Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.984 tác phẩm
2.764 tác giả
388
124.406.634
 
Vĩ Thanh nửa đời cầm bút
Nguyễn Chính

     

 

Đôi câu giáo đầu : Vâng !xin được có vài ba câu gọi là “giáo đầu” kiểu phường Chèo, phường Tuồng, rằng : Bớ làng xóm ! Bớ bà con, cô bác ! vô danh, tiểu tốt như tôi mà không xưng danh, thì nói như lão Biền làng Ốc “ người ta biết chú mày là thằng đ… nào”. Tôi liền thưa với lão “ nói theo kiểu ngày xưa thì em thuộc giai cấp công, nông. Còn tầng lớp Trí, Phú, Địa, Hào (tức là trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào) thì đã bị đào tận gốc, bốc tận rễ, chết nhăn rằng từ tám hoánh rồi. Tưởng “xưng” như vậy là yên, ai dè vừa nghe xong, lão Biền làng Ốc đã cười nửa miệng, bĩu môi, dài giọng : “ Lói thế mà cũng đòi lói, rõ nà khéo lịnh (lão nói ngọng), không mở to con mắt ra mà thấy chúng ló đang nhe cả mồm răng toàn vàng nà vàng, cười hềnh hệch kia à ? Cầm bút như chú mày thế, thì  rõ nà thằng mù, thằng mù …”. Vậy là vừa mới “giáo đầu”, tôi đã bị một lão nông quê mình hắt cho gáo nước vào mặt rồi. Chưa hết, lão Biền làng Ốc còn đe nẹt thẳng thừng, rằng : Thằng cầm bút mà hèn, chỉ minh họa, bợ đỡ, sun xoe đã đủ nhục rồi, còn viết “náo” “lữa”, thì  cũng sẽ có ngày đám dân đen, dân oan chúng ông vả cho vỡ mỏ, không còn cái mà nhai cứt…”.  Vâng ! Xin trăm lạy, ngàn lạy  NHÂN DÂN . Xin trăm lạy, ngàn lạy Cụ Đồ Chiểu. Thuyền tôi cũng cứ cho là “khẳm” đạo. Nhưng cập bến rồi nhìn lại, mới giật mình không biết đó là cái thứ đạo quái quỷ gì ? Vậy là, “trăm lạy,  ngàn lạy…” mới chính là đôi câu giáo đầu cho phần vĩ thanh của nửa đời tôi cầm bút.

            Thưa bạn đọc !    

            Tôi  được cha mẹ sinh ra vào năm Tân Mão (1951) tại  một thị trấn  nghèo thuộc vùng trung du Bắc bộ. Vùng quê tôi có cây sơn cho nhựa rất quý, đến nay vẫn còn là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.  Hồi nhỏ nghe bà tôi kể rằng, ngày xưa các cụ nhà tôi  chuyên nghề  mua sơn  bán cho người Pháp. Khi  người Nhật vào thay thế  người  Pháp, các cụ  lại quay sang bán sơn cho người Nhật. Tuy chỉ là thương gia tỉnh lẻ, cách Hà Nội  ngót trăm cây số, nhưng các cụ nhà tôi  cũng giàu lắm. Tòa ngang, dãy dọc chẳng kém gì dinh quan phủ.  Vào mùa gom sơn, người ăn, kẻ ở trong nhà lúc nào cũng có  đến mấy chục. Cứ đến dịp tết ta, tức tết âm lịch cổ truyền, từ giữa tháng Chạp, cả nhà  đã  bận rộn  chuẩn bị  để ngày đầu năm mới, đón  các lái buôn người Pháp, rồi sau là người Nhật, từ Hà Nội lên chúc tết. Họ đi bằng ô-tô con, có cả  lính tháp tùng. Pháo chào mừng nổ ran, lâu cả giờ đồng hồ …

 

            Vậy mà càng lớn lên, tôi càng nhận ra là nhà tôi rất nghèo. Dinh thự của các cụ xưa, chỉ còn là những nền gạch đổ nát. Bố tôi bảo, tất cả đã bị  “tiêu thổ kháng chiến” vào những năm 1947 – 1948 rồi. Nhà tôi nghèo đến mức, bà tôi lúc ấy đã già mà hàng ngày vẫn phải đi dọc lá chuối,  mang ra chợ bán cho người ta gói bánh. Đêm sương muối rét thấu xương, bố tôi  nước mắt ràn rụa, lấy thêm bao tải rách đắp ấm cho bà. Hình ảnh ấy, đã cứa trong tôi buốt nhói suốt những năm tháng tuổi thơ và vẫn còn đau đáu đến tận bây giờ. Suốt những tháng ngày gian nan, nghèo khó ấy, nhiều năm tết đến, không có quần áo mới, tôi chỉ ngồi thu lu trong bếp…

 

            Từ nhỏ tôi đã bị người lớn thường xuyên đánh đòn vì bướng bỉnh, hay cãi. Và, cái sự bướng bỉnh, hay cãi hình như đã ngấm trong tôi.  Có lẽ vì vậy mà trong  suốt hành trình cuộc đời sau này, nó đã  mang đến cho tôi không ít  khốn khổ . Nay đã ngấp nghé bát tuần, mà cái “sự hay cãi” ấy tôi vẫn  không tài nào bỏ được. Thủa học trò, tôi thuộc rất nhiều thơ Tố  Hữu.  Không biết có phải vì  địa danh Hưng Hóa, thị trấn quê tôi đã được ông nhắc đến trong bài  Ta đi tới :

Ai qua Phú Thọ, ai xuôi Trung Hà

              Ai về Hưng Hóa, ai xuống khu Ba …

            Hồi đó, cũng như  bao bạn học cùng trang lứa khác, tôi rất hồn nhiên khi thuộc lòng những câu như :

                 “ Ta đi giữa ban ngày

                    Trên đường cái ung dung ta bước

                    Đường ta rộng thênh thang tám thước”

                  Rồi  : “ Đường ta đó tự do cuồn cuộn…”

            Nhưng sau này tôi lại thấy phân vân. Vẫn biết, hình tượng  con đường mà Nhà thơ nói, chính là con đường đi tới của Dân tộc. Song không thể “thênh thang” trong cái thước đo định lượng, mà không biết  có phải vô tình không, ông đã đặt trong cái số đo, với nghĩa đen là “tám thước” ?  Tuy nhiên, đó lại là quan niệm thuộc về nhận thức, của một Nhà thơ lớn của cách mạng, nên tôi nghĩ cần tôn trọng. Nhưng, với “ Đường ta đó tự do cuồn cuộn”, thì  tôi thấy thật sự không ổn rồi. Không biết  “tự do cuồn cuộn” là tự do kiểu gì  ? Tự do – nỗi khát khao  mà nhân loại ở  mọi thời đại, từ mông muội đến văn minh  đều phải đổi bằng máu. Cũng không biết là tính từ, trạng từ, hay động từ ? Nếu là tính từ,  thì hai chữ  “cuồn cuộn” trong câu thơ  này rất tối nghĩa. Còn nếu là động từ  thì …  tôi rùng mình khi thấy trước mặt mình, mọi thứ đều bị  cuốn trôi đi theo cái dòng chảy cuồn cuộn, quyết liệt, không chút thương tiếc và vô cảm của một con đường …  

 

            Cũng như vậy, tôi không thể đồng tình với ý kiến cho rằng, bài thơ viết về hòn đá của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài thơ hay. Thậm chí  còn là một tuyệt tác của Bác. Trong bài thơ này, người đọc chỉ thấy Bác xếp các câu (văn nói) theo một  logíc, sao cho dễ hiểu, dễ nhớ , với dụng ý làm toát lên sức mạnh của việc đoàn kết, đồng tâm, cộng lực nhằm hướng đến một hành động chung là “ thấy Tây cứ chém phứa, thấy Nhật cứ chặt nhào…” . Thậm chí, các động từ “chém phứa”, “ chặt nhào”  là ngôn ngữ rất  dân dã, được tác giả sử dụng một cách có chủ ý, theo tôi tuyệt đối không thể là ngôn ngữ  thơ được.

