Nằm ngay dưới chân ngọn Kim Sơn, Ngũ Hành Sơn – một thắng cảnh kỳ tích xứ Quảng cùng bao ngôi chùa cổ ẩn hiện chập chùng trên núi cao, hằng năm, bên cạnh Lễ hội Quan Thế Âm 19-2, Chùa Quan Thế Âm cho ra mắt ấn phẩm Diệu Âm giữa mùa Xuân như là một đóng góp ý nghĩa, lưu giữ những sáng tác, ghi chép, biên khảo ghi đậm những nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng, đầy sinh động của bản sắc văn hoá truyền thống xứ Quảng và quê hương Việt Nam.
Tính từ 1991 đến nay, chúng ta đã có trên khoảng 34 ấn phẩm Diệu Âm cầm trên tay. Từ trước những năm 90, khởi đầu là những tập sách mỏng tập hợp sáng tác thơ văn, nhạc hoạ của nhiều tăng ni, văn nghệ sĩ, Phật tử địa phương mang tên Nội Cỏ. Về sau, nhất là đến giai đoạn công nghệ in ấn, tin học phát triển mạnh, ấn phẩm này chuyển tành tên gọi Diệu Âm, càng lúc càng trở nên một giai phẩm có hình thức đẹp, trang trọng, đi sâu chuyên đề văn hoá Phật giáo, có thể được xem là sự đóng góp đáng ghi nhận trong việc kế thừa truyền thống văn chương ma nhai Ngũ Hành Sơn, với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi trong và ngoài nước như: Quách Tấn, Thích Nhất Hạnh, Hoàng Châu Ký, Nguyễn văn Xuân, Tường Linh, Hoài Khanh, Bùi Giáng, A Khuê, Phạm Phú Hải, Đinh Trầm Ca, Huỳnh Ngọc Trảng, Đặng Tiến, Luân Hoán…
Cần nhắc lại, bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động, được xem là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ. Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Do đó, sự kế thừa, nối tiếp tinh thần truyền thống văn chương của ma nhai Ngũ Hành Sơn của ấn phẩm Diệu Âm cũng không phải là một khát vọng xa thực tế.
Tác giả Phan Xuân Sanh trong một bài viết có tên “Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca Việt Nam (Diệu Âm/ năm 2002) đã nhấn mạnh đến vai trò và sự ảnh hưởng của Phật giáo trong văn chương như sau: “ Những bài thơ Việt xuất hiện đầu tiên vào TK 13, những nhà thơ có tiếng đều thuộc hai TK cuối cùng và phần nhiều các thi phẩm có giá trị thuộc các TK 18, 19 này chịu ảnh hưởng Phật giáo như “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, “Sãi Vãi” của Nguyễn Cư Trinh, “Văn tế thập loại chúng sanh, “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, và một số tác phẩm của các tác giả vô danh như “Quan Âm thị Kính” …
Chính vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên, khi từ Diệu Âm, có những bài viết nhắc nhở người đọc những hình tượng và ý nghĩa gần gũi như ở bài “Tìm hiểu về Quan Thế Âm” của Thích Nguyên Hiền ( Diệu Âm/năm 1996). Trích đoạn : “Quán Thế Âm vừa là danh từ chung, vừa là danh từ riêng. Danh từ riêng là chỉ cho vị bồ tát nhờ nhiều kiếp tu hành mà thành Phật, hiện thân để hoá độ chúng sanh. Danh từ chung tức chỉ cho bất kỳ ai hễ nghe tiếng kêu đau khổ của chúng sanh là liền đến cứu độ. Đây là ý nghĩa nhân bản đặc thù của Phật giáo. Tất cả mọi người trong chúng ta ai cũng có thể là Quan Thế Âm, nếu thực hành đúng theo công hạnh của Ngài”.
