Chương Cuối
Dưới những tán cây rụng lá bên ngoài quán Lilas quen thuộc, nơi tôi đã nhiều lần chia xẻ những câu chuyện về văn chương , cuộc sống và những hoài bảo với Donovan, đôi khi với cả Hemingway, nỗi buồn sắp rời Paris khiến tôi đứng lặng một lúc lâu...Bước vào quán tôi gặp Ernest Hemingway ngồi nhìn qua cửa kính với điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay. Donovan đứng cạnh, dựa lưng vào tường gạch cổ, nhìn xuống bàn, trầm ngâm như suy tính điều gì . Ernest ngẩng đầu nhìn tôi,cười nhẹ...
" Ồ…Trác Bạt " ông lên tiếng, giọng khàn khàn nhưng thân tình.
Tôi kéo ghế ngồi cạnh Ernest, bầu không khí im lặng bao quanh . Donovan quay nhìn tôi như muốn nói điều gì nhưng lại ngập ngừng.
"Paris sẽ không còn như cũ khi thiếu Trác Bạt," Donovan nói, giọng nghèn nghẹn. "Tôi cứ nghĩ chúng ta vẫn còn nhiều thời gian..."
" Tôi cũng mong thế." Tôi trả lời trong lúc đôi tay chạm vào tách cà phê nhưng không nhấc lên. " Nhưng cuộc sống luôn luôn thay đổi…?” (tôi muốn nói cuộc đời là vô thường, nhưng kịp dừng lại…)
Donovan đặt tay lên vai tôi, khẽ siết nhẹ như muốn truyền đi một cảm giác nồng ấm.
" Khi nào Trác Bạt đi ? " Donovan hỏi .
Hemingway lặng lẽ đặt điếu thuốc trên chiếc gạt tàn, ngả người ra sau ghế, lên tiếng : “ …Trác Bạt còn muốn gì trước khi đi ?”
Tôi nhìn Ernest ... "Paris là thành phố của kỷ niệm… Biết khi nào quay lại đây…Trong đời ta, chỉ một lần gặp Hemingway sao ? Đã học được gì từ một thần tượng văn chương ?... ”
Muốn gì trước khi rời Paris ?... Tôi trả lời Ernest giọng nhẹ nhàng tự nhiên do đã chuẩn bị trước :
“Tôi...không cần gì cho bản thân. Điều tôi muốn là Ernest trả lời những câu hỏi của cha tôi, không phải những gì tôi thắc mắc.”
Ernest sực nhớ lần gặp Nghi ông trước đây :
“ OK …” Và không tỏ ra bất ngờ…
Còn nhớ lần Nghi ông qua thăm Paris, tôi đã sắp xếp để ông có cuộc đàm đạo rất lâu , tâm đầu ý hợp với Ernest. Nội dung cuộc trao đổi về văn học của họ tôi không biết rõ, nhưng Nghi ông nhắc tôi trước khi rời Paris phải tìm cách nào để Hemingway có cơ hội trực tiếp viết thư riêng cho ông ( hình như ông muốn có thủ bút của Ernest )…
Tôi lục túi lấy tờ giấy ghi mấy hang chữ của cha tôi về văn học Việt Thường trao cho Ernest. Ông cầm đọc nó ngay rồi trao cho Donovan …
“ Donovan sẽ trả lời...” Ernest nói. “ Tôi sẽ đọc lại và viết thêm ý kiến…”
“ Chúng ta sẽ gặp nhau ở Ga Lyon…” Donovan quay qua nói với tôi.