            Vốn tính hay “cãi”, tôi mang những trăn trở kiểu như trên trao đổi  ở chỗ này, chỗ kia, với người này, người khác (trong đó có cả những nhà lý luận rất đáng kính), nhưng hầu như nhận được rất ít sự đồng tình. Đa số là họ im lặng…

            Trong nghề làm báo, tôi có hai người Thầy mà tôi không được học ngày nào và cũng mãi sau này tôi mới được gặp. Chưa được học ngày nào, nhưng “nhất tự vi sư” tôi lại được đọc và học được rất nhiều điều chí lý, bổ ích, thiết thực cho công việc làm báo trong những tác phẩm báo chí của các ông. Đó là Thầy Nguyễn Khác Viện và Thầy Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân.

Cuối năm 1988, tôi có dịp ra Hà Nội khi vừa đọc xong cuốn “ Bi kịch của người khai phá” của Thầy Nguyễn Khắc Viện. Tôi liền nhờ Nguyễn Hùng Vỹ, một người bạn, lúc đó đang dạy ở Khoa Ngữ văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tìm đến nhà riêng kính thăm ông.  Nhà ông lúc đó ở trong một con hẻm, phải hỏi thăm lòng vòng mãi. Khi chúng tôi đến, một cô gái chắc là con của ông mời chúng tôi vào nhà. Tôi nói, chúng tôi ở Nha Trang ra, xin được gặp bác Nguyễn Khắc Viện. Cô gái  bảo “ ba em đang ăn cơm, mời các anh ngồi chơi chờ một chút ”. Lúc đó khoảng gần 6 giờ tối. Căn nhà ông ở là nhà cấp 4, đã cũ, phòng khách cũng rất đơn sơ, với bộ sa lông thẻ bình dân. Lát sau, Thầy Nguyễn Khắc Viện bước ra. Ông mảnh khảnh trong bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh đậm, nét mặt hiền từ, hơi mệt, nước da còn tái sau giải phẫu phổi. Chúng tôi cùng đứng dậy chào ông. Ông bắt tay mời chúng tôi ngồi, sau khi hỏi thăm công việc của từng người, ông ôn tồn bảo : “ Tôi có thể giúp gì được cho các anh đây”. Tôi liền thưa : “ Dạ, chúng cháu vừa  được đọc cuốn sách mới đây của bác “Bi kịch của người khái phá”. Chúng cháu chưa hiểu, nước mình bây giờ mở cửa chơi với phương Tây, buôn bán với Mỹ,Pháp … Trong sách, bác lại khuyên là nên làm ăn với Liên Xô và các nước Đông Âu trước đã. Sao mình không đi thẳng từ A đến C, mà  còn phải qua B làm gì nữa ? ”. Ông chậm rãi trả lời  : “ Dù sao, cũng cần phải có thời gian làm quen. Nước mình bước ra cơ chế thị trường, lơ ngơ chẳng khác gì người nông dân lần đầu ra chợ Bến Thành, không cẩn thận lại bị nó lừa cho. Các anh ở Nha Trang  biết rồi đấy, vụ bán sắn lát của Phú Khánh đã là một bài học”. Tôi lại hỏi : “ Thưa bác, theo cháu HTX nông nghiệp là một mô hình cực kỳ phản động, bác thấy thế nào ạ ?”. Ông bảo : “ Sau hòa bình, có dịp về  thăm quê ở Nghệ An, tôi thấy mâu thuẫn giữa những người nông dân trên đồng ruộng , là vấn đề tranh chấp nước tưới. Từ những năm 1956, tôi đã nhiều lần góp ý với Chính phủ, tập quán làm ăn đi sớm về muộn, thức khuya, dậy sớm của nông dân đã có từ ngàn đời rồi, chỉ nên dừng lại ở tổ vần công, đổi công thôi. Nhưng không ai nghe. HTX càng to càng lớn thì càng nghèo, vì lãn công ghê gớm lắm…”. Chúng tôi hỏi tiếp : “ Thưa bác, với  hiện tình đất nước hiện nay, bác thấy thế nào ạ ?”.  Sau giây lát trầm ngâm, ông không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà chỉ nói rằng : “ Vừa rồi, anh Nguyễn Đức Tâm (lúc đó ông Tâm đang giữ chức Ủy viên Bộ chính trị) có đến thăm và hỏi tôi là, anh Viện ơi anh quen biết nhiều với giới trí thức văn nghệ sỹ, anh thấy họ nghĩ về chúng tôi thế nào. Tôi đã trả lời rằng, nói chung là họ buồn”. Ông chỉ nói vậy rồi mệt mỏi nhấp một hớp nước. Chúng tôi cũng lặng im. Sau vài phút, ông bỗng nhìn thẳng vào chúng tôi, hỏi : “ Các anh  đã học sử, có biết nước mình đã trải qua mấy ngàn năm không ?”. Không đợi chúng tôi trả lời, ông nói tiếp : “ Chưa lấy gì để xác định là bốn nghìn năm, hay bao nhiêu nghìn năm cả. Nhưng trong hàng ngàn năm ấy, nhân dân ta có rất nhiều truyền thống, như yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, hiếu học, lá lành đùm lá rách v.v… Nhưng có một truyền thống cực kỳ  quý giá mà từ trước đến nay mình lại chưa  bao giờ có, đó là truyền thống dân chủ. Cho nên tôi nghĩ bây giờ từ Tổng Bí thư đến người dân thường, phải học làm dân chủ, tập làm dân chủ. Phải bắt đầu học từ lúc còn  ẵm ngửa, như cha mẹ các anh tập lẫy, tập bò, tập cày, tập bừa cho các anh ấy…”.  Ông phấn chấn, nói một hơi dài, ánh  mắt ông lúc ấy thật hoạt bát, trẻ trung. Thấy ngồi đã lâu, sợ ông mệt, chúng tôi xin phép chào ông. Tiễn chúng tôi ra cổng, ông ân cần bắt tay từng người, rồi khép cánh cổng quay vào. Nhưng mới quay vào  được mấy bước, chúng tôi đã nghe tiếng ông gọi quay lại. Ông chỉ vào chúng tôi : “ Này ! các anh còn trẻ. Các anh là nhà báo. Các anh phải lan tỏa kiến thức dân chủ trong dân mình. Phải nhớ  rằng, không có dân chủ là không có gì cả đâu nhé …”.   Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp bậc Thầy của mình. Nhưng những bài viết của ông, cả lưu hành chính thức trên sách báo và  những bản photo tôi đều tìm đọc. Mấy chục phút được gặp ông, được trực tiếp nghe ông dạy bảo, đã để lại trong tôi ấn tượng  rất sâu sắc.  Và, tôi đã thực hiện đúng điều ông dạy. Dù ở đâu, đến đâu, làm gì, tôi cũng tìm cách chuyển tải  đến các đồng nghiệp, đến những cán bộ có tâm huyết và những người dân,  tư duy và phát hiện mới mẻ, táo bạo “ nước mình từ trước đến nay chưa bao  có truyền thống dân chủ và phải tập làm dân chủ, học làm dân chủ” của Thầy Nguyễn Khắc Viện, từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

