(Tháng 9 năm Mậu Tuất [24/10-21/11/1718], Chúa Trịnh Cương đặt Lục phiên tức Lại phiên, Lễ phiên, Hình phiên, Công phiên, Binh phiên, Hộ phiên. Từ đây, chính quyền trong nước qui về hết lục phiên thuộc phủ Chúa; còn 6 bộ của triều đình, chỉ đặt cho có vị mà thôi.
Tại miền Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu đi thăm dinh Quảng Nam, đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn ngoại quốc tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ trên biển vàng ban cho. Chúa Nguyễn cho Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán, bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá, tức truông nhà Hồ [huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị] thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại. Khoa Đăng tìm cách trị bắt nghiêm minh; từ đó trộm cướp im bặt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng; ca dao ghi lại như sau:
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm.
Tranh chấp biên giới với Trung Quốc tại phía bắc tỉnh Hà Giang, Tổng đốc Vân Quí Cao Kỳ Trác tâu rằng An Nam trước đây đã chiếm đất 120 lý, trong đó có 80 lý thời cuối Minh, và 40 lý thời Khang Hy. Riêng Vua Lê Dụ Tông tố cáo biên giới hai nước vốn tại sông Đổ Chú, nay tỉnh Vân Nam cho lập bia biên giới cách phía nam sông Ðổ Chú đến 120 lý; hai bên tranh chấp quyết liệt.)
Tháng 12 năm Đinh Dậu, Vĩnh Thịnh thứ 13 [2/1-30/1/1718], (Thanh, năm Khang Hy thứ 56); qui định thể lệ hạn chế số người làm tại các công trường khai mỏ ở các trấn. Lúc ấy, các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc ở các trấn phần nhiều mộ người nhà Thanh khai quật; phu mỏ quần tụ mỗi ngày một nhiều. Triều đình e rằng sẽ sinh sự biến động, bèn định thể lệ: số phu mỗi mỏ, nhiều nhất 300 người, thứ đến 200 người và ít là 100 người, không mỏ nào được dùng quá số đã định; từ đấy số phu làm ở trường xưởng khai mỏ mới được hạn chế. Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú: Mối lợi công trường khai mỏ phần nhiều ở các hạt Tuyên, Hưng, Thái, Lạng. Tuyên Quang: Xưởng đồng Tụ Long, xưởng bạc Nam Xương là Long Sinh. Hưng Hóa: Xưởng đồng Trình Lạn và Ngọc Uyển. Thái Nguyên: Xưởng đồng Sàng Mộc, Yên Hân, Liêm Tuyền, Tống Tinh và Vụ Nông, xưởng vàng Kim Mã và Tam Lộng, xưởng chì Côn Minh. Lạng Sơn: Xưởng đồng Hoài Viễn.
Tháng 4 năm Mậu Tuất, Vĩnh Thịnh thứ 14 [30/4-29/5/1718], (Thanh, năm Khang Hy thứ 57); sai sứ thần sang nhà Thanh cáo phó và xin phong. Vua Lê Dụ Tông tuy lên ngôi năm 1705, nhưng bấy giờ Vua cha Lê Hy Tông còn sống, làm Thái thượng hoàng, nên không báo cho nhà Thanh biết. Đến nay sau khi Vua cha mất, bèn sai sứ cáo phó và xin phong. Sứ bộ có Chánh sứ Hữu thị lang bộ Binh Nguyễn Công Hãng; Phó sứ Phủ doãn Phụng Thiên Nguyễn Bá Tông. Dịp này, được Vua nhà Thanh chuẩn cho hai lễ cống , cứ 6 năm cùng dâng một lúc; nhân viên đi sứ cử 3 sứ thần và 20 hành nhân.
Khi sứ bộ đến phủ Nam Ninh, thì viên Phó sứ Nguyễn Bá Tông mất; Tổng đốc Lưỡng Quảng báo về triều, được Vua Thanh cho làm lễ tế. Riêng sứ bộ được ban yến và thưởng theo lệ:
“Ngày 8 Quí Mùi tháng 9 năm Khang Hy thứ 57 [31/10/1718]
Bộ lễ bàn bạc rồi tâu:
‘Tổng đốc Quảng Ðông Quảng Tây Dương Lâm dâng sớ tâu ‘ Bồi thần An Nam Nguyễn Bá Tông đến tiến cống; bị bệnh mất tại Nam Ninh, Quảng Tây.’ Ðáng theo lệ đến tế một lần; nếu như muốn chôn tại Quảng Tây, lệnh dành đất mai táng.’
