Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.135 tác phẩm
2.769 tác giả
579
126.845.396
 
Nhà thơ Hữu Loan với Chùa Quê ở một “Vùng quê cổ tích”
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Sau khi đọc bài “Kỷ niệm Hữu Loan” của nhà văn Vũ Thư Hiên (trên trang FB riêng) kể về cố thi sĩ Hữu Loan, bồi hồi, tôi lục tìm mấy cuốn băng tư liệu cũ quay về Nga Sơn và ông Hữu Loan để xem lại…

Năm nhà thơ “Màu tím hoa sim” ẩn dật xứ Thanh vào tuổi cửu thập (năm 2005), tôi và nhà báo, nhà thơ Nguyễn Ngọ rủ nhau về huyện Nga Sơn để thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên “Vùng quê cổ tích”. Đến Nga Sơn, việc đầu tiên là chúng tôi tìm tới làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh thăm ông Hữu Loan.

Trước đó, chúng tôi đã biết được đôi điều về thân thế, gia cảnh của ông: Trong Cách mạng tháng 8, ông đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Ủy Ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, sau đó phục vụ trong đại đoàn 304. Ai ngờ rằng, bài thơ Màu tím hoa sim từng được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến, rồi được bao thế hệ người đọc say mê lại trở thành thứ “định mệnh” của đời thi sĩ: nó đã bị vu là “làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của quân nhân”, nên ông bị giải ngũ. Sau năm 1954 ông về làm việc tại Báo Văn Nghệ ít năm, rồi bìu díu cùng vợ con trở về quê hương. Ông bắt đầu kiếm sống với nghề thợ đá trong nhiều năm ròng…

Khi chúng tôi tới thăm một ông lão râu tóc bạc trắng như Tiên ông, trên người thi sĩ vẫn chưa biến hết dấu vết của những năm cực nhọc cần phải rắn rỏi trước đá tảng của người làm nghề thợ đá và trước những quan hệ xã hội của người mang cái án không tuyên là “phức tạp về chính trị, không trong sáng về tư tưởng” ở địa phương…

Nhưng tính cách khảng khái, cương nghị, thẳng thắn vẫn toát lên ở con người mang vóc dáng Đạo sĩ không chấp nhận một mảy may sự dối trá, lươn lẹo nào có thể đã giúp cuộc đời ông đỡ vất vưởng… Trong ba giờ đồng hồ, ông như không thèm để ý tới ống kính máy quay và máy ghi âm của chúng tôi đang chĩa vào ông.

Ông nói về quê hương Mai An Tiêm gắn với sự tích quả dưa hấu, về một làng hầu hết mang họ Mai, về Thám hoa Mai Anh Tuấn mà tên cụ được đặt cho một mái trường của Nga Sơn và một con phố ở Thủ đô, về nữ tướng Lê Thị Hoa giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán tại vùng Nga Sơn, rồi tiếp tục tổ chức dân khai hoang, lập làng, lấn biển, và đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất mà bà đã dày công khai khẩn.

Ông kể về Động Từ Thức sống trong tuổi thơ ông, gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên, nơi dừng chân của rất nhiều tao nhân mặc khách. Ông kể về Chiến khu Ba Đình, nơi nghĩa quân Cần Vương và nhân dân ba làng Mậu, Thượng và Mỹ Khê dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng đã đánh bại nhiều đợt tấn công của Pháp.

Ông say sưa kể về Cửa Thần Phù, động Lục Vân, động Bạch Ác – các động đẹp có chùa ở trong, nhiều vua chúa để lại những bài thơ khắc trên vách đá (ma nhai)…

Nhưng ông nói nhiều nhất là về những suy nghĩ của ông về thời cuộc, về vài “nhân vật lớn thời đại không xứng đáng với niềm tin yêu của Dân”, về cái hệ thống chính trị mà ông đã tham dự rồi rời bỏ không thương tiếc… Ông chắc biết rõ chuyện kiểm duyệt báo chí & truyền hình là thế nào, song dường ông không quan tâm. Ông chẳng cần biết những điều bộc bạch với mấy tay nhà báo này có đến được với công chúng hay không, chỉ cần được nói to nói rõ ràng với mấy kẻ tạm gọi là “đồng nghiệp” loại con cháu có vẻ đáng tin cậy này, thế là ông thấy mãn nguyện! Chúng tôi rụt rè bảo: “Nói thực với bác, nếu chúng cháu đưa mấy lời này của bác ra, sẽ bị mất nghề, bị an ninh “hỏi thăm” ngay…” Ông vuốt râu cười khà, rót rượu quê nút lá chuối như thưởng cho sự thực thà của chúng tôi, rồi dẫn hai đứa ra thăm chùa quê ông - Chùa Vân Hoàn, giảng giải những gì ông biết rõ về lai lịch ngôi chùa và văn tự hiện còn trong chùa.

