Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.984 tác phẩm
2.764 tác giả
426
124.401.781
 
Chùm thơ số 16 của Đặng Tiến
Đặng Tiến (Thái Nguyên)

HAI LẦN UỐNG RƯỢU…

[Để nhớ nhà thơ Y Phương]

----------

 

 

Lâu, rất lâu rồi, dễ chừng hơn ba mươi năm trước

Lần ấy tôi đến nhà ông

Và chúng ta ngồi bên mâm rượu

Đậm chất núi chất rừng

Rượu men lá thoáng qua rất nhẹ

Nhưng uống nửa ngày thì hãy coi chừng….

Tôi người xuôi,

Còn ông người đồng rừng

Rất thuần chủng như ông tự nhận

Quê ông, tôi đã từng đến

Đẹp bậc nhất gầm trời Việt

Chữ nghĩa của tôi nghèo nên đành bất lực

Vì nghèo chữ thành ra tôi và ông có nhiều tâm đắc

Người đồng rừng không ham nói

Nói nhiều hóa nhạt suông

Nơi ông ở

Một phần ba phố thị tỉnh lẻ lôm nhôm

Ba phần tư còn giữ nếp xưa

Nhưng thoáng nhìn tôi đã thấy

Hình như

Chính ông cũng không mấy mặn mà

Ông đã đi nhiều nơi

Từ nam ra bắc và hình như cả ngoại quốc

Tất nhiên là bởi ông có tài

Tài thi ca

Điều ấy không ai không thán phục

Những trang thơ của ông đọc qua có phần thô thô mộc mộc

Nhưng không hề nếu đọc vang lên giữa triền núi, giữa lòng thung hay bên bờ thác nước

Trời!

Ngôn từ tinh khiết

Lạ lùng

Giản dị

Cao quý

Như tâm can người đồng rừng

Đã nói là chân thật

Không ham tu từ không ham vẽ vời không ham chải chuốt

Tinh tế như thổ cẩm hoa văn nhưng rõ ràng mạch lạc

Sắc màu tươi nguyên như sắc hoa sắc cỏ sắc trời sắc núi sắc nước khe sâu…

Bữa ấy tôi nhớ đã làm ông phật ý

Vào lúc chia tay

Tần ngần bên chiếc cổng xây bằng đá thô vững chãi

Tôi khẽ nói đủ để ông nghe

Rồi đây

Ông không về quê đâu

Không về nơi thanh sơn cẩm tú nước biếc gạo trắng thì thụp thanh âm cối giã bên bờ suối

Ông không về đâu

Ông sẽ không về

Nghe tôi thủ thỉ

Ông quả quyết sẽ về

Lúc ấy tôi nghe và thấy ông nói hơi nhiều

Hình như giống người miền xuôi, hình như hơi giống

Năm tháng qua đi

Cái bữa rượu ngày xưa có lẽ ông đã quên, quên hẳn

Cả tôi nữa, ông cũng có thể quên

Giản dị thôi tôi là kẻ vô danh

Vô danh như bao bản làng nơi xa ấy

Năm tháng trôi qua

Ông không trở về và đã thành công dân thành phố

Không sao ông có quyền như thế, không sao

Và thơ ông nhạt dần cũng từ khi ấy

Đọc ông, tôi không buồn

Không làm nhà thơ thì cũng chẳng làm sao

Thỉnh thoảng đọc đâu đó thấy ông than thở

Muốn bỏ phố thị, muốn bỏ phố thị về quê xưa đất cũ

Ồi chao!

Kiểu ấy người ta nói trên nghìn năm rồi

Ít nhất đã có trong thơ Giả Đảo

Người ta chỉ nói vậy thôi

Chứ mấy ai dám bỏ

Và theo nhau diễn

Cũ quá rồi

Nên nghe ông than

Tôi chỉ cười

Thói quen của mấy người miền xuôi lắm lời

Ông đã mắc

Cũng không sao căn bệnh trầm kha

Vô số người cũng thế

Và có thể còn nên thơ và rưng rưng nước mắt…

Rồi có một lần

Rất tình cờ tôi trở lại quê ông

Và lại một bữa rượu rộn ràng cùng bầu bạn

Tên ông, tôi lỡ lời nhắc đến

Còn vống lên đó là niềm tự hào…

Kì lạ thay những người bạn của tôi trùng xuống

Không ai nói câu nào

Không ai hưởng ứng

Bữa rượu đang vui trở thành nhạt thếch

Cuối cùng

Một người cũng lên tiếng

Sao chúng tôi có thể tự hào

Về người đã bỏ chúng tôi ra đi

Đã bỏ chúng tôi

Đã bỏ chúng tôi

Đã bỏ nguồn thơ tuyệt vời

Đã bỏ…

Sao chúng tôi lại có thể tự hào?

