KÍNH TẶNG NHỮNG NGƯỜI SỐNG CHẾT VÌ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC[1]
CHƯƠNG KẾT
BỜ NAM CẢNG BIỂN TẬP KẾT
(Điệp khúc)
… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần giữ đảo?[2]
Trường ca này không thể không viết![3]
… Mỗi dăm chục hải lý đất liền
ta lại nghĩ
ta lại tích
Gần như là thật
không nói cho đẹp
hành hương quê nhà
bao lần ven biển
phút thống khoái nhất
đường trường xe buýt
quán dừng thứ nhất
thị trấn chăm gốc
sóng chồm táp mặt
mão áo cuốn đi
chả dám lao theo
nhập vào biển biếc
này đây thân xác
anh hùng biển rơm
anh hùng rơm biển
mỗi dăm chục hải lý đất liền
tích được mớ nào câu ý sướng hơn điên
(điên kiểu Thi sĩ trung niên[4] bảo sao không sướng)
cho bản trường ca biển đảo Tổ quốc hình chữ S
nhủ
tụng
niệm
tên bài lúc này
hay dở mặc bay
quần-đảo hai chữ
phải lộ thiên ngay
nội dung nội hàm nội lực nội công nội thất nội tạng
như giời ngang bể
ném cho chó đói
chó quẫy đuôi chê
phỉ phui mày cái đồ trường-ca-ca
đừng con nhé
thiếu hụt
cụm từ quần-đảo
khấn
niệm
tụng
Đây không nói chữ
đấy gần như thật…
Giật mình
ta đắm lòng say
ngắm con chim nhỏ hôn ngày
đỗ quyên
giật mình
quần-đảo-tráo-tên
gan trơ nguyệt tuế đâu hay
giật mình…[5]
Nào đến nỗi bạn thơ giễu cợt
Chưa tới đảo xa hành nghề nói dóc
chưa lội biên cương hành nghề nói thêm
chưa dạo bắc phương hành nghề nói trạng
chưa lùng nam phương hành nghề nói càn[6]
Đòi đảo bằng thơ
đòi thở bằng đao[7]
*
Phác thảo
đêm mơ tên bài
Quần đảo mất ngủ
Vài bữa kế
sáng thiền dang dở
Quần đảo mất tên
(a cái này hơi nhạy cảm thảy liền)
Bữa nọ đào hào sân hoang vườn nhỏ
Quần đảo tráo tên
nghe ngang tàng
thấy ghét
Hoàng hôn
chờ cơm
chờ cơm
hoàng hôn
cố thử sao nhẹ hơn
cho nó lành
thì đôi lúc thơ trường ca cũng cần ngoan tí
Quần đảo mạo tên
Một điều nhịn chín điều lành
ăn theo tục ngữ
(“một” và “chín” đều những số từ phiếm chỉ ý các cụ khuyên cháu con nhường nhịn nhún nhường chút chút hòng mong kết quả tốt đẹp dài lâu câu răn thể hiện cái tinh sự tế nơi đối nhân xử thế thời xưa[8])
trang lứa 4.0 biết rồi tội lắm nghe mãi[9]
thì cái trường-ca-ca còi đây thi pháp phiếm chỉ đó thôi
dám xin hỗn tổ tông nào phát hiện câu đoạn nao hồi chương nao trực chỉ đích danh người vật địa điểm nơi chốn sự kiện con lãnh phạt cõng ngài vòng vo hồ trả kiếm
Không
nhịn hoài nhịn hủy
ờ đã mấy ngàn năm rồi đấy nhỉ[10]
Chốt tít
QUẦN-ĐẢO-TRÁO-TÊN
gạch nối liền tù tì
được quả vần lưng tiện miệng dân ta
lại lột trần cả cái danh trâng tráo
ắt thuận lòng thiên hạ
Quần-Đảo-Tráo-Tên Đy[11]
*
Nửa thế kỷ
chẵn
75 cột mốc thịt xương
gióng trời cao lãnh hải
tiên phong
Trung tá
Hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10[12]
các anh chết làm gì có mộ
làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
chỉ còn đảo trên nền đất nước giữa trùng dương
điều khốn nạn vẫn là cả khi máu đổ
đảo chưa gần chưa thật đảo của chúng ta[13]
thêm nhiều lần Tổ quốc phải sinh ra[14]
Ô hô ai tai
75 liệt sĩ anh hào
đảo xanh máu đỏ sóng gào đòi tên
Trường ca quần đảo
Trường ca quần đảo
Trường ca quần đảo…
Hà Nội & Sài Gòn & Vancouver
(Phác thảo 19/1/2024; chấp bút & hoàn thành 14/3 & 28/8/2024;
tu chỉnh 5/1/2025)
Đỗ Quyên
PHỤ LỤC
A. TỰ BẠCH[15]
Thưa vâng cũng thế tôi liều bút khi tin vào ký ức không phải như một đích đến mà như điểm khởi hành – một máy-phóng ném bạn đọc vào thời hiện tại và cho phép bạn đọc tưởng tượng tương lai thay vì chấp nhận nó…
Tôi hoàn toàn cũng xin được cam kết không thể có bất kỳ mối liên kết nào với lịch sử nếu lịch sử chỉ là một bộ sưu tập những người chết những địa danh chết những sự kiện chết…
