Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.984 tác phẩm
2.764 tác giả
442
124.401.937
 
Giai Thoại: Chuyện Cố Ngờ và Bà Ngoét (Phần I)
Nguyễn Vĩnh Căn

Cố Ngờ

 

 

 

 

Bà Ngoét

 

 

 

 

 

       Cố Ngờ và bà Ngoét là hai nhân vật giai thoại điển hình ở làng Thọ Ninh, Hà Tĩnh ngày xưa. Có lẽ, nhân vật bà Ngoét ít ai biết bằng cố Ngờ. Nhưng cả hai nhân vật này cũng chẳng vừa gì nhau: kẻ nửa cân, người 8 lạng của “một cặp đôi hoàn hảo”.

        Thế hệ di cư vào Nam 54, vẫn còn nhắc nhớ mãi những giai thoại về cố Ngờ và bà Ngoét. Có thể ngày nay, giai thoại đó đã bị mai một, quên lãng theo thời gian. Người viết chỉ thu thập câu chuyện bằng ngôn ngữ thời xưa qua các mẫu đối thoại, đậm chất văn hóa dân gian để làm phong phú thêm cho cuộc sống… Có thể, một số từ ngữ thuộc phương ngữ làng quê Hà Tĩnh đã không còn tồn tại.

***

        Sau 75, khi hai miền Nam Bắc thông thương… Người quê nhà Thọ Ninh - Hà Tĩnh, vào thăm bà con miền Nam ở Châu Sơn, bỗng đâu người ta nhắc đến tuồng tích cố Ngờ, bà Ngoét… làm sống lại hình ảnh giai thoại một thời của hai nhân vật ấy. Tiếng là chuyện về cố Ngờ được rất nhiều người biết rộng rãi, nhưng kỳ thực, để truy tìm cho ra nguồn gốc xuất xứ lai lịch của cố, lại không mấy ai biết.

        Rất may, trong một dịp nọ, tôi được nghe cố Kỳ Tương vào Châu Sơn đâu năm 1980? kể chuyện đầu đuôi khá mạch lạc. Có lẽ, phần giới thiệu cố Ngờ hơi bị dài, tác giả muốn mô tả về trận lũ lụt ở quê Thọ Ninh theo lời cố  Kỳ Tương, cho người dân trong Nam biết.

Năm 1908, có một trận lụt kinh thiên động địa mà dường như chưa bao giờ có ở Thọ Ninh ta.

        Ngày đó, đúng vào dịp tháng 8, trời mưa ngâu dầm dề suốt cả tuần lễ, khiến ai cũng lo sẽ có lũ lụt lớn. Mực nước sông La đang cuồn cuộn dâng lên chờn vờn mấp mé bờ. Biết là thế, nhưng cũng chẳng làm được gì hơn để tránh khỏi lũ quét. Có lắm thì lo củng cố lại chạn gác cho kiên cố vững hơn để đưa gạo thóc, mùng mền chăn chiếu áo quần lên sẵn mà thôi. Còn súc vật gà vịt, trâu bò, heo chó… thả rông đành phó thác cho trời đất may rủi. Đến ngay cả tính mạng con người còn chưa giữ được, vì có khi nhà cửa mà lũ còn kéo phăng đi nữa là… Những ghe nôốc cũng được neo vào các cây cổ thụ để phòng khi lũ dâng cao quá nóc nhà mà dùng nó.

        Bỗng đâu trời mưa như trút nước. Biết khó tránh khỏi một cơn cuồng bão lũ lụt, nên nhà nhà lo nấu cơm để cơm đùm cơm vắt cho những ngày lũ về. Nhưng điều đó cũng không dễ một chút nào. Ở ngoài Bắc Hà Tĩnh quê ta, bình thường nấu một nồi cơm đã khó rồi, vì củi đuốc đâu dễ có, chỉ nấu cơm bằng rơm rạ, nói chi đến trời mưa dầm lụt lội lại càng khó khăn hơn.

      Kể đến đây, cố Tương khề khà điếu thuốc lào, chờ cho làn khói tan loãng vào không gian, rồi cố kể tiếp.

      Năm đó tôi chỉ mới 8 tuổi, nhưng hình ảnh của trận lũ lụt đó vẫn như in trong tôi.