Trời. Tôi chỉ biết ngửa mặt than trời!

Người đồng rừng là thế

Rất giản dị

Thế thôi.

 

 

UỐNG RƯỢU CÙNG THI HUYNH VÕ SA HÀ

1.

 

Thị thành đã đủ ngọt bùi

Đủ đắng cay đủ mồ hôi bụi bặm trần ai

Đủ nước mắt

Đủ khóc

Đủ cười

Thơ đã viết ngàn bài

Trò có trên cả vạn

Rượu từng uống trắng đêm

Thế sự phiêu phiêu mây trắng

Thế sự phiêu phiêu mặt nước cánh bèo

Những trang sách cũ

Ủ ê mốc bụi

Héo rũ đường thi

Nát bấy những trang Kiều....

Thôi ta trở về

Trở về thôi

Trở về với núi

Núi đá trập trùng

Núi đá mênh mang

Núi đá xám đen mùa đông

Núi đá biếc xanh mùa hạ

Núi đá hoang lạnh mùa thu

Núi đá mùa xuân tình tứ

Vẫn nhọn hoắt nhìn trời...

Trở về thôi

Trở về cùng núi

Núi luôn đợi ta về

Như sợi tơ đợi tay người thêu trên tấm khăn choàng e ấp

Như tiếng chim queng quý đợi bạn tình

Trở về thôi

Núi đá

Núi đá của ta ơi

Người đàn ông làm thơ xa quê từ thưở ấy

Mang theo hồn núi hồn mây

Mang theo hồn nước hồn thác

Mang theo trong kiếp lưu đày

Kiếp lưu đày thị thành

Hồn thơ đành xếp lại

Đành xếp lại hồn thơ đá núi

Vụng về

Vụng về giữa cuộc trần ai

Trở về

Trở về thôi

Mây đang chờ ta

Núi đang chờ ta

Suối đang chờ ta

Mảnh trăng thu sáng như gương giữa thăm thẳm cao xanh

Đang chờ ta...

 

2.

 

Bạn văn gặp gỡ

Ta được ghé ngồi

Nhận vai châm tửu

Cuộc vui

Tửu nhập ngôn sơn sơn

Cùng nhau cười nghiêng ngả

Mặc Lí Bạch "nguyệt hạ độc chước"!

Nào chén chú chén anh

Nào chén tôi chén bác

Nào đồng khởi chén của tất cả chúng ta

Nào cùng nói

Nói những lời gan ruột

Mấy mươi năm

Như một chốc thoáng qua...

Ta đã đi qua những tháng những ngày

Cuồng nhiệt, ăm ắp

Tràn trề sinh lực

Những đúng sai

Những được mất

Những lỗi lầm

Đã cháy hết mình

Đã yêu và đã sống

Nhiều khi chỉ vì một lời hứa vu vơ

Ái tình, Dục tình, Diễm tình

Trong – đục

Ta đã trải qua

Hình như chẳng có gì phải hối tiếc

Ta đã sống để rồi ta sẽ chết

Đủ làm nên ta là một là riêng

Nhất, Nhì ….hà tất bận tâm

Ngẩn ngơ khi trở về già !

Mặc ai sầu thảm

Mặc ai ngẩn ngơ

Mặc ai âu lo

Mặc ai nuối tiếc

Mặc ai….

Ta đã sống

Không héo rũ

Không nhạt nhòa lễnh loãng

Không hùa theo thế sự nổi chìm

Ta đã sống và ta đã sống

Dẫu chỉ bên lề một nhánh cỏ biếc xanh

Dẫu chỉ bên lề

Hoa dại

Sắc hương làm đẹp cho đất

Ai biết mặc ai

Ai không biết mặc ai…

Nào nâng chén cùng bạn hiền ta kính trọng

Nghêu ngao một câu Kiều

Hôm nay, Trời còn để có…

Cạn chén vơi đầy

Nhắc đôi câu chuyện cũ

Và cười

Xí xóa thôi

Cùng xí xóa

Nhân sinh đã nặng gánh rồi

 

 

 

 

 

NHÂN CÓ VỤ

NGUYỄN MĨNH HỒNG HƯU

[Vui đùa cùng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh]

 

 

Những lỗ thủng của lịch sử

Em trét mãi hổng xong

Em nhờ trển trét tiếp

Càng trét càng boang tung

 

Thôi hợp lực cùng trét

Cả nước trét trét. Đùng

Đùng đùng. Điệp điệp trùng.