Hemingway đứng dậy, vừa bước đến cửa sổ, nhìn ra những con đường quen thuộc vừa nói :
" Những câu chuyện in sâu trong ký ức sẽ không bao giờ mất đi… Chúng ta vẫn luôn luôn gặp nhau dù ở đâu và lúc nào… "
Tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong lời nói Hemingway. Chúng tôi đối diện nhau trong im lặng , không nói gì thêm. Tôi có cảm tưởng chính những câu chuyện chưa kể, những giấc mơ chưa trọn, và những nỗi niềm chưa nói ra sẽ là sợi dây vô hình kết nối chúng tôi suốt đời. Ernest bắt tay tôi , nhắc tôi nhớ giữ gìn sức khỏe và nuôi dưỡng đam mê…
Chiều tối hôm sau tại Ga Lyon, Donovan đứng đợi tôi bên cạnh bảng ghi giờ tàu đến. Ánh đèn vàng chiếu xuống nền đá ẩm ướt, tạo nên một bầu không khí lạnh buốt nhưng chứa nhiều hoài niệm. Gió nhẹ luồn qua, mang theo hơi thở mùa thu, làm lung lay những chiếc lá phong rơi rụng trên lối đi.Tôi đến gần Donovan với chiếc vali khá nhẹ nhưng lòng tôi nặng trĩu nhiều cảm xúc đan xen. Donovan tay cầm tập bài viết …
“Trác Bạt…” Donovan nói . “ Đây là bài viết của tôi và Ernest gởi cho Nghi ông…”
Anh trao tôi tập giấy được bọc cẩn thận trong tấm da thuộc. Những trang viết nầy đối với tôi như một cái nhìn về văn học Việt của Ernest vừa xa lạ vừa gần gũi..
“ Ernest có lần nói với tôi, Trác Bạt cũng là nguồn cảm hứng đối với ông,” Donovan nhìn thẳng vào tôi. “Ông ấy tin rằng văn học Việt có thể đi xa hơn những gì người ta nghĩ.”
Tôi im lặng chẳng biết trả lời thế nào, dửng dưng giữa Ga Lyon náo nhiệt. Donovan nhìn tôi từ giã với ánh mắt muốn truyền tải những gì không thể nói bằng lời (Lưu luyến chút thời gian còn sót lại của những kỷ niệm ?)
Tàu điện lăn bánh, kéo tôi trở về thực tại …
*
Suốt cuộc hành trình từ Paris về Hóa Châu, hình ảnh Paris vẫn hiển hiện trước mắt tôi.Tôi nghĩ đến chương cuối Không Bao Giờ Có Kết Thúc ở Paris (There Is Never Any End to Paris) trong hồi ký A Moveable Feast …Nội dung chương nầy như sau…
Khi còn là một cặp đôi, Hemingway và vợ có thể đối phó với cái lạnh của Paris. Ernest thường ngồi quán café suốt buổi sáng để viết với tách café kem. Nhưng Hadley phải ở nhà vào mùa đông khi cái lạnh trở nên khắc nghiệt với Bumby, thành viên mới của gia đình. Còn chú mèo F.Puss thì đóng vai trò bảo vệ Bumby khi không có vú em. Hemingway bác bỏ những quan niệm mê tín về mèo làm hại trẻ em, thay vào đó, Ernest miêu tả F.Puss như một người bạn đáng tin cậy và là người trông trẻ thực thụ.
Vì không còn thu nhập từ nghề báo và không bán được truyện, cuộc sống của họ trở nên khó khăn.
Chuyện trượt tuyết vào mùa đông được Hemingway kể lại qua các trải nghiệm ở Schruns, nơi diễn ra những sự kiện đáng nhớ.
“ Chúng tôi đến Schruns ở Vorarlberg, Áo. Sau khi xuyên qua Thụy Sĩ chúng tôi đến biên giới Áo tại Feldkirch. Tàu qua Liechtenstein và dừng lại ở Bludenz, nơi có một nhánh đường nhỏ chạy dọc theo một con sông cá hồi đầy sỏi ngang qua một thung lũng trang trại và rừng để đến Schruns, một thị trấn kinh doanh đầy nắng với các xưởng cưa, cửa hàng, nhà trọ và một khách sạn đủ tiện nghi quanh năm tên là Taube, nơi chúng tôi sống.”( We went to Schruns in the Vorarlberg in Austria. After going through Switzerland you came to the Austrian frontier at Feldkirch. The train went through Liechtenstein and stopped at Bludenz where there was a small branch line that ran along a pebbly trout river through a valley of farms and forest to Schruns, which was a sunny market town with sawmills, stores, inns and a good, year-around hotel called the Taube where we lived.)
