Tác giả: Sir John Barrow
Chương 9.
Cochinchina
(Nước Việt Đàng Trong)
4.Return of the legitimate king to Cochinchina-His Warrious successes over the usurpers-
(Vị Vương hợp pháp trở về nước Việt Đàng Trong -Quân của ngài thành công dẹp bạo loạn)
Tại Cap St. Jacques [Vũng Tàu] Giám mục biết rằng sau khi bọn ông khởi hành đi Pondicherry [Ấn Độ], vị quân vương thiếu may mắn phải tiếp tục sống gần 2 năm trên đảo Pulo Wai [Cambodia], cùng bộ hạ chia sẻ rễ cây rừng. Còn hai anh em phe nỗi loạn thì đấu khẩu và cãi vã liên miên; nên những thần dân trung thành xin ngài có mặt tại Don-nai [Đồng Nai], lời khẩn khoản khiến ngài được thuyết phục mạo hiểm một lần nữa, đổ bộ vào lãnh địa cũ. Với mọi người trên dưới nhiệt tình đổ xô, Nguyễn Vương tiến quân một mạch đến Sai-gong [Sài Gòn]. Việc phòng thủ thành này lập tức tăng cường, mọi việc nằm trong vòng trật tự. Thời thế lúc ngài đổ bộ đặc biệt thuận lợi, hai anh em phe nỗi loạn đóng chặt cửa thành, chuẩn bị đánh nhau. Tin tức thuận lợi này thúc đẩy Giám mục, Hoàng tử tiến bước, họ gặp Nguyễn Vương vào năm 1790 (1). Bọn họ có một tàu nhỏ đi theo dùng để chở vũ khí, đạn dược; nhưng viên hạm trưởng Richerie bị kết tội đã bán một phần lớn hàng tại Malacca [Mã Lai] để tiêu riêng.
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Vương, con ngài và thầy dạy [Giám mục] vui mừng không diễn tả nỗi! Không để phí thời gian, họ xếp đặt chương trình chiến đấu mạnh mẽ với phe nỗi loạn. Phần lớn của năm thứ nhất chiếm đóng là củng cố Sài Gòn, chiêu mộ và huấn luyện quân lính vào kỹ luật; thu thập trang bị một hạm đội.
Vào năm 1791(2), Quang Trung mất tại Huế, người con trai 12 tuổi nối ngôi, cai trị Đông Kinh và phía bắc nước Việt Đàng Trong. Sự việc xãy ra khiến Caung-shung [Nguyễn Vương Phúc Ánh] dường như thấy cần phải hợp pháp triển khai triều đại cho cả nước, bèn khởi sự hành quân đánh Yin-yac [Nguyễn Nhạc]. Riêng Yin-yac vốn ghét người em, nên không muốn cho người cháu tại Huế giữ vị trí cũ. Sự việc Vua Trung Quốc phê chuẩn cho cha y làm Vua Đông Kinh là nguyên nhân đầu tiên hận thù giữa hai anh em. Nhưng tất cả những trận đánh với người cháu, Yin-yac thua tồi tệ, mất nhiều đất. Không còn cách gì hơn, Yin-yac đành phải giảng hòa với Vua trẻ tuổi Đông Kinh. Với ý kiến rút ra từ kinh nghiệm, đức Giám mục ra sức thúc dục tấn công lập tức vào hạm đội của Yin-yac tại hải cảng Quin-nong [Qui Nhơn]; và lực lượng bộ cũng xét đến, về phương diện số lượng và kỹ luật có thể đánh bất cứ đạo quân nào lăm le từ trong nội địa. Nguyễn Vương có một vài tàu, còn quân phản loạn thì rất đông, nhưng nằm im trong cảng vì trái với gió mùa. Quân Nguyễn Vương thuận gió, khởi hành vào mùa xuân năm 1792, giao tất cả hạm đội dưới quyền chỉ huy của 2 Sĩ quan người Pháp, họ chỉ huy 2 tàu Pháp, trực chỉ đến Quin-nong [Qui Nhơn]. Ông D’Ayot nói rằng thuyền của họ trên đường tiến quân đã tàn phá hết thuyền đối phương; hoặc đốt, đánh chìm hoặc phá hủy; riêng thuyền ông tiến quá sâu, vị mắc cạn. Nguyễn Vương sau khi quan sát tai nạn xãy ra có lời nhận xét rằng mặc dù có sự tổn thất, nhưng ngài vui mừng vì chiếc tàu đã giúp ông thi thố khả năng, cũng như ông D’Ayot “Ông ta đã có sự đóng góp, mà tôi không thể mong đợi gì hơn.”