Trét miên man. Vẫn lủng

 

Ôi lỗ thủng lịch sử

Nguyễn có mình hông ơi!

Sao anh giỏi đến thế?

Đến mức phải kêu trời!

 

Rằng xứ này mà giỏi

Chắc bị đánh tơi bời

Nên khôn ngoan ngậm miệng

Ăn đất tơi văn bời

 

Những lỗ thủng lịch sử

Từ đâu nó sanh ra?

Chắc từ trển rớt xuống

He he ta văn bà

 

Lịch sử là như thế

Là do kẻ viết ra

Trong cái đám viết ấy

Rất đông bưng văn bô

 

Bao nhiêu là sự thật

Chúng biến có thành không

Rồi biến không thành có

Ôi chó xồm chó bông

 

Và rồi sử lủng ra

Thấy biết bao ung nhọt

Hô hào nhau trét trét

Bùng tung và phọt phọt

 

Nhầm nhọt sử rất ngầu

Đến một ngày nào đó

Mạng mẽo tung văn hê

Bỏn phải ra cúi đầu

 

Mình hông gây náo loạn

Lịch sử bỗng trườn ra

Hình yêu tinh rắn rết

Cất tiếng cười ha ha.

 

 

CHỢT NHỚ N.V. GOGOL

 

 

Tôi đọc ông từ thời sinh viên

Những trải nghiệm phần nhiều học trò sách vở

Khi ấy mắt còn trong veo và gương mặt chưa nhàu nhĩ

Đọc ông và cười

Những linh hồn chết, những thây ma sống,

Những viên chức tép riu nỗi sợ cấp trên khiến lạc giọng khuỵu gối xám mặt

Sao lắm chuyện nực cười...

Năm tháng qua đi

Tôi trở thành một vai diễn trong tấn tuồng nhân gian

Vui nhộn và bi thảm

Nghiêm trang và nực cười

Những nhân vật của ông hiện diện khắp nơi

Chỉ có điều họ không ngậm tẩu không khoác áo choàng đã không nói tiếng Nga không đi ngựa

Họ là đồng bào của tôi, người Việt thuần chủng

Nhưng sao mà y hệt những gì ông đã viết

Thanh tra thanh mẹ thanh gì

Nghe tiếng tất cả xoắn vặn rúm ró và lo cống nạp

Tấn kịch bi hài tất cả đều nhem nhuốc

Tất cả đang nhốn nháo sống mà như những thây ma

Những thây ma tươi cười như robot

Những thây ma chưa bao giờ chết

Những thây ma

Những viên chức cấp thấp cấp cao cấp vừa cấp nhỡ

Huyênh hoang và nhạt nhẽo

Mòn mỏi trong phì nộn

Bận rộn ngôi lê buôn chuyện

Cả một thời nhạt toẹt não nề...

V.N.Gogol hình như có lần thở dài ngao ngán

Phải là kẻ vô cảm, tận cùng vô cảm

Mới không phát khóc lên vì tấn tuồng nhạt nhẽo

Cuộc đời

Tôi đang cố vô cảm

N.V. Gogol ơi!

 

 

  LỖ TẤN

 

 1.CỐ HƯƠNG

 

Những bài thơ về quê cũ,

Những bài hát về quê cũ,

Cũ như không thể cũ hơn,

Sao mà cũ thế.

Sao cứ phải yêu?

Sao cứ phải rưng rưng nước mắt?

Sao cứ phải nhớ quay nhớ quắt?

Nào có gì đáng nhớ đâu!

Thuyền trôi trên sông cảnh đôi bờ đìu hiu như vạn năm vẫn đìu hiu như thế!

Ngôi nhà mấy đời cha ông vắng hoe lơ thơ mấy con sẻ đậu.

Tất cả đã bỏ đi rồi.

Về quê thì sẽ gặp người,

Một người đàn bà không kỉ niệm,

Một người đàn bà chỉ khiến đàn ông ngoảnh mặt,

Một người đàn bà vô sinh!

Còn gì nữa?

Tuổi thơ tình bạn.

Trong veo đôi mắt,

Trong veo tiếng cười,

Trong veo giọng nói,

Cố hương đây rồi!

Tất cả tắt ngấm khi gặp lại người,

Mặt thê lương,

Giọng nói thê lương,

Dáng vẻ thê lương,

Héo hắt.

Cố hương ơi,

Trở về không vui,

Ra đi không tiếc,

Nào lại xuôi dòng theo sông ta từ bỏ,

Đi đâu, không rõ,

Nhưng cứ đi, đâu cần biết đi đâu,

Chỉ cần có nơi để bỏ,

Cố hương.

Rau muống và tương,

Nơi nào mà chẳng có.