Thiên tử chấp thuận.” ( Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 281, trang 11)
“Ngày 24 Mậu Thìn tháng 10 năm Khang Hy thứ 57 [15/12/1718]. Lê Duy Ðào (1), nối dõi Quốc vương An Nam, sai Bồi thần Nguyễn Công Hãng cáo phó Quốc vương Lê Duy Chính mất, cùng xin phong và dâng biểu cống sản vật địa phương. Ban yến và thưởng theo lệ.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 281, trang 22)
Tháng 9 [24/10-21/11/1718], Chúa Trịnh Cương đặt Lục phiên. Nguyên trước kia, phủ Chúa đặt 3 phiên là: Binh phiên, Hộ phiên và Thủy sư phiên. Đến nay đặt Lại phiên, Lễ phiên, Hình phiên, Công phiên, Binh phiên, Hộ phiên gọi là Lục phiên. Từ đây, chính quyền trong nước qui về hết lục phiên thuộc phủ Chúa; còn Lục bộ [Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ và Công bộ] và Lục tự [Đại lý tự, Thái thường tự, Quan lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự] của triều đình, chỉ đặt cho có vị mà thôi.
Tháng 11 năm Kỷ Hợi, Vĩnh Thịnh thứ 15 [11/12/1719-9/1/1720], [Thanh, năm Khang Hy thứ 58]; đo đạc ruộng và kiểm kê nhân khẩu. Chúa Trịnh Cương phê bình phép “bình lệ’ thi hành từ 50 năm về trước, bèn nói:
"Thương dân thì cần phải thi hành nhân chính, muốn thi hành nhân chính thì cần phải chia đều thuế khóa và dao dịch. Chế độ cũ làm phiền nhiễu dân đinh về việc duyệt tuyển, triều trước rất chán nghét, nên mới lập ra phép "bình lệ": Số người đến tuổi ghi tên vào sổ cũng không tính, số người hao hụt đi cũng không miễn trừ. Phép ấy thi hành đến nay đã hơn 50 năm rồi. Trong thời gian ấy, số hộ khẩu ở dân hoặc thêm ra hoặc hụt đi không nhất định, mà nguyên ngạch vẫn theo như cũ, vì thế mà dân đinh phải gánh vác quá nặng, rồi dần dà đi đến chỗ lưu tán.
Nhân đấy, đã họp bầy tôi trong triều bàn luận, tính kỹ phương pháp cứu vớt lấy dân. Mọi người đều nhất trí: nay ruộng trong nước không kể ruộng công hay tư, đều thi hành việc khám xét đo đạc, rồi liệu lượng chia bổ ngạch thuế, để cho người giàu người nghèo giúp đỡ lẫn nhau, nặng nhẹ gánh vác đều với nhau, định làm phép tắc thi hành mãi mãi.”
Vì thế, Trịnh Cương hạ lệnh cho các viên phủ, huyện và hai ty Thừa chính, Hiến sát chia nhau đi kiểm kê, đo đạc ruộng đất dân gian.
Tháng 12 [10/1-7/2/1720]. Nhà Thanh sai Nội các điển bạ Đặng Đình Triết và Hàn lâm viện biên tu Thành Văn sang sách phong nhà Vua làm An Nam quốc vương, ban cho phẩm phục Nhất phẩm và đem lễ vật tế Vua Hy Tông. Lúc bọn Đình Triết mới đến, yêu cầu khi nhận sách phong nhà vua làm lễ 3 lần quỳ 9 lần vái (tam quỳ, cửu khấu lễ), nhưng triều đình theo lễ nghi trong nước, làm lễ 5 lạy 3 vái (ngũ bái, tam khấu). Việc này tranh luận ba bốn lần. Đình Triết mới miễn cưỡng nghe theo. Triều đình lại tiễn chân trọng hậu bằng bạc lạng, sứ bộ đều không nhận. Khi Đình Triết về Trung Quốc, nói nước ta cảnh thổ bình yên, lễ nghi đáng để cho người ngoài quan chiêm. Vua nhà Thanh lấy làm khen ngợi. Đến khi bọn Tả thị lang Hồ Phi Tích sang tạ ơn, vua nhà Thanh ban cho có phần hậu hơn lần trước.
Thanh Thực Lục ghi nguyên văn sắc văn Vua Khang Hy phong Vua Dụ Tông, và việc Sứ thần Hồ Phi Tích dâng biểu tạ ơn Vua Thanh:
“Ngày 9 Nhâm Tý tháng 2 năm Khang Hy thứ 58 [29/3/1719]. Mệnh Nội các trung thư Ðặng Ðình Triết làm Chánh sứ, Hàn lâm viện biên tu Thành Văn làm Phó sứ dụ tế cố Quốc vương An Nam Lê Duy Chính, cùng phong người con nối dõi Lê Duy Ðào làm Quốc vương An Nam. Sách văn như sau:
“ Kẻ gần yên vui, người xa tìm đến, phô bày lòng giáo hóa của trời; đạo chỉ có một, phong hóa hỗn đồng, nơi 4 phương vì nghĩa đến sân đình. Ðội ơn trên, đời đời dốc lòng trung; mãi mãi không quên lời minh ước, nên con cháu được hưởng phước lành.
