Chương 9.
Cochinchina (Nước Việt Đàng Trong)
5. His character-His attachment to the Bishop D’Adran-Extraordinary energy of his bodily and mental faculties-His land and marine forces. (Tính cách và phẩm chất của Nguyễn Vương - Sự gắn bó giữa ngài với Giám mục Bá Đa Lộc - Năng lực phi thường của ngài về thể chất và tinh thần – Lực lượng bộ binh và hải quân của ngài.)
Từ năm 1790 khi Caung-sung [Nguyễn Vương Phúc Ánh] trở về nước cho đến năm 1800; ông chỉ hưởng được 2 năm 1797,1798 hòa bình. Có lẽ đó là thời gian quan trọng kể từ thời kỳ triều đại gặp rắc rối cho đến lúc này. Dưới sự bảo trợ của Giám mục Bá Đa Lộc, nhân vật rất quan trọng như một nhà tiên tri trong việc thực hiện; Nguyễn Vương lưu ý cải cách đất nước. Ông ta mở xưởng chế diêm tiêu (1) tại Fen-tan; mở đường lập trạm thông tin giữa các đồn và thành phố, hai bên đường trồng cây che mát. Ông khuyến khích dân chúng trồng đậu và ớt tiêu trên những đồn điền trước đây bị tàn phá bởi quân phản loạn. Ông ban thưởng cho kẻ truyền bá tơ tằm; dành vùng đất rộng lớn để trồng mía; và lập xưởng chế hắc ín, nhựa đường. Ông thúc đẩy chế tạo hàng ngàn khẩu súng hỏa mai; khai các mỏ sắt, xây dựng lò luyện kim. Ông chia lực lượng bộ binh thành những trung đoàn chính qui; lập trường quân sự, tại nơi này huấn luyện viên Âu Châu dạy các sĩ quan lý thuyết về đạn dược, vũ khí. Giám mục Adran [Bá Đa Lộc] đã dịch sang chữ Hán hệ thống chiến thuật quân sự, dùng cho quân đội của Vương. Trong thời gian 2 năm ông đã đóng xong 300 thuyền sử dụng súng lớn, hoặc thuyền buồm; 5 thuyền chèo, 1 tàu khu trục theo kiểu Tây Phương. Ông xây dựng hệ thống chiến thuật hải quân; sĩ quan hải quân của ông đều được huấn luyện dùng tín hiệu. Một người Anh đến Sài Gòn năm 1800 mà tôi đã đề cập, thấy một hạm đội thuyền gồm 1.200 buồm, dưới sự trực tiếp điều khiển của vị Vương này, thả neo dọc theo sông rất trật tự, chia làm 3 sư đoàn tạo thành những thế trận, đóng hoặc mở, thao tác những cách khác nhau, tuân theo tín hiệu.
Trong thời gian hòa bình này ông ta biết cách cải cách hệ thống pháp luật, chắc chắn ông được sự giúp đỡ của Giám mục. Ông đã hủy bỏ một số cách hành hạ tội nhân, mà luật pháp nước này từ xưa đến bấy giờ vẫn làm, và giảm hình phạt xét ra không cân xứng với tội. Ông cho thiết lập trường công, bắt buộc bằng hình phạt, khiến cha mẹ phải cho con đi học vào năm 4 tuổi. Ông đặt ra một hệ thống luật lệ thu lợi tức buôn bán cho vương quốc, bắc cầu qua sông, đặt phao và dấu hiệu nơi nguy hiểm tại bờ biển; thực hiện khảo sát tại các vịnh và bến cảng. Ông đưa những toán đặc nhiệm đến các vùng núi non miền tây Vương quốc, tại nơi dân Lào và Mèo sinh sống, nhắm đưa họ vào văn minh và cai trị. Những người miền núi này bị người Trung Quốc kỳ thị gọi là “Người có đuôi”; nhưng thực ra họ có khả năng là hậu duệ dân tộc của một đế chế văn minh.
