Mỗi lần thấy Vĩnh chống nạng gập ghềnh trên con đường làng, tôi lại cảm thấy sắt se lòng, với hình bóng đó qua người thương binh “Vết chân tròn” sau thời chiến của nhạc sĩ Trần Tiến: “Vết chân tròn vẫn đi về, trên con đường cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ, bài hát quê hương…”.
Sau này, tôi thường hay đi lại và gần gũi Vĩnh, để hiểu Vĩnh hơn. Mỗi lần vào nhà Vĩnh, bao giờ cũng thấy Vĩnh ngồi bên song cửa, bơ thờ nhìn ra, để “Mỗi ngày như mọi ngày” (TCS); Mặc dầu ngoài hiên, nắng mai vẫn tỏa sáng lung linh, nhưng sao trong mắt Vĩnh vẫn ẩn chứa cái lạnh lẽo cố hữu. Thi hào Nguyễn Du rất tinh tế để viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vẫn nụ cười hàm tiếu, khoe bộ răng trắng nhỡn và đều tắp, trông rất duyên dáng. Vĩnh ngồi đó như chờ từng ngày qua đi, như đếm bước thời gian để “Nghe những tàn phai” đang dần trôi đi bên cửa sổ.
Có lần mình gợi ý: “sao Vĩnh không tìm một nửa bóng hình kia, để chung chia cho đời bớt quạnh quẽ đi Vĩnh!”. Vĩnh chia sẻ: “Một thân mình mà lo còn chưa xong nữa là, còn lo cho ai đây!!?? Thôi, đời ta khổ chỉ một mình ta là đủ rồi, còn kéo ai vào đời mình để chung khổ mà làm gì???. Thế là từ đó, mình không dám bàn về chuyện này nữa.
Gần đây, mình với Vĩnh đã kết nối Zalo, nói chuyện với nhau hàng giờ thoải mái. Xem ra, Vĩnh rất thích những cuộc trò chuyện này. Vĩnh kể: “Mình mong muốn ráp một chiếc xe máy ba bánh để đi lại cho tiện, chứ cứ đi lễ lạy, phải có người chở phiền hà lắm!”. Thế là Vĩnh nhờ cháu Lâm (Hàn), làm cho chú một chiếc như Lâm. Lâm bảo, chú chạy thử xe con, nếu thích, con để lại cho chú đó. Và ước mơ của Vĩnh đã trở thành sự thật.
Vĩnh có vẻ hào hứng để bày tỏ: “Bữa đầu mình chạy thử lên sân banh, rồi trở về, thấy ổn. Mình chạy thử đi lễ, rồi ra Xã thấy khá an toàn. Sau này, mình thử chạy đường dài ra phố, đây đó vi vu mấy vòng, thấy cũng không sao”. Vĩnh tỏ ra vui mừng và bảo: “suốt mấy chục năm nay, mình sống bức bối như người không có chân. Nhưng nay, có chiếc xe này như nối thêm chân cho đời mình đi lại thoải mái”. Con người là thế đấy! Đôi khi chỉ một chút phương tiện đi lại, nhưng là niềm vui cho cả cuộc đời đấy bạn ạ!!
Tiếc thay!! Chiếc xe máy đó, Vĩnh chỉ mới sử dụng được gần 1 năm thì Vĩnh đã ra đi… Vĩnh ra đi, bỏ lại con đường, bỏ lại lối cũ thân quen… để trở về với một cõi vĩnh hằng, cho nhân gian nhớ thương Vĩnh khôn nguôi. Đời người, đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc hạnh phúc là đủ rồi phải không Vĩnh!!!
Vĩnh sống trầm lặng như mặt nước hồ thu và có đôi chút tự kỷ! Vĩnh không thích đi đây đó, giao lưu với bạn bè. Sống câm nín đời mình trong cái vỏ ốc cô đơn mỗi ngày. Vĩnh sống khá bi quan và đôi chút yếm thế với câu thơ Cao Bá Quát: “Thế sự thăng trầm quân mặc vấn”. Nhưng, những khi nhắc lại chuyện xưa… đôi mắt Vĩnh như thắp sáng lên niềm yêu đời và lạc quan. Ở đó, Vĩnh có cả một vùng trời ước mơ… Những ngày xưa đi học, chạy xe Honda đời 66, tung tăng tung tẩy khắp phố thị đến sân trường. Những buổi đi chơi ở tịnh xá Cốc Lâm Tuyền, đi bơi hồ Bisim vui ơi là vui!! Rồi những buổi hẹn hò đưa đón nhau lạc lối thiên đường… Ở chốn đó, Vĩnh như say sưa ươm nhiều mơ mộng.