“ Schruns là nơi làm việc rất tốt. Tôi biết thế vì từng trải qua ở đó công việc viết lại khó khăn nhất khi biến bản thảo đầu tiên của The Sun Also Rises thành tiểu thuyết vào mùa đông năm 1925 và 1926..Bản thảo nầy tôi đã hối hả viết trong sáu tuần , không nhớ đã viết những câu chuyện gì ở đó. Tuy nhiên, một số truyện đã thành công sau nầy”.(Schruns was a good place to work. I know because I did the most difficult job of rewriting I have ever done there in the winter of 1925 and 1926, when I had to take the first draft of The Sun Also Rises which I had written in one sprint of six weeks, and make it into a novel. I cannot remember what stories I wrote there. There were several though that turned out well.)
Tiếp đến, Ernest kể câu chuyện một hiệu trưởng tổ chức trình diễn vở kịch của Hans Sachs và nhân vật chính viết bài bình luận cho báo địa phương và chuyện một cựu sĩ quan hải quân Đức thuyết trình về trận chiến Jutland, dùng cây cơ bi-a chỉ vào bản đồ…Buổi thuyết trình gây không khí căng thẳng khi ông cựu sĩ quan nầy chỉ trích sự hèn nhát của viên chỉ huy người Anh… Hemingway nhắc đến một cặp đôi đến từ Vienne đã chết trong một trận tuyết lở, mở ra câu chuyện về các trận lở tuyết khủng khiếp trong năm đó, làm nhiều người thiệt mạng, trong đó một nhóm trượt tuyết ngu muội không nghe lời cảnh báo của người hướng dẫn và chết vì tuyết . Cảnh tượng đáng sợ nhất khi Ernest thấy xác một người đàn ông được đào lên trong lớp tuyết dày với gân xương lộ ra trên cổ, không biết do mất kiểm soát hay do hành động theo bản năng khi bị tuyết vùi. Ông cũng kể về những chuyến đi lên Madlener-Haus, một nhà nghỉ cũ kỹ tuyệt đẹp, và cuộc thi sức bền với những người khuân vác đồ nặng khi leo núi. Ông mô tả những người nông dân khuân vác từ Montafon trông ủ rũ và cứng cỏi, leo núi đều bước và đòi thêm tiền sau khi hoàn thành công việc…
Ernest nhắc đến cô gái người Đức trượt tuyết rất giỏi và nói về chuyện mình nuôi râu để chống sức nóng mặt trời, gọi những người dân bản địa là "Kito da đen" và mô tả cảm giác của những nông dân nầy nhìn khách như người ngoại quốc kỳ lạ đang tìm cách chinh phục các đỉnh núi. Ernest nhớ về những trải nghiệm giữa núi rừng và các trận bão tuyết thay đổi hoàn toàn cảnh quan, làm cho việc trượt tuyết trở nên nguy hiểm và khác lạ.Tuy nhiên, những khoảnh khắc tuyệt vời khi trượt tuyết vào mùa xuân trên các sông băng là trải nghiệm chỉ có thể đạt được sau những cuộc leo núi dài ngày và gian khổ…
Thế rồi, những người lạ xuất hiện làm xáo trộn cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Bọn người nầy bắt đầu chiếm lấy không gian sống, biến mọi thứ trở nên phức tạp. Cái mà trước kia là một cuộc sống yên bình, giờ đây bị lấn át bởi những mối quan hệ rắc rối và những cảm xúc lẫn lộn. Thay vì tiếp tục tập trung vào việc viết lách, Ernest phải đối mặt với những xung đột nội tâm. Nhóm người giàu và những phụ nữ lạ mặt này không chỉ làm thay đổi cuộc sống của họ mà còn gây mất cảm hứng sáng tác cho Hemingway khiến ông tự hỏi về giá trị của công việc mình đang làm. Lối sống của bọn nầy xâm nhập vào thế giới đơn giản của Ernest khiến những câu chuyện về các ngọn núi tuyết tinh khiết, những chuyến đi trượt tuyết mạo hiểm, và những ngày sống gần gũi với thiên nhiên bị thay thế bởi những cuộc vui phù phiếm và những trò chơi quyền lực ngầm do mấy tay cá hoa tiêu (*), pilot fish, dẫn dắt. Bọn nhà giàu rất thích những tay cò mồi nầy, chúng làm bộ nhút nhát, nhưng có khiếu khôi hài, nước đôi, không phạm sai lầm nào trong việc chìu khách…
