KÍNH TẶNG NHỮNG NGƯỜI SỐNG CHẾT VÌ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC[1]
CHƯƠNG 10
TỌA ĐỘ
ĐỊNH LUẬT QUẦN ĐẢO VÀ ĐOẠN TRƯỜNG QUẦN ĐẢO
… Năm rồi
trường đoạn Quần Đảo
mà cũng là đoạn trường sử thi tráng lệ và âu yếm trong bản trường ca lớn suốt nửa thế kỷ của Đất Nước (nhưng hơi tiếc mấy năm đầu nó chỉ thuộc về nửa Đất Nước và đó lại chính là nền tảng của tác phẩm ấy
thôi cho qua chuyện trong nhà
kìa người hàng xóm thụt ra thụt vào
chuyện trong nhà thôi đi nào
kia hàng xóm người thụt vào thụt ra)
đã làm nên đề thi học sinh giỏi Văn cấp chót toàn quốc (có nhẽ na ná thi Hương thi Hội ngày xưa nhể)
cực oách
thì cũng phải
vì là cái để đời của một trường ca gia tầm hạng nhất về mọi phương diện
trẻ đến trường văn chương xuyên chiến trường tới chính trường về cố hương già
(tiện thể hình dung khập khễnh
tỷ như trường-ca-ca ta hạng ba nôm na hạng bét
ưa ăn theo ham nói bảnh chỉ được trò liên văn bản tí tài lanh hi hi nghỉ mệt vô chương hồi cuối lòng thòng nhất nhọc nhằn nhất chém gió phát xả xupap)...
… Mau mắn
nhà báo nọ đã phỏng vấn hai điều
một là thưa ông
thiên hạ đang hóng tác giả lớn chia sẻ quan tâm bự tâm tư to ngoài bản hùng ca lãng mạn khủng sau nửa đời nhòm lại
thưa ông hai là
cớ sao khắp trích đoạn trường ca hai chữ Quần Đảo đã viết hoa lại còn in nghiêng nữa ạ
[Nữ ký giả hẳn là gen Z
lễ phép chỉn chu sắc sảo phết
lăn tăn bao quát tới chi tiết
lão gia quả nầy thích bằng chết
à mà dưới đây đăng trường đoạn
trình bày in nghiêng cả toàn bài
thành ra ngược lại hai chữ oách
chỉ nâng hoa chả được giương nghiêng]
Thi sĩ lớn đầu 3X vốn dòng tứ đại văn đàn ái quốc cố đô nơi giang san quặn thắt chiều ngang chỉ 45 kilômét lưng tựa dãy núi hiểm cao sau lại là quốc gia khác bụng chạm biển cả mù khơi
vuốt râu cả cười
đả thông lý giải khẳng quyết
là ông cố tình hữu ý chủ tâm
nhấn mạnh thật lực đó à nha
nghiêng hoa Quần Đảo thật ra
quẩn quanh 8 chữ quả là tréo ngoe
ghi tạm nhớ lẹ thế nhe
tà tà ta giảng mọi bề sẽ thông
Đọc
Xờ nhẹ lớn xờ nhẹ bé Sờ nặng lớn sờ nặng bé
Viết
Xx Ss
Nghĩa
Xa xôi Sát sườn
Giảng
các quốc gia sở hữu Quần Đảo rành 4 chữ vàng ấy lắm
Tiếp
Cờ lớn cờ bé Bờ lớn bờ bé
Cc Bb
Chung chung Biện biệt
danh từ chung Quần Đảo phân định dễ dàng lân bang biển tốt xấu bạn thù
Nghe này
sau biết bao nhiêu khảo sát bở hơi tai
những sự kiện quân sự biến động thế giới cực kỳ kỳ khu
các trường hợp địa lý hoàn cảnh chính trị khác nhau tít mù
những quốc gia đại dương lằng nhằng liên đới
(dẫn đến các
hàm số
tham số
đối số
Q Đ X x S s C c B b
đồng loạt cùng khác nhau theo
chưa kể ở đây không vội hiển lộ tọa độ x y z và thời gian t vốn là cặp biến số mà tạo hóa xảy việc gì chúng cũng đòi nhào vô)
ôi ê nhức cái đầu nhưng khoái tỉ con tim
từ đó ông từ tốn khởi xướng rồi từ tâm chỉ đạo để suy ra
điều được gọi là Định luật Quần Đảo nó thế này này cháu ạ
