Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.057 tác phẩm
2.767 tác giả
558
125.545.436
 
134. Lê Dụ Tông [1705-1728] (3).
Hồ Bạch Thảo

 

 

(Trước đây, đất biên giới hai châu Vị Xuyên [Hà Giang] và Thủy Vĩ [Lào Cai] bị  nhà Thanh xâm chiếm 120 dặm. Qua đấu tranh về ngoại giao, vào tháng 8 năm Bính Ngọ [27/8-25/9/1726] nhà Thanh trả lại cho ta 80 dặm. Sở dĩ có việc trả lại, bởi theo chỉ dụ đề ngày 22 tháng 4 năm Ất Tỵ [2/6/1725]; Vua Thanh cho rằng số đất 80 dặm đã mất vào thời cuối thời Minh, nên không tính vào. Về phía ta vẫn tiếp tục đòi 40 dặm còn lại; đến tháng 4 năm Mậu Thân [9/5-7/6/1728]; nhà Thanh hứa hoàn trả lại hết. Lại còn thêm chi tiết về hành động bẩn thỉu của nhà thanh vào phút chót; rằng khi phái đoàn nước ta đến nhận đất và lập giới mốc thì viên Thổ ty Khai Hóa muốn ăn chặn đất, nên chỉ bậy một chỗ khác, nói là sông Ðỗ Chú. Quan Tế tửu Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn xông pha lặn lội lam chướng, qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận đúng chỗ sông Ðỗ Chú, bèn dựng bia nơi giáp giới. Ðề cao việc làm yêu nước của Tế tửu Nguyễn Công Thái, vua Tự Ðức có lời Ngự phê như sau “Ðạo làm bầy tôi phải như thế”. Văn bia ở bờ phía nam do bọn Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái dựng, lời văn như sau:

"Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 [20/10/1728]; chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, tả thị lang bộ binh, và Nguyễn Công Thái, tế tửu Quốc tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này".

 

Tại miền Nam vào buổi đầu mới mở mang bờ cõi; khi dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập làm thuộc. Phủ Thăng Hoa có 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Quy Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Duyên Ninh [Ninh Hòa] 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại, nhưng chưa có lệ đặt chức dịch. Vào tháng 4 năm Bính Ngọ [2/5-30/5/1726], Chúa sai Sai Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức dịch cho các thuộc mới lập. Đến bấy giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người Cai thuộc, 1 người Ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt 1 Ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt một Tướng thần. )

 

Tháng 2 năm Bính Ngọ, Bảo Thái thứ 7 [4/3-1/4/1726], (Thanh, năm Ung Chính thứ 4); cử hành lễ duyệt binh một cách trọng thể, có tế cờ đạo (1), xong lễ lại cho lính về làm ruộng. Lúc ấy, lính mới tuyển ở các trấn tập hợp đến hơn vạn người, chúa Trịnh thấy hàng ngũ binh lính tề chỉnh, nên ban thưởng cho nhiều ít khác nhau. Từ đây về sau, mỗi năm cứ tháng hai cử hành lễ đại duyệt; việc này đặt thành lệ nhất định.

Tháng 8 [27/8-25/9/1726], bắt đầu đặt chức Tuần thủ ở các trấn. Bổ dụng Trung úy Nguyễn Khắc Xứng làm Tuần thủ trấn Sơn Nam. Còn các trấn Sơn Tây, Kinh Bắc và Hải Dương thì đều chọn một viên quan võ, người nào có thể làm nổi công việc bèn bổ dụng. Chức Tuần thủ lệ thuộc vào trấn ty, phân phối đi tuần địa điểm trọng yếu và kềm chế trộm cướp trong hạt; chức Tuần thủ được đặt ra bắt đầu từ đây.

Triều đình sai Đông các hiệu thư Vũ Đình Ân hội đồng với người nhà Thanh lập giới mốc ở núi Xưởng Chì [Duyên Xưởng] . Trước đây, đất biên giới hai châu Vị Xuyên [Hà Giang] và Thủy Vĩ [Lào Cai] bị thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm gồm 120 dặm. Năm Ung Chính thứ 3 [1725], Cao Kỳ Trác, tổng đốc Vân Nam , lại tâu với vua Thanh là cương giới An Nam có chỗ xâm lấn vào biên cảnh cũ của nội địa [đất Trung Quốc], xin thi hành việc tra xét rõ ràng. Việc này triều đình nhà Lê đưa thư sang biện bạch; Khổng Dục Tuân, Tổng đốc Quảng Tây, tâu bày đề đạt giúp, được vua nhà Thanh y cho. Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hội đồng với viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đi đến nơi khám xét, hai bên vẫn giằng co nhau không giải quyết được. Đến nay có tờ dụ của vua nhà Thanh đưa sang, triều đình bèn sai Đình Ân đi hội đồng lập giới mốc ở dưới núi Xưởng Chì. Đất nước ta được nhà Thanh trả lại 80 dặm, còn 40 dặm là chỗ có xưởng đồng [Đồng Xưởng], vẫn còn bị chìm đắm vào phủ Khai Hóa.