Vậy nên đó là lý do vì sao tôi phải nhảy dù cố gắng[16] viết Quần-đảo-tráo-tên ở thời hiện tại mà cố gắng giữ cho mọi việc đã xảy ra như đang sống và cho phép nó xảy ra lần nữa khi người đọc đọc nó…
Của đáng tội tôi là một học trò không đến nỗi khốn khổ môn lịch sử nên các lớp học lịch sử - tùy thầy cô tùy nội dung đề tài đã đành mà còn tùy thể xác và linh hồn nơi tên học trò nhỏ bé là tôi - không đến nỗi quá giống như những cuộc viếng thăm bảo tàng người-bằng-sáp hay khu vực người chết…
Thì vẫn quá khứ là vô hồn trống rỗng câm lặng nên cũng có thể người ta dạy chúng tôi về quá khứ sao cho chúng tôi dễ dàng từ bỏ chính mình với lương tâm kiệt quệ thời hiện tại để đừng tạo ra lịch sử vì lịch sử đã được hoàn thành cứ đơn giản hãy chấp nhận nó…
Chả nhẽ lịch sử nghèo nàn đã tắt thở phản bội trong các tài liệu học thuật có phần dối trá trong học đường mà chết chìm trong những ngày tháng
chả nhẽ họ đã giam giữ lịch sử trong các viện bảo tàng và chôn nó với những vòng hoa bên dưới tượng đồng và đá cẩm thạch tưởng niệm…
Có lẽ Quần-đảo-tráo-tên có thể phần nào - dẫu bé bằng mắt muỗi biển - giúp trả lại cho lịch sử hơi thở sự tự do và tiếng nói…
Ai cũng biết thừa trải qua nhiều thế kỷ tài nguyên[17] Biển Đông đã bị tước đoạt
kia tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng với hơn 160.000 loài gần 10.000 loài thực vật và 260 loài chim sống ở biển với trữ lượng các loài động vật ở biển chừng 32,5 tỷ tấn trong đó cá chiếm 86%
kia nữa tài nguyên phi sinh vật ngoài dầu và khí đốt là tài nguyên lớn nhất còn có nhiều loại khoáng sản giá trị như sắt ti tan cát thủy tinh và oách nhất là có loại khí đốt băng cháy với trữ lượng tương đương với trữ lượng dầu khí
tất nhiên còn kia tài nguyên giao thông vận tải và tài nguyên du lịch…
Đau hơn cả ký ức của Biển Đông cũng bị tước đoạt
gần như ngay từ đầu Biển Đông đã bị cưỡng bức đến mất trí nhớ bởi những kẻ ngăn cản nó sống
lịch sử đơn phương của Biển Đông được quy về một cuộc diễu hành quân sự của các quan lớn trong đồng phục vừa được giặt-khô…
Tôi không phải một nhà sử học
tôi chỉ là một trường ca gia muốn góp phần - dẫu bé bằng mắt muỗi biển - giải cứu ký ức bị giam cầm của toàn thể Biển Đông trước hết của các đảo-bị-tráo-tên thuộc vùng đại dương yêu dấu không quốc gia nào dám khinh bạc
tôi muốn trò chuyện với miền sóng nước này khi chia sẻ những bí mật của nó thăm hỏi nó về những vùng sóng gió lồng lộng chân trời vời vợi mà nó được sinh ra về những yêu thương hay bạo lực mà nó từng nếm trải…
Tôi thiệt tình không biết thể loại văn học của sáng tác này là gì
việc tìm câu trả lời xác quyết cho câu hỏi đó đã khiến tôi mất ngủ mất ăn
tôi không tin vào những đường biên theo đó các viên chức hải quan văn chương tách biệt các thể loại…
Quần-đảo-tráo-tên không phải là một hợp tuyển tư liệu và thi liệu
rõ ràng không
nhưng tôi không biết liệu nó có là
thơ trường ca
chuyện kể
siêu hư cấu
ký sự hay bình luận thời cuộc trộn văn vần văn xuôi
hay tài liệu báo chí hay sử thi hoặc biên niên sử hoặc...
Có lẽ nó thuộc về tất cả hoặc không thuộc về một thể loại nào
thôi thì cứ để tôi gọi tạm là trường-ca-tư-liệu
đa tạ ạ…
Nó rõ như ban ngày không phải một tuyển chọn tư liệu và thi liệu mà là một tác phẩm văn học
tác giả đề xuất một tiểu-sử-thi Biển Đông trước hết là các quần-đảo-bị-tráo-tên
thử thi vị hóa khám phá những chiều kích chồng chéo và thâm nhập những bí mật của nó dựa trên cứ liệu và thi liệu vững chắc nhưng xúc cảm hoàn toàn tự do
tác giả nối kết những gì đã xảy ra mini lịch sử Biển Đông và trên hết các quần-đảo-bị-tráo-tên
tác giả đã tìm cách sao cho độc giả cảm thấy những gì đã xảy ra đang xảy ra lần nữa khi tác giả kể lại câu chuyện một cách viễn mơ...