Ngươi, Lê Duy Ðào, thừa kế Quốc vương nước An Nam, tuy sinh tại đất Nam Giao nhưng cõi lòng vẫn hướng về nơi kinh khuyết đất Bắc. Ngàn năm giữ địa vị, tôn sùng thanh giáo ơn ban; vạn lý xa thư (2), được phụng hưởng Vương tước. Nay ngươi nối dõi, xin mệnh triều đình; phẩm phục cũ được tăng quang, càng thêm rạng đức tốt; chịu ơn mới thêm sáng, tràn trề bởi lời khen. Ðặc sai quan phong ngươi làm Quốc vương An Nam, ngươi hãy kính giữ chức phiên, làm phên dậu lâu dài; chớ thờ ơ với phận sự, khiến lu mờ nghiệp cũ; trung hiếu hai vai, vĩnh viễn chịu ân trạch. Khâm tai! Trẫm mệnh không thay thế!” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 107, trang 7-8; tập 5, trang 87-88)
“Ngày 22 Kỷ Mão tháng 10 năm Khang Hy thứ 60 [10/12/1721]. Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào sai Bồi thần Hồ Phi Tích dâng biểu tạ ơn sách phong, dụ tế cùng; cống sản vật địa phương. Ban yến thưởng như lệ.” (Thanh Thực Lục ,Thánh Tổ Thực Lục quyển 295, trang 11)
Tại miền Nam vào tháng 3 [20/4-18/5/1719], chúa Nguyễn Phúc Chu đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho.
Tháng 5 năm Canh Tý, Vĩnh Thịnh thứ 16 (6/6-4/7/1720). (Thanh, năm Khang Hy thứ 59); Chúa Trịnh Cương phong cho con là Giang làm Thế tử.
Tháng 8 [2/9-1/10/1720], Tư thiên giám xem sao, thấy có triệu chứng tai biến, bèn đổi sang niên hiệu từ Vĩnh Thịnh sang Bảo Thái năm thứ nhất; giảm 2/10 thuế vụ hè, quan viên bị lỗi oan đều được cất nhắc.
Tháng 11[30/11-28/12/1720]. Bắt đầu đánh thuế đồng và vỏ quế. Trước đây, các sản vật: vỏ quế, muối và đồng, dân gian không được phép bán riêng. Nay mới định phép đánh thuế: Triều đình cử viên quan trông coi việc này, phàm người nào buôn đồng hoặc bóc vỏ quế, khi đi khi về đều phải có giấy tờ khám nghiệm để làm bằng chứng. Nếu trao đổi cho khách buôn nước ngoài, phải đợi lệnh chỉ của phủ Chúa mới được cấp phát giấy tờ; nếu mua bán ở trong nước, thì xin giấy viên quan phụ trách cấp phát, để làm bằng chứng; cấm vận chuyển lén lút vụng trộm.
Tháng giêng năm Tân Sửu, Bảo Thái thứ 2 [28/1-25/2/1721], (Thanh, năm Khang Hy thứ 60); gần đây hình phạt chặt tay, hoặc ngón tay, dùng phép quá nặng. Bèn hạ lệnh:
- Phạm nhân bị luận vào tội chặt ngón tay rồi đày đi một nơi, nay đều giảm xuống làm tội đồ cư tác [đày đi lao công] , niên hạn định theo tội phạm năng hay nhẹ.
-Phạm nhân phải luận vào tội chặt hai tay và đày đi châu xa, nay đổi làm tội đồ cư tác chung thân [suốt đời].
-Phạm nhân phải luận vào tội chặt một tay và đày đi châu ngoài, nay đổi làm tội đồ cư tác 12 năm.
-Phạm nhân phải luận vào tội chặt 2 ngón tay và đày đi châu gần, nay đổi làm tội đồ cư tác 6 năm.
Những người phạm tội trộm, cướp không theo thể lệ này.
Tháng 5 [26/5-24/6/1721], động đất, đã lâu không mưa, giá gạo cao vọt. Bèn hạ lệnh cho quan và dân: người nào nộp tiền hoặc thóc sẽ được thăng bổ quan chức, để lấy tiền thóc phát chẩn cho dân. Lúc ấy dân trong kinh kỳ có lời đồn gây nghi ngờ sợ hãi; họ tranh nhau vận chuyển của cải, dắt díu gia quyến về làng, người trước người sau lũ lượt kéo ra cửa thành. Triều đình phải hạ lệnh cho viên Đề lãnh ngăn cấm nghiêm ngặt, mãi sau mới yên được.
Tháng chạp [17/1-15/2/1722] bắt đầu thi hành phép đánh thuế muối. Đặt chức Giám đương trông coi, dân miền biển người nấu muối gọi là "táo đinh", người buôn muối gọi là "diêm hộ", đều được miễn thuế khóa và dao dịch. Số muối đã nấu ra sẽ đánh thuế hai phần mười làm muối công. Người Diêm hộ phải có chứng chỉ của viên Giám đương mới được vào trường xưởng mua muối; trước mua muối công, sau mới đến muối của Táo đinh. Việc mua hoặc bán đều phải có giấy tờ làm bằng cứ.