Sở dĩ có việc trả lại cho ta 80 dặm cho ta, bởi theo chỉ dụ đề ngày 22 tháng 4 năm Ung Chính thứ 3 [2/6/1725] nêu trên; Vua Thanh cho rằng số đất 80 lý đã mất vào thời cuối Minh, nên không tính vào.

Tháng 10 [25/10-23/11/1726], tăng thêm ngạch lấy đỗ ở trường thi Hương Phụng Thiên [thành Thăng Long]. Theo ngạch cũ, số người   đỗ tam trường [Tú tài] trước lấy hơn một trăm người, nay tăng lên trong vòng 150 người; về hạng đỗ tứ trường [Cử nhân] trước lấy hơn 10 người, nay tăng lên trong vòng 20 người; số này định làm thể lệ lâu dài.

Tại miền Nam vào tháng giêng [2/2-3/3/1726], Chúa Nguyễn Phúc Chú ban huấn điều, khuyên dân chớ rượu chè, cờ bạc.

Buổi quốc sơ mới mở mang bờ cõi; khi dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập làm thuộc. Phủ Thăng Hoa có 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Quy Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Duyên Ninh [Ninh Hòa] 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man (2) lẻ tẻ họp lại, nhưng chưa có lệ đặt chức dịch. Vào tháng 4 [2/5-30/5/1726], Chúa sai Sai Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức dịch cho các thuộc mới lập. Đến bấy giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người Cai thuộc, 1 người Ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt 1 Ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt một Tướng thần.

Tháng 7 năm Đinh Vị,  Bảo Thái thứ 8 (17/8-14/9/1727), (Thanh, năm Ung Chính thứ 5); Trịnh Cương lập Duy Phường, con thứ của Vua làm Thái tử. Trước kia, con trưởng nhà Vua là Duy Tường 28 tuổi, ra ở ngôi Đông Cung đã hơn 10 năm; Duy Phường là em 19 tuổi, do Trịnh Thị, con Trịnh Cương sinh ra. Trịnh Cương có ý muốn lập cháu mình, nhưng khó tìm được lời lẽ gì để nói. Cương cùng bọn Tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn luận trao tước Quận công, hàm chức tứ phẩm cho Duy Tường, và lập Duy Phường làm Thái tử.

Tháng 10 [13/11-12/12/1727], mùa đông. Bỏ thứ thuế ngoài lệ ngạch. Lúc ấy thuế tô, dung và điệu đã ban hành vào tháng 5 năm Bảo Thái thứ 4 [3/6-1/7/1723]; mà người thừa hành vẫn sách nhiễu theo thói cũ, tệ hại không thể kể xiết! Bèn hạ lệnh: các hạng thuế ngoài lệ ngạch nay nhất luật tha cho; duy thuế tô, dung và điệu vẫn phải nộp tiền theo như thể lệ.

Trịnh Cương phong cho con là Giang làm Tiết chế, tước Uy quận công, mở phủ Điện quốc. Sau khi phong cho con là Tiết chế, Cương tự soạn bài văn, xưng là "Bảo huấn" ban cho Giang.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

Tháng 3 năm Mậu Thân, Bảo Thái thứ 9 [9/4-8/5/1728]; (Thanh, năm Ung Chính thứ 6); dân Thanh, Nghệ và 4 trấn nhiều lần trải qua lụt lớn và gió bão, nên bị đói. Triều đình bỏ ra 6 vạn quan tiền trong kho nội phủ, sai các quan trong tam ty [ty Trấn thủ, ty Thừa chính sứ và ty Hiến sát sứ] chia nhau đi phát chẩn cho dân.