       Bữa đó, trời bỗng nổi lên cơn lốc ào ạt từ ngoài sông tràn vào xóm làng, gió đánh thốc vào cây cối bật rễ bổ ngổn ngang. Nhà cửa xiêu vẹo theo từng cơn gió, rung lên cầm cập. Mực nước càng lúc càng dâng cao. Những đồ vật xoong chảo, nồi niêu, áo quần… trôi lềnh bềnh theo dòng nước cuốn đi trước sự bất lực của con người. Mọi người í ới gọi nhau: Mau leo lên chạn đi mẹ con bây ơi! Chèo nốôc (con đò nhỏ) lại đây mau, không khéo nước dâng quá nóc nhà! Rồi tiếng la khóc inh ỏi: Trời ơi là trời ơi! Nhà cửa bầy tui cuốn phang theo nước rồi, trời ơi cứu tui với. Lúc này thì mọi người đều leo lên nóc nhà. Xem ra, cũng chẳng an toàn chút nào, vì một lượng người quá tải làm cho cây đòn thượng vị cũng oặn xuống, có nguy cơ gãy đổ…. Trong khi dòng nước lũ mênh mông cả đất trời cứ vô tình phăng phăng cuốn trôi đi tất cả…

       Một quang cảnh hết sức hỗn mang và thảm khốc đe dọa tính mạng người dân từng phút giây. Cũng may, người dân ta cũng đã quen với cảnh lũ lụt biết bao đời, nên cũng đã kịp thời biết cách ứng phó…

        Trận hồng thuỷ trên tả ngạn sông La kéo theo một dòng cuồng lưu đỏ au tuôn chảy rào rạt  như quân Nguyên Mông càn quét và tàn phá ruộng đất nhà cửa và cây cối trong hoang tàn đổ nát thê lương chưa bao giờ từng thấy trên cái mảnh đất cơ khổ này.

         Làng Thọ Ninh cũng không thoát khỏi cái cảnh nước chảy bèo trôi. Bao nhiêu ruộng lúa ngô khoai ngập trong dâu bể. Nhà cửa phần nửa bị kéo sập xuống ngan ngát mái tranh xập xệ. Kèo cột rui mèn khập khiễng như chàng thương binh bước xiêu vẹo. Những chiếc chum, chiếc vại nằm la liệt bên những hũ cà dưa muối ngổn ngang.

        Quang cảnh sau trận lụt tả tơi xác xơ đến tiêu điều, trông thảm hại biết dường nào. Mấy bà dân quê nhìn thảm cảnh màn trời chiếu đất thì bật khóc thê thiết. Ôi lạy Chúa tôi! Ngài ở mô rồi mà không ra tay cứu nhà con lúc ni nữa hả trời!!! Như ri thì làm răng mà sống được nữa đây trời!!!

        Muốn hay không muốn, cuộc sống cũng cứ trôi đi như dòng nước chảy. Dân làng lo nhặt nhạnh thu xếp lại để dần ổn định cuộc sống. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là…

         Sáng hôm sau, dân làng thấy chiếc bè trôi dạt vào trộc bến cố Thông Đoan. Một thân người to vậm vạp, nằm bất động trên bè. Ban đầu dân làng tưởng lão ta đã ngỏm tỏi rồi chứ! Một lúc sau, thấy lão trở người mới biết là lão còn sống. Tuổi lão khi đó khoảng 50.

         Từ đó, lão Ngờ về sinh sống tại làng Thọ Ninh đến sau này. Nghe nói lão Ngờ ở đâu trên Voi Bồ - Ngàn Phố trôi dạt theo trận lũ về. Lão sống kiếm cơm cốt bằng nghề đi Trủ. Đi Trủ - tên của một nghề đánh bắt cá, cào hến trên sông nước. Thấy lão một chắc (một mình) đơn độc, xóm chòm tội nghiệp, nên chùm cho lão một chiếc lều ở gần trộc bến cây Gạo…

         - Con nghe nói, cố Ngờ có ba vụ (vú) phải không cố?

         - Lão Ngờ có cái thân hộ pháp giống như Tây. Ngực nở nang và đầy lông lá, có 3 chùm lông nổi lên như 3 chiếc vụ (vú).

         Mấy đứa tôi ngồi nghe có vẻ sốt ruột:

        - Rứa chuyện cố Ngờ ra răng nữa cố!