QĐ = (Xx + Ss) - h(Cc + Bb)
Đọc chậm và chú ý chính tả tiếng ta
Quờ lớn nhân Đờ lớn bằng mở ngoặc Xờ nhẹ lớn nhân xờ nhẹ bé cộng Sờ nặng lớn nhân sờ nặng bé đóng ngoặc trừ h mở ngoặc Cờ lớn nhân cờ bé cộng Bờ lớn nhân bờ bé đóng ngoặc
Cậy nhờ ký giả cùng bổn báo (à nhớ rồi tờ báo cháu đang mần hợp đồng vào thời đó nó đã nổi như sóng cồn mỗi khi sinh sự khiến ông phải xuống tay xử lý mà thôi ba cái chuyện cũ mèm bỏ đi tám[2] nào tập trung chuyên môn hè)
ông giảng tới đâu rồi ta
à nhớ nhắc độc giả giùm các đồng tác giả rằng
một chi tiết rắc rối ít thấy ở các định luật toán lý thông thường
đó là
h tuy nhìn qua cứ như hằng số
ấy thế mà trong một số triển khai cụ thể h sẽ rất khác nhau thế mới phiền hà
vấn đề là ở chỗ nó
phụ thuộc vào đối tượng lịch sử
hiện trạng ra sao
tranh chấp tùm lum hay yên thân một cõi
cụ thể
đấy là Quần Đảo nguyên thủy của chính chủ sở tại nhờ lộc trời phước biển ban trao hay bởi tham tàn xâm lăng bành trướng vô độ mà nên
(thật hên
đó chính là điểm nhấn ở trích đoạn trường ca ta mần nửa thế kỷ vừa qua ha ha)
E hèm
chịu khó cầm phone giữ zalo giùm nha nhà báo trẻ giỏi
cảm ơn trước nữa thật nhiều
chờ chút xíu ta đang tìm chai nước suối
chuốt cái giọng già thêm mượt và nghiêm
nước trắng không dễ nhận ra như bia rượu coca-cola trà tàu trà ta
ồ cái kính lão một bên tròng hổng biết rớt chốn nao khi nào
thây kệ (dùng lại chữ ưa xài khi tán chuyện nước non của lão bạn danh ca vừa đi về cõi vô thường để lại đời những đóa hoa)
Nhà báo trẻ quê nơi nao
giọng như đồng tháp ngọt ngào ngân nga
này dễ hiểu lắm cháu à
Quần Đảo “ngấm vào ta
đơn sơ
như Tháp Mười không điểm trang đầy im lặng”[3]
Phải
chí phải
ký giả giỏi théc méc chí phải
tất nhiên tại đây trình làng sơ lược giản đơn
quảng đại bạn đọc bổn báo tiếp nhận dễ hơn
mong quý bạn chớ vội hồ hởi phản biện
muốn chính xác chuyên môn khoa học ư ráng chờ đón đọc
một siêu tạp chí liên ngành toán-lý-địa-sử-chính trị-quân sự tùm lum
dĩ nhiên còn phải sau cuộc hội thảo quốc tế cấp khu vực xuyên hai đại dương đang chờ trên duyệt từ lâu ơi là lâu nhưng đây vững tin như đinh đóng cột sẽ chẳng bao xa
khắc chờ khắc đến
thời gian và thủy triều phải đợi ta[4]
Định luật biểu diễn quan hệ
nhạy cảm phức tạp triền miên
tương quan lãnh hải chủ quyền
quyền chủ quyền nữa chớ quên
từ thực thể địa lý biển
chẳng giống thẳng băng định nghĩa
Liên hiệp quốc chúa quan liêu[5]
có mà leo tận cung trăng
đề huề chú Cuội cô Hằng
họa may đại đồng thế giới…
… (Tranh thủ ông chém gió
mất gì của bọ[6] nào
cháu biết không thích nhứt
nghiên cứu này là sao
là hai ca đặc biệt
nghiệm cực đúng với công
thức kể trên viết lại
thêm phát nữa cho thông
QĐ = (Xx + Ss) - h(Cc + Bb)
ca một chính nước ta
chả còn đâu hơn được
ca hai là quốc gia
cũng cùng trong khu vực
xê xế vùng nam cực