Một lần hứng khởi, Hemingway đã đọc to một đoạn trong tiểu thuyết đang viết, bọn người giàu bảo : “ Hay tuyệt đấy , Ernest. Thật sự tuyệt vời. Anh không biết nó tuyệt hay thế nào đâu.” (“It’s great, Ernest. Truly it’s great. You cannot know the thing it has.”). Nghe bọn nầy khen, Ernest vui mừng ra mặt, nhưng nghĩ lại vui mừng như vậy thật lố bịch , đúng ra phải nghĩ rằng : “Nếu bọn khốn đó thích nó thì truyện mình viết chắc phải có sai hỏng gì đây ?" (If these bastards like it what is wrong with it?) . Và tỏ ra hối tiếc : một nhà văn chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đọc cho bọn ngoại đạo nghe bản thảo của mình…
Đoạn cuối, Hemingway viết :
“ Paris không bao giờ có hồi kết và ký ức của mỗi người đã sống ở đó không ai giống ai. Chúng ta luôn quay trở lại đó bất kể chúng ta là ai hay thành phố đã thay đổi như thế nào hoặc với những khó khăn hay thuận lợi nào, nó vẫn thích ứng. Paris luôn xứng đáng với điều đó và ta nhận được sự đền đáp cho bất cứ điều gì ta đã mang tặng nó. Nhưng đây là Paris vào những ngày đầu khi chúng tôi rất nghèo và rất hạnh phúc.” (There is never any ending to Paris and the memory of each person who has lived in it differs from that of any other. We always returned to it no matter who we were or how it was changed or with what difficulties, or ease, it could be reached. Paris was always worth it and you received return for whatever you brought to it. But this is how Paris was in the early days when we were very poor and very happy.)
Kết luận, với tôi, Paris đọng lại trong tâm trí là một thành phố sống động và không có hồi kết, mỗi người có riêng một kỷ niệm… Không có kết thúc, vì nó luôn thay đổi, luôn tiến hóa, và mỗi người có thể khám phá thành phố dưới những góc độ mới mẻ qua mỗi thời kỳ. Có thể nói rằng, dù đã rời xa nó, nhưng những ký ức và cảm xúc về nó vẫn được lưu giữ như một phần không thể phai mờ trong đời ta. Mỗi người đều có mối liên hệ đặc biệt với nó. Đó là nơi những nhà văn tìm thấy cảm hứng và sáng tạo.Những người khác tìm thấy tình yêu, môi trường đấu tranh hay những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn không ai giống ai …vân vân …
*
Trở về Hóa châu , cha tôi rất vui khi đọc những dòng chữ do đích thân Hemingway trực tiếp viết điều chỉnh bản văn của Donovan trả lời ông.
Xin lưu ý, câu chuyện sau đây do Nghi ông đặt ra với người nước ngoài để biết họ nghĩ gì về văn chương Việt Thường...Ông chỉ hỏi Ernest về hai nhận định thường thấy…
Một, cho rằng người Việt sinh ra để làm thơ, chứ không thể làm nhà văn lớn so với các dân tôc khác. Việt Thường không có nhà văn nào đoạt giải Nobel văn chương. Ngôn ngữ Việt gần với thể loại thơ hơn thể loại văn. Muốn Ernest nhận xét và phân tích để ông biết ý kiến của nhà văn nước ngoài, vì hiện giờ văn chương Việt thường mang nhiều ẩn dụ hay phúng dụ, hư cấu… ?
Hai, lý do Việt Thường không có người đoạt giải văn chương Nobel có phải vì bản chất người Việt không thể là mẫu số chung cho thế giới ?
