Khoảng vài năm trở lại đây Vũ Quần Phương lấy lại được sự sung sức trong sáng tác mà tập thơ mới Ngỗng trời kêu xa xứ (2023) đã như một bằng chứng khả tín. Thơ Vũ Quần Phương đứng được theo thời gian nhờ đi trúng theo cái dòng chung của nền thơ hiện đại: đổi mới trên cơ sở truyền thống - Dân tộc mà Hiện đại! Thơ ông kết nối được những điều mà nhiều khi tưởng như đối lập, nghịch dị! Mới nhưng không“rối rắm”, dân dã nhưng không thô mộc, rất suy tư nhưng cũng rất trữ tình, tinh tế mà không cầu kỳ, các bài Bức tranh cuối của Bùi Xuân Phái, Thơ tặng bạn thơ, Bài thơ không thành, Đêm nghe tiếng cháu…là những tiêu biểu. Thế sự, trữ tình, đạo lý, tình yêu, minh triết, các mảng chủ đề chòng chéo tạo bề sâu trong thơ ông, nói cái này mà lồng sang cái kia, nhiều hình tượng thơ gợi nhiều suy cảm ở người đọc.
Toát lên từ cái ấn tượng chung trên các trang thơ của ông, trên các mảng đề tài rộng mở là một tấm lòng lo lắng về thời cuộc, ý thức trách nhiệm của người công dân và ý tưởng hướng về cái đẹp. Một vốn văn hoá sâu rộng, một vốn sống phong phú tạo một trường liên tưởng tự nhiên thích hợp làm nền cho những tìm tòi tưởng đơn giản nhưng càng đọc càng thấm thía.
Xét trên phương diện đề tài Vũ Quần Phương đã mở rộng biên độ ra nhiều phương diện đời sống nên đọc thơ ông người đọc không bị nhàm chán mà như được khám phá. Từ xa xôi, ông nói về sự thăng trầm của vận nước, về tấm lòng về trách nhiệm của người đời: Thăng Long đang tiến về nghìn tuổi / Dưới trăng lớp lớp nhà cao ngất/ ...Lịch sử cái ông già lẩm cẩm/ Hỏi suốt nghìn năm vẫn ậm à...( Ậm à). Đến thu hẹp lại chỉ một việc uống trà, nhấc chén trà trong đêm mà“ngộ” ra biết bao điều: Giọt. Từng giọt/ như người đánh thức/ ngoài trời đang còn đêm/ người đang ngủ, đang mơ, đang nói mơ./ Ngón tay nâng trà lên/ thanh khiết /biển xa, núi biếc/ chén trà nâng/ Nghe!/ Biết !( Trà đạo). Từ việc uống trà, tác giả nói đến nhân tình thế thái về sự thật- giả ở đời, không những thế ông còn lồng vào đó tấm lòng lo lắng vì dân vì nước: Đừng nói chuyện uống trà/hãy đi khoan giếng… cứu nước thời nay như cứu cháy/ cũng cứ phải lặn vào tận đáy/ nỗi khát người/ may ra...( Phản trà đạo). Nhiều ý thơ như là lời bóng gió, cách nói mở rộng tầm suy nghĩ người đọc hơn là nói thẳng cả ra, âu cũng là mượn lối ví von của người xưa .