            Tháng 3-1991, tôi từ Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh nhận công tác ở báo Đại Đoàn kết. Lúc này, để mở lối thoát cho khâu phát hành, nên “Bộ Tư lệnh” của báo Đại Đoàn kết đưa tổng hành dinh vào đây. Làm việc với Tổng biên tập xong, vì còn lạ chưa biết ai, nên tôi  ra phòng thư ký ngồi chơi làm quen với mọi người. Một người đàn ông  khoảng gần 60 tuổi thấp, đậm bước vào. Tôi đứng dậy chào, nhưng ông  không nói gì , chỉ gật đầu, chọn mấy tờ báo mới để trên bàn rồi đi nhanh sang phòng bên. Lát sau, ông Tổng biên tập ra  thấy trên bàn chỉ còn tờ Nhân Dân, liền nói “ Tờ Phụ Nữ và Tiền Phong vừa thấy còn đây…  Lại cụ Thái Duy nhanh tay rồi …”. Thì ra, ông già lúc nãy là Thái Duy. Tôi liền sang gặp ông ngay. Lần đầu tiên tôi được gặp tác giả “Sống như anh” rất bất ngờ như vậy. Sau này vì cùng cơ quan, nên quan hệ tình cảm giữa  tôi  và ông thực sự là tình cảm thầy, trò. Mỗi lần được gặp ông ở Nha Trang, hay ở Hà Nội, tôi đều nhận được từ  ông những điều mới mẻ về thời cuộc và nhất là về nhân tình thế thái. Hồi năm 1993 vào Nha Trang, ông bảo tôi “ Tao muốn đi viếng mộ cụ Yersin trước, rồi mới  đi tìm hiểu ngành mía đường của “thằng” Khánh Hòa”. Tôi mượn xe ôtô của Tỉnh ủy  Khánh Hòa đưa ông  vào viếng mộ  và đền thờ Yersin ở Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 Km. Ông bảo tôi “ Mày biết không, ông Tây này là ông Thánh đấy”.  Còn nhớ lúc ấy cả nước đang bừng bừng khí thế thực hiện chương trình mía đường quốc gia, với con số mục tiêu cả triệu tấn. Sau khi tìm hiểu thực tế, gặp mấy người có tránh nhiệm xong, ông rỉ tai tôi “ Cũng như bia thôi, vứt ! thằng Khánh Hòa rồi sẽ bị nặng nhất ”.  Cũng những năm ấy, người ta thường hay dùng hai từ cất cánh, để chỉ  sự bật dậy của nền kinh tế  quốc dân.  Ông bảo tôi “ mày thấy không, mới kéo được máy bay ra đường băng thôi. Tư duy này, cơ chế này, thì cất cánh  thế đéo nào được”. Đầu năm 1996,  sau khi  viết xong phóng sự “ Hồ cá Trí Nguyên mồ hôi, nụ cười và … nước mắt”, tôi gửi ngay về tỏa soạn. Chờ mãi không thấy báo đăng, sau đó tôi nhận được thư của anh Bùi Thượng Toàn, phó Tổng biên tập.

                            Hà Nội ngày 25/6/1996

                                  Kính gửi bác Chính

 

            Anh Thạch (Tổng Biên tập) đã đọc bài về hồ cá Trí Nguyên . Anh ấy rất khen bài viết này, nhất là cái tâm của tác giả và tay nghề điêu luyện. Có điều là tương phản rõ nét quá về cách cư xử của hai chế độ, không cẩn thận sẽ “gậy ông đập lưng ông”, mà đây lại là cái mà tác giả “cài” rất công phu. Bác nên dằn lòng mà xét lại thủ thuật này, không phải báo ta, mà báo nào đăng vào dịp này đều không lợi. Nay tôi gửi lại bài báo này, với sự cảm phục ý chí đấu tranh cho công bằng xã hội của bác. Bác nên suy nghĩ làm sao để bài này ra mắt được bạn đọc, mà theo tôi nên “giảm tông” xuống độ vừa phải, hoặc phải khéo léo hơn …”.                                                        

            Mấy tháng sau, có dịp ra Hà Nội, tôi đưa bản thảo phóng sự này cho thầy Thái Duy. Đọc xong, ngẫm nghĩ một lát, ông bảo : “ Mày cố gắng đăng cho được cái này. Đăng xong, nó cho mày nghỉ luôn cũng được”. Quả nhiên, phóng sự này sau khi đăng nhiều kỳ trên tờ Nhà báo & Công luận, tuy không phải nghỉ việc, nhưng tôi cũng phải căng gân chống chọi với bao cuộc phản pháo, từ phía chính quyền địa phương.

Với thầy Thái Duy, tôi đã thấm sâu và thuộc nằm lòng lời dạy của ông rằng : “ Chọn nghề cầm bút, nhưng muốn trở thành  nhà báo, nhà văn thực sự,  các con  còn phải biết tránh xa những cái ghế”. Tôi nhận thức lời dạy chí lý của Thầy là :  Đã chọn nghiệp cầm bút thì đừng xun xoe, nịnh hót, mà phải tránh xa những cái ghế của kẻ có chức quyền, để không trở thành bồi bút. Đồng thời, cũng đừng mon men muốn ngồi vào những cái ghế để làm quan  báo ,quan văn.  

            Đầu năm 1994, tôi được Báo Đại Đoàn kết  cử đi dự lớp bồi dưỡng về bút ký,phóng sự tại Trường Viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà Văn Việt Nam. Lớp học tập trung nhiều cây bút của các tỉnh thành và các báo trong cả nước. Suốt thời gian khóa học ngắn ngủi, tôi không bỏ sót buổi nào, chăm chỉ nghe giảng, chăm chỉ ghi chép. Giờ thảo luận, các học viên ai cũng phát biểu rất sôi nổi về những vấn đề các thầy đưa ra trong bài giảng. Ai cũng thấy thích thú và hấp dẫn với các buổi lên lớp của các nhà văn như : Tô Hoài; Ngô Ngọc Bội; Nhà phê bình văn học – Thầy giáo Nguyễn Đăng Mạnh v.v… Sau khóa học, các học viên đều được nhà trường cấp chứng chỉ.  Với tôi, phải nói là khóa bồi dưỡng rất bổ ích. Ngoài các bài giảng trên lớp của các thầy, tôi còn được làm quen và biết được nhiều điều từ các đồng nghiệp. Chẳng hạn  như việc nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang, người được Cụ Hồ tin tưởng giao trọng trách chỉ huy làm lễ đài trong ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 tại Ba Đình, với một thời gian hoàn thành kỷ lục có mấy chục tiếng đồng hồ. Vậy mà, chiến tranh Việt – Mỹ, một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, được cả thế giới biết đến. Nhưng có một người Việt Nam (có lẽ là duy nhất) không hề biết đến cuộc chiến đáng phỉ nhổ này lại chính là cụ Nguyễn Hữu Đang. Suốt thời gian 15 năm , đã không có thông tin nào về  chiến tranh  lọt đến được một hang đá sâu ở  tận xứ Hà Giang, nơi Cụ Nguyễn Hữu Đang bị cầm tù. Và, nhiều năm sau khi ra tù, Cụ Nguyễn Hữu Đang đã phải sống vô cùng khốn khổ trong một túp lều ở một vùng quê, mà nhà văn Phùng Quán đã  thuật lại rất sinh động, trong một lần đạp xe tìm về thăm Cụ. Những thông tin này phải đợi  gần 10 năm sau (2004) khi Nhà văn Phùng Quán in tập “Ba phút sự thật” mới được nhiều người biết đến. Nghe đâu cuối đời, Cụ Nguyễn Hữu Đang lại được về sống và thành người thiên cổ ở đất Hà thành. Âu đó cũng là trời còn có mắt.

