Đang làm Lý trưởng bỗng ông nội tôi bị phe khác trong làng gièm pha kiện cáo là lấy tiền dân để xây dựng đình làng không có chi thu, do đó chính quyền cấp trên buộc phải cho ông mất chức, câu lưu lên tỉnh (dạng ở tù nhưng tự do hơn là phục dịch, bưng cơm hầu nước các quan Bố chính tỉnh Quảng Nam). Lúc này bà nội tôi ở nhà đơn chiếc, con cái đều ở nhà riêng, thật éo le. Khoảng chừng một tháng bà sai con trai đầu (tôi kêu bác ba) lên tỉnh thăm nuôi ông một lần. Nhân tiện xin kể, bác ba tôi có tính cần kiệm lạ đời, mỗi lần thăm ba mình, bác hỏi xe kéo lên tỉnh bao nhiêu tiền, họ ra giá một hào, bác không đi, bác chạy bộ lên tỉnh, khi về cũng vậy, bác chạy bộ chớ không tốn tiền cuốc nào, sau đó bác lấy hai cắc là hai cuốc xe, cộng sáu hào là giá hai tô cao lầu sáng trưa ở tỉnh, bác bỏ hết vào bùng binh để dành, tấm gương cần kiệm “nhịn đói” hiếm có.
1.
Một buổi chiều trời mưa tầm tả, ngồi trên phản nhìn ra ngoài bà nghĩ ngợi mông lung, tấm phên cửa rung rinh vì nước mưa ứ đọng tràn trề, ngoài sân mưa rơi chạm đất thành hạt bong bóng nổ lộp độp liên tù, tiếng ếch nhái ọp ẹp bờ ao, mới đó mà cái lu nước tràn đầy chảy ra ngoài. Sự việc diễn ra tạo thành bản giao hưởng nhớ nhung tha thiết, làm bà nhớ về quê hương Tam Quan đến chạnh lòng:
-
Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái là trông người bấy nhiêu !
-
Chiều chiều ngó phía Tam Quan
Thấy bầy cò trắng bay ngang rừng dừa !
Phải nói từ ngày làm dâu xứ Quảng đến giờ hơn mười lăm năm rồi chớ ít chi, bà chưa lần nào về thăm quê mình cả, không biết bây giờ con cháu ngoài đó có còn ở chỗ cũ hay di tản chỗ khác rồi, nhất là thời kỳ giặc giã khắp nơi. Ngồi suy tưởng chợt bà có ý định về Tam Quan một chuyến cho đỡ nhớ, rồi bà lại nghĩ thêm, nếu về Tam Quan thì vườn tược nhà cửa răng đây hè ? Ừ phải rồi, trước hết sẽ giao cho các con gần bên coi ngó, thăm chừng. "E nhà quạnh trước quạnh sau, bỏ dừa ai hái bỏ khoai ai trồng" là những lời căn dặn trước lúc đi xa.
2.
Một sáng tinh mơ, bà tôi ra bến đò lên tỉnh về thăm Tam Quan, tự nhiên bà thấy trong lòng se sắc bồi hồi. Trước sân nhà có cây bằng lăng tím đong đưa chùm bông vẫy gọi, một cành thiên lý bẻn lẻn chào bà trước lúc đi xa. Bên hè nhà vườn rau có dàn bí đỏ trổ bông nở rộ vàng khè, chắc chờ bà ra ngắt đầy rổ đem vô luộc ăn cơm mát dạ làm sao. Mà thiệt, ông tôi lại ưa món bông bí luộc chấm mắm cái dằm ớt bùi bùi, ngọt ngọt, ăn cơm mặn mà hết biết. Nghe đâu có câu ca rằng "Ai chèo ghe bí qua sông, đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm người ơi". Bà tôi chớp mắt mấy lần.
Bước đi vài bước bà gặp cây mít sừng sững trước nhà, từ gốc đến thân đều sai quả. Nhớ lại, cứ mỗi lần trái mít nghệ phảng phất mùi thơm, bà tôi ra lựa mít bằng cách xăm ruột, thấy vàng au mới hái đem vô xẻ ăn, bà trải miếng lá chuối dưới nền nhà ngăn nắp, lựa miếng vuông vắn là phần ông tôi, sau đó bà bịt kín trái mít còn lại phần cho con cháu. Giờ đây những lá mít xanh đen chao nghiêng như muốn hỏi bà: "Răng đợt ni bà không tới lựa mít chín vàng au rứa hỉ ?". Bà bịn rịn trong lòng không biết nói thêm chi.
Ra ngoài ngõ, bà ngước lên lùm tre kẻo kịt, thì ra có con chim gù ở đầu ngọn tre xanh mướt đong đưa, chúng hỏi bà như ri: "Cúc cu, cúc cu. Bà về Tam Quan tới hồi mô mới trở lại rứa bà. Cúc cu, cúc cu !". Tiếng chim gù làm lòng bà tê tái, hai mắt bà đỏ hoe.