Bánh đa vừng, chùm khế ngọt, con đò, cánh diều hay dòng sông bên bồi, bên lở...

Chỉ còn là kí ức xa vời.

Cố hương, cố hương!

Cố hương, cố hương!

 

 

2.THẬT ĐÁNG THƯƠNG

 

 

 

Phòng giam

Cai ngục chỉ biết dùng xích xiềng, gậy và nắm đấm

Tù nhân bị đánh bầm dập, te tua

Chỉ còn đôi mắt

Vẫn trìu mến

Nhìn người đồng bào của mình sống trong u mê, lầm lạc

Tù nhân chia sẻ với cai ngục những chuyện sơ đẳng nhất

Về đạo làm người…

Cái khối u mê xác thịt

Không hiểu vì hắn không quen nghe

Hắn chỉ quen tuân lệnh và ra lệnh

Cái máy vô hồn

Xót thương!

Thật đáng xót thương!

Người đồng bào u mê lầm lạc

Những người đồng bào u mê lầm lạc

Cả một dân tộc u mê lầm lạc

U mê lầm lạc suốt nghìn năm

Lầm lạc u mê

Ai kì bất hạnh!

Ôi bất hạnh nghìn năm!

Ôi bất hạnh triệu triệu con người!

Bất hạnh triền miên không dứt

Trăm năm nghìn năm miên viễn Bất Hạnh Con người

Những cai ngục thật đáng xót thương

Những người sinh ra cai ngục thật đáng xót thương

Xứ sở ngục tù thật đáng xót thương

Thật đáng xót thương xứ sở ngục tù

Tất cả đều là tù nhân

Tù nhân vĩnh viễn

Ngục tù vĩnh viễn

Đáng thương biết nhường nào.

++++++++

Ai bảo đây không phải là thơ...thì tùy!!!!

 

 

 

 HONORÉ DE BALZAC

 

 

Ông đã mang đến cho văn chương một sức sống diệu kì

Sức sống của Hiện tại

Nhốn nháo, nhộn nhạo, cuồng nhiệt, bừng bừng ước mong, khát vọng, sôi sục, sục sôi, cuồn cuộn, không nghỉ không ngừng

Tất cả những gì đang xác lập

Thì Hiện tại không chấp nhận

Những èo uột, sướt mướt, não nề

Kể cả những gì có vẻ tôn tốt…

Cõi nhân gian ừ đúng tấn kịch hề…

 

Hậu thế đọc ông choáng váng

Ngôn từ bùng nổ dữ dằn

Ngôn từ cuồn cuộn như thác lũ như bão giông

Ngôn từ ngổn ngang bất chấp khuôn phép

Ngôn từ của cõi nhân gian ồn ào náo nhiệt

Làm vỡ tan những du dương bay bổng lãng mạn rẻ tiền

Làm nản chí những lề thói cũ

Làm sôi giận những quý ông quý bà quý cô quen đọc thơ tình nức nở

Tay ôm ngực run run

 

Hậu thế đọc ông choáng váng

Trong tận cùng cảm phục

Đã mỉa mai định danh Tấn – hài - kịch – nhân – gian – văn – chương – ông – bô

Để có dũng khí vượt qua

Hậu thế đọc ông choáng váng

Còn ông chẳng buồn nghe

Nơi ông nằm

Vẫn bình yên lặng lẽ

Phảng phất hương thơm những bông huệ tinh khôi

Người đàn ông ngây thơ

Một mình làm nên huyền thoại

Ăm ắp những khóc cười./.

 

 

 

 

Đặng Tiến (Thái Nguyên)
Số lần đọc: 121
Ngày đăng: 13.01.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những chiều đông … / Cảm thức Xuân - Tịnh Bình (Tây Ninh)
Bốn lần qua sông - Lê Minh Hiền
Phúng dụ vầng mây - Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An)
Hơi quen - Hoàng Xuân Sơn
Nhớ mái tóc thề - Liên Phương
Lê Minh Hiền chuyển ngữ chùm thơ Năm Mới của Jackie Kay, Anonymous, Ella Wheeler Wilcox, & Ella Wheeler Wilcox - Lê Minh Hiền
Bốn mùa lặng thinh - Tịnh Bình (Tây Ninh)
Phúng dụ hạt đậu thần / Phúng dụ kinh mừng - Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An)
Nguyên xưa - Le Nguyen Thu
Như những cây không chụm lại thành rừng / Phản - nguyệt hạ độc chước - Đặng Tiến (Thái Nguyên)
Cùng một tác giả
F.KAFKA (thơ)
Mạng (thơ)
Văn Cao (thơ)
Phi lí (thơ)