Tháng giêng năm Nhâm Dần, Bảo Thái thứ 3 [16/2-16/3/1722], (Thanh, năm Khang Hy thứ 61); bắt đầu hạ lệnh cho các quân nhân người nào có học thức, được dự thi Hương. Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi Hương được nộp đơn xin thi; đợi xét, nếu quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí. Nếu gặp khoa thi võ và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi ở ngay kinh đô.
Tháng 3 [16/4-14/5/1722], sai Nguyễn Thành Lý Lưu thủ trấn Hưng Hóa, đi kinh lý châu Chiêu Tấn [Phong Thổ, Lai Châu]. Trước đây, Đèo Mỹ Lâm, Thổ tù châu Chiêu Tấn thuộc Hưng Hóa, chiếm cứ Lai Châu, đánh phá châu Quỳnh Nhai [Sơn La], dân ở biên giới phần nhiều bị đốt phá cướp bóc. Triều đình sai Nguyễn Công Chính và Bùi Sĩ Tiêm đem quân đến, được phép tùy tiện tiểu trừ hoặc yên ủi. Khi quân tiến đến Mai Châu [Hòa Bình], Công Chính mất, quân lính bèn quay trở về. Đến đây, Đèo Mỹ Ngọc cùng người trong bộ lạc đánh lẫn nhau. Triều đình sai Nguyễn Thành Lý tiến quân bình định. Người mẹ Mỹ Ngọc đem bạc và lụa đoạn đến dâng xin cho Mỹ Ngọc đến trước cửa quân chịu tội; sau Mỹ Ngọc lại dựa vào sự viện trợ của huyện Kiến Thủy [Vân Nam] nhà Thanh, chần chừ không quả quyết. Quan quân tiến sát đến lãnh thổ. Mỹ Ngọc đem dân trong động trốn xa, quan quân đuổi theo không kịp; Thành Lý bèn dẫn quân về. Triều đình lấy cớ rằng Mỹ Ngọc là Tù trưởng người thiểu số ở ngoài cương vực, vì hiềm thù riêng đánh lẫn nhau, nay sợ tội trốn tránh, bèn hạ lệnh chiêu tập vỗ về. Khi chiêu tập được đảng này rồi, triều đình đều buông tha cho về.
Tháng 10 [9/11-7/12/1722], Chúa Trịnh Cương bắt đầu đặt sáu quân doanh. Thời Trung Hưng, quân doanh đại lược dựa theo chế độ cũ, đặt chức Đô đốc ở ngũ phủ, chuyên dùng binh lính Thanh Nghệ chầu chực bảo vệ. Đến nay, lựa chọn đinh tráng ở bốn trấn và binh lính mới chọn ở Thanh Nghệ, phân phối cho lệ thuộc ngạch quân, bèn đặt sáu quân doanh là: Trung Dực, Trung Oai, Trung Thắng, Trung Khuông, Trung Nhuệ và Trung Tiệp, mỗi doanh 800 người, bổ dụng bọn Gia quận công Đặng Đình Lân và Thiêm quận công Trương Nhưng, cả thảy 6 người chia nhau thống lãnh.
Ban hành miễn thuế tô ruộng tư của quan viên, người nhiều người ít khác nhau. Lúc ấy, ruộng tư của dân gian đã có lệnh khám đạc để đánh thuế tô, quan viên nào có ruộng, cũng phải tính mẫu nộp tô. Triều đình bèn hạ lệnh, tùy theo phẩm trật hiện có của các quan cao hay thấp mà miễn cho thuế tô ruộng; viên quan Nhất phẩm, Nhị phẩm được miễn 50 mẫu, từ tam phẩm đến cửu phẩm, thì số ruộng được miễn tô cứ theo phẩm trật mà bớt dần mỗi trật 5 mẫu.
Bắt đầu cấp khẩu phần ruộng công cho binh lính tứ trấn. Trước đây ruộng công ở tứ trấn chỉ cấp cho ưu binh Thanh Nghệ; đến nay mới tuyển lính tứ trấn, nên dân xã nào có ruộng công, thì liệu lượng cấp khẩu phần cho lính, hạng nhiều hạng ít khác nhau.
Tại miền Nam, Chúa Nguyễn cho Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán, coi cả việc quân, định lại điều lệ. Bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá, tức truông nhà Hồ [huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị] thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại. Chúa sai Khoa Đăng đi kinh lược nơi ấy. Khoa Đăng tìm cách trị bắt nghiêm minh; từ đó trộm cướp im bặt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng; ca dao ghi lại như sau:
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm.