Nói vắn tắt, nước quân chủ này qua sự miệt mài ứng dụng nghệ thuật, sản xuất; giống như Peter nước Nga (2), không dùng sự tàn bạo, lấy sự trong sạch cá nhân làm mẫu mực gây niềm phấn khởi cho con dân trong nước; và cũng giống như nhân vật bất tử Alfred (3) của chúng ta, đã không tiếc công sức để xây dựng đất nước. Với nỗ lực hành động và gắng sức, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, ông đã hình thành từ bước đầu một tàu chiến, đã tích lũy được một hạm đội gồm 1200 tàu, trong đó có 3 chiếc được xây dựng theo kiểu tây phương, khoảng 20 ghe mành giống như của Trung Quốc, nhưng được trang bị đủ người, vũ khí; và số còn lại là thuyền vũ trang và vận tải.
Nói theo nghĩa chặt chẽ nhất của từ ngữ, Caung-sung [Nguyễn Vương Phúc Ánh] tượng trưng cho một quân nhân hoàn hảo. Ông ta được cho là vị tướng thân yêu và đáng kính hơn là nhà cai trị; vị tướng can đảm nhưng không liều lĩnh, dồi dào ý tưởng khi cần vượt qua khó khăn. Tư tưởng ông thường đúng, cách cư xử cứng rắn; không chán nản lúc gặp khó khăn, hoặc bỏ cuộc trước các chướng ngại. Ông thận trọng khi quyết định; một khi bắt tay vào giải quyết thì nhanh nhẹn và mạnh mẽ để thực hiện; trong chiến trận, ông luôn luôn sáng suốt phân biệt rõ ràng. Là người đứng đầu quân đội, ông tỏ ra vui vẻ hài hước; lịch sự và chú ý đối với kẻ dưới quyền; tránh tỏ ra ưu đãi một cá nhân nào hơn những người còn lại. Ký ức ông rất chính xác, nhớ tên hầu hết các thành phần trong quân. Ông vui vẻ trò chuyện với lính, thường nói về những thành tựu và mạo hiểm, hỏi thăm vợ con họ, nếu con còn đi học thì bàn việc xếp đặt cho nó trong tương lai. Nói tóm lại, ông đề cập đến những chi tiết nhỏ nhặt liên quan đến vấn đề trong nước.
Cách cư xử với người ngoại quốc, Nguyễn Vương tỏ ra dễ mến và khiêm nhường. Đối với những sĩ quan Pháp làm việc dưới quyền ông ta rất lưu ý; đối đãi với họ hết sức lễ phép, thân ái và vui vẻ. Trong các cuộc đi săn dã ngoại, tiệc tùng; một trong số sĩ quan này luôn luôn được mời tham dự. Ông công khai tuyên bố sự tôn kính lớn lao của mình đối với giáo lý của Cơ đốc giáo, chấp nhận tôn giáo này và thậm chí cả những tôn giáo khác trong lãnh thổ của mình. Ông tuân thủ nghiêm ngặt nhất các nguyên tắc về lòng hiếu thảo, như đã nêu trong tác phẩm của Khổng Tử, khiêm cung trước mặt mẹ mình ( vẫn còn sống), như đứa trẻ đứng trước chủ nhân.
Ông rất quen thuộc với những công trình nỗi bật của các tác giả Trung Quốc; lại thâu hoạch kiến thức trong Bách Khoa Toàn Thư do Giám mục Bá Đa Lộc dịch sang Hán văn; hiểu biết không hề tầm thường về nghệ thuật và khoa học châu Âu, trong đó ông gắn bó nhất về những kiến thức liên quan đến hàng hải và đóng tàu. Nắm chắc thu lượm hoàn chỉnh kiến thức lý thuyết và thực hành để kiến trúc tàu thuyền Âu Châu; ông ta mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha, với mục đích tháo ra từng phần, từng tấm để riêng, rồi tự tay ráp lại với tấm khác giống y; cho đến khi mọi dầm, gỗ, đầu gối, ván đều thay thế bởi cái mới do ông chế tạo, và chiếc tàu được cải tạo hoàn toàn mới.
