Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.991 tác phẩm
2.764 tác giả
377
124.480.804
 
Nguyên Cẩn – Học giả thời hiện đại
Lương Minh

 

 

Tôi biết Nguyên Cẩn từ khi tôi tham gia với Quán Văn, đi chơi với anh nhiều chuyến từ Nam chí Bắc nhưng tôi chẳng biết gì về anh cả. Có đọc vài bài thơ và truyện ngắn anh đăng trong tạp chí này , tôi biết anh viết rất sung nhưng thú thật không gây ấn tượng nào cho tôi cả. Biết anh làm thơ thuộc loại có nghề, tám tập thơ trong vòng mười năm từ 2002 đến 2012 và là nhà văn với nhiều tập truyện ngắn, tản văn. Tình cờ hôm rồi ra đường sách Sài Gòn tôi gặp được quyển “ Bóng chữ trước đèn” , tập tản văn của anh đem về đọc một mạch. Với 23 bài nhận định về các tác giả Kim Dung, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện; từ Nguyễn Du cho tới Lý Bạch, từ Nietzsche đến Heidegger, những tác gia mà ngày xưa bọn sinh viên chúng tôi từng ngưỡng mộ.

 

Bàn về Kim Dung, Nguyên Cẩn nói đến nhiều vấn đề , từ thiện ác , lòng tham, quả báo, thiền tông, trong đó tác giả dẫn chứng từ Cô gái Đồ Long đến Tiếu ngạo giang hồ. Nếu không đọc hết những tác phẩm của Kim Dung thì khó có thể xỏ xâu những nhân vật có lòng tham như Mộ Dung Phục, Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền đã bỏ mặc tình cảm, đạo đức hầu làm sao đạt đến cái ngôi minh chủ hay ngôi vị hoàng đế mà họ hằng mong muốn. Những câu chuyện tình cảm hay ân oán giang hồ đều được Nguyên Cẩn soi nhìn với góc độ của người am tường Phật pháp.

 

Anh đã có cơ duyên trong đời vì gặp Bùi Giáng lúc còn là học sinh trung học. Năm 1972 anh đi dạo khu bán sách cũ, gặp một lão già đem bán mấy cuốn sách dịch của Bùi Giáng cho bà bán sách cũ. Bà không mua dù người có sách chỉ bán sách bằng nửa giá bìa. Thấy lạ, anh liếc mắt nhìn thì thấy quyển sách giấy còn mới tinh, quyển Hoàng tử bé và Cõi người ta là những cuốn sách mà anh thường đọc trộm trong các nhà sách nên đã dốc hết tiền trong túi ra để mua. Người bán sách chính là Trung niên thi sỹ, cần tiền để uống rượu nên lấy sách của mình đem bán. Thy sỹ còn hỏi thằng nhỏ, mầy mua sách rồi còn tiền để đi chơi không? Thằng nhỏ nói, dạ hết rồi. Không biết có phải vì khoái thằng nhỏ ham đọc sách hay khoái người thích văn mình mà Bùi Giáng đã rủ thằng nhỏ này đi uống rượu với mình. Đây là cuộc hội ngộ đầu tiên của chàng học trò mê văn chương với ông thy sỹ nổi tiếng điên khùng nhất thời bấy giờ. Trong khi nhậu, Bùi Giáng còn móc ra trong bọc ra bốn cuốn sách nữa đó là Tư tửơng hiện đại, Đường đi trong rừng, Lá hoa cồn và Sa mạc phát tiết đem tặng cho chàng trẻ tuổi mà sớm biết đọc sách này. Đó là điều thích thú và không ngờ đối với Nguyên Cẩn. Điều thích thú tuyệt đỉnh là khi cho thằng bé này , Bùi Giáng còn ký tặng với dòng chữ Kính tặng ngài Văn Nga ( tên thật của Nguyên Cẩn).

 

Năm năm sau, khi đã là sinh viên đại học Sư Phạm, Nguyên Cẩn còn tái ngộ với ông thầy dạy văn họ Bùi tại khuôn viên trường ĐHSP (ĐH Vạn Hạnh cũ). Ông hỏi Nguyên Cẩn, mầy học gì? Anh trả lời dạ học triết. (Thực tế là anh học năm thứ 3 khoa Anh Văn ). Bùi Giáng bảo, mày theo tao, tao dạy cho. Thế là vì tò mò , vì máu nghệ sĩ nổi lên, anh theo ngay. Một buổi truyền dạy triết giữa một thầy , một trò tại vĩa hè trên đường Lê Văn Sỹ với chai rượu đế và dĩa mồi mọn. Thầy giảng huyên thuyên về thơ chữ Hán, từ đời Đường cho tới đời Tống , lại sang cả lĩnh vực chính trị khiến trò trơ mắt ra nhìn có cái được cái không. Lúc đó , Nguyên Cẩn thấy “ông thầy” của mình không điên chút nào, mà còn minh mẫn đến lạ thường.