Khâm ÐịnhViệt sử Thông giám Cương mục tường thuật việc xãy ra vào tháng 4 [9/5-7/6/1728]; nhà Thanh hoàn trả 40 dặm đất, mà trước đây vào năm Bính Ngọ [1726] vẫn chưa chịu trả. Lại còn thêm chi tiết rằng khi phái đoàn nước ta đến nhận đất và lập giới mốc thì viên Thổ ty Khai Hóa muốn ăn chặn đất, nên chỉ bậy một chỗ khác, nói là sông Ðỗ Chú. Quan Tế tửu Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn xông pha lặn lội lam chướng, qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận đúng chỗ sông Ðỗ Chú, bèn dựng bia nơi giáp giới. Ðề cao việc làm của Tế tửu Nguyễn Công Thái, vua Tự Ðức có lời Ngự phê như sau “Ðạo làm bầy tôi phải như thế”:

Nhà Thanh trả lại xưởng đồng Tụ Long. Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập giới mốc hai bên ở núi Xưởng Chì [Diên Xưởng], còn núi Tụ Long ở nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh, thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm, triều đình đã nhiều lần làm văn thư tâu bày biện bạch việc này, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo quan địa phương bàn luận riêng về việc lập giới mốc, một mặt hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, Tổng đốc Vân Quý [Vân Nam, Quý Châu], khám xét lại. Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, rồi hắn tâu với vua nhà Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hóa, không chịu giao trả, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo nước ta phải theo lời trả lại. Nhĩ Thái làm tờ tư cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng Hoàng Văn Phác, thổ mục giữ quan ải, dùng lời lẽ kháng cự, không chịu tiếp nhận tờ tư, kéo dài đến 5, 6 ngày. Nhĩ Thái ngờ nước ta có mưu kế gì khác chăng, hắn lập tức tư sang tỉnh Quảng Tây chia địa điểm phòng bị nơi biên giới. Một mặt hắn lại đem việc này tâu về triều đình nhà Thanh và xin điều động binh mã ba tnh để phòng bị biên giới, nhưng vua nhà Thanh không y cho. Liền đó, vua nhà Thanh sai bọn Hàng Dịch Lộc tả đô ngự sử, và Nhậm Lan Chi nội các học sĩ, đi thẳng sang nước ta tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân đấy xem xét sự động tĩnh. Khi bọn Dịch Lộc ra đi chưa đến nước ta, thì ngay lúc ấy, quốc thư nước ta đưa sang nhà Thanh từ trước đến Yên Kinh, trong quốc thư giải bày "lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời", vua nhà Thanh xem quốc thư, rất lấy làm vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, lại giao cho bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố dụ bảo, trong sắc văn nói về việc tra ra đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả lại. Lúc ấy, biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt, nên bên nước ta trong kinh ngoài trấn có ý nghi ngờ sợ hãi, nhưng Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng, có lý nào không hấn khích gì mà lại sinh sự được, bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới, không được hành động càn rỡ.

Tháng 6 [7/7-5/8/1728], Dịch Lộc đến Đông Đô, quả nhiên giao trả lại đất cũ nước ta, lại lập giới mốc ở sông Đổ Chú. Về nghi lễ tiếp nhận sắc văn của vua nhà Thanh, Dịch Lộc lại yêu cầu cử hành nghi lễ ba lần quỳ chín lần vái, triều đình cũng miễn cưỡng nghe theo. Sau đó, sai tả thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và tế tửu Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang nhận đất và lập giới mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn, nên chỉ láo chỗ khác là sông Đỗ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền xông pha lăn lộn những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú, bèn dựng bia ở nơi giáp giới. Từ đấy việc cương giới hai bên mới được ấn định.

Lời phê-Đạo làm bầy tôi phải như thế.” Khâm ÐịnhViệt sử Thông giám Cương mục, tập 2, trang 466.

Thời đó  ở địa phận xã Tụ Long, huyện Vĩnh Tuy, hai bên bờ nam phía bắc sông Đỗ Chú đều đặt bia đá; phía nam của An Nam, phía bắc của Trung Quốc:

Văn bia ở bờ phía nam do bọn Nguyễn Huy Nhuận dựng, lời văn như sau:

"Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 [20/10/1728]; chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, tả thị lang bộ binh, và Nguyễn Công Thái, tế tửu Quốc tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này".