tức cười cái nước í
cả lò chui một Quần
Đảo lớn nhất thế giới
xứ vạn Đảo[7] lẫy lừng
nếu chỉ tính về Đảo
tạm cho qua chuyện Quần
quốc gia Quần Đảo ấy
là muỗi thôi so với
ba xứ băng cực bắc
dẫu thế nhưng mà chẳng
xét là ca đặc biệt
với quốc gia vô địch[8]
lão gia càng vô tư
nhà báo nhất trí chăng
vì ta đâu thèm lụy
nâng bi[9] hàn lâm viện
nước chủ giải thưởng bự[10]
ủa mi cười chi dữ
hè hè hổng dzậy sao
mà còn hơn dzậy nữa
phát hiện đây tầm cỡ
hai Nô Beo cộng vào
không liên quan đến bển
biến đi cho biển trong[11]
thôi ngưng chém ngưng giỡn
mần bài vở ngon nào)...
… Hỡi nữ sinh viên năm nhất văn khoa
hồi học phổ thông các môn toán lý thầy cô nào dạy nhỉ
điểm trung bình hẳn không quá tệ
văn hay toán đều mộng tưởng ngang nhau
“Một định luật vật lý cần đẹp về mặt toán học”[12] cháu ơi
có vật lý gia tầm toàn cầu suốt thế kỷ qua phán vậy
nữ ký giả 4.0 liếc thấy đẹp ngay và luôn là thi sĩ kiêm nghiên cứu gia già yên tâm
cái Đúng phải là cái Đẹp
nếu biểu diễn toán học ta vừa nêu chưa đẹp mà lại bị đèm đẹp
thì chưa ổn rồi hỡi ơi hai chữ Quần Đảo trông thế thôi đâu dễ tìm ra quy luật đã thuận thiên lại còn hợp nhân rõ khổ cái thân Đất Nước tôi
Đó
Định luật Quần Đảo
kết quả bao khổ não lão gia mầy mò tuổi hưu lui góc vườn ông cha để lại khi tay mần thơ xuống xề vài chục niên rồi
hên sao Phật độ tổ hộ
tư duy khoa học tự nhiên bỗng nhiên biện chứng thăng hoa
đặng cùng nhóm bạn đồng chí hướng trẻ già
điều chỉnh cái nhìn chuẩn hơn sơn hà thế thái
nan đề Quần Đảo góc hiểm thiên địa nhân quần
Chốt lại ở quyền tác giả
dễ sinh lắm chuyện phiền hà
ráng giành đất đăng cho đủ
kẻo tổn thương các bạn ta
khà khà khà
chưa nói ra độc giả đã rành như 6 câu vọng cổ
rằng công trình ấy
vâng siêu công trình ấy
là óc pha tim (hay tim pha óc tùy mỗi thành viên)
từ một siêu tập thể tác giả quốc tế ba khu vực hai đại dương
lẽ tất nhiên thôi
thời đại 4.0 với Ai sắp chuyển qua 4.5 với siêu Ai
loài người đâu còn những siêu nhân khổng lồ túi càn khôn ẵm gọn
tỷ như vị danh họa chủ nhân ông của một lô xích xông các sĩ sư gia
oh là là[13] họa sĩ điêu khắc gia kiến trúc sư nhạc sĩ bác sĩ kỹ sư giải phẫu gia toán học gia hoá học gia vật lý gia thiên văn gia văn sĩ thi sĩ nhạc công ca sĩ phát minh sáng chế gia triết học gia
chỉ còn thêm Quần Đảo gia là
trọn vẹn thiên tài toàn năng nhất lịch sử chúng sanh
Đức Thích Ca Mâu Ni cũng nên gọi bằng anh
ông đây sức mọn tài hèn
may mà Bụt cho hưởng sái
mấy vần thơ thời trẻ trai
nên duyên công trình phát kiến
được nhóm tác giả trao quyền
chức Chỉ đạo viên đường hướng
kiêm Phát ngôn nhân
cũng oách…
… [Buồn lắm bật tí mí
cháu tạm off[14] máy đi
khi hành nghề ký giả
nhiều điều nhớ chớ ghi
ta mãi bị mê hoặc
giữa bao nhiêu tạo tác
phủ sóng mọi lãnh vực
bởi Siêu nhân hạng một
nụ cười La Joconde[15]
đa số bá tánh thấy
mơ hồ đầy ma lực