Bên dưới những cảnh đời, những tình người, nói về lịch sử cũng như nghệ thuật là một ám dụ về đời sống hiện tại, lãng đãng màn sương triết lý tâm linh. Nói về Nguyễn Trãi, Chu Văn An hay Gia Long, nói về tranh Bùi Xuân Phái, thơ Huy Cận hay chữ nghĩa văn chương, ông có những tâm sự, những ký thác: Đừng tưởng làm thơ không có tội/ trắc bằng lắm lối/ không đưa ai qua sông/ mà người chết đuối (Thơ tặng bạn thơ). Thơ viết về Bùi Xuân Phái thật cảm động, sâu sắc: người hoạ sĩ đi khắp gầm trời, ngắm nghía trăm nơi, nhưng chính bàn chân mình ông chưa kịp tới, đó là bàn chân trần vuông vức cần lao, những ngón xoè bấm trên mặt đất/ đôi gót dày rỗ vết chông gai - bàn chân Con Người, chủ thể sáng tạo trên mặt đất; mong ước của người hoạ sĩ cũng là mong ước của nhà thơ , xin độ lượng của đời: được ở lại bàn chân/ cho lòng ông ấm mãi với đường trần ( Bức tranh cuối của Bùi Xuân Phái). Trong suy cảm của Vũ, khi đi gần hết cuộc đời nhà danh hoạ lại muốn hiểu mình, muốn hiểu cuộc sống mình thêm, cái chấm nhỏ mong manh trong đường trần vô hạn mà lúc bình sinh ông chưa kịp tới, chưa hiểu hết ! Một tâm hồn cầu thị! Hay khi ông nói về nỗi Nhớ Huy Cận:
Sợi dây căng đất với trời/ Bập bùng tiếng lửa nói lời xa xăm
Dấu chân in giữa đường trần/ Những đêm gió trở vẫn thầm thĩ đau
Gió rừng thổi trắng bờ lau/ Hồn sông rộng nhớ nhịp cầu ngày xưa
Nỗi gì thao thức đêm mưa/Tai nghiêng trời rộng tai chờ lời yêu
Tình yêu, Quê hương, Vũ trụ… là nét khái quát về thơ Huy Cận ông khắc họa đơn sơ mà sâu lắng. Và nỗi bật vẫn là dấu chân, nhưng dấu chân thi sĩ Huy Cận ông hướng nhiều đến thế giới đại ngã đất với trời/ đường trần/ trời rộng/ hồn sông rộng hơn là tiểu ngã, hiểu mình của nhà họa sĩ! Qua hai chân dung, hình ảnh người nghệ sĩ trong thi ca đương đại, tính cá biệt quả thực dễ nhận ra .
Tình cảm gia đình là một đề tài hay gặp trong thơ ông sau này. Đó là tình cha con, ông cháu, tình cảm người con xa quê ( Đón giao thừa, Đêm nghe tiếng cháu, Thơ tặng cháu). Những bài thơ chân thành tha thiết, nhưng ông còn gửi vào đó cả những suy tư về thế sự , về nỗi đời, nỗi người nên có sức nặng, sự ám ảnh nhất định:
...Ừ vui, vui chứ! vui cay mắt/ Đời người, năm tháng... như chiêm bao
...Một năm gom lại bao thương nhớ/ Một đời đồng bãi, luỹ tre xanh...
( Đón giao thừa)
Hay: Cong cong là cái đường đời/ Chân lem cát bụi lệ ngời long lanh
Cháu mơ ...rồi ngủ êm lành/ Ông nghe thức cả đời mình ô... ê
(Đêm nghe tiếng cháu )
Đêm cháu ngủ vô tư, ông trăn trở với tuổi già và chợt “ngộ” ra cả sự ô...ê của đời mình. Năm tháng trôi đi mình chưa làm được gì cho cuộc đời, “ngộ” ra rồi thiếp đi đó là cái trạng thái ô..ê...đầy minh triết của ông, của Con Người thấm nhuần chữ “vô” an nhiên trôi theo dòng đời theo cách nói của tác giả Đạo đức kinh.
Đối tượng thẩm mỹ mà ông hướng đến trong thơ quả thật phong phú, đa dạng , từ thực đến ảo, từ xa đến gần, từ hiện tại đến quá khứ, một thế giới nhân sinh đa sắc màu.