Tôi
xin thành thật khai báo
không viết một tác phẩm khách quan – không muốn và không thể…
Đánh cho tôi hai chữ đại xá rõ to nếu Quý bạn thấy chẳng có gì trung lập về cuộc tường thuật tựa-lịch-sử này
không thể giữ khoảng cách đến chính mình tôi thiên vị hơi bị nhiều
tôi thú nhận điều đó và chả nhẽ lại không xin lỗi…
Tuy nhiên mỗi mảnh của miếng khảm lớn này đều dựa trên nền tảng tài liệu và thi liệu vững chắc
những gì được nói ở đây đã xảy ra theo cách này cách khác
mặc dù tôi kể về nó theo phong cách và phương thức riêng…
Tác giả
B. VÀI TRÍCH DẪN THAM KHẢO CĂN BẢN
[... …...]
C. DƯ LUẬN PHẢN HỒI
* Trương Đăng Dung [PGS-TS Nhà lý luận, Nhà thơ - Việt Nam]
Tôi đã đọc xong trường ca này; 2 lần, một lần trên điện thoại, một lần in ra giấy, mang về quê đọc nhân 49 ngày của mẹ… Quả là một liên văn bản công phu, được viết theo tình thần mới; điểm độc đáo là chủ nghĩa thực chứng (tiền hiện đại) sống lại trong môt hiện thực thậm phồn (hậu hiện đại). Phục sức làm việc, sức viết của bạn tôi ĐQ.
* Lê Hồ Quang [Nhà lý luận - phê bình, TS Giảng viên - Việt Nam]
Mới đọc được một ít, nhưng tôi cũng phần nào cảm nhận được cái tinh thần, không khí bi tráng, dữ dội; cái khẩu khí, giọng điệu đau đớn mà ngang tàng, tiếu ngạo từ thế giới thơ Quần - đảo - tráo - tên mang lại.
Liên văn bản dày đặc. Chi tiết, hình ảnh bề mặt bề bộn, ngổn ngang, gợi cảnh tượng một đại công trường đang xây dở nhưng kỳ thực vẫn ráp nối lớp lang ở bề sâu, biểu thị một kiến văn sâu rộng, sở đọc đa dạng, sự am tường các vấn đề văn hoá, lịch sử, chính trị và kiểu tư duy kiến tạo vừa bén nhạy vừa phóng túng, luôn (tự thấy, tự biết) trong vẻ "phóng túng hình hài" cố ý đó một dáng vóc, một giá trị riêng, không lẫn.
Cái cách mà chủ thể tự trình hiện qua mạng lưới liên văn bản ấy luôn là thế: vừa nghiêm trang, rành rẽ, chi li (của người có thói quen làm việc khoa học, thể hiện ngay trong từng thao tác chú thích) vừa khoái hoạt, trửng giỡn, nồng nhiệt.
Thật mệt. Vì văn bản trữ tình ấy không chấp nhận sự đọc nửa vời. Nó đòi hỏi (và kêu gọi) một sự tham gia toàn triệt, trên nhiều tư cách đọc/ tiếp nhận. Thú thực, nhiều lúc tôi cảm thấy đuối. Nhưng có điều gì đó mãnh liệt ẩn dưới văn bản thôi thúc tiếp tục.
* Nguyễn Đức Tùng [Nhà thơ, Nhà phê bình - Canada]
Vừa coi qua, xin có vài ý nghĩ lộn xộn: Thi pháp pha trộn thơ và văn xuôi ở bài này nhuần nhị hơn trước. ĐQ là nhà thực nghiệm “phóng túng vong mạng” nhỉ? Sức viết mênh mông, xuyên suốt các genres - topics [thể loại - chủ đề], có chút surreal [siêu thực], bao phủ biển trời trong ngoài tất tật. Tuy là Biển Đảo mà thực ra nhiều thứ trầm luân khổ ải pha tình tứ bồi hồi trong nầy. “Thoát không dễ đâu em?” :-) Trường ca của bạn khiến lòng ta lảo đảo!? Thú thật từ lâu mình không còn quan tâm đến vụ biển đảo nữa, để mặc… đảng & nhà nước lo ha ha. Đúng là tệ quá, cám ơn bạn ta nhắc giùm. Mà này, trong thơ có hay có hên nhưng lắm khi hay không bằng hên, như đoạn 7.2, cực thú vị [từ "mình ngắm mình mình có thấy mình đâu" đến “đường xưa rải mây trắng ngần”].
Bài giới thiệu của Nguyễn Nguyên sắc sảo nhỉ… Văn tiểu luận hùng tráng và xứng đáng với trường ca hậu hiện đại ĐQ!
* Đặng Thân [Văn gia, Luận triết gia, Ect gia - Việt Nam]:
Đồ sộ, đồ sộ, đồ đồ sộ!
Quả lẩu chữ nè thiệt là tưng bừng, hoằn cháng!
Đòi đảo bằng thơ
đòi thở bằng đao!