Ở Diệu Âm, người đọc còn gặp gỡ các vấn đề văn hoá địa phương như: Đã tìm thấy Giấy khai sinh của bài vè Quảng Nam hay cãi (Thái Trung Lai); Thơ học trò, Nguyễn Nho Sa Mạc (Đặng Tiến/ Diệu Âm/ năm 2007); Đi đến là đi về ( Huỳnh Ngọc Trảng/ Diệu Âm/ năm 2005); Chùa làng trong tâm thức dân gian (Nguyễn Giao Thuỷ/ Diệu Âm/năm 2005); Về lai lịch tập “Ngũ Hành Sơn lục” (Nguyễn Sinh Duy/ Diệu Âm/năm 2004); Đôi nét về nghệ thuật Phật giáo Champa tại miền Trung VN (Trần Kỳ Phương)… Rồi những bài nghiên cứu lý luận : Nghe tiếng hoa khái? của Thích Nguyên Hiền (Diệu âm/năm 2007); dịch thuật: Thể nhập phạm trù thự tại (Joseph Goldstein/ Thích Nhuận Châu dịch)…
Càng thú vị biết bao, qua Diệu Âm khi tình cờ gặp lại những cây bút vang bóng một thời nay đã xa: Một thời du ký là bài biên tập và giới thiệu những thắng cảnh Bà Nà, Ngũ Hành Sơn… của Nguyễn Hữu Hương – một người làm báo tài năng thuộc thế hệ sau 1975 (nguyên phụ trách Tạp chí Khoa học phát triển, mất năm 2010). Bài viết Sông Thu Bồn của nhà văn Nguyễn văn Xuân (Diệu Âm/ năm 2004), những bài thơ độc đáo của Bùi Giáng, Trần Đới, Phạm Phú Hải…Có thể đó là những bài viết quý hiếm được Diệu Âm lưu giữ, không dễ tìm gặp nơi đâu.
Trải qua bao nhiêu khó khăn suốt một đoạn đường dài bền vững ngoài 30 năm. Diệu Âm hôm nay cũng làm gợi nhớ đến Tạp chí Tư Tưởng (ra đời năm 1967 và kết thúc năm 1975) của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Tờ này chủ nhiệm kiêm Chủ bút: Thượng tọa Thích Minh Châu, các thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát là phụ tá. Hoặc, tại thời điểm hiện nay là Tạp chí Giác Ngộ, Nghiên cứu Phật học, Văn hoá Phật giáo… Hoặc gần gũi hơn nữa, tại miền Trung là Tạp chí Liễu Quán của Trung Tâm Văn Hoá Phật giáo Liễu Quán Huế. Trung tâm này vốn được hình thành cách đây vừa tròn 55 năm, vào ngày vía Đức Phật Thành Đạo PL. 2514, ngày mồng 8 tháng chạp năm Kỷ Dậu (15-1-1970) là nơi tổ chức bao gồm các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thân của đời sống quần chúng với phương châm đạo pháp gắn liền với dân tộc..., mà Ấn phẩm Liễu Quán vốn là sự tiếp nối chặng đường mà Tập san Văn sử đã góp mặt trước kia (trước 1975 Tập san này thực hiện 4 số quay ronéo), tức luôn xác định cho mình một hướng đi theo đúng tinh thần Từ bi và Trí tuệ mà Đức Phật đã dạy.
Cũng như những ấn phẩm nêu trên, Diệu Âm thực sự là môt chuyên đề độc đáo của xứ Quảng mỗi dịp đón mừng Lễ hội Quan Thế Âm, nhằm giúp các quý tăng, ni, học giả nghiên cứu, trao đổi và cùng nhau phổ biến tri thức Phật pháp… là nhịp cầu nối giữa Phật giáo với đời sống, chú trọng truyền tải các thông tin Phật học ứng dụng theo tinh thần hộ trì và xiển dương Phật pháp, đăng tải các thông tin nghiên cứu chuyên sâu theo các chuyên đề cụ thể, đem lại lợi lạc quần sinh và góp phần định hướng dư luận, ổn định xã hội./.
Ảnh: 1/ Các ấn phẩm Diệu Âm của Lễ hội Quan Thế Âm góp mặt từ hơn 30 năm qua

2/ Diệu Âm số mới nhất đón Lễ hội Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn TP Đà Nẵng 2025
