Mới đây, tiểu thuyết Hoàng Cung nhà văn trẻ Võ Chí Nhất đã được dịch và xuất bản ở Ý với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’ do nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice ấn hành. Sách gồm 7 chương, 111 trang, giá bìa 16 Euro.
Hoàng Cung là tiểu thuyết đầu tay của Võ Chí Nhất được nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 2016. Sau 8 năm xuất bản, Hoàng Cung đã thay đổi diện mạo và xuất hiện nơi trời Tây. Võ Chí Nhất là một trong số ít tác giả trẻ được xuất bản ở châu Âu.
Bìa tiểu thuyết “Palazzo reale di Thang Long” của tác giả Võ Chí Nhất
Tác phẩm cho thấy một phương diện của thực trạng đời sống trong hoàng cung những năm vua Lý Thánh Tông tại vị. Theo tác giả, viết về hoàng cung, anh không chỉ chú ý khai thác ở phương diện các vấn đề của đời sống chính trị mà anh còn tập trung làm rõ ý thức, bi kịch tình yêu, quan tâm tới số phận con người. Đó là yếu tố làm nên cái mới và sức hấp dẫn ở cuốn tiểu thuyết này.
Tác giả Võ Chí Nhất
Bối cảnh câu chuyện trong Hoàng Cung là vào những năm vua Lý Thánh Tông tại vị. Bên cạnh những nhân vật lịch sử có thật (vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Thượng Dương Hoàng hậu, Hiền phi, Võ Quý phi (dựng lại một vài nét từ Ỷ Lan), Triệu Khải, Triệu Tuấn…); tác giả còn xây dựng thêm những nhân vật khác để làm cho câu chuyện trở nên gay cấn, sinh động, hấp dẫn hơn (Băng Châu, Thi Sương, Mã Đô và Võ Quý phi (một số chi tiết lấy từ Nguyên phi Ỷ Lan)…
Hoàng Cung không chỉ kể lại sự kiện và nhân vật, mà còn tái hiện lại cuộc sống con người với cả không khí thời đại, các chi tiết về tâm hồn, cá tính, trang phục, nhà ở, đồ dùng, lời ăn tiếng nói, bài ca, trò chơi…, và đặc biệt miêu tả đời sống cụ thể sinh động của nhân vật lịch sử, một trải nghiệm của một con người có tính cách, cá tính, trong dòng chảy của lịch sử, khiến cho người đọc không chỉ đọc một câu chuyện, mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy nữa. Tiểu thuyết cũng cung cấp một bức tranh có tính bách khoa về thời đại mà nhân vật lịch sử của mình sống. Và vì thế bên cạnh nhân vật lịch sử, buộc phải hư cấu thêm nhiều những nhân vật khác. Bởi vì các tài liệu sử học mà nhà văn dựa vào thường chỉ nêu các sự kiện chính và nhân vật chính. Bản thân sự kiện và nhân vật trong sách sử cũng rất giản đơn, sơ lược thiếu chi tiết, khi viết buộc nhà văn phải tưởng tượng thêm thắt. Nhân vật lịch sử còn có anh em, họ hàng, có vợ con, người hầu, có bạn bè, tình nhân, hàng xóm, những điều mà các cuốn sử không mấy khi kể đến, mà có kể đến cũng thường không có các chi tiết về khuôn mặt, giọng nói, tính nết hay biểu cảm... Mà không có chi tiết thì không viết tiểu thuyết được. Như vậy vai trò sáng tạo của nhà tiểu thuyết không phải là nhỏ và tiểu thuyết lịch sử không chỉ có nhân vật và sự kiện lịch sử mà còn có nhiều nhân vật, sự kiện hư cấu”.
Võ Chí Nhất đã đem đến cho người đọc những trang viết sinh động, thấm đẫm chất nhân văn. Cách kể chuyện đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ kể chuyện hiền lành, từ ngữ trong sáng, cách hành văn trôi chảy. Nhiều đoạn tái hiện lại khung cảnh, không khí cổ xưa rất phù hợp với bối cảnh thời phong kiến. Tôi cho rằng, đây là thành công và cũng là thế mạnh của Võ Chí Nhất và Hoàng Cung thực sự là một cuốn tiểu thuyết chững chạc. Tôi cho rằng tiểu thuyết Hoàng Cung của tác giả Võ Chí Nhất đủ sức chạm đến trái tim của độc giả Ý.