Dưới đây là văn bản trả lời của Donovan được Hemingway đọc lại và tự tay viết điều chỉnh :
Trả lời phần một, người Việt thiên về làm thơ hơn viết văn và sự thiếu vắng những nhà văn Việt Thường đoạt giải Nobel văn chương là các quan điểm đáng suy ngẫm. Để phân tích kỹ hơn nhận định này, chúng ta có thể xem xét trên nhiều góc độ khác nhau.
Trước hết, nói về truyền thống văn học và thơ ca Việt . Nền văn hóa lâu đời của người Việt gắn liền với thơ ca, đặc biệt là trong các triều đại phong kiến, khi các tác phẩm thơ như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được sáng tác trong bối cảnh xã hội đầy biến động. Thơ ca không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc, mà còn là công cụ để bày tỏ triết lý sống, tinh thần yêu nước, và phê phán xã hội. Người Việt thường dùng thơ để nói lên lòng yêu nước, nỗi đau khổ, và niềm khát khao hòa bình. Điều này tạo ra một truyền thống mạnh mẽ về việc xử dụng hình ảnh tượng trưng và ẩn dụ trong thơ ca.
Về văn học hiện đại và sự kết hợp giữa thơ và văn, nhất là sau thời kỳ chiến tranh và cách mạng, cũng tiếp tục duy trì mối liên hệ chặt chẽ với thơ. Nhiều tác phẩm văn xuôi hiện nay xử dụng phong cách hư cấu, ẩn dụ hay phúng dụ, gần gũi với thơ hơn là văn xuôi truyền thống. Điều này có thể được giải thích bởi thói quen tư duy của người Việt , vốn thường ưa chuộng sự cô đọng, súc tích trong ngôn ngữ – một đặc trưng của thơ.
Về sự thiếu vắng nhà văn Việt đoạt giải Nobel có thể làm nhiều người thắc mắc. Tuy nhiên, lý do đằng sau sự thiếu vắng này có thể phức tạp hơn. Giải Nobel thường trao cho những tác phẩm mang tính quốc tế, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, trong lúc nhiều tác phẩm văn học Việt chủ yếu viết về những vấn đề địa phương, chiến tranh, hậu quả của nó, hoặc những biến động lịch sử dân tộc. Việc truyền tải các thông điệp này đến độc giả quốc tế một cách hiệu quả có thể gặp khó khăn do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.
Về vai trò của văn xuôi và sự phát triển của văn học, không thể phủ nhận văn xuôi cũng đã phát triển mạnh trong thế kỷ 20 và 21. Nhiều tác giả Việt có những tác phẩm văn xuôi có giá trị, mô tả cuộc sống, xã hội và những biến cố lịch sử. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn do yếu tố chính trị, những tác phẩm này nặng về phong cách hư cấu và ẩn dụ, khiến cho chúng có một cấu trúc gần gũi với thơ hơn là văn xuôi thuần túy. Nói cách khác, các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ chi phối khả năng sáng tạo của nhà văn dẫn đến cách tư duy biểu tượng và gián tiếp, điều này thể hiện rõ trong cả văn học lẫn đời sống.Ngoài ra, việc xử dụng hình ảnh ẩn dụ hoặc phúng dụ để diễn đạt ý tưởng và cảm xúc trong một xã hội có định hướng với nhiều cấm kỵ có mục đích tránh nguy hiểm do dám phơi bày sự thật. Điều này, như đã nói, dẫn đến phong cách văn học đậm chất thơ, nơi mà cái đẹp, nỗi buồn, và tính siêu thực được ưu tiên hơn so với tính hiện thực.
Việc chưa có người đoạt giải Nobel không nên nghĩ rằng người Việt không có tài năng tầm cỡ, mà có thể xem đó như một thách thức đối với các nhà văn để họ khám phá thêm về chiều sâu của văn xuôi và cách truyền tải thông điệp của họ một cách đa dạng hơn. Văn học Việt có tiềm năng rất lớn, và nếu các nhà văn có thể thoát ra khỏi cái bóng của truyền thống thơ ca và phát triển mạnh mẽ hơn trong văn xuôi, thì khả năng có những tác phẩm nổi bật trên trường quốc tế là hoàn toàn khả thi.