* Mai An Nguyễn Anh Tuấn [Đạo diễn, Nhà văn, Ký giả - Việt Nam]
Một trường ca lạ! Quần-đảo-tráo-tên mang cảm hứng chủ quyền Tổ quốc nồng nàn không kém tiểu thuyết thời sự Trung-Việt Việt-Trung của tác giả ra đời mấy năm trước. Một điều thú vị, trong bản trường ca thời sự này thi sĩ đã có “cú đá nhẹ” sang sân điện ảnh bằng “Phản biện vui với Nhà Bà Nữ”! Tâm sự chút với bạn hiền bên kia trái đất: Tuần trước, có dịp tới xứ Lạng ngắm nhìn từ xa Mục Nam quan xưa, Hữu Nghị quan nay - hiện đang nằm trên “đất lạ” mà cứ thế chảy nước mắt…
* Pham K. Khanh [Giảng viên Lý luận, Nhà văn - Việt Nam]
Cái tên Quần-đảo-tráo-tên: hay và gợi. Bút pháp “xuyên tâm liên” của trường ca này độc lạ và đặc sắc; cách đưa thời sự và liên văn bản tạo nhiều cơ hội mở cho diễn đạt, làm giàu sự kiện, bình bàn về sự kiện… Rất thông thái!
* Nguyễn Nguyên [Nhà báo - Việt Nam]
(Tóm lược bài “Quần-đảo-tráo-tên”, không thể đọc một lần…”, vandoanviet.blogspot.com 26/11/2024)
- “Cần nói rằng, không chỉ một lần mà còn phải đọc chậm, nhất là có thể phải đọc nhiều lần.”
- “ấn tượng thi hứng, thi pháp gợi mở từ lần xem đầu tiên vẫn được duy trì, càng lộ diện đầy đặn, sâu sắc thêm cho tới lần coi kỹ cuối cùng. Điều đó khiến trường ca này trở nên độc lạ, đồ sộ. Thú thật, vẫn đầy hào sảng và nguyên vẹn âm hưởng ngang tàng khiến tôi “thở phào” khi vừa mới đọc xong toàn bộ”...
- “trường ca thời sự này được chăm chút mượt mà với nhiều lớp lang phủ lên nhau mềm mại. Tác giả ĐQ đã lọ mọ lục lọi cả đống quá khứ để tạo ra chiều sâu cả về chuyện biển đảo lẫn phong cách thơ ca.”
- “Quần-đảo-tráo-tên thực chất là gắn liền với lịch sử [...] Và vì thế còn [...] nương vào hiện thực văn hóa, ca dao, đồng dao, thành ngữ Việt; và đặt trên “quần đảo trường ca” (bao gồm thơ, ca từ) gắn vận mệnh cương vực biển đảo Tổ quốc với những người Việt cầm bút…”
- “Đặc sắc đầu tiên là ở chỗ tác giả dường như muốn thông qua sự xâu chuỗi, nghiền ngẫm “liên văn bản” trường ca, thơ ca viết và văn chương truyền miệng để thấu hiểu, thừa hưởng và tìm ra khoảng trống hầu mong tiếp tục liên kết, lấp cho đầy trọng trách của người cầm bút…”
- “Với bạn đọc chưa quen kiểu “liên văn bản” khác lạ vậy, có thể chưa dễ hình dung tác giả trích nguyên văn hay chỉ trích ý hoặc vài câu/từ [...] phải chăng “lần đầu tiên” trong thi ca Việt, cụ thể trong trường ca, cái thủ pháp nghệ thuật này được dùng nhất quán trong cả một tác phẩm thơ dài hơi?”
- “Trường ca [...] có công khi thiết lập “Danh sách thi phẩm về biển đảo/thi ca giăng hàng thẳng lối gióng theo chủ quyền cương vực Tổ quốc ngoài khơi” [...] còn có thành tích hơn nữa khi tiếp tục bồi đắp vào Danh sách những vần thơ tim não của riêng mình xứng tầm, thăng hoa cùng tinh túy của dòng chảy chung.”
- “lối viết Hậu hiện đại thoải mái như thế, tất có không ít những câu thơ “khó nuốt” nếu đọc theo cách truyền thống quen thuộc. (Đó là một trong vài điểm yếu [...] ở sáng tác đầy khó khăn này).”
- “Đôi nét đặc sắc nữa [...] lộ diện dần thi pháp của mình: khi thì tự do tuyên ngôn, phản biện, dẫn chứng, nghị luận; lúc lại “chơi” thơ 5 chữ 7 chữ kiểu nhạc ráp như câu nói, đối thoại, phỏng vấn; rồi tới văn tế, mõ rao, liệt kê thống kê; lại bất chợt mượt mà lục bát ca dao với âm hưởng tự hùng, trào lộng, dạy răn, bao dung, lắng đọng…”
- “có công làm mới, “dám” bổ sung, nâng cấp cả đồng dao, ca dao, tục ngữ.”