 Văn bia ở bờ phía bắc do bọn Ngô Sĩ Côn dựng, lời văn như thế này:

"Khai Dương [phía đông phủ Khai Hóa] ở xa tận một góc trời, tiếp giáp với đất đai Giao Chỉ. Tra trong sách vở ghi chép lại, thì giới mốc chỗ đất này phải ở vào sông Đỗ Chú cách phủ trị Khai Hóa 240 dặm về phía nam. Chỉ vì về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái ủy khám xét tâu xin lập giới mốc ở núi Xưởng Chì [Diên Xưởng]. Hoàng thượng ta ân uy rộng khắp phương xa, nghĩ giao chỉ đời đời giữ đạo cung kính thuận theo, cả ban cho dụ chỉ, lại đem 40 dặm đất tra xét ra được, để trả lại cho. Bọn Sĩ Côn chúng tôi, tuân theo tờ hịch của bộ viện quan Tổng đốc Vân Quý [Vân Nam, Quý Châu] ủy thác, nên ngày mồng 7 tháng 9 [9/10/1728], chúng tôi hội đồng với bọn Nguyễn Huy Nhuận, viên quan phái ủy của nước Giao Chỉ, công đồng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía nam vịnh Bạch Mã làm giới mốc. Chỗ này tức chỗ mà trong tờ tâu của quốc vương gọi là sông Đỗ Chú đấy. Vậy chúng tôi tuân theo dụ chỉ, lập nhà bia giới mốc ở phía bắc sông. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm được đội ơn không bao giờ mai một.

 Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 [20/10/1728]. Chúng tôi là Ngô Sĩ Côn, giữ chức Tri phủ Khai Hóa và Vương Vô Đảng, giữ chức Du kích trung doanh trấn Khai Hóa, kính dựng bia đá này.”

 Sau đây là những văn kiện trong Thanh Thực Lục, giúp phối kiểm và bổ sung thêm. Sự kiện năm Bính Ngọ [1726] phía nhà Thanh vẫn còn chiếm 40 dặm đất; Vua An Nam tiếp tục tâu lời phản đối, khiến Vua Thanh tỏ thái độ tức giận:

Ngày 26 Nhâm Tý tháng 4 năm Ung Chính thứ 5 [15/6/1727]. Dụ nội các:

Về việc định biên giới An Nam, trẫm đã gia ơn, hãy bàn riêng mà lập giới tuyến. Quốc vương nước này không biết cảm ơn, lại còn tâu lên nữa, và yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ðông, Vân Nam đề đạt lên. Y ngu muội vô tri, Trẫm đáng ban sắc dụ để tiếp tục mở mang cho biết. Mới đây Ngạc Nhĩ Thái tấu xưng, đã gửi văn thư cho An Nam. Nếu như khi văn thư đến, viên Quốc vương tuân phụng thi hành, thì không cần ban thêm nữa. Nhất thiết mọi việc nên làm, Ngạc Nhĩ Thái hãy thi hành ỗn thỏa.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục, quyển 56, trang 26-27)

Tiếp đến Vua Thanh sai Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhiệm Lan Chi đến An Nam tuyên dụ. Nhưng khi phái bộ chưa đến nơi, Vua Thanh nhận được tờ tâu của Vua An Nam với lời lẽ khiêm nhường; Vua Thanh hài lòng bèn đổi ý sai bọn Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc đến giao cho An Nam 40 dặm đất:

Ngày 28 Kỷ Mão tháng giêng năm Ung Chính thứ 6 [8/3/1728]. Trước tiên, vào tháng 4 năm Ung Chính thứ 3 [12/5-10/6/1725], nguyên Tổng đốc Vân Quý Cao Kỳ Trác điều tra và tâu về biên giới tại nước An Nam, so với biên giới cũ, lấn vào đất nội địa 120 lý cần phải sửa đổi lại, lập biên giới tại sông Ðổ Chú. Rồi Quốc vương An Nam tâu đầy đủ đòi xin; Thiên tử sai tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái làm cuộc thanh tra mới, lập biên giới cách con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng 40 lý; Quốc vương An Nam kịch liệt trình tố. Vào ngày 4 tháng 5 năm Ung Chính thứ 5 [22/6/1727], Thiên tử ban một đạo sắc, dụ Quốc vương An Nam rằng:

“Trẫm ra lệnh các quan địa phương thanh lý cương giới; cứ viên cựu Tổng đốc Vân Quí Cao Kỳ Trác tuân chỉ, khảo tường tận chí thư biết rằng phủ Khai Hóa cùng châu Vị Xuyên giáp giới đáng tại làng Phùng Xuân cạnh sông Ðỗ Chú, phủ Khai Hóa, nên tại các xứ tại thôn Tà Lộ, thiết lập tấn sở (3), để nghiêm túc biên cảnh. Rồi nhân Quốc vương đưa tấu biểu đến, tình từ khẩn thiết, Trẫm vốn có lòng hoài viễn (4), miễn cưởng chấp nhận lời xin, ra lệnh viên Ðốc triệt hồi tấn sở nhân viên, rồi bàn lại việc lập biên giới, đó là điều đặc ân của Trẫm. Tiếp đến viên tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái tấu xưng những lời như sau ‘ Tra xét hình thế sông núi dưới chân núi Duyên Xưởng, trong ngoài rõ ràng. Vả lại dựa vào chí thư, căn cứ sổ lương thực, tra xét chỗ đặt các tấn sở cũ, xét nghiệm cách ăn mặc của dân chúng, thực vùng đất này thuộc nội địa. Nên lập biên giới tại đây, thật là hết sức nhân nghĩa.’                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

‘Trẫm chấp thuận lời tâu, ban dụ cho Quốc vương tuân phụng thi hành. Tính liệu rằng khi Vương nhận được dụ, sẽ hân hoan cổ vũ, đội ơn cảm đức Trẫm ban đất yên ỗn dân, hăng hái nhận mệnh. Nhưng viên Quốc vương lại tiếp tục tố cáo biện bạch, thật Vương với lòng chấp mê, tham vọng không cùng, quên tấm lòng cung thuận của tiên nhân, phụ ơn trạch nhu viễn của Trẫm. Cao Kỳ Trác, Ngạc Nhĩ Thái đều là bầy tôi trấn tĩnh công bình, không phải là bọn lắm chuyện tưng công; nên các quan sở tại cũng không dám quanh co tư tình. Trẫm thống trị hoàn vũ, các nước đến thần phục đất nào cũng là đất của ta, nào phải kể đến vùng đất nhỏ nhoi 40 lý! Nhưng phân cương định giới, là việc đầu tiên của chính quyền, dù nơi gần kinh kỳ hoặc chốn hoang dã cũng đồng nhất thể. Trước mắt các nước phiên xa xôi như Mông Cổ, nhận được chỉ dụ của Trẫm, không có ai mà không tranh tiên ứng chực; huống nước các ngươi vốn xưng là lễ nghĩa lại một mình trái với đức hóa ư!

Vương không nên hiềm việc trước đây xâm phạm đất của triều đình, rồi đâm ra nghi sợ nên tiếp tục trình bày biện bạch, đó là lầm lỡ của tiền nhân, không phải là sự sai lầm của Vương. Vương chỉ nên tuân theo lời dụ của Trẫm, Trẫm không thâm cứu về dĩ vãng, mà lại còn gia ơn trong tương lai. Nếu lời tâu bày sắp tới, lại mất lòng cung thuận trước kia, thì Trẫm cũng không còn thi hành chính sách chiếu cố người phương xa nữa. Lòng Trẫm đối với người phương xa, chí thành chí thiết; ân cần hiểu dụ. Hãy suy nghĩ đi! Suy nghĩ đi!’

Lại vào ngày 26 tháng 9 [9/11/1727], mệnh Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhiệm Lan Chi đến An Nam tuyên dụ. Lúc bọn Hàng Dịch Lộc chưa đến An Nam, Quốc vương An Nam tiếp nhận được đạo dụ ngày 4 tháng 5 [22/6/1727], qua biểu văn tỏ lòng cảm ơn và hối hận. Tổng đốc Vân Quí Ngạc Nhĩ Thái đem tâu trình, biểu văn như sau:

Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào kính cẩn tâu: Vào ngày mồng 2 tháng 12 [12/1/1728], thần nhận được sắc dụ, đốt hương duyệt đọc, mừng sợ giao tập . Trộm nghĩ châu Vị Xuyên nước thần cùng phủ Khai Hóa, Vân Nam tiếp giáp; nguyên dùng sông Ðổ Chú, tức con sông nhỏ tại tấn Mã Bá làm ranh giới. Các viên châu mục tại biên giới đời đời giữ đất, thần chưa từng thấy việc xâm chiếm đất của nội địa. Vả lại chưa nhận được chiếu thư, nên đem mọi việc ra trình tâu. Rồi nhận được sắc dụ, lệnh triệt hồi nhân viên tại thôn Tà Lộ, sẽ bàn riêng để lập biên giới; ngưỡng mong lòng từ chiếu cố, hân hạnh không cùng. Nay lại phụng sắc dụ, định tại con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng lập biên giới; dụ thần đừng dựa vào ơn ưu đãi, ôm tham vọng không cùng, để rồi can vào quốc điển; thần chịu uy trời trong gang tấc. Trước mắt núi Duyên Xưởng [xưởng Chì] đã được Tri phủ Quảng Nam lập cửa quan ải, xây phòng ốc, làm bia biên giới. Các viên châu mục biên giới nước thần, tuân sự nghiêm sức của thần, yên lặng không có lời nói. Nước thần mấy đời dốc lòng thành, theo sự hướng hóa của Thánh triều, được ơn nhu viễn của Thánh Tổ Nhân hoàng đế hơn 60 năm nay; nay nhận mệnh lớn của Hoàng đế bệ hạ, như mặt trời mới mọc, khắp trời biển chổ nào cũng là đất của Ðế vương, riêng 40 dặm đất, thần đâu dám sinh lòng oán vọng. Nay được nghe lời hiểu dụ tha thiết chân thành, thần đội ơn Thánh triều, hân hoan trong lòng, xin nguyện vạn phương chầu mệnh, Thánh thọ vô cùng, Thánh triều ngàn vạn năm thái bình, nước thần ngàn vạn năm phụng cống. Cẩn tâu!’

Ðược chỉ dụ ban như sau:

‘Xem lời tâu của Vương, cảm ơn và hối lỗi, lời ý cung kính; khiến Trẫm đặc cách ban ơn lớn, lệnh Tổng đốc Vân Nam lấy 40 dặm đất, thưởng cho An Nam.’

Vẫn ban sắc dụ, đưa đến Vân Nam, rồi ra lệnh Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi đến An Nam tuyên đọc Thánh dụ. Sắc dụ như sau:

‘Trước đây Trẫm lệnh các quan coi đất lập rõ ràng cương giới, chỉ thi hành trong nội địa, chưa ra lệnh thanh tra đến đất An Nam. Viên Tổng đốc Cao Kỳ Trác với chức vụ được phong, khảo rõ chí thư cùng phỏng vấn dư luận, biết rằng chỗ phân giới giữa phủ Khai Hóa và An Nam đáng tại xã Phùng Xuân cạnh sông Ðỗ Chú; do đó một mặt thiết lập tấn sở phòng ốc, một mặt tâu lên. Rồi nhân Quốc vương trình tâu, Trẫm đặc giáng chỉ dụ lệnh viên Tổng đốc nghị bàn cách khác về việc thiết lập biên giới. Lại lo rằng Cao Kỳ Trác chấp nhất ý kiến riêng, nên ra lệnh tiếp cho viên tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái lấy công tâm mà biện lý. Ngạc Nhĩ Thái thể theo bụng thương yêu người xa xôi của Trẫm, định giới tại con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng [xưởng chì], một mặt thiết lập tấn sở phòng ốc, một mặt tâu lên; so sánh với giới tuyến cũ [ do Cao Kỳ Trác lập] giảm xuống 80 lý, thực là tận nhân tận nghĩa. Sự việc do các quan Ðại thần kinh lý biên cương, theo chức phận mà thi hành.

Trẫm thống ngự hoàn vũ, phàm các nước thần phục, đều lệ vào bản tịch; An Nam là nước được phiên phong, thước đất nào mà không phải của ta, hà tất phải so đo đến 40 dặm đất nhỏ nhoi. Nếu viên Quốc vương chí tình khẩn cầu, Trẫm có thể ban cho, nào có khó khăn gì! Chỉ vì 2 lần các viên Tổng đốc định biên giới, viên Quốc vương khích thiết tâu xin, lời lẽ quá sức oán than, trình bày lắm chuyện, hết sức thiếu cung kính. Viên Quốc vương đã không giữ được đạo thờ người trên, Trẫm cũng không theo cách ban ơn, đó là điều thông thường xử thế trong thiên hạ, cách thức giao tiếp trên dưới, sự việc do Vương gây lấy, nào phải tấm lòng Trẫm sơ hốt!