Tháng 5 năm Quí Mão, Bảo Thái thứ 4 [3/6-1/7/1723]. (Thanh Thế Tông, năm Ung Chính thứ nhất); bắt đầu thi hành phép đánh thuế: tô, dung và điệu:
-Phép tô: Theo chế độ cũ thì ruộng công mỗi mẫu đồng niên nộp tiền nhiều ít khác nhau: từ hạng nộp một quan đến hạng nộp 8 tiền, 6 tiền. Nay ấn định: các ruộng công mỗi mẫu nộp 8 tiền. Số tiền này chia làm 3 phần, hạng ruộng hai mùa (nhị thục điền) nộp hai phần ba bằng thóc; hạng ruộng một mùa (nhất thục điền) nộp một phần ba bằng thóc.
Đất bãi công hiện cày cấy được chia làm hai bậc, mỗi mẫu nộp một quan hai tiền. Bãi nào có trồng dâu thì thuế tô bãi ấy một nữa nộp bằng tơ, bãi nào không trồng dâu thì nộp thay bằng tiền.
Ruộng tư, trước không đánh thuế, nay định ruộng tư chia ra hạng hai mùa và hạng một mùa nộp thuế khác nhau; ruộng hai mùa mỗi mẫu nộp 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu nộp hai tiền.
-Phép dung: Tức thuế thân; theo chế cũ, thuế thân mỗi suất đinh đồng niên tùy theo từng hạng để nộp tiền, từ 1 quan đến 1 quan 8 tiền. Nay định: mỗi suất đinh nộp 1 quan 2 tiền; sinh đồ [học sinh], lão hạng [từ 50 tuổi trở lên] và hoàng đinh [17 đến 19 tuổi] nộp một nữa số tiền thuế ấy.
-Phép điệu: Theo chế độ cũ, hàng năm các việc bài, biểu (3), từ tự (4), điện, miếu (5), đê đường, cầu cống, kho tàng và trường thi v.v... đều tính theo suất đinh, để tùy tiện chia nhau đóng góp đệ nộp, phần nhiều thu quá lệ ngạch, lại đốc thúc bắt bớ lung tung dân không sao chịu được sự phiền nhiễu. Nay định: Mỗi suất đinh mùa hạ và mùa đông nộp 6 tiền; quan trên dùng tiền ấy, đóng góp thay cho dân, gọi là tiền thuế điệu.
Tháng 10 [29/10-27/11/1723]; sai sứ thần sang nhà Thanh. Chánh sứ là Phạm Khiêm Ích sang mừng Vua Thanh Thế Tông lên ngôi; phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận và Phạm Đình Kính sang dâng lễ tuế cống và tạ ơn việc nhà Thanh ban cho lụa hoa.
Vua Thanh hay tin sứ bộ trên đường đến kinh đô bằng đường thủy; bèn ban sắc dụ cho các địa phương dọc đường gia tăng cung cấp thức ăn, tiếp đãi nồng hậu:
“Ngày 9 tháng 5 năm Ung Chính thứ 2 [29/6/1724]. Dụ bộ Lễ, bộ Binh:
‘Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào sai Bồi thần Phạm Khiêm Ích đến mừng lên ngôi cao, cống hiến sản vật địa phương, cùng lễ cống 3 năm; từ Quế Lâm, Quảng Tây theo đường thủy đến kinh đô. Nhân từ trước tới nay dịch trạm cung ứng nhiều sự tao nhiễu; Trẫm từng dụ ngoài sự cung cấp theo lệ đã định, không được thêm thắt ứng phó . Nay vì đại lễ khánh hạ, An Nam sai sứ từ xa đến, cần phải gia ơn cấp tuất; nay qua các địa phương, cung cấp thức ăn, ước lượng tăng gia để được sung túc; nhắm biểu thị tăng ơn huệ với người xa xôi.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục, quyển 20, trang 7)
Sứ bộ đến Bắc Kinh dâng biểu mừng và triều cống; được ban thưởng và yết kiến Vua Ung Chính:
“Ngày 8 Ðinh Sửu tháng 12 năm Ung Chính thứ 2 [21/1/1725]
Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào sai Bồi thần Phạm Khiêm Ích dâng biểu mừng lên ngôi cùng cống sản vật địa phương. Ban thưởng theo lệ.” (Thanh Thực Lục , Thế Tông Thực Lục, quyển 27, trang 5)
“Ngày mồng 1 Canh Tý tháng giêng năm Ung Chính thứ 3 [13/2/1725]. Bọn Bồi thần nước An Nam Phạm Khiêm Ích lần lượt vào hành lễ chúc mừng. Ban thưởng như lệ.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục, quyển 28, trang 1)
Sử nước ta cho biết thêm chi tiết sứ bộ trở về nước vào tháng giêng năm Bảo Thái thứ 7 [2/2-3/3/1726]; từng được Vua Thanh triệu lên gặp, ban cho 4 chữ “Nhật nam thế tộ’ ý chỉ nước Nam đời đời hưởng được hưởng phước; lại ban cho 3 bộ sách là I. Bội văn vận phủ, 2. Uyên giám loại hàm, 3. Cổ văn uyên giám:
“Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Phạm Khiêm Ích từ bên nhà Thanh trở về nước. Trước đây, bọn Khiêm Ích sang sứ bộ sang nhà Thanh, khi đến Yên Kinh, vua nhà Thanh cho triệu vào yết kiến ở điện Kiền Thanh, yên ủi thăm hỏi, rồi chính tay vua viết bốn chữ "Nhật nam thế tộ" đặc ân ban cho. Năm ấy, viên quan thế sử [quan coi thiên văn] tâu lên vua nhà Thanh là mặt trời mặt trăng hợp bích, năm vì sao liên châu. Nhân đấy, bọn Khiêm Ích dâng thơ chúc mừng; vua nhà Thanh ngợi khen và dụ bảo, lấy cớ rằng Quốc vương [Vua nhà Lê] yêu chuộng văn học, tôn trọng đạo Nho, nên thưởng cho ba bộ sách. Sau này triều đình bàn luận công trạng phụng mạng đi sứ, thăng Khiêm Ích chức tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; Nguyễn Huy Nhuận chức tả thị lang bộ Hình, tước Triệu quận công; Phạm Đình Kính chức hữu thị lang bộ Binh, tước Lại khê hầu” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđđ, tập 2, trang 453.
