằng cha vô tâm. Đưa nó về nhà, ủ ấm xong lại chở hai đứa đi học. Hôm đó đến lớp trể nửa tiếng.
Thấy ông ngủ say, nó sợ trể giờ học nhưng không nỡ đánh thức.
Thời gian trôi qua, xong lớp Năm mỗi đứa mỗi trường, ông không còn cơ hội chăm sóc cho bọn trẻ nữa. Đôi khi vài đứa nhớ ồng, quay lại thăm, rồi đi. Bé Ngân cũng xa từ đó, biền biệt. Hai mươi tám năm, ông chưa gặp lại nó lần nào.
Vài năm sau, tình cờ gặp lại mẹ Ngân trong quán cafe. Một phụ nữ khá sang trọng, đến cạnh chào, ông nhận ra và đáp lễ. Hỏi han vài câu chuyện mới biết, ba mẹ bé Ngân khá giả hơn nhờ kinh doanh bất động sản, Ngân đã đi du học. Ông ngạc nhiên và mừng cho con bé.
Con trai ông học hết năm nhất cao đẳng, rồi thôi. Não nó bị tổn thương, không tải nỗi kiến thức. Nó trưởng thành mạnh mẽ. Hai mươi bảy tuổi lấy vợ. Ông nhìn con thành người lớn mà vui, nhớ những ngày gian khổ đưa nó đến trường, cùng chơi,cùng học với nó. Nhớ bọn trẻ được ông chăm sóc.
Trước ngày tổ chức cưới vợ cho con, ông dặn dò nhớ tìm cho ra mấy bạn cũ để mời. Ông muốn nhìn lại bọn trẻ hai mươi năm trước, bây giờ như thế nào, nhất là bé Ngân.
Hôm ông đến nhà cha mẹ bé Ngân để gởi thiệp mời. Ngập ngừng trước ngôi nhà khá lạ, khang trang, ông chùng chình, suy nghĨ giây lát, quay về. Gia đình bé Ngân không còn nghèo khổ nữa. Họ sống sung túc, sang trọng hơn.
Đám cưới thật vui, bạn bè Nguyên đến chúc mừng khá đông. Ông hạnh phúc nhìn bọn trẻ lớn nhanh, đứa cử nhân, đứa kỷ sư, đứa kinh doanh buôn bán. Có nhiều đứa trước đây hiền hòa, chừ miệng mồm nhanh nhảu. Có đứa xấu xi, đen nhẻm lại hóa thiên nga.
Chúng nó chuyện trò như thuở còn bé thơ, mi tau, thậm chí mắng nhau như chó mèo.
Vui, nhưng ông thấy thiếu. Ông nhớ con bé mảnh mai, héo quắt như bẹ chuối khô năm nào. Con bé mà ông thương nhất.
Ông hỏi thăm về bé Ngân, có đứa nhăn mặt "Thôi bác, bỏ đi, đừng nhớ đến hắn nữa. Hắn đang sống ở Mỹ, thành đạt hơn bon con. Khó gặp lại hắn lắm, Bác”
Hai mươi tám năm, con gái Trần Thị Kim Ngân chắc đã có gia đình. Có những đứa con bằng tuổi con lúc đó. Chỉ mong một lần gặp lại con, nhìn con trưởng thành, nhìn con mạnh mẻ bước đi trên đường đời.
Nhưng bác vẫn muốn nhìn lại con choàng tấm ni lông màu xanh, lom khom trên vỉa hè mùa đông thời thơ bé. Để một lần nữa chạy theo con, nhìn con khóc, bác sẽ giận giấc ngủ trưa của mình.
Đời người như gió qua. Chủ nhật, thứ hai, thứ ba..Tuần qua tuần, tháng qua tháng, năm qua năm, người ta già đi và nhớ lại một vài chuyện cũ. Hạnh phúc với người già chẳng có gì lớn lao lắm.
Có những chuyện ngang qua đời như vô tình, nhớ, bỏ đi. Nhưng cũng có chuyện khó quên, kỳ lạ thật.
Mùa đông về rồi, buổi trưa trong căn phòng khá lạnh, nhìn quanh, lại nhớ lũ trẻ phá phách. Nhìn con bé cháu nội ngủ say, chợt nhớ con bé Ngân năm nào bằng tuổi nó bây giờ. Thơ ngây, trong trắng. Nhưng con bé cháu nội hạnh phúc, sung sường hơn Kim Ngân lúc ấy nhiều. Hình ảnh Kim Ngân choàng tấm ni lông màu xanh, lầm lủi đi dưới mưa, đi trong nước mắt năm nào, ám ảnh ông đến bây giờ.
Trần Thị Kim Ngân, tự nhiên mà nhớ, thật đó. Con bây giờ đã ba mươi bảy tuổi. Phải chi, một lần nào đó tình cờ hay duyên, con đến, bối rối, ngập ngừng trước sân nhà bác, chắc gia đình bác vui lắm. Kim Ngân à.