Mới đây Ngạc Nhĩ Thái đem tờ tâu của Quốc vương vào tháng 12 năm trước dâng lên, biết Quốc vương rất cảm khích sâu xa ơn của triều đình, tự hối trước đây chấp mê sai lầm, hăng hái xin tuân mệnh, lời và ý cung kính. Trẫm xem xong, rất vui lòng. Vương đã biết tận lễ, thì Trẫm có thể gia ân. Huống 40 dặm đất này, nếu thuộc Vân Nam là đất nội địa, tại An Nam là đất ngoại phiên của Trẫm, không có gì đáng phân biệt; nay đem đất này giao cho viên Quốc vương giữ đời đời. Lại sai bọn Ðại thần đến nước này, tuyên dụ ý Trẫm. Trẫm nghĩ đã ban ơn huệ cho phiên vương, cũng đáng nhìn xuống sự thuận tiện của dân, Nếu dân chúng cư trú trong đất này, tình nguyện dời vào nội địa, lệnh cho Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái ước lượng liệu lý, cùng dụ cho viên Quốc vương hay biết.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục quyển 65, trang 12-17)

Sau khi tuyên bố trả lại đất, vua Ung Chính ban dụ cho Tổng đốc Vân Quí lệnh thu xếp ổn thỏa; định cư những người Trung Quốc muốn rời khỏi phần đất đã trả cho An Nam:

         Ngày 30 Tân Tỵ tháng giêng năm Ung Chính thứ 6 [3/10/1728]. Dụ Tổng đốc Vân Quý Ngạc Nhĩ Thái:

“ Xem tấu chương Quốc vương An Nam trần tạ, cảm ơn hối lỗi, nhiệt tình bái mệnh, tình từ hết sức cung thuận. Viên Quốc vương biết xử tận lễ, Trẫm cũng có thể gia ơn. Nay đem 40 dặm đất, thưởng cho viên Quốc vương như cũ.  Ðặc cách ban một đạo sắc dụ, vẫn sai Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi đi đến nước này, tuyên dụ Trẫm ý. Nhưng nghĩ rằng Trẫm đã gia ơn cho ngoại phiên, cũng đáng cúi xuống chiều theo sự thuận tiện của dân. Số cư dân trong vòng 40 lý, nếu có người tình nguyện dời vào nội địa, hãy lưu tâm giúp đỡ an sáp. Trước mắt tỉnh Vân Nam đang có việc khai khẩn đất đai, tức lệnh cho bọn họ nhận ruộng cày cấy, nhắm sao cho thích hợp. Nếu có những kẻ tình nguyện sống tại đất ngoài, nơi An Nam quản hạt, cũng chấp nhận ý đó. (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục quyển 65, trang 18-19)

Tiếp đến, hai Sứ thần Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi dâng sớ tường trình chuyến đi đến An Nam, mô tả cảnh dân chúng tại đây hoan nghênh việc trả đất:

Ngày 11 Mậu Tý tháng 10 năm Ung Chính thứ 6 [12/11/1728]. Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhiệm Lan Chi phụng sứ đến An Nam, dâng sớ tâu:

Bọn thần vào ngày 11 tháng 3 [19/4/1728] năm nay tại tỉnh thành Vân Nam, nhận được dụ của Thiên tử đem đất tại Duyên Xưởng [xưởng Chì] cấp cho Quốc vương An Nam; lại ban một đạo sắc dụ, mệnh bọn thần mang đến tuyên đọc. Bọn thần vào ngày 21 tháng 3 [29/4/1728] khởi hành từ tỉnh Vân Nam theo đường qua Quảng Tây, đến tháng 5 [8/6-6/7/1728] đến trấn Nam Quan. Bọn Bồi thần An Nam Phạm Khiêm Ích 6 người khấu đầu tiếp đón. Bọn thần đốc suất 1 viên quan văn Ðồng tri hộ tòng, 2 viên quan võ Thủ bị, khởi hành trong ngày. Ra khỏi cửa quan, thấy dân chúng An Nam vỗ tay hoan hô, tiếng vang cả núi rừng. Vào ngày mồng 8 tháng 6 [14/7/1728] đến công quán doanh Ðiêu Giao [Bắc Ninh], Quốc vương sai Bồi thần nghênh đón.