- “Vốn là một người thầm lặng đọc, tôi “kinh ngạc” khi thấy ĐQ kết nối được mảng trường ca văn học với mảng trường ca đảo trong một “phong cách đại dương” [...] muốn nghệ thuật ngôn từ của anh cũng phải bứt phá, vượt lên trên tất cả? Trừ ra Tổ quốc Hình Chữ S…”
- “Thực ra sự tráo-tên, nói theo triết học là đánh tráo khái niệm, vừa là đối tượng nghệ thuật của trường ca ĐQ; vừa là quan niệm ứng xử, là thái độ chính trị cần phá bỏ mà sáng tác này trông mong. Một cách trông mong đầy lý tưởng, nếu không nói là mộng tưởng?!”
* Do.Honza / Đỗ Ngọc Việt Dũng [Nhà văn, Dịch giả - Việt Nam]
Nhà phê bình Nguyễn Nguyên đọc kỹ, nhuần nhuyễn nên nêu được nhiều góc cạnh của một bài thơ trường ca rất dài, rất nhiều nội dung.
* Nguyễn Thế Thanh [Nhà báo - Việt Nam]
Tôi vừa đọc trên Văn Việt bài "Quần-đảo-tráo-tên, không thể đọc một lần", và không kìm nén nổi sự khao khát được đọc trọn tác phẩm mà bạn đã dày công biên soạn, giới thiệu. Thế nên tôi mạo muội viết thư gửi bạn, mong bạn giúp cho tôi có được cuốn sách nhé. Nhà tôi - Luật sư Trương Trọng Nghĩa rất quan tâm đến tác phẩm này và đã dặn tôi liên lạc ngay với bạn. Xin lỗi và cảm ơn.
* Trần Hạ Vi [Nhà thơ - Canada]
Xin chúc mừng một trường ca đồ sộ, em sẽ dành thời gian đọc và phản hồi. Nhìn tên các phần có vẻ vô cùng hấp dẫn…
* Nguyễn Kỳ Thư [Luật sư - Việt Nam]
Chúc mừng một “Dự án yêu nước”.
* Donna [KS điện - Austria]
Trường ca viết hay nhỉ, ý tưởng thật tuyệt và tâm huyết. Càng đọc càng thấy khó và thấy phục tác giả “cao siêu” này. May mà ĐQ không bắt người đọc bị căng thẳng quá, nhờ hài hước hóm hỉnh, thỉnh thoảng lại cho độc giả thư giãn "ngồi thiền" tĩnh tâm với cỏ cây hoa lá. Đọc mãi mới hết, trường ca ĐQ hóc búa quá, không nên bỏ sót bất cứ từ nào, mỗi từ đều có giá trị nào đấy! Khi đọc được một nửa mình nghĩ ra mẹo này: ngó Chú thích trước, biết sơ qua nội dung; cũng “nát cả óc” mới hiểu đôi chút về trường ca và cả tác giả nữa! Qua mỗi Chú thích mình lại mở ra trang báo khác, thấy hay hay, táp vô đọc vài bài ở đó, như góc giải lao. Ngưỡng mộ người bạn học, cũng “xót” cho bạn đã chọn nẻo đường khó khăn để đi, để chiêm nghiệm cuộc đời… Chúc ĐNT/ĐQ thêm nhiều trí tuệ và may mắn đi hết đường đã chọn, về đích nở nụ cười mãn nguyện.
“Quần-đảo-tráo-tên” không thể đọc một lần: Bài viết ấy thật hay, nói ra được tâm huyết của nhà thơ ĐQ dành cho nghề và Tổ quốc VN. Đúng thế, phải đọc lại và nhiều lần, và cả đời đấy nhé.
* Phạm Phương Lan [TS Giáo dục, Ký giả - Canada]
Chúc mừng, bội thu năm 2024! Em mới đọc được rất ít nhưng cũng đã thấy khá lạ trước thủ pháp của anh. Gây ấn tượng mạnh: làm một số người cảm giác yêu nước hơn; một số khác lại mặc cảm vì đã không ngó ngàng tới tình trạng đất nước; số khác nữa sẽ bảo: trên Phây thì chỉ toàn khoe thân trưng áo, có ai đau đáu với Tổ quốc như "Quần-đảo-tráo-tên" không?!
* Hồ Sĩ Bàng [Giảng viên Tin học - Việt Nam]
Tên trường ca thực sự làm người đọc phải lưu tâm, suy nghĩ; cũng là lời cảnh tỉnh cho người Việt Nam với sự tồn vong đất nước. Mình mới xem được phần đầu (đến trang 30), do trình độ xử lý có hạn. Tác phẩm khó tìm người đọc, vì đâu phải ai cũng sẵn sàng nhiều thông tin để xử lý nội dung. Cho dù đã có rất nhiều lời dẫn, chú giải nhưng dễ bị cuốn theo nhiều tư liệu và dẫn chứng; (ví dụ đoạn tự sự tr. 25). Đánh giá ban đầu: chân thực, bi tráng, không bi thương.
* Le Quoc Dat [Chuyên viên Tin học, Dịch giả triết - Canada]
Thán phục, anh viết rất sinh động. Qua đây tôi biết thêm nhiều chi tiết lịch sử.