Cuộc tấn công hầu như hoàn toàn bất ngờ đối với Yin-yac [Nguyễn Nhạc]; bấy giờ ông ta và các quan trong triều mãi vui thú săn bắn, đi sâu trong rừng khoảng 30 dặm [dặm Anh=1.6 km.] Tham dự cuộc vui này không phải chỉ có một ít cận thần, số lượng phần lớn là quân lính, tương đương với một đạo quân nhỏ. Họ bao vây một khu rừng rậm, làm cho thú vật kinh sợ nhảy chồm lên; phần nhiều là voi lớn, cọp hung dữ, trâu rừng; rồi xiết chặt vòng vây hẹp lại, cho tụ lại tại một lỗ, dùng giáo đâm, hoặc bắt đem về. Báo động có địch truyền đến đám đông vui săn, tại bờ biển quân Nguyễn Nhạc tuy thành hàng, nhưng yểm trợ ít cho hạm đội, khiến hầu như bị tiêu diệt.
Trong một chốc nước lên, tàu của D’Ayot nỗi trở lại; Nguyễn Vương ra lệnh rút lui. Thấy một ít thuyền buồm của quân nỗi loạn còn lại nằm tại góc phía trên hải cảng, nhưng Nguyễn Vương cũng không muốn tiêu diệt thêm và mĩa mai bảo:
“Khi Nguyễn Nhạc hết thích săn bắn, hắn ta lại nuốn đi câu làm vui. Không cần tước đoạt hết thuyền kia, để cho y làm một nghề vô hại.”
Vào mùa xuân năm sau (1793) khi hạm đội Anh trên đường đi Trung Quốc (3), đã từng đến đậu tại vịnh Turon [Tourane, Đà Nẵng]. Vào lúc này toàn bộ đất Don-nai [Đồng Nai] do chính quyền hợp pháp [Nguyễn Vương] nắm giữ. Chang [Bình định, Quảng], phần giữa nước này do phản loạn Yin-yac [Nguyễn Nhạc] chiếm; và Hué [Huế], phần còn lại nước, và các đảo gần Turon [Tourane, Đà Nẵng] đều cai trị bởi con Quan-tung [Nguyễn Quang Toản], tên nhỏ tuổi đã đề cập ở trên, đặt triều đình tại Huế. Tuy nhiên chẳng, chút ngạc nhiên chúng tôi đã chứng kiến lúc tàu hiện diện tại nơi này đã gây nên một ít báo động và tình trạng thiếu tin cậy. Vì trước đó ông bạn người Bồ Đào Nha Manuel Duomé đã cho biết, bằng nổ lực buông lời dèm pha có lợi cho y, để y không bị ngăn cản trong việc buôn bán độc quyền chiếm lợi nhuận trong vài lần giao dịch với dân bản xứ. Những điều này và sự kiện xuất hiện sau đó giúp kết luận ngay rằng chúng tôi đang phục vụ cho quốc vương hợp pháp, chúng tôi nên đến Sai-gong thương lượng chiếm hữu Turon [Tourane, Đà Nẵng]. Và thực sự tại đây lúc bấy giờ họ [phe Nguyễn Quang Toản] đang tập trung một lực lượng quân đáng kể có cả voi trận, tại vùng phụ cận; hiện tượng này kéo dài không chỉ một vài ngày mới biến mất.
Nhưng trước khi tiếp tục trình bày sự giao dịch của chúng tôi tại nước này, hoặc cách cư xử và bề ngoài của dân tại đây; tôi xin kể tiếp về sự tiến triển Vương Caung-shung [Nguyễn Vương Phúc Ánh] dành được trong công cuộc giải phóng cho vương triều. Và xin chọn lọc từ những tài liệu tôi thu thập được những đặc trưng hàng đầu về nhân vật xuất chúng này. Có thể đánh giá một cách công bằng rằng ông ta đứng ngang hàng với một số người thiên tài bẩm sinh cai trị trong thế giới này; những người thỉnh thoảng xuất hiện trong tất cả các nước, với vẻ lộng lẫy vượt trội hơn hẳn những người phàm khác. Cũng nên kể cho người đọc rằng một phần bản thảo tôi vừa trình bày và những điều tiếp theo là tư liệu trong hồi ký viết tay của ông Barissy, sĩ quan tình báo Pháp, chỉ huy một chiếc tàu khu trục phục vụ vương triều này. Và do phần trước rất phù hợp với những gì chúng tôi tìm hiểu được ở vịnh Turon [Tourane, Đà Nẵng], thông qua phiên dịch của chúng tôi, một thư ký người Trung Quốc của chính quyền nơi đó; và có sự liên hệ khác với các vị Thừa sai trú ngụ tại đó, tôi không ngần ngại ngầm tin tưởng mức độ chính xác ở phần sau. Sự kiện qua tư liệu được chứng thực qua sự hợp tác của hai người Anh, từng đến thăm Sai-gong [Sài Gòn] vào các năm 1799 và 1800.