Năng lực về trí tuệ của Vương không kém phần thể chất. Thực sự ông như là chiếc lò xo chính cho mọi chuyển động diễn ra trong vương quốc rộng lớn và thịnh vượng này. Người quản lý cảng và kho vũ khí, thợ chính của xưởng đóng tàu và kỹ sư trưởng của mọi công tác, không có việc gì được thực hiện mà không có lời khuyên và chỉ dẫn của ông. Trong trường hợp đã đề cập ở trên, không một cái đinh nào đóng mà không hỏi ông; không một cỗ súng được đặt lên mà không có lệnh của ông. Ông không những đưa lời chỉ dẫn chi tiết; lại còn thực sự quan sát kẻ dưới làm.
Để có thể làm tốt hơn những điều quan tâm về chính phủ; cách sống của ông được quy định bởi thời khắc cố định. Từ chiếc ghế dài, ông thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, rồi đi tắm bằng nước lạnh. Vào 7 giờ, giải quyết việc quan: đọc những giấy tờ nhận từ hôm trước, lần lượt ra lệnh, để người thư ký ghi lại đầy đủ. Rồi ông đến xưởng hải quân, xem xét công việc đã làm lúc ông vắng mặt; chèo thuyền trên bến cảng kiểm soát các tàu chiến. Ông đặc biệt chú ý đến cục quân nhu, lò đúc nhô lên trong xưởng, đúc đại bác nhiều cỡ.
Vào lúc 12 giờ hoặc 1 giờ chiều ông ăn sáng tại xưởng hải quân với chén nhỏ cơm và cá khô. Lúc 2 giờ trở về nghỉ tại phòng, rồi ngủ cho đến 5 giờ. Lại thức dậy, cho các sĩ quan bộ binh, hải quân, chánh tòa, cơ quan nhà nước gặp mặt; nghe lời đề nghị của họ, rồi đồng ý, hoặc chống lại hay sửa đổi. Ông lo công việc nhà nước cho đến nữa đêm, sau đó nghỉ tại phòng riêng; thực hiện xong những điều ghi nhớ phải làm trong ngày đã được gợi ý. Ông ăn tối, nghỉ ngơi với gia đình; vào khoảng 2 hoặc 3 giờ lại đi ngủ, như vậy 2 lần ngủ được 6 giờ trong, vòng 24 tiếng đồng hồ.
Ông ta không dùng rượu Trung Quốc, hoặc rượu mạnh. Một phần thịt, một ít cá, cơm, rau, trái cây, bánh ngọt nhẹ là thành phần thức ăn chính của ông. Giống như hậu duệ thực sự Trung Hoa, ông tự hào là người trong hoàng gia nhà Minh; ông luôn luôn ăn một mình; không cho phép vợ, hoặc thành viên trong gia đình cùng ngồi ăn chung bàn. Cũng do tự hào, trong năm 1799 ông không cho một vài người Anh đến thăm tại dinh thự riêng, và bảo rằng đất nước chưa ỗn định không sẵn sàng đón tiếp khách lạ một cách trọng thể. Không lầm, cách thứ lỗi này, theo thói tục người Trung Quốc; nhưng không có vẻ gì là ghen tị hay cố ý tước đoạt phương tiện thỏa mãn sự tò mò của người lạ. Ngược lại, khách được tự do xem mọi nơi trong xưởng hải quân, thăm thành phố và các công sự. Ông ta không phản đối tiếp đãi họ với tư cách là một tướng lãnh, nhưng từ chối tiếp xúc với tư cách là vị lãnh chúa.
Vóc dáng ông có phần lớn hơn người bình thường; nét mặt đều đặn dễ coi, nước da hồng hào, có vẻ bị cháy nắng nhiều, bởi liên tục bôn ba trong mọi thời tiết. Ông ta lúc này (1806) vào khoảng 50 tuổi.