* Văn Hạnh [TS Giảng viên Sinh học - Việt Nam]
Một tác phẩm từ sự lao động cực nhọc, kiên nhẫn. Phục cái thâm sâu của ngôn từ: để nói được một, tác giả phải biết cả trăm. Đúng là “không thể đọc được một lần” - như nhà phê bình Nguyễn Nguyên khẳng định - mà cần nhâm nhi kiểu trà đạo, và sẽ hạnh phúc khi thấu hiểu. Cám ơn tấm lòng bạn đồng môn với biển đảo quê hương. Chúc mừng bạn hiền lại “đẻ” thêm một “người con vì nước”.
* Tran X. Hoa [Giảng viên Toán, Ký giả - Việt Nam]
May mà "Đất-nước-chưa-bị-tráo-tên" hi hi… Đó là cốt lõi của bản trường ca?
Bài nhận định của Nguyễn Nguyên công phu, sâu sắc và chuyên nghiệp. Với góc nhìn và cách diễn đạt khiến người “trong làng” lẫn “ngoài làng” đều có thể cảm nhận được, tất nhiên người đọc cần kiến thức nhất định. Trường ca đã được Nguyễn Nguyên lan tỏa như những lớp sóng đại dương. Nhà phê bình này khác nhiều nhà phê bình ở chỗ diễn đạt với phong cách báo chí. Có lẽ vì thế bài viết không “dây cà, dây muống” nhưng vẫn có nội dung cần chuyên chở.
* Đỗ Ngọc Thi Ca [Nhà doanh nghiệp gốm sứ - Việt Nam]
Chú viết trường ca này trong khi chưa đặt chân tới vùng biển đảo Tổ quốc, như Trường Sa ạ?
ĐQ: Trời ơi, chưa! Mong hoài, Thi Ca à. Nó được "hoài thai" từ hơn 5 năm nay sau cuốn Trung-Việt Việt-Trung, nhưng may "đẻ" ra được nhờ chuyến về Việt Nam đầu năm rồi mà cháu là một “chứng nhân” đáng kể!
ĐNTC: Dạ vậy mà cảm xúc ngỡ như đang và đã đến Trường Sa chú à.
ĐQ: Cảm ơn Thi Ca cho cảm nhận mà tác giả từng phải ráng tưởng tượng, “biển độ trời hộ” mới tạm được thế thôi. Cháu biết không, vốn liếng biển khơi Việt Nam của chú, hẻo lắm cơ, dường như vẻn vẹn hai nguồn. Một là kỷ niệm thơ ấu, dạo khoảng 10 tuổi, không thể nào phai mờ với chuyến vài tuần vòng quanh các đảo (vùng Cát Bà, Vân Đồn, chả biết có ra tận Bạch Long Vĩ chưa, thế nhưng từ đó đến giờ chú cứ nghĩ vậy cho nó… oách!); do được đi ké cùng ông nội trong Đoàn Y tế khám chữa bệnh cho nhân viên hải đăng. Hai là chuyến đi cả tuần ra đảo Phú Quốc mươi năm trước, do một anh bạn thân “khao mừng” bản thảo Trung-Việt Việt-Trung.
À này, cả cô TL bên ngoại nhà ta, trang lứa bố cháu, sau khi đọc xong cũng còn hỏi “Anh có thực sự ra đảo không thế? Em nghĩ là có.” Sau khi nhận về lời đáp, nguyên phóng viên “xịn” của VNTTX thời chiến tranh từng đi đó đây gần hết đất nước đã kêu trời “Thế mà viết như thật í nhỉ!”
ĐNTC: Rồi chú cháu mình sẽ đi “thật” chú nhé, tham gia tour du lịch Trường Sa! Sau cái hôm gặp gỡ, về lại Đà Nẵng đây cháu lại hay ngóng ra biển. Giờ qua trường ca của chú, cháu có thể tìm ra ý tưởng cho bức tranh khảm dự tính sẽ mang tặng nhà bảo tàng ngoài đó như ước nguyện của cả nhà mình./.
-HẾT-
[1] Và, xin trân trọng cảm tạ 288 tác giả của những tác phẩm, lời trích… mà trường ca thời sự này mạn phép “liên văn bản”, cũng như chân thành cáo lỗi các đồng tác giả đó về những gì chưa phải ngoài thiện ý của người viết.
[2] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” W. Whitman, Tlđd).
[3] Theo “Trận này không thể không đánh" (Mao Trạch Đông, Tlđd).
[4] Nghệ danh của Bùi Giáng.
[5] Theo “Giật mình / Tôi thấy vòng tay / Ngắm con chim nhỏ / Hôn ngày đỗ quyên / Giật mình / Tháng chạp bên triền / Em vừa chải tóc / Bình yên ta về.” (Thơ Liên Phương, bài Tháng Chạp Bình Yên).
[7] Còm của Đặng Thân sau khi đọc bản thảo này.
[9] Theo “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” (Ngạn ngữ hiện đại).
[10] Theo “Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ! Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” (Thơ Tố Hữu, bài Ta Đi Tới).
[11] Theo “Phạc Nhiên ĐY”, Tlđd.