Ngày hôm sau phát hành nghi thức tuyên đọc chỉ dụ, viên Quốc vương xin chiếu theo lễ kính trời của nước này, hành lễ 5 bái, 3 lần khấu đầu. Bọn thần gửi thư trách vấn, bảo rằng định chế của Thiên triều khắp bốn biển đều phải tuân theo, không được sửa đổi, hãy dựa vào thịnh điển này; bọn y đều sợ thẹn tuân mệnh. Ngày 16 [22/7/1728], bọn thần qua sông Phú Lương [Hồng Hà], đến cửa Trường An của nước này; Quốc vương Lê Duy Ðào quỳ đón sắc dụ, các tùy tòng Ðại thần kính cẩn đảnh lễ. Thần bưng sắc dụ, do cửa giữa đi vào, đặt trên điện; viên Quốc vương cùng văn võ Bồi thần hành lễ 3 lần quỳ, 9 khấu đầu. Sau khi nghe tuyên đọc xong, bèn tạ ơn. Bọn thần lại hiểu thị rằng Hoàng thượng coi trong nước, ngoài nước như nhau, nên trước đây không nỡ có ý dùng binh, ân đức dồi dào, từ xưa đến nay chưa hề có như vậy. Từ nay trở về sau đáng tăng thêm lòng trung thuận, răn sức bọn lại mục giữ biên giới, không được sinh sự, để rước lấy họa. Quốc vương nghe qua, lấy tay đặt lên trán ba bốn lần, thề đời đời con cháu, vĩnh viễn giữ tiết bề tôi. Lại đưa tiễn đến cửa Trường An, trình bày lòng quyến luyến, đưa lễ vật tống tặng; bọn thần ngưỡng theo đức anh minh của Bệ hạ, thi hành chính sách nhu viễn với nước phương xa, nên từ chối không nhận. Vào ngày 22 [28/7/1728] khởi hành, đến ngày 29 [4/8/1728] vào trấn Nam Quan; các viên Bồi thần tùy tùng là bọn Ngô Ðình Thạc 4 tên, hành lễ giống như nghi thức có sẵn trước, dâng 1 đạo biểu chương tạ ơn của Quốc vương, 1 tờ thân văn cho bộ Lễ, cầu xin thần lúc trở về chuyển tâu.

Bọn thần nghĩ rằng An Nam là nơi hoang tịch cõi ngoài, được liệt vào ngoại phiên từ lâu; Hoàng thượng nghĩ rằng nước này đời đời cung thuận, không nỡ vì lý do một mảnh đất, mà mang quân đi chinh thảo; nên khi chúng đem lòng thành cảm ơn hối lỗi, bèn theo ân điển ban thưởng đất rộng rãi, đây là một ơn lớn, kế sách chiêu phủ đã đạt đến nơi vậy. Bọn thần chứng kiến dân nước ngoài nhiệt liệt hoan nghênh, thấy được uy trời rộng lớn; bèn cứ sự thực tâu lên, xin được đưa việc này đến sử quán, để ghi lại cho vạn thế về sau truyền tụng.

Thiên tử chấp thuận. Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào dâng biểu tạ ơn được ban 40 dặm tại Duyên Xưởng, hãy đưa xuống cho các bộ hay biết.” (Thanh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục quyển 74, trang 11-13)

 

 

Chú thích:

1.Cờ đạo: Theo Hội điển nhà Minh, thì cờ đạo liệt vào hạng được thờ tự. Khi nào thiên tử thân hành đi đánh dẹp hoặc sai tướng đem quân đi đánh, thì trước tế cờ đạo rồi sau mới xuất hành.

2. Nậu, man: Nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, xưa gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng; man nghĩa là cỏ lan man ra, phàm những chỗ nhà ở liền nhau thì gọi là man.

3.Tấn sở: nơi quân lính đồn trú canh gác tại biên giới.

4.Hoài Viễn: thương yêu người xa xôi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 88
Ngày đăng: 02.02.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
133. Lê Dụ Tông [1705-1728] (2). - Hồ Bạch Thảo
132. Vua Lê Dụ Tông [1705-1728]. - Hồ Bạch Thảo
Một đêm mùa hè - Thân Trọng Sơn
Cảm xúc ùa về nhân mùa Giáng Sinh - Hoàng Thị Bích Hà
Vài giai thoại về lễ Giáng Sinh có thể bạn chưa biết - Thân Trọng Sơn
Gạo vẫn chày tư - Từ Sâm
131. Lê Hy Tông [1676-1704] (2) - Hồ Bạch Thảo
Nhà văn đi chợ - Từ Sâm
130. Lê Hy Tông [1676-1704] (1) - Hồ Bạch Thảo
129. Vua Lê Gia Tông [1672-1675]. - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)