Tháng 2 năm Giáp Thìn, Bảo Thái thứ 5 (24/2-24/3/1724). (Thanh Ung Chính, năm thứ 2); lại sai binh lính Thái Nguyên đi thú Cao Bằng. Trước đây, lính ở Thái Nguyên hàng năm luân chuyển nhau đi thú Cao Bằng; đến năm Bảo Thái thứ 2 (1721) vì nơi biên cảnh không xảy ra việc gì, nên bãi bỏ lính thú. Nay theo lời xin của Nguyễn Trù, Đốc trấn Cao Bằng, nên lại hạ lệnh cho phiên thần Thái Nguyên đem quân luân chuyển đi thú, định lệ cứ mỗi năm một lần thay đổi.
Tháng 11 [16/12-13/1/1724], bắt đầu thi Bác cử, nhà vua đến xét duyệt. Lúc này mới đặt khoa thi võ, lấy 4 năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, thi ở trấn gọi là "Sở cử"; 4 năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi hội ở kinh đô gọi là "Bác cử". Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm này đặt trường thi bác cử ở sở Thịnh Quang. Kỳ đệ nhất, hỏi mười câu về ý nghĩa trong bảy bộ sách binh thư. Kỳ đệ nhị, thi hai tao võ nghệ: trước hết thi cưỡi ngựa múa đầu mâu, sau thi đấu siêu đao, lăn lá chắn và múa gươm giáo, căn cứ vào sự so đọ được hay thua để định người hơn người kém, sau đó lại xét duyệt người nào có khí sắc hùng dũng được thăng lên một bậc, người nào kém phải trụt xuống một bậc. Kỳ đệ tam, thi văn sách hỏi cách thao luyện và phương lược về phép bày trận để đánh kẻ địch, giữ thành trì. Lấy 11 người đỗ tạo sĩ xuất thân, trong số ấy có Văn Đình Dận và Hoàng Nghĩa Bá, sau này đều là những viên tướng nổi tiếng. Đình Dận, người xã Lạc Phổ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh; Nghĩa Bá, người xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, Hưng Yên.
Tại miền Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu lấy Nguyễn Khoa Chiêm làm Tham chính chánh đoán sự. Khi Khoa Chiêm còn làm Thủ hợp, Cai hợp Trấn Đình Ân từng nói rằng người này có thể dùng vào việc lớn; Chúa tin dùng lắm, đến đây cất nhắc lên.
Tháng 8 năm Ất Tỵ, Bảo Thái thứ 6 [7/9-5/10/1725], (Thanh, năm Ung Chính thứ 3); đổi tên sông Hát [sông Đáy] làm sông Vân Bảo: sông Tô Lịch làm sông Địa Bảo. Hai con sông Hát và Tô Lịch là chi lưu của sông Nhị Hà.
Tháng 10 [5/11-4/12/1725], sai các quan trong phủ Chúa là Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Trương Nhiêu, Đặng Đình Gián và nội giám là bọn Đỗ Bá Phẩm, Nguyễn Khuê làm Khuyến nông sứ, chia nhau đi tuần hành 4 đạo: Một đạo nằm trong địa phận 6 phủ thuộc xứ Sơn Nam, một đạo về địa phận xứ Sơn Tây; một đạo về địa phận xứ Kinh Bắc và kiêm cả địa phận phủ Thường Tín [Hà Nội]; một đạo về địa phận xứ Hải Dương và kiêm cả địa phận phủ Khoái Châu [Hưng Yên]. Với nhiệm vụ xem xét địa thế rộng hay hẹp, xa hay gần, nhân dân nhiều hay ít, rồi tùy theo sự tiện nghi mà phân xử, để nhân dân các xã đều được yên ổn. Lại xem xét rõ địa thế bắt dân đắp đê đắp đập, theo thời tiết lấy nước vào ruộng hoặc tháo nước ra sông, phòng bị việc hạn hán hoặc ngập lụt; xét kỷ chỗ tốt chỗ xấu, chia ruộng ra làm ba bậc để định ngạch thuế.
