Ngày xưa, người dân bên quận ba Sơn Chà muốn qua thành phố Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) họ phải tới bến đò An Hải đi ghe (thuyền) qua sông Hàn, còn qua cầu De Lattre thì xa hơn, thời đó lượng người còn ít ỏi, sau này dân chúng đông lên, bến phà sông Hàn mới thành lập để giải quyết nhu cầu qua lại hằng ngày, nhất là học sinh cấp 3 qua thành phố Đà Nẵng học hành. Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ khoảng chừng 10 tuổi chi đó, má dẫn tôi tới bến đò An Hải đi ghe qua Đà Nẵng, tới bệnh viện Duy Tân thăm ba tôi bị bệnh, má dìu tôi xuống ghe, chiếc ghe tròng trành làm tôi ngồi co ro sợ sệt, lỡ ghe lật úp thì răng. Đó là thời kỳ bến đò An Hải chưa có phà.
Có thể đoán chừng như vầy, bến phà sông Hàn ra đời lúc tôi trên 10 tuổi chi đó, tôi không nhớ năm nhưng nhớ về sự kiện, nghĩa là bến phà sông Hàn tồn tại từ lâu cùng với thời học sinh và thời làm công nhân xa nhà lang bạt của tôi sau này. Vâng, thời gian thắm thoát qua đi, mãi đến năm 2000 khi chiếc Cầu Quay sông Hàn xây dựng xong, lúc đó bến phà sông Hàn mới chính thức giải tán, đi vào dĩ vãng. Cầu Quay sông Hàn là biểu tượng giao thương phồn thịnh giữa Đà Nẵng nối liền với quận 3 An Hải, gọi chung là bán đảo Sơn Chà.
1.
Ôn lại kỷ niệm thời kỳ qua phà một chút. Hằng ngày người dân đi lại qua phà lúc nào cũng tấp nập và đông đúc, có hai phà ngược chiều nhau, đủ thành phần, nhiều nhất là nông dân bên quận 3 qua Đà Nẵng buôn bán, trao đổi hàng hóa, nào là hoa quả, trái cây trồng trọt trong vườn mình, cá nắm từ biển Sơn Chà, biển Mỹ Khê bán cho dân thành phố, tiếp đến là học sinh bên quận 3 qua phà là chủ lực. Tại bến phà An Hải có nghiệp đoàn xe lam chuyên chở hành khách và học sinh từ Sơn Chà, Mỹ Khê tới bến phà nhộn nhịp. Nói rõ thêm, bến phà gồm có bến phà An Hải bên này sông, có trạm bán vé (soát vé bên Đà Nẵng). Bên kia sông là bến phà Đà Nẵng, có trạm thu vé và bán vé qua phà. Hình ảnh bác lái phà đứng trên nóc cabin một tay cầm cần lái điều khiển, một tay cầm dây ga chuyền tới máy nổ đặt dưới khoang tàu, bác lái phà sẽ tăng ga hoặc giảm ga mỗi lần cập bến hoặc rời đi, hình ảnh đó tồn tại trong trí nhớ học sinh mãi sau này.
2.
Nói về học sinh, trừ chủ nhật, còn lại từ sáng đến chiều học sinh đều có mặt ở bến phà cả. Nữ sinh mặc áo dài trắng, quần dài trắng, nam sinh mặc áo trắng quần xanh, tém thùng chộn rộn như ong bướm xập xình. Mỗi lần phà rời bến, lần nào cũng có vài học sinh (hoặc người dân) lở chuyến ngẩn ngơ, trong khi phà cách xa bến cở 2 – 3 mét chi đó, thế là các học sinh nam liền phi thân “chéo chéo” lên phà như phim kiếm hiệp, thật là nguy hiểm. Thì ra các nam học sinh muốn làm oai trước nữ học sinh nên mới biểu diễn nhảy phà như thế, lạng quạng rớt ùm xuống nước như chơi.
“Anh bước phía đầu Phà
Em xuống phía sau xa
Mình bé quá, con đò không chênh được
Tuy không hẹn cùng nhau sau trước
Mà trùng nhau cái giây phút “trời bày”
Sáng rực góc đò áo trắng tung bay
Những cách chim non vội về ngày cạn
Em Bán Công, Sao Mai, Phan Thanh Giản
Em Phan Châu Trinh, Hồng Đức, Bồ Đề…?