Tóm lại, người Việt có khiếu làm thơ hơn viết văn là có cơ sở, dựa trên truyền thống , ngôn ngữ và tư duy của dân tộc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người Việt không thể có những nhà văn lớn trong tương lai. Văn học Việt , nếu có sự phát triển đa dạng hơn về hình thức và nội dung, có thể tạo ra những tác phẩm đủ tầm cỡ thế giới.
Trả lời phần hai, cho rằng bản chất người Việt không phải là hình mẫu cho thế giới nên khó đoạt giải Nobel văn chương. Đây chỉ là ý kiến cá nhân , nhưng cũng cần phân tích rõ hơn...
Trước hết, nói về đặc thù văn hóa và con người Việt.Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa và lối sống riêng biệt, điều này được phản ánh trong cách các nhà văn bản địa viết về con người của họ. Con người Việt,như đã nói trên, do bối cảnh lịch sử và xã hội, chịu ảnh hưởng mạnh bởi nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập và sự tồn vong của quốc gia. Các tác phẩm văn học của họ thường xoay quanh những vấn đề lịch sử và chính trị đặc thù, đôi khi quá cụ thể về một quốc gia hoặc một dân tộc, khiến độc giả quốc tế khó cảm nhận hoặc thấu hiểu sâu sắc.
Tuy nhiên việc nhân vật trong tác phẩm có phản ánh mẫu số chung của thế giới hay không không phải là yếu tố quyết định việc tác phẩm đó đoạt giải Nobel. Tác phẩm đoạt giải ngoài việc miêu tả một hình mẫu lý tưởng, còn có khả năng tác động đến nhân loại, khám phá những giá trị cốt lõi của con người bất kể văn hóa, quốc tịch hay tầng lớp xã hội. Ví dụ, Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia, đoạt giải Nobel với Trăm Năm Cô Đơn, một câu chuyện đậm chất văn hóa Mỹ Latinh nhưng lại chạm tới những chủ đề phổ quát như tình yêu, cô đơn và sự tồn tại của con người nói chung. Có thể thấy rằng các tác phẩm văn học Việt, dù rất cảm động và sâu sắc trong bối cảnh dân tộc, lại thiếu tính phổ quát cần thiết để kết nối với độc giả toàn cầu.
Cần nói thêm, Việt Thường vẫn đang đối mặt với những vết thương lịch sử chưa lành. Điều này khiến văn học tập trung nhiều vào các vấn đề đau thương, hận thù và chia rẽ. Để vươn tầm quốc tế, văn học Việt cần vượt qua các biên giới quốc gia và đạt tới những thông điệp chung của nhân loại, không nên tập trung vào những khía cạnh riêng biệt của dân tộc. Nên chăng,văn học Việt cần khơi gợi những chủ đề phổ quát về nhân sinh để có thể liên kết với mọi người trên thế giới. Các tác phẩm ngoài việc phản ánh con người Việt trong bối cảnh riêng , cần mở rộng ra các thông điệp lớn hơn về nhân loại, từ tình yêu, hy vọng, sự sống đến cái chết và sự tồn tại.
Tóm lại,thử thách chính mà văn học Việt Thường cần phải vượt qua là làm sao để câu chuyện của một dân tộc trở thành câu chuyện chung của nhân loại…
“ Nhận được thư viết tay của một nhà văn đoạt giải Nobel, đủ rồi…” Cha tôi nói vậy khi tôi hỏi ông nghĩ thế nào về bức thư của Hemingway…
-------------
(*) Pilot fish (cá hoa tiêu) một loài cá ở vùng biển ấm thường bơi gần các loài cá lớn như cá mập có khi là rùa và thuyền, được cho là dẫn dắt cá mập đến với con mồi.Ở đây, Hemingway dùng pilot fish như loại hướng dẫn viên du lịch mồm mép…