Tháng 11 [5/12/1725-2/1/1726]; nhân Tham tụng Nguyễn Công Hãng có tờ khải trình bày rằng:
"Nên cho phép dân sở tại yết bảng ghi chép những lời ca tụng hoặc chê bai, để xem cho biết viên quan nào tốt, viên quan nào xấu. Làm như thế, khiến người ta biết kiêng kỵ răn sợ, mài giũa cho thành người liêm khiết siêng năng. Nhưng những đều yết lên bảng tất phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả hạt đều cùng một giọng. Nếu người nào yêu ghét theo ý riêng của mình, sinh ra khen chê càng bậy, thì người ấy sẽ có tội".
Chúa Trịnh Cương hạ lệnh cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt việc xấu của viên quan cai trị dân.
Bấy giờ Thanh Thực Lục bắt đầu đề cập đến việc tranh chấp biên giới tại phía bắc tỉnh Hà Giang. Nêu lên sự việc viên Tổng đốc Vân Quí Cao Kỳ Trác tâu rằng An Nam trước đây đã chiếm đất 120 lý, trong đó có 80 lý thời cuối Minh, và 40 lý thời Khang Hy. Riêng Quốc vương Lê Duy Đào [Vua Lê Dụ Tông] tố cáo rằng biên giới hai nước vốn tại sông Đổ Chú, nay tỉnh Vân Nam cho lập bia biên giới cách phía nam sông Ðổ Chú đến 120 lý. Vua Vua Ung Chính tỏ thái độ mềm mỏng, hứa sẽ giải quyết:
“Ngày 22 Kỷ Sửu tháng 4 năm Ung Chính thứ 3 [2/6/1725]. Trước đó, Tổng đốc Vân Quí Cao Kỳ Trác tâu rằng:
“ Phủ Khai Hóa, Vân Nam tiếp giáp với Giao Chỉ, có đất cũ của nội địa mất vào Giao Chỉ. Nay nhân mở xưởng đồng, qua lời báo của Bố chính sứ Lý Vệ Tường, thần ủy quyền cho Tổng binh Khai Hóa khám tra. Nay tra được rằng từ xưởng Ðô Long (6) nhìn qua dưới núi xưởng Chì [Duyên Xưởng] có 129 lý; có 3,4 chục trại tại Nam Lang, Mãnh Khang, Nam Ðinh đều bị Giao Chỉ chiếm. Lại tra Vân Nam Thông Chí chép phía nam phủ Khai Hóa 240 lý đến sông Ðổ Chú của Giao Chỉ làm ranh giới. Sau đến đời cuối triều Minh, nhân đất này rộng và xa chúng bèn đem đồn trấn thủ dời vào nội địa, rồi chỉ cái khe nhỏ dưới núi Duyên Xưởng cưỡng đặt tên là sông Ðổ Chú, nên đã mất 120 lý. Triều ta thời Khang Hy thứ 22, 6 trại, thôn Tà Lộ dưới khe nhỏ của núi Duyên Xưởng cũng sáp nhập vào Giao Chỉ; có thể thấy lấy tấn Mã Bá (7) làm biên giới, so sánh với thời cuối Minh đã mất 40 lý. Nếu xét về biên giới cũ, đáng mang 240 lý thu hồi. Thần thấy trong văn thư giao dịch cùng Quốc vương An Nam, thì 2 xưởng Ðô Long, Nam Ðan đều nằm trong đó; Giao Chỉ dựa vào mối lợi lớn, bèn tìm cách kháng cự, đem những lời sai trái để phân trần, lấy đó mà tâu lên cặn kẽ.’
Nhận được chiếu chỉ rằng:
‘Xem tờ tâu, biết được tình hình biên giới với Giao Chỉ từ xưa và gần đây. Trẫm nghĩ đến đạo nhu viễn, luận về việc chia cương thổ cùng hòa mục với lân bang, thì hòa mục với lân bang hay hơn; so sánh việc sợ uy và nhớ đức, thì nhớ đức đáng ở trên. Cứ bảo rằng hai xứ Ðô Long và Nam Ðan từ đời cuối Minh, An Nam đã có, như vậy việc xâm chiếm không phải từ triều ta. Kể từ triều ta đến nay, An Nam mấy đời cung thuận, thật đáng khen, đáng tưởng lệ việc này; há lại vì việc tranh dành thước tấc đất đã mất vào thời cuối Minh ư? Ðất này quả có lợi ích ư! há Thiên triều lại cùng nước nhỏ tranh lợi? Hoặc không lợi ư! thì tranh chấp để làm gì? Trong lòng Trẫm chỉ muốn đại công, chí chính; coi trong nước ngoài nước đều là con đỏ. Vả lại hai nước đất tiếp giáp, liền biên giới; rất dễ sinh sự gây hấn, càng nên khéo thu xếp để quyến luyến nhau; không chỉ yên dân nước họ, mà cũng chính là để yên dân ta vậy; vậy hãy lấy khe nhỏ làm biên giới, nào có thương tổn gì! Tham lợi, kiêu hãnh lập công, không thể là mẫu mực dạy đời. Hãy hiểu Trẫm ý, châm chước thi hành.’