bần tăng lại nhận ra
nghệ thuật mà khoa học
y chang nụ cười ấy
người ta yêu tình đầu
chính là em nhân vật
trong trường ca nhiệm màu
vẹn toàn tài sắc trí
tam tòng tứ đức dư
nòi cách mạng con nhà
bỏ visa du học
tắp lự chiến trường xa
“ái hồng trang và cả
ái võ trang[16] nữa cơ”
buổi đầu thu B3[17]
tay lồng tay lòng mở
nhưng nàng yêu khoa học
hơn thơ và hơn ta
cưới thằng bạn đồng nghiệp
toán thần đồng quốc gia
xí giai lại lùn tịt
(c’est de la merde[18]
ôi cuộc tình tay ba
tổ tam tam chiến địa)
họ thành kỹ trị gia
chính trị gia tầm top
hôm nay công trình ra
đề tặng người ôm mộng
bùi ngùi trong xót xa
nàng thơ vô lò đốt[19]
hu hu bá ngọ cái
trò covid kit test
vỡ tim sau song sắt
em qua đời thu trước
“mình đã thảo chung bài ca Quần Đảo
anh nhớ cho mùa thu ấy chết rồi
chúng mình sẽ chả tương phùng được nữa
mộng trùng lai hổng có ở trên đời
hương thời gian hai bãi Đảo bốc hơi
và nhớ nhé Quần Đảo chờ anh đó[20]”
mẩu giấy vụn lao tù em gửi lén
đến phút này ta chép lại lời thơ
bao năm tháng từ ấy bao ngày giờ
em chỉ một nụ cười La Joconde
(rất cảm phiền bạn trẻ
đã chịu chờ lặng lẽ
nhà thơ mau nước mắt
đang tìm khăn lau mặt)
thế là nhà báo đã biết
nàng thơ Quần Đảo là ai
chết mang theo sống để bụng
on[21] máy ông cháu tiếp tục]...
Riêng với dân mình Quần Đảo
ngôn từ tâm khảm thiêng liêng
mỗi người tự ghi khắc sẽ
ánh lên vầng tự hào riêng
trình diễn đại chúng quảng trường
khi ấy hai từ cần thiết
vừa nâng hoa vừa giương nghiêng
không chỉ Quần cả Đảo nhé
tách ra chưa vẹn nghĩa riêng
và cứ để người trẻ tự ưu tư cảm nhận
mỗi người dân lứa 4.0 rồi 5.0 sẽ dành một tình yêu Quần Đảo bản thân
Thôi thôi thôi quá say sưa
vô tư cùng lớp trẻ vừa lớn lên
nhạy cảm lắm xì tốp liền
nèo thêm câu chót kẻo phiền cháu ông
(Điệp khúc)
… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần cướp đảo?[22]…
Quần Đảo cái mảng miếng địa-chính trị vô cùng nhạy cảm khắp châu thân địa cầu chớ đâu riêng hình hài chữ S đính hai chuỗi quần vàng đảo ngọc khổ chứ nhục lắm vừa đau đớn vừa chua xót nhưng thương lắm”[23]
chữ Quần Đảo trời cao biển rộng
nỗi đoạn trường còn sống còn đau[24]
trường ca gióng tới đời sau
hai miền Đảo mất ngang đầu trắng tang
*
Đây
toàn bài
khúc trường ca
vào khuôn thi chọn quốc gia văn tài
nào cùng ngâm ngợi ngẫm soi
… QUẦN ĐẢO
Khi ta lớn lên trên đất liền Quần Đảo đã có rồi
Quần Đảo có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” cha đi bể mẹ thường hay kể
Quần Đảo bắt đầu với miếng tép bể bây giờ bà ăn
Quần Đảo lớn lên khi dân mình biết làm ghe thuyền mà đánh hải tặc
tóc mẹ thì bới sau đầu
cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
cái chèo cái buồm thành tên
con cá phải một sóng hai gió đánh bắt ướp phơi
Quần Đảo có từ ngày đó
Quần là nơi anh đến sa trường
Đảo là nơi em ngóng
Quần Đảo là nơi ta hò hẹn