Một điều dễ cảm nhận ở thơ Vũ Quần Phương là cái chất trào lộng, cái hài để phân biệt nét riêng trong dòng chảy thơ hiện đại. Bài thơ chỉ bằng vài nét chấm phá có tính đối lập ông trình bày một suy tư rất khái quát, sâu sắc về lẽ đời Ngoài chùa giông bão, trong chùa Phật cười, vì baõ giông chẳng bao giờ ướt được chỗ ông Phật ngồi, vị trí ưu tiên mà người đời dành cho ông: - Ô hay!/ Ông Phật bật cười/ - Đừng nhầm gỗ mít với tôi trong chùa ( Phật cười ). Phật cười vì cái nguỵ tín cuả người đời đối với ông. Thực ra cũng là gỗ mít cả mà! Các chi tiết mái tam quan, ông Phật cười, gỗ mít, lời đối đáp..., xen quyện trong câu thơ lục bát vắt dòng, bài thơ như một hoạt cảnh nhỏ dân dã trào lộng nhẹ nhàng mà cũng rất mới mẻ sâu kín! Ở bài thơ Cửa hàng gốm sứ, ông lập tứ bằng lối ẩn dụ nói bóng gió, lấy vật nói người, lấy xưa nói nay, sự so sánh ngược (nghịch dụ) tương phản bên ngoài bên trong, hình thức và nội dung...Từ chiếc khánh đất, cái lọ men kiêu sa, từ cô gái quan họ Kinh Bắc lưng thon, tóc đuôi gà, từ con cọp đang gầm, chú hề cười đại đao sáng quắc, từ vua quan sĩ tử rầm rập ngựa voi đến tổng thống, công nương oai vệ, phong lưu, kiêu hùng..., tất cả trong cửa hàng gốm sứ đều Từ đất / Bàn tay thô trau chuốt mà thành. Thời gian trôi đi, lịch sử qua đi, tất cả chỉ là Mảnh sành ngoài bụi tre. ( Cửa hàng gốm sứ ). Bài thơ gợi nhớ vở kịch Con Rồng tre (1922) của Nguyễn Aí Quốc viết năm Khải Định sang Pháp dự Hội nghị đấu xảo thuộc địa. Ông châm biếm những kẻ bất tài hư danh trong quá khứ :
…Mà nghĩ cũng thương các đại thần ơi
thân vinh hiển chầu vua... thành đá cả
đá gương mặt, đá tấm lòng, nếp cờ bay cũng đá
một lần chầu kiếp kiếp phải khom lưng...
( Khải Định)
Bài thơ trên cũng như hầu hết các bài thơ khác, ông ưa xử dụng lối kết cấu “điểm đọng”- sự dồn nén ý tưởng vào câu cuối. Mâu thuẩn, sự hồi hộp được dắt dẫn để rồi vỡ oà ở cái kết thúc, cái thông điệp lặn chìm qua các câu thơ, khổ thơ hiện lên ở câu cuối đi vào tâm thức ngừơi đọc một cách đột ngột mà dai dẳng, sâu sắc.
Ngày trước thơ ông đi gữa Bằng Việt và Lưu Quang Vũ, giữa suy lý và trữ tình. Giờ đọc Vũ Quần Phương, thấy vẫn kết hợp được hai yếu tính đó, thấy“mới” hơn nhưng không khiên cưỡng vì nó xuất phát từ bên trong. Có thể cái bên trong đó đôi lúc chưa thật mãnh liệt, nó chỉ mới dừng lại mức chiêm nghiệm sự đời. Nhưng khó có thể yêu cầu nhà thơ nào cũng triệt để toàn diện! Cám ơn những “tâm sự thơ” của một cây bút đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với Nghề. Nhớ lại mấy lời tâm sự của ông Là nghề mà cũng chẳng phải là nghề/ Vì nó nhưng cũng đừng vì nó ( Kỷ yếu HNV 2010, tr 775). Với Thơ, ông không lấy nó làm mục đích tự thân mà đặt nó sau cuộc đời, có lẽ vì vậy Thơ ông nói nhiều về thế sự, vui buồn cùng thế sự! Sau bao nỗi thăng trầm của Thơ, trong cái mơ hồ đa nghiệm của thơ đương đại, ta càng thấy rõ cái điều giản dị đáng quí mà ông tâm sự ./.