Lúc này, Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào tấu xưng:
“ Châu Vị Xuyên (8) nước thần vốn tiếp giáp với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam, dùng sông Ðổ Chú làm biên giới; phía tây sông thuộc phủ Khai Hóa, phía đông sông thuộc xã Tụ Long [Đô Long] châu Vị Xuyên . Hốt nhiên nhận được tờ tư của Tổng đốc Vân Quí gửi cho nước thần rằng:
‘ Sáu trại tại xã Tụ Long, thôn Tà Lộ thuộc phủ Khai Hóa đất nội địa; trước đây bị Thổ mục Ðô Long xâm chiếm, đến nay đã 40 năm, cần phối hợp để lập lại biên giới.’
Thần đã có văn phúc đáp đầy đủ; rồi Tổng trấn Khai Hóa đến núi Yên Mã tại thôn Tà Lộ, cách sông Ðổ Chú 120 lý lập bia biên giới, cùng thiết lập phòng ốc, sai quân phòng thủ. Thần trình bày nguyên do sự tình, kính cẩn tâu đầy đủ.’
Nhận được chiếu chỉ như sau:
‘Ðiều này trước khi Vương chưa tâu, thì lúc Tổng Ðốc Vân Quí Cao Kỳ Trác sai người khám biên giới, đã từng tâu lên. Trẫm nghĩ An Nam vào các đời đều cung thuận, Vương kính cẩn nối chức đáng khen. Vả lại đất này đã bỏ đi từ thời triều Minh, dân An Nam cư trú tại đó đã lâu, đất đã ở yên lại phải dời đi, không khỏi lâm vào cảnh khổ lưu ly. Trẫm trong lòng nghĩ đến nhu viễn (9), coi người trong nước và ngoài nước như nhau, nên thực không nỡ. Ðã phê cho triệt hồi nhân viên tại thôn Tà Lộ, hãy bàn nghị riêng chổ khác làm biên giới, nhắm thỏa đáng. Ước lượng thời gian này lời phê đã đến, sẽ có sự liệu lý riêng. Vương giữ chức vụ, coi dân của ngươi, nên bình tĩnh để đợi.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục quyển 31, trang 28-31)
Tại miền Nam vào ngày Mậu Tý tháng 4 [1/6/1725], Chúa Nguyễn Phúc Chu mất, Chúa ở ngôi 34 năm, thọ 51 tuổi, có 146 người con. Người con cả là Nguyễn Phước Chú lên nối ngôi; bấy giờ 30 tuổi, hiệu là Vân tuyền đạo nhân.
Bấy giờ kẻ cướp giết Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Khoa Đăng là người cứng thẳng, liêm khiết, công bình; từng đánh dẹp đảng cướp tại Hồ Xá [truông nhà Hồ, Quảng Trị] vào năm Nhâm Dần [1722]. Bọn quyền thế phần nhiều ghét Khoa Đăng, nên bị chúng hại.
Chú thích:
1.Lê Duy Ðào: Vua Lê Dụ Tông tên là Duy Đường, nhưng xưng với nhà Thanh là Duy Đào.
2.Xa thư: Sách cùng chung chữ viết, xe cùng chung trục; ý chỉ sự thống nhất.
3.Bài, biểu: Theo "Quốc dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì hàng năm, phàm gặp các lệ tiết chính đán mồng một tết , đoan dương tết Đoan Ngọ , vạn thọ sinh nhật Vua Chúa , khánh thọ mừng thọ v. v... Ở nha môn các triều đều có bài, có biểu kính dâng lễ vật.
4.Từ tự: Ý nói đàn tràng tế tự, như tế giao, tế xã tắc, tế đinh, tế tiên nông, tế gió mưa v.v...
5.Điện, miếu: Ý nói các lễ tiết giỗ ở thái miếu nhà Lê và cung miếu họ Trịnh.
6.Ðô Long:vùng đất trước đây thuộc Việt Nam, được gọi là Tụ Long; qua hiệp ước Thiên Tân thực dân Pháp đã nhường cho Trung Quốc, hiện nay là địa danh trấn Ðô Long, thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, trấn này giáp với tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
7.Mã Bá: còn gọi là Mã Bạch, vị trí gần sát phía nam huyện lỵ Mã Quan, thuộc châu tự trị Văn Sơn, tỉnh Vân Nam hiện nay.
8.Vị Xuyên: hiện nay còn huyện Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Giang, giáp với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam.
9.Nhu viễn: mềm dẽo với nước xa xôi.