Quần Đảo là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Quần là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Đảo là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”[25]
Thời gian trùng dương đằng đẵng
Không gian sóng bão mênh mông
Quần Đảo là nơi dân mình bám trụ[26] để Đất Nước đoàn tụ
Quần là nơi Chim về
Đảo là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
100 người con…
[Trữ tình ngoại đề
Chuyện riêng tư tình cảm dẫn đến hình thành quốc gia khởi thủy
hai cụ thủy tổ ăn ở mí nhau lâu mà chả hợp tẹo nào
thời đó đã có tổ hòa giải dân phố đâu
bèn tự nhất trí khỏi cần biểu quyết
chia 50 con theo mẹ lên non
làm gì ra sao trường-ca-ca đang lu bu không đủ thời gian bàn thảo
50 con theo cha xuống bể
gây dựng duy trì bảo vệ cương vực hải đảo đại dương
số con cái này hẳn sức dài vai rộng thông lẹ kiên cường
hậu sinh hòa hợp hòa giải Binh chủng đặc công nước và Lực lượng người nhái cũng chỉ xách phao bơi theo mệt nghỉ
Phật độ lãnh hải cơ ngơi mọi sự khá chuẩn và ổn
suốt mấy ngàn năm ngót trăm triều đại hậu vua Hùng
phỉ phui xui là mới gần đây thôi từ nửa sau thế kỷ trước thiên hạ tranh chấp mấy cái bãi rạn đá chìm phân chim còn thúi hoắc hóa thành mỏ vàng hơi
những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
dầu là máu thắp trên thềm lục địa[27]
chuyện này cũng chả lạ gì
máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê[28]
yêu Quần thương Đảo nỗi chi
rách việc hơn cả là sự sinh với cái địa lục khủng mạn bắc xưa xa vốn chửa biết gì về dương với hải về biển với bể[29]
(ngoài một việc phải công nhận là siêu khủng
vạn lý trường thành điểm cuối của đại lục nhô hẳn ra biển[30])
nhắc lại thêm phát uất
thôi trường-ca-ca tiếp
khúc lãng mạn phồn sinh]
… những ai đã khuất
những ai đang còn
yêu nhau và sinh con đẻ cái
gánh vác phần người đi trước để lại
dặn dò con cháu chuyện mai sau…
[úi chao úi chao
nhân bảo thần bảo[31]
chả còn chuyện nào
hơn là mất Đảo
ai gọi cứu Đảo
có ngay có ngay[32]
hét vang cả nước
bằng chú thích đây[33]
sếp lớn tuy chưa cực lớn
xác quyết công khai tây ta chứng kiến
giữa diễn đàn chính sự chính tông
báo mạng đăng tải cũng có vóc có tầm
bàn dân thiên hạ nhào vô còm[34] tưng bừng hoa lá
nói ngoa tí y chang hội nghị siêu mini diên hồng
cũng oách]
hằng năm ăn đâu làm đâu
cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Đảo
(19 tháng 1
14 tháng 3
dương lịch hai ngày
hai miền Đảo mất)
trong anh và em hôm nay
đều có một phần Quần Đảo
khi hai đứa cầm tay
Quần Đảo trong chúng mình hài hoà nồng thắm
khi chúng ta cầm tay mọi người
Quần Đảo vẹn tròn to lớn
mai này con ta lớn khôn
con sẽ mang Quần Đảo đi xa
đến những tháng ngày mơ mộng
em ơi em Quần Đảo là máu xương của mình
phải biết bảo vệ[35]
không thể san sẻ cho kẻ cướp
phải biết hoá thân cho dáng hình Đất Nước
làm nên Quần Đảo muôn đời[36]...