 

Chùa xưa kia có tên là Sùng Nghiêm Linh Tự, rồi chùa Vân Lỗi - là ngôi chùa lớn đầu tiên của huyện Nga Sơn, đã được chép trong sử sách. Theo lời truyền tụng, chùa là nơi tụ hội thường xuyên của những dải mây có màu sắc rực rỡ, nơi các nàng tiên giáng xuống để du ngoạn, đúng như ý nghĩa của từ Vân Hoàn (vân là mây, hoàn là tụ lại). Theo hoa văn trên các bia đá quanh Chùa, thì chùa được dựng vào khoảng thế kỷ 12. Chùa có 11 văn bia khắc vào vách đá. Nay dù chỉ còn lại 3 tấm bia nhưng cũng đủ để cho hậu thế hình dung cảnh sắc vùng này như cảnh tiên, cùng sự linh thiêng của ngôi chùa... Tấm bia thứ nhất còn nguyên vẹn một bài ký, một bài minh, và một bài thơ của danh nho Phạm Sư Mạnh thời Trần (Trích bài minh, dịch nghĩa từ chữ Hán): “Đây núi Vân Lỗi/ Am sát ven sông/ Ai người tạo dựng/ Hoàn hảo vô cùng/ Giúp kẻ sống chết/ Ngàn năm phúc chung/ Đức lớn rủ lòng/ Chúng sinh cứu vớt/ Trên dẫn bến mê/ Dưới đưa cõi sống/ Người người phấn chấn/ Chốn chốn nghe danh/ Đạo huyền sâu sắc/ Biết đâu là cùng...” (“Sùng Nghiêm tự Vân Lỗi sơn đại tự bi”).

 

Bia thứ hai, vẫn còn nguyên vẹn bài ký của tiến sĩ Ninh Tốn triều Lê - Trịnh, khi vãn cảnh chùa ông đã viết (dịch nghĩa): “Kìa núi xanh rậm và vút lên thẳng đứng như bức bình phong ngọc, lại như trướng gấm thế kia. Đó chẳng phải là cái vẻ đẹp của núi Vân Lỗi ư? Phía trước núi là dòng sông lớn, triều dâng sóng cuộn, lồng lộng vòng eo, thủy triều lên xuống sớm chiều nhiều vẻ... Đó chẳng phải là cái hùng tráng, dũng mãnh của dòng sông bên sườn Vân Lỗi kia ư? Giữa eo núi hương thơm sắc tỏa, mịt mùng như móc như mây, lại như lầu gác cô đơn mà cao vút lên, thấp thoáng trong mây, lúc ẩn lúc hiện... Đó chẳng phải là cái vẻ đẹp của chùa Vân Lỗi này ư?”.

Tấm bi ký thứ ba của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc thơ vịnh (dịch nghĩa): “Danh thắng nêu cao đệ nhất châu/ Dáng non như mực nước như dầu/ Am mây nửa khép mong huyền hạc/ Bãi cát dường ngăn cợt bạch âu/ Nẻo tuyết tiều men chân đá cứng/ Đường sao khách vượt bước nghềnh sâu/ Cao trông sóng cuộn theo tầm mắt/Trời đất mênh mang một sắc thâu”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng ca ngợi thắng cảnh này (dịch nghĩa): “Lên núi trông ra ngoài cửa biển Bạch Câu thì thấy chim biển, thuyền buồm hiện ra trước mắt”.

Ngoài cảnh đẹp nổi tiếng, chùa Vân Lỗi còn ghi lại dấu tích của mặt trận quyết chiến thời Trần. Sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, Hoàng thái hậu nhà Trần về chùa Vân Lỗi làm lễ cầu siêu cho các vong hồn của cả quân Nguyên và quân Trần được siêu thoát. Dân làng Vân Hoàn kéo đến rất đông và sáng tác trò diễn “Bát man” (giết chết 8 tên tướng giặc) .