         Cố Kỳ Tương chậm rãi, nâng ly rượu lên nhấm nháp, trong khi mấy người ngồi nghe nóng ruột để nghe cố kể về cố Ngờ.

         - Muốn nghe giai thoại chuyện cố Ngờ, tưởng cũng cần phải biết bà Ngoét mới tạo nên bộ đôi giai thoại một cách đầy đủ được.

         - Rứa cố kể chuyện bà Ngoét đi cố.

***

         Khác với cố Ngờ, bà Ngoét không mấy xa lạ với người dân Thọ Ninh. Bà Ngoét người nụ nắn, càng làm cho con người thấp xuống trong dáng bộ khi đi nũng na nũng noãn.  Nhưng khuôn mặt lại choắt vỏ vàng với cái mồn chu chéo điêu ngoa ơi là ngoa!!

       Bà Ngoét vốn ở bên kia sông, xóm Tân Định, sau lấy chồng sang bên Thọ Ninh. Bà thường buôn chè tươi, thuốc lào, bánh quà, kim chỉ… Mua hàng ở chợ Hôm - cầu sắt Thọ Tường, về bán ở Thọ Ninh. Số trời run rủi, bà làm một lều tranh trước nhà cố Ngờ để bán quán hàng. Hai người này khác chi chó với mèo. Ả thì nguýt ngoa nguýt ngoáy, chanh chua và đanh đá không ai bằng. Còn enh thì bặm trợn, lì lợm, tinh quái và gan cùng mình. Ả bốn chín gặp enh năm mươi là vừa đôi.

        Bữa gặp đầu tiên… Bà Ngoét đã khai chiến trước. Bữa đó, không biết vô tình hay cố ý, bà vừa chạy vừa đuổi đàn gà tan tác, rồi bà ném đất tới tấp: oài oài, vơ cục cục… Vô tình lão Ngờ đi qua, bị cục đất ném trúng ngay mặt. Lão quắc mặt: Mả cha con mệ mô to gan mà dám ném trữa mặt tau!? Bà Ngoét cũng không vừa: Tui ném ga (gà) tui chừ ném chi ông. Hai bên cãi lộn qua lại và suýt đánh nhau. May mà có bà con làng xóm ra can…

        Nhưng rồi cùng lối xóm với nhau, trước lạ sau quen nên cũng hòa hoãn đi lại nhau uống nước mới mỗi sáng tối. Nhưng rồi lão Ngờ biết chắc con mệ Ngoét chơi mình nên để bụng. Chẳng qua đi lại xóm chòm, bằng mặt chứ không bằng lòng, nên hở ra, khi nào có dịp là chơi ác nhau.

         Bà Ngoét vốn thường hay chơi khắm cố Ngờ nhiều vố đau điếng, khiến cố Ngờ cay cú lắm! Nhưng nghĩ kế mãi không ra…

         Một hôm, tình cờ ngồi hóng mát sau hè… Thấy bà Ngoét đi ra dãy hòe, ngồi xòe mấn… Thế là cố tương kế tựu kế…

Kiến cắm loét Chẹm rồi bà con ơi!!!

         Một đêm nọ, cố nấu ấm nước mới vừa chín tới hoe hoe, mời bà Ngoét và lối xóm sang uống và chuyện trò cà kê dê ngỗng chán chê… Bà Ngoét buồn ngủ và chào về.

          Đêm ở một quê tĩnh lặng lắm! Gió rào rạt từ sông lên như ru giấc ngủ một miền quê. Bỗng đâu, nghe bà Ngoét hét toáng lên, la làng:

       - Chao ôi, chao ôi, kiến cắm tui đau quá trời ơi là trời ơi!

       Cố Ngờ chạy sang hỏi thăm:

        - Chi đó bà Ngoét, kiến cắm ở chỗ mô mồ, để tui xức lá trù khôông (lá trầu không) cho mồ.

        Cả xóm nghe la làng vội chạy tới….

       Bà bị kiến cha ôi cắn đau là thế, vậy mà khi dân làng tới hỏi bà đau chi mà la làng lên vậy. Bà chối quanh để chỉ nói là đau bụng. Nhưng rồi bà biết, mình bị lão Ngờ chơi một vố đau, mà đành cam tâm chịu trận. Khi nhà làng về rồi. Bà Ngoét cầm bừa cào chạy theo rượt vừa chửi:

      - Mả cha thằng Ngờ, mi đổ kiến đây, làm bà bị kiến cắm loét chẹm...