(Còn tiếp)
Hà Nội & Sài Gòn (Phác thảo 19/1)
Vancouver (Chấp bút 14/3 - Hoàn thành 28/8 - Tu chỉnh 21/12/2024)
[1] Và, xin trân trọng cảm tạ 284 tác giả của những tác phẩm, lời trích… mà trường ca thời sự này mạn phép “liên văn bản”, cũng như chân thành cáo lỗi các đồng tác giả đó về những gì chưa phải ngoài thiện ý của người viết.
[3] Thơ Thanh Thảo, Tlđd.
[5] Quần đảo là một dãy, chuỗi hoặc một nhóm đảo nằm gần nhau. Điều 46 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển định nghĩa: ""Quần đảo" là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử." (vi.wikipedia.org 19/1/2024).
[10] “Nobel văn chương 2024 gọi tên tác giả quen thuộc với người Việt: Han Kang của Hàn Quốc”, tuoitre.vn 10/10/2024.
[11] Theo “Biến đi cho nước trong" (Thành ngữ hiện đại).
[12] Paul Dirac, nhà vật lý lý thuyết người Anh (1902 - 1984).
[13] Thán từ thể hiện sự ngạc nhiên (Tiếng Pháp).
[16] Theo “Bất ái hồng trang, ái võ trang” (Thơ Mao Trạch Đông).
[17] Mặt trận Tây Nguyên của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời trước 1975 (Khu vực Cao nguyên của Quân khu II Quân lực Việt Nam Cộng hòa).
[18] Rõ là khốn nạn! (Tiếng Pháp).
[19] “Chiến dịch đốt lò”, vi.wikipedia.org, Tlđd.
[22] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).
[23] Theo Nguyễn Huy Thiệp (Truyện ngắn Không Có Vua); và Huy Đức (Mồi Lửa Và Đống Củi; bbc.com 19/52014): “Sáng 1/1/2014, khi nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Việt Phương, người giúp việc của nhiều nhà lãnh đạo Hà Nội - từng sống và làm việc bên cạnh Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh từ 1949-1969 - nói: Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào Việt Nam mất cảnh giác và chịu lệ thuộc vào Trung Quốc như 'triều đại' ngày nay. Sở dĩ có điều đó là vì chúng ta đã nhiều lúc ứng xử với tư thế một ông em ngoan, ngây thơ tin các ông anh cũng vì tinh thần quốc tế vô sản.”
[24] Theo “Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng / Nỗi đoạn trường còn sống, còn đau / Mấy lời tâm sự trước sau / Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho” (Thơ Ngọc Hân công chúa, bài Ai Tư Vãn).
[25] Câu hò Bình-Trị-Thiên.
[26] “Bám trụ: Bám lại, trụ lại ở một nơi nào đó, thường là nơi khó khăn, nguy hiểm, để thực hiện cho bằng được mục đích hay công việc gì.” (Tự điển tratu.soha.vn).
[27] Thơ Nguyễn Việt Chiến (Bài Tổ Quốc Ở Trường Sa, Tlđd).
[28] Truyện Kiều (Nguyễn Du).
[33] “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17.5.[2016] (“Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa”; Thu Hằng, thanhnien.vn 18/5/2014).
[34] Comment (Bình luận).
[35] “Bảo vệ: Chống lại mọi sự huỷ hoại, xâm phạm để giữ cho được nguyên vẹn; bênh vực bằng lý lẽ để giữ vững ý kiến, quan điểm.” (Tự điển tratu.soha.vn).