Tại ngôi chùa cổ kính này, nhân dân làng Vân Hoàn đã nuôi dấu bà mẹ Trần Xuân Soạn để ông an tâm cùng nghĩa quân Ba Đình chống giặc Pháp…

Ông Hữu Loan kể: các cụ cao niên cho biết trước kia trên đỉnh núi Vân Hoàn có một cái hang, không rộng lắm nhưng rất sâu, người dân nối nhiều sợi dây thừng buộc hòn đá vào đầu dây thả mãi mà hòn đá vẫn không chạm đất, thì nay chỉ còn một cái hang nhỏ nông cạn. Ông bảo, tuổi thơ ông sống với sân chùa chim sáo ríu rít và vườn táo chín vàng, trẻ con thoải mái ăn... Giờ đây không gian chùa ngày càng bị thu hẹp, con sông trước mặt cũng đã bị bồi… Nhưng Sùng Nghiêm tự, Vân Lỗi sơn vẫn là nơi gửi gắm tâm linh duy nhất; ngày rằm, mùng một ngày tết, dân làng đều tới thắp nhang cầu mong mọi điều tốt lành.

Bài thơ Màu tím hoa sim của ông có mấy câu:

Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím

Tôi ví vọng về đâu

Tôi với vọng về đâu

Trong khung cảnh thanh tịnh yên bình của ngôi chùa quê, chúng tôi chợt hiểu: một trong những nơi nhà thơ “với vọng” để làm điểm tựa cho tâm hồn ông giữa gian nguy, khổ đau, mất mát, chính là ngôi Chùa quê này… Đó là ngôi chùa cổ rêu phong như tất cả những ngôi chùa quê mà “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến); một ngôi chùa mà ở đó dân chúng & Phật tử với tăng - ni cùng san sẻ tình nghĩa đồng bào qua mọi cảnh ngộ vui buồn sướng khổ, cúng dường và tiếp nhận cúng dường dâng lên Tam Bảo vài nải chuối, mấy quả cau và cả tấm lòng hướng về cái Thiện, cái Tuệ, cái Nhẫn…

Chúng tôi càng thấm hiểu vì sao con người tài hoa gầy yếu ấy, cùng với người vợ đảm đang, chắt chiu, tần tảo đã kiên cường được giữa một vùng quê nghèo để nuôi dạy nổi mười người con lớn lên và trưởng thành… Vì sao ông có thể sống được qua cảnh phải nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các lò thợ làm cối, làm thớt, làm kê chân cột và làm vật liệu xây dựng; nhưng bán cả chục xe đá, rồi ban đêm lại vác te vó đi, mới kiếm đủ cơm dưa muối hai bữa cho đàn con nhỏ…

Những trăn trở của ông về thế sự mà chúng tôi có dịp may mắn ghi lại, chưa biết đến bao giờ mới có thể công bố được, nhưng chúng tôi biết rõ: ngay cả những nỗi bức bối, buồn phiền, phẫn nộ của ông cũng đều có nhịp đập của một Trái tim Thiền đáng quý vô hạn, sẽ cần thiết lâu dài cho cuộc đời, bởi chúng được sinh ra ở  vùng quê Cổ tích đang chật vật khổ đau tìm về cội nguồn Cổ tích đích thực của một dân tộc sùng Đạo Phật và yêu Lẽ phải…

 

Hà Nội, 2024

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 127
Ngày đăng: 06.03.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793 [Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] - Hồ Bạch Thảo
Đỉnh núi cao biết hát – The Mountains sing - Đào Như
Thi nhân văn nhân họa nhân là con người sáng tạo - Võ Công Liêm
Về Huế qua thơ văn của thế hệ kế thừa - Trần Kiêm Ðoàn
134. Lê Dụ Tông [1705-1728] (3). - Hồ Bạch Thảo
133. Lê Dụ Tông [1705-1728] (2). - Hồ Bạch Thảo
132. Vua Lê Dụ Tông [1705-1728]. - Hồ Bạch Thảo
Một đêm mùa hè - Thân Trọng Sơn
Cảm xúc ùa về nhân mùa Giáng Sinh - Hoàng Thị Bích Hà
Vài giai thoại về lễ Giáng Sinh có thể bạn chưa biết - Thân Trọng Sơn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)