[12] “Hải chiến Hoàng Sa 1974” & “Ngụy Văn Thà” (vi.wikipedia.org 19/1/2024); “Tổng hợp lễ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa”, vietnamnet.vn & vanviet.info 19/1/2016; “50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam” (Toshi Yoshihara & Mỹ Hằng, bbc.com 16/1/2024).
“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (Phần dẫn nhập” (usvietnam.uoregon.edu 20/5/2024, Tlđd):
“Tóm tắt
Qua việc xem xét kĩ lưỡng khối lượng lớn bằng chứng lịch sử được ghi lại bằng các ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách này dựng lại lịch sử “bị bóp méo” của các nhóm đá, rạn san hô và đảo nhỏ đang tranh chấp, và các vùng nước xung quanh chúng ở biển Đông (SCS) trước năm 1900. Nó làm rõ nhiều lập luận vướng mắc, ngộ nhận, thậm chí lệch lạc xung quanh vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước, rút ra các kết luận sau đây:
1) Biển Đông là vùng biển mở từ thời cổ đại, trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, các tuyến đường thương mại trên biển Đông không phải do Trung Quốc phát hiện hoặc thống trị. Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, tức là vào đầu triều đại nhà Minh, biển Đông không phải là một cái “ao nhà của Trung Quốc”.
2) Không có bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Người Chăm, ngày nay ở miền nam Việt Nam, rất có thể là những người đầu tiên phát hiện ra những quần đảo này.
3) Các bản đồ và các ghi chép xưa cho thấy không đủ bằng chứng để hậu thuẫn cho bất kì yêu sách chủ quyền nào. Dù một vài tài liệu có thể chỉ ra rằng Trung Quốc thể hiện việc quản lí thực tế quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực hiện quyền quản lí quần đảo Trường Sa. Trung Quốc dã KHÔNG đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các đảo này trước năm 1900. Vào cuối triều đại nhà Thanh, giới hạn lãnh thổ trên bộ và trên biển của Trung Quốc là tại Nhai Châu, điểm cực nam của đảo Hải Nam.
4) Tuy nhiên, vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa có thể đã từng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc từ đầu thế kỉ 16. Và các hoạt động đánh bắt cá của họ đã mở rộng ra tới quần đảo Trường Sa sau giữa thế kỉ 19. Họ có thể là những người duy nhất tham gia liên tục và tích cực vào các hoạt động đánh cá gần các đảo đó trước thế kỉ 20.
5) Việt Nam từng bước xác lập chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Đến đầu thế kỉ 19, dưới thời Gia Long và Minh Mạng, Việt Nam đã giành được quyền sở hữu một cách chính thức và vững chắc. Quyền sở hữu này đã được các nước phương Tây công nhận rộng rãi, tuy nhiên sau khi Pháp xâm lược, Việt Nam đã mất quyền kiểm soát quần đảo này.
6) Không có quốc gia nào thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước năm 1900. Brunei và Sulu có mối liên hệ lịch sử với quần đảo này vào thời hoàng kim của họ vào thế kỉ 16-18. Tuy nhiên, họ đã mất những mối liên hệ này sau khi bị suy tàn vào thế kỉ 19. [...]
8) Mặc dù các nước phương Tây đã thống trị biển Đông vào nửa sau thế kỉ 19, nhưng họ không có ý định sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, để chúng trở thành đất vô chủ (Terra nullius) trên thực tế.
9) Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) năm 1907-1909 đã châm ngòi cho “kỉ nguyên tranh chấp” kéo dài hàng trăm năm của biển Đông.”
"Quốc tế phản đối Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam" (Youtube 13/10/ 2024); “Thủ tướng phát biểu đanh thép tại ASEAN: Lên án mạnh mẽ Trung Quốc hành hung tại Biển Đông”, (Youtube 12/10/ 2024); “Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam”, bbc.com 5/10/2024:
Tuyên bố của Mỹ, Anh, Úc, Canada, Philippines đã đồng loạt lên án (việc phía Trung Quốc đánh bị thương, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam vào ngày 29/9) được đăng tải vào ngày 4/10, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm. “Tuyên bố của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, gọi cách đối xử của Trung Quốc với các ngư dân là ‘thô bạo’. Sự việc xảy ra vào ngày 29/9, khi lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) ‘trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam’. Đáng chú ý, những ngày gần đây, báo chí nhà nước ở Việt Nam cũng đăng một số bài viết về những hành động nguy hiểm của Hải cảnh Trung Quốc, lên án hành động tấn công ngư dân Quảng Ngãi, gọi đây là hành động "phi pháp". Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nói với BBC ngày 2/10 rằng vụ tấn công tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên nằm trong khu vực Đá Chim Én.
Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc.Suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nơi đây là tâm điểm của nhiều xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau một trận chiến ngắn ngủi với Việt Nam Cộng hòa. Trận hải chiến cách đây hơn 50 năm đã giúp Trung Quốc tạo lập những “tiền đồn” vững chắc, từ đó đẩy mạnh các yêu sách của họ trên Biển Đông. Cũng từ đó, Biển Đông trở thành một trong những nơi rất dễ phát sinh xung đột.”