            Tại khóa học này, một trong những bài giảng  gây ấn tượng mạnh, rất hấp dẫn đối với tôi, là bài giảng của Giáo sư  Hoàng Phong. Ông lên lớp trong gần một ngày. Đó là quan điểm về hệ giá trị của một dân tộc, của một đất nước, mà kể từ khi lĩnh hội được  đến nay, suốt mấy chục năm qua, tôi đã trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, kể cả các giáo sư, tiến sỹ đã dạy tôi ở Trường Đại học Nông nghiệp I  Hà Nội, khi tôi có dịp về thăm. Bài giảng của Giáo sư Hoàng Phong, có đại ý tóm tắt như sau : Trong  suốt quá trình hàng ngàn năm đấu tranh để tồn tại và phát triển, mỗi dân tộc đều tạo nên cho mình một hệ giá trị bao gồm : Nền văn hóa; truyền thống; lòng nhân ái; tập quán v.v… Hệ giá trị này chính là cơ cấu di truyền bên trong, là “bộ gen”  của một dân tộc. Dân tộc này, có những đặc điểm khác các dân tộc khác, là bởi hệ giá trị này. Cũng ví như người này, khác người kia  vì có  “bộ gen” di truyền khác nhau. Hệ giá trị Việt Nam là kết tinh  hình thành  từ  nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tất nhiên, có  chịu ảnh hưởng, có sự giao thoa với các nền văn hóa  khác. Nhưng, mọi sự ảnh hưởng, mọi sự giao thoa ở những mức độ, thời điểm  và điều kiện hoàn cảnh khác nhau, cũng chỉ tác động nhiều ít đến bên ngoài (Phenotit), chứ rất khó tác động đến hệ giá trị, tức cơ cấu di truyền  bên trong (genotit) v.v…  Từ quan điểm này, trong giờ thảo luận lúc đó và trong những cuộc trà dư, tửu hậu sau này, tôi đã  nêu câu hỏi, nhưng chỉ nhận được  từ người nghe sự ậm ừ, gật gù, không ai nói lên thành tiếng cả. Câu hỏi của tôi là, Chủ nghĩa  Mác – Lê nin không  thuộc  hệ giá trị Việt Nam. Thực tế đã mấy chục năm rồi đại đa số người Việt Nam hoàn toàn không hiểu nổi Chủ nghĩa Mác – Lê nin. Vậy, Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, hay còn gọi là  chủ nghĩa Cộng sản, có tồn tại được ở Việt Nam không ? Nếu tồn tại được thì dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào ? Và, Cụ Hồ cả đời bôn ba năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước,  vì độc lập, tự do của  Tổ quốc, của dân tộc. Thế giới vinh danh Cụ là Nhà yêu nước, danh nhân văn hóa. Vậy Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào trong Hệ giá trị Việt Nam ? Tất nhiên, từ những năm ấy và cả hiện nay, đó là những vấn đề lớn, nhậy cảm, phải được làm sáng tỏ qua các hội thảo khoa học cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, trên tinh thần công khai, dân chủ, phản biện thật sự khoa học. Phải chăng, vì thế và có thể còn  vì  trăm thứ lý do khác nữa, mà mọi người im lặng ? Còn tôi ? Từ quan điểm về  cơ cấu bên trong của di truyền - Hệ giá trị của một dân tộc, tôi đã lý luận thế này :  Trong Y học, người ta đã tiến hành  ghép bộ phận của cơ thể người này, cho người khác. Cơ may  thành công tùy thuộc vào sự tương thích của tế bào ngoại lai (người hiến) với cơ cấu di truyền bên trong (genotip) của người nhận. Nếu không tương thích sẽ thất bại. Chủ nghĩa Mác – Lê Nin (chủ nghĩa Cộng sản) không nằm trong Hệ giá trị Việt Nam, khó có thể tồn tại  ở Việt Nam như một thực thể khách quan được.  Cũng như vậy, những gì phù hợp với Hệ giá trị  Việt Nam  của Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ  trường tồn cùng dân dộc. Những gì không phù hợp sẽ bị  chính Hệ giá trị Việt nam thải loại. Từ đây, lại phát sinh thêm một vấn đề nữa là, rõ ràng nhờ có Hệ giá trị Việt Nam mà cha, ông ta đã đánh bại bao thứ giặc ngoại xâm,  bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, kể cả việc mở rộng thêm bờ cõi,  không chịu  hèn hạ khuất phục trước kẻ thù, đặc biệt là quyết không để bị đồng hóa, cho dù bị phong kiến phương bắc đô hộ trong một thời gian dài kinh khủng – 1000 năm. Vậy Cách mạng tháng 8 -1945 có phải là công của chủ nghĩa cộng sản không ? Sau khi thận trọng tìm hiểu, đào bới trong sách vở, trong tư liệu v.v… , câu trả lời dứt khoát của tôi là  : KHÔNG !

            Cách mạng Tháng 8, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại nền độc lập, người ta vẫn nói như thế nhân ngày Quốc khánh. Trên thực tế, vào tháng 8 năm 1945, Pháp đã mất Đông Dương, hàng vạn quân lính Pháp đang bị Nhật cầm tù hoặc lẩn trốn truy đuổi nhục nhã  c Và thờ gian  ấy, Nhật cũng đã bại trận, quân tướng mất tinh thần ủ rũ chờ ngày nộp vũ khí cho quân Đồng minh (Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc). Việt Minh trên thực tế cũng tránh đánh Nhật, về danh nghĩa đã  lấy được chính quyền từ tay Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại.
Cái chính quyền Trần Trọng Kim ấy rất ít được nghiên cứu. Được người Nhật dựng lên, việc lớn nhất mà Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đã làm được là thuyết phục người Nhật để thu nạp về danh nghĩa các xứ bảo hộ Bắc Kỳ, An Nam và các thuộc địa Nam Kỳ cũng như những thành phố thuộc địa khác vào cùng một mối, lập quốc hiệu Việt Nam Đế Quốc. Ít nhất, sau 80 năm bị người Pháp đô hộ, quốc hiệu Việt Nam mới trở lại với người Việt Nam. Từ đó ba miền được đổi lại thành Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm đó, ngoài tranh luận về quốc kỳ và quốc ca, chính quyền Trần Trọng Kim cũng tìm cch cổ v nền độc lập và tự trị của người Việt Nam, phá dỡ các biểu tượng của thực dân, ví như đập bỏ tượng Nữ thần tự do ở Cửa Nam, Hà Nội, đổi tên phố phường từ tên Tây sang tên các anh hùng giữ nước của người Việt Nam. Không được phép lập Bộ Quốc Phịng, m chỉ cĩ bảo an binh, Luật sư Phan Anh làm bộ trưởng Bộ Thanh niên, một hàm ý chuẩn bị cho những trường thanh nin tiền tuyến sau ny. Cố gắng khơng chỉ l b nhìn, chính phủ Trần Trọng Kim thnh lập cc tổng hội nhằm kiếm sự hậu thuẫn từ cc giai tầng x hội, Tổng hội vin chức l loại hội như vậy, chỉ có điều thời thế không giúp ông ta, cuộc mít-tinh ra mắt Hội này ở Nhà hát lớn ngày 17/08/1945 đ trở thnh ngy ra mắt của Việt Minh. Ơng Trần Lm tung cờ, hai người đàn bà cướp lấy mi-crô kêu gọi ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, ngày 19/08/1945, Việt Minh đ ginh được chính quyền ở Hà Nội.
Nhân tính không bằng Giời tính, rồi đến ngày Hoàng đế Bảo đại thoái vị, trao lại ấn và kiếm cho ông Trần Huy Liệu đại diện cho phái đoàn Việt Minh, quyền lực trên danh nghĩa đ được trao lại cho Chính phủ liên hợp do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Biểu tượng ấy mới giúp Hồ Chí Minh cĩ quyền lực một cch chính danh.

Như vậy, Cách mạng Tháng 8, về bản chất là một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền trên danh nghĩa từ tay chế độ Bảo Đại-Trần Trọng Kim - một cuộc chuyển giao quyền lực dường như ít đổ máu. Máu lửa chỉ bắt đầu khi thực dân Pháp núp sau những chiếc tàu chiến của người Anh, đương nhiên với sự im lặng của Stalin và Truman, quay lại tái chiếm Việt Nam. Chính nhờ có Hệ giá trị Việt Nam  mà Cụ Hồ cũng như các bậc tiền bối  ngày xưa ( Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền; Lê Lợi, Quang Trung …) đã  cùng cả dân tộc làm nên kỳ tích giành  lại độc lập cho Tổ Quốc.                 

