Không biết từ lúc nào, nhà tôi và nhà bác Tơn thân thiết nhau nhiều lắm, như anh em ruột thịt, hai nhà cách nhau chừng vài trăm mét chi đó. Bác Tơn là dân Bắc 54 di cư vào miền Nam, còn nhà tôi là dân Quảng, tản cư ra Đà Nẵng bấy giờ, hai nhà gặp nhau tại chợ Chiều, Mân Quang. Phải nói thị tứ Sơn Chà dân Bắc đến lập nghiệp rất đông, hai bên đường họ mở quán xá, dịch vụ buôn bán đủ thứ, làm Sơn Chà càng ngày càng phát triển. Trường Bồ Đề Sơn Chà tôi học cũng vậy, bạn bè đa số là người Bắc, thật đáng yêu. Sống gần gia đình bác Tơn, tôi nhiễm cách chào hỏi lễ phép lúc nào không hay, chẳng hạn lúc ăn cơm thì nói “xin xới bát cơm ạ”, “xin thôi ạ”, “vâng ạ” v.v…
Hằng ngày ba tôi đạp xe đi bắt mạch bệnh nhân, sau đó đến tiệm thuốc Bắc cân thuốc cho bệnh nhân uống, ba ít ở nhà. Còn bác Tơn là quân nhân (tôi không nhớ binh chủng gì), bác ở trại lính chiều mới đạp xe về nhà, chỉ chủ nhật bác ở nhà trọn vẹn. Mùa hè nóng nực má thường dẫn tôi qua nhà bác Tơn gái ngủ trưa. Nền nhà bác tráng xi măng sạch sẻ, mát rượi, đến giờ ngủ, bọn nhỏ chúng tôi đều nằm xếp hàng ra đất, mỗi đứa một cái gối, im re. Nhà bác Tơn toàn là con trai, đầu tiên là anh Nhân, tiếp theo là thằng Khoa (cùng tuổi tôi), sau là thằng Học, thứ tự là vậy nhưng chúng tôi chơi chung với nhau như trang lứa. Mỗi lần ngủ trưa, bọn tôi thường hay cười giởn, chọc quậy một lát rồi mới ngủ nghỉ, nhất là anh Nhân ỷ lớn thường khều chân bọn tôi coi thử ngủ chưa, còn thức thì ảnh xì cười đắc thắng. Biết vậy bác Tơn gái luôn cầm chiếc roi sẳn sàng quất vô cẳng đứa nào chọc phá, nghịch ngợm. Má tôi cầm quạt, quạt tới chỗ chúng tôi nằm, trong khi họ vẫn thì thầm nói chuyện với nhau, đến khi chúng tôi chìm vào giấc ngủ trưa hè. Lần nào thức dậy, bác Tơn gái cũng chia quà chúng tôi ăn theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: anh Nhân đến tôi, sau là Khoa và Học, nghĩa là mỗi lần đi chợ sáng, bác mua sẳn bánh trái để dành tới trưa ngủ dậy. Hoặc có hồi bác kêu gánh chè hay gánh đậu hủ ghé nhà ăn luôn, riêng cuối tuần bác Tơn trai nghỉ nhà, bác Tơn gái đi chợ làm món ngon kêu tôi qua ăn cơm, thân thiết vô cùng.
Sáng mùng một Tết dậy sớm, đầu tiên tôi lần mò dưới gối lấy bộ đồ mới mà đêm ngủ đầu tôi đè lên cho thẳng thớm, đó là chiếc áo hình chim cò màu xanh dương, chiếc quần sọc xanh đậm mới keng, má tôi mua ngoài chợ cả tuần nay. Má giúp tôi cài cúc áo, chỉnh quần kéo phéc-mơ-tuya cho thẳng thớm. Ba lì xì hai xu kèm theo lời chúc mừng “Năm mới chúc con giỏi giang và mau lớn hỉ”. Tôi bỏ hai xu vô túi quần leng keng, bốc nhúm mứt dừa (tránh mứt gừng), nhúm hạt dưa bỏ vô túi áo rủng rỉnh, chạy thẳng tới nhà bác Tơn trước tiên, tới nơi tôi đứng ngoài hàng rào vì nhà bác Tơn còn khóa cổng chưa ai xông đất cả. Trong nhà anh Nhân, thằng Khoa, thằng Học nhìn ra thèm thuồng tự do, chịu thôi. Đứng ngoài tôi bắt đầu khoe “Tao có hai xu nề”, “Tao có mứt dừa nề”, “Tao có hạt dưa nữa nề”. Thế là Nhân, Khoa, Học bị thua hết cả rồi, chưa kể bộ đồ chim cò đang mặc mới keng, ai biểu tết mà mặc đồ cũ rích !
Bỗng một ngày gia đình bác Tơn đi xa, không còn ở chợ Chiều, Mân Quang gần nhà tôi nữa, còn nhỏ tôi không biết chuyện gì. Sau này lớn lên tìm hiểu tôi mới biết, thời đó Tổng thống Ngô Đình Diệm có chính sách ưu đãi quân nhân gốc Bắc, đưa họ định cư sống gần Sài Gòn, đất đai trù phú hơn nhiều (chẳng hạn như Biên Hòa, Gia Kiệm), do đó bác Tơn phải rời xa miền Trung, xa xóm giềng, xa nhà tôi với bao nhiêu thương mến.
Bây giờ là mùa Noel, gần tới Tết âm lịch rồi, ngoài trời mưa bay chập chùng, tự nhiên trí óc tôi lại nhớ về dĩ vãng, nhớ gia đình bác Tơn ngày xưa, nhớ anh Nhân, nhớ thằng Khoa, nhớ thằng Học quá chừng. Giờ vào trang facebook tìm thử nickname Nhân, Khoa, Học nhưng chưa có kết quả. Hay là các bạn qua Mỹ theo diện H.O rồi chăng. Nhưng dù ở đâu tôi vẫn luôn cầu chúc Nhân, Khoa, Học luôn bình an mạnh khỏe. Ký ức sáng mùng một Tết mãi lộng lẫy tuổi thơ mình.