Và nay, mọi mơ ước đều sụp đổ dưới chân mình, thì tưởng, Vĩnh chỉ sống thu nhỏ vào ốc đảo đời mình nữa mà thôi. Tôi rất cảm thông với Vĩnh, và mỗi lần tôi đến thăm Vĩnh, Vĩnh hồ hởi thắp sáng trên khuôn mặt như được sống lại quãng đời xa xưa dĩ vãng…
Rồi khi trở về thực tại, Vĩnh tỏ ra chán chường để không thiết tha chi sống. Vĩnh tỏ bày: “Mình bị huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường và muôn vàn bệnh tật, ngày ngày hành hạ mình”. “Sao Vĩnh không đi khám, lấy thuốc uống chữa trị cho lành bệnh, để vậy nó hành cái thân già khổ lụy”. “Mình cũng đã từng đi khám, bệnh viện cho một ôm thuốc, uống hết mấy ngày… Thấy chả được cái nổi gì, rồi vứt luôn cho nó khỏe đời khỏi bị phiền lụy..”. Ở góc độ này, Vĩnh khá chủ quan vào sức khỏe của mình vẫn còn tốt để không tin tưởng vào thuốc men bệnh viện cho. Và cái kết cục này, dường như dự báo trước cho một cái chết...
Lâu rồi không gọi Zalo cho Vĩnh. Gọi mấy cuộc không ai nhấc máy… Sau nghe người nhà bảo: Vĩnh bị đột quỵ, đi cấp cứu bệnh viện vùng. Mình cứ nghĩ, chắc ít bữa rồi về chứ! Ai ngờ, Vĩnh phải chuyển viện xuống Sài Gòn… Và hỡi ơi, đã không còn kịp nữa rồi. Vĩnh đã phải chuyển về trên chiếc xe cứu thương đưa Vĩnh đi. Mình cảm thấy có chút tương phản với bài hát của Phạm Duy: Em hỏi anh, bao giờ trở lại. Anh trả lời mai một anh về trên đôi nạng gỗ… Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, Anh trở về trên chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng… Vĩnh ra đi dũng cảm như một người lính chiến.
Ai cũng bảo Vĩnh ra đi như có sự sắp đặt trước.
Một ngày nọ… Đang không, Vĩnh lái xe máy ra nhà mình, rồi đưa xấp hình gồm mấy anh em Châu Sơn: Bùi Văn Tuyên, Ngọc Minh, Đình Kỳ, Quang Vĩnh, Văn Kính, Văn Lý, Đức Huyên, Tiến Trung, Kim Hương… chụp trước nhà xứ với cha Nguyễn Thanh Tâm năm 1982, chung với NSND Lê Dung, Violin Khắc Huề và nhóm nhạc Hoa Sữa – Nhân chuyến lưu diễn ở rạp Lao Động, Ban Mê. Vài tấm hình đi chơi ở Dalat với ca đoàn Ngọc Huân, gồm: Vĩnh, Huân, Kính, Ngọc Minh… Vĩnh nói: “Mình đưa lại những tấm hình này cho bạn giữ, chứ mình sống cũng chẳng bao lam chi nữa”. “Nói bậy, Vĩnh đang hồng hào khỏe mạnh ấy mà, nói chi chuyện chết”. “Đời người cũng chỉ như gió thoảng mây trôi mà thôi Kính ơi!”.
Rồi Lưu em của Vĩnh cũng nói: Anh Vĩnh ra đi như biết trước… Anh tự lấy ĐT di động chụp hình bán thân, rửa ra, rồi gửi cho gia đình mấy đứa em. Kể cả chuyện trong gia đình, anh đều sắp đặt trước… Giống như anh biết trước, mình sẽ sớm ra đi vậy.
71 năm cho một đời người, nếu như người xưa thì cũng là hàng hiếm rồi đó Vĩnh ạ!!
Vĩnh đã đi qua cõi đời dâu bể này như một chuyến lữ hành định mệnh, để lúc này, anh được về bên Chúa ủi an. Và ở nơi đó, sẽ không còn nỗi đau dày xéo tâm tư Vĩnh nữa.
Chúc Vĩnh ra đi bình an!!
NSND LÊ DUNG VÀ NHÓM CHÂU SƠN