            Đến tận bây giờ  khi đã gần 80 tuổi, tôi vẫn thuộc làu bài hát  từ  thủa còn thiếu nhi. Hồi ấy, bài hát này thường xuyên được đồng ca  trong các buổi sinh hoạt  Đội. Lời bài hát là : Đây Liên Xô vĩ đại, đây Liên Xô phú cường sinh trưởng trong tháng mười. Làm xong cách mạng tràn ngập hết xích xiềng tư bản, phong kiến  v.v… Nên khi Liên Xô vĩ đại, phú cường sụp đổ, các nước trong khối cộng sản Đông Âu  tan rã, tôi rất hay nghĩ vẩn vơ, tự mình thấy  cần phải nhận thức lại nhiều điều. Tỷ dụ như chiến tranh chẳng hạn. Tôi bắt đầu từ  nhận xét rất chí lý của một nhà thơ nổi tiếng ở nước ta “ Mọi cuộc chiến tranh đều không có kẻ thắng, người thua, chỉ có nhân dân là người thất bại”. Nhận xét có tính tổng kết về chiến tranh như vậy là quá giỏi. Nhân dân đã là người thất bại trong chiến tranh Việt – Pháp, rồi chiến tranh Việt – Mỹ, với hàng  chục ngàn nấm mồ vô danh, hàng triệu gia đình ly tán của cả hai phía. Dấu ấn tàn khốc của chiến tranh hằn sâu trên khắp mọi miền tồ quốc, mà hậu quả còn kéo dài  đến hàng chục năm sau. Nhân dân là người thất bại, với những thế hệ trẻ  cũng của cả hai phía, trong đó có biết bao nhiêu  người con ưu tú của đất nước đã chôn vùi tuổi trẻ nơi rừng sâu, hay bỏ xác vô ích trên các bãi chiến trường. Còn không có kẻ thắng, người thua ư ?  Tôi xin được chứng minh bằng thực tiễn. Cuối năm 2004, trong một chuyến công tác với Tổng Công ty X ra Hà Nội. Đến nơi, đã  hơn 9 giờ tối. Ông Tổng giám đốc bảo tôi “Hôm nay mời cậu về ở khách sạn 4 sao, 5 sao cho cậu biết ”. Quả là khách sạn nhiều sao sang quá. Nhân viên khách sạn  phải hướng dẫn tôi  cách sử dụng các thiết bị trong phòng. Vốn tính tò mò, sáng ra tôi leo lên tầng thượng để quan sát. Tòa nhà phía đối diện, ngay bên kia đường đã đập ngay vào mắt tôi. Đó là Tòa Đại sứ của hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phấp phới lá cờ có rất nhiều sao. Không có kẻ thắng người thua ư ? Sau 1975, trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ và chưa khi nào hàng trăm ngàn con dân nước Việt  phải bỏ nước ra đi, thà chấp nhận có thể sẽ làm mồi cho cá giữa đại dương mênh mông, ngàn trùng nguy hiểm. Chiến tranh tàn bạo, vô nghĩa, cực kỳ vô nghĩa,  từng được  đau đớn khắc họa trong nhạc Trịnh Công Sơn. Chiến tranh chính là kẻ thù của nhân loại trong mọi thời đại. Tôi có người bạn vong niên hơn tôi mấy tuổi, là cán bộ quản lý của một công ty thuộc Petrolimex. Trước khi nghỉ hưu, anh được cơ quan cho đi một chuyến du lịch Thái Lan. Khi về, anh kể cho tôi mẩu chuyện nhỏ, với giọng thật buồn, rằng : “hướng dẫn cho đoàn khách của anh là một cô gái nói tiếng Việt rất sõi. Cô gái giải thích là, em đã học ở Việt Nam bảy năm, chỉ cần ở thêm ba năm nữa có lẽ em sẽ thành “sư tử Hà Đông”. Vậy là cô gái này hiểu về Việt Nam rõ lắm. Anh bạn tôi hỏi “ Cô thông thạo Việt Nam quá rồi, cô thấy đất nước tôi thế nào ?”.  Cô gái trả lời : “ Nước Việt Nam đẹp lắm, anh hùng lắm. Việt Nam có Bác Hồ vĩ đại rất được nhân dân  Việt  Nam yêu kính. Vì Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam  tiến hành hai cuộc chiến tranh, đánh bại hai đế quốc to. Cũng như đất nước Thái Lan tươi đẹp của chúng em, nhân dân Thái Lan rất kính yêu nhà vua Thái Lan. Vì Đức vua Thái Lan đã làm cho đất nước Thái Lan tránh được các cuộc chiến tranh…”. Tôi giật mình, khi nghe xong mẩu chuyện nhỏ này. Quả là nhìn lại, thì từ  khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương tới nay, Vương quốc Thái Lan chẳng thèm tuyên bố theo chủ nghĩa gì, đã  uyển chuyển, khôn khéo, để không phải trải qua một cuộc chiến tranh nào, mà vẫn giữ được chủ quyền, giữ được vẹn toàn lãnh thổ.

Xin hãy đừng phủ định quá khứ, hay “lật đổ thần tượng” như cách quy chụp lộng ngôn của một số kẻ cường quyền. Đúng vậy! Nhưng nhận thức lại những giá trị từng một thời ngộ nhận, là việc làm rất cần thiết, tối quan trọng, là phương pháp tư duy biện chứng, hướng thiện. Để muôn đời con cháu chúng ta không mắc lại những sai lầm, ấu trĩ, mù quáng của thế hệ đi trước. Bè lũ Pôn pốt đã thí nghiệm chủ nghĩa Mao-ít trên cơ thể dân tộc họ. Cả nhân loại  bị “sốc” vì  cuộc thí nghiệm quá trắng trợn, quá tàn bạo, mất hết nhân tính  đối với đồng bào của chúng. Còn chúng ta ? Suốt mấy thập kỷ qua, với việc du nhập chủ nghĩa Mác – Lê Nin (chủ nghĩa Cộng sản), chúng ta đã làm gì với nhân dân mình ? Nhân thể, tôi xin nhắc lại một chuyện. Cuối năm 1991, tôi  đã tham gia một lớp học ngắn ngày dành cho các phóng viên và cán bộ tuyên giáo địa phương, do giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc từ Hà Nội vào giảng. Khi giảng đến công thức nổi tiếng của Mác, về quá trình bóc lột giá trị thặng dư của Chủ nghĩa Tư bản, vị “thầy đồ” của Trường Đảng cao cấp vẫn đưa ra những lập luận cũ, câu chữ cũ, mà tôi đã từng học ở đại học. Cuối giờ, ông ta hỏi cả lớp “ có đồng chí nào có ý kiến và hỏi gì không ?”. Tôi thấy nóng gáy, giơ tay. Lẽ ra chỉ cần đứng tại chỗ, nhưng tôi đã  đi thẳng lên bục giảng, nhón lấy viên phấn, viết  lại công thức  C + V + m của  Mác lên bảng. Và, tôi đã nói lưu loát dõng dạc : “ các đại lượng C ; V; và  m biểu thị cho cái gì thì chúng ta đều biết rồi. Nhưng, thưa các đồng chí, nếu có Mác ngồi đây tôi cũng xin được mạn phép hỏi Cụ rằng, thế đại lượng chỉ chất sám quản lý của nhà tư bản đâu ? Cha ông ta từng có câu “ một người lo bằng một kho người làm”, để khẳng định giá trị tối quan trọng, có tính quyết định của người quản lý. Rõ ràng, Mác vĩ đại  quên mất  yếu tố  hàng đầu, có tính quyết định,  là chất sám  quản lý của nhà tư bản. Vậy là, công thức này đã sai, rất sai, quá sai…”.  Vừa nói, tôi vừa lấy phấn gạch chéo  liên tiếp nhiều nhát vào công thức trên bảng, rồi ném mạnh viên phấn ra cửa, bước xuống. Cả lớp học lặng ngắt. Ông “thầy đồ” của Trường Đảng cao cấp cũng không nói gì thêm,  tái mặt nhìn đồng hồ …

  Trong chương trình còn có mấy tiết về “ Bài học sụp đổ của Liên Xô … ”. Giờ thảo luận rất sôi nổi. Người nói dài, người nói ngắn, nhưng tựu trung vẫn chỉ là nói lại những gì đã được nghe giảng. Tôi liền giơ tay, vì lại thấy nóng gáy. Lần này, tôi đứng tại chỗ, tóm gọn có mấy câu thế này : “ Về bài học, về nguyên nhân ư ? Xin thưa đồng chí giảng viên cao cấp, thưa cả lớp. Đó là kết quả của 70 năm làm láo, nói láo, báo cáo láo”. Tôi ngồi xuống trong tiếng vô tay ầm ầm, tán thưởng …      

