Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.137 tác phẩm
2.769 tác giả
552
126.872.265
 
Tàu xa dần rồi …
Phan Văn Thạnh

 

 

Chiều buông thẳng cánh - vùng trời Tp Thủ Đức càng lúc càng lún sâu ngang tầm mắt - tôi cố ngoi lên nắm níu những tia nắng yếu ớt cuối ngày - tôi nghe rõ từng miếng đêm bong vỡ nhòe nhoẹt .

Thanh chắn hạ xuống,chuông reo inh ỏi - cô gái đưa cao cờ làm hiệu - đèn chớp nhấp nháy - đoàn tàu dài sọc trên 20 toa cắt mặt lao nhanh về phía Bình Triệu - bánh sắt nghiến rầm rầm như muốn bật tung các thanh ray.Con tàu vùn vụt  lướt qua bỏ lại tôi với cổng thiền Ưu Đàm lặng lẽ trong màn u minh của cõi ta bà…

Những thanh âm xa xôi  - “Sân ga - con tàu - trời khuya - hồi còi rền rĩ” miết vào lòng người tê tái như muốn ôm trọn nỗi sầu nhân thế - tôi nghe vẳng tiếng thơ thi sĩ Tế Hanh -  cảm xúc thơ phát đi từ  “cái tôi trữ tình” da diết đến tận hôm nay.

-Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi, đến những ga,

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

 

-Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau:

Có chi vương víu trong hơi máy,

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

 

-Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề;

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ:

Lòng của người đi réo kẻ về.

 

 

-Kẻ về không nói bước vương vương...

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường

Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

(Vu vơ - tập thơ Nghẹn ngào - Tế Hanh -1939)

 

Hình tượng “chuyến tàu đêm” có mặt trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam như một “công cụ”văn chương phản ánh tinh tế hiện thực cuộc sống ở vùng quê miền Bắc trước 1945 .Hai chị em Liên và An thao thức chờ đợi đoàn tàu từ Hà Nội về qua. Tiếng còi rít lên, khối sắt rầm rộ lao tới - vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh xuống đường - những toa hạng sang lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh,các cửa kính sáng. Đoàn tàu lao đi vào đêm tối, những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.Khát vọng nhạt nhòa tắt lịm - đêm của đất quê vẫn kín bưng - ngoài kia, đồng ruộng mênh mang câm lặng -  biết đến bao giờ cuộc sống mới đổi thay sáng sủa ? Ấy là câu chuyện của ngày xa xưa…thế mà có lúc nó lại lởn vởn ở nửa cuối thế kỷ XX thời “bao cấp” …

Mô típ “sân ga,con tàu”- chìm vào những cung nhạc buồn áo não thời chinh chiến phương Nam. “Tàu cũ năm xưa”của Trúc Phương chơi vơi nỗi niềm vĩnh biệt - mong nhớ - tuyệt vọng. “Đưa tiễn người trai lính về ngàn"- xem như là một chấm hết bi đát !- “trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về”.

 

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga

Đưa tiễn người trai lính về ngàn

Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay

Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo

 

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời

Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,

chuyến xe đêm lạnh không…

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?

Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về.

(Tàu đêm năm cũ - Trúc Phương - 1961)

 

Quê hương tàn cơn khói lửa - thanh bình trở lại - vẫn là những toa tàu của năm xưa  - nhưng giờ đây  mở ra một phản quang mới - ánh lên sức sống - cất  lên lời yêu tha thiết  - ngan ngát hương đời - “Má em ửng hồng vì thẹn thùng khi bên nhau”…

 

Đường tàu mùa xuân nay biết em đang mong chờ

Tàu về tàu đi như mang theo niềm nhung nhớ

Chuyện gần chuyện xa biết đâu em hờn dỗi

Má em ửng hồng vì thẹn thùng khi bên nhau

 

Trên sân ga chiều người đông nhưng ai cũng lạ

Tình cờ gặp nhau ngỡ như mình quen quá

Chuyện gần chuyện xa mới hay anh từ giã

Em trách con tàu sao nỡ vô tình rời sân ga…

(Chiều Sân Ga - Sông Trà)

 

Gác chắn bật lên - dòng xe chen chúc lối vào - tàu xa dần,mất hút - tôi bâng khuâng chờ em về ... Mai kia mốt nọ “metro, tàu cao tốc” có đẩy lùi những khối thép cổ lỗ sĩ vào kho phế liệu - thì tiếng xưa vẫn còn đó - lòng của người đi réo kẻ về - vẫn còn đây !

 

 

(Tp Thủ Đức -12/3/2025)

-Tế Hanh (1921 - 2009) tên thật là Trần Tế Hanh, sinh tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mất tại Hà Nội

-Thạch Lam(1910-1942),tên thật Nguyễn Tường Vinh,nhà văn Việt Nam thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn. “Hai đứa trẻ” - trích tập Nắng trong vườn (NXB Đời nay, Hà Nội, 1938)

-Trúc Phương (1933 – 1995) quê xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh -  là nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình Bolero tiêu biểu ở miền Nam trước 1975. Nhiều ca khúc của ông trở thành bất hủ được yêu thích cho đến nay như : - Ai cho tôi tình yêu Bóng nhỏ đường chiều, Buồn trong kỷ niệm,Con đường mang tên em,Để trả lời một câu hỏi,Đò chiều,Đôi mắt người xưa,Tàu đêm năm cũ,Hai chuyến tàu đêm ,Hai lối mộng …

-Nhạc sĩ Sông Trà sinh năm 1937, tên khai sinh là Trần Hữu Châu, nguyên quán xã Hành Phước (Nghĩa Hành). Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn (trước năm 1975)…

 

 

 

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 61
Ngày đăng: 25.03.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dân Sài Gòn và tách cà phê nhỏ giọt - Đào Như
“Bà Hoàng” Nhóc - Nguyễn Anh Tuấn
Tình xuân biển đảo - Đỗ Quyên
Khi bước vào tuổi 90 - Đào Như
Viết gì cho ngày Valentine! - Hoàng Thị Bích Hà
Hồn Xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Lo ăn tết, có mệt nhưng vui - Phạm Nga
Một đoản khúc của nhà thơ Từ Sâm - Mỹ Lệ
Tháng chạp cố quận vào Xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Sương khói mùa Xuân - Bùi Hoàng Linh
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)