 

Câu chuyện Bùi Giáng thu nạp Nguyên Cẩn làm đệ tử giống hệt như những câu chuyện chàng thiếu hiệp được lão tiền bối cao thủ truyền võ công trong tiểu thuyết chưỡng của Kim Dung. Không biết “võ học” của Báng Giùi lão nhân đã chảy sang chàng thiếu hiệp Văn Nga này bao nhiêu thành công lực (?)

Có lẽ ảnh hưởng hành trạng của Bùi Giáng quá lớn nên sau này Nguyên Cẩn làm thơ phần nhiều cũng ảnh hưởng triết học và Phật học. Không rành về thơ ca, chỉ đọc tập thơ Sầu rụng thành hoa, tôi đã thấy những tựa bài thơ như Vẫn phải trầm luân, Thực và mộng, Nửa đêm tụng chú, Miên man cõi tịnh, Niệm tôi tôi niệm là đã thấy anh thấm nhuần tư tưởng Phật giáo mà không cần phải đọc hết các lời hay câu thơ trong đó. Có lần anh thố lộ từ những kiến thức Phật học nền tảng của gia đình đã thôi thúc anh nghiên cứu nhiều kinh Phật, thu tóm được nhiều yếu chỉ nhờ vậy anh có hàng loạt bài viết cho Văn Hóa Phật giáo một tạp chí chuyên về đạo Phật mà nhiều vị thượng tọa hay học giả về thiền hay viết.

 

Gặp anh ở quán cà phê và trong các chuyến đi du lịch với Quán Văn, anh không bao giờ nói chuyện về đạo Phật, nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy bài viết của anh trong Văn hóa Phật giáo, Từ Quang, nguyệt san Giác Ngộ, bàn về những vấn đề của thời đại như đạo lý, thái độ kẻ sĩ, chữ hiếu. . .

Tìm đọc những bài anh viết tản mạn về Kiếm hiệp, về triết học, về kinh Phật trong Bóng chữ trước đèn mới biết được sức đọc của anh công phu biết là dường nào ! Anh đã thấy được Lệnh Hồ xung phong trần, lãng tử; Dương Qua phiêu bạt thong dong trên đường hành hiệp; Đoàn Dự ham mê nghiền ngẫm kinh Phật; Hư Trúc có ước mơ giản dị , theo anh đó là những kẻ đã đi qua sáu cửa vào động Thiếu Thất.

Trong xã hội chúng ta thuờng gặp hai loại người, loại thứ nhất học vị cao ngất trời nhưng khi tiếp xúc nhiều lần chúng ta thấy buồn vì họ chẳng có kiến thức gì , toàn là đạo văn và copy của người khác mà không nói rõ ràng để mọi người lầm tưởng là của mình, Nguyên Cẩn mà tôi thấy ở trường hợp thứ hai, mới nhìn và gặp cũng bình thường như bao người khác, qua thời gian , qua bài viết mới thấy anh là người biết nhiều ở các lãnh vực, phải chăng anh bị những tiếng hét của các sư tử Bùi Giáng, Phạm Công Thiện mà hốt ngộ và cố tâm chuyên cần khổ luyện.

 

 

(2018)

 

 

Lương Minh
Số lần đọc: 59
Ngày đăng: 31.12.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Han Kang - Thân Trọng Sơn
Đọc Gần: Wallace Stevens - Nguyễn Đức Tùng
Lời giới thiệu “Tự tình với trăm năm” (Nguyễn Hồng Linh) - Nguyên Bình
Ngô Quang Bửu và giấc mơ thời thơ ấu - Trương Văn Dân
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá - Chế Diễm Trâm
Tiễn biệt tác giả những bài tình ca về đất Cảng - Trần Trung Sáng
Trần Hoài Anh với Lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại - Cao Thị Hồng
Tưởng niệm Alice Munro (1931-2024) - Nguyễn Đức Tùng
Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh - Trương Văn Dân
Một chốc với “trong những thoáng chốc” - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Người quán văn (tiểu luận)