            Lớp bồi dưỡng viết ký, phóng sự sắp kết thúc. Báo Nhân dân tổ chức buổi giao lưu với các học viên tại tòa soạn 71  Hàng Trống, Hà Nội. Cả hội trường rất vui vẻ. Có quýt, có bia hơi giải khát. Tổng Biên tập, nhà báo Hữu Thọ nhanh nhẹn từ ngoài bước vào, đến thẳng micro. Ông nói : “ Chiều nay, Quốc hội vẫn làm việc, nhưng thảo luận ở tổ, tôi tranh thủ về ngay để lắng nghe các đồng chí góp ý, xây dựng cho tờ báo Đảng.  Nào ! xin mời các đồng chí, mình là người nhà cả, xin cứ  thẳng thắn, tự nhiên”. Cả hội trường im lặng mất mấy phút. Sau đó, là ý kiến phát biểu của mấy nhà báo. Trên bàn chủ  nhà ngồi, tôi thấy Tổng Biên tập Hữu Thọ và Chủ tịch Hội đồng khoa học báo Nhân Dân, Đinh Thế Huynh cùng một số người khác lắng nghe rất chăm chú. Bỗng ông Hữu Thọ gõ gõ vào micro rồi nêu ý kiến thật chân thành : “ Thôi ! tôi có ý thế này. Chúng ta là những người làm báo, nhất là hôm nay báo Nhân Dân lại vui mừng được lắng nghe các đồng nghiệp từ các tỉnh, các địa phương góp ý, xin cứ chỉ ra những cái còn bất cập. Chứ ta ngồi với nhau thế này , rồi tôi khen anh, anh khen tôi thì cũng không vui lắm…”. Tôi ngồi ở hàng ghế dưới cùng, vốn định ngồi im, không ý kiến gì. Nhưng nghe Tổng Biên tập Hữu Thọ nói vậy, lại được mấy đồng nghiệp ngồi cạnh khuyến khích, tôi liền cầm micro xin phát biểu. Sau mấy lời phi lộ xã giao, tôi  thưa với báo Nhân Dân như sau : Trong các năm 1987 – 1989 tôi cũng thường có bài được đăng trên báo Nhân Dân ở trang 3, mục xây dựng Đảng. Hôm nay, đồng chí Tổng biên tập đã yêu cầu cứ nói thẳng, thì tôi cũng xin được nêu hai vấn đề, mà tôi đã cố gắng, thận trọng tìm hiểu, thậm chí còn  làm các trắc nghiệm nhỏ nữa về báo Nhân Dân. Kết quả là, thứ nhất  báo Nhân Dân  chuyên bắt con gà chết (cả hội trường ồ lên). Ông Hữu Thọ gõ gõ vào micro đề nghị mọi người trật tự để tôi nói tiếp. Tôi đưa ra chứng cứ là, hầu như các vụ án lớn, nhỏ xảy ra , chỉ khi các cơ quan tòa án, kiểm sát, công an, thanh tra … đã kết luận rồi, mới thấy báo Nhân Dân đưa tin, viết bài. Vậy là tính phát hiện kém. Đã phát hiện kém thì làm sao dự báo được ? Vì phản ánh chỉ là chức năng thấp nhất của báo chí. Cả hội trường lặng im. Được ông Hữu Thọ khuyến khích, tôi tiếp tục nêu, thứ hai là  nhân dân  không đọc báo Nhân Dân. Tôi vừa dứt lời, hội trường như ong vỡ tổ. Ông Hữu Thọ chưa phản ứng gì, nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học Đinh Thế Huynh đứng phắt dậy, nói  giọng gần như hơi mất bình tĩnh “ Nói thế là không được. Xin hỏi anh Nguyễn Chính, đó là nhân dân nào ? Cũng xin nói để anh Nguyễn Chính và các đồng chí ở đây biết thêm là hiện nay số phát hành lẻ của báo Nhân Dân ở riêng Hà Nội đã là gần 5.000 tờ …”. Vốn trực tính, tôi cắt lời ông Đinh thế Huynh : “ Thưa anh Đinh Thế Huynh, tôi đang nói chưa xong, anh cắt ngang lời tôi  như vậy là không tiện lắm. Chúng ta còn có thể tranh luận, là chủ tịch Hội đồng khoa học  một tờ báo lớn của Đảng, tưởng anh cũng cần nghe ý kiến phản biện chứ”. Ông Đinh Thế Huynh  liền hạ giọng “ vâng xin mời anh Nguyễn Chính tiếp tục”.  Tôi liền nói một hơi “ Anh Đinh Thế Huynh có hỏi, nhân dân nào ? Tôi xin hỏi lại anh là nhân dân nào vậy ? Chẳng lẽ lại  phân ra các loại nhân dân ? Còn với con số 5000 tờ báo phát hành lẻ tại Hà Nội mà anh Đinh Thế Huynh đưa ra, tôi xin nhân lên 10 lần, thậm chí 50 lần, so với mấy triệu dân Thủ đô, theo tôi  đó là con số rất đáng phải suy ngẫm…”. Mải đăng đàn, nhìn lên tôi không thấy ông Hữu Thọ đâu nữa. Có lẽ ông đã  vội sang tham gia thảo luận Quốc hội ở tổ…                        

            Từ nửa cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, TP. Nha Trang thuộc tỉnh Phú Khánh (cũ) đã là một trong những vùng đất phía Nam có các hoạt động văn học, nghệ thuật rất sôi nổi. Cùng với các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt v.v…, tạp chí Cánh Én của  Hội VHNT Phú Khánh và tạp chí Nha Trang , đã đăng tải nhiều tác phẩm được dư luận chú ý. Thậm chí, có những tác phẩm nổi cộm, đặt ra những vấn đề rất bức xúc về nhân tình, thế thái, về thiên chức của người cầm bút v.v… làm nổ ra những  cuộc tranh luận gần như là “bút chiến” trên diễn đàn văn học cả nước. Rất tiếc, không khí  hoạt động văn học, nghệ thuật sôi nổi này mới chỉ vừa  mở ra, đã bị “bật đèn đỏ”. Các Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cánh Én bị “đánh” rất nặng, đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hồi ấy, tôi có một số bài thơ  được đăng ở báo Tuổi trẻ Chủ nhật; tạp chí Nha Trang, tạp chí Cánh Én.  Năm 1988 Nhà thơ Giang Nam đã có mấy lời giới thiệu về thơ của tôi trên tạp chí  Cánh Én như sau : “ Từ một kỹ sư nông nghiệp, làm báo, anh trở thành người làm thơ. Anh đến với thơ trước hết như một nhu cầu giãi bày, tâm sự, đấu tranh cho chân lý, cho niềm tin của mình ( Sự thật cao hơn tất cả; Truyện cổ tích có từ bao giờ … ). Có lẽ chính vì vậy mà thơ anh mang dáng dấp riêng : mạnh mẽ, sôi nổi, bùng nổ… đồng thời cũng còn dấu vết của sự vội vã, thiếu sâu lắng. Trong sự chuyển mình của văn học hiện nay, Nguyễn Chính  đã góp vào một tiếng nói trẻ trung, tự tin đáng quý…”. Cũng trong thời gian này, tôi rất mừng vì được các anh ở Hội VHNT của tỉnh, của TP.Nha Trang cho đi tháp tùng hai nhà thơ nổi tiếng của đất nước mà tôi rất ngưỡng mộ. Đó là tác giả của “Lời mẹ dặn” – Nhà thơ Phùng Quán và tác giả “ Cửa mở” – Nhà thơ, nhà hùng biện Việt Phương. Sau khi được trở lại văn đàn, nhà thơ Phùng Quán đã có chuyến chu du từ Bắc vào Nam. Ông đến Nha Trang vào giữa mùa thu, mùa đẹp nhất của thành phố biển này. Mắt sáng, râu rậm, lưng hơi gù, mũ lá, quần áo nâu, bị cói, hệt như một lão nông là hình ảnh nhà thơ Phùng Quán còn in đậm trong tôi đến tận bây giờ. Tôi cùng mấy anh em khác tháp tùng ông đến chỗ này, chỗ kia, để ông nói chuyện, đọc thơ, theo lời mời. Đến đâu, tác giả “Lời mẹ dặn”  cũng được  nhiệt liệt hoan nghênh. Khi nói chuyện ở hội trường, ông rất ý tứ không “đụng” đến những vấn đề nhạy cảm, nhưng vẫn lồng vào những mẩu chuyện hóm hỉnh, khiến cử tọa rất thích thú. Còn khi ngồi với mấy chúng tôi mỗi sáng  ở quán cà phê cóc, ông thường trầm ngâm, nói những điều tưởng như  để cho vui, mà sâu sắc, đau đáu những hoài niệm. Ông bảo “Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần của nhà văn. Bọn mình được trả lại thân phận nhà văn thì đều đã ngót 60 cả rồi. Tắt “kinh” cả rồi còn đẻ gì được nữa …”. Rồi ông lại kể “ Vừa rồi đến tỉnh Q, có cơ quan nọ cho xe đến đón. Thấy cái xe con  bốn chỗ, mình bảo về lấy xe khác. Tưởng Phùng Quán chê xe cũ, họ cho xe bốn chỗ khác đến, nước sơn còn mới tinh. Mình vẫn không chịu. Anh cán bộ đi đón gãi tai, nói rất từ tốn rằng, thưa bác chiếc này mượn bên tỉnh ủy còn rất mới đấy ạ. Mình lắc đầu bảo anh ta, không phải vậy. Anh ta thưa, vậy bác ưng đi xe  loại nào ạ. Mình trả lời : Xe ben. Anh ta trố mắt. Cứ nhùng nhằng mãi, rồi họ cũng đưa  đến một xe ben thật.  Mình không vào buồng lái mà leo thẳng lên thùng xe, rồi dặn lái xe, đến nơi cậu cứ đổ như  đổ đất ấy nhé…”. Kể đến đây, sợ chúng tôi  hiểu lầm, cho là ông quá quắt, làm bộ, làm tịch, nên mắt ông bỗng rực sáng, nhìn chúng tôi một lượt, mà rằng “ Đừng tưởng đã làm gì được Phùng Quán. Phùng Quán này vẫn còn nặng như đất, như đá…”.