Tên phản loạn Yin-yac [Nguyễn Nhạc] không làm sống lại được hạm đội đã bị thiêu hủy. Hắn mất năm 1793 do bệnh não, sau khi chúng tôi rời khỏi Turon [Tourane, Đà Nẵng] vài tháng. Nguồn tin nêu lên, được cho rằng cái chết gây ra bởi cơn thịnh nộ, cùng tuyệt vọng vì sự thành công của vị Vương hợp pháp. Nhưng cũng có nguồn tin khác cho rằng y điên loạn không kiểm soát được, nên kẻ âm mưu nhân dịp thủ tiêu y bằng thuốc độc. Con y lên nắm quyền bính, nhưng anh ta sẵn với tất cả sự tồi tệ, không có tài cán như người cha; độc ác, gian dối và đầy thù hận, bị mọi người ghét. Vào năm 1796, Caung-shung [Nguyễn Vương Phúc Ánh] đánh chiếm thủ đô của y bằng bộ binh. Bấy giờ y có 100 ngàn quân, nhưng Nguyễn Vương với lực lượng ít hơn, đã đánh bại và chiếm thành Quin-nong [Qui Nhơn]. Trong dịp này, một trường hợp đã xãy ra về lòng độ lượng phi thường của Caung-shung [Nguyễn Vương Phúc Ánh]. Khi quân trong thành đầu hàng, Nguyễn Vương sau khi tham chiến suốt ngày, kiếm lăm lăm trong tay, mệt mõi ngồi trên ghế kiệu để truyền lệnh vào thành. Khi kiệu băng qua phía trong cửa, bị một kẻ nấp trong thành lũy bắn. Lính hộ vệ lập tức bắt được thủ phạm, trói quặt tay sau lưng, lôi đến trước mặt Vương. Họ khám phá ra rằng y là sĩ quan cấp tướng, thân thuộc với bọn bạo loạn. Theo tục lệ Trung Quốc trong trường hợp muốn giảm nhẹ hình phạt tử hình; Nguyễn Vương bảo y, thay vì chém bay đầu; thể theo cấp bực của y sẽ đưa 3 vật giúp lựa chọn cách chết: một liều thuốc độc, một giải lụa dùng thắt cổ, hoặc một chiếc dao găm. Tên tướng phản loạn đáp:
“Nếu ông không sợ tôi, hãy lập tức thả tôi ra; tôi thề rằng không sống dưới sự che chở của ông hoặc tuân theo luật pháp của ông. Nếu ông dám theo lời yêu cầu, tôi sẽ trở về Huế; với cấp bực và tư cách, tôi sẽ được giao chỉ huy một đơn vị quân đội và sẽ rất hãnh diện được gặp ông!”
Lời nói táo bạo và thẳng thừng của viên tướng địch gây ấn tượng, khiến Nguyễn Vương ra lệnh cởi trói, đưa y đến biên thùy phía bắc. Rồi năm sau chính viên tướng này là cấp chỉ huy số hai trở lại vây thành Quin-nong [Qui Nhon], y chết tại đây.
Con của Yin-yac [Nguyễn Nhạc] hoàn toàn bị khuất phục, đất nước của y cho đến vịnh Turon [Tourane, Đà Nẵng] đều nằm trong chính quyền hợp pháp. Tên thủ lãnh phản loạn trẻ [Nguyễn Quang Toản] vẫn còn đóng đô tại Huế chiếm giữ vùng đất Tung-quin [Đông Kinh] mong chống lại với Caung-sung [Nguyễn Vương Phúc Ánh], người đang chuẩn bị vũ khí đáng gờm để thôn tính. Mặc dù không có tường thuật xác thực nào, kể từ thời kỳ này tôi đã đến Anh; nhưng có căn cứ để tin rằng Nguyễn Vương đã chinh phục được toàn vẹn lãnh thổ.
Chú thích:
1.Chính sử ghi Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trở về nước vào tháng 6 năm Kỷ Dậu [22/7-20/8/1789].
2.Về ngày mất của Vua Quang Trung Đại Nam Liệt Truyện và Thanh Thực Lục đều ghi vào ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý [13/11/1792]; riêng Đại Nam Thực Lục ghi vào tháng 7 năm Nhâm Tý [18/8-15/9/1792]
3.Hạm đội của sứ bộ Macartney gồm 3 chiếc tàu, dẫn đầu là chiến ham Lion đến Đà Nẵng vào ngày 24 tháng 5 năm 1793, qua bờ biển Trung Quốc vào tháng 6, đến Bắc Kinh vào tháng 8, yết kiến Vua Càn Long vào tháng 9 năm 1793.