Về tiếng Anh, ông biết rất ít ngoại trừ tên nước; nhưng ông được cho là luôn luôn bày tỏ sự tôn kính lớn lao đối với tính cách dân nước này. Khi người Pháp nói điều này, thì họ cũng tin như vậy. Ông biểu lộ những bằng chứng có xu hướng tốt về nước Anh. Ông đã ban những sắc lệnh cho các tàu của chúng ta được ghé vào bến cảng bất cứ lúc nào, miễn mọi khoản thuế và lệ phí đậu tại cảng. Một trường hợp đã xảy thể hiện tính cách hào phóng của ông ấy, theo quan điểm công bằng. Một chiếc thuyền buôn người Anh từ Quảng Đông đến Sài Gòn; thuyền trưởng và Sĩ quan thứ nhất chết. Nhắm ngăn cản cướp bóc có thể xãy ra và thiệt hại không thể tránh được của chủ tàu bởi mất những người được giao phó quản lý; ông ra lệnh cho Thuyền trưởng Barissy [người Pháp] cùng thủy thủ cơ hữu trên tàu, lái tàu về Quảng Đông, phí tổn do chính ông chịu; giao an toàn cho chủ tàu hoặc người đại diện có thể tìm thấy tại Ma cao.
Dù rằng không có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của ông đối với Sĩ quan Pháp dưới quyền. Tuy nhiên, người ta bảo rằng người Pháp đã phải cam chịu rất nhiều về sự đánh giá của ông. Kể từ thời điểm ông phải chứng kiến sự đối xử vô nhân đạo và vô lý mà gia đình bất hạnh trên ngai vàng phải chịu đựng bởi một đám người man rợ và những kẻ buôn người. Một tâm hồn như Caung-shung [Nguyễn Vương Phúc Ánh], cũng không thể làm gì hơn là run rẫy sống. Bị đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình, và bôn ba nhiều năm như một kẻ bị ruồng bỏ, lưu vong. Hèn chi, khi so sánh một nước đã xua đuổi gia đình Hoàng gia; với một nước khác giang tay đón nhận; thì ông ta ắt sẽ mong muốn trau dồi sự thân hữu với nước đề cập sau hơn là nước đề cập trước. Tuy nhiên chúng ta [nước Anh] đã không thực hiện những vụ việc liên quan đến nhân vật phi thường kia đến một tầm mức làm tăng sự giao ước thân thiện; nhưng nó đã không làm mất nhiều sự thuận lợi về thương mãi. Công ty Đông Ấn (4) cuối cùng được thuyết phục về tình hữu nghị với Vua nước Việt Đàng Trong thực sự đã gửi một sứ giả từ Quảng Đông đến Sài Gòn vào năm 1804 hoàn toàn thất bại; nhưng sẽ nói thêm ở phần sau.
Đức Giám mục Bá Đa Lộc mất năm 1800; công tâm về cuộc đời Ngài cần xét rằng tâm tình nhà Vua, sự phục hưng của triều đại, thành công trong cuộc chiến, cải thiện quốc gia trong giai đoạn hòa bình, và trên hết sự phát triển nhanh về nghệ thuật, sản xuất, khoa học đều nhờ vào thiên tài, sự chỉ bảo và lòng trung thành của vị Thừa sai này. Về nhà Vua, yêu đến mức ngưỡng mộ, bằng lời văn bia chỉ dùng ban tặng một mình Khổng Tử “Bậc thầy lừng lẫy”. Bằng chứng về sự tôn kính, sau khi thi thể ngài được chôn cất theo lễ nghi tôn giáo La Mã bởi các vị Thừa sai khác; nhà Vua ra lệnh đem thi thể làm lễ tang trang trọng theo nghi thức tôn giáo nước Việt Đàng Trong. Ông cũng không thể từ bỏ dấu hiệu danh dự này trong ký ức của mình; tuy nhiên cần lưu ý đến những lời cầu xin và cáo buộc của các nhà truyền giáo Pháp, những người không thể không bối rối trước sự tiến hành không thiêng liêng như vậy.