Đi một đoạn bà quay lại dòm chừng, hình như bà sợ mất thứ gì phía sau lưng mình thì phải. Về thăm quê thôi mà, đâu phải là biệt ly? Thì ra, phận đàn bà một cảnh hai quê giờ đây mới nghe canh cánh trong lòng :
Bỗng nghe trong cõi lặng yên
Về Tam Quan lại đi tìm Tam Quan
Hứng lòng trông khói chiều tan
Bàn chân ngõ nắng ríu vang bóng dừa
Con đường giờ vắng như xưa
Mái nhà vẫn bạt gió mưa tháng ngày
Nếu không duyên nợ trả vay
Dễ chi đến được nơi này gần xa
Chợt buồn mái tóc sương phai
Chợt buồn ngơ ngác mình ta chợt buồn
Hoa dừa cắt lối hoàng hôn
Ngang đầu xanh mọc thả hồn chơi vơi
Tam Quan mây trắng nẽo thời
Ta về chưa nói được lời trăm năm
Xin đời con mắt lá răm
Xin người một mãnh chiếu nằm tương tư
(Bài thơ Về Tam Quan của nhà thơ Ngân Vịnh).
3.
Riêng ông nội từ khi mản tù về nhà thì bà nội đã về Tam Quan rồi, ông chỉ còn chờ đợi bà trở lại quê nhà mà thôi, nhưng sau này ông cũng mất hết tin tức về bà. Bên ngoài tình hình giặc Pháp lục soát tìm kiếm Việt Minh khắp nơi. Riêng ở Bình Định, sau thất bại nặng nề ở An Khê thì giặc Pháp dùng máy bay bắn phá các vùng tự do tanh bành xơ xác, cho quân đổ bộ một số vùng xung yếu ven biển, càn quét đốt phá nhà cửa, ghe mành người dân, đáng kể nhất giặc Pháp càn vào Tam Quan giết hại nhiều người, ly tán khắp nơi. Sau đây là bài thơ chú tôi viết về bà trong hoàn cảnh chia xa như vầy:
Gánh sầu biết xẻ đi đâu
Đắng cay chia với miếng trầu đêm đêm
Nhớ hồi cơm độn mắm rim
Một mâm cha mẹ anh em quây tròn
Xa chồng mẹ lại xa con
Mấy phen bớt đũa hãy còn đũa dư
Thương con thương đạo hiếu từ
Xa chồng nhớ nghĩa tương tư trọn đời
Nay chừ nước chảy bèo trôi
Bóng chim tăm cá xa xôi phương nào ?
(Bài thơ Nhớ Má của bs Nguyễn Ngọc Chung).
4.
Sau khi tập kết trở về quê hương Hội An, khoảng đầu năm 1984 chú tôi cùng người con đi xe Honda vào Tam Quan, Bình Định tìm mộ bà tôi, tính đến ngày đi tìm thì bà đã 109 tuổi rồi. Hành trình gian nan, đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh Pháp Mỹ, việc tìm mộ vô chủ ở tỉnh khác xa xôi càng khó khăn thêm. Do ba tôi mất sớm nên chú tôi là tộc trưởng, ý nguyện sâu xa là tìm hài cốt bà đem về Hội An cải táng, từ đó con cháu sẽ thờ phụng, tri ân bà nhất là đất nước hòa bình thống nhất. Hành trình tìm kiến gian nan nhưng cuối cùng cũng may mắn, khi chú tôi đến chợ An Lương, Hoài Nhơn, Bình Định hỏi thăm thì người dân có biết về bà, họ kể rằng hồi trước có một bà "Quảng Nam tản cư bán bánh kẹo, men rượu ở chợ này”. Đây thực sự là thông tin quý giá, người dân gọi bà là “Bà Quảng Nam tản cư ” để phân biệt người bản xứ, nhưng họ không biết rằng chính bà là dân Tam Quan của xứ sở này. Mọi người đều khẳng định bà chết lâu rồi, không nhớ chính xác, hình như trong đợt dịch tả hoành hoành của năm nào đó xảy ra… Bấy giờ dân làng thấy bà sống một mình nên mới đem chôn bà ở nồng cát ven biển đàng kia, một cụ già chỉ tay về hướng mộ theo phán đoán, chú tôi nhìn ra hướng biển: Một gò cát hoang phế mọc đầy cỏ dại dập dìu, không thấy ngôi mộ nào hiện diện trên đất cả, chỉ là mộ ẩn mà thôi !
Thì ra hồi đó giặc Pháp lập đồn tại đây nên họ phát quang cây cối, san ủi gò đồi bằng phẳng xây dựng căn cứ, thành ra các ngôi mộ ở đây đều bị san bằng vùi lấp dưới đất hết trơn rồi, không còn thấy gì cả.
5.
Sáng sớm hôm sau, chú tôi ra chợ mua sắm nhang đèn, hoa quả đặt trên bàn, hướng về gò cát hoang phế đàng kia. Chú quỳ xuống trước mâm lễ vật mà nước mắt tuôn trào. Hướng về gò cát và bờ biển chập chùng đàng xa, chú tôi bộc bạch rằng:
“Hôm nay con xin chân thành cầu nguyện hương linh má, con xin được rước má về lại đất Quảng Nam an vị sau những năm dài thất lạc do chiến tranh ly tán. Về đó, tộc họ sẽ rước thầy cúng lễ làm mộ gió cho má cư ngụ vĩnh hằng, ở nghĩa trang Hội An, sát mộ tía. Chúng con xin cầu nguyện linh hồn má, tía mãi mãi sum vầy”.