            Còn với tác giả “Cửa mở”, tôi và nhà thơ Trần Chấn Uy được cử đi đón ông ở Biệt thự  Cầu Đá, xưa là nơi nghỉ của vua Đảo Đại, khi đến Nha Trang. Gần bảy giờ tối, xe chúng tôi đến cổng biệt thự, thì thấy nhà thơ Việt Phương cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đi bộ xuống. Chúng tôi lễ phép chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vì đã được báo cáo từ trước, nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng  gật đầu “ Ừ, Phương đi đi”. Khác với hình dung của tôi, nhà thơ Việt Phương rất giản dị, dáng cao, to, tóc cắt cao, giọng nói ấm, sáng. Từ văn học, nghệ thuật, đến chính trị, kinh tế, khoa học, rồi thời sự trong nước, quốc tế v.v…  Vấn đề nào  cũng được anh trình bày, mạch lạc, khúc chiết và  đặc biệt là rất hấp dẫn. Anh nói “vo” mà  vẫn logic chặt chẽ, cuốn hút người nghe. Tôi còn nhớ mãi buổi anh nói chuyện ở Hội trường Thành ủy TP. Nha Trang. Anh nói về chủ đề “cất cánh của nền kinh tế” Việt Nam. Đến giờ, sau hai thập kỷ, khi hai từ “hội nhập” đã thành câu cửa miệng của các nhà chính trị, các nhà kinh tế và việc quan hệ với phương Tây, với Mỹ, vào WTO rồi, mới thấy dự báo  như thần của anh lúc ấy, rằng : Thời đại ngày nay, là thời đại mà các quốc gia đều phải chịu ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau. Các nền kinh tế đều phải đan xen, giao thương với nhau. Tự lực cánh sinh bậy giờ, là tự tử đấy. Và,  “Muốn cất cánh, phải có vốn lớn, có công nghệ cao, những thứ này lấy ở đâu ?”. Anh dừng lại nhìn khắp hội trường, rồi chỉ tay nói tiếp “ Chỉ có thể lấy được ở phía bên kia kìa, phía trời tây ấy …”. Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm.  Sáng hôm ấy, cử tọa rất đông, các hàng ghế đều kín chỗ ngồi…

 Trong buổi nói chuyện về văn học, về thơ ở Sở Văn hóa, thông tin Phú Khánh (cũ), khi anh ngồi nghỉ, để lấp chỗ trống, các anh ở Hội văn nghệ tỉnh giới thiệu tôi lên đọc thơ.Tôi đã đọc bài “ Cánh cửa”, tôi viết kính tặng anh trước đó. Bài thơ này đã được nhà thơ Giang Nam giới thiệu trong chùm thơ  của tôi trên tạp chí Cánh Én :

 

Anh Việt Phương ơi!

Từ trên ấy đỉnh cao

Những năm sáu mươi đã nhìn thấu cuộc đời

Đen như chì

Trắng như vôi

Đỏ như  máu đỏ

Đá hóa vàng lại hoàn là đá

Vàng là vàng muôn thủa với trần gian

“Bùn có vấy tận chín tầng mây bạc” (*)

Thì nắng, mưa trời đất vẫn xoay vần

Cửa đóng ?

Phải lấy búa mà đập ta ổ khóa

Cho những chị Dậu, anh Pha được đón ánh mặt trời

Cửa mở ?

Phải mở toang cho bốn bề lộng gió

Như muôn kiếp người hằng khao khát, anh ơi !

(*) ý thơ Việt Phương

Vậy mà gần 20 năm sau (2005), bài thơ này trong tập thơ “Giọt nắng” của tôi vẫn còn bị NXB Hội nhà Văn loại khỏi bản thảo khi duyệt in.

Tôi được biết, trước khi nghỉ hưu anh Việt Phương làm việc ở Viện nghiên cứu kinh tế chiến lược. Anh vẫn làm thơ, nhưng không phổ biến. Có lần, tôi được một người bạn đọc cho nghe một bài thơ chưa phổ biến của anh, nói về đề tài quan lại,  trong đó có câu : “Vẫn còn mũ áo xênh xang gớm. Cũng là đóng nốt một vai hề”. Không biết anh muốn nói đến bọn quan lại của thời nào. Nhưng khẩu khí  và tầm trí tuệ, thì quả là  rất “ Việt Phương”,  rất đáng  kính nể. Cuối tháng 1/2010, nghe tin Việt Phương – Nhà thơ của Nhân Dân mới “được” kết nạp vào Hội Nhà văn VN khi đã ở tuổi ngoài bát tuần. Sau phút ngạc nhiên, suốt buổi chiều tôi cứ  vương vấn mãi một câu hỏi rất khó tự trả lời “sao thế nhỉ ?”. Và, được biết anh lại có tập thơ “ Cửa  đã mở ”, có lẽ muốn tiếp nối với “cửa mở” hồi thập niên 1960. Tôi đã làm và xin kính gửi đến Nhà thơ Việt Phương của Hội Nhà Văn Việt Nam bài thơ này :

 

     Cửa đã mở  ?

          Kính gửi Nhà thơ Việt Phương

             Của Hội Nhà Văn Việt nam

Cửa đã mở ?

Chạy từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông

Lại chui vào đóng sập

 

Hũ nút văn chương

Hũ nút mắm, muối, tương, cà, hũ nút …

Tối như đêm

Đen như mực Tàu

Đỏ như đít khỉ

Thâm như váy rách đàn bà …

 

Cửa hai cánh bản lề gỉ sét

Cánh phù thủy

Cánh ma chơi

Chốt hãm, then cài

Thật, giả ? khôn lường

Trâng tráo thò lò sáu mặt

 

Cửa đã mở !

Quái chiều hôm, nắng hay vàng  ?

Liêu xiêu bóng mẹ nhập nhòa, áo rách, lưng còng suốt mấy thời trận mạc

Loang lổ ngôn từ như gấm, như hoa nhuộm máu cùng nước mắt

 

Cửa đã mở !

Chào kỷ nguyên văn minh, thế giới văn minh

Laptop,internet, màn hình LCD…

Đồng hành cùng  cối xay gió, dây thòng lọng và giá treo cổ … 

Lu mờ rồi Eroxtrat !

Cần gì phải đốt đền !

Phát ngôn như tâm thần, chính khách như tâm thần, quỳ gối, khom lưng …

Kẻ nổi tiếng nhan nhản chính trường, nghị viện … 

                                                                                  

 

Cửa đã mở !

Muôn trượng đỉnh cao

Chót vót đỉnh cao

Chói lọi đỉnh cao

Mù lòa thần thánh

Thì ta hỡi phải  mắt nhìn  tám hướng !  (*)

Cùng chọn tìm một hướng mặt trời lên./.