Có thể nói rằng nhiệm vụ Giám mục không dễ thực hiện. Với trọng trách cố vấn cho Vua, thầy dạy của người con; tự nhiên ông bị tất cả các quan lại ghen ghét. Họ cấu kết chống đối ông ta, mạo hiểm đưa ra lời phản đối với nhà vua về sự vô đạo đức cũng như sự khiếm nhã khi giao phó việc giáo dục con thừa kế cho người nước ngoài. Những kẻ này không tôn trọng luật, không đếm xỉa đến tôn giáo của tổ tiên, nên điều cần thiết thúc dục đưa con thừa kế đặt dưới sự chỉ dẫn của học giả thông thạo về chính đạo ghi trong các tác phẩm của Khổng Tử. Trong trường hợp như vậy, nhà Vua với thái độ cứng rắn xua đuổi những ông quan đứng đầu bộ đến can gián; và đôi khi không dấu diếm quyết định chẳng thà hy sinh tình bạn với các quan đứng đầu bộ, còn hơn là từ bỏ đức Giám mục do đó ngài vẫn tiếp tục được ngầm tin cậy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Hoàng hậu là người đàn bà đức hạnh tuyệt vời, rất cứng rắn; yểm trợ và an ủi Vua trong nghịch cảnh. Họ có 7 người con; hai người con đầu được giao cho Giám mục Bá Đa Lộc dạy dỗ. Người con chính thức thừa kế, tức cậu bé được đức Giám mục đưa đến Paris, mất sau Giám mục không bao lâu. Anh là người mềm mỏng dễ mến, phong phú đạo đức xã hội; tài năng thích hợp với nội địa yên tĩnh hơn là cảnh nhộn nhịp của cuộc sống công cộng. Người em thứ hai, hiện nay được thừa kế, mang tính chất một quân nhân hoàn hảo. Làm cận vệ cho cha trong 3 năm; 5 năm làm Hạ sĩ và Trung sĩ; trong thời gian phục vụ anh đã tham gia nhiều trận đánh. Năm 1797 được thăng cấp bậc Trung tá; rồi năm sau được chỉ dịnh làm thống đốc một tỉnh miền Nam. Năm 1800, được thăng cấp tướng, giao chỉ huy 35.000 quân; trong năm này anh dành chiến thắng quân bạo loạn tại miền Bắc giết 9.000 quân địch, tịch thu tất cả voi chiến và đại bác (5).
Lực lượng quân sự của Vua nước nước Việt Đàng Trong vào năm 1800, theo sự tiết lộ của Hạm trưởng Barissy như sau:
Bộ binh:
-24 đội quân kỵ bò: 6.000 người.
-16 tiểu đoàn voi (200 con): 8.000 người.
-30 tiểu đoàn pháo binh: 15.000 người.
-25 trung đoàn, mỗi đơn vị 1.200 người (huấn luyện theo phép Âu châu):30.000.
-Bộ binh với súng hỏa mai, gươm, huấn luyện theo lối cổ của nước này: 42.000 người.
-Lính bảo vệ, huấn luyện theo chiến thuật Tây phương 12.000
Lực lương bộ binh: 113.000
Hải quân:
-Thợ chuyên nghiệp trong hải xưởng: 8.000 người.
-Thủy thủ các tàu tại bến cảng: 8.000.
-Thủy thủ phục vụ trên tàu kiểu Âu châu: 1.200.
-Thủy thủ trên ghe: 1.600.
-Thủy thủ trên 100 thuyền chèo: 8.000.
Công việc tại biển : 26.800
Tổng cộng: 139.800
.
Cochinchina soldier
(Lính nước Việt Đàng Trong)
Phẩm chất của quân đội này, nếu đánh giá theo tiêu chuẩn Âu châu, tôi không thể nói theo kiểu giả tưởng; nhưng qua quan sát một vài người thì họ trẻ tuổi, năng động, khỏe mạnh; không thiên về y phục, không có đồng phục thẳng nếp và màu sắc. Đặc biệt lễ phục cho lính đứng gác trong ngày lễ đón tiếp công khai chúng tôi, mũ có viền và tua như đuôi bò; riêng áo bông và quần thì hoàn toàn như Trung Quốc. Thông thường chít khăn đội đầu, giống như khăn xếp; khoác một chiếc áo lỏng lẻo, có 2 ngăn túi; thành phần quần áo của quân lính giống như hình phụ lục (6) lấy từ cuộc sống thực.