Anh Đông Giang – ngô ngố quê quê
Được cái thiệt thà hiền khô với bạn
Đôi mắt nhìn lên chưa ngang tầm trán
Không phải tự ti nhưng hiểu được phận nghèo
Ơi em! Con đò đã tháo dây neo
Vui bất chợt mình đứng gần nhau thế?
Em nghe không? Mỹ Khê rộn ràng sóng bể
Đò đã đưa ta – về phía mặt trời.
(Bài thơ của nhà báo Trí Trung, Đà Nẵng)
3.
Đông về, mưa gió lạnh lùng, nước sông Hàn chảy xiết đục ngầu, từng đám lục bình trôi nổi dập dềnh hướng ra biển, mọi người trên phà đều mặc áo mưa co ro hít hà. Trên tầng cabin, bác lái phà điều khiển vất vã hơn nhiều vì nước sông chảy xiết chớ không như bình thường, lúc này bác lái phà điều khiển cho phà đi ngang chớ không đi thẳng, nghĩa là bác để phà “trôi” theo dòng nước cuộn, gọi là thuận theo dòng chảy, bác giảm ga thấp xuống, máy nổ kêu “xịch xịch” êm ru, phà “trôi” từ từ giữa sông Hàn, dạng như vô hướng (nhìn chiếc phà lệch xa với bến đậu một đoạn dài). Đến khi gần tới bến, bác lại tăng ga lên cao, máy nổ kêu “xình xịch, xình xịch” to dần, bác chỉnh cần lái theo hướng trái, chiếc phà tấp vào bến lần lần, lúc này bác lại chỉnh cần lái theo hướng phải, máy nổ kêu “xòa, xòa, bịch, bịch”, vậy là tới sát bến rồi. Trên phà, dưới phà, các phụ phà ném dây thừng và cột vào cọc bến, riết sợi dây mấy lần cho chắc chắn, đến khi phà đứng yên một chỗ mới thôi. Phải nói bác lái phà có kinh nghiệm mới điều khiển an toàn trong mưa gió hoặc bão lũ như vầy.
4.
Nói thêm, học sinh, tu sĩ hay linh mục qua phà đều không lấy tiền. Với học sinh, người soát vé thấy nam mặc áo trắng quần xanh, nữ mặc áo dài trắng quần trắng, cầm cặp hoặc cầm vở đi học là qua luôn, không phải mua vé. Bến phà hoạt động từ 4 giờ sáng tới 10 giờ khuya mới ngưng.
5.
Nhớ hồi làm xa tận Nha Trang, có lần tôi về thăm nhà bằng xe khách (xe car), tới bến xe Đà Nẵng khoảng 2 giờ khuya (thời bao cấp xe car thường bị hư hỏng dọc đường), ngồi quán uống cà phê chờ sáng, nôn nóng tôi xách giỏ cá nhân đi tàn tàn từ bến xe tới bến phà sông Hàn khá xa. Phố phường say sưa giấc ngủ, tôi nghe bước chân mình gõ vào mặt đường “lịch kịch, lịch kịch” đầy cô liêu, sương lạnh thấm cả người tôi, trời còn tối thui, tôi cứ lần mò đi miết, khá xa, nhờ điện đường chiếu rọi, cuối cùng cũng tới bến phà sông Hàn, nghỉ chờ tới sáng.
Ngồi nhìn nước sông Hàn lăn tăn vỗ về từng con sóng đêm khua, tự nhiên tôi nhớ thời học sinh ngày xưa quá chừng. Hồi đó tôi và bạn Huỳnh Hai học chung lớp, ngày nào cũng qua phà hằng ngày (sau này nghe nói bạn Huỳnh Hai chết ngoài biển xa vì vượt biên), PHÀ như điểm hội tụ giao lưu, gắn bó mọi người với nhau, không bằng lời, chỉ có cảm nhận. Hoặc có thể nói rằng, PHÀ là hành trình miên viễn của tình yêu xứ sở mà mọi người từng gắn bó, đúng vậy. Nhưng giờ đây, tất cả đã đi vào dĩ vãng êm ru.
Hỏi tên: rằng biển xanh dâu
Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa - thơ Bùi Giáng ./.
(Hình ảnh: chiếc phà sông Hàn)