        Cố Ngờ vừa chạy vừa là làng:

      - Cứu với, cứu với! Kiến cắm loét chẹm bà Ngoét rồi làng xóm ơi!! Bớ bà con, mau cứu với!!!

       Bà con lối xóm chạy tới, thấy chuyện “oan gia oái ăm” của hai người, không nhịn cười được.

       Số là chập tối, cố Ngờ bắt một lon kiến cha ôi, đổ ngay cái chỗ bà vẫn thường hay ra tè. Đêm đó, bà uống nước về mót đái, ra bờ hòe tè. Mấn (váy) phủ xuống, kiến men theo lên, thấy rậm rạp và có lỗ, kiến nào mà kiến không chui vô, mới là chuyện lạ!!!

Tít cắm tui đau quá! Trời ơi!!!

       Bà Ngoét cũng chẳng vừa gì. Càng nghĩ lại cái bữa kiến cắn chẹm, càng tức lão Ngờ ứa gan, nhưng nghỉ mãi không ra kế để trả thù.

       Bà Ngoét vốn buôn chè xanh đi hôm về trầm. Một đêm, bà về tắt qua nhà cố Ngờ, trời không mưa mà thấy nước róc rách chảy… Bà Ngoét tự nhủ: “Phen ni, mi chết cho tau, thằng già Ngờ ơi!”.

         Bà tương kế tựu kế, nấu một ấm nước chè hòe, rồi mời cố Ngờ sang uống… Chuyện vãn chê chán, cố Ngờ về ngủ… Bỗng một lúc sau, có tiếng kêu cứu:

        - Ớ làng xóm ơi! Cứu tui với! Cứu tui với!!

        Cả xóm nháo nhác đến hỏi:

        - Có việc chi mà lão van trời rứa!

        Cố nhăn mặt than như bọng:

       - Con tít cắm tui, con tít cắm tui ngay cái củ từ, đau quá trời ơi!

        Thấy cố Ngờ cứ xắm nắm củ từ, nhảy cù quếch, cả xóm được bữa cười no trừ cơm.

        Còn bà Ngoét, cũng chạy sang tỉnh bơ.

        - Tít cắn chỗ mô, để tui lấy thuốc lào rịt cho mồ.

         Cố Ngờ nhìn bà Ngoét, lòng căm tức, nhưng không biết làm sao được. Miệng chửi thầm: “Mã cha con mệ Ngoét ni. Hãy đợi đấy!!!”. Còn bà Ngoét thì cười thầm hả hê trong lòng vì đã trả nợ được mối thù hôm trước.

         Số là cái chõng tre cố ngủ đặt sát vách phên. Đêm ngủ, mắc tiểu, cố lười dậy, nên trổ một lỗ, để thò chim ra đái. Bà Ngoét biết được cơ mật, nên tương kế tựu kế, lấy cái kẹp than hơ nóng sẵn ở nhà, chờ khi nghe tiếng nước chảy róc rách là bà ra tay, lấy cái kẹp than nóng hổi, kẹp ngay cái củ từ, cơ quan nào chịu cho thấu hả trời!!!

        Thế đấy, người xưa không được học hành, nhưng những trò ma mãnh, tinh quái ranh ma thì người thời này khó có ai bằng!!

      Xin mời bạn đọc xem tiếp phần II - Giai Thoại, Chuyện Cố Ngờ và Bà Ngoét.

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 42
Ngày đăng: 15.01.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bão tuyết - Võ Công Liêm
Cuối cùng, cho một đời người! - Nguyễn Vĩnh Căn
Bếp mùn cưa - Bùi Thanh Xuân
Sau lần họp lớp - Hoàng Thị Bích Hà
Ký ức sáng mồng một tết - Thanh Phương
Con bé Kim Ngân - Bùi Thanh Xuân
Chuyện vui chuyện buồn, cũng tháng 12… - Phạm Nga
Nhánh hoa khô - Bùi Thanh Xuân
Thầy trò thời 2.0 - Đỗ Nhựt Thư
Bài thánh ca buồn - Thanh Phương
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)