Tiểu sử của vị Vương này, tôi đã đưa ra những nét phác họa là bài học về tấm gương hữu ích cho những người rơi vào hoàn cảnh bất hạnh giống như vậy, nhắm hoàn thành nhờ sự kết hợp giữa tài năng, can đảm và sự chỉ đạo đúng đắn. Bị đuổi ra khỏi nước, phải chạy ra khỏi tay của kẻ bạo loạn giết người, chịu đựng nỗi đau đớn nhất; rồi trong vòng 10 hoặc 12 năm lấy lại lãnh thổ cũ, lại lấy thêm đất đai của Hoàng triều Tung-quin [Đông Kinh], đất này thời xưa thuộc về Vua nước Việt Đàng Trong. Có nguồn tin cho biết rằng ông ta đòi hỏi Vua nước Trung Quốc nhượng bộ đảo lớn Hải Nam, nhưng không đạt được mục đích mở rộng lãnh thổ của mình; chỉ để lại đằng sau ông danh tiếng khôi phục lại nước Việt Đàng Trong để thực hiện lời nguyền “Tiến”, không ngồi lại để yên hưởng thành quả chinh phục, được minh họa qua câu thơ như sau:
Fame is the spur that the clear spirit doth raise
(That last infirmity of noble mind)
To scorn delights and live laborious days; (7)
Nỗi tiếng thúc đẩy tinh thần dâng cao,
( Nhược điểm của đầu óc lớn)
Khinh bỉ hưởng lạc, sống những ngày phấn đấu.
Sự tiến triển về nổ lực của Nguyễn Vương cũng cho thấy những điều đáng chú ý khác, không phải không phục vụ cho sự chú ý của chính phủ Anh ở Ấn Độ. Nếu Vương triều này giữa cuộc phấn đấu chống bạo loạn để dành lãnh thổ và trong hoàn cảnh xấu nhất, có thể trong thời gian ngắn 10 năm tìm được phương tiện để tạo ra và trang bị một hạm đội với 1200 chiến thuyền. Còn có bao nhiêu vũ khí đáng gờm hơn, chuẩn bị cho nước này dưới thời Louis 16, nếu hiệp ước Pháp Việt có hiệu lực? Và điều gì có thể xãy ra nếu không phải là chính phủ tích cực hơn hiện nay của Pháp bị cám dỗ để thử thời vận ở đất nước duy nhất còn lại tại phương đông này, nơi họ có thể khuây khỏa với hy vọng hợp lý thâu lượm được cơ sở vững chắc lâu dài?
Chú thích:
1.Diêm tiêu: Vật liệu chế thuốc súng.
2. Peter I nước Nga (Peter Đại đế) là Sa hoàng của Nga từ năm 1682-1721 và là Hoàng đế của Nga từ năm 1721-1725. Trong suốt thời gian trị vì lâu dài của mình, Peter có quyền lực tuyệt đối và mang lại sự thay đổi thực sự cho nước Nga, bao gồm việc xây dựng lực lượng hải quân đầu tiên, đưa công nghiệp hóa vào hoạt động, thành lập các tổ chức giáo dục và tạo ra thủ đô mới của Nga, St. Petersburg. Peter thích học hỏi từ người nước ngoài, đặc biệt là trong chuyến đi dài của ông đến Tây Âu. Chuyến đi này cho phép ông hiện đại hóa nước Nga và đưa nước này ngang hàng với các quốc gia châu Âu hùng mạnh và hiện đại khác.
3. Alfred sinh năm 849 - mất năm 899; là vua của Wessex (871–899), một vương quốc Saxon ở tây nam nước Anh. Ông đã ngăn chặn nước Anh khỏi rơi vào tay người Đan Mạch và thúc đẩy việc học tập và xóa mù chữ.
4. Công ty Đông Ấn tức East India Company, một công ty lớn của nước Anh làm những thương vụ lớn tại châu Á; như bán nha phiến tại Trung Quốc, gây ra cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lúc bấy giờ.
5.Người con thứ hai của Nguyễn Vương Phúc Ánh là Nguyễn Phúc Hy từng tham gia chiến trận, chỉ huy quân tại Phú Yên vào năm 1800; nhưng Đại Nam Thực Lục không nêu những thành tích như sách này chép.
6.Hình phụ lục: Hình lính nước Việt Đàng Trong ở trên.
7. Mấy câu thơ trích trong bài Lycidas của John Milton viết năm 1637.