 

      Nha Trang 01/02/2010

           Nguyễn Chính

 

(*) Ta đứng đây mắt nhìn bốn  hướng (thơ Tố Hữu)

 

 

 

 

Sau cuộc xâm lăng (1979) của ông bạn láng giềng lớn phương Bắc, mà một thời được xem là “anh hai”,  nổi lên vấn đề cột mốc biên giới  và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải giữa hai bên. Còn từ năm 2000 đến nay, chuyện Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hồi 1974, đã  là  vấn đề thời sự  nóng bỏng của dư luận trong nước và đồng bào ta ở hải ngoại. Là người làm báo, tôi không thể không tìm hiểu. Nhưng vì không có tư liệu, nên tôi không biết sự kiện lá thư của Cụ Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai, thực hư  thế nào. Đầu năm 2005, tôi may mắn được gặp Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong một tiệc đứng của Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Cung Văn hóa Hà Nội. Nhân lúc “cụng ly”, tôi hỏi và được ông khẳng định bằng hai từ  “có đấy !”. Tôi lại hỏi “ Thưa anh, lý giải thế nào ?”. Sau giây lát nhíu mày, ông ghé tai tôi, nói thật chậm : “ Cụ Đồng đã không để lại hồi ký. Người ta đã đặt lợi ích của giai cấp lên trên lợi ích của dân tộc …”.  Rượu vang của nước đại Pháp trong miệng tôi đắng ngắt. Tôi nói “Thưa anh, có lẽ đó là cách lý giải và là câu trả lời xác đáng nhất cho  hậu thế, cho  muôn đời con cháu chúng ta”…

Vào khoảng thời gian từ  cuối 1986 đến 1990 ở Hà Nội có Hội thơ Thanh Xuân gồm các cây bút : Nguyễn Hùng Vỹ;Trương Nhân Huyền; Nguyễn Linh Khiếu; Hồ Bất Khuất; Nguyễn Quang Thiều; Trần Quang Quý v.v… tôi không nhớ hết. Khi ra Hà Nội, Nguyễn Hùng Vỹ đã giới thiệu và rủ tôi đi đọc thơ cùng với những tác giả thơ của Hội thơ Thanh Xuân , mà sau này hầu hết đều trở thành nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau thời kỳ “cởi trói” ngắn ngủi cho văn nghệ (1986 – 1987), với những tên tuổi thường được mọi người nhắc đến như , Nguyễn Hà Phan; Trần Độ; Nguyên Ngọc; Bùi Minh Quốc v.v… tình hình lại  gần như cũ. Tôi còn nhớ dịp cuối năm 1988, trong một đêm chuẩn bị đi đọc thơ  cùng mấy thành viên của Hội Thơ Thanh Xuân ở Đại học Thương nghiệp Hà Nội, Nguyễn Linh Khiếu, lúc này đang công tác ở Viện nghiên cứu triết học, đã đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của anh : 

“Tưởng rằng nắng đã hừng lên

Nào ngờ mưa lại triền miên mất rồi

Lại tan đi những nụ cười

Lại nhòe đi những mặt người ngẩng lên”.

Đọc xong, anh hỏi tôi  “ ý kiến ông thế nào ?” . Tôi không trả lời. Lát sau tôi đọc cho anh nghe bài thơ “Nấm” của mình :

Sau cơn mưa chúng nó lại mọc lên

Nấm !

Rừng đại ngàn những cây gỗ mục

Nằm xuống rồi vẫn chưa thành đất

Còn dồn chút màu tàn cho chúng nó sinh sôi.

                                                                *

                                                          *           *

Thời gian sau đó ra Hà Nội, tôi không còn thấy ai nhắc đến  Hội Thơ Thanh Xuân nữa. Tôi thấy thật tiếc. Ấn tượng của tôi đối với các thành viên của Hội thơ Thanh Xuân, là sự trăn trở của các anh về trách nhiệm và thiên chức của người cầm bút trước xã hội, trước cuộc đời, trước số phận của nhân dân mình, của đất nước mình. Tôi nhớ mãi, trong một hội thảo ở Nha Trang về phát triển nông nghiệp của các tỉnh miền Trung, hồi đầu năm 1990. Giờ giải lao, cánh nhà báo tụ tập ở hành lang to nhỏ bàn chuyện trên giời, dưới đất, chuyện dân dã, chuyện triều đình … Anh Bốn T, tuy là một cán bộ chủ chốt của tỉnh PY, nhưng  tỏ ra rất bình dân với cánh phóng viên, cũng đến góp chuyện. Chuyện trò một hồi, bỗng anh trầm ngâm giây lát rồi phán một câu xanh rờn thế này  : “ Đúng là đám nhà văn, báo chí, văn nghệ sỹ chúng mày, thời nào cũng chống chính quyền …”. Lập tức một đồng nghiệp trong chúng tôi trả lời ngay : “ Anh Bốn nhầm rồi ! Không phải  chống chính quyền mà là chống cường quyền. Thời nào đám cầm bút cũng chống lại cường quyền …”. Tất cả chúng tôi đều cười vang tán thưởng.

 Có một câu hỏi rất nhiều người đã đặt ra với tôi. Đó là, tôi học đại học nông nghiệp, sao lại đi làm báo ?  Vâng ! như vậy quả là trái ngành, trái nghề. Tôi yêu các môn văn, môn sử từ thủa là cậu học trò phổ thông.  Vậy mà thật trớ trêu, tôi đã phải rất vất vả theo học các mộn khoa học tự nhiên ở bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp (1980), tôi được phân công về tỉnh Phú Khánh (cũ). Đầu năm 1981 tôi về nhận công  tác ở Ban Nông nghiệp huyện Đồng Xuân, cách TP. Nha Trang gần 200 cây số. Cuối năm, tại vùng đất  nhỏ bé và khá heo hút này, xảy ra một chuyện làm kinh động cả miền trung, rồi lan  truyền ra nhiều nơi trên cả nước. Có một giống lúa, được vị chủ tịch huyện  chỉ đạo cho Ban Nông nghiệp lấy từ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp về, nói là có năng suất rất cao, một hec-ta mỗi vụ đạt  tới 20 tấn. Bằng lý thuyết học được ở đại học, tôi chứng minh rằng, không thể có giống lúa “thần” nào có thể đạt năng suất như vậy. Không ai nghe. Tôi liền nhận một ít giống lên HTX Xuân Long 3, vùng La Hai để trồng thực nghiệm. Kết quả cho thấy, đó chỉ là giống lúa  lai bình thường, nhiễm nhiều loại sâu bệnh, và đang còn phân ly mạnh, vì chưa ổn định về di truyền. Kết quả được viết thành báo cáo, nhưng vẫn không ai nghe. Thật lạ lùng, chủ tịch huyện và Ban Nông nghiệp còn được khen. Lãnh đạo huyện chỉ đạo gieo trồng đại trà giống lúa này.   Thế là, lúa giống Hồng Ngự được huyện Đồng Xuân  sản xuất, bán mỗi ký với giá hơn 200 đồng, gấp hơn hai lần lương một tháng của tôi lúc đó. Biết là nông dân đã bị lừa, tôi liền xuống các hợp tác xã  đề nghị họ không nên làm đại trà, vì sẽ thiệt hại lớn. Lập tức, tôi bị quy kết là “phản động ”, là “thuộc phái Đặng Kim Giang phản Đảng” vân vân và vân vân … Thấy mình không được tin, dùng nữa và người ta đã  cố tình chụp mũ để loại mình ra, tôi liền về lại Nha Trang, chuyển đến chỗ này, chỗ kia, rồi xa dần chuyên môn được đào tạo. Nhưng, suốt những năm sau này gắn bó, tâm huyết với nghề làm báo, tôi luôn cảm ơn những năm tháng được học tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Giảng đường đại học, không chỉ cho tôi sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp,về kinh tế, tổ chức, quản lý … mà còn trang bị cho tôi một  phương pháp tư duy, cách đọc sách và đặc biệt là phương pháp dung nạp, phân tích, xử lý  tư liệu một cách hệ thống theo từng đề tài, để có kiến thức tổng hợp về nhiều mặt.  Với tôi, đó là những điều vô cùng quý giá…

Thưa các bạn, vĩ thanh nửa dời cầm bút của tôn là như vậy, dó là những kỷ niệm, những gì tôi dã trải qua. Cuộc dời làm báo dã cho tôi di dến nhiều nơi, biết dược nhiều diều. Với tôi dó là hạnh phúc, xin cảm ơn  nhiều lắm cuộc dời,/.

 

        Nha trang tháng 12/2024

 

 

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 67
Ngày đăng: 05.01.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lung linh đêm khiêu vũ Noel đầu tiên trong đời… - Phạm Nga
Rue Cler - để nhớ một thời - Nguyễn Vĩnh Long
Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi” - Minh Tứ
Sông nước miền Tây - Thanh Phương
Nàng H’Ly trên dòng Sê San - Giang Hiền Sơn
Tu hú cá Chuồn - Thanh Phương
Khu Nancy ở Saigon - Nguyễn Minh Nữu
“Truyền thuyết” Qua Đi - Nguyễn Hàng Tình
Một thoáng ở Hòn Đất - Phan Anh
Seoul - mùa hoa ngân hạnh - Minh Tứ