[15] Theo Eduardo Galeano (Tự bạch mở đầu và các lời nói đầu cho thiên sử thi bộ ba “Ký ức của Lửa”, Nguyễn Hữu Việt Hưng dịch, vanviet.info 26/12/2024):
“Tôi tin vào ký ức không phải như một đích đến, mà như điểm khởi hành – một máy-phóng ném bạn vào thời hiện tại, cho phép bạn tưởng tượng tương lai thay vì chấp nhận nó. Tôi hoàn toàn không thể có bất kỳ mối liên kết nào với lịch sử nếu lịch sử chỉ là một bộ sưu tập những người chết, những địa danh chết, những sự kiện chết. Đó là lý do vì sao tôi viết ‘Ký ức của Lửa’ ở thời hiện tại, cố gắng giữ cho mọi việc đã xảy ra như đang sống và cho phép nó xảy ra lần nữa, khi người đọc đọc nó.”
“Tôi là một học trò khốn khổ môn lịch sử. Các lớp học lịch sử giống như những cuộc viếng thăm bảo tàng người-bằng-sáp hay khu vực người chết. Quá khứ là vô hồn, trống rỗng, câm lặng. Người ta dạy chúng tôi về quá khứ sao cho chúng tôi từ bỏ chính mình với lương tâm kiệt quệ thời hiện tại: đừng tạo ra lịch sử, lịch sử đã được hoàn thành, đơn giản hãy chấp nhận nó. Lịch sử nghèo nàn đã tắt thở: phản bội trong các tài liệu học thuật, dối trá trong học đường, chết chìm trong những ngày tháng, họ đã giam giữ lịch sử trong các viện bảo tàng và chôn nó, với những vòng hoa, bên dưới tượng đồng và đá cẩm thạch tưởng niệm
Có lẽ, ‘Ký ức của Lửa’ có thể giúp trả lại cho lịch sử hơi thở, sự tự do, và tiếng nói.
Trải qua nhiều thế kỷ, châu Mỹ Latinh đã bị tước đoạt vàng và bạc, nitrat và cao su, đồng và dầu mỏ: Ký ức của nó cũng bị tước đoạt. Ngay từ đầu, Mỹ Latinh đã bị cưỡng bức đến mất trí nhớ bởi những kẻ ngăn cản nó sống. Lịch sử quan phương của Mỹ Latinh được quy về một cuộc diễu hành quân sự của các quan lớn trong đồng phục vừa được giặt-khô.
Tôi không phải một nhà sử học. Tôi là một nhà văn muốn góp phần giải cứu ký ức bị giam cầm của toàn thể Châu Mỹ, trước hết của Mỹ Latinh, vùng đất khinh bạc và yêu dấu: Tôi muốn trò chuyện với mảnh đất này, chia sẻ những bí mật của nó, thăm hỏi nó về những vùng đất khô cằn mà nó được sinh ra, về những yêu thương hay bạo lực mà nó từng nếm trải.
Tôi không biết thể loại văn học của bộ sách này là gì. ‘Ký ức của Lửa’ không phải là một hợp tuyển, rõ ràng không; nhưng tôi không biết liệu nó có là tiểu thuyết, hay tiểu luận, hay sử thi, hoặc kinh sách, hoặc biên niên sử, hoặc… Việc tìm câu trả lời xác quyết cho câu hỏi đó đã khiến tôi mất ngủ. Tôi không tin vào những đường biên theo đó các viên chức hải quan văn chương tách biệt các thể loại.
Tôi không muốn viết một tác phẩm khách quan – không muốn và không thể. Chẳng có gì trung lập về cuộc tường thuật lịch sử này. Không thể giữ khoảng cách đến chính mình, tôi thiên vị: Tôi thú nhận điều đó và không xin lỗi. Tuy nhiên, mỗi mảnh của miếng khảm lớn này đều dựa trên nền tảng tài liệu vững chắc. Những gì được nói ở đây đã xảy ra, mặc dù tôi kể về nó theo phong cách và phương thức riêng.”
“Cuốn sách này là tập hai của bộ ba ‘Ký ức của Lửa’. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học. Tác giả đề xuất một tường thuật lịch sử Châu Mỹ, trước hết là lịch sử Mỹ Latinh, khám phá những chiều kích chồng chéo và thâm nhập những bí mật của nó. [...]
“Cuốn sách này là tập cuối [...]. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học, dựa trên cứ liệu vững chắc nhưng xúc cảm hoàn toàn tự do. Tác giả không biết thể loại văn học của cuốn sách là gì: chuyện kể, tiểu luận, sử thi, biên niên sử, kinh sách… Có lẽ nó thuộc về tất cả hoặc không thuộc về một thể loại nào. Tác giả nối kết những gì đã xảy ra, lịch sử Châu Mỹ, và trên hết, lịch sử Mỹ Latinh; tác giả đã tìm cách sao cho độc giả cảm thấy những gì đã xảy ra đang xảy ra lần nữa, khi tác giả kể lại câu chuyện.”
[16] Châm ngôn của binh chủng Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa xưa.